TÌM HIỂU CHỦ ĐỀ ‘HIỆP HÀNH’ CỦA THĐGM 16
TÌM HIỂU CHỦ ĐỀ ‘HIỆP HÀNH’ CỦA THĐGM 16
(Tổng hợp các bài viết liên quan trên Facebook Le Cong Duc Lm)
I. MISSION: SỨ VỤ HAY SỨ MẠNG?
Tôi đã viết về chuyện ngữ nghĩa liên quan đến hai từ này vài lần rồi. Nay lại thấy cần viết tiếp. Số là vừa qua tôi được yêu cầu sửa các từ ‘sứ mạng’ trong bản dịch Văn kiện Chung kết THĐGM 16 của mình thành ‘sứ vụ’. Tôi không đồng ý, nhưng cũng không thuyết phục được người đề nghị như thế. Rốt cuộc, tôi đành chấp nhận rút lui khỏi bản dịch chính thức! Vậy chuyện về hai từ ‘sứ vụ’ và ‘sứ mạng’ thế nào?
Trong từ ‘sứ vụ’ thì ‘vụ’ có nghĩa là ‘việc’ (x. Thiều Chửu, Hán Việt Tự điển, Nxb. Thanh Niên, 2003, tr. 52). ‘Việc’ ở đây nhằm chỉ những công việc cụ thể nào đó. Còn từ ‘sứ mạng’ nhằm chỉ toàn bộ công cuộc. Như vậy, ‘sứ vụ’ ở trong ‘sứ mạng’ và thuộc về ‘sứ mạng’. Một từ tương đương của ‘sứ vụ’ là ‘tác vụ’ hay ‘thừa tác vụ’, cũng nói đến những công việc cụ thể nào đó được trao cho để làm.
Trong tiếng Anh, ‘sứ vụ’ hay ‘tác vụ’ là ‘ministry’ (từ gốc Latinh là ‘ministerio’, nghĩa là ‘việc phục vụ’); còn ‘sứ mạng’ là ‘mission’ (từ gốc Latinh là ‘missio’). Hãy ghi nhận, khi nói đến ‘sứ vụ của Chúa Giêsu’ thì đó là nói đến những việc Người làm trong ba năm hoạt động công khai, không bao gồm những giai đoạn khác trong cuộc đời của Người. Còn ‘sứ mạng’ của Chúa Giêsu là gì? Là toàn bộ công cuộc cứu độ mà Người đảm nhận, tức toàn bộ mầu nhiệm của Người. Ví dụ khác, khi nói đến ‘sứ vụ’ linh mục thì đó là nói đến ‘tác vụ’ mà linh mục được trao để thi hành, do Bí tích Truyền chức thánh – ‘sứ vụ’ này cùng với những ‘sứ vụ’ khác của những ơn gọi khác nằm trong toàn bộ công cuộc ‘sứ mạng’ của Giáo hội.
Cũng cần lưu ý, ‘sứ mạng’ của Giáo hội trong Thánh Thần, theo nghĩa rộng nhất, chỉ có một – đó là ‘sứ mạng’ nhận lãnh từ Chúa Giêsu , bắt nguồn từ ‘sứ mạng của Thiên Chúa’ (missio Dei). Tuy nhiên, từ ‘sứ mạng’ cũng được áp dụng cho những ‘toàn bộ công cuộc’ nào đó của các cá nhân, nhất là các tổ chức trong Giáo hội (như các dòng tu, các hiệp hội, phong trào), miễn là có ý nói đến toàn bộ công cuộc chứ không phải nói về những phần việc phân biệt trong công cuộc đó.
