NƠI Ở CỦA CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG QUA NHỮNG BIẾN ĐỘNG CỦA LỊCH SỬ

Written by xbvn on Tháng Năm 14th, 2025. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã mở lại căn hộ giáo hoàng tại Dinh Tông Tòa vào Chúa Nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2025, nơi đã bị niêm phong kể từ khi Đức Phanxicô qua đời. Nhưng nơi ở của các Giáo hoàng không phải lúc nào cũng nằm ở Vatican, và sự lựa chọn này thường phản ánh những biến động và xáo trộn của triều đại giáo hoàng.

Một hình ảnh mạnh mẽ. Vào Chúa Nhật, ngày 11/5, sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Lêô XIV đã mở lại căn hộ giáo hoàng tại Dinh Tông Tòa, vốn đã bị niêm phong kể từ khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời vào ngày 21/4.

Căn hộ lịch sử này, nằm trên tầng ba, là nơi ở truyền thống của các giáo hoàng, từ Đức Piô IX đến Đức Bênêđíctô XVI, kể từ năm 1870. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy: sự lựa chọn nơi ở giáo hoàng thường phản ánh những biến động và xáo trộn của triều đại giáo hoàng.

Dinh Latêranô ở Rôma, cái nôi lịch sử

Mở cửa cho công chúng, Dinh Lateranô tọa lạc tại Quảng trường San Giovanni ở Rôma, gần Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, nhà thờ chính tòa của các Giáo hoàng với tư cách là giám mục của Rôma.

Dưới tên gọi “Patriarchium“, nó tiếp đón các Đức Giáo hoàng trong gần một nghìn năm kể từ Đức Sylvester I. Vào thời Trung cổ, nó là trung tâm của Giáo hội Công giáo Rôma, là nơi diễn ra năm công đồng chung và một số thượng hội đồng. Đức Boniface VIII cũng đã công bố Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử tại đây vào năm 1300, như Đức Hồng y đại diện Angelo De Donatis đã nhắc lại vào năm 2021 khi Dinh mở cửa trở lại cho công chúng.

Năm 1308, tòa nhà đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Vì vậy, khi Đức Giáo hoàng trở về Rôma vào năm 1377 sau thời kỳ ở Avignon, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XI đã thành lập nơi cư trú của mình tại Vatican, gần nhất có thể với lăng mộ của Thánh Phêrô.

Dinh Giáo hoàng ở Viterbo, chạy trốn dân chúng

Năm 1257, trước sự thù địch ngày càng tăng của người dân Rôma, Đức Giáo hoàng Alexandre IV đã chuyển trụ sở giáo triều đến Viterbo, cách Rôma khoảng 70 km về phía bắc.

Dinh giáo hoàng thời trung cổ này, hiện không mở cửa cho công chúng, là chứng nhân cho một bước ngoặt trong lịch sử giáo hoàng: việc thành lập mật nghị hồng y. Vào năm 1270, ngai tòa Phêrô đã bị bỏ trống kể từ khi Đức Clément IV qua đời một năm rưỡi trước đó: các Hồng y cử tri đã không đồng thuận về tên của vị Giáo hoàng tiếp theo.

Có một số trình thuật, ít nhiều đã được chứng minh, mô tả các sự kiện theo sau. Một trong những trình thuật đó cho rằng các Hồng y đã bị nhốt trong Dinh để đẩy nhanh cuộc bầu cử, do đó có từ nguyên tiếng Latinh của từ này (“cum clave“, “đóng cửa bằng chìa khóa”). Đức Grêgôriô X, được bầu vào năm 1271, đã áp dụng mật nghị ba năm sau đó như một phương thức bầu Giáo hoàng.

Dinh Giáo hoàng ở Avignon, một ngoại lệ ở Pháp

Thế kỷ XIV được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng công khai giữa Vua nước Pháp, Philippe le Bel, và Đức Giáo hoàng Boniface VIII. Sau khi Đức Boniface VIII qua đời, một tổng giám mục người Pháp, Bertrand de Got, được bầu làm Giáo hoàng dưới tên Clément V. Sự can thiệp của Pháp, bối cảnh chính trị bùng nổ, vụ việc Dòng Hiệp Sĩ… Ngài thường xuyên ở lại Avignon, một thành phố chư hầu của Tòa Thánh, từ năm 1309.

Bảy Giáo hoàng được Giáo hội công nhận và hai ngụy giáo hoàng đã cư trú tại Avignon và biến thành phố này thành thủ đô của Kitô giáo trong một thời gian, xây dựng dinh giám mục vào năm 1317.

Dinh Tông Tòa, một truyền thống hiện đại

Chỉ đến thế kỷ XV, Đức Nicholas V mới ra lệnh xây dựng Dinh Tông Tòa hiện tại trên nền móng của các tòa nhà cũ hơn, bao gồm cả tòa nhà Symmaque (thế kỷ thứ V) và pháo đài mà Đức Eugène III mong muốn.

Được hoàn thành vào năm 1605, khu phức hợp rộng lớn này không chỉ là nơi ở của Giáo hoàng mà còn có Thư viện Tông Tòa và Nhà nguyện Sistine. Vào thế kỷ XX, Đức Piô XI đã cho xây dựng một phòng trưng bày tranh và lối vào đồ sộ của bảo tàng tại đó, còn Đức Gioan XXIII thì cho xây dựng một dãy nhà mới.

Kể từ Hiệp định Latêranô năm 1929, khi cư trú tại đó, Đức Giáo hoàng không còn sống ở Ý nữa mà sống trên lãnh thổ có chủ quyền của Vatican.

Dinh Quirinal ở Rôma, chứng nhân của một thời đại

Được xây dựng vào năm 1583 theo lệnh của Đức Grêgôriô XIII, Dinh Quirinal, tọa lạc trên một trong bảy ngọn đồi của Rôma, từng là nơi ở của các Giáo hoàng từ Đức Urbanô VIII năm 1605 đến Đức Piô IX năm 1870.

Napoleon đã lắp đặt đại bác ở đó để đe dọa Đức Piô VII, và cuối cùng đã trục xuất ngài. Sau khi Hoàng đế sụp đổ, Đức Giáo hoàng đã trở về Dinh của mình vào năm 1814, gần như giữ nguyên vẹn mọi sự cải tạo mà Napoleon đã ra lệnh.

Nhưng vào năm 1870, sau khi nước Ý thống nhất, Dinh Quirinal trở thành nơi ở của các vị vua, sau đó là của tổng thống Cộng hòa Ý. Sau đó, các Giáo hoàng trở về Dinh Tông Tòa.

Nhà Thánh Marta, sự lựa chọn của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Vào năm 2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phá vỡ truyền thống kéo dài hơn một thế kỷ khi từ bỏ sống tại Dinh Tông Tòa. Ngài chuyển đến Nhà Thánh Marta, một tòa nhà mới được xây dựng vào năm 1996 theo sáng kiến ​​của Đức Gioan Phaolô II để đón tiếp các Hồng y với những điều kiện tốt hơn, trong thời gian diễn ra mật nghị.

Cử chỉ mang tính biểu tượng này thể hiện mong muốn của Đức Phanxicô muốn thể hiện sự gần gũi với người dân. Người kế nhiệm của ngài, Đức Lêô XIV, có thể trở về căn hộ giáo hoàng tại Dinh Tông Tòa.

Tý Linh

(theo Charlotte de Frémont, nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31