CHỦNG VIỆN HUẾ TĨNH TÂM NĂM: BÀI GIẢNG KHAI MẠC

Written by xbvn on Tháng Mười 29th, 2013. Posted in Linh mục, Lm. Trần Minh Huy, Việt Nam, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

 Tối 28/10/2013, các chủng sinh của Đại Chủng Viện Huế bắt đầu bước vào cuộc tĩnh tâm năm kéo dài đến sáng 1.11.2013, do cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss, giảng phòng. Dưới đây là bài giảng khai mạc:

BÀI KHAI MẠC

Tối 28/10/2013

 Thưa Anh Em,

Có câu chuyện như thế này: Trong khi cắt dọn cỏ sân bóng đá, thầy chủ nhiệm vô ý đánh rơi chiếc đồng hồ trong đống cỏ khô. Cả thầy và trò xáo tung đống cỏ để tìm, nhưng mãi vẫn không thấy mà trời đã sẫm tối, nên đành kéo nhau về để sáng hôm sau tìm tiếp. Sau bữa cơm tối, trò A tới xin phép thầy chủ nhiệm một mình ra tìm chiếc đồng hồ của thầy, bảo đảm sẽ tìm thấy. Đó là điều khác thường và hơi tự phụ, vì cả lớp cùng tìm khi trời còn sáng vẫn không thấy, làm sao một mình trò A tìm chỉ dưới ánh trăng mà bảo đảm sẽ tìm thấy được?! Nhưng trò A quyết xin nên thầy cũng đành lòng. Gần một giờ sau, trò A mang chiếc đồng hồ về đưa cho thầy chủ nhiệm trước ánh mắt ngạc nhiên và cảm phục của các bạn cùng lớp. Chính thầy chủ nhiệm cũng lấy làm lạ và bảo trò A nói lên cho mọi người nghe bí quyết của trò. Trò A từ tốn thưa: Lúc về ăn cơm, con suy nghĩ và chợt lóe lên một ý tưởng. Con muốn áp dụng ý tưởng đó là con sẽ nằm sát xuống bãi cỏ, giữ sự thinh lặng tối đa để lắng nghe tiếng tíc tắc của đồng hồ ắt sẽ tìm ra nó. Hễ đông người thì nguyên bước chân đi lại cũng gây rộn ràng rồi, nên con xin chỉ một mình con đi tìm. Con vận dụng sự tĩnh mịch của đêm và chia ra từng khoảnh cỏ, con nằm ép tai sát đất và lắng nghe. Nằm lắng nghe hết chỗ này qua chỗ khác, cuối cùng nhờ tiếng tíc tắc của đồng hồ, con đã lần tới và tìm được nó.

             Anh em thân mến,

Trong tư thế sẵn sàng để tĩnh tâm năm, chắc anh em mường tượng được điều tôi muốn nói. Như trò A trong câu chuyện, trong sự trầm tĩnh sâu lắng trước Chúa Giêsu Thánh Thể của mấy ngày tĩnh tâm, mỗi người chúng ta sẽ tự phân chia từng lãnh vực đời sống ơn gọi (đời sống thiêng liêng nội tâm: cầu nguyện, suy gẫm, thánh lễ, bí tích…; đời sống hoạt động mỗi ngày: học hành, kỷ luật, giao tế, v.v…), gạt bỏ những xáo động bên ngoài (để có một cuộc sống thinh lặng), lẫn những dao động bên trong (để có sự thinh lặng của cuộc sống), lắng lòng lại để nghe được tiếng nói lương tâm mình, tiếng nói của Chúa, những lời nhận xét và nhắc nhở của Bề Trên và các nhà đào tạo, lần theo dấu vết mà nắm bắt được con người thật của mình: Tôi là ai? Tôi đang làm gì ở đây? Và rồi tôi sẽ đi về đâu? Nhìn lại, nhớ lại để thấy ơn Chúa mà cảm tạ, thấy lỗi mình mà sửa đổi và dốc quyết sống tốt hơn, thánh thiện hơn trong những ngày tháng tới.

 Khi xem đoạn video Chầu Thánh Thể đêm canh thức cầu nguyện cho Hòa Bình Syria và Trung Đông ngày 6/9/2013, ai cũng cảm động và có ấn tượng sâu sắc: cả trăm ngàn người cùng với ĐTC Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô trong sự thinh lặng tuyệt đối, tôn thờ, khẩn nài và lắng nghe. Trong mấy ngày này, chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ hơn để ngắm nhìn ơn Chúa hoạt động, uốn nắn và đổi mới cuộc đời chúng ta; để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và lòng nhân hậu của Chúa hằng nâng chúng ta dậy; để lắng nghe Chúa thổ lộ tình yêu và lặp lại lời mời gọi chúng ta theo Ngài; để kiểm điểm và thẩm định cách chúng ta đã đáp trả khi Chúa ngỏ lời với chúng ta, kêu gọi chúng ta, muốn chúng ta sống mật thiết hơn với Ngài; để trái tim chúng ta hoà nhịp với Thánh Tâm Chúa, hầu đưa những mối tương quan và tình cảm của chúng ta vào trong quỹ đạo tình yêu của Chúa; để nhận diện những việc Chúa làm trong đời sống chúng ta, và duyệt xét lại những lần Chúa can thiệp vào những hy vọng, những thất vọng, những niềm vui những nỗi buồn, những kế hoạch thành công hoặc thất bại của chúng ta; để nhờ đó chúng ta được quay trở về, bắt đầu lại, canh tân, tiếp tục hành trình, và tiến bước quyết liệt hơn từ đây, khi dường như nghe được Chúa một lần nữa nói với chúng ta: “Con hãy đứng dậy và cất bước.

 Trong thời khắc trầm lắng này, Chúa Giêsu Thánh Thể dường như thì thầm bên tai mỗi người chúng ta: “Con đừng để cho quá khứ làm mờ mịt hiện tại. Hãy đứng dậy, nhắm phía trước mà cất bước, tiến tới, không nuối tiếc, không rầu rĩ… Hãy nối gót theo sát Ta, vì Ta là Chúa của tương lai… Hãy cất bước, hãy dám liều, hãy ra chỗ nước sâu, Ta sẽ dẫn con vượt xa những mong chờ của con! Sau những gì đã xảy đến trong thời gian qua, con có còn hứng thú để đứng dậy, để bắt đầu lại tất cả và để đi xa hơn những giấc mơ của con nữa không? Con có còn hứng thú để Thánh Thần hướng dẫn nữa không? Con có còn hứng thú để tiếp tục lộ trình theo tiếng gọi con đã nghe thấy từ nhiều năm qua, theo tiếng gọi được lặp lại cho con mỗi ngày nữa không? Con có còn hứng thú để chết đi cho những dự phóng của con, cho chính con, cho những mối tình và toan tính của con, để sinh lại xinh đẹp hơn cho những dự phóng của Ta, những dự phóng của Giáo hội nữa không? Con có còn hứng thú để chết đi cho sự đơn điệu nhàm chán, cho thói quen, cho sự thờ ơ, cho tất cả những gì làm phân tán lòng con để rồi càng theo Ta quyết liệt hơn nữa không?”

 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cách cầu nguyện của ngài: buổi sáng cầu nguyện giờ kinh Phụng Vụ, dâng lễ, rồi lần chuỗi Mân côi. Buổi tối chầu Thánh Thể một giờ. Ngài thú thật là có chia trí và đôi khi ngủ gục nữa! Ban Giám Đốc đã lên chương trình cho chúng ta trong tuần tĩnh tâm này, ngày nào trước khi nghỉ đêm cũng dành một giờ thinh lặng bên nhau cầu nguyện riêng với Chúa Giêsu Thánh Thể, điều mà trong cơn hấp hối Chúa Giêsu đã tha thiết nài xin với ba môn đệ thân tín: “Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: ‘Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện.’ Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: ‘Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.’ Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: ‘Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.’ Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: ‘Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.’ Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: ‘Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao?’[1].

 Có thể những người chưa quen giữ thinh lặng lâu sẽ e ngại chăng? Hãy ngồi cân bằng trọng lực và thư giãn: lưng thật thẳng, tạo với bắp đùi và cẳng chân thành những góc vuông, đầu ngước thẳng nhìn lên Nhà Tạm, hai tay đặt ngữa trên hai đầu gối, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng thật đều và nhẹ nhàng, không để phát ra tiếng động (khi quen rồi thì hít vào thở ra đều bằng mũi), lắng nghe và nói với Chúa bằng trí, có thể theo dõi và đo hơi thở bằng một lời nguyện tắt lặp đi lặp lại tự đặt ra cho mình [lạy Chúa Giêsu con yêu mến Chúa, lạy Chúa Thánh Thần xin biến đổi con, chẳng hạn…]. Cũng có thể dùng tư thế qùy cân bằng trọng lực, giữ cột sống lưng thật thẳng tạo với hai chân thành một góc vuông. Đừng bận tâm đến thời gian. Hỏi Chúa và lắng nghe Chúa, nhưng cũng là trả lời cho chính mình: “Lạy Chúa, con có yêu Chúa thật lòng không? Con không thể thức với Chúa được một giờ sao? Chúa có muốn con làm linh mục không? Nếu con làm linh mục, có gì nguy hiểm cho con, cho ngươi khác và cho Giáo Hội không? Chúa nghĩ gì về con và Chúa có bằng lòng về con không? Chúa muốn con phải biến đổi và điều chỉnh những gì? Tại sao con quyết định tiếp tục tiến bước?” Làm được như thế, một giờ sẽ trôi qua rất nhanh.

 Người ta thuật lại rằng cha Gioan Maria Vianney quan sát thấy một nông dân Ars ngày nào ra đồng làm việc cũng để cày trước cổng, đi vào nhà thờ một lát rồi ra đi làm việc ngay. Lúc chiều từ ngoài đồng về nhà ông cũng làm như vậy. Ngày kia cha Vianney chặn gặp ông và hỏi ông vào nhà thờ đọc kinh chi mà nhanh thế? Và ông trả lời: “Con có đọc kinh gì đâu! Con chăm nhìn Chúa trong Nhà Tạm và Chúa chăm nhìn con, có thế thôi!” ĐTC Phanxicô nói: “Hãy nhìn vào Nhà Tạm, và hãy để mình được Chúa nhìn… đơn giản thế thôi! Điều này hơi nhàm chán, muốn ngủ gật… Cứ ngủ đi! Người vẫn sẽ nhìn ngắm chúng ta. Chắc chắn rằng Người nhìn ngắm chúng ta! Và điều này quan trọng hơn nhiều…vì sưởi ấm tâm hồn chúng ta, giữ cho ngọn lửa tình bằng hữu với Chúa được cháy mãi, làm cho chúng ta cảm thấy  Người thực sự nhìn ngắm chúng ta, gần gũi và yêu thương chúng ta. Hãy để cho Người nhìn ngắm chúng ta! Đừng làm gì hơn. Điều đó có khi không đơn giản đối với người có gia đình con cái, họ quá bận bịu, rất khó tìm ra thời gian lâu dài để yên tĩnh. Nhưng cảm tạ Chúa, không nhất thiết là tất cả mọi người đều phải làm cùng một cách. Điều quan trọng là phải tìm một cách thích hợp để ở lại với Chúa; và điều này có thể được trong tất cả các bậc sống. Lúc này mỗi người có thể tự hỏi: Tôi làm thế nào để sống việc “ở lại” với Chúa Giêsu? Tôi làm thế nào để “ở lại và nghỉ ngơi” trong Chúa Giêsu? Tôi có những giây phút im lặng ở trong sự hiện diện của Người, hoặc để cho Người nhìn tôi không? Tôi có để cho lửa của Người sưởi ấm tâm hồn tôi không? Nếu trong tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Thiên Chúa, không có tình yêu và sự dịu dàng của Ngài, làm sao chúng ta, những tội nhân nghèo hèn, có thể sưởi ấm tâm hồn những người khác? Hãy suy nghĩ về điều này![2]

 Cuộc đời hướng tới chức linh mục của chúng ta là một hành trình lâu dài mà chúng ta chỉ thành công khi cùng đi với Chúa. Hãy cất bước như Abraham, dù trong đêm tối của trí hiểu nhưng đã mau mắn đáp lại tiếng gọi nghịch lý của Đấng ban lời hứa. Hãy cất bước như Mẹ Maria, vội vã lên đường thăm viếng bà Ysave mong giải mã điều bí ẩn trong lời mời gọi “làm mẹ Thiên Chúa” mà Mẹ không bao giờ nghĩ tới và tưởng chừng như không thể thực hiện. Hãy cất bước như các nhà đạo sĩ theo ánh sao lạ dẫn đường tìm kiếm Đấng Cứu Tinh. Để được như vậy, chúng ta hãy dùng thời gian ở Chủng viện, nhất là thời gian tĩnh tâm này cho nên.

 Như ngân hàng tài chánh mỗi sáng rót vào tài khoản của chúng ta một số tiền và bảo chúng ta tiêu hết số tiền đó trong ngày, đến chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ số tiền còn lại đã không dùng hết, không chuyển qua ngày hôm sau; nhưng cũng không được tiêu quá số tiền đó, Ngân Hàng Thời Gian của Chúa mỗi sáng cho chúng ta 86.400 giây và bảo chúng ta phải sử dụng tất cả cho nên, không để dư mà cũng không được bội chi; đến tối, thời gian mà chúng ta không dùng nên trong ngày đã bị mất, mà thời gian còn lại cũng bị xóa bỏ, không có chuyện quay lại tích luỹ của ngày hôm qua, cũng không có chuyện để dành cho ngày mai. Đồng hồ vẫn chạy và thời gian vẫn trôi đi. Vậy chúng ta hãy cố gắng dùng thời gian Chúa ban cho thật tốt để có thể đạt được thành quả tốt nhất trong việc học hành tu tập hướng tới lý tưởng linh mục, dù có lúc sáng tỏ có lúc mờ mịt, nhưng luôn tin tưởng vào sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần qua các cơ cấu thẩm quyền và phẩm trật của Giáo Hội.

 Trong mấy ngày ngắn ngủi này, tôi sẽ nói với anh em Tiến trình ơn gọi năm bước. Có thể anh em đã biết hết rồi, và tôi sẽ không mang lại triết lý gì mới mẻ hay suy tư thần học cao siêu nào hết; đừng chờ đợi những thứ đó, vì tĩnh tâm là để sống với Chúa và lo việc linh hồn mình, không ai khác có thể làm thay chúng ta được. Tôi chỉ xin được cùng anh em chia sẻ kinh nghiệm sống, đọc lại, ôn lại, nhớ lại với nhau trong bầu khí và ơn ban tĩnh tâm. Xin anh em trong mấy ngày này cố gắng tạo cho mình và cho anh em khác, không những cuộc sống thinh lặng, mà còn sự thinh lặng của cuộc sống nữa, là cái thiết yếu cho một cuộc tĩnh tâm hiệu quả. Có những người có cuộc sống thinh lặng nhưng không có được sự thinh lặng của cuộc sống, như người ta thường nói cách ví von “trong lòng không có biển mà vẫn có sóng; thân xác ở đây mà lòng trí đi du lịch mãi tận đâu đâu xa xôi”. Trái lại, có những người tuy sống giữa bao xáo động của nhân thế nhưng lòng vẫn an định, một mình mình với một mình Chúa. Vì thế mà các tĩnh tâm viên đều ao ước Intrate toti, manete soli và Exite alii: Vào tĩnh tâm với tất cả con người mình, ở lại một mình mình với Chúa, và ra tĩnh tâm với một con người khác trước. Vậy xin anh em vui lòng gác lại mọi trao đổi với nhau, kể cả bình phẩm khen chê, thích thú hay bực tức… để lòng mình và lòng anh em khác được an tĩnh mà tĩnh tâm cho nên, đợi đến tĩnh tâm xong hãy hay. Mỗi người chỉ trao đổi với Chúa và với cha linh hướng, vì đây là cơ hội rất thuận tiện để làm công việc rất quan trọng này. Thường trong các cuộc giúp tĩnh tâm ít người, tôi có chương trình lần lượt gặp riêng từng người theo mô hình linh thao. Nhưng ở đây anh em đông quá không thể làm được như vậy. Nhưng nếu có những anh em nào muốn gặp riêng tôi, tôi xin sẵn sàng, dù tôi cũng phải tận dụng thời gian dọn bài giảng tĩnh tâm năm cho linh mục đoàn Vinh vào cuối tháng 12 sắp tới. Xin anh em cũng hiệp ý cầu nguyện cho tôi và các cha Vinh. Cám ơn anh em nhiều.

 Đặc biệt hướng về các anh em lớp Tu Đức sau kỳ tĩnh tâm này mặc áo dòng, tôi xin chia sẻ lời của mẹ thánh Gioan Boscô căn dặn ngài ngày ngài mặc áo dòng: “Con nay đã mặc tu phục. Mẹ đang cảm thấy tất cả niềm vui mà một người mẹ có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, con phải nhớ không phải áo quần làm cho con được trọng vọng, chiếc áo không làm nên thầy tu, mà chính là đức hạnh. Giả sử một ngày nào đó, con nghi ngờ về ơn gọi của mình thì mẹ xin con, vì lòng mến Chúa, chớ có gây ô nhục cho tấm áo này, hãy lập tức cởi bỏ nó ra, mẹ thích chẳng thà con trai của mẹ là một người dân quê hơn là một linh mục không xứng đáng. Ngày con chào đời mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ. Mẹ đã dạy con phải hết lòng yêu kính người Mẹ ấy, vì ngài chính là Mẹ thật của chúng ta. Giờ đây mẹ nhắc con hãy thuộc hẳn về Mẹ Maria cách trọn vẹn. Nói xong, mẹ Boscô rất xúc động muốn khóc và mắt Boscô cũng rưng rưng ngấn lệ: Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ làm cho con. Con sẽ không bao giờ quên những lời mẹ vừa nói cho con”.

 Chúng ta cùng ký thác cho lòng nhân hậu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, và sự trợ lực hiền mẫu của Mẹ Maria, để tiếp tục lên đường, dấn bước theo sát Đấng đã kêu gọi mỗi người chúng ta từ bao thời gian xa trước, cho đến hôm nay và mãi mãi về sau. Trước khi đi chầu Thánh Thể mà mỗi lần như vậy chị thánh Têrêsa Nhỏ thường nói “Em đi gặp người yêu của em”, xin mời anh em chuẩn bị tâm hồn bằng lắng nghe bài hát minh họa “Hát trên đỉnh đồi”.



[1] Mc 14, 32-41.

[2] Trích huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ sáu ngày 27 tháng 9 năm 2013 tại Sảnh Đường Phaolô VI trong buổi tiếp kiến các các giáo lý viên hành hương về Rôma vào dịp Năm Đức Tin và tham dự Đại Hội Quốc Tế về Dạy Giáo Lý.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31