Tháng 6 năm 2024, tôi được tham dự Khóa Hội thảo Dịch thuật Văn bản Giáo hội do Văn phòng Truyền thông của FABC tổ chức. Trong tiến trình chuẩn bị trước đó, các tham dự viên được phép đề nghị các mục từ Anh ngữ cần được giải nghĩa sáng tỏ nhằm thực hiện một Bảng Từ Vựng (glossary). Trong số những từ tôi đề nghị có hai từ ‘ministry’ và ‘mission’. Cuối cùng, khi Bảng Từ Vựng ấy được tổng hợp và giải nghĩa, đưa vào quyển Thủ Bản Dịch Thuật (Handbook for Translators), tôi thấy hai từ ấy được giải nghĩa như sau:
– MINISTRY: Any action taken on behalf of the Church that serves its mission in some way.
– MISSION: The Church’s purpose to proclaim the Gospel and serve humanity.
Rõ ràng, ‘ministry’ thuộc về ‘mission’, tức là ‘sứ vụ’ thuộc về ‘sứ mạng’. Không phải ngẫu nhiên mà ‘ministry’ còn được thấy dùng để chỉ các bộ khác nhau trong chính phủ, có thể hiểu rằng toàn bộ công cuộc của chính phủ là ‘mission’, và các ‘ministry’ phục vụ cho ‘mission’ ấy. Các bộ trưởng là những cán bộ đảm trách các ‘ministry’ để phục vụ dân chúng, theo nghĩa ‘việc phục vụ’ này của từ Latinh ‘ministerio’, thì câu khẩu hiệu ‘cán bộ là đầy tớ nhân dân’ thật là chí lý và rất đúng với Phúc Âm!
Tóm lại, không thể lẫn lộn hai từ ‘sứ vụ’ và ‘sứ mạng’ – cũng như trong Anh ngữ, chẳng hạn, người ta phân biệt rành mạch giữa ‘ministry’ và ‘mission’.
II. “HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH”: CÓ PHẢI LÀ “HƯỚNG TỚI”?
Ngay từ đầu và cho đến nay, chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục Lần Thứ 16 (2021-2024) được diễn đạt chính thức trong tiếng Việt là “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ”.
Về từ ‘sứ vụ’, tôi đã chia sẻ ở phần trên, và đề nghị dùng từ ‘sứ mạng’ (hay ‘sứ mệnh’) ở đây sẽ tốt hơn. Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề cần xem xét. Chẳng hạn, từ ‘hiệp hành’ có ý nghĩa gì? Ba chiều kích ‘hiệp thông, tham gia, sứ mạng’ ấy phải được hiểu như thế nào? Và ‘hướng tới’ có thể được thay bằng một cách hiểu và cách dịch khác chính xác hơn không? Ở đây, tôi xin đề cập đến vấn đề cuối cùng vừa nêu, với mục đích góp phần làm sáng tỏ tính ‘hiệp hành’ (tức tính ‘đồng hành đồng nghị’) của Giáo hội.
Trước hết, xin dẫn lại cách diễn đạt chủ đề nói trên trong các ngôn ngữ Ý, Pháp, và Anh:
– Tiếng Ý: PER una Chiesa sinodale: Comunione, partecipazione, missione.
– Tiếng Pháp: POUR une Église synodale: Communion, participation, mission.
– Tiếng Anh: FOR a synodal Church: Communion, participation, mission.
Ta ghi nhận lần lượt cách dùng từ trong ba thứ tiếng trên: ‘per’ chứ không phải là ‘verso’ (tiếng Ý); ‘pour’ chứ không phải là ‘vers’ (tiếng Pháp), và ‘for’ chứ không phải là ‘toward’ (tiếng Anh). Điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa rằng từ tương ứng trong tiếng Việt nên là ‘cho’ hay ‘vì’, chứ không phải là ‘hướng đến’! Chẳng hạn, có thể dịch chủ đề ấy như sau: “Vì một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ mạng”.
Đâu là sự khác biệt giữa ‘hướng đến’ và ‘vì’ (hay ‘cho’)? Từ ‘hướng đến’ ngụ ý rằng tính hiệp hành là điều chưa có, chưa từng có, còn ở phía trước, và Hội Thánh đang nhắm để đạt được như một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ của mình.
