ĐỨC PHANXICÔ, CON NGƯỜI CỦA HOÁN CẢI, HIỆP HÀNH VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

Written by xbvn on Tháng Tư 22nd, 2025. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Thế Giới, Tý Linh, Việt Nam

Sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô đột ngột qua đời khiến mọi người ngỡ ngàng, thương tiếc. Thế là ngài không từ chức như một số người nghĩ, nhưng hoàn tất sứ mạng kế vị thánh Phêrô khi đang còn đầy nhiệt huyết loan báo Tin Mừng.

Người Công giáo Việt Nam mong mỏi chờ đợi cuộc viếng thăm của ngài, nhưng ngài đã “nói đùa” rằng chính Đức Giáo hoàng Gioan XXIV sẽ đến. Và nếu lời nói đùa này trở thành một lời tiên tri? Thực sự tinh thần của Đức Phanxicô, khi kêu gọi Giáo hội trở về “cốt lõi của Tin Mừng” là “Lòng Thương Xót”, là  Chúa Giêsu, dung mạo của lòng thương xót của Thiên Chúa, thực ra không phải là điều mới mẻ. Bởi vì khi triệu tập công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã định hướng công đồng này theo hướng không kết án, nhưng là thể hiện lòng thương xót của Tin Mừng.

Đức Thánh Cha Phanxicô là con người của Vatican II, bảo vệ và xúc tiến những đổi mới của Vatican II. Tuy nhiên, ngài vượt qua lối tiếp cận của Vatican II ở chỗ, theo ngài, từ nay mô hình của Giáo hội phải theo không còn là “hình cầu” nữa, trong đó Giáo hội ở vị trí trung tâm, nhưng là “hình khối đa diện”. Hình khối đa diện này nhắc nhở Giáo hội đang đối diện với một sự “thay đổi thời đại”, và do đó, Giáo hội không còn là trung tâm nữa, nhưng là một phần trên hình khối đa diện này. Hệ quả, Giáo hội cần khiêm nhường hơn, nhỏ bé hơn, đối thoại hơn, lắng nghe hơn, phân định hơn, đóng góp phần của mình như các phần khác, đón nhận những đóng góp của các phần khác, nhưng không mất đi sức mạnh loan báo Tin Mừng, sự thật, công lý, hòa bình, tình huynh đệ…

Trên hình khối đa diện đó, Giáo hội làm chứng bằng cách tỏa sáng “phong cách của Thiên Chúa” qua sự phục vụ khiêm tốn của mình: gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng. Giáo hội loan báo niềm vui của Tin Mừng bằng cách thể hiện hình ảnh của một người Samaritanô nhân hậu, của một “bệnh viện dã chiến”, góp phần chữa lành các vết thương của con người và xây dựng một “tình huynh đệ đại đồng và tình bạn xã hội”, dựa trên lòng tôn trọng công ích và nhân phẩm. Điều này cũng đòi hỏi Giáo hội loại bỏ một não trạng háo thắng, một đức tin cao ngạo, một bận tâm bảo vệ và đánh bóng hình ảnh của chính mình, đến độ quên đi hình ảnh một Giáo hội đi ra, đi ra vùng ngoại biên địa lý và hiện sinh, chấp nhận bị vấy bẩn, thương tích, để mang sức sống của Tin Mừng đến cho mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất, để không ai bị bỏ lại đằng sau. Trong Giáo hội hòa nhập này, Đức Phanxicô đặc biệt mời gọi hãy quan tâm hơn đến trẻ em, người già, nữ giới, và cả những người đồng tính và ly dị tái hôn. Tất cả, tất cả, tất cả, vì ân sủng của Thiên Chúa đi trước sự hoàn thiện luân lý của con người. Đó chính là lý do Giáo hội phải trở thành hình ảnh một Giáo hội thương xót và hòa nhập, chứ không kết án và loại trừ.

Từ đây, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo hội bước vào một loạt những hoán cải cần thiết để Tin Mừng có thể được loan báo: “hoán cải mục vụ”, vì Giáo hội không phải là một trạm thuế quan; “hoán cải thiêng liêng”, vì Giáo hội phải tránh xa tình thần thế gian, tính trần tục thiêng liêng làm tha hóa chính mình; “hoán cải sứ mạng”, để luôn ở trong tình trạng người môn đệ truyền giáo phục vụ, chứ không mang não trạng giáo sĩ trị; “hoán cải hiệp hành”, vì Giáo hội phải cùng nhau bước đi, cùng nhau loan báo Tin Mừng mà không bỏ ai lại đằng sau; và đồng thời lời mời gọi hoán cải cũng được gởi đến không chỉ cho những người con của Giáo hội, mà cả những người thành tâm thiện chí: “hoán cải môi trường”, vì mọi sự đều liên kết với nhau; “hoán cải chính trị”, để đặt lại nhân vị ở trung tâm của các hoạch định chính sách, trong đó có vấn đề sự sống con người và di dân….

Quả thật, danh xưng “Phanxicô” đã đưa Đức Thánh Cha đến những hành động cụ thể: Giáo hội nghèo khó, Giáo hội đối thoại liên tôn và với mọi thành phần xã hội, Giáo hội kiến tạo hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng tình huynh đệ trong việc luôn biết mở rộng căn lều của mình. Và những hành động này càng ngày càng phong phú hơn dưới mô hình hình khối đa diện và một Giáo hội hiệp hành truyền giáo. Trong tâm tình tri ân, để tóm tắt triều đại của Đức Phanxicô trong vài từ kêu gọi nổi bật để toàn thể Giáo hội bước vào một trang sử mới của niềm vui Tin Mừng, và có thể nhận thấy những điểm này vốn bao hàm tất cả mọi sự khác: Giáo hội hoán cải, hiệp hành và truyền giáo.

Người Công giáo đang chờ đợi một tân Giáo hoàng. Gioan XXIV, Phanxicô II, Gioan Phaolô III, Bênêđíctô XVII, Phaolô VII… Đó là chọn lựa của Chúa Thánh Thần qua các lá phiếu của các Đức Hồng y. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng, cầu nguyện và phó thác. Dù sao, ước mong “tinh thần Phanxicô” sẽ được tiếp tục và phát triển mạnh mẽ trong Giáo hội.

Ngày 22 tháng 4 năm 2025

Lm. Phêrô Võ Xuân Tiến

Tưởng nhớ và tri ân Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30