BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐỨC THÁNH CHA VỀ BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Written by xbvn on Tháng Ba 27th, 2014. Posted in Linh mục, Thế Giới, Tý Linh

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !

Chúng ta đã có cơ hội nhận xét rằng ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể cùng nhau làm nên mầu nhiệm « khai tâm Kitô giáo », một biến cố ân sủng lớn lao duy nhất tái sinh chúng ta trong Chúa Kitô . Đó là ơn gọi căn bản chung cho hết thảy chúng ta, trong Giáo Hội, với tư cách là những người môn đệ của Chúa Kitô. Tiếp đến có hai Bí tích tương ứng với hai ơn gọi đặc thù : đó là bí tích Truyền Chức Thánh và bí tích Hôn Phối. Chúng là hai con đường lớn qua đó người kitô hữu có thể biến cuộc sống của mình thành một sự trao hiến tình yêu, theo mẫu gương và nhân danh Chúa Kitô, và như thế cộng tác vào việc xây dựng Giáo Hội.

Bí tích Truyền Chức Thánh, được thể hiện trong ba cấp giám mục, linh mục và phó tế, là bí tích ban năng quyền thực hành thừa tác vụ, được Chúa Giêsu giao phó cho các Tông đồ của Ngài, chăn dắt đoàn chiên của Ngài, trong sức mạnh của Thánh Thần của Ngài và theo như tấm lòng Ngài. Chăn dắt đoàn chiên của Chúa Giêsu, không phải bằng sức lực con người hay bằng sức riêng của mình, nhưng bằng sức mạnh của Thánh Thần và  theo như tấm lòng Ngài, tấm lòng của Chúa Giêsu là một tấm lòng yêu thương. Linh mục, giám mục, phó tế phải chăn dắt đoàn chiên của Chúa bằng tình yêu. Nếu ngài không chăn dắt bằng tình yêu, thì ngài không phục vụ. Và theo nghĩa này, các thừa tác viên được chọn và được thánh hiến cho việc phục vụ này sẽ kéo dài trong thời gian sự hiện diện của Chúa Giêsu, nếu họ làm điều đó bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhân danh Thiên Chúa và bằng tình yêu.

1. Khía cạnh đầu tiên. Những người được phong chức được đặt đứng đầu cộng đoàn. Họ « đứng đầu », vâng, như điều đó có nghĩa, đối với Chúa Giêsu, dùng quyền bính của mình để phục vụ, như chính Ngài đã cho thấy và đã dạy cho các môn đệ bằng những lời này : « Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người» (Mt 20,25-28 ; x.Mc 10,42-45). Một giám mục không phục vụ cộng đoàn của mình thì không làm tốt ; một linh mục không phục vụ cộng đoàn của mình thì không làm tốt, ngài sai lầm.

2. Một đặc điểm khác, vốn luôn phát sinh từ mối hiệp thông bí tích này với Chúa Kitô, là tình yêu say mê dành cho Giáo Hội. Chúng ta hãy nghĩ đến đoạn Thư gởi tín hữu Êphêsô này trong đó thánh Phaolô nói rằng Chúa Kitô « yêu thương Giáo Hội : Ngài đã hiến mình vì Giáo Hội, để thánh hoá và thanh tẩy Giáo Hội bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Giáo Hội xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền » (5,25-27). Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, thừa tác viên hoàn toàn được thánh hiến cho cộng đoàn của mình và yêu mến cộng đoàn đó hết lòng : cộng đoàn này là gia đình của ngài. Giám mục, linh mục, yêu mến Giáo Hội trong cộng đoàn của mình, các ngài yêu mến nó cách mãnh liệt. Bằng cách nào ? Như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội. Thánh Phaolô sẽ cũng nói như thế về hôn phối : người chồng yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội. Đó là một mầu nhiệm tình yêu lớn lao : mầu nhiệm thừa tác vụ linh mục, và mầu nhiệm hôn nhân, hai bí tích vốn là con đường qua đó người ta thường hay đến với Chúa.

3. Một khía cạnh cuối cùng. Thánh Tông đồ Phaolô khuyến cáo môn đệ của mình là Timôthê đừng chểnh mảng nhưng trái lại không ngừng khơi lại ân huệ nơi mình, ân huệ vốn được ban cho ngài qua việc đặt tay (x. 1Tm 4,14 ; 2Tm 1,6). Khi thừa tác vụ, thừa tác vụ giám mục, thừa tác vụ linh mục, không được nuôi dưỡng bằng đời sống  cầu nguyện, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, bằng việc cử hành thánh lễ hằng ngày và năng lui tới với bí tích Sám Hối, thì chắc chắn cuối cùng người ta sẽ kết thúc bằng việc đánh mất đi ý nghĩa đích thực của việc phục vụ của mình và niềm vui vốn phát sinh từ sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu.

4. Giám mục không cầu nguyện, giám mục không lắng nghe Lời Chúa, không cử hành thánh lễ mỗi ngày, không đi xưng tội đều đặn, và cũng thế đối với linh mục không làm tất cả điều đó, thì về lâu dài, các ngài đánh mất đi sự kết hiệp với Chúa Giêsu và trở nên một thứ xoàng xĩnh vốn không giúp ích cho Giáo Hội. Vì thế, chúng ta phải giúp đỡ các giám mục và linh mục cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa vốn là bữa ăn thường ngày của các ngài, cử hành thánh lễ mỗi ngày và đi xưng tội đều đặn. Điều này rất quan trọng bởi vì rõ ràng liên quan đến việc thánh hóa các giám mục và linh mục.

5. Tôi xin kết thúc bằng một điều vừa đến trong tâm trí tôi : nhưng chúng ta phải làm thế nào để trở thành linh mục, người ta bán vé vào chức linh mục ở đâu ? Không ! Điều đó không được bán. Đó là một sáng kiến của Chúa. Chúa gọi. Ngài gọi mỗi người mà Ngài muốn thấy trở thành linh mục. Có lẽ ở đây có một vài bạn trẻ đã lắng nghe trong tâm hồn mình tiếng gọi này, ước muốn trở thành linh mục, ước muốn phục vụ tha nhân trong những điều đến từ Chúa, ước muốn là trọn đời phục vụ của họ để dạy giáo lý, làm phép rửa, tha tội, cử hành thánh lễ, chăm sóc bệnh nhân…và trọn đời như thế. Nếu có ai trong các con đã lắng nghe điều đó trong  tâm hồn mình, thì đó là chính Chúa Giêsu kêu gọi. Hãy chăm lo cho lời mời gọi này và hãy cầu nguyện để nó lớn lên và trổ sinh hoa trái trong toàn thể Giáo Hội.

Tý Linh chuyển ngữ

theo ZENIT

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30