Trong khi đó, từ ‘vì’ (hay ‘cho’) ngụ ý rằng tính hiệp hành vốn là một chiều kích cấu thành Hội Thánh, là ‘phong cách sống và hoạt động’ (modus vivendi et operandi) của Hội Thánh, và hiện nay vì nhiều lý do tính hiệp hành ấy mờ đi, không được rõ nét, nên Hội Thánh muốn nỗ lực làm cho nó rõ nét hơn nơi mình. Đây chính xác là cách hiểu chính thức được trình bày từ đầu đến cuối trong suốt tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua (x. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh, 2.3.2018, số 6; Tài liệu Chuẩn Bị Thượng Hội đồng Giám mục XVI, 9.2021, số 10; Văn kiện Chung kết THĐGM 16, 26.10.2024, các số 12, 28, 30, 43).
Các nguồn dẫn trên đồng thanh xác nhận tính hiệp hành là ‘phong cách’, là ‘tâm thế thiêng liêng’, là ‘linh đạo’, là ‘chiều kích cấu thành’ của Hội Thánh. Tích cực đưa Văn kiện Chung kết Thượng Hội đồng Giám mục vào thực hiện, đó là chúng ta cố gắng sống và hành động đúng bản chất của mình là Hội Thánh, chứ không phải là phát minh và trang bị một cái gì hoàn toàn mới lạ!
Vì một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ mạng!
III. ‘HIỆP HÀNH’ NGHĨA LÀ GÌ?
Chúng ta đang ở thời điểm tháng 4.2025, đã bước vào giai đoạn thực hiện đường hướng ‘hiệp hành’ của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16. Đã có Văn kiện Chung kết trong tay, chúng ta có điều kiện để hiểu rõ hơn ‘hiệp hành’ nghĩa là gì và bao hàm những gì.
Nhớ lại, kể từ cuối tháng 10.2021, từ ‘hiệp hành’ được chọn để dịch ‘synodal’/ ‘synodality’ (Anh ngữ). Dạo ấy, không như bây giờ, chúng ta nghe nói rất nhiều về ‘hiệp hành’ – có điều là phần đông không rõ nghĩa lắm, vì đây là một từ hoàn toàn mới được chế ra. Một số người chất vấn, vì thế đã có những cố gắng giải thích. Tiếc là những sự giải thích tại thời điểm ấy xem ra khá lúng túng. Chẳng hạn, bảo vệ từ ‘hiệp hành’ bằng cách hạ giá từ ‘đồng hành’, hoặc dò dẫm xem ‘hiệp’ là gì và ‘hành’ là gì, rồi ghép lại cách khá vu vơ so với ý nghĩa thực của ‘synodality’!
‘Hiệp hành’ là từ mới chế ra, nhưng chế để dịch, vì thế ý nghĩa của nó không thể do ta tưởng tượng ra, mà phải tham khảo từ gốc. Nguồn tham khảo có thẩm quyền nhất cho việc hiểu ý nghĩa của ‘hiệp hành’ vào thời điểm khai mạc THĐGM 16 là Tài liệu ‘Synodality in the life and mission of the Church’ (Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh) của Ủy ban Thần học Quốc tế, đã công bố ngày 2.3.2018, với sự ưng thuận của Đức thánh cha Phanxicô. Nguồn tham khảo có thẩm quyền nhất hiện nay dĩ nhiên là Văn kiện Chung kết Thượng Hội Đồng – nhưng cần ghi nhận ngay rằng chính Văn kiện Chung kết này khi diễn nghĩa tính ‘hiệp hành’ (synodality) cũng chủ yếu dựa vào Tài liệu nói trên của UBTH Quốc tế (x. VKCK, các số 28, 30, 31 và 33).
