VỊ GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Written by xbvn on Tháng Tư 21st, 2025. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã làm chứng cho khuôn mặt hiền mẫu của một Giáo hội luôn cúi mình trước những người bị tổn thương, đặc biệt là những người bị tổn thương bởi tội lỗi.

Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự giải thoát và hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta sống nhờ lòng thương xót và chúng ta không thể để cho mình sống thiếu lòng thương xót: đó là không khí chúng ta thở. Chúng ta quá nghèo nàn để đặt ra các điều kiện, chúng ta phải tha thứ, vì chúng ta cần được tha thứ.” Nếu có một thông điệp đặc trưng cho triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô hơn bất kỳ thông điệp nào khác, và chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài, thì đó chính là thông điệp về lòng thương xót. Đức Giáo hoàng đã đột ngột rời xa chúng ta sáng nay, sau khi ban phưép lành Urbi et Orbi cuối cùng vào Ngày lễ Phục sinh từ ban-công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sau khi đi vòng quanh đám đông để chúc lành và chào tạm biệt.

Đức Giáo hoàng người Argentina đầu tiên trong lịch sử Giáo hội đã đề cập đến nhiều chủ đề, đặc biệt là sự quan tâm đến người nghèo, tình huynh đệ, sự quan tâm đến ngôi nhà chung, sự khước từ chiến tranh một cách cương quyết và vô điều kiện. Nhưng trọng tâm của thông điệp của ngài, chắc chắn gây ấn tượng nhất, là lời kêu gọi về lòng thương xót của Tin Mừng. Về sự gần gũi và dịu dàng của Thiên Chúa đối với những ai cần sự giúp đỡ của Người. Lòng thương xót, giống như “không khí chúng ta thở”, là thứ chúng ta cần nhất, mà không có nó thì không thể sống được.

Toàn bộ triều đại giáo hoàng của Đức Jorge Mario Bergoglio đều được sống dưới ngọn cờ của thông điệp này, vốn là cốt lõi của Kitô giáo. Ngay từ Kinh Truyền Tin đầu tiên được đọc vào ngày 17 tháng 3 năm 2013, từ cửa sổ căn hộ giáo hoàng mà ngài sẽ không bao giờ ở nữa, Đức Phanxicô đã gợi lên tính trọng tâm của lòng thương xót, nhắc lại những lời mà một phụ nữ lớn tuổi đã đến xưng tội với ngài khi ngài mới chỉ là Giám mục phụ tá của Buenos Aires: “Chúa tha thứ mọi sự… Nếu Chúa không tha thứ mọi sự, thế giới này sẽ không tồn tại.

Đức Giáo hoàng, người đến “từ tận cùng trái đất”, đã không thay đổi giáo huấn của truyền thống Kitô giáo hai ngàn năm qua, nhưng bằng cách đưa lòng thương xót trở lại trung tâm huấn quyền của mình một cách mới mẻ, ngài đã thay đổi nhận thức của nhiều người về Giáo hội. Ngài đã làm chứng cho khuôn mặt hiền mẫu của một Giáo hội luôn cúi mình trước những người bị tổn thương, đặc biệt là những người bị tổn thương bởi tội lỗi. Một Giáo hội thực hiện bước đầu tiên hướng đến tội nhân, như Chúa Giêsu đã làm ở Giêricô, bằng cách tự mình đến thăm nhà của Giakêu, một người đàn ông khó ưa và bị ghét bỏ, mà không yêu cầu ông bất cứ điều gì, không có điều kiện tiên quyết. Và chính vì lần đầu tiên cảm thấy mình được nhìn và yêu thương theo cách này mà Giakêu đã nhận ra mình là một tội nhân, và tìm thấy trong ánh mắt của người Nadarét động lực để hoán cải.

Rất nhiều người, hai ngàn năm trước, đã vô cùng sửng sốt khi thấy Thầy bước vào chính ngôi nhà của người thu thuế thành Giêricô. Trong những năm gần đây, rất nhiều người đã cảm thấy phẫn nộ trước cử chỉ chào đón và sự gần gũi của Đức Giáo hoàng người Argentina đối với mọi hạng người, đặc biệt là những người “khó ưa” và tội lỗi. Trong bài giảng đầu tiên của mình tại Thánh lễ với dân chúng, tại Nhà thờ Thánh-Anna ở Vatican, Đức Phanxicô đã nói: “Biết bao nhiêu người trong chúng ta có lẽ đáng bị lên án! Và điều đó sẽ công bằng. Nhưng Ngài, Ngài tha thứ! Bằng cách nào? Bằng lòng thương xót, điều đó không xóa bỏ tội lỗi: chỉ có sự tha thứ của Thiên Chúa mới xóa bỏ tội lỗi, trong khi lòng thương xót đi xa hơn. Giống như bầu trời: chúng ta nhìn lên bầu trời, có rất nhiều ngôi sao, nhưng khi mặt trời mọc vào buổi sáng, có quá nhiều ánh sáng đến nỗi chúng ta không còn nhìn thấy các ngôi sao nữa. Lòng thương xót của Thiên Chúa là như thế: một ánh sáng lớn của tình yêu, của sự dịu dàng, bởi vì Thiên Chúa không tha thứ bằng một sắc lệnh, mà bằng một sự âu yếm.”

Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Người kế vị thứ 266 của Thánh Phêrô đã cho thấy khuôn mặt của một Giáo hội gần gũi, có khả năng thể hiện sự dịu dàng và lòng trắc ẩn, chào đón và ôm ấp mọi người, ngay cả với gia đón nhận rủi ro và không lo lắng về phản ứng của các ân nhân. “Tôi thích một Giáo hội bị tai nạn, bị thương tích và bẩn thỉu vì đi ra đường“, Đức Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Evangelii Gaudium”, giấy đi đường của triều đại giáo hoàng của ngài, “hơn là một Giáo hội ốm yếu vì khép kín và tiện nghi bám víu vào sự an toàn của chính mình“. Một Giáo hội không dựa vào khả năng của con người, không dựa vào sự chi phối của những người có sức ảnh hưởng vốn chỉ quy chiếu đến bản thân và các chiến lược tiếp thị tôn giáo, nhưng trở nên minh bạch để cho mọi người biết đến khuôn mặt đầy lòng thương xót của Đấng đã sáng lập ra Giáo hội và đã làm cho Giáo hội sống, bất chấp mọi thứ, từ hai ngàn năm qua.

Chính khuôn mặt và cái ôm chặt này mà rất nhiều người nhận ra nơi vị Giám mục già của Rôma đến từ Argentina, người đã bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình bằng việc cầu nguyện cho những người di cư đã chết trên biển ở Lampedusa, và kết thúc triều đại trong tình trạng không hoạt động được trên xe lăn, dành cuộc đời cho đến giây phút cuối cùng để làm chứng cho thế giới về cái ôm đầy lòng thương xót của một vị Thiên Chúa luôn gần gũi và trung thành trong tình yêu dành cho mọi loài thụ tạo của Ngài.

Andrea Tornielli

———————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.news)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30