TIN BÁO: LINH MỤC ALBERTÔ TRẦN PHÚC NHÂN TỪ TRẦN

Written by xbvn on Tháng Sáu 14th, 2014. Posted in Việt Nam, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

 Chúng tôi vừa nhận được tin:

Linh mục Albertô Trần Phúc Nhân, sinh năm 1932, vừa qua đời tại Sài Gòn sáng 14/6/2014, hưởng thọ 82 tuổi. Thánh lễ an táng sẽ diễn ra vào sáng thứ Tư, lúc 8g30, ngày 18/6/2014.

Cha Anbertô Trần Phúc Nhân là một linh mục cả đời nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy Thánh Kinh, một người thầy mẫu mực của bao nhiêu thế hệ linh mục, tu sĩ và chủng sinh Bắc-Trung-Nam. Đặc biệt, sau khi du học về, ngài đã cộng tác với các linh mục Xuân Bích và Ban Giám đốc Đại Chủng Viện Huế để giảng dạy Thánh Kinh tại đây. Thời gian ngài phục vụ tại Đại Chủng Viện Huế kéo dài hơn 40 năm. Ngài là một linh mục có lòng đạo đức, thánh thiện và đức hạnh. Sự ra đi của ngài là một mất mát to lớn đối với rất nhiều người.

Xin quý độc giả và cách riêng bao thế hệ học trò của ngài hiệp ý cầu nguyện cho ngài được sớm hưởng nhan Chúa.

BBT XBVN kính báo

Sau đây, xin quý độc giả đọc lài bài chia sẻ của ngài dịp kỷ niệm 50 năm hồng ân linh mục:

Bài chỉa sẻ của Cha Trần Phúc Nhân ngày 20/12/2008: >”VÀI SUY NGHĨ NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM THỤ PHONG LINH MỤC” 20/12/1958-20/12/2008

Tính từ ngày tôi thụ phong linh mục đến nay là chắn 50 năm, hoặc nói như một cha già ở Phát Diệm: “Đã qua một lửa sế kỷ” (một nửa thế kỷ)! Tôi thử ngồi:

– nhìn lại con đường đã qua
– suy nghĩ
– và nhìn về phía trước

I. NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG ĐÃ QUA

1. Gia đình

Tôi sinh năm 1932, là con thứ 7 trong một gia đình 12 anh chị em. Thầy mẹ tôi rất yêu thương, lo liệu mọi sự cho con cái, nhưng nghiêm khắc, không nuông chiều; anh chị em biết nhường nhịn nhau, giúp đỡ nhau. Gia đình lo giáo dục Kitô giáo: nhắc nhở con cái học kinh bổn, đi lễ, giúp lễ, đọc kinh trong gia đình, dạy con biết giúp đỡ người nghèo, cho con cái học ở trường các sư huynh, các nữ tu. Thầy mẹ tôi cũng quen biết nhiều linh mục và tu sĩ, giúp đỡ những hoạt động của Giáo Hội. Từ đó nảy sinh mầm mống ơn gọi: hai anh lớn của tôi từ 11, 12 tuổi đã đi tu tiểu chủng viện, làm gương cho các em noi theo. Kết quả là 6 anh chị em dâng mình cho Chúa.

2. Đi tu

1946-1950. Khi 14 tuổi, tôi vào Tiểu chủng viện Phúc Nhạc (giáo phận Phát Diệm). Chủng viện này có kỷ luật chặt chẽ, huấn luyện đạo đức kỹ lưỡng. Về mặt học vấn, các cha các thầy tuy không có bằng cấp, nhưng đã đặt cho chủng sinh một nền tảng văn hoá vững chắc, nhất là về ngôn ngữ:Việt, Pháp, Latin, Hán.

1950-1953. Đức cha A.T Lê Hữu Từ cho một số chủng sinh đi du học châu Âu. Tôi đựơc học trường các cha Dòng Tên tại Poitiers ( Pháp), với truyền thống cố hữu về kỷ luật và học vấn. Tại đây tôi được đào sâu thêm tiếng Anh.

1953-1959. Sau khi đỗ tú tài Pháp, tôi được bề trên gửi sang Chủng viện Truyền giáo Rô-ma theo 2 năm triết học và 4 năm thần học. Tại Chủng viện này, tôi được sống chung với các sinh viên đến từ 50 nước trên thế giới, thụôc đủ màu da và mọi nền văn hoá. Riêng các bạn lớp tôi là 43 người thuộc 13 nước, đủ 5 châu. Ở đây tôi có dịp học thêm tiếng Ý và tiếng Đức. Rôma, thủ đô của Giáo Hội, lúc ấy đang thời ĐGH Piô XII ( 1939-1958), nên vẫn còn tôn ti trật tự, nhưng đến thời ĐGH Gioan XXIII ( 18958-1963) thì bắt đầu mở ra. Chính vào thời điểm này, lớp chúng tôi thụ phong linh mục.

1959-1962. Khi theo học tại Viện Kinh thánh ở Rôma, tôi lại gặp các cha Dòng Tên, được các ngài huấn luyện kỹ về các cổ ngữ Hy Lạp, Híp-ri, A-ram ( và thêm chút tiếng U-ga-rít, Ả-Rập) và về phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh.

