ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: GIÁO LÝ VIÊN LÀ NGƯỜI GÌN GIỮ TRÍ NHỚ VỀ THIÊN CHÚA

Written by xbvn on Tháng Chín 30th, 2013. Posted in Giáo lý, Thế Giới, Xuân Tịnh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ sáng Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô để đánh dấu Ngày Quốc Tế Giáo Lý Viên được Hội Đồng Giáo Hoàng Thăng Tiến Tân Phúc Âm Hóa tổ chức trong khuôn khổ của Năm Đức Tin. Sự nguy hiểm của tính tự mãn và sự cần thiết phải có cái cốt lõi và bản chất của Tin Mừng ở trung tâm đời sống và việc làm của giáo lý viên là chủ đề bài giảng của Đức Thánh Cha. Dưới đây là toàn văn bài giảng lễ.

***

1.”Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và những kẻ sống an nhiên tự tại… Nằm dài trên giường ngà!” (Am 6, 1.4). Chúng ăn, chúng uống, chúng ca hát, chúng chơi đùa và chúng không quan tâm gì đến những khốn khổ của người khác.

Đây là những lời khó nghe mà tiên tri Amos nói ra, nhưng nó cũng cảnh báo chúng ta về một nguy cơ mà tất cả chúng ta đang đối mặt. Điều gì mà sứ giả của Thiên Chúa lên án; Ông muốn người thời ấy và chính chúng ta nhận ra điều gì? Sự nguy hiểm của tính tự mãn, sự thoải mái, tính trần tục trong lối sống và trong tâm hồn chúng ta, của việc lấy sự sung túc của chúng ta làm điều quan trọng nhất trong đời sống mình. Đây là trường hợp của người giàu có trong Tin Mừng, ông mặc áo đẹp và ngày ngày say mê trong yến tiệc xa hoa; đây là việc quan trọng đối với ông. Và người nghèo khó trước bậc cửa nhà ông không có gì để ăn cho đỡ đói. Đó không phải là việc của ông, nó không liên quan đến ông ta. Bất cứ khi nào các thứ vật chất, tiền bạc, thế gian, trở nên trung tâm của đời sống chúng ta, thì chúng nắm lấy chúng ta, chúng sở hữu chúng ta; chúng ta đánh mất chính căn tính là con người của chúng ta. Người giàu có trong Tin Mừng không có tên, ông ta đơn giản chỉ là “một người giàu có”. Các thứ vật chất, tài sản của ông, là khuôn mặt của ông; ông không có cái gì khác.

Chúng ta hãy thử suy nghĩ: Cái gì đó tương tự xảy ra như thế nào? Làm sao một số người, có lẽ gồm cả chúng ta, có thể cuối cùng trở nên tự say mê mình và tìm kiếm an toàn trong những thứ vật chất, để chúng cuối cùng hoàn toàn cướp khỏi chúng ta khuôn mặt của mình, khuôn mặt con người của chúng ta? Đây là điều sẽ xảy ra khi chúng ta không còn nhớ đến Thiên Chúa nữa. Nếu chúng ta không nghĩ về Thiên Chúa, thì mọi sự cuối cùng qui về cái “tôi” và sự thoải mái của riêng tôi. Cuộc sống, thế giới, tha nhân, tất cả những điều nầy trở nên phi thực, chúng không còn là vấn đề nữa, tất cả mọi thứ tóm tắt về một chuyện: sở hữu. Khi chúng ta không còn nhớ đến Thiên Chúa nữa, chúng ta cũng trở nên không thực tế, chúng ta cũng trở nên trống rỗng; như người giàu có trong Tin Mừng, chúng ta không còn có một khuôn mặt nữa! Những người chạy theo những điều hư không sẽ trở nên hư không –như một vị tiên tri lớn khác ông Giê-rê-mi-a, đã quan sát thấy ( x. Ger 2,5). Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Ngài, không phải là các vật thể vật chất, không phải là các ngẫu tượng!

2.Vì vậy, khi chú tâm đến các bạn, tôi nghĩ: Giáo lý viên là ai? Họ là những người giữ cho trí nhớ về Thiên Chúa sống động; họ giữ nó sống động trong chính bản thân mình và có thể làm cho nó sống động trong những người khác. Đây là điều tốt đẹp: nhớ về Thiên Chúa, giống như Đức Trinh Nữ Maria, ngài nhìn thấy những công việc lạ lùng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình nhưng không nghĩ về danh dự, uy tín, hay sự giàu sang; ngài không trở nên tự say mê mình. Thay vào đó, sau khi nhận được tin báo của thiên thần và thụ thai Con Thiên Chúa, ngài đã làm gì? Ngài đi ra ngoài, đi giúp đỡ người chị họ Elizabeth, người cũng đang mang thai. Và việc đầu tiên ngài làm khi vừa gặp bà Elizabeth là nhớ lại việc làm của Thiên Chúa, sự trung tín của Thiên Chúa, trong cuộc đời của mình, trong lịch sử của dân tộc mình, trong lịch sử của chúng ta: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… vì Ngài đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ… Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1,46.48.50).

