CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI BÀY TỎ LÒNG KÍNH TRỌNG ĐỨC PHANXICÔ
Đức Phanxicô, người đứng đầu Nhà nước Vatican và là Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, đã qua đời ở tuổi 88. Từ Buenos Aires đến Port Moresby, ngang qua các quốc gia bị chiến tranh tàn phá, sự kính trọng từ các nhà lãnh đạo thế giới đang đổ về.
Thế giới thương tiếc vì mất đi một người kiến tạo hòa bình, người không ngừng lên án chiến tranh và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Tại Argentina, nơi sinh của vị Giáo hoàng “đến từ tận cùng trái đất”, chính phủ đã tuyên bố quốc tang bảy ngày. Tổng thống Javier Milei, được tiếp đón tại Vatican vào tháng 2 năm 2024, đã ca ngợi “lòng tốt” và “sự khôn ngoan” của Đức Giáo hoàng người Argentina đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, và bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” của mình.
Một nỗi đau được chia sẻ tại Rôma bởi Tổng thống Cộng hòa Ý, ông Sergio Mattarella, người đã nhấn mạnh trong một thông điệp video được đăng trên trang web của Quirinal, “khoảng trống nghiêm trọng do sự biến mất của một điểm tham chiếu mà ngài đã luôn đại diện đối với tôi.” Ông nói thêm : “Giáo huấn của ngài nhắc lại thông điệp Tin Mừng, tình liên đới giữa con người, bổn phận gần gũi với những người yếu đuối nhất, sự hợp tác quốc tế và hòa bình trong nhân loại. Lòng biết ơn của chúng ta đối với ngài phải chuyển thành trách nhiệm làm việc, như ngài vẫn luôn làm, hướng tới việc đạt được những mục tiêu này.”
Một người bảo vệ nhân quyền
Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, mô tả trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai “một sứ giả của hy vọng, khiêm nhường và nhân đạo”. “Ngài để lại di sản về đức tin, tinh thần phục vụ và lòng trắc ẩn cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người ở bên lề hoặc mắc kẹt trong nỗi kinh hoàng của chiến tranh“.
Trong thông điệp ban phép lành Urbi et Orbi đọc vào Chúa Nhật 20/4/2025, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại mong muốn ánh sáng hòa bình sẽ chiếu rọi khắp thế giới, đặc biệt chú ý đến Đất Thánh. Kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023, Người kế vị thứ 266 của Thánh Phêrô vẫn tiếp tục bày tỏ tình liên đới của mình với nỗi đau khổ của các Kitô hữu ở Palestine và Israel, cũng như với toàn thể người dân Israel và Palestine. Ở cả hai bên biên giới, các nhà lãnh đạo khu vực đều ca ngợi lòng đồng cảm của Đức Giáo hoàng Phanxicô: Tổng thống Israel Isaac Herzog mô tả ngài là “một người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô tận“, trong khi Chủ tịch Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas bày tỏ lòng kính trọng đối với “một người bạn trung thành của người dân Palestine“. Một người bạn “thân thiết” của nước láng giềng Lebanon, theo Tổng thống Joseph Aoun, người rất tiếc khi mất đi một “người ủng hộ nhiệt thành” và nói về “sự mất mát của toàn thể nhân loại“. Ba ngày quốc tang đã được tuyên bố ở đất nước này.
Trong thông điệp cuối cùng gửi đến dân Chúa, Đức Thánh Cha cũng có suy nghĩ về đất nước Ucraina đang bị hành hạ và khuyến khích “tất cả mọi bên tiếp tục nỗ lực để đạt được nền hòa bình công bằng và lâu dài“. Trên mạng xã hội X, tổng thống Ucraina, người từng được Vatican tiếp đón ba lần, đã ca ngợi con người “biết cách mang lại hy vọng, xoa dịu đau khổ thông qua lời cầu nguyện và thúc đẩy sự thống nhất“. “Ngài cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina và cho người dân Ucraina“, Tổng thống Volodymr Zelensky cho biết. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi “người luôn bảo vệ các giá trị cao cả của chủ nghĩa nhân văn và công lý“.
Một Đức Giáo hoàng hướng về Châu Phi
Một chiến trường khác mà Đức Giáo hoàng Phanxicô quan tâm là Cộng hòa Dân chủ Congo. Đức Giáo hoàng đã đến thăm quốc gia Công giáo nói tiếng Pháp lớn nhất thế giới vào tháng 1 năm 2023 và kể từ đó đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt giao tranh giữa quân đội Congo và phiến quân M23 do Rwanda hậu thuẫn ở phía đông đất nước. Trong một tuyên bố được đưa ra vào đầu giờ chiều thứ Hai, Tổng thống Congo Félix Tshisekedi đã “tôn vinh ký ức về người tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa, người có cuộc đời là minh chứng sống động cho đức tin, sự khiêm nhường và cam kết không lay chuyển đối với hòa bình, công lý và phẩm giá con người“. “Người dân Congo, nói riêng, sẽ giữ một ký ức bất diệt về di sản tinh thần của Đức Giáo hoàng Phanxicô“, tổng thống Congo đảm bảo và đồng thời cảm ơn Đức Giáo hoàng quá cố vì “những lời cầu nguyện nhiệt thành, đặc biệt là trong các thông điệp Urbi et Orbi“. Tại trụ sở Liên minh châu Phi ở Addis Ababa, Chủ tịch Ủy ban UA, Mahamoud Ali Youssouf, đã ca ngợi trên X “cam kết dũng cảm của Đức Giáo hoàng đối với lục địa châu Phi, khuếch đại tiếng nói của những người không có tiếng nói, bảo vệ hòa bình và hòa giải, và thể hiện tình liên đới với những người bị ảnh hưởng bởi xung đột và nghèo đói.”