1962-1971. Sau 5 tháng sống tại thánh địa Pa-lét-tin, tôi trở về Việt Nam, và bắt đầu dạy Kinh Thánh tại Đại chủng viện Huế, ở một vị trí tuyệt đẹp bên bờ sông Hương. Đa số các giáo sư bấy giờ là các cha Xuân Bích, người Pháp với lối sống đơn giản, gần gủi chủng sinh, đã tạo cho tôi một môi trường rất tốt để “vào nghề” dạy học.

1971-1974. Tôi vào Sài Gòn làm cha phó “hờ” ở giáo xứ Tân Định với chút việc mục vụ, nhưng vấn đi dạy học ở Huế. Đồng thời tôi bắt đầu cộng tác với Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong việc dịch sách Phụng Vụ và Kinh Thánh cho đến nay.

1974 cho đến nay. Tôi đến sống tại Tu viện Mai Khôi (Dòng Đa Minh), tuy vẫn thuộc giáo phận Tp. HCM. Công việc của tôi chủ yếu là:

– cộng tác với Nhóm Phiên Dịch CGKPV (với Uỷ ban Phụng tự trong một thời gian);
– dạy học Kinh Thánh Cứu Uớc, cổ ngữ Hy-Lạp, Híp-ri;
– giúp quê hương Phát Diệm (nhất là qua việc huấn luyện tu sinh).

II. SUY NGHĨ

1. Những gì đã làm

Nếu muốn kể “thành tích” thì chẳng có bao nhiêu:

– Mục vụ giáo xứ và việc truyền giáo: gần như không có; có đôi chút mục vụ với các tu sĩ;
– dạy học: góp phần đào tạo chủng sinh và tu sĩ;
– viết sách: trong khi người khác viết được hàng chục cuốn sách, thì tôi chỉ viết vài ba cuốn sách nhỏ (Tìm hiểu Cựu Uớc, Như hương trầm, Tìm hiểu Sáng thế 1-11), nhưng đã cộng tác nhiều vào việc biên sọan các sách do Nhóm Phiên Dịch CGKPV xuất bản.

2. Những gì đã giúp tôi

Trước tiên phải kể đến ơn Thiên Chúa ban trong suốt cuộc đời nhất là trong những giai đọan khó khăn. Nhưng ơn Chúa cũng đến qua những con người đặc biệt:

– Gia đình họ hàng, như đã nói ở phần trên ( I.1).
– Các linh mục tu sĩ Tu việiãût nam Mai Khôi từ 34 nam nay đã đón nhận tôi, một người thuộc ‘dòng bốn Đa Minh” ( như tôi vẫn tự xưng) và cho tôi được sống chung với cộng đoàn.
– Các bạn trong Nhóm Phiên Dịch CGKPV đã tạo cho tôi một môi trường làm việc thuận lợi, trong bầu khí cởi mở, vui tươi.
– Gia đình thiêng liêng Chân phước Charles Foucauld, nhất là Huynh đoàn Linh mục Jesus Caritas. Tôi đã tiếp xúc với Huynh đoàn này ngay từ khi còn học ở Rô-ma và linh đạo cha Charles ( suy niệm Tin mừng, chầu Mình Thánh, ngày sa mạc, sống đơn sơ, phó thác, tình huynh đệ đối với mọi người) đã phần nào “thấm vào” đời linh mục của tôi
– Tất nhiên còn phải kể đến bao người khác ( trong số đó có những người tôi chưa hề biết đến): các bề trên, thày dạy, bạn học, ân nhân, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân…đã giúp đỡ tôi cách này cách khác.

Nhờ ơn Chúa ban trực tiếp hoặc qua người khác mà tôi đã thắng vượt đựơc các khó khăn thử thách và kiên trì phục vụ. Vì thế tâm tình của tôi là tạ ơn Chuá và biết ơn mọi người.

III. NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC

Năm nay tôi đã 76 tuổi, tương lai chẳng còn là bao. Nếu ví cuộc đời với một ngày 12 tiếng, thì đời tôi này vào khoảng 5 giờ chiều. Hoặc nếu dùng đồng hồ đếm ngược những ngày còn lại ( tựa như chiếc đống hồ tính những ngày còn lại trước này mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội) thì còn đựơc bao nhiêu ngày?

Sức khoẻ và khả năng trí tuệ, nhất là trí nhớ, đang xuống dốc, nên tự nhiên tôi cũng cảm thấy bi quan. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy bước đi bao lâu anh em còn có ánh sáng” ( Gioan 12,35). Vì thế tôi tự nhủ: Chúa còn cho bao nhiêu thời gian, bao nhiêu khả năng, thì cố gắng tận dụng để phục vụ.

Tóm lại, nhân dịp này, xin mọi người hiệp thông cầu nguyện với tôi để:

– Tạ ơn Chúa vì những gì Chúa đã ban, nhất là trong 50 năm cuộc đời linh mục;
– Xin lỗi Chúa vì đã không biết dùng ơn Chúa cho nên: phí phạm thời giờ và khả năng, có khi lại dùng ơn Chúa để làm điều mất lòng Chúa;
– Xin Chúa giúp cho biết dùng thời gian còn lại để phục vụ và chuẩn bị tốt những ngày Cháu gọi về với Chúa, hầu khi đó không bị Chúa trách là đấy tới vô dụng Mát-thêu 25, 30), nhưng được Chúa cho vào hưởng niềm vui của Chúa ( c.22).

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30