THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỞI NGƯỜI SÁNG LẬP NHẬT BÁO “LA REPUBBLICA”
Vatican, 11-9-2013
Đây là lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi người sáng lập tờ báo Ý “La Repubblica”, ông Eugenio Scalfari để trả lời một số câu hỏi của ông trong các bài báo khác nhau. Đức Thánh Cha gởi cho ông và cả những người không có niềm tin.
***
Tiến sĩ Scalfari thân mến,
Với tấm lòng rất chân thành, dù chỉ đôi nét khái quát, cùng với lá thư nầy tôi muốn trả lời thư của ông gởi cho tôi vào ngày 7 tháng bảy trên các trang của tờ La Repubblica, với một loạt những suy tư cá nhân của ông, mà sau đó ông làm phong phú hơn trên các trang của cùng tờ nhật báo ra ngày 7-8.
Trước hết, tôi cám ơn ông về sự quan tâm mà nhờ vậy ông đã đọc thông điệp Lumen Fidei. Ý định của Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Bênêđictô XVI, -người đã hình thành và phần lớn đã viết nó, và tôi đã thừa hưởng với lòng biết ơn-, là hướng dẫn không chỉ để xác định lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô của những người nhận ra mình trong đức tin đó, nhưng còn để khơi dậy một sự đối thoại nghiêm túc và chân thành với những người, như ông, mô tả mình là “một người-không-niềm-tin trong nhiều năm đã quan tâm và bị thu hút bởi những lời rao giảng của Đức Giêsu thành Nadarét.”
Do đó, đối với tôi có vẻ như đó không gì khác hơn là sự tích cực, không chỉ cho cá nhân chúng ta mà còn cho xã hội mà chúng ta đang sống, để dừng lại hầu đối thoại về một thực tế quan trọng là đức tin, mà nó kêu gọi cho việc rao giảng và vẽ nên dung mạo của Đức Giêsu. Cách đặc biệt tôi nghĩ rằng có hai hoàn cảnh mà ngày nay làm cho cuộc đối thoại nầy đúng đắn, thích hợp và quý giá. Hơn nữa, như đã nói, nó tạo ra một trong những mục tiêu chính yếu của Công Đồng Vatican II, được Đức Gioan XXIII và các Giáo Hoàng mong muốn, mà mỗi người với sự nhạy cảm và đóng góp của mình, từ lúc đó tới hôm nay đã theo đuổi trong con đường mà Công Đồng đã vạch ra.
Hoàn cảnh đầu tiên -như đã được nhắc đến trong các trang đầu của thông điệp- bắt nguồn từ một thực tế là, trong dòng chảy của các thế kỷ hiện đại, chúng ta đã chứng kiến một điều nghịch lý: đức tin Kitô giáo, mà sự mới mẻ và sự tác động của nó trên đời sống con người từ ban đầu thực ra được biểu lộ qua biểu tượng của ánh sáng, lại thường được xem như là bóng tối của mê tín, bị đối nghịch với ánh sáng của lý trí. Vì vậy giữa Giáo Hội và nền văn hóa của nguồn cảm hứng Kitô giáo, một đàng, và nền văn hóa hiện đại của dấu ấn Khai sáng, đàng khác, đã có tình trạng không thể thông truyền. Hơn nữa, thời gian đã đến, và thực ra Vatican đã khai mở thời cơ đó, cho một sự đối thoại cởi mở không định kiến, mở ra những cánh cửa cho một cuộc gặp gỡ nghiêm túc và phong phú.
Hoàn cảnh thứ hai, dành cho một người đang tìm kiếm để trung thành với món quà được bước theo Đức Giêsu trong ánh sáng của đức tin, bắt nguồn từ thực tế là cuộc đối thoại nầy không phải là một điều phụ tùy thứ yếu của cuộc sống người tín hữu: trái lại, đó là một sự biểu hiện sâu xa và không thể thiếu. Trong ý nghĩa nầy, cho phép tôi trích dẫn một xác định của thông điệp, mà theo ý kiến của tôi là rất quan trọng: bởi vì sự thật được làm chứng bởi lòng tin đó chính là tình yêu -nó được nhấn mạnh- “rõ ràng là đức tin không có tính không khoan nhượng, nhưng phát triển trong sự chung sống khi tôn trọng người khác. Người tín hữu không kiêu căng; ngược lại sự thật khiến họ khiêm tốn, khi biết rằng, hơn là chúng ta sở hữu nó, chính sự thật bao phủ và sở hữu chúng ta. Không làm xơ cứng chúng ta, sự chắc chắn của đức tin đặt chúng ta trên đường, và làm cho có thể làm chứng và đối thoại với mọi người” (số 34). Đây là tinh thần đã làm sinh động những lời mà tôi viết cho ông.
