TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU: THÁNH GIÁ TRẢ LẠI CHO CHÚNG TA SỰ TỰ DO LỰA CHỌN ĐÍCH THỰC

Written by xbvn on Tháng Tư 19th, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Vào Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 18 tháng Tư, ĐHY Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương và là đại diện của Đức Thánh Cha, đã chủ sự Phụng vụ Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Trong bài giảng của mình, Cha Roberto Pasolini đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của “Thánh Giá” trong thế kỷ XXI này, thế kỷ đánh dấu sự xuất hiện của các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là trọng tâm của đức tin Kitô giáo và được Giáo hội tưởng niệm vào Thứ Sáu Tuần Thánh. “Ở trung tâm của Tam Nhật Thánh có một trái tim đang đập, đó là trái tim của Thứ Sáu Tuần Thánh“, Cha Pasolini đã nói trong bài giảng của mình trong buổi Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Đây là lý do tại sao, giữa màu trắng của Bữa Tiệc Ly và màu trắng của Sự Phục Sinh, phụng vụ mời gọi sự im lặng và hồi tâm, nhưng cũng “làm gián đoạn tính liên tục về màu sắc bằng cách tô màu tất cả các tấm vải thành màu đỏ và mời các giác quan của chúng ta hòa hợp với những cung bậc mãnh liệt và kịch tính của tình yêu vĩ đại nhất“, Cha giảng thuyết phát biểu trước 4.500 tín hữu có mặt tại Vương cung thánh đường, trong số đó có Phó Tổng thống Hoa Kỳ J. D. Vance, cùng gia đình.

Sự chiến thắng huyền nhiệm của Thánh Giá

Thứ Sáu Tuần Thánh là thời gian tôn thờ và chiêm ngắm. “Không phải là sự thất bại của Thiên Chúa“, mà là “sự chiến thắng huyền nhiệm của Ngài dưới hình thức nghịch lý, đó là chiến thắng của thập giá“, như đã được Thánh Kinh tiên báo. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa được đánh dấu bằng sự phát triển của các công nghệ mới nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng, “mầu nhiệm về Cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô đề nghị cho chúng ta một loại trí tuệ khác“, đặc biệt là “trí tuệ của Thập giá, vốn không tính toán, nhưng yêu thương; không tối ưu hóa (kinh tế), nhưng trao hiến chính mình“, Cha nhấn mạnh và đồng thời nêu rõ đặc biệt rằng đó là một “trí tuệ không phải là nhân tạo, nhưng có tương quan sâu sắc, vì hoàn toàn mở ra với Thiên Chúa và với người khác“.

Đối mặt với “các thuật toán dường như gợi ý cho chúng ta ao ước gì, suy nghĩ gì, và thậm chí là trở thành ai“, “Thánh giá trả lại cho chúng ta sự tự do lựa chọn đích thực, không dựa trên hiệu quả, mà dựa trên tình yêu trao hiến chính mình“. Vì vậy, Cha nhấn mạnh, “phụng vụ bắt đầu trong bầu không khí im lặng sâu xa và trang trọng đau buồn.” “Làm sao Thiên Chúa nghe được những lời cầu nguyện đau khổ và tuyệt vọng nhất? Nếu Chúa Cha không tha cho Con của Ngài khỏi cái chết, thì Ngài sẽ đối xử với chúng ta thế nào khi chúng ta dâng Ngài tất cả nước mắt của mình?” Cha Roberto Pasolini tự hỏi và tiếp đó giải thích rằng trên thực tế, “chúng ta biết rất rõ làm thế nào Chúa Cha đã chọn nhậm lời cầu nguyện của Chúa Con“, bởi vì “Ngài không tha cho Người khỏi khổ hình thập giá, nhưng cho phép Người trở thành, trên cùng bàn thờ đó, Đấng Cứu Độ thế giới.

Thiên Chúa đã không tha cho Chúa Kitô khỏi chịu đau khổ, nhưng Ngài đã nâng đỡ trái tim Người, cho phép Người phó thác bản thân cho những đòi hỏi của tình yêu vĩ đại nhất, tình yêu không dừng lại ngay cả trước mặt kẻ thù.”

Đối với Cha Roberto Pasolini, cụm từ “hoàn toàn phó thác“, “mà Thư gửi tín hữu Do Thái mô tả về hành vi của Chúa Kitô“, cũng có thể được dịch là “khả năng chấp nhận một cách tin tưởng những gì xảy ra, vui mừng đón nhận ngay cả những gì lúc đầu có vẻ thù địch hoặc khó hiểu“. Quả thế, trong cuộc thương khó của mình, “Chúa Kitô không chỉ bằng lòng chịu đựng các biến cố, mà còn chấp nhận chúng với sự tự do đến nỗi Người biến chúng thành con đường cứu rỗi.” Con đường “vẫn rộng mở cho bất kỳ ai sẵn sàng tin tưởng vào Chúa Cha cho đến cùng, để mình được ý muốn của Ngài hướng dẫn ngay cả trong những chặng đường đen tối nhất“.