Bài ca vịnh nầy của Đức Maria chứa đựng ký ức của lịch sử cá nhân mình, lịch sử của Thiên Chúa với ngài, kinh nghiệm đức tin riêng của ngài. Và điều nầy cũng đúng cho mỗi người chúng ta và cho mọi Kitô hữu: đức tin chứa đựng trí nhớ riêng của chúng ta về lịch sử của Thiên Chúa với chúng ta, trí nhớ về sự gặp gỡ của chúng ta với Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước, Đấng tạo dựng, gìn giữ và biến đổi chúng ta. Đức tin là ký ức về lời Ngài, lời sưởi ấm tâm hồn chúng ta, và về việc cứu độ của Ngài, công việc ấy đem lại sự sống, thanh tẩy chúng ta, săn sóc và nuôi dưỡng chúng ta. Một giáo lý viên là một Kitô hữu biết đưa ký ức nầy vào việc phục vụ cho sự rao giảng, không cho mình là quan trọng, không nói về mình, nhưng nói về Thiên Chúa, về tình yêu và sự trung tín của Ngài –để nói và thông truyền tất cả những gì Ngài đã mạc khải, tức là giáo huấn của Đức Kitô và Giáo Hội Ngài trong toàn bộ của nó, không thêm cũng không bớt điều gì.

Thánh Phaolô khuyên nhủ một điều đặc biệt cho môn đệ của ngài và bạn đồng sự Timôtê: Hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, đã sống lại từ cõi chết, Đấng mà tôi rao giảng và vì Ngài mà tôi chịu đau khổ (x. 2Tim 2,8-9). Thánh tông đồ có thể nói điều nầy vì ông cũng nhớ về Đức Kitô, Đấng đã gọi ông khi ông đang bách hại người Kitô hữu, Đấng đã chạm vào ông và biến đổi ông bằng ân sủng của Ngài.

Vậy thì, giáo lý viên là một Kitô hữu luôn nghĩ về Thiên Chúa, người được hướng dẫn bởi trí nhớ về Thiên Chúa trong toàn bộ đời sống của mình và là người có thể đánh thức trí nhớ đó trong tâm hồn của những người khác. Điều nầy không hề dễ dàng! Nó đi vào toàn bộ đời sống của chúng ta! Giáo lý tự nó là gì, nếu không phải là trí nhớ về Thiên Chúa, trí nhớ về việc làm của Ngài trong lịch sử và việc Ngài đến gần chúng ta trong sự hiện diện của Đức Kitô, trong lời Ngài, trong các bí tích, trong Giáo Hội của Ngài, trong tình yêu của Ngài? Anh chị em thân mến, tôi xin hỏi các bạn: Chúng ta trong thực tế có phải là trí nhớ về Thiên Chúa không? Chúng ta có thực sự giống như người lính gác đánh thức trong người khác cái trí nhớ về Thiên Chúa để sưởi ấm tâm hồn không?

3. “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on!” Chúng ta phải làm gì để không là “kẻ  sống yên ổn” –những người tìm kiếm sự an toàn nơi chính mình và những thứ vật chất- nhưng là những người nam và người nữ của trí nhớ về Thiên Chúa? Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô, thêm một lần nữa viết cho Timôtê, đưa ra vài chỉ dẫn có thể cũng là bảng hướng dẫn cho chúng ta trong công việc là giáo lý viên: theo đuổi sự công chính, đạo đức, đầy lòng tin, lòng mến, kiên nhẫn, hiền hòa (x. 1Tim 6,11).

Các giáo lý viên là những người nam và người nữ của trí nhớ về Thiên Chúa nếu họ có mối quan hệ thường xuyên và sống động với Ngài và với người bên cạnh mình; nếu họ là những người nam và người nữ của đức tin thật sự tín thác vào Chúa và đặt để sự an toàn của mình nơi Ngài; nếu họ là những người nam và người nữ của bác ái, tình yêu, họ nhìn những người khác như là anh chị em; nếu họ là những người nam và người nữ “hypomoné”, chịu đựng và kiên trì, có thể đối mặt với những khó khăn, thử thách và những thất bại với sự thanh thản và hy vọng vào Chúa; nếu họ dịu dàng, có khả năng hiểu biết và lòng thương xót.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta tất cả có thể là những người nam và người nữ biết giữ gìn trí nhớ về Thiên Chúa sống động trong chính bản thân chúng ta, và có thể đánh thức nó trong tâm hồn của những người khác. Amen.

XT (theo Radio Vatican)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30