BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 2. NGƯỜI PHỤ NỮ SAMARI. “CHO TÔI XIN CHÚT NƯỚC UỐNG!” (Ga 4, 7)

Written by xbvn on Tháng Ba 27th, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Tâm linh, Thế Giới

Trong bài giáo lý được chuẩn bị cho buổi tiếp kiến ​​chung dự kiến ​​vào Thứ Tư, ngày 26 tháng Ba, nhưng bị hủy bỏ do tình trạng sức khỏe, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến kinh nghiệm của người phụ nữ Samari được nhắc đến trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Dựa trên cuộc gặp gỡ bên giếng giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ này, người “có lẽ đã cảm thấy bị phán xét và hiểu lầm”, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta hãy “đặt gánh nặng quá khứ của chúng ta dưới chân Chúa”, và trên hết đừng đánh mất niềm hy vọng.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 26/3/2025 :

Anh chị em thân mến,

Sau khi suy ngẫm về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô, người đã kiếm tìm Đức Giêsu, hôm nay chúng ta sẽ suy tư về những khoảnh khắc mà dường như Người đang chờ đợi chúng ta ngay tại những giao lộ của cuộc đời. Đó là những cuộc gặp gỡ khiến chúng ta ngạc nhiên, và ban đầu có lẽ chúng ta có chút e dè; chúng ta cố gắng trở nên thận trọng và tìm hiểu xem những gì đang xảy ra.

Đây hầu như cũng là kinh nghiệm của người phụ nữ Samari, được nhắc đến trong chương bốn của Tin Mừng Gioan (x. 4, 5-26). Chị ấy không trông mong tìm được một người đàn ông ở giếng nước vào buổi trưa; thật vậy, chị hy vọng không tìm thấy ai cả. Thực ra, người phụ nữ này đi lấy nước từ giếng vào một giờ bất thường, khi trời rất nóng. Có lẽ cô xấu hổ về đời sống của mình, cảm thấy bị đánh giá, bị kết án, chứ không được thấu hiểu, và vì lẽ này, cô đã tự cô lập mình, phá vỡ những mối tương quan với mọi người.

Để đi từ Giuđê đến Galilê, Đức Giêsu lẽ ra phải chọn một con đường khác và không đi qua Samaria. Điều đó cũng sẽ an toàn hơn vì những mối quan hệ căng thẳng giữa người Do Thái và người Samari. Thế nhưng Người muốn đi qua vùng đất này, và dừng lại ngay tại giếng nước ấy, ngay đúng lúc đó! Đức Giêsu chờ đợi chúng ta và để chúng ta tìm thấy Người chính vào lúc chúng ta nghĩ rằng mình không còn hy vọng nào nữa. Giếng nước, vào thời Trung Đông cổ đại, là nơi gặp gỡ, nơi mà đôi khi các cuộc hôn nhân được sắp đặt; đó là nơi đính ước. Đức Giêsu muốn giúp người phụ nữ hiểu được đâu mới là câu trả lời đích thực cho khát khao được yêu thương của mình.

Chủ đề khát khao là cần thiết cho việc thấu hiểu cuộc gặp gỡ này. Đức Giêsu là người đầu tiên tỏ bày khát khao của Ngài: “Cho tôi chút nước uống!” (c. 10). Để mở ra cuộc đối thoại, Đức Giêsu khiến mình trông có vẻ yếu đuối, nhằm giúp người khác cảm thấy thoải mái, đảm bảo rằng cô không hoảng sợ. Cơn khát, ngay cả trong Kinh Thánh, thường là hình ảnh của niềm khát khao. Nhưng ở đây, Đức Giêsu trước hết khát khao ơn cứu độ của người phụ nữ. Thánh Augustinô nói: “Đấng đang xin nước uống lại đang khát chính đức tin của người phụ nữ”. (Bài giảng 15,11)