Các cơ quan ngoại giao phương Tây cũng đã có phản ứng. “Hãy yên nghỉ, thưa Đức Giáo hoàng Phanxicô! Xin Thiên Chúa chúc lành cho ngài và tất cả những ai yêu mến ngài“, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump viết trong một thông điệp ngắn trên nền tảng Truth Social của mình, trong khi Phó Tổng thống J.D. Vance của ông đã được Đức Phanxicô tiếp đón vào Chúa Nhật, ngày 20 tháng Tư, tại Nhà Thánh-Marta. Người tiền nhiệm của ông, Joe Biden, cũng đã phản ứng, gọi Đức Giáo hoàng là “một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thời đại chúng ta“, và đặc biệt ca ngợi “cuộc chiến chống đói nghèo của ngài“. Ngài luôn “sát cánh cùng những người dễ bị tổn thương và mong manh nhất“, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, người đã gặp Đức Thánh Cha lần cuối vào tháng 12 năm 2024 trong chuyến tông du lần thứ 47 đến Corsica, chuyến tông du cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Chú ý đến vùng ngoại vi
Một trong những điểm nổi bật trong những tháng vừa qua là chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương vào tháng Chín năm ngoái, chuyến đi dài nhất trong toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài. Mang theo cây gậy hành hương, Đức Giáo hoàng đã đi 30.000 km qua hai châu lục để thăm Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết chuyến thăm là “khoảnh khắc có ý nghĩa tâm linh to lớn đối với đất nước chúng tôi“, đồng thời nói thêm rằng “những tương tác của ngài với những người trẻ và các nhà lãnh đạo Giáo hội đã để lại ấn tượng khó phai mờ đối với tất cả những ai chứng kiến“. Một dấu ấn không thể phai mờ cũng để lại ở Đông Timor, quốc gia Công giáo đông dân nhất thế giới, nơi đã tuyên bố một tuần để tang, nhưng cũng ở Indonesia, nơi có 88% dân số theo đạo Hồi. Theo Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Đức Giáo hoàng “đã để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ trong số những người Công giáo mà còn trong trái tim của tất cả người dân Indonesia“, ông lấy làm tiếc vì mất đi “một hình mẫu đã thể hiện sự dấn thân to lớn đối với hòa bình, nhân loại và tình huynh đệ“.
Tý Linh
(theo Alexandra Sirgant – Vatican News)
Tags: Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- LỜI TRI ÂN VÀ CHIA BUỒN TỪ CÁC GIÁO HỘI TRÊN KHẮP THẾ GIỚI ĐỔ VỀ
- CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI BÀY TỎ LÒNG KÍNH TRỌNG ĐỨC PHANXICÔ
- DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- CÁI CHẾT CỦA ĐỨC PHANXICÔ DO ĐỘT QUỴ VÀ SUY TIM MẠCH KHÔNG HỒI PHỤC
- REQUIESCAT IN PACE !
- VỊ GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
- ĐHY FARRELL SẼ CHỦ SỰ NGHI LỄ XÁC NHẬN ĐỨC PHANXICÔ QUA ĐỜI
- VỊ GIÁO HOÀNG CỦA DÂN CHÚNG: ĐỨC PHANXICÔ, VỊ MỤC TỬ MANG MÙI CHIÊN
- ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ MỚI QUA ĐỜI VÀO THỨ HAI PHỤC SINH Ở TUỔI 88
- LỄ PHỤC SINH 2025: SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ PHỤC SINH 2025: LUÔN TÌM KIẾM CHÚA KITÔ PHỤC SINH TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP KIẾN PHÓ TỔNG THỐNG HOA KỲ VANCE
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH 2025 : « CHÚA KITÔ PHỤC SINH LÀ BƯỚC NGOẶT QUYẾT ĐỊNH TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI »
- PHÓ TỔNG THỐNG VANCE ĐƯỢC TIẾP ĐÓN TẠI VATICAN, CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI TỴ NẠN ĐƯỢC GỢI LÊN
- TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU: THÁNH GIÁ TRẢ LẠI CHO CHÚNG TA SỰ TỰ DO LỰA CHỌN ĐÍCH THỰC
- ĐÀNG THÁNH GIÁ TẠI COLISÉE: CHÚA GIÊSU MANG NHỮNG VẾT THƯƠNG CỦA LỊCH SỬ CHÚNG TA
- TẠI SAO GIÁM MỤC KHÔNG ĐEO NHẪN GIÁM MỤC VÀO THỨ SÁU TUẦN THÁNH?
- THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN THÁNH: “TÌNH YÊU LÀ CHỨC TƯ TẾ DUY NHẤT”
- THỨ NĂM TUẦN THÁNH CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC TÙ NHÂN Ở RÔMA
- BÀI GIẢNG LỄ DẦU 2025 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: SỨ VỤ LINH MỤC LÀ CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA