GIỖ TỔ XUÂN BÍCH: NHƯ MỘT KỶ NIỆM 2013

Written by xbvn on Tháng Mười Một 19th, 2013. Posted in Cựu sinh viên XB, Huế, Như một kỷ niệm 2013, Việt Nam, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

lời mở

Một lần nữa, đặc san Như Một Kỷ Niệm được gửi đến bạn đọc như món quà nhỏ đánh dấu dịp hội ngộ mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thờ, cũng là Ngày Truyền Thống Xuân Bích.

Cũng như các năm trước, bài vở của Như Một Kỷ Niệm 2013 là sự đóng góp của các thành viên Xuân Bích, các thành viên gia đình Đại chủng viện Huế, và các thân hữu gần xa. Đức Maria, chủng sinh, linh mục, nhịp sống chủng viện, sứ mạng Giáo hội… vẫn là những chủ đề sẽ được gặp thấy trong các trang đặc san này.

Bên cạnh đó, năm nay có hai kỷ niệm đặc biệt làm nên nét riêng của ngày hội ngộ truyền thống và do đó cũng in dấu trong đặc san: Kỷ niệm 80 năm sứ vụ đào tạo linh mục của Xuân Bích tại Việt Nam (1933-2013), và kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục của các Cha Gioan B. Nguyễn Văn Đán, Phêrô Nguyễn Lân Mẫn, Bartôlômêô Nguyễn Quang Anh và Lu-y Nguyễn Văn Bính – những khuôn mặt rất thân thương của bao thế hệ học trò dưới mái trường này. Chúng con thành kính chúc mừng quý Cha, với niềm tri ân tận đáy lòng.

Ban biên tập xin chân thành cám ơn tất cả các cộng tác viên đã tích cực gửi bài đóng góp cho đặc san, cùng với nỗi tiếc vì lực bất tòng tâm, không có đủ chỗ cho hết mọi bài. Ta hẹn nhau ‘chuyến tàu’ năm tới vậy. Xin Mẹ Dâng Mình chúc lành cho tất cả.

BBT/NMKN/2013 

CHUNG TÂM TÌNH

TẠ ƠN THIÊN CHÚA

NHÂN DỊP KỶ NIỆM 80 NĂM

SỨ VỤ ĐÀO TẠO LINH MỤC

CỦA XUÂN BÍCH TẠI VIỆT NAM (1933 – 2013)

Hân hoan chúc mừng

Kim Khánh Linh Mục

của Quý Cha:

Lu-y NGUYỄN VĂN BÍNH (21.12.1963)

Bartôlômêô NGUYỄN QUANG ANH (27.5.1964)

Gioan B. NGUYỄN VĂN ĐÁN (30.5.1964)

Phêrô NGUYỄN LÂN MẪN (30.5.1964)

 

 

 LINH MỤC, LỜI CHÚA, VÀ THÁNH THỂ

Ronald D. Witherup, pss.

Đây là bài nói chuyện với các chủng sinh tại Đại chủng viện Huế hôm 22.01.2013 của Cha Witherup, Bề trên Tổng quyền Hội Các Linh Mục Xuân Bích, nhân chuyến kinh lý của ngài tại Việt Nam hồi đầu năm nay.

Thật là một hân hạnh lớn cho tôi khi có được cơ hội thăm viếng Đại Chủng Viện Huế đây và có buổi nói chuyện thân tình này với các bạn chủng sinh.

Một trong những điều làm tôi tiếc nuối khi nhận vai trò Bề trên Tổng quyền, đó là tôi không còn có cơ hội để đứng lớp dạy học, cũng chẳng có nhiều dịp tiếp xúc với các chủng sinh, ngoại trừ trong những chuyến kinh lý theo Giáo Luật như dịp này.

Thời gian cho buổi nói chuyện này không có nhiều, và tôi cũng muốn dành thời giờ để lắng nghe và trả lời các câu hỏi nữa, nên tôi sẽ nói về một chủ điểm thôi, đó là: mối liên hệ giữa Lời Chúa (Thánh Kinh) và Thánh Thể. Tôi sẽ nhìn mối quan hệ này, cả từ giáo huấn Công giáo về lý do tại sao Thánh Kinh và Thánh Thể rất quan trọng trong đời sống linh mục, lẫn từ truyền thống Xuân Bích, nhất là từ giáo huấn của vị sáng lập là Cha Jean-Jacques Olier.

I. BỐI CẢNH

Có ba nhãn giới chính tạo bối cảnh cho đề tài của tôi.

1) Trước hết là sự kiện kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II mà chúng ta sẽ mừng từ tháng 10 năm 2012 cho tới tháng 12 năm 2015. (Công đồng diễn ra từ 1962 đến 1965, khi tôi còn là một thiếu niên). Đối với đa số các bạn, Công đồng có vẻ là “chuyện đời xưa”, nhưng với tôi, đó là một thực tế sống động, và tôi cảm thấy thú vị được ôn lại Công đồng trong dịp kỷ niệm trọng đại này. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khích lệ chúng ta, nhất là các linh mục và chủng sinh, tận dụng dịp này để đọc lại các văn kiện của Công đồng hầu có thể hiểu biết Công đồng tốt hơn.

2) Một nhãn giới thứ hai, đó là Thượng hội đồng Giám mục mới đây về công cuộc tân phúc âm hóa để thông đạt đức tin, cùng với sự kiện rằng Thượng hội đồng ấy đã khai mạc “Năm Đức Tin” mà chúng ta đang cử hành. Một số đề nghị từ Thượng hội đồng đã thúc đẩy sự nhấn mạnh việc suy tư dựa trên Thánh Kinh trong suốt năm nay và việc cử hành Bí tích. (Chẳng hạn, đề nghị số 11 nói rằng “Thánh Kinh phải thấm đẫm các bài giảng lễ”, và các linh mục, chủng sinh và giáo dân phải đẩy mạnh việc thực hành lectio divina đúng đắn, tức việc suy niệm Thánh Kinh trong tinh thần cầu nguyện. Trong Tông thư  Porta Fidei công bố Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng nhắc chúng ta rằng “con người ngày nay vẫn cảm thấy nhu cầu đi đến tận nguồn nước, như người phụ nữ Samari” trong Tin Mừng Gioan (số 3). Chúng ta được di dưỡng từ “giếng” Lời Chúa và các Bí tích, và chúng ta cần tiếp tục trở lại với các nguồn bồi bổ tâm linh ấy của mình.

3) Nhãn giới thứ ba đến từ Verbum Domini, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục về Lời Chúa của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (2010). Tôi không nghĩ văn kiện này đã nhận được sự chú ý đúng mức, dù chắc hẳn đây là văn kiện quan trọng nhất về Thánh Kinh kể từ Dei Verbum (1965), tức Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Công đồng Vatican II. Verbum Domini rõ ràng gắn kết việc trân trọng Thánh Kinh nơi người Công giáo với dự án tân phúc âm hóa. Thật vậy, phần lớn “nội dung” của tân phúc âm hóa đến từ Thánh Kinh. Điều quan trọng nhất đối với chúng ta, đó là Lời Chúa tiên vàn là một Đấng, là Đức Giêsu Kitô, Lời hóa thành nhục thể. Vì thế việc tìm hiểu các bản văn thánh là một lời mời gọi gặp gỡ Đức Kitô phục sinh. Không có thừa tác vụ nào nối kết Lời Chúa và Thánh Thể tốt hơn chức linh mục. Đó là lý do tôi muốn giới thiệu những suy tư đơn sơ này.

II. LỜI CHÚA VÀ BÍ TÍCH

Các bạn hãy nhớ thần học của Vatican II về chức linh mục dạy rằng trong Bí tích truyền chức người linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, vị Linh mục Thượng phẩm đời đời, Đấng là linh mục duy nhất của Tân Ước. Các linh mục chia sẻ trong tác vụ ba mặt của Đức Kitô: Ngôn sứ, Tư tế, và Vua. Căn tính ba mặt này, đến lượt nó, được gắn chặt với ba tác vụ tư tế được chia sẻ bởi tất cả những ai ở trong chức thánh, nhất là giám mục và linh mục: đó là các tác vụ LỜI CHÚA, BÍ TÍCH, và ĐỨC ÁI MỤC TỬ.

Tôi không thể tập chú đến cả ba tác vụ này, thậm chí không thể thảo luận một cách thích đáng từng tác vụ một cách riêng rẽ. Thay vào đó, tôi muốn tập chú đến một khía cạnh độc đáo của tác vụ linh mục, đó là: Bằng cách nào chúng ta nối kết Lời Chúa và Bí tích, và tại sao điều này có ý nghĩa rất quan trọng?

Hãy nhớ rằng giáo huấn của Vatican II về chức linh mục, chủ yếu được gặp thấy trong Sắc lệnh về Sứ vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum ordinis (số 4-5), đã sử dụng bố cục ba phần này về tác vụ linh mục để làm dàn ý chính cho văn kiện. Đặc biệt, khi nhấn mạnh một trật Lời Chúa và Bí tích, Công đồng đang đưa ra một tuyên bố rất quan trọng. Kể từ thời Cải Cách, người Công giáo đã nhìn chính mình chủ yếu như một Giáo hội của CÁC BÍ TÍCH. Đàng khác, những người Tin Lành tự coi mình chủ yếu là dân của LỜI CHÚA. Vatican II tuyên bố rằng CẢ HAI đều tuyệt đối có tính thiết yếu cho đời sống của Giáo hội và cả hai đều được gắn kết mật thiết với tác vụ của các linh mục. Nhận thức này được phát biểu mạnh mẽ trong Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục Pastores Dabo Vobis của Đức Chân phước Gioan Phaolô II (1992, xem số 26).

Đáng lưu ý hơn nữa, đó là giáo huấn của Vatican II về Lời Chúa và Bí tích, được xem xét cùng với nhau, có vai trò quyết định đối với đời sống của Giáo hội. Cả hai đều biểu lộ sự hiện diện của Chúa phục sinh.

Nếu tôi có thể dẫn chính kinh nghiệm của mình trong tư cách là một người đã ở trong chức linh mục 36 năm, thì tôi luôn luôn cảm thấy rằng phẩm chất sự hiện diện của mình khi chủ sự cử hành Thánh Thể (hay cử hành các Bí tích khác, như Bí tích hòa giải hay Phép Rửa), cũng như phẩm chất các bài giảng của mình, là điều vô cùng quan trọng. Là linh mục, tôi làm việc trên cả Lời Chúa và các Bí tích vốn đã được ủy thác cho mình trong tư cách một người phục vụ. Tôi làm gì với Lời Chúa và các Bí tích, tôi cử hành như thế nào cho dân chúng, đó là điều thật sự quan trọng.

Nhưng xét về mặt thần học, còn có nhiều điều để ghi nhận hơn nữa chứ không duy chỉ là sự hiện diện mang tính mục vụ. Hãy cho phép tôi trích dẫn một bản văn của Vatican II để minh họa.

Hiến Chế về Phụng Vụ thánh, Sacrosanctum concilium (1963) của Công đồng Vatican II, số 7:

Ðể chu toàn công việc lớn lao ấy, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì “như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục”, nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thực sự trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, khi một người ban Phép Rửa thì đó là chính Chúa Kitô ban Phép Rửa. Người hiện diện thực sự trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: “Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20).

Hãy ghi nhận rằng văn kiện này xác nhận những cách thế đa dạng qua đó Chúa phục sinh hiện diện (chính xác là có bảy cách thế: cử hành phụng vụ, hy tế Thánh Lễ, con người của thừa tác viên, hình bánh và hình rượu, các Bí tích, Lời Chúa, việc cầu nguyện và hát Thánh Vịnh trong Giáo hội).

Tôi muốn đặt một câu hỏi thực tiễn: Chúng ta, các linh mục và chủng sinh, có thường xuyên nhận ra rằng khi mình công bố Lời của Thiên Chúa thì đó là mình đang chuyển đạt sự hiện diện thực sự của Đức Kitô phục sinh? Chúng ta có dành cho Lời Thiên Chúa cùng một sự tôn kính như ta dành cho Thánh Thể? Tôi tin rằng đây là hàm ý chứa đựng trong giáo huấn của Vatican II, và hơn nữa, tôi không nghĩ đó là một giáo huấn mới mẻ. Ngay từ thế kỷ 17, Cha Jean-Jacques Olier đã phát triển một cảm thức về giáo huấn này, và đó quả là một sự tiến bộ trong bối cảnh thời của ngài.

Vì thế tôi sẽ chuyển sang điểm cuối cùng của mình là truyền thống Xuân Bích.

III. TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH

Một sự nhấn mạnh dành cho Lời Chúa và Bí tích

Rất lâu trước khi Công đồng Vatican II mô tả tác vụ chủ yếu của các linh mục là một tác vụ Lời Chúa và Bí tích,[1] Cha Olier đã nhấn mạnh các khía cạnh này của căn tính linh mục. Ngài viết:

Thiên Chúa có hai kho tàng mà Ngài giao cho Giáo hội giữ gìn: kho tàng thứ nhất là Mình và Máu thánh Chúa Kitô; kho tàng thứ hai là Lời Chúa hay giao ước thần linh của Ngài, trong đó chứa đựng những điều kín nhiệm và những mong muốn của Ngài… Vì kho tàng Thánh Kinh đã được tin tưởng đặt vào tay của Giáo hội, đến lượt Giáo hội ký thác cho các linh mục để công bố và giải thích cho dân chúng, … nên kho tàng Thánh Kinh phải được tôn kính ở mức cao nhất như nó đáng được, như Thánh Augustinô ghi nhận khi ngài nói rằng ngài muốn chúng ta dành cho những mảnh nhỏ nhất của Thánh Kinh sự cung kính mà chúng ta vốn dành cho hình bánh hình rượu của Bí tích Thánh Thể, bởi vì những mảnh nhỏ nhất ấy ví như những phong thư, những tấm màn và những bí tích chứa đựng Chúa Thánh Thần, như khí cụ chính thức qua đó Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội.[2]

Trong suy nghĩ của tôi, nhận định trên nghe rất gần với Vatican II. Ta thấy Olier đang trích dẫn một bản văn của Thánh Augustinô (thế kỷ 4-5). Người ta cũng có thể trích dẫn lời này của Thánh Giêrôm, người đồng thời với Thánh Augustinô: “Chúng ta đang đọc Thánh Kinh. Đối với tôi Tin Mừng là Thân Mình của Đức Kitô… Liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta sẽ lo lắng nếu một mẩu vụn Bánh thánh lỡ rơi xuống đất. Nhưng khi chúng ta nghe Lời của Thiên Chúa, nghĩa là Lời Thiên Chúa và thịt máu của Đức Kitô đang được đổ vào tai chúng ta, thì chúng ta lại chẳng chú tâm, thử hỏi chúng ta có ý thức sự liều lĩnh tày đình ấy của mình không? (được dẫn lại trong Verbum Domini, số 57).

Chính Cha Olier là một gương mẫu của việc sùng kính Lời Chúa và Bí tích. Để tỏ lòng trân trọng Lời Chúa, ngài đặt Sách Kinh Thánh vào nơi trang trọng nhất trong phòng của mình, và ngài khuyến khích các chủng viện Xuân Bích cũng làm như thế. Hơn nữa, ngài mời gọi các linh mục Xuân Bích và các chủng sinh đọc Lời Chúa hằng ngày, và ngài phát triển một hình thức cầu nguyện có thể dễ dàng được sử dụng cho lectio divina. Lòng sùng kính Lời Chúa của Cha Olier mãnh liệt đến nỗi ngài giữ riêng cho mình quyền giảng dạy Kinh Thánh trong chủng viện. Các bản văn của ngài cho thấy được đặt nền vững chắc trong Thánh Kinh, nhất là các Thư của Phaolô và Tin Mừng Gioan.

Để tỏ lòng trân trọng các Bí tích, Olier cũng nhấn mạnh vai trò của các Bí tích trong việc thánh hóa các linh mục và các tín hữu, nhất là qua việc siêng năng và sốt sắng cử hành Thánh Lễ,[3] “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (theo Vatican II).[4] Lòng sùng kính ấy dẫn tới một sự chuyển hóa bên trong xuyên qua việc đồng hóa với hy tế tiếp diễn không ngừng của chính Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần để tôn vinh Chúa Cha. Nhấn mạnh sự nối kết mật thiết giữa chức linh mục và Thánh Thể, Olier viện dẫn sức mạnh biến đổi của Thánh Thể như sau:

Theo Thánh Phaolô, trở nên một hy lễ sống động, hostiam viventem, không có nghĩa rằng chúng ta duy chỉ có vẻ chết ở bên ngoài, nhưng đúng hơn đó là chúng ta trở nên sống động bên trong, sự sống nội tâm của chúng ta nên giống như chính sự sống của Bánh thánh trên bàn thờ… tức một sự sống thần linh, một sự sống thánh, một sự sống kết hợp với Thiên Chúa…[5]

Ngày nay, lòng sùng kính dành cho Lời Chúa và Thánh Thể vẫn mang tầm quan trọng thiết yếu trong đường lối đào tạo linh mục của Hội Xuân Bích.

Kết luận

Tôi xin khép lại bài chia sẻ của mình với lời khuyên rằng trong Năm Đức Tin này, chúng ta đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha để đi sâu hơn vào kinh nghiệm mối liên hệ giữa Lời Chúa và Bí tích, vì cả hai đều có tầm quyết định đối với đời sống của Giáo hội.

 (Giuse L.C.Đ. dịch)

 

 

ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

NHẬT KÝ MỘT NĂM QUA

* 20 – 21.11.2012: Lễ Mẹ Dâng Mình – Giỗ tổ Xuân Bích

Anh em chúng ta có chung một mái nhàDù có đi xa cũng mong quay về nhà…”! Ngày trọng đại này của Đại chủng viện năm nay càng thêm vui với sự kiện mừng 50 năm linh mục của Cha cựu Giám đốc Đa-minh Trần Thái Hiệp. Đông đảo cựu sinh viên Xuân Bích, có cả các bố đời, đã về tham dự. Ngày lễ được tổ chức khá gọn nhẹ hơn các năm, nhưng cũng đủ sắc màu: bóng đá, văn nghệ, chia sẻ mục vụ, ly rượu hàn huyên, mừng Kim Khánh với múa lân trong ‘khói lửa’ pháo bông, và nhất là Thánh Lễ trang nghiêm sốt sắng. Bữa cơm trưa không ‘cầu kỳ’ lắm mà ai cũng bảo thật là ngon. Ngày vui khép lại, mọi người chia tay và hẹn tái ngộ năm sau!

* 18.12.2012: Vừa “Nghiêm” vừa “Hiền”!

Trong chuyến về thăm quê hương, hai cha Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm và Gioakim Lê Quang Hiền ghé thăm Đại chủng viện Huế. Các ngài chia sẻ kinh nghiệm mục vụ ở Mỹ cho anh em chủng sinh. Học được mấy sàng khôn mà chẳng phải đi ngày đàng nào. Chân thành ghi ơn hai Cha!

* 01.01.2013: Hành hương đầu năm dương lịch

Năm nào Lễ Mẹ Thiên Chúa cũng … trúng ngày Tết dương lịch và gia đình chủng viện cũng đi viếng Mẹ Lavang! Trên đường về, cả nhà ghé thăm giáo xứ Thuận Nhơn và Kim Giao. Các Cha quản xứ và phó xứ cùng bà con giáo dân rất ân cần tiếp đãi: cả tinh thần lẫn vật chất, cả dùng tại chỗ lẫn mang về! Cuộc hành hương thật bổ ích về thiêng liêng và mục vụ cho cả gia đình chủng viện.

* 13.01.2013: Gặp gỡ những nhà thừa sai

 24 Cha MEP ghé thăm Đại chủng viện dưới sự hướng dẫn của Cha Etcharren, cựu Bề trên MEP. Cuộc viếng thăm chỉ ‘hỏa tốc’ trong một buổi tối, nhưng các vị khách cũng kịp chia sẻ với anh em chủng sinh về hoạt động và sự phát triển của Hội Thừa Sai Paris hiện nay, với những sáng kiến mới thích nghi với thời thế mới. Tinh thần sứ mạng thừa sai, vốn thuộc căn tính của linh mục, được khơi lên hơn nữa trong anh em chủng sinh. “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…

* 20 – 26.01.2013: Chuyến kinh lý của Cha Bề trên Tổng quyền

Cha Ronald D. Witherup, Bề trên Tổng quyền Xuân Bích, kinh lý Đại chủng viện Huế theo Giáo luật và theo Hiến pháp Hội Xuân Bích. Trong những ngày này, ngài gặp gỡ trao đổi với các Cha và các Thầy về mọi mặt của đời sống chủng viện. Là một học giả Thánh Kinh, dịp này ngài cũng có hai bài nói chuyện về Thánh Kinh – Thánh Thể, và về Lời Chúa và công cuộc Tân Phúc âm hóa. Cuộc kinh lý của Cha Tổng quyền diễn ra hết sức tốt đẹp trong bầu không khí thân thiện, thiết thực và thẳng thắn.

* 03 – 20.02.2013: Nghỉ Tết Âm Lịch

* 16.4.2013: Cầu nguyện theo Taizé

Frère Andreas, một thành viên của Cộng đoàn Taizé, đến thăm và có một giờ, vào buổi tối, hướng dẫn các chủng sinh cầu nguyện theo phương pháp Taizé. Sốt sắng, lắng đọng, và nhiều cảm nghiệm!

* 24.4.2013: Gặp gỡ OSPA

Cha André Gagnon, S.J., Giám đốc OSPA Canada, và Bà Tường, thư ký, đến thăm Đại chủng viện, trao đổi với các Thầy, đặc biệt các Thầy Thần học I, về chương trình OSPA, mở ra triển vọng về một tương quan tốt đẹp và lâu dài.

* 01.5.2013: Xuất du Đà Nẵng

 Mới 3 giờ sáng, cả nhà thức dậy, lên đường đi Đà Nẵng, tham dự Thánh Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận. Sau Thánh Lễ, mọi người vội vã lên xe trực chỉ Hội An, rồi Trà Kiệu, ghé làng đúc đồng Phước Kiều, viếng Đền Chân Phước Anrê Phú Yên. Trên đường trở về Huế, có trạm dừng dùng cơm tối tại nhà thờ Hói Dừa. Tại mỗi chỗ dừng chân trong cuộc xuất du, gia đình chủng viện được tiếp đón nồng nhiệt, được nghe về lịch sử và kinh nghiệm mục vụ ở mỗi nơi. Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng sâu xa và những bài học lịch sử quí giá trong tâm khảm mỗi thành viên.

* 02.5.2013: Cha Henri de la Hougue du thuyết

Ngài là linh mục Xuân Bích Pháp, giáo sư Thần học Tôn giáo tại Học Viện Công Giáo Paris. Số là Cha Henri chỉ nhắm mục đích “du”, nhưng vì ngài là chuyên viên về Hồi giáo nên Đại chủng viện tận dụng dịp này để mời ngài “thuyết” nữa. Các buổi thuyết trình của Cha Henri diễn ra trong bầu khí rất nghiêm túc mà cũng rất cởi mở, đem lại nhiều thú vị cho người nghe.

* 23 – 24.5.2013: Huấn luyện ngoại khóa

Chủng viện tổ chức một khóa Sa Mạc Huấn Luyện Trợ Úy, dưới sự hướng dẫn của các Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận nhà. Khóa Sa Mạc diễn ra một ngày tại Đại chủng viện, một ngày tại Thiên An, trong bầu khí vô cùng vui nhộn. Hơi mệt và căng thẳng nhưng quả thực là bổ ích!

* 29.5.2013: Bế giảng năm học

Đức Tổng giám mục Huế chủ tế Thánh Lễ bế giảng năm học, trao ban tác vụ Giúp Lễ cho 2 thầy khóa VII, và tác vụ Đọc Sách cho 23 thầy khóa VIII và 2 tu sĩ Dòng Thánh Tâm. Một năm học nữa đã trôi qua trong vô vàn ơn lành của Chúa. “Chúng con xin tạ ơn Chúa uy quyền toàn năng; tình yêu Chúa nào biết chi báo đền…” Hè về rồi đây. Tạm biệt nhé. Cầu chúc mọi người một mùa hè đầy ý nghĩa, và hẹn gặp lại nhau ngày tựu trường!

* 15.6.2013: Hồng ân giám mục

Tin vui nhận được từ Vatican: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Cha Giám đốc Đại chủng viện Huế, An-phong Nguyễn Hữu Long, làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa. Nghĩa là mọi người mới xa Cha Giám đốc có nửa tháng mà Cha đã trở thành cựu giám đốc rồi! Chúc mừng Giáo phận Hưng Hóa, chúc mừng Đức Cha mới và hiệp thông cầu nguyện cho sứ vụ mới của ngài.

* 27.7.2013: Lễ giỗ Cha Cố Phanxicô Xaviê Nguyễn Tiến Cát

Mới đó mà Cha Cố Phanxicô Xaviê đã về với Chúa được tròn một năm. Tuy đang ở giữa kỳ hè, Thánh Lễ giỗ vẫn có sự hiện diện của quí Đức Cha, quí Cha, và đông đảo anh em chủng sinh. Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây! Sau Thánh Lễ, mọi người đi quanh ra phía sau, viếng Cha Cố Phanxicô Xaviê tại phần mộ của ngài trong đất thánh ngay sau nhà nguyện. “Cha đi vào Cõi Vĩnh Hằng, nụ cười quyến nửa vầng trăng cuối chiều” (trích bài thơ Gửi Cha của Vân Du, Thần IV).

* 15.8.2013: Bữa cơm chia tay

Đại chủng viện tổ chức bữa cơm gia đình để chia tay Đức Cha An-phong Nguyễn Hữu Long. Sáng ngày mai, Cha tân Giám đốc Giuse Hồ Thứ và hai thầy đại diện chủng sinh đoàn sẽ đưa ngài ra Giáo phận Hưng Hóa. Adieu mais pas à jamais!

* 28.8.2013: Viên đá đầu tiên

 Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu nhà sinh hoạt của Đại chủng viện. ‘Cục đá’ đầu tiên thì đã có nhưng ‘cục tiền’ để xây nhà thì chưa có. Cha con bắt đầu đi xin đây. Nguyện xin Chúa giúp chúng con hoàn thành được công trình đã khởi sự.

 NIÊN KHÓA 2013-2014  

* 03.9.2013: Hân hoan tựu trường

Thầy trò kết thúc kỳ hè và rộn ràng trở lại mái trường thân yêu cho một niên khóa mới. Năm nay, Đại chủng viện có 6 lớp:

Lớp Tu Đức: 31 chủng sinh + 4 Biển Đức + 4 Thánh Tâm

Lớp Triết I:   29 chủng sinh + 2 Biển Đức + 6 Thánh Tâm

Lớp Triết II:  22 chủng sinh + 2 Biển Đức + 5 Thánh Tâm

Lớp Thần I:  23 chủng sinh + 2 Biển Đức + 7 Thánh Tâm

Lớp Thần II: 23 chủng sinh + 2 Biển Đức + 2 Thánh Tâm

Lớp Thần IV: 30 chủng sinh + 2 Biển Đức

Tổng số: 158 chủng sinh + 14 Biển Đức + 24 Thánh Tâm

Ngoài ra, còn có 19 chủng sinh đang ở trong Năm Thử tại các các giáo phận.

Ban Giám đốc ‘mất’ Đức Cha An-phong, và được bù lại với Cha Vinh-sơn Trần Minh Thực (đang kết thúc học trình tại Rôma, và sẽ về Đại chủng viện Huế nay mai).

* 04.9.2013: Đi dự lễ tấn phong giám mục

 Phái đoàn Đại chủng viện đi Hưng Hóa gồm có Cha tân Giám đốc Giuse Hồ Thứ, quý Cha trong Ban giám đốc, Ban đại diện chủng sinh đoàn và các Thầy Thần IV. Thánh Lễ tấn phong Đức tân Giám mục An-phong Nguyễn Hữu Long diễn ra lúc 8g00 ngày 06 tháng 9 năm 2013, do Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục Giáo phận Hưng Hóa, chủ phong.

* 07 – 10.9.2013: Ba Cha Xuân Bích Pháp thăm Đại chủng viện

Cha Jean-Marc Micas, tân Bề trên Giám tỉnh Xuân Bích Pháp, và hai Cha Maurice Pivot, Paul Roumanet sau khi dự lễ tấn phong giám mục tại Hưng Hóa đã vào thăm Đại chủng viện. Các ngài gặp gỡ và trao đổi với các Cha trong Ban giám đốc và các chủng sinh về những vấn đề trong sứ vụ đào tạo. Cũng có những buổi thuyết trình chuyên đề về sứ mạng.

* 08.9.2013: Khai giảng năm học mới

Thánh Lễ khai giảng do Đức Tổng giám mục Huế chủ sự. Sau Thánh Lễ, Đức Tổng giám mục làm phép tượng “Mục Tử” bằng đá cẩm thạch mới dựng trước chính diện Đại chủng viện.

* 19.9.2013: Đức Cha An-phong về thăm

Trong hành trình rong ruổi Tạ Ơn của ngài, hôm nay Đức Cha An-phong Nguyễn Hữu Long ghé lại dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại ‘mái nhà xưa’ này. Ngài tiết lộ rằng ngoài khẩu hiệu “Mang vào mình mùi chiên”, ngài còn có khẩu hiệu thứ hai nữa: “Mang vào mình mùi … chủng sinh”! Cầu chúc Đức Cha có một sứ vụ mới đầy hoa trái.

* 25.9.2013: Tạ ơn hồng ân linh mục

 Các tân Linh mục khóa VI thuộc hai Giáo phận Đà Nẵng và Kontum trở lại Đại chủng viện để dâng Thánh Lễ Tạ Ơn. Niềm vui đầy ắp làm bầu khí sôi động hẳn lên, nhất là vào bữa ăn trưa. Cầu chúc các Cha mới giữ mãi ngọn lửa tình yêu của thời trăng mật này.

* 17.10.2013: Khánh Nhật ‘Truyền Giáo’

Hôm nay các Thầy Thần IV đại diện anh em chủng sinh đi tham dự ngày sinh hoạt do giáo phận tổ chức tại Trung tâm Mục vụ. Một dịp rất tốt để các thầy học hỏi về tinh thần sứ mạng và về các phương thế loan báo Tin Mừng thích nghi với các hoàn cảnh thực tế hôm nay!

* 28.10 – 01.11.2013: Tĩnh tâm thường niên

 Chủng sinh đoàn tạm dừng việc đèn sách để đi vào sa mạc với Chúa trong cuộc hẹn thường niên. Năm nay, Cha Micae Phaolô Trần Minh Huy vui lòng nhận giúp hướng dẫn tĩnh tâm cho các Thầy, dù ngài đang trong thời gian chữa bệnh và dưỡng sức. Với kinh nghiệm dày dạn của mình trong công việc này, ngài đã dẫn dắt các Thầy suy tư và cầu nguyện theo 5 bước của tiến trình ơn gọi. Cuộc tĩnh tâm khép lại với Thánh Lễ mừng Chư Thánh do Đức Tổng giám mục Huế chủ tế. Trong Thánh Lễ, Đức Tổng đã trao tu phục cho 31 chủng sinh lớp Tu Đức. “Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền hồng ân Chúa cao vời…”


=============

 

biểu tượng của sự gắn kết

 Ngay chính giữa sân nhà nguyện của Đại chủng viện Huế có một bức tượng Đức Mẹ thật đẹp và lạ. So với các bức tượng khác như tượng Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Trà Kiệu… thì bức tượng này có một nét khác biệt thú vị. Ở các bức tượng kia, Đức Mẹ thường ẵm bồng Chúa trên tay và hướng nhìn ra phía trước, cử chỉ của Mẹ như đang muốn trao ban Chúa Giêsu cho mọi người. Trong khi đó, bức tượng ở Đại chủng viện lại diễn tả sự gắn bó thân tình trìu mến của Mẹ và Con. Mẹ Maria đứng thẳng, đôi mắt nhắm, đầu nghiêng về một bên, hai tay nâng niu Chúa Giêsu đặt trên vai. Còn Chúa Giêsu cũng nhắm mắt, ngồi ngay ngắn trên vai và tựa đầu vào Mẹ, một tay víu cằm, một tay ôm choàng lấy Mẹ. Hai Mẹ Con như đang thầm thĩ chuyện trò cùng nhau và chẳng mấy quan tâm đến những chuyện xung quanh. Niềm vui của Con là được ở trên vai Mẹ, kể chuyện cho Mẹ nghe, niềm vui của Mẹ là có con bên mình, là nghe Con nói. Khi đến đứng trước tượng Mẹ và dâng những ước nguyện, tôi chợt nhận ra rằng, chỉ có mình tôi là đang ngắm nhìn Mẹ và Chúa, chứ còn Mẹ và Chúa thì đang “bận” trò chuyện riêng cùng nhau. Thế nhưng, nhờ ngắm nhìn tượng Mẹ tôi đã nghiệm ra được bài học cho đời sống thiêng liêng của tôi, đó chính là sự gắn kết với Chúa Giêsu. Tôi nhìn ngắm Mẹ để học cách Mẹ gắn kết cuộc đời mình với Chúa Giêsu, con của Mẹ.

            Trước hết, Mẹ luôn gắn kết với Chúa Giêsu trong thinh lặng thẳm sâu. Có thể nói rằng, Mẹ Maria là con người của cầu nguyện, cuộc sống của Mẹ luôn đầy ắp những lời nguyện dâng lên Thiên Chúa. Chính qua cầu nguyện và trong cầu nguyện mà Mẹ đã gặp gỡ sứ thần đến truyền tin. Trước những biến cố xảy ra đối với trẻ Giêsu, Mẹ luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Chính trong âm thầm mà Mẹ hằng dõi theo những bước chân rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Dưới chân thập giá, Mẹ không nói một lời nào. Chính trong thinh lặng Mẹ hằng lắng nghe Lời Chúa. Vì thế mà Chúa Giêsu đã khen Mẹ là có phúc vì đã lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Trong thinh lặng thẳm sâu, Mẹ kết hiệp với những đau khổ của Con yêu dấu. Và cũng có thể nói rằng, trong thinh lặng của ngày thứ Bảy thánh, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra trò chuyện cùng Mẹ.

            Thứ đến, sự gắn kết với Chúa Giêsu luôn đem lại cho Mẹ niềm vui. Thật vậy, sự cảm nhận về một sinh linh bé bỏng đang dần thành hình trong cung lòng hẳn đem lại cho Mẹ niềm vui vô bờ bến. Không vui sao được khi biết rằng Thiên Chúa đang thực hiện những việc kỳ diệu trong cuộc đời của Mẹ, khi Mẹ được gắn kết đời mình với Con Thiên Chúa. Niềm vui chan chứa trong lòng đã được Mẹ diễn tả bằng hành động cụ thể qua việc viếng thăm người chị họ Êlisabét. Cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ đã làm cho niềm vui nơi mỗi người được gia tăng gấp bội. Vì thế mà Mẹ đã cất lời chúc tụng Thiên Chúa qua bài ca Magnificat. Niềm vui của Mẹ đã vỡ òa khi được ẵm bồng Con Thiên Chúa trên tay. Không những thế, cuộc sống của Mẹ hẳn cũng luôn đầy tràn niềm vui khi thấy con trẻ Giêsu khôn lớn, đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người. Với niềm vui khôn tả trong biến cố Phục Sinh, Mẹ chờ đợi niềm vui được cùng Con sum họp trong Nước Cha muôn đời.

            Cuối cùng, Mẹ gắn kết với Chúa Giêsu để tiếp tục chuyển cầu cho chúng ta. Trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu giúp đỡ gia đình đôi tân hôn khi thấy họ sắp hết rượu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Mẹ đã cùng hiện diện với các Tông Đồ ở Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

            Cuộc đời Mẹ luôn gắn kết với Chúa Giêsu. Đó thật là một bài học sâu sắc dành cho tôi trong hành trình dâng hiến. Niềm vui đời dâng hiến hệ tại việc gắn kết đời mình với Chúa Giêsu, gắn kết trong mỗi một phút giây, trong từng biến cố và suốt cả cuộc đời. Chiêm ngắm Mẹ để học cách cầu nguyện trong thinh lặng, để cảm nghiệm được niềm vui thiêng liêng sâu lắng, để thân thưa chuyện trò và lắng nghe tiếng Chúa, và nhất là để nhờ Mẹ chuyển cầu cùng Chúa. Nhìn ngắm Mẹ Maria và Chúa Giêsu đang vui đùa cùng nhau, tôi cảm thấy an bình và hạnh phúc. Tôi cảm nghiệm rằng Mẹ cũng đang nâng niu và gìn giữ tôi để giúp tôi gắn kết đời mình với Chúa như Mẹ. Hình ảnh trìu mến này khiến tim tôi rộn lên khúc thánh vịnh:

Như trẻ thơ nép mình lòng Mẹ,

trong con hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa Ít-ra-en ơi,

từ nay đến mãi muôn đời muôn năm. (Tv 131,2-3).

H.T., Thần IV

Của Mẹ là cho con

Mẹ ơi! Đã bao lần khi nhìn lại những biến cố trong cuộc đời Mẹ, nhìn lại con đường Mẹ đã đi qua, nhìn ngắm ân sủng và những tước hiệu cao quý của Mẹ, con trầm trồ thán phục, ca ngợi Mẹ, con ca tụng quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đã dành cho Mẹ, và qua Mẹ cho mọi con người. Nhưng dường như những sự thán phục và những lời ca tụng ấy chỉ là cái gì trống rỗng, máy móc, xa xôi, mơ hồ, và chưa thực sự sống động trong con. Hẳn vì con chưa nhận thấy phúc ân nơi Mẹ đụng chạm đến cuộc đời con, mặc cho bao kiến thức sách vở nói với con rằng: những gì Mẹ nhận lãnh từ Thiên Chúa cũng là nhận lãnh cho cả loài người, trong đó có con.

Đã biết bao lần trong lời kinh tiếng hát giữa cộng đoàn hay trong lời cầu nguyện riêng tư, con nói “Mẹ ơi, con yêu Mẹ”, “Mẹ ơi, xin dạy dỗ con”, nhưng có lẽ chưa bao giờ con thật sự để cho Mẹ dạy dỗ con cả! Có lẽ con chưa bao giờ ước muốn cách chân thật, thâm sâu và mãnh liệt về điều đó. Con lặp lại những lời ấy như ‘sách nói’, như ‘phong trào’, như ‘để giống người ta’, hay như ‘công thức’ vậy thôi! Thật vậy, nếu con thực sự yêu mến Mẹ và thực sự mở lòng mình ra cho Mẹ dạy dỗ, thì chắc hẳn trong con đã tràn đầy tình yêu và sức sống rồi!

Mẹ ơi, Mẹ thấy rồi đó! Những kiến thức về Mẹ, những thực hành đạo đức tôn sùng ca khen Mẹ là những điều rất chính đáng và cần thiết, nhưng đôi lúc con dựa vào đó để ảo tưởng rằng mình đã yêu Mẹ thật nhiều! Lại nữa, những lời khuyên rất tốt lành rằng “hãy noi gương Mẹ” nhiều khi được con áp dụng cách nào đó mà kết quả nhận được là sự tán thưởng của một số người, trong khi chỉ mình con biết mình kệch cỡm như một anh “Pharisêu thời mới” hay một “anh hề” mà thôi.

Phải chi con biết luôn “suy đi nghĩ lại trong lòng” những biến cố trong cuộc đời Mẹ và những ân phúc Chúa ban cho Mẹ. Nếu con đừng dừng lại mà biết vượt qua những khái niệm, những tước hiệu được nói về Mẹ, để dìm mình trong phúc ân của Mẹ và ngoan ngùy buông mình vào trong vòng tay từ mẫu của Mẹ, chắc hẳn con đã phải nhảy lên vui sướng, đã biết cảm nghiệm và thốt lên từ đáy tâm hồn rằng ‘của Mẹ là cho con’. “Mẹ” và “con” sẽ không còn chỉ là những đại từ nhân xưng theo qui ước chung chung nữa, nhưng đã có thật một tương quan sâu đậm, mật thiết, nhờ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, con Mẹ. Mọi mặt nạ hay vỏ bọc sẽ rơi rụng như chính bản chất của chúng là cái không bền. Con sẽ nói “Mẹ ơi, con yêu Mẹ!” bằng cả con người mình chứ không chỉ trên chót lưỡi đầu môi. Vì đích thật Mẹ “là Mẹ con” và con “là con của Mẹ”. Phúc ân của Mẹ là ân phúc cho con.

Mẹ không phải là con đường đến với Thiên Chúa nhưng Mẹ nắm rõ con đường ấy, Mẹ đã sinh Chúa Giêsu cho nhân loại. Mẹ không là cùng đích của niềm hy vọng, nhưng càng nhìn ngắm Mẹ thì niềm hy vọng trong con càng được củng cố. Sống mật thiết với Mẹ, con sẽ biết tin, yêu và kiên vững trong niềm tin, yêu ấy. Con sẽ nhận ra Tình Yêu Chúa dành cho con nơi cuộc đời Mẹ còn rõ nét hơn cả khi con nhìn vào cuộc đời con. Cuộc đời Mẹ là cuộc đời để cho Tình Yêu bắt chộp, chiếm hữu, nhào nặn, nuôi dưỡng và dẫn dắt. Xin Mẹ dạy con cũng biết cho phép Tình Yêu chiếm hữu mình như vậy, biết cho phép cuộc đời mình được “phủ bóng” bởi Thánh Thần, và biết ký thác cuộc đời mình cho Thánh Ý nhiệm mầu của Chúa. Xin Mẹ dạy con không ngừng xác tín hơn nữa rằng ‘của Mẹ là cho con’.

Nguyễn Hùng Sơn, Thần IV

***

Mẹ trên đường   (Lc 1,39-45)

Mẹ lên đường, Mẹ đi đâu nhỉ?

Ngày mới lên, sương sớm chưa tan

Mẹ lên đường, xao xuyến mây ngàn

Sân vườn bịn rịn, thoắt bước chân …

*

Mẹ lên đường lòng chẳng phân vân

Chỉ trào dâng niềm vui khôn tả

Cả ban mai, muôn hoa nghiêng ngả

Mẹ đi đâu? Hạnh phúc vô vàn!

*

Ánh nắng mai nhảy múa trên ngàn

Sóng lá đùa xôn xao ngày mới

Như thì thầm trò chuyện chơi vơi

Mẹ đi đâu rong ruổi dặm trường?

*

Thăm người chị họ, Mẹ lên đường

Niềm vui lan tỏa dặm trùng khơi

Đường đi hoa nắng tràn muôn lối

Tiếng chim ríu rít ngập trời trong

*

Có Chúa cùng đi, Chúa trong lòng

Thánh Thần tuôn đổ vạn hồng ân

Hai tiếng ‘xin vâng’ ôi tuyệt diễm

Dẫu mấy gian nan Mẹ chẳng sờn

*

Mẹ Trên Đường cho đời tỏa hương

Bình minh lịch sử đã đến rồi

Trời đất thu mình nên Con trẻ

Đặt trong nôi, Mẹ ru à ơi

*

Mẹ Trên Đường mấy mươi năm trường

Cung lòng ngan ngát lời nguyện đưa

Ngày nối ngày tin thờ phó thác…

Thiên ân tưới gội, vẹn ước thề

*

Mẹ Trên Đường, dừng bước Canvê

Lặng đứng đó mênh mang chiều tím

Nhìn Con yêu, neo vững niềm tin…

Thập giá nở hoa, Mẹ tặng cho đời

*

Mẹ Trên Đường, đẹp quá Mẹ ơi!

Lời thơ trìu mến con dâng Mẹ

Xin nâng đỡ con, đường lữ thứ

Trọn niềm tin yêu suốt cả đời.

                                    Cánh Kiến, lớp Tu Đức

========

 

80 năm

sứ mạng Xuân Bích ở Việt Nam

(1933-2013)

*Những bước tiên phong

04.9.1929: Một hội nghị của Hội Xuân Bích do Cha phó Bề trên Cả Boisard chủ trì, nhận thông tin từ Hội Thừa Sai Paris về việc các giám mục Hà Nội là Đức Cha chính Gendreau (Đông) và Đức Cha phó Chaize (Thịnh) đã quyết định mở một Chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội.

04.10.1929: Hai linh mục Xuân Bích là Paul Uzureau (Đoán) ở Limoges và Léon Paliard (Lý) ở Lyon lên đường đi Hà Nội. Chuyến đi bằng tàu biển, khởi hành tại Marseille, qua Địa Trung Hải, tới kênh Suez, rồi qua Ấn Độ dương tới Malaysia, và từ Singapore tới Sài Gòn.

30.10.1929: Phái đoàn Xuân Bích, tức hai linh mục nói trên, cập bến Vũng Tàu, tiếp tục đi tới Sài Gòn trên chiếc tàu “Compiègne”.

14.12.1929: Sau sáu tuần lễ đi lại khắp nơi ở miền nam (kể cả Nam Vang, Bangkok, Penang), miền trung, và các địa phận miền bắc dọc theo lộ trình, ghé thăm các giám mục và các chủng viện để tìm hiểu tình hình, cuối cùng phái đoàn đến Hà Nội.

1930: Lại một hội nghị nhóm họp tại Paris, bàn về Chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội. Cha Paliard đã gửi về nhiều bản tường trình kể lại các công việc. Cũng trong năm này, Cha Louis Raison (Luận) đến Hà Nội để tiếp sức với hai đồng sự đã đến trước.

04.02.1932: Viên đá đầu tiên xây dựng Chủng viện được Đức Cha De Guébriant làm phép.

05.6.1933: Đức Cha Dreyer, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, chủ tọa lễ khánh thành Đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội, cũng gọi là Đại chủng viện Liễu Giai.

*Bắt đầu sứ vụ đào tạo – Giai đoạn đặt nền móng

 – 01.9.1933: CHỦNG VIỆN LIỄU GIAI MỞ CỬA NHẬN KHÓA ĐẦU TIÊN vào năm đầu ban Triết, với 31 chủng sinh (đến từ Hà Nội, Hưng Hóa, Phát Diệm, Thanh Hóa và Vinh – năm địa phận này do Hội Thừa Sai Paris điều khiển). Ban đào tạo gồm các Cha Paliard (giám đốc, dạy tiếng Pháp), Uzureau (quản lý, dạy Triết), Raison (dạy Khoa học và Lịch sử Giáo hội). Cũng trong tháng 9 này, Cha Pierre Gastine (Tín) rồi Cha Daniel Bouis (Cẩn) tới  –hai cha dạy Triết và Tín lý.

1935: Cha Raison phải trở về Pháp vì không hợp thủy thổ.

1936: Cha Antoine Carret (Cả) đến, đảm nhận môn Kinh Thánh.

1938: Thêm Cha André Courtois (Lịch), dạy Khoa học.

tháng 02.1940: Hai Cha Bouis và Gastine bị gọi nhập ngũ. Sau đó, đến lượt Cha Carret. Tình trạng quân dịch này kéo dài cho đến năm 1941.

tháng 12.1943: có bom rớt gần chủng viện, làm dân xung quanh chết hay bị thương.