Đối với tôi, đức tin được sinh ra từ sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Một sự gặp gỡ cá nhân, nó đã đánh động lòng tôi và đã chỉ dẫn hướng đi cũng như đã cho cuộc sống của tôi một ý nghĩa mới. Nhưng đồng thời cuộc gặp gỡ nầy cũng đã được thực hiện bởi cộng đoàn đức tin, trong đó tôi đã sống và nhờ đó tôi đã tìm đến sự hiểu biết Thánh Kinh, đến đời sống mới mà, như dòng nước tuôn tràn, chảy ra từ Đức Giêsu qua các Bí tích, đến với tình huynh đệ với mọi người và để phục vụ người nghèo, hình ảnh đích thực của Chúa. Xin hãy tin tôi, không có Giáo Hội tôi đã không thể gặp gỡ Đức Kitô, cũng như trong sự ý thức rằng món quà to lớn là đức tin được giữ trong chiếc bình đất mong manh của nhân loại chúng ta.
Bây giờ, chính xác là bắt đầu từ đây, từ kinh nghiệm đức tin được sống trong Giáo Hội nầy, mà tôi cảm thấy thoải mái lắng nghe các câu hỏi của ông và tìm kiếm, cùng với ông, những phương cách qua đó chúng ta có thể, có lẽ thế, bắt đầu một phân đoạn của con đường cùng đi với nhau.
Tha lỗi cho tôi nếu tôi không đi theo từng bước những lý lẽ mà ông đề nghị trong bài báo ngày 7 tháng 7. Dường như đối với tôi sẽ hiệu quả hơn, nếu không thích hợp hơn, khi đi theo một ý nghĩa nào đó vào trung tâm những suy nghĩ của ông. Thậm chí tôi không đi vào cách giải thích được theo bởi thông điệp, mà trong đó ông nhận thấy thiếu một phần được dành riêng cách đặc biệt cho kinh nghiệm lịch sử của Đức Giêsu thành Nadarét.
Để bắt đầu, tôi chỉ xét thấy rằng một phân tích loại nầy thì không phải là thứ yếu. Trong thực tế, bằng cách đi theo lô-gíc hướng dẫn diễn tiến của thông điệp, đó là đặt sự chú ý của chúng ta về ý nghĩa về những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm, và như vậy, tắt một lời, về những gì mà Chúa Giêsu đã là và đang là đối với chúng ta. Các thư của Thánh Phaolô và Tin Mừng của Thánh Gioan, trong đó thông điệp có sự tham khảo đặc biệt, đã được xây dựng, trong thực tế, trên nền tảng vững chắc của nhiệm vụ thiên sai của Đức Giêsu thành Nadarét, nhiệm vụ đó đã đạt đến đỉnh cao quyết định của nó trong Mầu nhiệm Vượt qua của Tử nạn và Phục sinh.
Do đó, người ta phải đối diện với Chúa Giêsu, tôi có thể nói, trong tính cụ thể và dữ dội của biến cố của Ngài, như đã được kể lại cách đặc biệt bởi người lớn tuổi nhất trong các tác giả Tin Mừng, đó là Thánh Mác-cô. Thế rồi người ta thấy rằng cái “tai tiếng” mà lời nói và việc làm của Chúa Giêsu gây ra chung quanh mình xuất phát từ “uy quyền” phi thường của Ngài: đây là một từ được minh chứng từ Tin Mừng Mác-cô, nhưng nó không dễ để diễn tả trong tiếng Ý. Từ Hy Lạp là “exousia”, mà nghĩa đen nói đến cái “đến từ bản chất”, cái nó là. Do đó, nó không phải là cái đến từ bên ngoài hay bị ép buộc, nhưng là cái gì đó tỏa ra từ bên trong và tự áp đặt cho mình. Thực ra, Chúa Giêsu tấn công, phá vỡ, đổi mới trước hết là –chính Ngài nói như vậy- từ mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa, được gọi cách thân thiết là Abba, Đấng đã cho Ngài “uy quyền” nầy để Ngài thi hành nó vì lợi ích của con người.