Trong bài giảng của mình, Cha cũng tập trung vào ba khoảnh khắc của Cuộc Khổ Nạn, “trong đó chính Chúa Giêsu, qua lời nói của mình, cho chúng ta thấy làm thế nào chúng ta có thể sống với niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa mà không ngừng là nhân vật chính trong câu chuyện của chính mình.” Vì vậy, Cha giảng thuyết đã mời gọi mọi người noi theo tấm gương này. Cha nói : “Khi cuộc sống của chúng ta gặp phải một thất bại – một thất bại đau đớn, một căn bệnh nghiêm trọng, một cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ – chúng ta cũng có thể cố gắng phó thác bản thân cho Chúa với cùng một sự tin tưởng, chấp nhận những gì quấy rầy chúng ta và có vẻ đe dọa chúng ta“. Đây là điều kiện để “gánh nặng cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn và để đau khổ, trong khi vẫn hiện thực, không còn vô ích nữa và bắt đầu tạo sinh sự sống“.

Tình yêu đích thực: tình yêu của Thiên Chúa

Trích dẫn những đoạn Thánh Kinh, Cha Pasolini nhấn mạnh sự kiện rằng “thân thể Chúa Kitô, bị tước bỏ mọi thứ” vẫn thể hiện nhu cầu nhân bản nhất: “được yêu thương, được đón nhận và được lắng nghe“. Và chính trong những khoảnh khắc này, “cơn khát của con người và tình yêu của Thiên Chúa cuối cùng đã gặp nhau“, cho thấy rằng ” có thể vượt qua những khoảnh khắc mà rõ ràng là bản thân chúng ta không đủ cho chúng ta“.

Khi nỗi đau đớn, sự mệt mỏi, sự cô đơn hoặc nỗi sợ hãi phơi bày chúng ta, chúng ta có xu hướng khép mình lại, cứng nhắc, giả vờ tự đủ. Nhưng đó là lúc không gian mở ra cho tình yêu đích thực nhất: tình yêu không áp đặt bản thân, nhưng để cho bản thân được giúp đỡ.”

“Sự yếu đuối như nơi của tình yêu trọn vẹn”

Khi đã nếm giấm rồi, Đức Giêsu nói: ‘Mọi sự đã hoàn tất.’” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”. (Ga 19, 30). Đây là bằng chứng cho thấy “Chúa Giêsu tuyên bố sự hoàn thành của nhân tính Người – và của chúng ta – vào thời điểm Người tước bỏ mọi thứ“, Người chọn “trao ban toàn bộ sự sống và Thần Khí của Người cho chúng ta”. Đó không phải là một “sự phó thác thụ động“, mà là một hành động “tự do tối cao“, vốn chấp nhận “sự yếu đuối như nơi của tình yêu trọn vẹn“. Qua cử chỉ này, “Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng không phải sức mạnh cứu thế giới, mà là sự yếu đuối của một tình yêu không giữ lại điều gì cho riêng mình“. Nhưng, thời đại hiện tại, được đánh dấu bằng “huyền thoại về hiệu suất và chủ nghĩa cá nhân, đang khó khăn để nhận ra những khoảnh khắc thất bại hoặc đau khổ có thể là nơi để triển nở”. Tuy nhiên, Cha nói thêm: “Không phải sự tự trị hay những kỳ tích vĩ đại mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, mà là khả năng biến sự hạn chế thành cơ hội trao ban“. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu bị đóng đinh “mang đến cho chúng ta một cách giải thích khác.” Bởi vì “chúng cho chúng ta thấy sự sống có thể nảy sinh đến mức nào” trong thời điểm khó khăn.

Làm mới lại niềm tín thác vào Chúa

Khi trình bày Năm Thánh 2025, Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng “Chúa Kitô là mỏ neo cho niềm hy vọng của chúng ta, nơi chúng ta có thể luôn kết hiệp vững chắc, thắt chặt sợi dây đức tin đã gắn kết chúng ta với Người kể từ khi chịu bí tích Rửa tội.” Tuy nhiên, “chúng ta phải thành thật thừa nhận rằng không dễ để giữ vững đức tin” (x. Dt 4, 14), đặc biệt là “khi đến lúc phải vác thập giá”. Vì thế, Thứ Sáu Tuần Thánh này mang đến cơ hội làm mới lại “niềm tín thác hoàn toàn của chúng ta vào cách thức mà Thiên Chúa đã chọn để cứu độ thế giới“. Vì vậy, “chúng ta cũng sẽ có thể giao hòa với số phận đau khổ, cái chết và sự phục sinh mà cuộc sống chúng ta hướng tới.” Trong Năm Thánh này, các Kitô hữu phải chọn “con đường thập giá như là hướng đi duy nhất có thể“, tin rằng “Chúa Thánh Thần, Đấng đã lấp đầy trái tim chúng ta bằng niềm hy vọng ngọt ngào“, sẽ đến “giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta” để trở thành “những chứng nhân của chân lý duy nhất cứu rỗi thế giới: Thiên Chúa là Cha chúng ta“.

Tý Linh

(theo Augustine Asta – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30