Trong khi Nicôđêmô đến gặp Đức Giêsu vào ban đêm, thì ở đây Ngài gặp người phụ nữ Samari vào giữa trưa, thời điểm nhiều ánh sáng nhất. Đó thực sự là khoảnh khắc mặc khải. Đức Giêsu tỏ cho người phụ nữ biết Ngài là Đấng Mêsia và cũng chiếu sáng trên cuộc đời của chị. Ngài giúp chị đọc lại lịch sử của mình, vốn khá phức tạp và đau thương: chị ta có năm đời chồng và giờ đây đang ở với người thứ sáu không phải là chồng mình. Con số sáu không phải là ngẫu nhiên, nhưng thường ngụ ý sự bất toàn. Có lẽ đó là sự ám chỉ đến chàng rễ thứ bảy, người cuối cùng sẽ làm no thỏa niềm khát khao được yêu thực sự của người phụ nữ. Và chàng rễ đó chỉ có thể là Đức Giêsu.

Khi nhận ra rằng Đức Giêsu biết rõ cuộc đời mình, người phụ nữ chuyển cuộc trò chuyện sang vấn đề tôn giáo vốn gây chia rẽ giữa người Do Thái và người Samari. Điều này đôi khi cũng xảy ra với chúng ta khi cầu nguyện: lúc mà Thiên Chúa chạm đến cuộc đời chúng ta, với những vấn đề của nó, thì chúng ta nhiều khi lạc vào những suy tư khiến chúng ta ảo tưởng rằng mình đang cầu nguyện sốt sắng. Thực tế là chúng ta đã dựng nên những rào chắn bảo vệ. Tuy nhiên, Chúa luôn cao cả hơn, và với người phụ nữ Samari, mà theo những quy tắc văn hóa, Ngài thậm chí không nên trò chuyện, thì Đức Giêsu lại ban tặng mặc khải lớn nhất: Ngài nói với chị về Chúa Cha, Đấng được tôn thờ trong thần khí và sự thật. Và khi người phụ nữ, một lần nữa kinh ngạc, nhận ra rằng, về những điều này, tốt hơn nên chờ đợi Đấng Mêsia, thì Ngài nói với chị ấy: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (c. 26). Đó như là lời tuyên bố của tình yêu: Đấng các con đang chờ đợi chính là Ta; Đấng duy nhất có thể đáp trả lại khát khao được yêu thương của các con.

Về điểm này, người phụ nữ chạy đi gọi dân làng, bởi vì sứ mạng đích xác bắt nguồn từ kinh nghiệm cảm thấy được yêu thương. Và lời loan báo nào mà chị ấy có thể mang lại là gì, nếu không phải là kinh nghiệm được thấu hiểu, đón nhận, tha thứ của mình? Đó chính là hình ảnh mà chúng ta nên suy tư trong việc tìm kiếm những phương thế mới mẻ để loan báo Tin Mừng.

Tựa như một người đang yêu, người phụ nữ Samari quên vò nước của mình, để nó lại dưới chân Đức Giêsu. Sức nặng của vò nước trên đầu chị, mỗi lúc chị trở về nhà, nhắc nhớ chị về tình trạng cũng như đời sống khó khăn của mình. Nhưng giờ đây, vò nước được để lại dưới chân Đức Giêsu. Quá khứ không còn là một gánh nặng nữa; người phụ nữ được giao hòa. Và điều đó cũng đúng với chúng ta: để ra đi và loan báo Tin Mừng, trước hết chúng ta cần đặt gánh nặng của lịch sử chúng ta dưới chân Chúa, để ký thác cho Ngài sức nặng nơi quá khứ của chúng ta. Chỉ những người được giao hòa mới có thể mang Tin Mừng đến cho người khác.

Anh chị em quý mến, chúng ta đừng đánh mất niềm hy vọng! Dù lịch sử của chúng ta xem ra nặng nề, phức tạp, thậm chí đổ vỡ đi chăng nữa, chúng ta luôn có khả năng phó dâng nó cho Thiên Chúa và bắt đầu lại hành trình của mình. Thiên Chúa giàu lòng xót thương và luôn chờ đợi chúng ta!

——————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30