Vì vậy, Chúa Giêsu giảng dạy “như Đấng có uy quyền”, chữa lành, kêu gọi các môn đệ theo Ngài, thứ tha… tất cả những việc mà, trong Cựu Ước, là của Thiên Chúa và của chỉ một mình Thiên Chúa. Một câu hỏi thường được gặp trong Tin Mừng Mác-cô là: “Ngài là ai mà…?” và nó nói về căn tính của Chúa Giêsu, nảy sinh từ việc chứng kiến một uy quyền khác với quyền uy của thế giới, một uy quyền không nhắm vào việc thực hiện quyền lực trên người khác, nhưng để phục vụ họ, để cho họ sự tự do và sự sung mãn của đời sống. Và thể hiện việc nầy cho đến nỗi đặt chính đời sống mình vào sự hiểm nguy, đến nỗi nếm trải sự thiếu cảm thông, phản bội, chối bỏ, đến nỗi bị kết án tử hình, gắn chặt với trạng thái bị bỏ rơi trên thập giá. Nhưng Đức Giêsu vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa, cho đến cùng.
Và sau đó thật chính xác –như ông đại đội trưởng người Roma đã thốt lên dưới chân thánh giá trong Tin Mừng Mác-cô – rằng cách nghịch lý Đức Giêsu tỏ mình là Con Thiên Chúa! Con của một Thiên Chúa là tình yêu và Ngài mong muốn với tất cả bản thể của mình rằng con người, mỗi người, khám phá bản thân và cũng sống như người Con đích thực của Ngài. Đối với đức tin Kitô giáo, đây là sự chứng nhận sự thực rằng Chúa Giêsu đã sống lại: không phải để chiến thắng trên những người từ chối Ngài, nhưng để chứng thực rằng tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết, sự tha thứ của Thiên Chúa thì mạnh hơn bất kỳ tội lỗi nào, và chứng thực rằng thật xứng đáng để dùng cả cuộc sống mình, cho đến cùng để làm chứng cho món quà tặng lớn lao nầy.
Đức tin Kitô giáo tin điều nầy: rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã đến trao ban sự sống của mình để khai mở cho tất cả mọi người con đường tình yêu. Bởi vì điều nầy ông có lý, thưa tiến sỹ Scalfari, khi ông nhìn thấy trong sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa cái nền tảng của đức tin Kitô giáo. Tertulian đã viết “caro cardo salutis”, xác thịt (của Đức Kitô) là nền tảng của ơn cứu rỗi. Cụ thể là, nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, sự thật là Con Thiên Chúa đã đến trong xác thịt của chúng ta và chia sẻ niềm vui nổi buồn của chúng ta, sự chiến thắng và thất bại của đời sống chúng ta, đến tiếng kêu của thập giá, sống mọi sự trong tình yêu và sự trung thành với Chúa Cha, chứng minh cho tình yêu lạ thường mà Thiên Chúa dành cho mọi người, cái giá trị vô giá mà Ngài ban cho con người. Vì điều nầy, mỗi người chúng ta được mời gọi để thực hiện cho mình sự tìm kiếm và sự lựa chọn tình yêu Chúa Giêsu, để đi vào con đường sống, suy nghĩ và hành động của Ngài. Đây là đức tin, với tất cả các sự diễn đạt được mô tả không sai lầm trong thông điệp.
Ngoài ra, vẫn trong bài báo ngày 7 tháng bảy, ông hỏi tôi làm sao để hiểu tính căn nguyên của đức tin Kitô giáo đúng như nó được thiết lập trên sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa, liên quan đến các niềm tin khác, thay vào đó, hướng về chung quanh sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa.
Tôi có thể nói, tính căn nguyên cách chính xác nằm trong thực tế là đức tin làm cho chúng ta tham gia, trong Đức Giêsu, vào mối liên hệ mà Ngài có được với Thiên Chúa là Cha và, trong ánh sáng nầy, mối liên hệ mà Ngài có với tất cả mọi người, gồm cả kẻ thù địch, trong dấu chỉ của tình yêu. Nói cách khác, hậu duệ của Đức Giêsu, như đức tin Kitô giáo trình bày, không được mạc khải để ghi nhận một sự phân cách không thể vượt qua giữa Chúa Giêsu và những người khác: nhưng để nói với chúng ta rằng, trong Ngài, chúng ta tất cả được mời gọi trở nên con cái của một Cha và là anh chị em với nhau. Điểm đặc biệt của Chúa Giêsu là sự giao tiếp, không loại trừ.