Vậy Tài liệu ‘Synodality in the life and mission of the Church’ của UBTH Quốc tế nói gì về ý nghĩa của tính ‘hiệp hành’? Đọc kỹ hai số 3 và 4 của Tài liệu này, chúng ta sẽ thấy rõ:
– số 3: cho biết ‘synod’ (σύνοδος) qui chiếu đến những người ‘cùng đi Đạo’, tức ‘cùng nhau trên Đường’, liên quan đến cách mà sách Công vụ Tông đồ gọi các tín hữu là những người ‘theo Đạo’ (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22). Đạo là Đường, dĩ nhiên, và đó là chính Đức Giêsu Kitô (x. Ga 14,6). Như vậy, ‘synodality’ là tính ‘đồng đạo’(cùng trên đường), hay tính ‘đồng hành’ (cùng đi) – hai từ này được kể là tương đương. Và cả hai từ đều có sẵn, rất quen thuộc. Nhưng ‘đồng đạo’ hay ‘đồng hành’ vẫn chưa chuyển tải hết ý nghĩa của ‘synod’/ ‘synodality’. Còn một nghĩa nữa, được giải thích ở số tiếp theo.
– số 4: nhắc lại rằng kể từ những thế kỷ đầu tiên, từ ‘synod’ (σύνοδος) đã được dùng để nói đến các cuộc qui tụ trong Giáo hội để cùng lắng nghe và phân định các vấn đề quan trọng. Như vậy, theo nghĩa này, ‘synodality’ là tính ‘đồng nghị’, liên quan đến các hội nghị, công nghị, Công đồng trong Giáo hội ở các bình diện địa phương và hoàn vũ. Từ ‘đồng nghị’ cũng khá quen thuộc – hiện nay chương trình dịch tự động của Google đang chọn từ này để dịch ‘synodality’.
Tổng hợp hai nghĩa trên, ‘synodality’ sẽ được hiểu là tính ‘đồng hành đồng nghị’, hay ‘đồng đạo đồng nghị’. Tuy nhiên, cho tới nay thì từ ‘hiệp hành’ như gạo đã thành cơm, chắc khó thay đổi, vì thế chúng ta chỉ cần ghi nhớ rằng ‘hiệp hành’ có nghĩa là ‘đồng hành đồng nghị’ là đủ.
Xin mở ngoặc ở đây: Trước đây, tôi có dịp gặp và hỏi Cha Otfried Chan, Tổng Thư ký HĐGM Đài Loan, và được biết ‘synodality’ được dịch sang tiếng Hoa phổ thông bằng cụm 4 từ nói trên. Nhưng không hiểu vì sao bản dịch tiếng Hoa của Văn kiện Chung kết THĐGM 16 hiện nay lại dùng từ ‘đồng thuận’ thay vào đó! Hay ‘đồng thuận’ được coi như là tổng hợp của ‘đồng hành’ và ‘đồng nghị’? Tôi không biết.
Trở lại với Văn kiện Chung kết THĐGM 16, Văn kiện này dành 6 số (từ 28 đến 33) để nói về ý nghĩa và các chiều kích của tính ‘hiệp hành’, và chủ yếu dựa vào Tài liệu của UBTH Quốc tế như đã đề cập trên. Xin trích dẫn ở số 28:
“Trong quá trình diễn ra Thượng hội đồng, một sự đồng thuận đã chín muồi về ý nghĩa của tính hiệp hành, vốn là nền tảng của Văn kiện này: tính hiệp hành là SỰ ĐỒNG HÀNH của các Kitô hữu cùng với Chúa Kitô và hướng tới Vương quốc của Thiên Chúa, trong gắn kết với toàn thể nhân loại; được định hướng sứ mạng, nó bao gồm VIỆC QUI TỤ VỚI NHAU từ các các cấp độ khác nhau của đời sống Giáo hội, LẮNG NGHE lẫn nhau, ĐỐI THOẠI, cùng nhau PHÂN ĐỊNH, hình thành SỰ ĐỒNG THUẬN như một cách diễn tả sự hiện diện của Chúa Kitô sống động trong Thánh Thần, và đạt tới một quyết định trong tinh thần đồng trách nhiệm có phân biệt. Theo chiều hướng này, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao tính hiệp hành là một CHIỀU KÍCH CẤU THÀNH của Giáo hội (x. CTI, số 1). Nói một cách đơn giản và tổng hợp, có thể nói rằng tính hiệp hành là MỘT CON ĐƯỜNG CANH TÂN TÂM LINH VÀ CẢI TỔ CƠ CẤU để làm cho Giáo hội có tính THAM GIA và có tính SỨ MẠNG nhiều hơn, nghĩa là làm cho Giáo hội có khả năng nhiều hơn trong việc bước đi với mọi người nam nữ, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô”.
Những nhấn mạnh trong bản văn trên là của tôi, để cho thấy rõ các yếu tố ‘đồng hành’, ‘đồng nghị’, ‘đồng thuận’ được bao hàm trong tính ‘hiệp hành’, cũng như cho thấy tính ‘hiệp hành’ (tức ‘đồng hành đồng nghị’) gắn chặt với bản chất của Giáo hội như thế nào.
IV. GỢI Ý CÁCH HIỂU VỀ BA CHIỀU KÍCH ‘HIỆP THÔNG, THAM GIA, SỨ MẠNG’ CỦA TÍNH HIỆP HÀNH
Đây có thể coi là ‘phụ đề’ gắn với chủ đề ‘Vì một Hội Thánh hiệp hành’. Nhưng ba chiều kích này được hiểu và tiếp cận như thế nào?
Không phải như ba đại lượng để ta làm bài toán cộng, rồi có kết quả là tính ‘hiệp hành’. Không phải như mua ba đống gạch, cát, xi măng, đem về đổ đó là có cái nhà ‘hiệp hành’. Vì thế, nếu chúng ta chỉ tiếp cận một cách máy móc và rời rạc ba chiều kích hiệp thông, tham gia, và sứ mạng, thì vẫn chưa có được tính ‘hiệp hành’ cho Giáo hội hay cho cộng đoàn của chúng ta. Tính ‘hiệp hành’ chỉ có khi ba chiều kích này được nhận thức và phối kết đúng đắn.
Trước hết, hãy xem Cẩm Nang cho THĐGM 16 (xuất bản vào tháng 9.2021) nói gì về ba chiều kích này. Đoạn văn sau đây ở mục (1.4) rất quan trọng, tôi dẫn bản tiếng Anh và tôi dịch Việt ngữ kèm theo:
“The theme of the Synod is ‘For a Synodal Church: Communion, Participation, and Mission’. The three dimensions of the theme are communion, participation, and mission. These three dimensions are profoundly interrelated. They are the vital pillars of a Synodal Church. There is no hierarchy between them. Rather, each one enriches and orients the other two. There is a dynamic relationship between the three that must be articulated with all the three in mind.”
“Chủ đề của Thượng Hội Đồng là ‘Vì một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ mạng’. Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông, tham gia, và sứ mạng. Ba chiều kích này liên hệ thâm sâu với nhau. Chúng là những trụ cột then chốt của một Hội Thánh hiệp hành. Không có thứ bậc giữa chúng. Đúng hơn, mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng hai chiều kích kia. Có một tương quan năng động giữa ba chiều kích này, vốn phải được phối kết, với cả ba cùng một trật trong tâm trí.”
Câu cuối cùng trên đây đặc biệt quan trọng: “Có một tương quan năng động giữa ba chiều kích này, vốn phải được phối kết, với cả ba cùng một trật trong tâm trí”! Điều này có nghĩa rằng ba chiều kích ‘hiệp thông, tham gia, sứ mạng’ không được rời nhau trong nhận thức của chúng ta. Nếu chúng ta tách chúng ra để ‘học’ và ‘hành’, thì cũng có thể ích lợi gì đó (như kiểu nói ‘không bổ bề dọc, ít ra cũng bổ bề ngang’), nhưng chắc chắn đó không phải là tính ‘hiệp hành’.
Theo Văn kiện Chung kết THĐGM 16, tính ‘HIỆP HÀNH’ của Hội Thánh biểu lộ và hiện thực cụ thể căn tính HIỆP THÔNG, qua sự THAM GIA tích cực của tất cả các thành viên của mình vào SỨ MẠNG loan báo Tin Mừng (x. VKVK, số 31). Chúng ta nhận ra cách trình bày này đậm tính phối kết, với cả ba chiều kích ‘hiệp thông, tham gia, sứ mạng’ cùng một trật trong tâm trí, liên hệ thâm sâu với nhau.
Theo đó, chúng ta có thể tổng hợp: Tính ‘hiệp hành’ biểu lộ nơi sự THAM GIA tích cực của tất cả các thành viên Giáo hội, dựa trên nền tảng HIỆP THÔNG, và luôn được định hướng SỨ MẠNG. Nghĩa là, rất cần mọi người tham gia, nhưng không phải tham gia bất cứ kiểu nào, mà phải là sự tham gia đặt nền trên hiệp thông và nhằm phục vụ cho sứ mạng. Nói cách khác, ‘hiệp thông’ là nền tảng thâm sâu, ‘tham gia’ là sự thể hiện cụ thể, và ‘sứ mạng’ là mục đích thâu họp tất cả.
Còn nhớ, trong tiến trình Thượng Hội Đồng vừa qua, Tài liệu Làm việc (Instrumentum laboris) cho Khóa Hội nghị thứ nhất (tháng 10.2023) đã gợi ý điều chỉnh thứ tự giữa ba chiều kích này, trở thành: ‘Hiệp thông, Sứ mạng, Tham gia’, với giải thích rằng ‘sứ mạng’ là trọng tâm nên cần đặt ở giữa! Cũng hợp lý đó chứ, vì chính “sứ mạng soi sáng cho tính ‘hiệp hành’, và tính ‘hiệp hành’ thúc đẩy sứ mạng”. (VKCK, 32).
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
(7.4.2025)
Tags: Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TÌM HIỂU CHỦ ĐỀ ‘HIỆP HÀNH’ CỦA THĐGM 16
- CẦU NGUYỆN BẰNG KINH MÂN CÔI VỚI THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
- TÌM HIỂU VĂN KIỆN CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI
- KINH TIN KÍNH CỦA CÔNG ĐỒNG NIXÊ, THẺ CĂN CƯỚC CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
- VĂN KIỆN CHUNG KẾT THĐGM 16 (Bản hiệu đính, 21.3.2025)
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN DÂN THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA – BÀI 5. « BỞI QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI ĐÃ NHẬP THỂ TRONG LÒNG ĐỨC TRINH NỮ MARIA ». LÀM THẾ NÀO CƯU MANG VÀ SINH HẠ CHÚA GIÊSU ?
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG ĐÀO TẠO
- TÒA THÁNH NÓI VỀ THẾ VẬN HỘI OLYMPIC 2024: MỘT SỐ CẢNH XÚC PHẠM CÁC TÍN HỮU
- ĐỨC PHAOLÔ VI, ĐỐI THOẠI NHƯ PHƯƠNG THUỐC CHO SỰ ỒN ÀO CỦA MẠNG XÃ HỘI
- GIỚI THIỆU VẮN TẮT TÀI LIỆU LÀM VIỆC SYNOD 16
- KHÓA TẬP HUẤN DỊCH THUẬT VĂN BẢN MỤC VỤ
- DẪN VÀO SỨ MẠNG HỌC
- CÁC CHUẨN MỰC THỦ TỤC ĐỂ PHÂN ĐỊNH CÁC HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC CHO LÀ SIÊU NHIÊN : BÀI GIỚI THIỆU CỦA ĐHY FERNANDEZ