*Sóng gió leo thang và sự kiên định trong sứ mạng

19.12.1946: Sáu linh mục Xuân Bích (Paliard, Uzureau, Gastine, Bouis, Carret, Courtois) bị Việt Minh bắt làm tù nhân, rồi bị dẫn đi từ nơi này đến nơi khác trong các vùng đồi núi, khe suối và rừng rậm khoảng trên một trăm cây số phía bắc Hà Nội. Sau ngày này, các chủng sinh phải tản mác…

02.01.1948: Bên một con suối ở Tuyên Quang, Cha Daniel Bouis (Cẩn) chết vì sốt rét rừng. Các Cha Uzureau, Carret và Courtois cũng nằm liệt vì căn bệnh này. Chỉ có hai Cha Paliard và Gastine theo quan tài cho tới huyệt .

tháng 11.1948: Trong khi các đồng sự còn bị Việt Minh bắt giữ, hai Cha Yves Hémon (Liêu) và Jean Theuret (Phước) từ Pháp đến Hà Nội để tham gia công việc ở chủng viện. Cha Hémon làm Bề trên chủng viện, còn Cha Theuret kiêm nhiệm cả vai trò tuyên úy quân đội Pháp.

24.12.1949: Năm linh mục Xuân Bích tù nhân được Việt Minh phóng thích gần một đồn quân đội Pháp thuộc tỉnh Việt Trì. Sau khi được Cha Hémon đón tiếp tại chủng viện, các cựu tù nhân này trở về Pháp để tĩnh dưỡng.

1950: Cha Adrien Villard (Vi) tới giúp Cha Hémon. Lúc này chủng viện chỉ có chủng sinh của Hà Nội mà thôi.

tháng 7.1951: Khi đi nghỉ hè với các chủng sinh, Cha Yves Hémon chết trong một tai nạn xe hơi tại Bãi Cháy thuộc Hòn Gay, trước vịnh Hạ Long.

tháng 9.1951: Hai Cha Gastine và Courtois tình nguyện trở lại Việt Nam. Cha Raymond Deville (Thành), chuyên về Kinh Thánh, tự nguyện đi theo. Năm học 1951-1952, Cha Gastine làm giám đốc, Cha Villard quản lý. Chủng viện đã dời về số 40 Nhà Chung, vì cơ sở ở Liễu Giai vẫn còn bị chiếm đóng bởi quân đội Pháp. Trong ban giáo sư có Cha Nguyễn Huy Mai, dạy Luân lý cơ bản (về sau trở thành giám mục Ban-mê-thuột).

1952: Có thêm hai Cha: Vincent Corpet (Xuân) dạy Triết và René Oger (Thu) dạy Xã hội học. Nhưng xảy ra một tai nạn mới: Đi nghỉ ở Đà Lạt, Cha Oger đã chết đuối mất xác ở thác Pongour.

cuối năm học 1953-1954: Bắt đầu nói đến việc đi Nam. Cha Deville phải trở về Pháp vì lý do sức khỏe.

*Di cư vào Nam: Sài Gòn – Vĩnh Long – Sài Gòn

tháng 7.1954: Chủng viện khởi hành di tản vào Nam. Người và đồ đạc lên tàu Anna Salem tại Hải Phòng. Sau hai ngày hành trình, toàn gia đình chủng viện gồm 96 chủng sinh và 4 Cha Xuân Bích cập bến Sài Gòn. Sau đó đi tiếp xuống Vĩnh Long.

01.10.1954: Khai giảng năm học mới (chậm một tháng) tại Vĩnh Long. Cha Francois Bouyer (Bình) mới tới, tăng cường nhân sự cho ban đào tạo.

tháng 01.1955: Tăng cường thêm Cha Michel Barnouin (Sơn). Cũng có Cha Pineau, dòng Đa-minh, giúp dạy Luân lý cơ bản.

tháng 10.1955: Cha già Túc (Emile Stutz), cựu Xuân Bích, từ Côn Minh đến thay thế Cha Pineau.

1956: Chủng viện chuyển về Sài Gòn, đặt trong một khu nhà của các nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres ở Thị Nghè.

1957: Cha Bề trên Gastine và Cha Courtois nhập quốc tịch Việt Nam.

 1958: Ba linh mục Xuân Bích Việt Nam đầu tiên du học Pháp trở về: Đa-minh Trần Thái Đỉnh thay thế Cha Corpet (đi nhập dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu); Giacôbê Nguyễn Khắc Xuyên dạy Tín lý, Phụng vụ, và phụ trách thánh nhạc; Augustinô Nguyễn Bích Đông (tức Đông Anh) dạy Kinh Thánh. Cha Courtois phải về Pháp vì lý do sức khỏe.

*Ngược ra Huế, ‘se duyên’ mới – Mở rộng sứ vụ

1962: Chủng viện di chuyển ra Huế kịp khai trường năm học 1962-1963, theo lời mời của Bản quyền sở tại. Như vậy Đại chủng viện Hà Nội di tản ở miền Nam ‘nhập thân’ vào Đại chủng viện Huế! Cha Albertô Trần Phúc Nhân, vừa du học Thánh Kinh về, cũng cộng tác trong việc đào tạo dù ngài không phải Xuân Bích.

1964: Nhân sự từ Pháp về tăng cường có các Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, Antôn Trần Minh Hiển. Cha Bề trên Gastine đi Vĩnh Long lập một Đại chủng viện; ngài được tháp tùng bởi các Cha Francois Bouyer, Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm và Bartôlômêô Nguyễn Quang Anh. Cha Đa-minh Trần Thái Đỉnh là Bề trên mới ở Huế. Cha Gioan B. Bùi Châu Thi gia nhập Xuân Bích và cộng tác giảng dạy.

1965: Xuân Bích cộng tác điều khiển Tiểu chủng viện Thánh Gioan, Đà Nẵng, với các Cha G.B. Nguyễn Văn Đán, Phêrô Nguyễn Lân Mẫn, Bartôlômêô Chiểu (mấy tháng sau, Cha Chiểu mất trong một tai nạn giao thông). Tại Tiểu chủng viện này, những năm sau có sự góp mặt thêm của các linh mục Xuân Bích: Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh (giám đốc), Phanxicô Xaviê Nguyễn Tiến Cát, Giuse Cao Phương Kỷ; và hai ứng sinh Xuân Bích: Giuse Phạm Văn Nhân, Giuse Trịnh Văn Thậm.

1966: Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm làm giám đốc Đại chủng viện Huế thay Cha Đỉnh.

từ 1967 đến 1973: Nhân sự Xuân Bích được tăng cường với các Cha du học về: Phêrô Trịnh Thiên Thu (1967), Giuse Nguyễn Chính Duyên (1968), Đa-minh Trần Thái Hiệp, Bartôlômêô Nguyễn Quang Anh, Gioan B. Trần Ngọc Quỳnh, Giuse Mai Ðức Vinh (1969), Giuse Nguyễn Thiện Toàn, Phanxicô Xaviê Nguyễn Tiến Cát, Phanxicô Xaviê Hồng Kim Linh (1972), Phêrô Nguyễn Lân Mẫn (1973).

1970: Xuân Bích chấm dứt điều khiển Đại chủng viện ở Vĩnh Long, nhưng vẫn còn tiếp tục cộng tác, với hai Cha Villard và Hồng Kim Linh. Xuân Bích nhận giáo xứ Nhân Hòa ở Sài Gòn, do các Cha Gastine và Nguyễn Thiện Toàn đặt nền móng.

1972: Xuân Bích Việt Nam mở một trụ sở, dùng làm nhà vãng lai, tại Thị Nghè, Sài Gòn.

1973: Vì con số chủng sinh tăng nhiều, Đại chủng viện Huế  phải mở thêm một phân khoa Triết tại Ðà Nẵng, tức Ðại chủng viện Hòa Bình, với các cha Anrê Phạm Năng Tĩnh (giám đốc, không phải là thành viên Xuân Bích), và các linh mục Xuân Bích: Phêrô Thu, Ph. X. Cát,  G.B. Ðán.

1975: tháng 2, Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm được bổ nhiệm làm giám mục Đà Lạt, Cha Duyên thay thế trong chức vụ giám đốc Đại chủng viện Huế.

*Ly tán do thời cuộc và những nỗ lực để tồn tại

 sau 1975: Trong những tháng sau biến cố 30 tháng tư, các Cha người Pháp về nước, người sau cùng là Cha Pierre Gastine rời Việt Nam vào tháng 9. Các linh mục Xuân Bích người Việt Nam tản mác nhiều nơi: Cha Anh ở lại cơ sở Đại chủng viện Huế; các Cha Tĩnh, Mẫn bám Tiểu chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng cho đến 1984 hay 1985; các Cha Duyên, Đán, Cát đưa học trò từ Đại chủng viện Hòa Bình về giáo xứ Phú Thượng, đến năm 1982 thì nhóm chủng sinh này bị giải thể; Cha Quỳnh làm quản lý tòa giám mục Đà Nẵng; các Cha Hiển, Thu, Hiệp ở Xuân Lộc; các Cha Toàn, Nhân, Thậm ở Sài Gòn; Đức Cha Lâm vẫn trách nhiệm địa phận Đà Lạt.

1990: Lần đầu tiên kể từ 1975, cuộc họp mặt cựu sinh viên để mừng Ngày Truyền Thống Xuân Bích (Lễ Mẹ Dâng Mình, 21 tháng 11) được tổ chức tại Đà Lạt bởi Đức Cha Lâm, với sự cộng tác đắc lực của Cha cựu sinh viên Đa-minh Trương Kim Hương. Từ đây, những cuộc họp mặt kéo dài 3 ngày này được duy trì hằng năm tại Đà Lạt (những năm gần đây, cuộc họp mặt này được dời sang mùa hè để tạo sự thuận tiện hơn cho các tham dự viên).

1991: Chuyến viếng thăm đầu tiên của Cha Bề trên Tỉnh Charles Bonnet. Cha Bonnet phải vượt qua nhiều khó khăn để có thể thăm tất cả các Cha Xuân Bích tại nơi của mình.

*Sau cơn mưa, trời lại sáng…

1994: Đại chủng viện Huế được tái lập và Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể giao cho Hội Xuân Bích điều hành. Bốn Cha từ Đà Nẵng (Bình Tĩnh, Quỳnh, Cát, Mẫn) bắt tay vào việc. Tháng 11, Đại chủng viện bắt đầu mở cửa, nhận khóa I gồm 40 chủng sinh từ Huế và Đà Nẵng; Cha Phaolô Tĩnh làm Bề trên. Cũng năm nay, Đức Cha Lâm rời Đà Lạt ra Thanh Hóa theo sự bổ nhiệm mới của Tòa Thánh.

1995: Cha Giám tỉnh Charles Bonnet trở lại thăm viếng lần thứ II. Thêm Cha Nguyễn Văn Đán từ Đà Nẵng ra tăng cường cho Đại chủng viện Huế. Cha Trần Minh Hiển từ Xuân Lộc ra Huế dạy học, nhưng chưa thường trú. Niềm vui có thêm ơn gọi Xuân Bích: Cha Lu-y Nguyễn Văn Bính và Cha Micae Phaolô Trần Minh Huy.

1996: Đức Tổng giám mục Huế giao Giáo xứ Kim Long cho Xuân Bích coi sóc. Ngày 9 tháng 3, Cha Gioan B. Trần Ngọc Quỳnh đột tử.

 1997: Xuân Bích Việt Nam chịu một cái tang lớn: Cha Pierre Gastine qua đời tại nhà Solitude ở Issy-les-Moulineaux. Nhiều cựu môn sinh còn in đậm trong ký ức những hình ảnh sống động của Cha, một con người nhỏ bé về tầm vóc, nhưng lớn lao về tâm hồn, về trí thức, về gương sáng, về nhân bản…

1999: Cha Trần Thái Hiệp rời Xuân Lộc ra tăng cường cho nhóm ở Huế.  Cha Trần Minh Hiển cũng thôi việc ở giáo xứ và ra thường trú ở Huế.

2000: Cha Nguyễn Bình Tĩnh được đặt làm giám mục, ngài trở về Đà Nẵng, và Cha Hiển nhận làm bề trên chủng viện. Cha Trịnh Văn Thậm từ Sài Gòn ra chủng viện dạy Kinh Thánh như một giáo sư ngoại trú.

2003: Một cái tang lớn khác: Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm qua đời ngày 9 tháng 6 tại Thanh Hóa.

2005: Cha Trần Minh Hiển từ nhiệm chức vụ Bề trên Đại chủng viện vì lý do sức khỏe. Cha Trần Thái Hiệp thay thế. Cùng niên khóa này, chủng viện được tăng cường bốn anh em Xuân Bích trẻ từ Pháp về sau nhiều năm đào tạo: An-phong Trần Khánh Thành, An-phong Nguyễn Hữu Long, Giuse Hồ Thứ, Đa-minh Vũ Đình Thái (riêng Cha Thành đã về nước và đã dạy học ở chủng viện từ mấy năm trước đó, nhưng nay mới rời Đà Lạt ra thường trú ở chủng viện).

2006: Đức Cha Phaolô Tĩnh rời chức vụ giám mục Đà Nẵng để nghỉ hưu.

2007: Ngày 06 tháng giêng, Cha Gioan B. Bùi Châu Thi qua đời tại Pháp. Ngày 28 tháng 3, một cái tang nữa: Cha An-phong Trần Khánh Thành lâm bạo bệnh và qua đời tại Sài Gòn, được an táng tại nghĩa trang chủng viện Huế. Cha Bề trên Cả Lawrence B. Terrien sang thăm. Tháng 11, Cha Gioan B. Nguyễn Văn Đán thay Cha Đa-minh Trần Thái Hiệp làm Bề trên chủng viện. Cha Hiệp về sau rời Huế, nhưng rồi phải quay trở lại tham gia ban đào tạo ở Chủng viện Thái Bình trong ít lâu. Chủng viện Huế được tăng cường với Cha Micae Nguyễn Hữu Đức du học về.

2008: Ngày 07 tháng 2, Cha Michel Barnouin qua đời tại Pháp. Tháng 3, Cha Giám tỉnh Bernard Pitaud kinh lý Việt Nam. Cha Bernard Phạm Hữu Quang (thuộc tỉnh Xuân Bích Canada và đang dạy học tại Đại chủng viện Fukuoka, Nhật Bản) bắt đầu đến dạy ở Chủng viện Huế theo định kỳ. Từ năm nay, Cha Micae Phaolô Trần Minh Huy ra giúp ở Bùi Chu (về sau, Cha Huy chuyển ra Đại chủng viện Thái Bình, mở đầu cho sự cộng tác của Xuân Bích ở đó).

2009: Cha Phêrô Võ Xuân Tiến hoàn thành học trình tại Paris và về Đại chủng viện Huế. Xuân Bích nhận Giáo xứ Hiền Đức của Giáo phận Xuân Lộc và Cha Đa-minh Thái rời chủng viện để vào coi sóc giáo xứ này.

2010: Cha Giuse Dương Như Hoan (sau nhiều năm ở Pháp và mới trở về Việt Nam được ít năm) bắt đầu tham gia ban đào tạo tại Chủng viện Huế.

2011: Cha An-phong Nguyễn Hữu Long thay Cha Gioan B. Nguyễn Văn Đán trong chức vụ Bề trên Đại chủng viện Huế. Sau thời gian lâm bệnh, Cha Phêrô Trịnh Thiên Thu qua đời ngày 31 tháng 10 tại Thủ Đức.

2012: Tháng 4, thêm một chuyến kinh lý của Cha Giám tỉnh Pitaud. Tháng 5, hai Cha Lu-y Nguyễn Văn Bính và Bartôlômêô Nguyễn Quang Anh nghỉ hưu. Cha Lu-y Bính rời Xuân Bích. Ngày 27 tháng 7, trong kỳ hè, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Tiến Cát qua đời. Các Cha Giuse Hồ Thứ, Phêrô Phan Tấn Khánh và Giuse Lê Công Đức từ Paris và Rôma về bổ sung cho chủng viện kịp năm học mới.

 2013: Tháng giêng, Cha Bề trên Cả Ronald D. Witherup kinh lý theo Giáo luật. Tháng 6, Cha An-phong Nguyễn Hữu Long được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa. Cha Hồ Thứ thay thế trong chức vụ Bề trên chủng viện. Tháng 9, nhân chuyến đi dự lễ tấn phong giám mục ở Hưng Hóa, Cha tân Giám tỉnh Jean-Marc Micas cùng với hai Cha Paul Roumanet và Maurice Pivot ghé thăm Đại chủng viện Huế. Tháng 10, Cha Vinh-sơn Phaolô Trần Minh Thực từ Rôma về tham gia ban đào tạo.

Trong thời điểm hiện tại (tháng 11.2013), các Cha còn đang theo học tại Paris và sẽ trở về trong những năm tới gồm có: Gioan B. Nguyễn Văn Hào, Phaolô Nguyễn Văn Yên, Phanxicô Xaviê Trần Anh Duy, Giuse Bùi Ngọc Nam, Phaolô Phạm Thanh Thảo, và Đa-minh Vũ Văn Thiêm.

Xuân thảo bích sắc! Mong sao sứ vụ Xuân Bích ở Việt Nam bừng lên sức sống như thảm cỏ xanh mượt mùa xuân, để Danh Chúa hiển vinh hơn trên quê hương thân yêu này.

– Ban biên tập / NMKN 2013

dựa theo “Xuân Bích ở Việt Nam” của Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên)

——————–

Xuân Bích một thời

Cứ mỗi lần các cựu sinh viên Xuân Bích (nhiều người đã vào tuổi xế chiều) gặp mặt nhau thì câu chuyện hàn huyên hầu như bao giờ cũng dẫn về những hoài niệm thuở còn ngồi trên ghế nhà trường xa xưa ấy, trong đó hình ảnh Cố Tín (Cha Pierre Gastine) và các đồng sự của ngài được nhắc đến với tất cả niềm kính yêu, trìu mến.

Quả thật, Cha Gastine và các đồng sự của ngài, tức thế hệ Xuân Bích đầu tiên ở Việt Nam, đã đi vào lòng bao thế hệ môn sinh như những vì sao sáng chói trong khung trời đào tạo linh mục tại đất nước này suốt năm thập niên giữa thế kỷ 20.

Sinh sau đẻ muộn, tôi không được may mắn biết Cha Gastine và các Cha Xuân Bích người Pháp thời trước. Tuy nhiên, trong thời gian lưu học ở Châu Âu vừa qua, tôi có dịp ghé thăm và gặp gỡ Cha Bình (Bouyer) đôi lần – và cảm nhận được phần nào nơi vị linh mục Xuân Bích cao niên này bầu nhiệt huyết của những nhà đào tạo thuộc trang sử “hoàng kim thời đại” ấy.

Riêng về Cha Gastine, rất may là kẻ hậu sinh vẫn có thể “sờ soạng” được nhân cách của ngài qua những bút tích ngài để lại, nhất là hồi ký của ngài về thời gian 3 năm tù lưu động tại các vùng rừng núi phía Bắc (từ ngày đầu chiến tranh Việt Pháp, 19.12.1946, cho đến 24.12.1949). Tất cả 6 Cha Xuân Bích người Pháp của Đại Chủng Viện Liễu Giai (Hà Nội) đều bị Việt Minh bắt và đem đi.

Sau đây là những dòng do Cha Gastine viết về cái chết của Cha Daniel Bouis (Cố Cẩn), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch từ bản gốc tiếng Pháp (trong Xuân Bích Ở Việt Nam, tr. 93-94):

“… Còn về sức khỏe của chúng tôi thì thế nào? Câu trả lời khá nặng nề và nhất là khá đau lòng, bởi vì Daniel Cẩn đã chết vì bệnh trong đất tù đày. Bệnh sốt rét rừng thực ra vẫn hoành hành ngự trị nơi chúng tôi sống trong nhiều tháng, không thể trốn thoát được, nhất là khi không có thuốc men ngăn ngừa chống đỡ. Cả sáu người chúng tôi đều bị sốt rét, mỗi người mỗi cách, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng Daniel Cẩn là người chịu bệnh đầu tiên vào khoảng tháng 5 năm 1947 và bệnh tình tăng dần cho tới cơn đau ghê gớm cuối cùng vào khoảng cuối năm, còn chúng tôi thì nặng nhẹ ít nhiều tùy người. Khi Daniel Cẩn chết ngày 02.01.1948, thì ba anh em đồng sự nằm liệt, chỉ còn Léon Đoán và Phêrô Tín có theo quan tài cho tới huyệt được đào dưới một gốc cây bên bờ một con suối…”

Ghi chú cho bản dịch: Mãi về sau này, khi các công nhân Công Giáo từ Thái Bình lên Tuyên Quang làm đường, họ được một gia đình (vợ Việt, chồng Mường?) chỉ cho biết đó là mộ một Cố đạo. Các công nhân đã bốc mộ về và sau đó chôn ở nghĩa địa linh mục xứ Cát Đàm thuộc Giáo phận Thái Bình.

Chuyến đi Thái Bình vừa qua, tôi có ghé thăm mộ vị thừa sai Xuân Bích này. Bia mộ chỉ đề vỏn vẹn ba chữ: “Linh mục Cẩn”. Đơn sơ và thầm lặng tận cùng! Một hiến dâng tận cùng! Tôi đứng đó cầu nguyện cho ngài và cùng với ngài cầu nguyện cho sứ vụ của Xuân Bích ở Việt Nam đang còn tiếp diễn trong bối cảnh mới đầy thách đố hôm nay…

Thiên Phong (tháng 2.2013)

 

PHỎNG VẤN CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN LÂN MẪN

Phóng viên Đặc san Như một Kỷ Niệm kính chào cha Cố!

– PV: Kính xin Cha Cố chia sẻ vài tâm tình, cảm nghĩ của Cha trong dịp mừng  50 năm Linh Mục này ạ?

Cha Mẫn: Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn Ban Biên tập Đặc san Như một Kỷ niệm  đã cho tôi cơ hội được bày tỏ tâm tình và cảm nghĩ của tôi trong dịp mừng 50 năm Linh mục  trước này! Đúng ngày kỷ niệm là 30-05-2014.

Xin Độc giả Đặc san Như một Kỷ niệm cùng tôi dâng lời tạ ơn Chúa đã dùng  các ân nhân và ân sư từng bước, dẫn đưa tôi đến Bàn Thánh Chúa. Tôi chỉ biết dâng lời cầu nguyện và hy sinh, nguyện xin Chúa cám ơn các ân nhân và ân sư còn sống cũng như đã qua đời, cho tôi ! Quả thật, nhìn lại cuộc đời dĩ vãng  và 50 năm cuộc đời linh mục của mình, tôi chỉ thấy tràn ngập hồng ân của Chúa và phải sống tình biết ơn và cảm tạ Chúa mà thôi.

Ngày chịu chức linh mục, tôi đã chọn cho mình khẩu hiệu ”Dum omni modo, Christus annuncietur .. gaudeo” (Miễn là Chúa Kitô được rao giảng là tôi vui thôi) (Phl 1,18). Khẩu hiệu này đã giúp tôi vượt thắng nhiều khó khăn và nhẫn nại chịu đựng nhiều trái ý. Và lúc này, nó cũng nhắc nhở tôi cảm tạ Chúa.

Cùng với tâm tình tri ân, cảm tạ, tôi cũng sống tâm tình sám hối vì bao lỗi lầm  trong quá khứ. Với lời cầu nguyện hằng ngày: ”Lạy Chúa, dĩ vãng con không thuộc về con nữa, con xin giao phó nó cho lòng Chúa nhân từ thương xót; tương lai con chưa thuộc về con, con xin giao phó nó cho tình yêu Chúa quan       phòng. Xin Chúa giúp con dùng mỗi giây phút hiện tại cho vừa ý Chúa.

– PV: Gần như suốt cuộc đời 50 năm linh mục của mình Cha đã dấn thân trong sứ vụ  đào tạo linh mục. Xin Cha chia sẻ những gì Cha ưu tư, thao thức nhất trong việc  đào tạo các ứng sinh linh mục hiện nay?

Cha Mẫn: Tôi xin nói sơ về 50 năm linh mục của tôi: chịu chức linh mục ngày 30-05-1964 do Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi; sau đó đi Pháp làm Solitude tại Issy-les-Moulineaux, niên khóa 1964-1965. Trở thành thành viên của Hội các Cha Xuân Bích 1965. Về Việt Nam, để làm linh hướng và dạy tại Tiểu chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng mới được mở 1965. Dạy tại đây cho đến 1968 thì đi Mỹ du học. Vì được giấy trễ, nên chỉ bắt đầu học tại The Catholic University of America từ  tháng Giêng 1969 đến tháng 05 1973. Về lại TCV Thánh Gioan Đà Nẵng , bắt đầu dạy từ niên khóa 1973-1974… ở lại TCV Thánh Gioan cho đến 1984 được đặt làm Quản xứ giáo xứ Hòa Thuận, Đà Nẵng cho đến tháng 08-1994 thì được chỉ định ra dạy tại Đại chủng viện Huế, mới được hồi sinh cho đến nay.

Tôi vẫn giao phó việc huấn luyện các linh mục tương lai cho Chúa ; đặc biệt cho Chúa Thánh Thần. Luôn luôn nhìn vào đích điểm là giúp các ứng sinh linh mục trở nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô.

Chú trọng đến việc sống Ba Lời khuyên Phúc âm : Trong sạch, khó nghèo và vâng phục ngay từ khi còn ở trong chủng viện. Nhắc cho các thầy nhớ: Sacerdos luôn đi đôi với Victima. Sống trong sạch để trở nên “Đấng tế lễ với Chúa Giêsu.” Sống tinh thần khổ chế, hy sinh, hãm mình để trở nên “Của lễ” với Chúa Giêsu.

Với những thầy mắc phải tật “thủ dâm”, tôi nhắc các thầy nhớ: chúng ta ước nguyện hiến dâng đời mình để phụng sự Chúa, để xả thân phục vụ Chúa nơi anh chị em, khi chúng ta tìm thú vui ích kỷ cho mình, tức là chúng ta sống nghịch với lý tưởng chúng ta đã chọn. Cần phải bắt chước Chúa Giêsu, biết quên mình để mưu ích cho người khác. Tật xấu này đã nghịch với lý tưởng hiến dâng của chúng ta mà còn là kẻ nội thù, chúng ta rất khó chống lại nó. Biết như thế. Chúng ta đặt hết lòng trông cậy vào Chúa, vào sức mạnh của lời cầu nguyện và thực hành khổ chế. Như hai Thánh Têrêxa Avila và Hài Đồng Giêsu đã nói : Một mình Têrêxa thì chẳng làm được gì nên chuyện ; nhưng Têrêxa với Chúa thì làm được tất cả. Khác với người trần gian, Chúa nhìn thấu suốt những tư tưởng thầm kín, những quyết tâm sửa mình của chúng ta, thiện chí của chúng ta… và Ngài, một người Cha đầy tình nhân ái, quyền năng. sẽ tích cực giúp chúng ta sửa mình.

Về tình bác ái huynh đệ: sống đời sống cộng đoàn, chúng ta dễ  va chạm với những người chung sống với chúng ta. Nếu chúng ta nhớ lời Chúa dạy trong dụ ngôn “Ngày chung thẩm” : “… Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế (Ta đói, các ngươi cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi cho ta uống v.v…) cho  một trong những anh, chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy … (x. Mt 25, 31-46) Chúng ta đặt cho mình những câu hỏi :Tôi có dám nói hành, nói xấu Chúa không ? Tôi có dám giận Chúa không ? Tôi có dám thù ghét Chúa không ? v.v… Làm như thế chúng ta sẽ đi đến kết luận: Nếu tôi không dám làm cho Chúa những việc, những điều ấy, thì tôi cũng không đừng làm như vậy đối với anh, chi, em tôi. Chỉ vì lý do duy nhất này: Chúa kể mọi việc chúng ta làm cho một ai khác, là làm cho chính Chúa.

Về đời sống hằng ngày nói chung. Tôi xin các thầy tập năng hỏi ý Chúa: ”Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì bây giờ ?”, “Lạy Chúa, ở địa vị con, trong trường hợp cụ thể này, Chúa sẽ phản ứng thế nào ; Chúa sẽ nói gì ? Làm gì?” v.v…

– PV: Năm nay, Hội Xuân Bích mừng kỷ niệm 80 năm sứ vụ đào tạo linh mục của mình ở Việt Nam (1933 – 2013), trong đó Cha đã góp phần quá nửa thời gian (1965 – 2013) . Chắc Cha có nhiều kỷ niệm thú vị?

Cha Mẫn: Tôi chưa hiểu rõ câu hỏi cho lắm; nhưng tôi xin  mạo muội trả lời: Trước khi nhập Hội Xuân Bích, tôi thấy lo sợ và đã cầu nguyện nhiều. Khi được nhận vào Hội rồi, lại được sai đi làm việc tại một tiểu chủng viện XB, là TCV  XB đầu tiên tại VN ; lại một lần lo sợ nữa! Khi đang ngon trớn làm việc tại TCV XB duy nhất đó, thì thời thế lại đưa đẩy đến phục vụ một giáo xứ nội thành Đà Nẵng; lại phải cố gắng thích nghi với công việc mới, ở vào giai đoạn khó khăn… Tôi chỉ có một mình, không cha phó, không thầy giúp xứ, không  cộng đoàn nữ tu trong giáo xứ… và không chị nuôi, tôi phải tự làm lấy mọi sự… Thú vị nhất là tôi không có tủ lạnh, lại dùng bếp trấu, chứ không có bếp ga; ai cũng bảo: cha có một mình mà sao không dùng bềp điện hay bếp ga mà tiết kiệm quá thế? Tôi mời họ xuống bếp quan sát. Khi thấy tôi đổ trấu vào bếp, dùng mấy mảnh giấy và một que diêm để nhen lửa, bếp bén lửa và cháy dễ dàng… không cần thổi hay quạt, chỉ đợi không đến một phút, đã có bếp sẵn sàng để nấu. Về sinh hoạt giáo xứ, tôi đã lập được ban giảng viên giáo lý, củng cố được ca đoàn, lập được ban bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô, ban Trợ táng… sửa được nhà thờ … Không biết đây có phải là những kỷ niệm thú vị không?

Đến khi có bài sai về ĐCV Huế thì lại một lần phải làm quen lại với đời sống ĐCV; thời gian đầu, đây là một thời kỳ phải cố gắng hy sinh rất nhiều để thích nghi lại với đời sống kỷ luật, giờ giấc… khác hẳn với đời sống của một cha sở! Trước kia thì một mình một cõi; nay thì cùng làm việc với các cựu môn sinh đã trở thành đồng nghiệp của mình; sống chung ba thế hệ với nhau. Nhìn thấy những môn sinh của mình, sau 7 năm học tại ĐCV, nay trở thành những người thợ cùng gặt lúa trong cánh đồng truyền giáo… được kẻ khen, người chê… Có phải là những kỷ niệm thú vị như phóng viên muốn hỏi tôi không?

– PV: Cha có những gợi ý gì thêm cho Độc giả Đặc san Như một kỷ niệm 2013 không?

Cha Mẫn: Bắt đầu mỗi ngày sống, chúng ta hỏi Chúa: ”Chúa muốn con sống thế nào; Chúa muốn con làm gì hôm nay? Trước mỗi biến cố vui, buồn, chúng ta lại hỏi Chúa: ”Chúa muốn con phản ứng thế nào, trước biến cố này?” Hằng ngày, chúng ta cầu nguyện: “Xin Chúa giúp con tận dụng mỗi giây phút hiện tại cho vừa ý Chúa.”

– PV: Chúng con chân thành cám ơn Cha Cố. Ban Biên tập Như một Kỷ niệm 2013 hân hoan kính mừng Kim khánh Linh mục của Cha Cố. Nguyện xin Chúa nhân lành, nhờ lời cầu bàu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse, tuôn tràn trên Cha Cố muôn hồng ân, nhất là ơn sức khỏe và niềm vui.

Phóng viên / NMKN2013

********

 ánh nến đời con 

Như ánh nến lung linh trong  đền thánh

Quyện tỏa bay lên tận chốn Thiên Tòa

Hồn ngất ngây theo điệu hát vui ca

Lời kinh nguyện làm lễ dâng Đấng Thánh

*

Lễ hy sinh đời con là tấm bánh

Biến tan dần theo năm tháng mờ sương

Đời mòn hao cùng với những hoa hương

Tan vào khí hòa điệu đàn êm ái

*

Bao nhiêu năm đời con luôn hăng hái

Chẳng ngại ngùng dù bão táp mưa sa

Tuổi thanh xuân bao mộng ước đơm hoa

Gieo hy vọng cho Mùa Xuân Vĩnh Cửu

*

Nơi thị thành hay miền quê lũ lụt

Rừng núi cao hay biển ngập ba đào

Chốn bùn lầy giông bão nắng hanh cao

Con vẫn bước trong tình yêu dâng hiến

*

Và giờ đây bến đời con xao xuyến

Sức mỏi mòn tóc bạc lửa tàn hơi

Chiếc thuyền nan hướng mũi chốn trùng khơi

Ngọn đèn dầu đang hắt hiu trước gió

*

Năm mươi năm đời con dâng hiến Chúa

Trong tay Ngài con hạnh phúc biết bao

Dẫu đường trần muôn vạn nẻo lao đao

Nguyện tín trung không ngại ngùng mưa nắng.

Nguyễn Văn Trường, Thần IV

 

DĨ VÃNG          (truyện ngắn)

 Đã khuya lắm rồi, cha Xuân vẫn chưa muốn đi ngủ. Suốt nhiều giờ qua, cha cứ đi đi lại lại dọc lối đi trước khu nhà lớn của chủng viện. Ánh đèn trên các dãy lầu đã tắt từ lâu. Mọi vật đã chìm trong giấc ngủ im lìm. Từng bước chân chậm chạp của cha vẫn đều đều gõ nhịp xuống nền gạch. Ánh trăng thượng tuần nằm chênh vênh trên dãy núi phía chân trời tây tỏa xuống nhân gian một thứ ánh sáng lờ mờ, làm nét ưu tư trên khuôn mặt cha càng thêm ảm đạm, sầu não. Sống gần trọn đời người rồi mà chưa bao giờ cha Xuân nhận thấy lòng mình ngổn ngang đầy cảm xúc đến như thế. Có lẽ đây là đêm dài nhất trong cuộc đời cha. Hôm nay là ngày cuối cùng cha còn ở lại chủng viện với tư cách là một cha giáo. Ngày mai cha về hưu!

Từ nhiều ngày nay, cha Xuân cứ suy nghĩ, dằn vặt giữa hai chọn lựa: đi hay ở. Xét về tuổi tác thì cha có thể nghỉ hưu từ giữa niên khóa trước. Còn về sức khỏe thì cha có thể tiếp tục làm việc trong vài ba năm tới, dẫu không phải ngày nào cha cũng có thể đứng lớp, và đôi khi còn cần được chăm sóc y tế nữa. Vả lại, các cha giáo đàn em và đám học trò con cháu cứ nằng nặc nài xin cha ở lại. Họ viện đủ thứ lý do để thuyết phục rằng sự hiện diện của cha là không thể thiếu, dù cha không làm gì đi chăng nữa. Không ai trong chủng viện này muốn rời xa cha. Cha Xuân biết rõ điều đó, nhưng cũng chính vì thế mà cha càng thêm khó xử.

Cách đây gần hai mươi năm, khi chủng viện mở cửa trở lại, cha Xuân đã đảm nhận vai trò giáo sư chính thức ở đây. Mỗi mùa phượng nở đi qua, cha càng thêm gắn bó với nơi này hơn bất cứ đâu cha từng sống. Bao thế hệ học trò đến rồi đi, nhưng từng khuôn mặt vẫn khắc sâu vào tâm khảm cha như một dấu ấn không thể phai nhòa. Trong số đó, không ít người giờ đây đang cùng chung vai gánh vác trách nhiệm đào tạo với cha trong tư cách đồng nghiệp.

Cha vui mừng nhớ lại cái ngày lứa học trò đầu tiên của cha tiến lên bàn thánh lãnh nhận sứ vụ linh mục. Thật là niềm vui không thể diễn tả được. Cha nhận thấy mỗi tiến chức đang từ từ tiến đến vị giám mục chủ phong đều mang một phần của chính mình. Quả vậy, họ mang một phần kiến thức, một phần trăn trở, một phần khát vọng sống đời linh mục của cha. Gần nửa thế kỷ làm một mục tử và ngót hai thập niên làm một cha giáo, cha đã tham dự hàng chục thánh lễ thụ phong như thế. Mỗi thánh lễ làm cho đời linh mục của cha nhiều hương vị và ý nghĩa. Cha nhận thấy công cuộc đào tạo linh mục có một sứ vụ hết sức cao cả, và vì thế những ai đảm nhận trách nhiệm này cũng trở nên cao cả. Cha càng thấm thía với câu nói của một nhà tư tưởng nào đó : một tôn sư vĩ đại không phải là người có nhiều học trò nhất, mà là người tạo ra nhiều tôn sư nhất. Một nhà lãnh đạo thành công không phải là người có nhiều môn đệ nhất, mà là người tạo ra nhiều nhà lãnh đạo nhất. Một thầy giáo đích thực không phải là người có nhiều tri thức nhất, mà là người làm cho nhiều người khác có kiến thức hơn mình.

Không phải mọi học trò của cha Xuân đều trở thành linh mục. Dẫu biết rằng người được gọi thì nhiều nhưng người được chọn thì ít, nhưng mỗi khi một chủng sinh xin rời chủng viện cha thấy đau xót như một phần cơ thể mình sắp sửa bong ra. Có nhiều trường hợp mà cha biết rằng nếu sống đời hôn nhân đương sự sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn là cứ tiếp tục dấn bước trong đời tu trì, nhưng cha vẫn thấy bùi ngùi thương tiếc khi họ ra đi. Mọi nhà giáo yêu nghề đều trải qua những tâm trạng như thế khi mất đi dù chỉ là một học trò ngỗ nghịch nhất.

Thỉnh thoảng, vào một dịp hiếm hoi nào đó, một học trò cũ về lại trường xưa tìm thăm cha. Cha hết sức vui mừng như vừa gặp lại một người bạn tri kỷ, một cố nhân nghĩa tình. Cha càng vui hơn khi biết anh ta thành công và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Cầm món quà nhỏ người học trò gởi tặng, cha thấy trân trọng như vừa nhận được một ân huệ bất ngờ. Có đôi khi con người ta gieo vãi trên thửa ruộng phì nhiêu, nhưng thu lượm nơi cánh đồng sỏi đá. Có những lúc, hạt giống nảy mầm ở rất gần nhưng trổ bông ở một nơi nào đó thật xa. Thành quả mùa gặt không do người vun trồng nhưng bởi Đấng làm cho hạt giống lớn lên và đơm hoa kết trái.

Trong suốt ngần ấy năm làm giáo sư chủng viện, cha đã đọc biết bao nhiêu câu chuyện đời người. Với cha mỗi học trò là một câu chuyện ly kỳ. Cha biết mình sẽ khép lai cuộc đời này với bao câu chuyện dang dở. Cha biết rằng không phải mọi câu chuyện đều kết thúc có hậu. Bởi Thiên Chúa, nhà viết kịch vĩ đại, không bao giờ đơn phương lèo lái câu chuyện theo ý riêng mình. Ngài chỉ chấp nhận vai trò đồng tác giả cùng với nhân vật chính trong tác phẩm do Ngài viết phần mở đầu. Ngài luôn mời gọi anh ta cùng cộng tác để viết nên một câu chuyện đẹp cho thế giới. Nhưng nếu một ngày nào đó anh ta ảo tưởng rằng mình có thể viết tiếp câu chuyện mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa thì không ngần ngại đẩy Ngài ra khỏi cuộc chơi. Những câu chuyện được viết theo cách đó thường kết thúc trong sự bế tắc ảm đạm và đầy đau xót.

Cha Xuân buồn rầu nhớ lại một linh mục trẻ, đã từng là học trò của cha, được tiếng là giỏi giang nhiệt huyết, thế mà phải về hưu sớm vì quá nóng tính không thể làm mục vụ được. Hay một tu sĩ nọ cũng là học trò cũ của cha, sau khi kết thúc học trình, đã xin không tiến chức và nguyện làm tu sĩ suốt đời để dành hết tâm lực cho các công tác bác ái xã hội. Rồi một hôm, cha Xuân thất vọng nghe tin thầy buộc phải rời khỏi nhà dòng vì đã biển thủ nhiều khoản tiền từ thiện để mua đất, mua nhà cho riêng mình. Còn trường hợp của sơ Ánh Thu nữa. Cha Xuân nhớ mãi cái khuôn mặt kiều diễm và nụ cười duyên dáng của người nữ tu ấy. Sắp sửa khấn trọn đời rồi, sơ cũng đành phải rút lui do có quan hệ tình cảm sâu đậm với một người đàn ông đã có vợ. Nghe đâu đó là một thành viên trong ban hành giáo của xứ đạo nơi sơ đang phục vụ. Thế đấy, mỗi cuộc đời là một câu chuyện, và mỗi câu chuyện là một nỗi niềm.

Về hưu quả thực là một quyết định khó khăn đối với cha Xuân. Khi đặt mình trước ngưỡng cửa này cha mới hiểu tại sao bỗng dưng nó trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của những người chợt thấy mình bắt đầu bước vào giai đoạn cao niên. Càng có quyền cao chức trọng, càng có tầm ảnh hưởng, con người ta càng run sợ trước hai tiếng định mệnh ấy. Trong một thời gian khá lâu, cha Xuân đã cố gắng cân nhắc những cái được mất có thể nảy sinh từ quyết định về hưu của mình. Nhưng cha đã không thể đi đến giải đáp sau cùng là nên tiếp tục làm việc hay nghỉ ngơi.

 Mọi lời cầu nguyện xin ơn soi sáng hầu như không có tác dụng. Thiên Chúa mà cha suốt đời phụng sự nay lại trở nên im lặng một cách đáng ngờ, lại ngay đúng vào lúc mà cha cần đến ý kiến của Ngài hơn lúc nào hết. Trong lúc căng thẳng và rối loạn, cha nghi ngờ cả Thiên Chúa và những gì xưa nay cha biết về Ngài. Rồi trong một lần bình tâm hiếm hoi cha lại nghĩ : biết đâu ý tưởng này chẳng đến từ Thiên Chúa ? Có lẽ Ngài cố tình im lặng để ta hoàn toàn tự do thực hiện một quyết định cho chính cuộc đời mình. Tại sao ta không biết tận dụng điều đó ? Nhưng nếu quả như thế thì ta nên đi hay nên ở đây ? Cha thấy mình rơi vào một vòng lẩn quẩn không lối thoát. Cha càng thêm lo lắng đến những chuyện nhỏ nhặt vốn không phải là những bận tâm thường ngày của cha. Về hưu rồi mình sẽ ăn uống ra sao, sẽ làm gì cho đỡ trống trải, đời sống của một người hưu dưỡng có quá bị lệ thuộc vào người khác không ? Có còn ai nhớ đến mình không ? Có phải những người về hưu sẽ sớm sa sút về sức khỏe lẫn tinh thần không ? Dành gần trọn cuộc đời nghiên cứu tư tưởng của các triết gia vĩ đại nhất, để rồi bây giờ cha chua xót nhận ra rằng mình không hiểu được chính mình.

Trong lúc bối rối vì không tìm được lý do thuyết phục, cha tặc lưỡi nói đại : “Chậc, giáo hoàng mà còn nghỉ hưu nữa là !” Nào ngờ chính câu nói bâng quơ ấy đã đem đến cho cha rất nhiều ánh sáng. Ừ nhỉ, chẳng phải việc từ nhiệm của vị nguyên giáo hoàng đã làm cho ngài thêm nổi bật về đàng nhân đức hay sao ? Chẳng phải nhờ đó mà Giáo Hội có thêm một vị giáo hoàng đáng ngưỡng mộ hay sao ? Chẳng phải tất cả những điều đó mang đến một luồng sinh khí mới và tràn đầy hi vọng cho Giáo Hội Chúa hay sao ? Vĩ nhân là người biết xuất hiện đúng lúc và biết thoái lui kịp thời, cha nghĩ. Có nhiều khi việc quan trọng cần làm nhất là đừng làm chi cả, hãy để cho cuộc sống tiếp diễn theo đúng tiến trình của nó. Bởi thế mà một vị thánh hiền bên Tàu đã xây dựng nên thuyết vô vi gây nhiều ảnh hưởng cho đời sau vậy.

Khi ấy cha Xuân cảm thấy lòng mình trở nên phấn chấn lạ thường. Cha nhận ra rằng hai tiếng “nghỉ hưu” không còn đáng sợ như cha từng nghĩ. Đã đến lúc cha cần phải học cách làm bạn với nó, sống chung với nó. Thiên Chúa đã làm ra tuổi già để con người có thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị những việc sau cùng trước khi hoàn tất một kiếp nhân sinh. Cũng như cha đã từng bảo các học trò phải viết cho được phần kết bài trước khi đặt dấu chấm hết là vậy.

Cuộc sống quả là một mầu nhiệm. Khi đã là linh mục rồi mà cha nào có dám nghĩ mình sẽ trở thành một cha giáo đâu. Nào ngờ, thời cuộc đã buộc cha rời bỏ quê hương mà có thời gian tu nghiệp lâu năm ở ngoại quốc. Cơ hội mang cha trở lại Việt Nam. Duyên số đưa đẩy cha làm giáo sư chủng viện. Tình thân trói chặt cha trong chức vụ ngần ấy năm trời. Và giờ đây, vì lợi ích của người khác giờ đây cha thấy mình cần phải tháo lui.

Trong giờ gặp mặt đầu năm học chiều nay, cha Xuân đã thông báo cho mọi người biết kế hoạch sắp tới của cha. Ai nấy đều bùi ngùi xúc động. Cả gian phòng đang rộn rã tiếng nói cười bỗng trở nên im lặng u buồn. Cha biết đây là thông tin không vui cho những người ở lại, nhưng cha tin đó là một quyết định đúng đắn. Thời gian tới, con số chủng sinh sẽ còn tăng thêm nữa, chủng viện cần có những cha giáo trẻ tuổi và năng động hơn. Cha mong mọi người sẽ sớm làm quen với sự vắng mặt của cha. Cuộc sống không ngừng biến chuyển, dòng đời liên tục đổi thay. Con người ta không thể tạo ra điều gì mới nếu cứ khư khư bám lấy cái cũ. Cha khẽ liếc nhìn ra bãi công trường, nơi một tòa nhà đồ sộ sắp sửa được xây lên trên nền đất của khu nhà cũ vừa bị phá đi. Đây là lần đầu tiên trong đời cha Xuân kết thúc một bài phát biểu mà không có tiếng vỗ tay nào vang lên.

Tiếng gà gáy đâu đó làm cha Xuân giật mình như chợt bừng tỉnh sau một giấc chiêm bao dài. Mảnh trăng non đã khuất sau rặng núi tự bao giờ. Phía đông, một luồng sáng nhỏ vừa nhú lên khỏi mặt đất. Cả không gian mênh mông đang chuyển mình thức giấc. Một sự thay đổi sắp sửa diễn ra. Đêm sắp qua, ngày gần tới. Thế hệ này sẽ tiếp nối thế hệ kia trong một chuỗi thời gian vô tận. Chẳng còn bao lâu nữa cuộc đời cha sẽ trôi vào dĩ vãng. Cha khẽ chép miệng nhắc lại câu nói của một nhà hiền triết thuở nào : “Mọi sự đều biến dịch”.

Tú Ân, Triết II

(kính dâng Cha Bartôlômêô với niềm tri ân)

***********

Linh mục và lòng khiêm tốn

Lời nhắn: Tôi đã viết bài này cách nay 8 năm, sau khi tôi chịu chức linh mục ít hôm, theo yêu cầu của thầy phụ trách trang điện tử của Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội lúc đó. Bài viết cũ, nhưng có lẽ những tâm tình gửi gắm nơi bài viết này cũng chưa đến nỗi cũ.

Được chịu chức linh mục trong một dịp hết sức đặc biệt như ngày 29-11 vừa qua quả là một hồng ân đặc biệt, một dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời dâng hiến. Nhân một biến cố thật quan trọng trong cuộc đời mình, tôi xin được gửi tới mọi người đôi dòng tản mạn về lòng khiêm tốn trong đời sống linh mục.

Lòng kính trọng mà giáo dân dành cho linh mục vừa là một khích lệ, nhưng đồng thời cũng là một thử thách đối với linh mục. Đến tận hôm nay, sau khi đã chịu chức linh mục được hơn mười ngày, tôi vẫn chưa quen hẳn với chuyện được người ta gọi và chào bằng “cha”. Nhiều lúc nghe tiếng chào mà cứ giật mình thảng thốt, vì cứ tưởng người ta chào ai chứ không phải chào mình. Thực ra, linh mục được kính trọng vì là người của Chúa, là hiện thân của Đức Ki-tô giữa trần gian. Tuy nhiên, khi được người khác yêu mến kính trọng, người ta dễ sinh ra kiêu căng ngạo mạn, hách dịch phách lối. Thái độ ấy đã ăn sâu vào đời sống và lối ứng xử của không ít linh mục, gây nên nhiều chuyện thật đáng buồn. Thay vì là hình ảnh sống động của Chúa, linh mục lại trình làng một “cái tôi” to tướng, thành chướng ngại trên con đường dẫn người ta đến với Chúa.

Ngày chịu chức linh mục, có một chuyện làm cho tôi hết sức bối rối. Ngay khi Thánh lễ kết thúc, Đức Ông Bác-na-bê Nguyễn Văn Phương tới bắt tay chúc mừng tôi, sau đó ngài quỳ xuống xin tôi ban phép lành đầu tay. Tôi không biết làm gì hơn, chỉ vẽ hình thánh giá và đọc thầm công thức ban phép lành. Lòng khiêm tốn và đức tin của một vị đức cao vọng trọng tại giáo triều Rôma cứ khiến tôi suy nghĩ mãi. Khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa, linh mục làm một việc nhân danh Chúa, ngài trở thành trung tâm, thành nhân vật chính của buổi cử hành. Điều này đôi khi khiến vị linh mục sống trong ảo tưởng và lầm tưởng rằng: mình là Chúa, để rồi sống như một ông “vua con” với đầy đủ các đặc tính của một “bạo chúa” giữa xứ đạo hay cộng đoàn do mình phụ trách.

Ngay đầu đời linh mục mà đã đưa ra những nhận xét nhuốm màu bi quan như trên có lẽ không được hay lắm, nhưng thiết tưởng đôi điều nhận xét trên đây là cần thiết cho những linh mục bắt đầu dấn thân sứ mạng phục vụ Thiên Chúa và Hội thánh.

Một linh mục cao niên nói với tôi: “Năm năm đầu đời linh mục, linh mục run rẩy khi cầm Chúa trên tay, nhưng tới năm thứ sáu, Chúa lại run rẩy trong tay linh mục”.

Với những ai đã dành chút thời gian đọc bài viết này, tôi xin kí thác một lời nhắn gửi: Đời sống linh mục gần bàn thờ, đèn nến lung linh, tuy nhiên, sau ánh sáng hào quang là trách nhiệm, là thánh giá và biết bao thử thách cạm bẫy. Xin quí vị đừng quên cầu nguyện thật nhiều cho các linh mục, nhất là những linh mục trẻ.

Vinh-sơn Phao-lô Trần Minh Thực

—————–

Cha giáo cũ của tôi 

Đó là mùa hè năm 95, tôi từ Saigon có việc đi Nha Trang, nhân tiện về luôn Trà Kiệu thăm và mừng 25 năm linh mục Cha bố, ngài đang là cha sở ở đó. Mừng là mừng riêng thôi, vì hơn một tuần sau mới tổ chức lễ, trong khi tôi chỉ ở lại chơi với ngài được có vài ngày.

Cha bố dành một ngày rủ tôi đi chu du Đà Nẵng, trên chiếc xe Honda dame cà tàng. Nhớ ngày xưa, trước 1975, khi tôi còn là chú tiểu, kỳ hè ở với Cha bố, ngài vẫn thường đưa tôi đi đây đó như vậy, chỉ khác là chiếc Honda dame hồi ấy còn “xịn” lắm chứ chưa cà tàng. Lần này, cũng như ngày xưa, tôi chẳng cần hỏi ngài rằng sẽ đi đâu, ghé đâu, gặp ai, làm gì … Tôi cứ việc phó thác cho ngài, ngài đưa đi đâu tôi đi đó.

Đầu tiên là ghé Hội An. Cha sở ở đây vốn là Cha sở cũ của Trà Kiệu, một vị linh mục rất oai phong và hiếu khách. Chủ và khách nói chuyện huyên thiên, tôi chỉ ngồi nghe. Câu chuyện liên quan đến một số công việc ở giáo xứ Trà Kiệu mà Cha bố tôi muốn tham vấn người tiền nhiệm của mình. Được một lát, Cha bố xin kiếu, nói phải đi Đà Nẵng kẻo trễ, song không quên mè nheo hỏi chủ nhà có bánh kẹo gì làm quà không. Cha sở Hội An cười hề hề:

– Hứ, tưởng cái chi, chớ bánh kẹo thì thiếu chi đó. Của người ta biếu í mà. Ông coi thích chi thì cứ lấy.

Thế là Cha bố tôi lục tủ, và nhón một hộp bánh qui nhìn khá bắt mắt. Ngài quay sang nói với tôi:

– Ông thấy không, Cha già luôn rộng rãi rứa đó, nhưng mình cũng không lấy chi nhiều, chỉ xin Cha già hộp bánh ni thôi.

Từ Hội An, hai bố con đi Đà Nẵng qua ngả Non Nước. Cha bố vẫn là tài xế, còn tôi ngồi sau. Ngài vừa chạy xe vừa nói chuyện, ra chiều đắc chí lắm:

– Nói chuyện với Cha già mà rứt ra được là không dễ đâu nhe ông. Lại có “chiến lợi phẩm” nữa chứ. Coi như mình lấy của người giàu đem cho người nghèo. Bây giờ tôi với ông đến Nhượng Nghĩa thăm Cha giáo Pháp văn ngày xưa của ông.

Tôi mừng thầm, vì sắp được thăm Cha giáo cũ – hai mươi năm rồi tôi chưa gặp lại ngài. Còn với Cha bố tôi thì Cha giáo là người bạn “hàng xóm” cũ ở vùng Thăng Bình, hai người là cha sở của hai giáo xứ kế nhau, cùng chia sẻ những gian khổ của thời gian sau 1975 ấy.

Loanh quanh một hồi qua khu dân cư, bố con tôi đến nhà xứ Nhượng Nghĩa, kế bên nhà thờ. Nhà thờ không đến nỗi tệ, nhưng nhà xứ thì tuềnh toàng như một lán trại. Và chẳng thấy ai cả. Phía góc vườn có một cái chòi lá nhỏ xíu trống huơ, nhìn kỹ thấy có khói. “Bếp của cha sở đó” – Cha bố tôi nói.

Dựng xe, Cha bố đưa một ngón tay lên miệng suỵt bảo tôi đừng lên tiếng và ngài kéo tôi tới thẳng cái bếp phong phanh kia. Cũng không có ai ở đó. Một cái nồi nhỏ, móp méo, đen thui, đang ‘ngồi’ trên ba viên gạch. Lửa dưới nồi thoi thóp, gần tắt ngúm, vì ‘củi’ là một mớ lá âm ẩm, chưa đủ khô. Cha bố tôi lật nắp vung xem bên trong: hai con cá ước bằng ngón tay đặt trong một cái chén hấp trên ngấn nước với chừng nửa lon gạo bên dưới. Cha bố bảo tôi: “Cơm chưa sôi mà bếp tắt rồi. Ta nhóm lửa lại cho ông ấy, kẻo cơm sình mất.”

Thế là hai bố con bắt tay vào cứu nồi cơm: mồi lại lửa, quạt lên, kiếm thêm củi khô hơn. Loay hoay một hồi, tình hình được “cải thiện” đáng kể. Bấy giờ tôi mới lên tiếng, nói khẽ vừa đủ nghe: “Sao lại để hai con cá nhỏ trong nồi cơm vậy?” Cha bố cười: “Tôi cũng chịu thua, không hiểu nổi. Lát nữa gặp ngài, ông hỏi ngài thử xem.” Bố con tôi nhìn quanh bếp. Một chai xị cũ xì đựng nước mắm, nhưng nước mắm chỉ còn dưới đáy chai. Một hũ chao đựng dầu ăn, và dầu ăn cũng chỉ còn một ngấn mỏng. Một hũ muối nhỏ. Vài cái chén sành với vài chiếc muỗng, mấy chiếc đũa nằm trong chậu. Cha bố tôi tặc lưỡi, lắc đầu: “Ôi, cái ông này, ông ấy mới bị mổ ruột, mà ăn uống kiểu này thì sống sao nổi đây!”

Có tiếng đằng hắng, bố con tôi nhìn ra. Cha giáo từ phía nhà bước tới, cười cười và đủng đỉnh chào chúng tôi:

– Kính chào quí khách! Hôm nay ngày gì mà rồng đến nhà tôm vậy kìa.

Tôi chào ngài, và phải nhắc lại nhiều chuyện xưa ngài mới nhận ra tôi là đứa nào trong đám học trò ngày trước.

Thì ra, ngài sống một mình, không có ai giúp. Ngài nói lúc nãy bắc nồi gạo lên bếp, nhóm lửa xong, ngài tranh thủ đi bao lại bìa mớ sách cũ trong nhà, rồi mải mê thế nào mà bố con tôi đến ngài cũng chẳng nghe thấy gì cả.

Về hai con cá ‘gửi’ trong nồi cơm, ngài nói hấp luôn vậy cho tiện, hễ cơm chín thì cá cũng chín, chỉ cần thêm chút nước mắm hay muối nữa là xong bữa trưa!

Ngài kéo bố con tôi lên nhà, và dõng dạc quyết định:

– Thôi, bây giờ nồi cơm cứ để đó. Hai bố con ông đến bất ngờ nên mình xin lỗi vì thiếu chuẩn bị tiếp đón. Nhưng dù sao, khách đến nhà không gà thì vịt, phải không. Mình sẽ gọi nhờ người giáo dân ở gần đi mua phở. Trưa nay mình ăn phở đãi khách, còn nồi cơm ấy để dành buổi chiều.

Cha bố tôi cũng tranh phần quyết định:

– Gì cũng được, nhưng trước hết bố con chúng tôi phải cùng Cha sở thanh toán nồi cơm và hai con cá ấy đã. Và nè, hôm nay Cha sở đãi khách cũng phải thôi, ngày kỷ niệm chịu chức của Cha sở mà.

Tôi giật mình. Cha bố bảo tôi lấy hộp bánh qui làm quà mừng Cha giáo. Thì ra thế!

Bữa trưa hôm ấy ba chúng tôi, khách và chủ, ăn đúng “thực đơn” mà Cha bố tôi đề nghị: cơm rồi phở. Cha giáo cảm động lắm. Ngài nói hồi còn ở Thăng Bình, ngay trong những năm ‘ngột ngạt’ sau 1975, Cha bố tôi vẫn luôn nhớ và đến mừng ngài ngày chịu chức, tưởng bây giờ ở xa rồi thì thôi, ai ngờ ông ấy vẫn nhớ.

Hồi ức của tôi về Cha giáo vẫn còn nhiều, vì 5 năm sau, tôi về ‘đầu quân’ lại ở giáo phận nhà, bắt đầu bằng chân giúp xứ Chính Tòa, thì ngài đang hưu ở đó. Rồi ngài lại đi xứ, rồi lại về hưu ở tòa giám mục. Tôi vẫn tiếp tục thường gặp ngài. Những năm cuối đời, ngài như người cõi trên, như đã ở một thế giới khác. Ngài vui hay buồn, tôi không hiểu. Nhưng mỗi khi nhìn thấy dáng ngài nghiêng nghiêng, lầm lũi lếch thếch như một “Bùi Giáng của Đà thành”, tôi không khỏi chạnh lòng.

Hôm nay, ngày ngài về với lòng đất, mà mình ở xa quá không thể có mặt để tiễn đưa ngài, tôi ghi lại kỷ niệm bữa trưa hôm ấy ở Nhượng Nghĩa, như một nén nhang tạ từ Cha giáo. Xin Chúa cho Cha yên nghỉ. Và tôi bất giác cười thầm khi tự nhủ: Không biết trên thiên đàng, hai linh mục bạn hàng xóm cũ gặp nhau có nhắc lại chuyện nồi cơm sình với hai con cá nhỏ ấy không nhỉ? Requiescat in pace!

Th.P. (20.6.2012)

**********

NẮNG MÙA ĐÔNG  (truyện ngắn)

Năm nay thời tiết xứ Huế khác hẳn so với mọi năm. Những cơn mưa xối xả và những trận bão kinh hoàng dường như rủ nhau đến sớm. Chỉ mới cuối tháng chín dương lịch mà đã hai, ba trận bão ồ ạt kéo về, cướp đi bao nhiêu mạng người, và gây khốn đốn cho bao nhiêu người khác. Đêm nay bão lại đổ về. Đường phố Cố Đô càng trở nên yên tĩnh. Xe cộ không còn qua lại tấp nập như mọi hôm. Những con đường vốn dập dìu người, tối nay đã ngủ im lìm từ lâu. Xa xa văng vẳng tiếng ếch nhái kêu inh ỏi, cơ hồ chúng thích thú lắm với những vũng nước lớn sau mưa.

Trong nhà nguyện chủng viện mọi cửa lớn, nhỏ đều đóng chặt. Thỉnh thoảng gió lách vào các khe cửa làm An lạnh buốt, run lên cầm cập. Giờ kinh tối vừa xong. Lớp An được cha đồng hành giúp dọn gẫm cho giờ cầu nguyện sáng mai. Suốt cả buổi kinh tối và giờ dọn gẫm, An không tài nào tập trung được. An cứ thấp thỏm, linh tính như sắp có chuyện gì xảy ra với mình. Bước lên phòng, An đang loay hoay cởi chiếc áo pun mỏng manh vì những sợi vải đã ăn mòn theo năm tháng, chợt nghe một bàn tay đặt lên vai mình.

– Mày có thư này, hồi nãy anh trưởng đoàn tìm mày nhưng không thấy. Anh ấy nhờ tao chuyển cho mày.

Giọng ỏn ẻn như giọng con gái của Tú khiến An giật mình. An nhìn Tú với ánh mắt ngạc nhiên, và tự hỏi không biết thư ai gởi cho mình đây, mình mới vào chủng viện vỏn vẹn chỉ có ba tuần mà ai đã gởi thư thế này.

– Chà! Vào chủng viện rồi mà có em nào gởi thư vậy ta? Ước gì mình được như anh ấy! Câu nói đùa của Việt, người Đăk Lăk gốc Hà Tĩnh, học ở Sài Gòn, giờ tu ở Huế. Giọng Việt pha nhiều vùng miền nên khó nghe vô cùng!

– Em với chả út! Giọng An đanh lại, vẻ bực bội.

Bình thường An rất vui vẻ, hiền lành, nhưng sao bữa nay hắn dễ quạu thế nhỉ. Việt thầm nghĩ và im bặt, ngồi phịch xuống bàn học.

Mưa ngoài trời vẫn rả rích, như hòa nhịp với nỗi bồn chồn, lo lắng trong lòng. An vội bóc phong thư.

“An! Con ơi, mẹ biết con ao ước trở thành linh mục. Mẹ rất mừng và tự hào về con. Mẹ ủng hộ con. Nhưng bố con thì… Kể từ ngày con vào chủng viện không khi nào mẹ được sống yên ổn với ông ấy. Hết la mắng chửi rủa thì đập nhà phá cửa. Bao nhiêu khổ cực, ngậm đắng nuốt cay để con đi tu mẹ cũng chịu được.”

Đọc đến đây, nước mắt An chực trào ra. An thương nhớ mẹ, rồi nghẹn ngào đọc tiếp.

“Nhưng con ơi, nếu con không về bố con sẽ chết. Cách đây hai hôm, vì bực tức con ông ấy định uống thuốc tự tử. Mẹ và hàng xóm phải cố lắm mới can ngăn được ông ấy.”

– Lạy  Chúa! Con phải làm gì bây giờ! Tiếng An thầm thì não nề. Hai hàng nước mắt chảy dài, An nắm chặt lấy thành ghế, lặng lẽ nhìn ra bầu trời đêm.

An sinh ra và lớn lên tại miền tây sông nước. Ông Tấn, bố An, là người ngoại đạo. Bà Lan, mẹ An là đạo dòng chính cống. Hai người lấy nhau nhưng đạo ai nấy giữ. Nhiều lần bà Lan khuyên chồng đi nhà thờ. Nhưng ông nhất quyết không chịu theo. Ông cho rằng Chúa có đâu mà theo, vả lại đạo Chúa quá nhiều lề luật khắt khe. Thế là những đứa con hai ông bà sinh ra, ông Tấn đều không cho theo đạo. Chỉ có mình An, con đầu lòng, được sinh ra ở bên nhà ngoại, vì vậy An được rửa tội mà ông Tấn không hề hay biết. Ba đứa con gái sau này chẳng có đứa nào được phép bước đến nhà thờ. Chỉ có An lén đi theo mẹ. Thời gian trôi qua, An lớn lên học hết phổ thông và thi đậu vào một trường đại học ở Sài Gòn. Dù nhà nghèo nhưng An học rất giỏi, luôn là sinh viên xuất sắc của khoa. Suốt thời gian sinh sống và học tập tại Sài Gòn, An phải tự mình xoay xở tiền ăn lẫn tiền học. An nhiệt tình tham gia nhiều sinh hoạt ở giáo xứ mà mình cư trú: giáo lý, ca đoàn, giới trẻ… Nơi đây, An đã quen biết nhiều nữ tu và nhiều linh mục, đặc biệt là các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Hình ảnh các cha đã gây ấn tượng trong An. An bắt đầu yêu thích và tìm hiểu ơn gọi dâng hiến. Học xong đại học, với lòng mộ đạo sâu sắc và với sự hướng dẫn tận tình của các cha, An xin gia nhập nhóm dự tu giáo phận Kontum. An nghĩ đây là cánh đồng truyền giáo đang cần sự dấn thân của những con người trẻ như mình.

Khi lần đầu tiên biết tin An muốn làm linh mục, chân tay ông Tấn bủn rủn, đầu óc ông quay cuồng, mặt ông đỏ rực, cơn giận sôi lên sùng sục đến nỗi ông suýt ngã quỵ phải bám lấy cạnh bàn. Trong dòng họ, ông là con trai trưởng, và An là đích tôn. Vì thế, ông Tấn dứt khoát không cho An vào chủng viện.

– Có Chúa đâu mà mày đi tu? Chỉ cho tao thấy Chúa của mày đi! Ông Tấn giận dữ quát.

An đứng kề bên cái túi xách cũ rách, bên trong chứa đầy quần áo và các vật dụng cần thiết cho chuyến ra đi của mình.

– Bố à! Làm sao con có thể chỉ cho bố thấy Chúa trong khi bố quyết không tin Ngài.

– Cái gì mắt tao thấy thì tao mới tin, cái gì mắt tao không thấy thì tao không tin. Ông Tấn nói, vẻ mặt ông hằn lên sự cương quyết.

– Bố có thương anh em con không? Bố có yêu mẹ không?

Ông Tấn nhìn lảng ra giàn mướp đắng chỉ còn thưa thớt những trái èo ọt cuối mùa. Tiếng chó sủa bóng ai đó lấp ló trước dậu dâm bụt. An nhìn bố mình, tha thiết nói:

– Con biết, bố rất thương anh em chúng con, bố yêu mẹ vô vàn. Nhưng tình thương yêu bố ấy, bố có thấy được không? Thế bố có tin không?

Ông Tấn không nói gì. Bà Lan đứng núp sau bức vách, nước mắt đầm đìa. Bà vội chạy lại, một tay ôm chặt lấy An, tay kia quệt những giọt nước mắt.

– Con đi bình an, khi nào ra tới Huế điện về cho mẹ hay.

An bước ra đến sân. Bỗng nhiên có những âm thanh hỗn độn trong nhà, nghe như sắp động đất. Tiếng bát đĩa rơi lẻng kẻng chen lẫn với tiếng đập bàn đạp ghế. Mọi thứ trong nhà, ông Tấn hất tung tóe.

– Thằng con khốn nạn! Ông gào lên.

Mặc cho ông Tấn la lối om sòm như muốn khuấy động cả khu xóm, An vẫn lẳng lặng ra đi. Mấy đứa em gái An khóc òa. Chúng chạy ra đầu ngõ nhìn theo bóng anh trai rời đi xa dần và mất hút.

Đồng hồ điểm 1 giờ 30. Toàn chủng viện đã ngập trong giấc ngủ từ lâu. An không sao ngủ được, cứ ngồi lên rồi lại nằm xuống, trằn trọc. Tiếng ngáy của ai đó trong phòng thỉnh thoảng hòa chung với tiếng gà gáy khuya eo óc.

– An! Sao mặt em như mất ‘sổ gạo’ vậy? Nhìn vẻ mặt thâm quầng vì mất ngủ của An, Niên vừa bước ra khỏi phòng điểm tâm đã vui vẻ đùa.

– Chắc em phải về thôi anh Niên ơi!

– Chú mày, mới vào chưa gì đã muốn về. Chắc bố chú mày lại dở chứng gì nữa phải không?

Niên là người đồng hương với An, nhập địa phận Kontum nhưng lớn hơn An ba lớp. Vì cùng quê nên Niên biết khá rõ chuyện gia đình của An.

– Nếu em không về bố em sẽ chết. Em phải làm gì bây giờ anh Niên? Tu như thế này thì khổ sở  quá! An nói, giọng chùng xuống thật buồn.

– Từ từ rồi tính An ạ! Em đã xin cha linh hướng chưa?

– Dạ chưa.

– Em định xin cha nào? Tình hình này em nên xin cha linh hướng sớm đi. Rồi bàn với ngài xem sao.

– Dạ em định xin cha Quân. Chiều nay em sẽ lên gặp ngài.

Cha Quân năm nay đã ngoài lục tuần. Ngài có khuôn mặt phúc hậu, thánh thiện, lại rất dễ gần gũi. Vì thế ngay từ những ngày đầu sống ở chủng viện, An đã bắt đầu để ý đến cha.

Chiều đến, An đứng thập thò chỗ cửa phòng cha Quân. Bên ngoài gió hây hây lạnh. Trời vẫn mưa lác đác.

– Cóc! Cóc! Cóc!

– Ai đó?

– Dạ con, An lớp Tu Đức.

Cha Quân mở cửa, gió lùa vào se lạnh.

– Có chuyện gì thế con?

Bước vào phòng, hai tay An nắm chặt vạt áo, mắt nhìn vị linh mục, rụt rè trả lời:

– Dạ…dạ… Cho con xin cha làm cha linh hướng.

– Con suy nghĩ kỹ chưa? Cha Quân nhìn An vừa cười vừa hỏi. An im lặng. Cha Quân nói tiếp:

– Được rồi, cha đồng ý.

Bên ngoài, mây đen xám xịt sà xuống kín cả bầu trời. Một cơn gió mạnh ào vào phòng qua khung cửa, thổi bay hết những giấy tờ trên bàn cha Quân. An vội vã nhặt lại cho cha, rồi nhỏ nhẹ nói:

– Thưa cha, con có chuyện muốn nói với cha.

– Con cứ nói.

– Thưa cha, con đi tu nhưng bố con không đồng ý. Bố con là người ngoại đạo. Bố con bảo: con đi tu bố con sẽ chết.

An kể lại mọi chuyện. Nghe xong, cha Quân im lặng một hồi lâu. Ký ức của mấy mươi năm về trước hiện lên trong cha. Cách đây khoảng bốn mươi năm, cha cũng lâm vào tình huống éo le như chàng trai này. Cha thầm nghĩ, mấy chục năm nay mình mới gặp chuyện giống như mình năm xưa. Với sự hiểu biết và kinh nghiệm, cha Quân ân cần chia sẻ và khích lệ An.

– Con nhớ lựa lời nói cho khôn khéo nhé! Rồi có gì báo cho cha biết nghe. Cha Quân vừa nói vừa vỗ nhẹ vào vai An.

Trời đã ngớt mưa. Những đám mây đen tan biến dần về phía chân trời xa. Có tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ. An thoáng cảm nhận một niềm vui không tên, cầu mong sao điều mình sắp làm theo gợi ý của cha Quân sẽ đem lại một kết cục có hậu.

Đêm đã xuống, cả chủng viện chìm trong  sự yên lặng của giờ ‘đại tĩnh thời’. Đâu đó từ ngoài xóm, nghe thoang thoảng tiếng rao hàng của bà bán bánh giò. An miệt mài biên thư cho bố:

“Bố kính yêu!Thời gian vừa qua con đã làm cho bố đau khổ nhiều. Bố ơi! Có người bố nào mà không mong muốn cho con mình tìm được hạnh phúc. Nay con đã tìm ra được lý tưởng mang lại hạnh phúc cho đời con. Không lẽ bố đành đọan cắt đi hạnh phúc của con. Con tin bố không nỡ lòng nào đối xử với con như thế. Con có làm gì nên tội đâu bố? Con mong bố hiểu và ủng hộ lựa chọn của con…”  

Phải gần một tuần sau thư mới đến tay ông Tấn. Đọc những dòng chữ của con trai, ông Tấn chột dạ, có chút xót xa. Những cơn giận sôi sục khi nghĩ đến thằng con trai không còn bùng lên trong ông nữa. Ông lặng nhìn ngọn đèn leo lét đang tí tách, bập bùng, như muốn nói điều gì đó với mình. Ngoài trời tối đen như mực. Gió rì rào. Vài con đom đóm lập lòe trước cửa. Ông buông tiếng thở dài, rồi lăn kềnh ra chiếc giường ọt ẹt nằm vắt tay lên trán tư lự. Một lát sau, ông vùng dậy phì phèo điếu thuốc rồi hỏi bà Lan:

– Bà này, thế thằng An khi nào nó mặc áo… áo….gì đấy?

– Áo dòng. Cuối tháng mười. Bà Lan đang lu bu dưới bếp, nghe ông Tấn hỏi, bà nhanh nhẩu trả lời.

Một tháng trôi qua kể từ ngày An gởi thư cho gia đình. An hy vọng không có chuyện gì xảy ra. Đã đến ngày chủng viện bước vào đợt tĩnh tâm năm. An yên tâm tiếp tục suy nghĩ và cầu nguyện về ơn gọi của mình. Thánh lễ trao tu phục cho anh em lớp Tu Đức diễn ra vào cuối kỳ tĩnh tâm. Thánh lễ được cử hành trong bầu khí trang nghiêm, long trọng, do Đức Tổng Giám Mục Huế chủ tế cùng với quý cha trong Đại chủng viện.

Từ đó, vâng từ đó, Chúa đã gọi con…” Bài thánh ca vang lên du dương, chan chứa tâm tình khi vị Giám mục trao tu phục cho anh em. Bỗng nhiên, An thoắt trông thấy dáng ai như bố mình thấp thoáng phía cuối nguyện đường.

Vâng, từ phía cuối nguyện đường, ông Tấn đang nhìn chằm chằm con trai mình khoác lên người chiếc áo chùng thâm. Bà Lan hạnh phúc trong nhạt nhòa nước mắt.

Sáng hôm ấy, trời quang đãng khác thường. Sau nhiều ngày mưa dầm, mặt trời bắt đầu ló dạng. Cỏ cây khát nắng say sưa ngâm mình trong ánh nắng ban mai. Ánh nắng lung linh nhảy múa vui đùa với những chùm hoa phượng trái mùa đang cười khúc khích. Bước ra khỏi nhà nguyện, cha Quân tủm tỉm cười khi trông thấy gia đình An hí hửng ghi hình lưu niệm chỗ Diễm Tụ đài, dưới chân Đức Mẹ.

Hai tháng sau, An được tin bố và ba cô em gái đón nhận hồng ân đức tin. An tràn ngập niềm vui như chưa bao giờ. “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì biết bao điều kỳ diệu Chúa đã ban tặng cho con.” An thầm thĩ nguyện cầu.

                                                                                                G.B. Trần Kim Cang, Triết II

 

 

CHỦNG SINH HÔM NAY

VÀ NHỮNG  THÁCH ĐỐ

 Sống hết mình ơn gọi tu trì sẽ đem lại nhiều hoa trái và niềm vui sâu xa. Tuy nhiên, việc ấy chẳng dễ dàng tí nào! Bởi vậy người ta vẫn hay ví von đời tu với một chuyến leo núi mạo hiểm hay với một cuộc lội ngược dòng cam go. Giữa vô vàn những thách đố đủ loại trong cuộc sống của chủng sinh, ta có thể kể ra vài chướng ngại vật đặc trưng của thời đại mà người chủng sinh hôm nay phải vượt qua trên bước đường dâng hiến của họ.

Trong xã hội hiện nay, có một thứ chủ nghĩa vô thần thực tiễn và hiện sinh đang lên ngôi, ăn khớp với một nhãn giới trần tục về đời sống và vận mệnh con người (x. Pastores Dabo Vobis, số 7). Chủ nghĩa ấy không ngừng hô hào, cổ xúy cho lối sống cá nhân vị kỷ, tìm hưởng thụ bằng mọi cách và tôn vinh những giá trị chóng qua. Nó cuốn hút người chủng sinh vào những vòng xoáy đầy ma lực và không ngừng trêu ngươi họ với những câu hỏi đại loại như: Ồ, anh không muốn có vợ con sao? Công danh sự nghiệp đang chờ anh mà? Thanh bần, khổ chế để làm quái gì cơ chứ?… Trong viễn ảnh ấy, đi tu thật ngược đời biết bao! Xã hội hiện đại đặt người chủng sinh vào một cuộc biện phân gắt gao và căng thẳng. Họ được mời gọi lội ngược dòng để bứt phá ra khỏi những trào lưu này hầu có thể hiến mình cho ý muốn của Thiên Chúa.

Thứ đến, ta có thể ghi nhận rằng sự bùng nổ của công nghệ Internet, truyền hình là một trong những dấu chỉ của thời đại. Không ai phủ nhận vai trò to lớn của chúng trong việc thăng tiến cuộc sống, nhưng chúng cũng đồng thời chứa đựng những cạm bẫy ‘ngọt ngào’ khiến giới trẻ dễ sa chân. Màn ảnh truyền hình tìm cách quảng bá một lối sống phóng túng tình dục. Không thiếu những bộ phim mà trong đó ý nghĩa đích thực của tính dục bị giản lược và bóp méo thậm tệ. Mạng lưới Internet thì nhan nhản bản tin, mẩu quảng cáo, hình ảnh, video… nhiễm mùi ‘sex’. Rõ ràng, người chủng sinh hôm nay đang đối mặt với những thách đố mà các thế hệ trước có thể không gặp phải. Họ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong thực hành đời sống đời độc thân khiết tịnh giữa một xã hội mà ngẫu tượng ‘con heo’ được ‘PR’ rất mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, ‘cuộc tử đạo không đổ máu’ đang thách đố các chủng sinh ngày nay!

Bên cạnh đó, đi tu đã khó mà ‘đi về’ cũng lắm truân chuyên. Nhìn chung, giáo dân Việt Nam yêu mến và quý trọng các ơn gọi linh mục. Nhưng đồng thời một số người, kể cả thân nhân của chính chủng sinh, cũng dễ dàng ‘đá xéo’ những chủng sinh phải ‘bỏ ngũ’ vì lý do nào đó. Chuyển hướng ơn gọi là điều bình thường, thậm chí là điều tốt trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nhiều người Công giáo Việt Nam vẫn còn nhìn những chủng sinh chuyển hướng như những ‘tội đồ’, như là nỗi xấu hổ cho gia đình, dòng tộc, và còn bao nhiêu búa rìu dư luận phiền toái khác. Vì thế, chủng sinh có thể phải đối mặt với những áp lực vô lý do một số quan niệm lệch lạc về ơn gọi, và họ bị tước đoạt phần nào sự tự do trong việc chọn lựa hướng đi thích hợp cho đời mình.

Trên đây chỉ là một vài trong vô vàn thách đố mà các linh mục tương lai gặp phải. Mời bạn bổ sung vào danh mục này nhé! Trong khi tìm những giải pháp thích hợp, ta không quên lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ, lời vẫn còn nguyên tính thời sự: “Anh em đừng sợ, vì Thầy đã chiến thắng thế gian” (x. Ga 17,33). Cũng thế, các chủng sinh được mời gọi đừng sợ những thách đố của thời đại này và đừng sợ cả … Đức Kitô nữa, như lời nhắn gửi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dành cho các bạn trẻ (dĩ nhiên trong đó có các chủng sinh) trong dịp lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của mình: “Đừng sợ Đức Kitô! Ngài không tước đoạt gì của bạn, Ngài cho bạn tất cả”. Thật vậy, Đức Kitô là giải pháp tối hậu cho mọi khó khăn thử thách trên đường ơn gọi. Về phần ngài, Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II khích lệ chúng ta bằng những lời đầy tâm huyết sau đây:

“Các con đừng sợ những đòi hỏi triệt để của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài – Đấng  yêu mến chúng ta trước – sẵn sàng trao hiến chính mình cho các con và Ngài cũng mời gọi các con làm điều tương tự. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi các con nhiều thì đấy bởi vì Ngài biết rằng các con có thể cho đi nhiều.”

(trích từ tuyển tập Ý nghĩa của các Ơn Gọi)

Phêrô Nguyễn Quí Khôi, Triết I

Bài này có tham khảo Seminarians today: the challenges they face, trong:

http://amaranthsanctuary.blogspot.com/2010/05 (18.10.2013)

@@@@@

Văn Sang, Đak Neang:

Men đức tin đang được ủ trong bột

 Tôi đặt chân đến Văn Sang vào những ngày tháng tư ẩm ướt khi trời đang chuyển mùa khiến cho mưa nắng thật thất thường. Văn Sang là một trong hai làng có đạo cuối cùng ở huyện Tu Mrông này. Làng kia là Đak Neang. Ấn tượng về làng Văn Sang và làng Đak Neang hiện lên trong tôi sâu đậm không chỉ vì đây là những làng có đạo cuối cùng của Tu Mrông, nhưng còn đặc biệt vì đây là làng xa nhất tôi được đến chơi sau một năm rưỡi chưa có cơ hội nào.

Nằm giữa bao nhiêu làng chưa có đạo, niềm tin của những người dân làng Văn Sang và làng Đak Neang vào Thiên Chúa vẫn toả rạng như ngọn đuốc giữa đêm rừng mờ tối. Nhiều người sẽ thấy và sẽ đến với ngọn đuốc ấy để được biết, chiêm ngưỡng và tin vào một Thiên Chúa luôn yêu thương, quan phòng dẫn đưa họ. Như dụ ngôn nắm men được vùi vào ba đấu bột (Mt 13,33), làng Văn Sang và làng Đak Neang sẽ làm cho cả vùng Tu Mrông này dậy men đức tin vào Thiên Chúa Tình Yêu.

Con đường dẫn vào làng Văn Sang bắt đầu ngay từ ngã ba quẹo trái, phía trước là làng Tu Mrông chưa có đạo. Đoạn đường từ nhà thờ Tea Rơxá lên đây không xa, chỉ khoảng mười bảy cây số nhưng hiểm trở vì đường dốc, trơn trượt, và đặc biệt khó đi vào mùa mưa. Tôi mất hơn một tiếng đồng hồ để đi hết đoạn đường ấy. Vượt qua khỏi được đèo Măng Rơi để lại đổ mình dọc xuống dốc về phía Tu Mrông lồng lộng nắng và gió là kể như đã đi được nửa đường. Từ ngã ba này tôi phải đi khoảng tám cây số nữa mới vào đến được làng Văn Sang. Tám cây số qua những đoạn dốc đến rợn người, những đoạn còn dốc hơn cả đoạn dốc leo lên đỉnh Măng Rơi.

Ngày đầu tiên khi đến làng, sự cuốn hút khám phá trong tôi cứ rạo rực suốt đoạn đường này, hứng khởi càng tăng theo đèo dốc đi lên. Núi rừng bạt ngàn trải ra dường như vô tận trước mắt tôi. Nhưng trong cái hứng khởi ngây ngất trước núi rừng luôn phảng phất nỗi buồn khi phải nhìn thấy những vết thương cằn cỗi, bỏng cháy và trơ trụi ở đây đó trên gương mặt già nua, tiều tuỵ của rừng núi vì bàn tay con người…

Được chừng ba cây số, chúng tôi bắt đầu đi vào làng Tu Cấp. Tu Cấp có nghĩa là gì, nhiều người đã không còn nhớ nữa. Ký ức về tên làng trong tâm trí người dân đã dần bị ‘Kinh’ hoá. Tu Cấp là tên người Kinh quen gọi vì dễ đọc và được thay thế cho tên gọi tiếng Sêđang vốn khó đọc. Đi vào làng chúng tôi thấy gia đình nào cũng có một kho lúa nằm sát bên đường. Kho lúa này được gọi là hnôu, nhỏ như những cái chòi người Kinh làm để trú mưa nắng trên nương trên rẫy. Hnôu là một biểu tượng linh thiêng trong đời sống của người Sêđang. Trước kia, trong các ngày lễ Ăn Lúa Mới  tức ngày Ka Báu Nếu hay còn được gọi là ngày Ôu Drôu Tơtriuê, người ta cột một sợi chỉ nhỏ vào hnôu của mỗi nhà rồi kéo ra cột vào cây nêu được đặt giữa làng với mong ước thần linh sẽ ban cho những mùa bội thu, lúa gạo đầy kho. Ngày nay, lễ hội này vẫn còn được tổ chức ở nhiều làng vào tháng chín, mười, và mười một của năm tùy theo từng vùng. Cũng như nhiều làng chưa có đạo khác ở vùng Văn Xuôi ở phía Bắc và Ngọc Yêu ở phía Đông hay vùng Măng Ri phía Tây Bắc, là những vùng căn cứ cách mạng, làng còn có những ngày lễ đâm trâu hay còn được gọi là Tíu Ka Kơpôu được tổ chức vào tháng ba hàng năm. Đôi khi Tíu Ka Kơpôu cũng được tổ chức khi làng mừng nhà rông (hngêi kut) mới.

Qua khỏi làng Tu Cấp, chúng tôi bắt đầu xuôi dốc. Dẫu gài số một, xe chúng tôi vẫn cứ vùn vụt lao xuống đèo. Mùi khét lẹt từ bố thắng bốc ra thật khó chịu, khói đen kịt đọng lại phía sau. Có Chúa nâng đỡ chớ đổ dốc thế này mà đứt thắng thì chẳng đỡ được! Xuống hết đoạn đèo dốc này, chúng tôi lại ì ạch nhấn ga leo lên.

Khi lên tới đỉnh dốc, chúng tôi có được một tầm quan sát rộng lớn hơn. Từ đây nhìn về các ngọn núi phía bắc, vượt qua thung lũng sâu hóm bên dưới, chúng tôi có thể thấy những dãy mái tôn trắng nằm thẳng tắp nhỏ xíu của các làng trên đỉnh Văn Xuôi. Nếu đi bộ xuyên rừng theo đường chim bay, sẽ chỉ mất chừng nửa tiếng để qua bên ấy, nhưng nếu đi xe men theo đường quốc lộ dọc triền núi, sẽ phải mất gần gấp đôi thời gian. Đây đó, những mái tôn trắng lại nổi bật lên trên nền màu xanh thẫm của những ngọn núi xa hơn, nơi những làng xa xôi của Ngọc Yêu đang đói khát tình yêu, chân lý của Đấng họ chưa một lần nghe đến. Bức tranh trùng trùng điệp điệp núi rừng ấy càng trở nên như huyền ảo hơn với những ngọn núi cao chót vót nối tiếp nhau về phía chân trời như đang vùi mình ngái ngủ trong những đám mây trắng bồng bềnh.

Dưới chân chúng tôi, mây cũng đang tản ra chờn vờn trên mặt đường, mây bay quanh người, mây phả hơi lạnh dìu dịu vào mặt như một cái chạm nhẹ thân thương của núi rừng. Những sớm mai chúng tôi lên đây, hôm nào trời cũng đẹp. Có hôm mưa như tầm tã ở phía bên kia đèo Măng Rơi, nhưng bên này trời vẫn đẹp, chỉ chờn vờn đây đó những đám mây dày đặc đang tản ra trên các đỉnh núi.

Qua khỏi làng Tu Cấp được khoảng bốn cây số thì chúng tôi đi vào làng Đak Ka hay theo tiếng bản địa là Tea Ká. “” có nghĩa là con cá. Một con suối hay con sông có nhiều cá vốn là một hình ảnh quen thuộc đối với các anh chị em sắc tộc trên Tây Nguyên, nhưng nay nó chỉ còn là ký ức với cái tên “Tea Ká” nghèo nàn mà thôi. Làng Tea Ká có khoảng một trăm bốn mươi nhân khẩu, lớn hơn làng Tu Cấp. Cũng như làng Tu Cấp, người dân làng Đak Ka chưa theo đạo, mỗi nhà vẫn có những hnôu riêng. Họ chưa hề rời làng cho dẫu là chiến tranh có khốc liệt đến mấy. Không như làng Văn Sang và làng Đak Neang, năm 1968 họ không chạy loạn ra Đắc Tô nên chưa hề nghe nói đến Tin Mừng và cũng chẳng có khái niệm chi mấy về người linh mục.

Nằm sâu bên trong ý thức tâm linh của người dân làng nơi đây là một thế giới huyền bí mà tôi sẽ không bao giờ có thể hiểu được một khi chưa sống ở đây, chưa vùi mình vào những nếp sống thường nhật của dân làng, chưa trở nên là một người trong làng. Rừng mất đi làm cho đời sống tâm linh của họ trở nên nghèo nàn, đồng thời làm tăng lên nỗi sợ hãi và mặc cảm đối với thần linh. Những ngày ăn lúa mới không còn được tổ chức lớn như trước kia nữa; những ngày lễ đâm trâu trở nên ít dần, thậm chí nhiều năm không được tiến hành vì kinh tế khó khăn như tôi được biết khi được trò chuyện cùng một chú ở làng Tam Ring trên Ngọc Yêu trong chuyến hành trình hồi tháng bảy vừa rồi. Cũng như người Kinh, đối với họ con trâu là cả một gia sản. Sợ hãi cũng đúng thôi vì chẳng thể giết gà, heo hay trâu, bò để cầu xin và tạ ơn hay tạ lỗi các xiă (hay còn được gọi là các yang theo tiếng Bana) có nghĩa là thần. Không có gì đền tạ, họ sợ hãi trước những cơn nổi giận của thần linh. Mặc cảm cũng đúng thôi vì thấy mình như kẻ vô ơn, vì đền tạ một con heo hay một con bò lại cứ nơm nớp lo lắng bao giờ lại có lại được một con heo, con bò như thế. Niềm tin vào các xiă đã theo năm tháng bị bào mòn đi. Dâng cúng heo, bò để lại đói hơn thêm mà thôi.

Tôi có được nghe đến chuyện một làng có tên là Ma Ta Wa ở bên kia đèo Văn Xuôi mới tiến hành lễ đâm trâu. Khi được người cậu vốn là người công giáo ở làng Tea Rơxá hỏi giết trâu rồi thì lấy gì mà làm ăn, gia chủ vững tin trả lời: “Không sao đâu chú ơi, sẽ có thôi, pơchau đã nói rồi, năm tới sẽ lại có thôi.” Pơchau hay bơdâu theo tiếng Bana có nghĩa là thầy cúng hay phù thuỷ. Tôi không biết câu chuyện giữa hai người sẽ dẫn đến đâu, nhưng thấy tiếc vì mình chưa một lần được chứng kiến sự kiện đâm trâu của họ. Chúa đã đặt vào lòng họ một niềm tin vững vàng như thế, đơn sơ như thế, nhưng phải chăng đã đến lúc niềm tin ấy cần được thay thế bằng một niềm tin cao cả đích thực: niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất luôn yêu thương họ mà người công giáo Sêđang gọi là Pa Xiă.

Đường chỉ được đổ bê tông vào đến làng Văn Sang. Trước khi vào làng, nếu quẹo phải theo đường đất đỏ leo dốc chừng ba cây số thì chúng tôi sẽ đến được làng Đak Neang. Làng Văn Sang nhỏ bé nằm ngay trên đỉnh núi nhìn xuống sườn núi và thung lũng về phía Văn Xuôi. Đứng trong làng, ở phía cuối con đường nhìn xuống các ruộng lúa dọc theo triền núi mì như dốc đứng mà cảm thấy con người sao mỏng manh quá sức, nhưng cũng cảm thấy cảm phục trước sức mạnh ý chí tiềm tàng của những con người nơi đây.

Cũng từ đây hướng về ngọn núi phía trước chúng tôi có thể chiêm ngắm được cảnh mặt trời mọc thật hùng vĩ đang ló dạng trên đỉnh núi. Thỉnh thoảng mặt trời lại bị che mờ đi trong những đám mây bồng bềnh và phải cố gắng vươn lên cao hơn nữa cho đến khi được hoàn toàn tự do giữa đất trời bao la và mỉm cười sảng khoái nhìn xuống núi rừng xanh ngắt bạt ngàn nắng gió. Khi ấy hơi nóng mặt trời lại sưởi ấm nhân gian; mây, sương dần dần tan biến đi cả, trả lại cho bầu trời một màu xanh biếc tựa pha lê, để lộ ra những ngọn núi hùng vĩ tiếp nối nhau đến tận chân trời. Hình ảnh mặt trời nhắc tôi nhớ đến tình yêu Chúa bao la. Đây đó trên Tây Nguyên các dân làng cũng đang nhìn thấy một mặt trời như vậy, họ không nhìn thấy rõ nhưng họ cảm nhận được một mặt trời nồng ấm như thế nơi muôn người, nơi các làng công giáo dưới kia,… và trong đó có dân làng Văn Sang và làng Đak Neang. Muôn áng mây mờ của cuộc sống chính trị, văn hoá và nếp sống cũ đang ngăn cản họ, đang níu kéo họ. Nhưng bình minh sẽ vỡ oà rạng rỡ sau đêm tối mịt mù…

Làng chỉ có khoảng mười lăm ngôi nhà. Dân làng không đông nhưng đời sống thật ấm cúng. Giữa cảnh núi rừng bao la trùng trùng điệp điệp thì con người lại nổi bật lên là hình ảnh tuyệt vời của Đấng Tạo Hoá, họ dựa vào nhau trong tình yêu thương tròn đầy. Họ sống đơn sơ, hiền hậu, và hoà hợp với thiên nhiên. Niềm tin yêu đặt nơi Thiên Chúa làm cho làng có một sự cuốn hút lạ kỳ, tôi không biết phải diễn tả thế nào nhưng thấy vui lắm, ấm cúng lắm. Nó lan truyền cho tôi những tia ấm tình yêu mãnh liệt của nó. Nó củng cố niềm tin và sự cậy trông vốn mỏng dòn dễ vỡ của tôi. Còn nhớ lần đầu tiên theo cha Giuse đi làm lễ ở làng Ngọc Leng mà tôi như choáng ngợp trước lòng đạo đức đơn sơ nhưng vững vàng của người dân Sêđang trong nhà nguyện bằng gỗ nhỏ bé của họ. Nhìn họ bỗng thấy mình nghèo nàn quá. Nhà nguyện ở đây cũng đơn sơ như thế. Nó quay mạn trái chếch về phía bắc, nằm chênh vênh bên những bụi tre cao vút ngay ở mé triền mì và cà phê, che chở làng khỏi những cơn gió bắc khắc nghiệt của núi rừng. Tôi đến đây không phải đi theo cha Giuse làm lễ hay để được cầu nguyện cùng dân làng, nhưng nhìn thấy làng, bước vào làng đã thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa rồi chứ đừng nói là bước vào nhà nguyện.

Đây đó vẫn còn những đám rừng cây được gọi là rừng phòng hộ. Rừng không thuộc về dân làng mà nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Đất làng cũng đang dần bị lấn chiếm. Tôi được biết chính quyền đang có ý đưa mấy chục hộ những người anh em dân tộc ở phía bắc vào định cư trong làng. Nếu vậy thì người dân Sêđang ở đây đang đứng trước một mối đe dọa!

Để biết làng Đak Neang, chúng tôi rời làng Văn Sang, men theo con đường đất đỏ dốc và trơn trượt. Cũng may những ngày này trời không mưa, nên việc chạy xe lên cũng không vất vả lắm. Đường đang được sửa để chuẩn bị đổ bê tông, nên đất đá lởm chởm. có những đoạn mới được bồi thêm đất u lên như pháo đài kiên cố, thế là người ngồi sau phải xuống xe cuốc bộ, còn tôi một mình lao vào “pháo đài” ấy.

Càng đi lên càng thấy sao làng ở nơi heo hút quá. Thỉnh thoảng lại thấy vài ba trẻ em chăn trâu, trên lưng địu em nhỏ. Tôi dừng xe lại và trò chuyện với chúng. Việc biết nói tiếng Sêđang quả thật là hữu ích. Thấy tôi nói chuyện bằng tiếng Sêđang, chúng đoán non đoán già rồi cũng biết tôi là ai. Có dừng xe lại trò chuyện với chúng, có đưa tay rờ lên mái đầu bù xù khét nắng và đỏ au bùn đất hay có ngửi thấy mùi mồ hôi ướt đẫm lưng áo trộn lẫn trong mùi phân bò thì mới biết được thế nào là nỗi cơ cực của các em. Tuổi thơ các em giống như cánh diều đứt dây cứ bay lượn lờ trong gió về phía xa xăm mà hiếm hoi lắm mới lại giữ được thăng bằng như được thoát ra khỏi cơn cuồng phong dữ dội, như được căng dây lả lướt khi các em có thời gian hồn nhiên nô đùa cùng chúng bạn. Tôi đã thấy cảnh một em bé bốn tuổi vừa địu ôm thằng em nhỏ vừa chơi ở làng Kon Pia. Tôi đã thấy những đứa trẻ làng Đak Mông bán tôm cua ở chân đèo Măng Rơi. Tôi đã thấy một em nhỏ cỡ năm tuổi hai tay nhỏ bé rửa ba củ mì còn to gấp mười lần bàn tay em bên bể nước của làng Văn Sang chuẩn bị cho bữa cơm trưa sắp tới… Thôi thì nhiều lắm. Có lên vùng đất của người Sêđang này, có đặt chân vào vùng đất này thì mới thấy được cuộc sống các em nhỏ bị thiệt thòi biết bao. Để đi học cấp hai chúng phải đi lúc bốn giờ sáng, vượt đồi núi ra tới trường nằm bên kia làng Tu Cấp, mà chắc gì thầy cô đã quan tâm dạy đến nơi đến chốn. Nhiều em đã bỏ học nửa chừng…

Làng Đak Neaang hiện ra thật thanh bình trước mắt chúng tôi. Không một bóng người, ngoại trừ hai ông bà cụ đang ngồi trước hiên cửa của một nhà phên tre nằm ngay bên đường. Ông bà cụ đang trò chuyện, thấy tôi, thế là đề tài câu chuyện được chuyển sang nói về một người lạ mặt – mơngế xuôÊi, một người Kinh. Nghe thấy tiếng chó sủa vang lên thế là bọn trẻ cũng ùa ra khỏi nhà, rồi chú giáo phu chạc trên năm mươi tuổi cũng xuất hiện. Chú có tướng dong dỏng cao với khuôn mặt hiền từ, bờ trán lưa thưa vài sợi tóc. Vốn biết tôi nhưng chưa trò chuyện bao giờ nên chú tỏ ra khá dè dặt. Nhưng thấy tôi nói tiếng Sêđang luôn miệng chú cũng dần cởi mở, hồ hởi đưa tôi đi chơi quanh làng.

Đak Neang hay theo tiếng Sêđang là Tea Kơneă có nghĩa là nước giọt. ngày nay người ta ít dùng nước giọt vì phải đi xa. Ngược lại nước được chuyển từ sông suối về các bể trong làng lại tiện lợi hơn. Nước giọt đặc biệt ở chỗ là không cần nấu, trong veo và rất mát.

Làng có khoảng hai trăm nhân khẩu, nhiều hơn làng Văn Sang năm mươi người nhưng đời sống lại có bề khó khăn hơn. Mỗi gia đình chỉ có hai sào ruộng nhưng đa phần ruộng rẫy lại nằm ở đất làng cũ tức ở chỗ đoạn đường rất dốc tôi đã nói trên. Xung quanh làng là rừng phòng hộ.

Ngôi nhà nguyện bằng gỗ đơn sơ nằm vững chãi ở vị trí cao nhất trong làng. Bên trong được trang trí đơn sơ: bàn thờ được làm bằng gỗ, bên trên có tượng Chúa chịu nạn, hai bên có tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse. Cũng như làng Văn Sang, làng không có nhà rông. Đây là nhà Cha, nhà của cả làng và được “các ban ngành” chăm sóc rất đặc biệt.

Mỗi lần lên Văn Sang, tôi lại ghé thăm Đak Neang, để rồi khi chia tay Đak Neang tôi lại thấy quyến luyến sao ấy trong lòng. Bọn trẻ cứ nhìn tôi cười bẽn lẽn, rồi lại ôm nhau cười khúc khích, đứa này đẩy đứa kia. Đứa lớn trông coi đứa bé tay chân đen thui thủi, quần áo xốc xếch đỏ ngầu. Con đường làng giờ vắng lặng, không một bóng người, chỉ vi vu tiếng gió lao xao trườn trên những tán lá lan ra khắp núi rừng cho đến khi vỡ oà như tha thiết níu chân tôi ở lại. Những ngôi nhà nằm im thin thít vương bóng liễu rủ chờ đợi tiếng người đi làm về mỗi chiều muộn để được âm vang tiếng cười nói giòn giã bên những bếp lửa nghi ngút khói rồi chìm dần vào sự yên ả trong giấc ngủ sâu trầm lắng chờ đợi một ngày mới lên. Con đường ra vào làng là con đường độc đạo, không hề thay đổi chi, nhưng khi tôi ra về nó lại đưa vào lòng tôi một dấu ấn lạ kỳ: con đường lại trở nên thân thương và gần gũi biết bao. Nơi đây chẳng hề heo hút chút nào, vì nó đã có một vị trí đặc biệt trong trái tim Chúa Giêsu.

Rời Đak Neang và Văn Sang, chúng tôi ra về. Lúc này mặt trời đã đứng bóng. Trong chuyến hành trình ngày 21-7 rồi, sau khi rời Văn Sang, Đak Neang chúng tôi còn làm tiếp hành trình lên Ngọc Yêu ngang qua đèo Văn Xuôi đến giáp biên giới với huyện Kon Plông rồi trở về tiếp tục lên Măng Ri giáp chân núi Ngọc Linh nằm ở phía Tây Bắc Văn Sang. Từ Văn Xuôi nhìn về phía Nam, tôi thấy làng Văn Sang bé tẻo teo mà sao thấy ấm trong lòng. Quả là Lời Chúa động trong lòng mà nào đã cất thành tiếng đâu!

Khi ra về ngang qua làng Đak Ka, chúng tôi gặp những bạn trẻ làng Đak Neang đang chơi bóng với các bạn trẻ trong làng này. Hai đội với hai đồng phục khác nhau. Đó chẳng phải là men đang được vùi trong bột hay sao. Dù muốn hay không bột cũng sẽ vẫn dậy men. Một điểm đặc biệt ở các bạn trẻ công giáo Sêđang là sự nhạy bén của lương tâm và sự nhạy bén trong sự cậy trông vào Thiên Chúa. Các bạn trẻ ở các làng chưa có đạo khác rồi cũng thèm khát điều ấy thôi.

Trước khi ra về, chú giáo phu làng Đak Neang cứ luôn miệng nói với tôi chuyển lời dùm đến cha Giuse là làng nhớ cha lắm. Một năm cha Giuse chỉ lên làng được hai ba lần. giáo xứ mười hai nghìn dân này quá bao la rộng lớn, công việc của cha Giuse lại nhiều không đếm xuể. Cho nên từ lễ Phục Sinh đến giờ dân làng chưa được xưng tội và tham dự thánh lễ. Họ rất khát khao được cha đến thăm và làm lễ trong làng. Chú giáo phu chỉ cho tôi thấy con đường nằm sau làng đi xuyên rừng đến làng Ngọc Leang nơi mà cha Giuse thường đến làm lễ mỗi tháng, nhưng đường xa lắm, vất vả lắm, phải đi bộ mất đến cả tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng điều chi có thể ngăn cản được lòng khao khát của họ! Ánh mắt chú nhân từ mà thoáng buồn vời vợi. Đời sống ở vùng núi rừng xa xôi dường như làm cho người Sêđang có được sự điềm đạm và kiên nhẫn đến lạ kỳ. Hình ảnh dân làng khao khát và kiên nhẫn để được Chúa ngự đến trong lòng thật giống hình ảnh người đàn bà goá Canaan đến xin Chúa chữa con mình (x. Mt15,21-28).

Cha Giuse vẫn thường nói với tôi khi nhắc đến người sắc tộc nơi đây rằng họ bị thiệt thòi về mọi mặt, ngay đến việc đón nhận các bí tích cũng bị thiệt thòi. Quả người dân nơi đây bị thiệt thòi đủ thứ, ngay cả mong muốn có một linh mục túc trực bên cạnh cũng là điều không thể. Nhưng Thiên Chúa luôn có chương trình riêng của Ngài. Men đức tin Văn Sang và Đak Neang sao nồng nàn quá. Thiên Chúa đã đến với họ và ở với họ không theo như cách tôi nghĩ. Trong mắt Người, họ có vẻ chẳng có gì cả nhưng thật ra lại giàu có vô cùng …Và tôi có cảm giác như bột Tu Mrông cũng đang động rồi… Maranatha, Lạy Chúa, xin Ngài hãy đến.

Lưu Đắc Huấn, lớp Tu Đức

************

TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO CỦA TÔI

Chiếc áo của tôi – đây không phải là chiếc áo sơ-mi hiệu Việt Tiến đắt tiền, cũng chẳng phải chiếc áo body hiệu Tommy thanh lịch và sang trọng nhưng chính là chiếc áo chùng thâm, chiếc áo đã gắn bó với tôi bốn năm qua trên hành trình ơn gọi cũng như bao biến đổi của cuộc đời. Nói về chiếc áo – biểu tượng hữu hình của người sống đời thánh hiến – cũng là nói về ơn gọi và thật thế, chung quanh chiếc áo chùng thâm của tôi cũng có biết bao điều đáng nói.

Tôi đã từng nghe người ta nói : “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Người ta nói đúng ! Thật đáng sợ nếu một thầy tu chỉ ‘tu’ ở có mỗi chiếc áo. Y phục nhiều khi đánh lừa người ta. Đã xảy ra những chuyện trớ trêu: một người ăn mặc rách rưới giả ăn xin có thể lừa tôi vài nghìn đồng nhưng một kẻ mặc veston đi xế hộp có thể móc túi tôi vài chục triệu. Vậy mà người ta vẫn cứ lầm.

Với chiếc áo chùng thâm thì sao? Với chiếc áo này, tôi thật sự bước vào một “đẳng cấp” khác. Một điều dễ thấy nhất là trong các thánh lễ, đặc biệt là các thánh lễ long trọng, đông người … có nguy cơ không có chỗ ngồi thì chúng tôi – những người mang trên mình chiếc áo dòng – luôn có một vị trí trang trọng và tách biệt, chẳng sợ ai chen lấn giật giành. Thêm nữa, trong quan niệm của nhiều người, chiếc áo dòng thật thanh cao thánh thiện và người mang chiếc áo ấy luôn được đối xử với một thái độ tôn kính mến yêu. Thật vậy, một người bề ngoài có vẻ bình thường, nếu không muốn nói là ma chê quỷ hờn, khi khoác chiếc áo dòng vào thì như sáng lên, “xinh trai đẹp gái” hơn, thánh thiện hẳn lên và đặc biệt là có một sức hút kỳ lạ nào đó với mọi người, nhất là người khác phái. Cũng vì thế mà một Cha giáo đã chia sẻ: “Các cô gái thường dễ bỏ quên con tim khi tiếp xúc với các thầy trong chiếc áo dòng”. Và cũng từ sự mến mộ này mà dẫn đến nhiều điều khác nữa. Rõ ràng, chiếc áo chùng thâm cũng mang lại nhiều điều may rủi cho người mang nó trên mình.

Riêng với tôi, vừa trải qua một năm thực tập mục vụ tại Giáo Xứ La Nang, một giáo xứ nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Nam, tôi nhận ra được nhiều điều liên hệ đến chiếc áo dòng. Thời gian đầu mới đến giáo xứ, tôi chỉ mặc áo dòng khi đi lễ mà thôi, ngoài ra thì bận thường phục. Nhiều lần ra vào trên con đường quen thuộc dẫn đến giáo xứ, thấy ai tôi cũng chào thân mật “chào ông – chào bà”. Người nhà quê chân chất vẫn luôn đáp lại câu chào của tôi. Lần nọ, một ông già (dĩ nhiên là không Công Giáo) sau khi đáp lời tôi thì hỏi : “Chớ chú em ở mô mà nghe tiếng lạ rứa?”. Tôi đáp lời: “Dạ, con ở nhà thờ nè, bữa mô mời ông ra uống miếng trà với con nghe !”. Về đến nhà thờ, tôi chợt nhận ra rằng cần phải có một cách khác để có thể tiếp xúc được với hết mọi người. Thêm một lần kia, vào tháng 11, tôi rủ các em thiếu nhi đi viếng nghĩa trang cầu nguyện cho các linh hồn. Thầy trò thắp hương đọc kinh xong, trong khi các em còn chạy loanh quanh thì tôi lân la đến bắt chuyện với hai bà cụ đang làm cỏ một ngôi mộ khá um tùm gần đó. Thăm hỏi đôi câu, một bà cụ lên tiếng: “Cậu là người ở mô đến đây? Thăm mộ ai rứa?”. Vừa lúc các em chạy đến, nghe thế, một em nhanh nhảu : “Thầy, đây là bà Mi, bà nội của bạn Minh Thư lớp giáo lý của thầy đó. Thưa bà, đây là thầy xứ mình đó !”. Vừa nghe xong, hai bà vội bỏ cuốc, tụt xuống khỏi mộ, sửa lại tay áo và vòng tay chào tôi: “Dạ, thưa thầy, con không nhớ mặt thầy nên không biết thầy”. Tôi vừa bối rối vì sự trân trọng mà hai bà cụ dành cho mình, lại vừa giật mình vì thiếu sót của mình : cả giáo dân còn không nhận ra mình thì huống chi là người lương.

Giữa tháng ba, anh em lớp Thực tập Mục vụ chúng tôi tĩnh tâm tại giáo xứ Hoằng Phước. Trong bài chia sẻ, Cha quản xứ có nhắn nhủ anh em về việc mặc áo dòng ngay trong các giao tế với người ngoài. Điều này làm tôi liên tưởng ngay đến Cha G.B. H. C. M. – Tổng đại diện TGP. Sài Gòn, cũng như Cha Vinh-sơn H. Q. H. ở giáo phận Đà Nẵng, vì nhiều lần đã thấy các ngài bận nguyên chiếc áo dòng cưỡi xe máy chạy bon bon ngoài đường đến các giáo xứ để dâng lễ. Hình ảnh đó thật đẹp nhưng cũng thật hiếm. Trở về giáo xứ sau ngày tĩnh tâm, tôi quyết tâm thực hiện điều ấy. Sau giờ cơm chiều mỗi ngày, tôi mang áo dòng, bách bộ trên con đường quen thuộc nối liền nhà thờ với tỉnh lộ. Trên con đường ấy, thấy nhà nào thuận tiện, tôi ghé vào trò chuyện đôi ba câu. Những đôi mắt ban đầu còn lạ lẫm và bỡ ngỡ đã dần dần thay đổi và trở nên thân thiện hơn. Khi ấy, đáp lại lời chào của tôi luôn là những nụ cười và cả những câu chuyện chòm xóm thân mật. Có lần với chiếc áo dòng, tôi ghé vào vãng cảnh chùa ngay trên đường, vài chú tiểu ra đón tôi với tư thế chắp tay rất trịnh trọng : “Chào thầy, A-di-đà Phật !”. Và cũng hai lần, trong chiếc áo dòng, tôi cùng các ông trong ban đại diện giáo xứ cũng như với các em thiếu nhi đến viếng đám tang hai gia đình người lương trong xóm nhỏ này. Mọi người dần thân quen với tôi và càng thêm cảm tình với nhà thờ La Nang, nơi có ông cha rất bình dân và giờ thêm ông thầy cũng thật gần gũi. Rồi tôi bắt đầu “vươn xa” hơn. Sau đó, thay vì bách bộ, tôi đạp xe đạp một vòng quanh xóm, len lỏi vào các con đường nhỏ, băng qua những cánh đồng thơm mát những chiều hè và nhờ chiếc áo này mà tôi gặp nhiều giáo dân hơn, do họ nhận ra tôi và chào tôi. Từ đó, tôi có điều kiện thăm hỏi và trò chuyện với họ ngay giữa đường, ngay trên đồng để hiểu về họ nhiều hơn. Cũng có những tác dụng không ngờ nhờ việc mặc áo dòng mà sau này tôi được nghe nói lại. Đó là, sau khi tôi đi dạo một vòng về đến nhà thờ cũng là lúc bắt đầu giờ kinh chung và thánh lễ lúc 19g mỗi ngày. Nhiều cậu bé, cô bé học trò giáo lý thấy tôi đạp xe đi ngang thì reo lên inh ỏi và kết quả là … mẹ chúng phải cho chúng ăn cơm thật nhanh để chúng đến nhà thờ dự lễ. Hoặc tình cờ gặp học trò giáo lý của mình trên đường, tôi nhắc : “Tí nữa ra nhà thờ đi lễ nha con !” thì cứ y như là khi tôi trở về đến nhà thờ thì đã thấy em quỳ ngay ngắn trong nhà thờ ra chiều ngoan ngoãn để lấy lòng ông thầy. Thật đáng yêu làm sao !

Trong thâm tâm của nhiều người lớn tuổi, chiếc áo dòng của ông cha hay ông thầy mặc trên mình thật sự là một điểm tựa, một dấu chỉ thần thánh cho sự hiện diện của Chúa làm cho nhiều người như được khích lệ và bình an hơn, đồng thời cũng là một niềm tự hào hãnh diện với xóm giềng khi có cha hay thầy trong chiếc áo dòng đến thăm nhà. Chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng làm nên nhiều điều thú vị trên những nẻo đường loan báo Tin Mừng là thế !

Nhưng “y phục xứng kỳ đức”! Đức Cha Anphong, trong ngày trở về thăm Đại chủng viện Huế, đã nhắn nhủ mỗi người chúng tôi như thế. Mặc chiếc áo, thật ra là mặc lấy một cốt cách, một tinh thần thanh thoát tươi mới. Mặc chiếc áo dòng cũng là mặc lấy chính Đức Kitô. Những gì bên trong thì người ngoài không thể thấy nhưng thật nguy hại nếu như tôi chỉ có chiếc áo này mà trong tôi lại toàn bất xứng với ơn gọi. Chiếc áo không làm nên thầy tu là thế, vì cần đến nhiều, nhiều hơn nữa những dấn thân, hy sinh tôi luyện để trở nên một người của Thiên Chúa thật sự và cũng là người thật sự của mọi người.

Ngắm nhìn lại chiếc áo của mình, tôi nhận ra cũng có nhiều nét sờn bạc, đường chỉ cũng bong tróc đôi chỗ. Cùng với những thay đổi của chiếc áo, tâm hồn tôi cũng đã nhiều lần trở chứng, đổi thay, bất trung, đi ngược với lời mời gọi tình yêu của Chúa. Có nhiều lúc chiếc áo trở nên quá chật chội gò bó khi tôi muốn bứt tung mọi rào cản, muốn làm theo ý mình. Cũng có những khi chiếc áo trở nên như quá rộng khiến tôi thấy mình nhỏ thó, bất xứng và trống trải. Chiếc áo cần được giặt sau một thời gian để rồi được mặc lại. Tâm hồn tôi cũng cần được gột rửa để nên tinh ròng hơn, để ngoan ngùy với ơn Chúa hơn và để tôi chu toàn Thánh Ý mà Chúa đã khởi sự cho đời tôi.

Phía trước mịt mờ nhưng hiện tại, tôi tạ ơn Chúa từng ngày, cảm ơn Chúa từng giờ vì Người không bỏ rơi tôi. Người vẫn dùng chiếc áo dòng để dạy tôi sống đơn sơ thuần khiết và an bình trong ơn phúc của Người – ngay lúc này, tại đây, với tôi thế là đủ.

THƯƠNG HUYỀN

 


NGỠ NHƯ LÀ

… Một… mười một… hai không mười ba…

Tôi lẩm nhẩm trong miệng ngày tháng đánh dấu cuộc đời của tôi bước sang trang mới. Nhà nguyện tôi đang đứng tọa lạc trong khuôn viên lí tưởng của Đại chủng viện Huế, sáng nay lại tiếp tục trở thành trung tâm điểm, một điểm nóng của sự kiện cải biến, không chỉ hời hợt bên ngoài mà là cuộc lột xác của ba mươi mốt con người. “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).

… Hãy cải biến… từ thâm tâm… Tôi thì thào nhắc đi nhắc lại trong khi ánh nhìn của tôi dán chặt vào gian cung thánh lung linh tuyệt đẹp phía trước mặt. Những cánh hoa, ánh lửa bé nhỏ phát ra từ những ngọn nến càng khiến cho không gian quanh bàn thờ trở nên lộng lẫy hơn. Thật lạ! Cũng chính ánh nhìn đó của hai tháng về trước, đêm đầu tiên khi tôi đến nơi này, ngỡ như không phải là tôi nữa: Tim đập mạnh, cảm giác không dễ chịu xâm chiếm tâm trí tôi, các dây thần kinh căng lên khi phải đối mặt với môi trường mới, lạ lẫm, dễ tổn thương… Lúc ấy, tôi quỳ trước Nhan Chúa mà van xin tha thiết với ước ao cảm giác bất an này sẽ được Chúa xoa dịu. Dù rằng tư thế quỳ luôn mang lại cảm giác nhoi nhói khó chịu, nhưng chẳng có tư thế nào đẹp bằng, cũng chẳng có thái độ nào hợp với kẻ hằng cầu xin, tôn thờ Đấng Thánh của đời mình cho bằng việc quỳ gối. “Archimedes đã nói: ‘Cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên’ – vị linh mục cao niên tiếp tục phần giảng thuyết – biến hóa câu nói trứ danh trên để diễn tả kinh nghiệm của mình: ‘Cầu nguyện trong tư thế quỳ, tạo cho tôi một điểm tựa vững chắc giúp tôi nâng trọn vẹn cả tâm hồn lên tới Chúa.’”

Hôm nay, Chúa đã nhậm lời tôi kêu xin và Ngài đã giải đáp cho tôi những thắc mắc qua những tháng ngày đấu tranh nội tâm hệt như những ngọn lửa leo lét trong đêm tối, khiến tôi thốt lên: Đây thật là thiên đường. Câu nói đó vừa mới trồi lên khỏi thanh quản chưa kịp phát ra thành tiếng. Lúc bấy giờ, tâm trí tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Evangeline Patterson:

“…Và đó là thiên đường

cuối cùng tỏ hiện trước

 

tựa như hoa hướng dương

quay về phía mặt trời

say mê hưởng ánh sáng

ngân vang lời hân hoan

 

nhận biết và thấu hiểu

cuối cùng mọi phần nhỏ

được hiểu thấu không bỏ

không quay lưng bao giờ.”

Rêm rêm hai đầu gối, tôi nhận ra mình đang quỳ gối trước mặt một nhân vật có thế giá – Đức Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế. Ngài đang đọc lời nguyện chúc lành cho ứng sinh nhận tu phục. Đôi mắt của Ngài ẩn sau cặp kính to vẫn lộ ánh nhìn từ ái, dịu dàng tựa như ánh mắt của người mẹ nhìn con yêu. Có lẽ vậy! Khuôn mặt rắn chắc, khỏe khoắn của ngài hằn lên biết bao dấu tích của một đời theo Chúa.

Tay run run nhận lấy tu phục, khoác nó lên người, một màu đen chạy dọc từ cổ xuống đến mắt cá chân, điểm xuyết bằng hàng nút đen chạy đường chính giữa, dành một chỗ nhỏ cho màu trắng yên vị ở vị trí then chốt – ngay yết hầu. Chiếc áo trắng rộng được phủ bên ngoài như người chạy thi bỏ lỡ giữa chừng: Nó chỉ đạt được phân nửa quãng đường chiếc áo dòng đen đã đi qua. Một biểu tượng cho ngày và đêm ư? Hay cho sự chết đi sống lại như bao người vẫn nói? Một biểu tượng cho tội lỗi và ân sủng tràn ngập thân xác sao? Dù thế nào đi nữa, quá trình cải biến đã bắt đầu, giờ đây trở thành một con người mới: “Tôi là quà tặng của Chúa, không ai khác ngoài Chúa sở hữu tôi” (Thánh Roberto Southwell).  

Với ý nghĩ này có lẽ tôi khá kiêu ngạo khi thân phận tôi chỉ là một anh chàng năm nhất mới tập tễnh bước vào đời tu. Quãng đường phía trước còn dài, chẳng ai dám chắc được điều gì. Nhưng lời của Thánh Phaolô khiến tâm hồn tôi được yên ủi liên: “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành…” (Pl 1,6). Chính vì thế, với hành vi cởi bỏ con người cũ này, tôi phải hãm dẹp mọi thói quen xấu, ngày càng tấn tới trên đàng nhân đức nhờ những phương thế Chúa dành cho tôi ở nơi này. Tôi biết mình phải cầu nguyện thật nhiều, để khám phá và làm theo ý Chúa.

Bước ra khỏi nhà nguyện sau cái cúi chào thật sâu cảm ơn Chúa, tôi đón lấy những tia nắng rạng rỡ, ấm áp đầu ngày. Hôm nay chúng tôi là những nhân vật chính, vì thế không lạ gì khi nhận được những cái bắt tay, vỗ vai chúc mừng từ các anh lớn. Họ là những người đã nâng đỡ dìu dắt chúng tôi ở những chặng đầu và còn tiếp tục nữa. Tôi cảm nhận được ánh mắt ngập tràn hy vọng từ các Cha giáo rảo nhìn chúng tôi và bắt dính từng người một, như thể đặt vào mỗi người một ước muốn tốt đẹp nào đó cho mùa gặt hái sau này, khiến cho tôi có cảm giác:

“Niềm hạnh phúc cực điểm trong đời là cảm nghiệm mình được yêu thương, đúng hơn, là được yêu vượt trên bản thân mình” (Victor Hugo).  

Tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các Cha, cảm ơn các anh, là những nhịp gõ đều đặn vang lên trong đầu tôi lúc này. Chúng tôi – những con người thuộc mọi cung bậc trong bản giao hưởng tình yêu của Thiên Chúa, được xếp đặt cách khéo léo để công trình của Chúa nên tốt đẹp. “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Mong sao từng ngày tôi được đổi mới từng chút một, không chỉ nhờ nỗ lực của tôi mà còn nhờ ơn Chúa trợ giúp. Nghĩ thế tôi mỉm cười thật tươi với niềm hy vọng cháy bỏng không những cho chúng tôi, mà còn cho những lớp đàn em kế tiếp nữa.

Crụp… crụp… âm thanh đi kèm ánh sáng của chiếc đèn flash gắn trên chiếc máy ảnh bỗng lóe lên, bắt chộp những nụ cười rạng rỡ, say sưa với niềm vui. Lòng tôi hân hoan nhìn tận chân trời tít xa của cuộc đời mới.

… Một… mười một… hai không mười bốn… Tôi lại lẩm nhẩm.

Anrê Nguyễn Xuân Vương, lớp Tu Đức

 

 tâm tình tĩnh tâm    (2013)

Khung trời ấy dường như dần khép lại

Tám năm dài ươm thắm một tình yêu

Có áng hương dâng mỗi sớm, mỗi chiều

Có tiếng kinh êm, phút giây hò hẹn…

 

Cơn gió nào vô tình trên miền nhớ

Áo đen màu, hương vải vẫn còn vương

Đã qua đi biết bao là trăn trở

Không thiếu hy sinh trên mỗi chặng đường

 

Buổi ban đầu tập tễnh bước vào yêu

Cũng nhớ nhung nhưng chẳng được nhiều

Nghe tiếng Người Thương, còn bối rối

Bởi dáng Người Thương quá mỹ miều

 

Buổi đầu ấy… lại ngỡ ngàng quá đỗi !

Nhìn dương trần lắm nẻo… thênh thang

Nhiều bận suy tư, mấy độ muộn màng

Nhưng vẫn cố hiên ngang tiến tới

 

Biết ở kia, Người hằng luôn ngóng đợi

Mặc thăng trầm năm tháng cứ dần đi

Ơn thánh tuôn ban ngày đêm vời vợi

Như thể vầng dương theo đúng hạn kỳ

Khung trời ấy dường như mây vẫn thắm

Thả neo vào, thuyền lớn đủ mênh mông

Đêm lạnh hoang hay giữa sớm mai hồng

Người ngư phủ vững lòng, quăng tay lưới

 

Một mai kia lòng thuyền vui mở hội

Cập Bến Tình ăm ắp cá đầy khoang

Gặp Giêsu dang rộng ấm tay choàng

Giữa một sớm bình minh lộng gió.   –   Vân Du, Thần IV

———-

Bệnh và Lười (tự sự,sưu tầm)

Tặng các anh em cựu sinh viên XB đang thao thức sống thánh giữa đời.

Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá. Đi làm về là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì ráo. Tui có la, nó ấp úng trả lời:

–  Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả. Nằm nhưng không ngủ được nên mới bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim.

Con vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, nó biện hộ kiểu này ai nghe cho được.

Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho biết mặt. Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt:

–  Ba ơi, anh Hai đưa má vô bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu.

Tui vội vã vào nhà thương. Người ta đã chẩn bệnh xong. Vợ tui có lẽ bị ung thư xương. Hèn chi mấy tuần nay nó đau nhức, than thở mà tui nghĩ nó giả bộ nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ.

Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết nó không còn ở với tui được bao lâu nữa. Ung thư ngực thì cắt vú, ung thư xương không biết cắt ở đâu! Phổi vợ tui cũng có vấn đề, vì bao năm qua phải hít thở khói thuốc lá tui hút. Tui không dám nói với nó tui đã nghĩ xấu và giận nó không chịu nấu cơm, dọn dẹp. Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà nó đau đớn, bịnh nặng tui cũng không biết. Vậy mà nó vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi về mới nằm liệt ra thôi. Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của bệnh viện khóc rấm rứt. Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có “OK” không. Tui không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng xổ một tràng. Nó có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi ra.

Tui trở vào phòng thăm vợ. Mới mấy tuần mà nó ốm nhom xanh lè, tay chân dây rợ, kim chích chằng chịt. Nó thì thầm:

–  Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà.  Em sẽ nấu món giả cầy mà anh thích đó.

Tui vỗ về:

-Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm.

Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng nó không ăn được nữa.

Tui lại khóc. Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi ngày, uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức…

(ẩn danh)

 

“Bạn hãy dành thời gian cho những người xung quanh mình – cho dù chỉ là để làm một việc nhỏ nhoi!”

Albert Schweitzer 

*****

 

 

  Hội nào?

Trong một giờ lên lớp, đang giảng về các lạc thuyết, bất ngờ cha giáo hỏi cả lớp:

– Có ai biết Hội Tam Điểm không?

Một cánh tay đưa lên, với vẻ mặt hết sức đăm chiêu, thầy B trả lời:

– Thưa cha, Hội Tam Điểm là hội những người thi lại. Vì “ba điểm” là chưa đạt “năm điểm”, số điểm tối thiếu để được qua một môn học ạ!

Cha giáo:

– Thế thầy có biết với câu trả lời như vậy thì thầy thuộc hội nào không?

– Thưa cha – thầy B xuống giọng, lí nhí – dạ, hội ‘THỪA SAI’ ạ!

– Trà Bân –

 

CÕI NGƯỜI               (tùy bút)

Ánh chiều cuối thu lặng lẽ chụp xuống không gian sớm hơn thường lệ. Những tia nắng mỏng manh yếu ớt cứ lượn lờ qua lại, tựa hồ hơi thở của người hấp hối đang lịm dần trước khi tắt hẳn. Chốc chốc, từng đợt gió lạnh thổi qua mảnh đất tu viện, nhởn nhơ lượn vòng trên dãy nhà kho ẩm thấp, rượt đuổi nhau qua mái nhà ở, rồi vỡ tung trước bức tường cao ngất. Trên ống khói thô kệch, đen sì của khu nhà bếp, từng cuộn khói bốc lên trông cũng thưa và mỏng hơn mọi ngày. Sau lưng nhà nguyện, từng hàng thánh giá nhỏ xíu, trắng tinh, thẳng tắp, đang cố nhoi mình lên khỏi mặt đất u ám phủ đầy âm khí. Đâu đó thoảng nghe mùi đất mới tỏa ra từ ngôi mộ vừa đắp. Hàng cau xơ xác trong ánh dương nhạt nhòa khẽ lay động gọi hồn người quá cố vẫn còn phảng phất đâu đây một bóng hình.

Cách đó chưa lâu, cái tin người cha già qua đời đã làm xôn xao cả một góc phố. Cái tu viện vốn lặng lẽ ngủ yên mọi ngày bỗng giật mình thức giấc. Hai cánh cổng sắt to vẫn thường đóng im ỉm, nay phải mở rộng hết cỡ đón từng lượt người ra vào. Hàng cờ xí rũ rượi trước ngõ cũng đủ gợi lên quang cảnh tang tóc phía bên kia tường rào.

Trong tu viện, một bầu không khí tang thương bao trùm khắp mọi vật. Hàng trăm người chen chúc nhau dưới khoảnh sân hẹp không thể phá vỡ bầu không khí trang nghiêm, tĩnh lặng. Những bài thánh ca bi ai thi thoảng lại cất lên nghe đến nao lòng. Xen lẫn đó là những bài kinh cầu hồn dài lê thê tưởng chừng như không dứt. Không nơi đâu mà người sống kẻ chết có mối liên hệ gần gũi với nhau như trong các niềm tin tôn giáo.

Dọc theo những hành lang, loáng thoáng vài chiếc áo dòng đen giản dị bên những vòng hoa tang rực rỡ sắc màu mỗi lúc cứ dài thêm ra. Trên mỗi vòng hoa, người ta có thể đọc được dòng chữ ngắn ngủi đủ để bày tỏ mọi tâm trạng của khách vãng lai: tưởng nhớ, tri ân, thương tiếc, đau buồn… Những cái bắt tay thân tình, đôi ba nụ cười khe khẽ ẩn giấu sau vài gốc cây cổ thụ. Đôi lúc còn nghe câu nói không biết vô tình hay bỡn cợt: “Chẳng mấy khi có dịp!”

Sau những câu chào hỏi xã giao ban đầu thường là lời tự giới thiệu về mối quan hệ với người quá cố, nào là họ hàng, cháu chắt, bằng hữu, linh tông, hay chỉ đơn giản là đã đôi ba lần nghe người giảng thuyết lúc sinh thời. Cái nghi thức quen thuộc trong các dịp tang lễ ấy dễ gây cảm tưởng rằng người ta đến đây cốt để thiên hạ biết mình có liên hệ cách nào đó với người quá cố trong hàng trăm mối giao hảo nhân sinh. Mà cũng phải thôi, nếu không người ta cũng chẳng cất công đến đây làm gì. Rồi sau đó, từng nhóm người bắt đầu to nhỏ với nhau về câu chuyện đời của con người vừa mới quá vãng.

Nơi người không có gì nổi bật lắm, ngoài những căn bệnh triền miên vào những năm tháng cuối đời. Nghe đâu người vốn xuất thân từ một gia đình ngoại giáo ở một vùng quê sỏi đá xa xôi. Khi người hãy còn ở độ tuổi chăn trâu thả diều, thân mẫu đã đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Ông cụ thân sinh người, vì không chịu được cảnh gà trống nuôi con, đã sớm tục huyền với một phụ nữ cũng từng trải qua một đời chồng ở làng kế bên. Để tránh cái cảnh mẹ ghẻ con chồng, cụ đã quyết định gởi con trai mình vào học ở một trường nội trú công giáo, dù không ưa gì các cha đạo, nếu không muốn nói là có ác cảm. Cậu thiếu niên quê mùa chân chất ấy, chưa kịp nguôi ngoai vì nỗi đau mất mẹ, đã nhận thấy mình đang bị đẩy ra khỏi cái gia đình chắp vá kia. Vì thế, cậu nhanh chóng có cảm tình với các cố đạo, những người vốn yêu thương học trò như con cái mình, nhất là với những trường hợp éo le như cậu. Đến năm cuối trung học, cậu quyết định chịu phép rửa tội, tức là chịu theo đạo, trở thành con chiên của Chúa. Hơn thế nữa, cậu còn mong muốn đi tu để làm linh mục sau khi đỗ tú tài. Ôi, ở cái xứ mà bao đời nay con người ta vẫn sống trong cái truyền thống cha truyền con nối, ngay cả trong lĩnh vực đức tin, thì một người con trong gia đình không công giáo xin theo đạo đã là chuyện chẳng mấy khi, lại còn xin đi tu thì quả là rất hiếm.

Nhưng điều gì đã khiến người mạnh dạn bước vào đời tu như thế? Cái câu hỏi tưởng chừng như đơn giản ấy hóa ra là đề tài của một cuộc tranh luận sôi nổi. Phải chăng người thực sự bị lôi cuốn bởi nhiều cha giáo gương mẫu mà người vốn thần tượng? Hoặc người chỉ tìm đến đời tu như con đường tiến thân an toàn trong cái xã hội đầy biến động thời ấy? Hay có lẽ nào người đã ngán ngẩm cái cảnh vợ chồng chẳng mấy khi cơm lành canh ngọt như cụ ông với người đàn bà mà ông chắp nối kia, cùng cái cảnh đời quanh năm suốt tháng cứ bị cuốn vào vòng xoay của những nỗi lo thiếu thốn vật chất?

Một tu sĩ trẻ nhanh miệng cho rằng dĩ nhiên người chọn lựa sống đời tu trì là bởi “ơn kêu gọi”. Vì nếu Thiên Chúa không mời gọi thì không ai có thể bền đỗ trong đời tu được, cho dù lúc đầu người ấy có hăm hở nhiệt huyết đến đâu chăng nữa. Ơn kêu gọi cũng giống như dòng điện là nguyên nhân làm cho bóng đèn cháy sáng vậy. Chính bóng đèn biết rằng tự thân nó không thể tỏa sáng cho mọi người, nhưng chính dòng điện chạy qua nó mới là chất liệu của ánh sáng người ta nhìn thấy. Nên khi trông thấy một bóng đèn phát sáng, ta có thể khẳng định là có dòng điện chạy qua bóng đèn vậy.

Vị ấy còn đang nói thì một linh mục đứng tuổi đã vội chen vào: “Đồng ý ơn kêu gọi là chất liệu của đời tu, và Thiên Chúa luôn đi bước trước trong mối tương giao này, nhưng chúng ta cứ quy gán mọi sự cho ơn kêu gọi như thế liệu có thuyết phục không? Làm sao chúng ta có thể dám chắc chắn một trăm phần trăm về ơn gọi của mình? Nhờ Kinh Thánh, ta biết rằng có những người được Thiên Chúa kêu gọi cách đích danh và rõ ràng không thể sai lầm được, nhưng những trường hợp như thế không nhiều. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng nhiều khi chúng ta vẫn nhận định ơn gọi của mình một cách chủ quan, nông cạn và cảm tính. Không ít những tu sĩ lúc khởi đầu đời tu của mình một cách thuận lợi thì quả quyết là mình được mời gọi vào bậc sống này, nhưng khi gặp những khó khăn thử thách và không thể vượt qua được thì bảo là mình không có ơn kêu gọi. Nếu ơn gọi thực sự đến từ Thiên Chúa thì làm sao nay có mai không như thế được? Tôi cho rằng nếu chúng ta chỉ hiểu ơn kêu gọi theo lối diễn tả của Kinh Thánh thôi thì đó quả là một lối nhìn thiển cận và ít nhiều sai lầm. Với đa số trường hợp và nhất là trong thời đại hôm nay, tiếng gọi của Chúa thường là một cái gì đó rất mơ hồ, tựa như tiếng vọng của một âm thanh xa xôi. Nên để lắng nghe tiếng gọi của Ngài là cả một hành trình khám phá lâu dài và kiên nhẫn. Không ít những trường hợp sau khi đã tiến quá xa trong đời tu, hay thậm chí đến lúc dọn mình chịu chết mới xót xa thừa nhận rằng mình không hề có ơn kêu gọi. Một ơn kêu gọi thực sự phải cần được lắng nghe và tra vấn mỗi ngày. Bao lâu người ta còn băn khoăn, hoài nghi về ơn gọi của mình, thì bấy giờ họ vẫn còn có thể nói rằng mình đang được mời gọi sống bậc tu trì.”

Một linh mục khác lên tiếng ủng hộ: “Cha nói có lý lắm! Không phải Thiên Chúa chỉ lên tiếng gọi một lần là đảm bảo ơn gọi ấy đã thành toàn cho cả cuộc đời. Một ơn gọi muốn bền vững thì cần phải được tái khám phá và làm mới mỗi ngày. Nhiều linh mục, tu sĩ cứ tưởng rằng đã chịu chức hay khấn trọn thì đương nhiên là có ơn kêu gọi, là đã đạt đến đích điểm của hành trình rồi. Chính sai lầm đó dễ làm cho họ tụt dốc và sa lầy trong đời tu cũng như trong những bổn phận của mình. Thật ra, thánh lễ chịu chức hay khấn dòng chính là điểm khởi đầu của một ơn gọi. Còn trước đó chỉ là thời gian tìm hiểu và chuẩn bị để sống ơn gọi mà thôi. Cũng như người ta chuẩn bị hành lý và những thông tin cần thiết cho một chuyến đi dài, dài cả cuộc đời.”

Một nữ tu cũng lên tiếng góp chuyện: “Lúc còn sống, cha cố vẫn thường giảng tĩnh tâm cho cộng đoàn chúng con. Có lần ngài nói đã sống gần một đời rồi mà ngài không biết chắc là mình có ơn kêu gọi hay không nữa. Nhưng có một điều mà ngài biết chắc chắn là sau nhiều năm làm linh mục ngài rất hạnh phúc. Thưa quý cha, quý thầy, hạnh phúc trong đời tu chẳng phải là một dấu chỉ rõ ràng của ơn kêu gọi hay sao? Một tu sĩ có ơn kêu gọi không có nghĩa là người ấy không gặp khó khăn, thử thách trong đời tu. Điều quan trọng là qua đó người ta có thể tìm thấy một niềm vui và biết biến nghịch cảnh thành cơ hội để làm cho ơn gọi của mình thêm kiên vững…”

Một hồi chiêng trống vang lên báo hiệu thánh lễ an táng sắp sửa bắt đầu. Câu chuyện đột ngột kết thúc trong dở dang. Bao câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều quan điểm chưa được tỏ bày. Như thể chúng mời gọi mỗi người hãy tự chất vấn và tự tìm lấy câu trả lời cho chính ơn gọi của mình…

Thi hài người quá cố được an táng ngay sau ngôi nhà nguyện nhỏ. Cái mảnh đất cằn cỗi ghi dấu những kỉ niệm một thời của một con người đã từng hiện diện trên cõi đời, nay lại hé mở đón người nằm xuống. Thân xác người chết sắp biến tan vào lòng đất mẹ. Hình ảnh người quá cố sẽ dần nhạt phai dưới lớp bụi thời gian. Những gì người đã từng nói, từng làm sẽ trở thành những kỉ niệm trong dòng ký ức xa mờ.

Sau đám tang, người người kéo nhau ra về, trả lại cho góc phố dáng vẻ bình yên lặng lẽ ngày nào. Cái tu viện vốn đã hiu quạnh nay còn vắng vẻ hơn bởi đã thiếu vắng một bóng người. Vài chiếc lá úa cuối mùa lao xao khẽ khàng trong nắng nhạt. Điểm chuông nhịp một cứ nấc lên từng đợt và buông thõng trong không gian cô tịch như tiếng than ai oán thảm sầu. Lời kinh trầm bổng chiều nay nghe sao da diết, tựa khúc ca buồn tiễn chân người quá cố.

Tú Ân, Triết II

———-

tìm trang

– Lời mở …………………………………………………………..         01

– Linh mục, Lời Chúa, và Thánh Thể ………………..         03

– Đại chủng viện Huế: Nhật ký một năm qua …….        12

– Biểu tượng của sự gắn kết ……………………………..        21

– Của Mẹ là cho con ………………………………………….        24

– Mẹ trên đường …………………………………………….          26

– 80 năm sứ mạng Xuân Bích ở Việt Nam ………….       28

– Xuân Bích một thời ………………………………………….       38

– Phỏng vấn Cha Cố Phêrô Nguyễn Lân Mẫn ……..       40

– Ánh nến đời con …………………………………………….         46

– Nép mình bên Ngài …………………………………………        47

– Bóng Cha ………………………………………………………..        49

– Dĩ vãng …………………………………………………………..        50

– Linh mục và lòng khiêm tốn …………………………..         58

– Cha giáo cũ của tôi …………………………………………        60

– Nắng mùa đông ……………………………………………..        64

– Chủng sinh hôm nay và những thách đố …………        73

–  Văn Sang, Đak Neang … ……………………………………     76

– Tản mạn về chiếc áo của tôi …………………………..        85

– Ngỡ như là …………………………………………………….         91

– Tâm tình tĩnh tâm ……………………………………………       95

– Bệnh và lười ………………………………………………….         96

– Về lại trường xưa …………………………………………..        98

– Mang lấy mùi chiên …………………………………………     100

– Cõi người ……………………………………………………….      102

– mục lục                                                                     108


[1] Xem Presbyterorum Ordinis, số 4-5; xem thêm PDV, số 26.

[2] Jean-Jacques Olier, Traité des Saints Ordres, 125-126.

[3] Chẳng hạn, La Journée Chrétienne (Paris: Jacques Langlois, 1655), passim, và Pietas seminarii, 2. Cái nhìn của Cha Olier về chức vụ của linh mục trong Traité des Saints Ordres cũng cho thấy một sự đồng hóa chặt chẽ người linh mục với Thánh Thể.

[4] Lumen Gentium, số 11.

[5] Divers écrits, 1, 19.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31