Tất nhiên từ đây cũng kéo theo –và nó không phải là chuyện nhỏ- sự phân biệt giữa lãnh vực tôn giáo và lãnh vực chính trị như đã được thừa nhận trong câu “trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa và cho Xê-da những gì của Xê-da”, được Chúa Giêsu xác định rõ ràng và trên đó, cách siêng năng, lịch sử của phương Tây được xây dựng. Thật ra, Giáo Hội được mời gọi để gieo vãi men và muối của Tin Mừng, và đây là tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho tất cả mọi người, chỉ ra mục tiêu thuộc về thượng giới và cuối cùng của số phận chúng ta, trong khi xã hội dân sự và chính trị có nhiệm vụ khó khăn của việc nối kết và thể hiện trong công lý và đoàn kết, trong luật pháp và hòa bình, một đời sống nhân loại hơn. Đối với một người sống đức tin Kitô giáo, điều nầy không có nghĩa là chạy trốn khỏi thế giới hay tìm kiếm quyền bá chủ, nhưng là phục vụ con người, cho cả con người và toàn thể con người, bắt đầu từ viền rìa của lịch sử và giữ ý thức về ý nghĩa của hy vọng, nó hướng dẫn con người làm điều thiện bất chấp mọi sự và luôn luôn nhìn về cuộc sống bên kia.
Trong phần kết luận của bài báo thứ nhất, ông cũng hỏi tôi rằng chúng ta nên nói gì với anh em Do Thái giáo của chúng ta về lời hứa mà Thiên Chúa đã dành cho họ: có phải tất cả đều không đưa đến điều gì cả không? Hãy tin tôi, đây là câu hỏi cơ bản thách thức chúng tôi là những Kitô hữu, bởi vì với sự trợ giúp của Thiên Chúa, đặc biệt từ Công Đồng Vatican II, chúng tôi đã khám phá ra rằng đối với chúng tôi dân Do Thái vẫn còn là gốc rễ thánh thiêng mà từ đó Chúa Giêsu đã nảy mầm. Trong tình huynh đệ mà suốt những năm nầy tôi đã vun trồng với anh em Do Thái ở Argentina, thường trong lúc cầu nguyện tôi cũng đã hỏi Chúa, đặc biệt khi tâm trí tôi đến với ký ức về kinh nghiệm khủng khiếp của thảm trạng Shoa (ND: cuộc tàn sát người Do Thái hồi thế chiến II). Điều tôi muốn nói với ông, cùng với tông đồ Phaolô, là sự trung thành của Thiên Chúa trong giao ước chặt chẽ với dân Israel sẽ không bao giờ bị phá bỏ và, qua các thử thách khủng khiếp của những thế kỷ nầy, người Do Thái đã giữ niềm tin vào Thiên Chúa. Và đối với việc nầy, chúng tôi sẽ không bao giờ biết ơn họ cho đủ với tư cách là Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng với tư cách nhân loại. Thế rồi họ, chính xác bằng cách kiên trì trong niềm tin vào Thiên Chúa của Giao ước, đã kêu gọi mọi người, cả chúng tôi là Kitô hữu, đến với thực tế là chúng ta, như những kẻ hành hương, luôn luôn chờ đợi sự trở lại của Chúa và, do đó, chúng ta phải luôn mở ra với Ngài và đừng bao giờ ở lại trong những gì mình đã đạt được.
Như thế tôi đến với ba câu hỏi mà ông đã đặt ra cho tôi trong bài báo ngày 7 tháng tám. Với tôi dường như, trong hai câu đầu, điều trong lòng ông là muốn hiểu thái độ của Giáo hội đối với những người không chia sẻ niềm tin và Đức Giêsu. Trước hết ông hỏi tôi rằng Thiên Chúa của người Kitô hữu có tha thứ cho một người không tin và không kiếm tìm niềm tin không. Tiền đề là –và đây là điều nền tảng- lòng thương xót của Thiên Chúa thì không có giới hạn nếu một người quay lại với Ngài với lòng chân thành và hối cải, vấn đề cho một người không tin Chúa nằm ở chổ vâng nghe tiếng lương tâm của mình. Tội lỗi, cũng dành cho những người không có niềm tin, tồn tại khi một người đi ngược lại với lương tâm mình. Thật ra, lắng nghe và vâng theo nó có nghĩa là quyết định đối diện với những gì được xem là tốt hay xấu. Và điều thiện hay điều ác của chúng ta phụ thuộc vào quyết định nầy.
Ở chổ thứ hai, ông hỏi tôi có phải tư tưởng, theo đó sự tuyệt đối không tồn tại và do đó không có ngay cả sự thật tuyệt đối nhưng chỉ có một loạt sự thật tương đối hay chủ quan, là một sai lầm hay là một tội lỗi không. Để bắt đầu tôi sẽ không nói, không nói ngay cả với người tín hữu, về sự thật “tuyệt đối”, theo ý nghĩa tuyệt đối là cái gì không trước sau như một, cái gì bị tước đoạt bất kỳ mối liên hệ nào. Bây giờ sự thật, theo đức tin Kitô giáo, là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Do đó, sự thật là một mối quan hệ! Nó đích thật đến nỗi mỗi người chúng ta cũng mang lấy sự thật và thể hiện nó từ chính anh ta/ cô ta: từ lịch sử và văn hóa của anh ấy/ cô ấy, từ hoàn cảnh trong đó anh ấy/ cô ấy sống, v.v… Điều nầy không có nghĩa sự thật thì thay đổi và chủ quan, hoàn toàn ngược lại. Nhưng có nghĩa là nó được trao ban cho chúng ta luôn luôn và chỉ như là một con đường và một cuộc sống. Không phải chính Chúa Giêsu đã nói “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” đó sao? Nói cách khác, sự thật hoàn toàn là một với tình yêu, đòi hỏi sự khiêm tốn và cởi mở để kiếm tìm nó, đón nhận nó và diễn tả nó. Do đó, cần thiết để hiểu rõ lẫn nhau trong các mối quan hệ và, có lẽ, để ra khỏi những điểm đen hẹp hòi của sự đối lập… tuyệt đối, để đặt lại vấn đề trong chiều sâu. Tôi nghĩ rằng ngày nay điều nầy hoàn toàn cần thiết để bắt đầu cuộc đối thoại trong sáng và xây dựng đó mà tôi đã hy vọng ngay từ đầu của thư trả lời nầy của tôi.
Trong câu hỏi cuối cùng mà ông hỏi tôi, với sự biến mất của con người trên trái đất, có phải tư tưởng là cái mà có thể suy nghĩ về Thiên Chúa cũng biến mất hay không. Chắc chắn cái lớn lao nhất của con người nằm ở chổ nó có thể suy nghĩ về Thiên Chúa. Và đó là trong việc có thể sống một mối tương quan có ý thức và có trách nhiệm với Ngài. Tuy nhiên, mối tương quan là giữa hai thực thể. Thiên Chúa –đây là suy nghĩ của tôi và đây là kinh nghiệm của tôi, nhưng có bao nhiêu người, hôm qua và hôm nay, chia sẻ nó- thì không phải là một ý tưởng, cho dù rất cao quý, kết quả của tư tưởng con người. Thiên Chúa là thực-tại với một chữ “T” hoa. Chúa Giêsu mạc khải điều nầy –và Ngài sống mối tương quan với Thiên Chúa- như một người Cha tốt lành và thương xót vô hạn. Do đó, Thiên Chúa không phụ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta. Hơn nữa, ngay cả khi sự sống của con người trên trái đất có thể chấm dứt –đối với niềm tin Kitô giáo, trong bất cứ trường hợp nào, thế giới nầy như chúng ta biết là sẽ đi đến thất bại-, thì con người sẽ không chấm dứt hiện hữu và, theo một cách nào đó mà chúng ta không biết, vũ trụ cũng được tạo thành cùng với nó. Thánh Kinh nói về “trời mới và đất mới” và xác định rằng, cuối cùng, ở đâu và khi nào thì vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta, nhưng theo hướng đó, trong đức tin, mà chúng ta nhắm về với sự mong ước và ngóng chờ, Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong tất cả”.
Tiến sĩ Scalfari đáng mến, như vậy tôi kết luận những suy nghĩ của tôi, được làm dậy lên bởi những gì ông muốn thông truyền cho tôi và hỏi tôi. Xin hãy nhận lấy nó như là câu trả lời ướm thử và tạm thời nhưng chân thành và tin tưởng cho lời mời cùng đi với ông trong một đoạn đường. Xin hãy tin tôi, Giáo Hội cho dù tất cả những sự chậm chạp, bất trung, những sai lầm và tội lỗi của mình mà có thể đã phạm và còn có thể phạm với những người cùng đồng hành, cũng không có một ý định hay mục đích nào khác mà chỉ để sống và làm chứng về Đức Giêsu: Ngài là Đấng đã được Chúa Cha gởi đến “để rao giảng Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, để công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, và cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Với sự gần gũi huynh đệ,
Phanxicô
———-
XT chuyển ngữ
Tags: Phanxicô-I, Đối-thoại-liên-tôn
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC