LỜI TỰA VÀ LỜI GIỚI THIỆU QUYỂN “VÀNG ĐƯỢC THỬ LỬA” CỦA CHA WITHERUP
Bản dịch “Vàng Được Thử Lửa” – từ nguyên tác “Gold Tested in Fire” của Cha Ronald D. Witherup – sắp được xuất bản nay mai. Đây không chỉ là một quyển sách nữa (another book) mà thật sự là một quyển sách mới (a new book) về chức linh mục Công giáo.
Từ nhãn giới Thánh Kinh (‘nghề’ của tác giả!) và từ bối cảnh những tai tiếng về lạm dụng tình dục liên quan đến các linh mục vốn rất ồn ào trong những năm gần đây, tác giả tiếp cận các khía cạnh khác nhau của sứ vụ và đời sống linh mục và chia sẻ cái nhìn đầy lạc quan của mình về một “lễ Hiện Xuống mới cho hàng linh mục Công giáo”. Nhân dịp sắp xuất bản bản dịch tiếng Việt, chúng tôi xin giới thiệu trước Lời Tựa, Lời Giới Thiệu và Mục Lục của quyển sách.
Bản dịch này là kết quả của một dự án làm việc chung. Xin chân thành cám ơn các thành viên của nhóm dịch thuật Anh Việt, gồm các sinh viên triết học và thần học tại Đại chủng viện Huế, niên khóa 2013-2014, đã góp phần trong bản dịch này: Trương Văn Bình, Nguyễn Trường Ca, Văn Trần Đức Duy, Nguyễn Trần Vũ Đức, Nguyễn Minh Hoàng, Trần Thanh Huỳnh, Lưu Đắc Huấn, Nguyễn Quí Khôi, Trần Bảo Minh, Trần Cao Nguyên, Lê Khoa Vi, Trần Quốc Dũng.
Xin tri ân đặc biệt Cha Witherup và Nhà xuất bản Liturgical Press (Collegeville, Minnesota) đã ưu ái cho phép việc chuyển ngữ và xuất bản bản dịch này.
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS
======================
LỜI TỰA
Một cơn lũ ngồn ngộn sách vở xuất bản về chức linh mục đã diễn ra trong dịp Năm Linh Mục (tháng 6/2009 – tháng 6/2010) vốn được Đức giáo hoàng Biển Đức XVI ban hành nhân mừng kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của Thánh Gioan Vianney, Cha sở họ Ars, và để củng cố hình ảnh hàng linh mục trong thế kỷ 21 này. Vì thế, người ta hẳn ngạc nhiên với việc trình làng thêm một quyển sách nữa về cùng chủ đề ấy. Tuy nhiên, có ba lý do cho việc xuất bản quyển sách này.
Thứ nhất, chủ đề về linh mục là một chủ đề thường hằng. Mối quan tâm về chức linh mục chẳng bao giờ bị giảm thiểu bởi những tranh cãi vây quanh nó, nhất là liên hệ đến đủ thứ tai tiếng được biết đến nhiều trong thập niên vừa qua. Thật vậy, người ta có thể nói rằng mối quan tâm về chức linh mục đã được khơi lên bởi chính những tranh cãi ấy. Tôi tin rằng chức linh mục vẫn rất quyến rũ đối với nền văn hóa tây phương hiện đại. Các hình ảnh linh mục trên truyền thông, đôi khi với đầy sự ngưỡng mộ, vẫn tiếp tục xuất hiện, mới đây nhất là trường hợp liên quan đến vai trò của linh mục trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ xuyên qua các hoạt động trừ tà. Nói cách khác, chức linh mục vẫn là một lối sống có tính thần nhiệm và khiến người ta tò mò.
Thứ hai, nhiều tác phẩm xuất hiện trong dịp Năm Linh Mục đã rảo qua các giáo huấn quen thuộc của Giáo hội về chủ đề này hoặc cung ứng những suy tư cá nhân và có tính linh đạo về sứ vụ linh mục. Nhiều tác phẩm trong số này rất có sức truyền cảm hứng, và một số đã cố gắng tổng hợp giáo huấn của Giáo hội về chủ đề linh mục. Tôi muốn góp tiếng nói của riêng mình vào cuộc đàm luận này, dựa trên những suy tư về các nhãn giới chọn lọc có tính Thánh Kinh, thần học và mục vụ mà tôi cho rằng có tầm quan trọng. Cách tiếp cận của tôi đến từ kinh nghiệm ba mươi lăm năm trong chức linh mục, phần lớn trong đó là dành cho việc đào tạo khai tâm và thường huấn các linh mục. Sách này không cố gắng đưa ra một “thần học” về chức linh mục, cũng không nhằm giới thiệu một mẫu thức toàn triệt cho sứ vụ linh mục. Đúng hơn, sách này nhằm cung ứng một số nhận thức đa loại nhưng rất cốt yếu về những thách đố đặt ra cho sứ vụ linh mục hôm nay. Nhưng có một đặc điểm mà độc giả sẽ nhận ra nơi những khảo luận này, đó là tất cả đều được đặt nền trên Thánh Kinh. Nghĩa là, các khảo luận ở đây được định hướng từ những cái nhìn dựa trên Thánh Kinh. Nhiều chương của quyển sách này vốn là những bài nói chuyện cho các cuộc tĩnh tâm linh mục hoặc đã được xuất bản trong các tạp chí chuyên biệt cho các linh mục. Những bài đã được xuất bản nay được hiệu chỉnh, cập nhật, hay mở rộng mức nào đó vì lý do phù hợp.
Cuối cùng, trong khi quyển sách này không nhắm mục đích làm một biện giáo cho chức linh mục, thì nó vẫn được cưu mang từ một tình yêu đối với chức linh mục và từ niềm xác tín mạnh mẽ rằng chức linh mục là một sứ vụ thiết yếu được Thiên Chúa ban cho trong Giáo hội. Tôi tin rằng toàn thể Giáo hội nhận được ích lợi từ cuộc vật lộn với những thách đố nổi lên trong hàng linh mục kể từ Công đồng Vatican II (1962-65). Vào thời khắc kỷ niệm 50 năm khai mạc và bế mạc Công đồng, tôi cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đào sâu sự nhận hiểu của mình về giáo huấn của Công đồng và về các hệ quả của nó. Trong tinh thần này, bất cứ gì giúp đẩy mạnh việc suy tư sâu xa hơn về chức linh mục thì đều có thể hữu ích. Những cuộc chiến đấu được kinh nghiệm trong hàng linh mục mấy thập niên gần đây không phải là một dấu hiệu của sự phân rã mà là một tiếng gọi canh tân và một cuộc trở về với những gốc rễ đích thực của sứ vụ linh mục. Khát vọng mãnh liệt của tôi, đó là khơi lại niềm tin tưởng vào chức linh mục qua việc đọc kỹ một số nền tảng thiết yếu của nó và trong bối cảnh của tất cả các sứ vụ được thi hành trong đời sống của Giáo hội.
Tôi biết ơn nhiều người khác nhau đã khích lệ tôi trong dự án này, nhất là Peter Dwyer và Hans Christoffersen cùng với ban nhân viên ưu tú của nhà Liturgical Press. Tôi cũng tri ân các anh em linh mục Xuân Bích của tôi, các cha Thomas R. Hurst, PSS, Thomas R. Ulshafer, PSS, Lawrence B. Terrien, PSS, Melvin C. Blanchette, PSS, và Frederick J. Cwiekowski, PSS, cũng như Viện Phụ Jerome Kodell, OSB, và Đức Ông Paul Langsfield, những người đã đọc một phần bản thảo hoặc hỗ trợ tôi với những chi tiết khác. Mặc dù chỉ mình tôi nhận trách nhiệm về bất cứ sai lỗi nào trong quyển sách này, tôi rất trân trọng những góp ý tinh tế của các vị. Tôi đặc biệt cám ơn Cha Hurst, Giám đốc Chủng viện và Đại học St. Mary ở Baltimore, người đã giúp kỹ đọc toàn bộ bản thảo và đã đề xuất một số điều chỉnh hữu ích. Tôi cũng cám ơn nhiều chủng sinh và linh mục mà tôi đã được hân hạnh làm việc với trong sứ vụ của mình suốt những năm qua. Những câu hỏi, nhận định và phản hồi của họ đã đem lại cho tôi sự khích lệ và thường thúc đẩy tôi tìm kiếm một sự nhận hiểu sâu xa hơn về chức linh mục vốn là một quà tặng quí giá được ban cho Giáo hội.
Như tôi viết trong phần đề tặng, tôi biết ơn cách riêng các anh em linh mục Xuân Bích của tôi ở khắp nơi trên thế giới, vì sự phục vụ quên mình của họ đối với Giáo hội và vì những nâng đỡ riêng mà họ đã dành cho sứ vụ của tôi trong tư cách là Bề trên Tổng quyền thứ hai mươi sáu của Hội Linh Mục Xuân Bích.
R.D.W.
Ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ, 2011
==========================
LỜI GIỚI THIỆU
Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục.
– Hc 2,4-5
Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Ðức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.
– 1Pr 1,6-7
Trong nhà nguyện của nơi tôi cư trú hiện nay ở Paris có một bức tranh Lễ Hiện Xuống khá hoành tráng và nổi tiếng. Bức tranh mô tả khung cảnh đầy ấn tượng như được sách Công Vụ Tông Đồ (2,1-4) thuật lại: Chúa Thánh Thần đến trên các Tông Đồ và các bạn hữu của họ qua những hình lưỡi lửa. Bức tranh đặc biệt này được vẽ bởi Charles Le Brun (1619-90), họa sĩ được sủng mộ của Vua Louis XIV, và nó được vẽ theo yêu cầu của Cha Jean-Jacques Olier (1608-57), vị sáng lập Hội Linh Mục Xuân Bích, trong đó tôi là một thành viên. Cha Olier ‘đặt hàng’ bức họa này như một hình ảnh nhắc nhớ về vai trò hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đối với cộng đoàn các linh mục giáo phận của ngài vốn được thành lập để chuyên lo việc đào tạo linh mục. Giáo hội lúc bấy giờ quả thật đang cần một Lễ Hiện Xuống mới. Cha Olier dấn thân đáp ứng nhu cầu ấy xuyên qua công cuộc canh tân hàng giáo sĩ.
Một toát lược lịch sử sẽ giúp đặt tầm nhìn của Cha Olier về việc đào tạo linh mục vào trong bối cảnh của nó. Vào đầu thế kỷ 17, hàng linh mục đang trong tình trạng rất xáo trộn. Thực ra, tình hình này vốn đã có sẵn chứ không phải mới xảy ra. Tình trạng các linh mục thiếu sự đào tạo, thiếu hiểu biết về Kinh Thánh, với những lối sống đôi khi phóng đãng… là những yếu tố đã dẫn Martin Luther và nhiều người khác đi tới cuộc Cải Cách Tin Lành hồi thế kỷ 16. Cho tới khi có cuộc Chống Cải Cách và có lời kêu gọi của Công đồng Trentô (1545-63) về việc thành lập các “chủng viện” (một cách ẩn dụ, có nghĩa là các “vườn ươm” ơn gọi) để các linh mục có thể được đào tạo một cách chuyên môn cho sứ vụ của mình, thì Giáo hội đã không làm gì nhiều cho việc huấn luyện chính thức các linh mục và cung ứng cho họ một nền đào tạo vững vàng về thiêng liêng, trí thức và đạo đức. Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đồng Trentô về việc cần phải huấn luyện các linh mục cách trực tiếp hơn, nhiều giám mục đã thành lập các chủng viện như một cố gắng cung ứng nền đào tạo chính qui cho các linh mục và bảo đảm sự hiện diện của các tôi tớ liêm chính và trung thành trong sứ vụ chức thánh. Nổi tiếng nhất trong số các giám mục này là Thánh Charles Borromeo (1538-84), người đã vào cuộc thiết lập chương trình đào tạo linh mục trong giáo phận Milan của mình.
Tuy nhiên ở Pháp thì mãi cho tới thời của Cha Olier mới có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm cải cách và đào tạo hàng giáo sĩ. Cùng với nhiều thành viên khác của trường phái gọi là Linh Đạo Pháp, Cha Olier nhận ra rằng Giáo hội cần được cải cách. Nhưng cha cũng tin rằng một cuộc cải cách như thế chỉ có thể đạt được nếu trước hết hàng giáo sĩ được canh tân. Hãy thanh tẩy các mục tử, rồi đàn chiên sẽ được thanh tẩy theo sau. Vì thế, Cha Olier mời một nhóm bạn trẻ tham gia với ngài ở giáo xứ St. Sulpice, nơi ngài làm cha sở. Ngài tin rằng việc đào tạo linh mục tốt nhất đến từ hàng linh mục mẫu mực. Các cố gắng của ngài đã đem lại thành công hầu như ngay lập tức, và chỉ ít lâu sau đó ngài cần có một trung tâm hay chủng viện tách biệt để đào tạo các bạn trẻ đến để đáp lại tiếng gọi trở thành linh mục. Qua dòng thời gian, kiểu thức đào tạo linh mục của Xuân Bích phổ biến trên khắp nước Pháp và lan ra nước ngoài, gồm cả Canada (1657) và Hoa Kỳ (1791).
Trong bối cảnh này, lý do Cha Olier cần một bức họa Lễ Hiện Xuống trở nên sáng tỏ hơn. Về mặt thần học, Lễ Hiện Xuống tượng trưng cho một cuộc tái sinh thực sự của cộng đoàn các môn đệ. Ban đầu, sau cái chết thập giá và sự phục sinh của Đức Giêsu, các Tông Đồ và các bạn hữu đã trốn tránh vì sợ hãi. Sợ rằng số phận của mình cũng giống với số phận của Đức Giêsu, họ ẩn nấp, phớt lơ tiếng gọi thi hành sứ mạng tông đồ cho đến tận cùng thế giới mà Đức Giêsu đã ủy trao cho họ. Và Lễ Hiện Xuống đã thay đổi tất cả. Thiên Chúa đã sai Thánh Thần đến với các Tông Đồ, đốt nóng họ. Họ lấy lại sự can đảm và – được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và được tràn đầy ân sủng Thiên Chúa – họ mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ đích thực của thế giới.
Cha Olier, rất quen thuộc và nhiệt thành với Thánh Kinh xét như Lời của Thiên Chúa, tin rằng Giáo hội ở thời của ngài rất cần một Lễ Hiện Xuống mới. Khi nhìn qua cách mô tả khung cảnh độc đáo của Le Brun, người ta ấn tượng với hai điều. Một là, các Tông Đồ cũng được vây quanh bởi những người khác nữa, nhiều người trong đó là phụ nữ. Thật vậy, ở trung tâm của bức tranh là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, sự hiện diện của Mẹ được khắc họa nổi bật. Olier, cũng như nhiều thành viên khác của “Trường phái Pháp”, có một lòng sùng mộ sâu sắc dành cho Đức Maria, lòng sùng mộ này đã trở thành một nét truyền thống của linh đạo Xuân Bích. Bức tranh của Le Brun đã tinh tế chuyển đạt một sự thật căn bản rằng nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần không chỉ được ban cho các Tông Đồ, mà đó còn là một quà tặng cho toàn Giáo hội. Quan trọng hơn nữa, đó là việc nhận hiểu rằng chính Đức Maria, nhất là như được sách Tin Mừng Luca và sách Công Vụ phác họa, là một kiểu mẫu nổi bật của người môn đệ Đức Giêsu, Con của Mẹ. Maria là người sống tinh thần môn đệ, vì Mẹ vừa “nghe” vừa “thực hành” Lời của Thiên Chúa (Lc 8,21; xem thêm 1,38). Còn sách Công Vụ thì đặt Đức Maria ở giữa các môn đệ trong ngày Lễ Hiện Xuống (Cv 1,14).
Một nét ấn tượng thứ hai là sự mô tả các hình lưỡi lửa theo nghĩa đen nhưng tách biệt nhau, đậu trên những ai tập trung trong Căn Gác Thượng ấy. Là biểu tượng của sự linh hứng, tràn đầy sự sốt nóng và được canh tân với sức mạnh, lửa tượng trưng cho một cuộc sinh hạ mới, một năng lực trao ban, một ơn can đảm dư tràn để cất bước trong sứ mạng đến khắp cùng thế giới mà Đức Giêsu đã mời gọi các Tông Đồ. Lễ Hiện Xuống vì thế luôn luôn là một cuộc khai sinh mới, một sự khởi đầu mới.
Tuy nhiên, sự khắc họa khung cảnh Lễ Hiện Xuống này còn giấu ẩn một sự thật tinh tế hơn nữa vốn đã được nhận biết bởi người xưa – đó là, khả năng tăng lực của lửa.[1] Hai trích dẫn Thánh Kinh (một từ Cựu Ước, một từ Tân Ước) ở đầu phần giới thiệu này diễn tả nhận thức ta đang đề cập ở đây. Lửa được biết là có khả năng tinh lọc và làm cứng chắc kim loại. Lửa có thể tôi luyện các kim loại và làm cho chúng chịu được những sức nén lớn và đạt được mục đích của chúng cách tốt hơn. Kim loại được làm cho chắc hơn nhờ lửa. Vì thế, lửa trở thành một hình ảnh nổi bật diễn tả việc củng cố đức tin qua các cơn thử thách. Đối với các Kitô hữu sơ khai, sự bách hại, đau khổ, tình trạng bị loại trừ, bị nhạo báng … tất cả giống như được khuôn đúc bằng ngọn lửa. Đức tin của họ dẫn họ tới chỗ nhận biết rằng lửa không phải luôn luôn hủy diệt. Đôi khi lửa làm cho người ta vững mạnh hơn.
Dù chúng ta không thể ngây thơ so sánh linh mục vào thế kỷ 17 với linh mục của thế kỷ 21 trong tất cả mọi chi tiết, nhưng tôi tin rằng có một sự tương tự mà chúng ta không thể không lưu ý đến. Cũng như tình hình hồi thế kỷ 17, chúng ta hiện nay đang sống trong một thời đại mà hình ảnh linh mục phải chịu một vấn đề nghiêm trọng. Dù các nguyên nhân và các trường hợp không hoàn toàn giống nhau, chức linh mục ở hai thời kỳ đều trải qua một cuộc tôi luyện thật triệt để.
Khi nghĩ đến hàng linh mục vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, người ta thấy cái thách đố sừng sững nhất đến từ tai tiếng lạm dụng tình dục và những suy đồi luân lý nghiêm trọng khác nơi hàng giáo sĩ. Hàng linh mục đã được kiểm nghiệm ác liệt bằng những cách không ngờ ngay sau thời Công đồng Vatican II. Những tai tiếng nổi lên vào năm 2002, và tiếp tục gây ồn ào trên các châu lục khác nhau, đã đặt hàng linh mục vào vị thế bị săm soi cách gay gắt. Ta không cần phải phủ nhận thực tế này hay tìm cách che lấp nó. Một số linh mục đã thất bại cách thảm hại trong việc chu toàn các nhiệm vụ của mình trong tư cách là những mục tử, những tôi tớ trung thành của Thiên Chúa và của Dân Ngài. Thật vậy, Đức Biển Đức XVI đã cố lưu ý chúng ta về thực tế này trong rất nhiều phát biểu của ngài trong cương vị giáo hoàng. Một bài phát biểu mới đây khá dài và rất thẳng thắn của vị giáo hoàng thiết tưởng rất đáng được dẫn lại ở đây.
Trong lời chúc mừng Giáng Sinh theo thông lệ nói với các thành viên giáo triều Rôma vào ngày 20 tháng 12 năm 2010, Đức giáo hoàng nhắc đến một thị kiến của Thánh Hildegard Bingen (1098-1179),[2] một trong những nhà thần bí mà ngài yêu thích. Trong một thị kiến thần nhiệm được kể lại vào năm 1170, Hildegard mô tả hình ảnh của một phụ nữ xinh đẹp, trong y phục trang trọng, đã hiện ra với mình. Tuy nhiên, y phục của người phụ nữ này bị rách bươm và có những vết ố. Hildegard thuật lại lời của người phụ nữ ấy nói với mình như sau:
“Ta được ẩn giấu trong trái tim của Chúa Cha cho đến khi Con Người, Đấng được cưu mang và sinh hạ bởi cung lòng trinh khiết, đổ máu mình ra. Với của hồi môn là chính máu ấy, Ngài đã đính hôn với ta. Các vết thương nơi Lang quân của ta vẫn còn mở toang hoác và tươi rói bao lâu các vết thương của tội lỗi con người vẫn còn tiếp tục phơi bày. Và các vết thương của Đức Kitô vẫn toang hoác do bởi tội lỗi của các linh mục. Họ xé toạc áo choàng của ta, vì họ chà đạp Lề Luật, chà đạp Tin Mừng, và chà đạp chính chức linh mục của họ; họ làm hoen ố áo của ta qua việc gạt bỏ, bằng mọi cách, những chỉ thị của ta mà đáng lẽ họ phải tuân giữ; giày của ta cũng bị làm hoen ố, vì các linh mục không đi trên những nẻo đường ngay thẳng của công lý – vốn là những nẻo đường gồ ghề chông gai – và họ cũng không nêu gương tốt cho những người được trao phó cho họ. Dù sao, nơi một số linh mục ta vẫn gặp thấy hương thơm của sự thật.”
Rồi một tiếng nói từ trời giải thích cho Hildegard ý nghĩa của hình ảnh người phụ nữ ấy:
“Hình ảnh ấy tượng trưng cho Giáo hội. Vì thế, bởi con đã nhìn thấy tất cả những điều ấy và đã lắng nghe những lời than vãn, con hãy công bố cho các linh mục là những người có sứ mệnh dẫn dắt và chỉ bảo dân Thiên Chúa, và là những người – cũng như các Tông Đồ – đã nhận lệnh truyền phải đi đến tứ phương thiên hạ và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Quả là một thị kiến đầy ấn tượng. Hình ảnh các linh mục vừa rất bết bát vừa được trân trọng. Đức giáo hoàng đã tinh tế nhìn thấy nơi thị kiến này một cái gì rất tương ứng với thời của chúng ta. Ngài diễn tả:
Trong thị kiến của Thánh Hildegard, khuôn mặt của Giáo hội bị bôi bẩn, và đây là điều ta đang nhìn thấy. Tấm áo của Giáo hội bị xé rách – bởi tội lỗi của các linh mục. Cách mà vị thánh nữ này nhìn thấy và diễn tả điều đó cũng là cách mà chính chúng ta kinh nghiệm trong năm nay. Chúng ta phải chấp nhận sự xấu hổ này như một bài học giúp ta hiểu sự thật và một tiếng gọi mời canh tân. Chỉ sự thật mới cứu được chúng ta. Chúng ta phải tự hỏi mình phải làm gì để sửa chữa hết sức có thể những sai trái đã xảy ra. Chúng ta phải tự hỏi điều gì trục trặc trong hoạt động rao giảng của chúng ta, trong toàn bộ cách sống đạo của chúng ta, đến nỗi đưa đến một tình hình như thế. Chúng ta phải đạt tới một lòng kiên định mới trong đức tin và trong việc thi hành điều thiện. Chúng ta phải có khả năng ăn năn thống hối. Chúng ta phải quyết tâm cố gắng hết sức trong công tác đào tạo linh mục để không cho phép bất cứ điều gì tương tự tái diễn.
Tôi thấy cả thị kiến của Hildegard lẫn những lời của Đức Thánh Cha đều đầy sức khích lệ. Cả hai đều thẳng thắn và khiêm tốn nhìn nhận những tai hại gây ra bởi tội lỗi của một số linh mục, nhưng cả hai đều không bị chìm trong thất vọng. Nhiều lần trong lịch sử, Giáo hội đã bị bôi bác cách trầm trọng bởi những hành động khủng khiếp của một số vị lãnh đạo của mình. Nhưng không phải mọi sự đều hỏng cả, mặc dù Giáo hội dứt khoát phải làm mọi sự để bảo đảm rằng những điều xấu xa như thế phải được loại trừ ra khỏi hàng linh mục. Cách riêng, bất cứ sự lạm dụng nào đối với con chiên, nhất là những “con chiên nhỏ” được ủy thác cho mình coi sóc, không bao giờ có thể được dung túng. Chúng ta phải bảo đảm rằng điều đó không bao giờ xảy ra lần nữa.[3]
Hình ảnh của hàng linh mục ngày nay bị hoen ố cũng y như, nếu không nói là tệ hại hơn, bất cứ thời nào trước đây. Hình ảnh ấy cần được sửa chữa cách nghiêm túc. Một số linh mục và một số giám mục đã gây thiệt hại không thể sửa chữa được cho các nạn nhân bị lạm dụng. Hơn nữa, đã có những tiết lộ khác nhau về những sai phạm liên quan tới tài chánh và về tình trạng vô trách nhiệm của một số giáo sĩ. Nhưng không nhất thiết phải xem đây như là hồi chuông báo tử của một cơ chế cũ kỹ lỗi thời. Trái lại, Đức Biển Đức XVI nhận định rõ rằng đây là một tiếng kèn thúc giục đổi mới. Đó cũng là một trát lệnh đòi phải thanh luyện toàn diện. Đây là một thời khắc kiểm tra ráo riết. Chúng ta đang được thử bằng lửa. Chúng ta cũng đang được tạo lập lại, để có thể trở thành những mục tử tốt hơn cho đoàn chiên mà mình được ủy thác chăm sóc. Đây là một cơ hội để hàng linh mục được tẩy rửa, được phục hồi và trở nên vững mạnh hơn. Đối với cộng đoàn tín hữu, tâm tình của sách Huấn Ca và của Thư thứ nhất Thánh Phêrô đang được cảm nghiệm cách tinh ròng như thuở nào. Như vàng được thử luyện trong lửa, hàng linh mục có thể trở nên vững chắc hơn, trung tín hơn, và được canh tân toàn triệt hơn nhờ giai đoạn thử thách khắc nghiệt này.
Trong tư cách là một thành viên Xuân Bích và là một linh mục giáo phận, niềm tin của tôi vào hàng linh mục không bị rúng chuyển bởi những biến cố của hai mươi năm vừa qua. Thật thú vị là sức hấp dẫn của ơn gọi linh mục không hề suy giảm cách bất thường sau những tai tiếng vừa qua. Mặc dù tôi cũng từng bức xúc, xấu hổ và bị sốc bởi sự lan tràn của đủ thứ ứng xử vô luân và tội ác của một số linh mục[4] (và ngay cả một số giám mục), tôi cũng hiểu về bản tính mỏng dòn của con người linh mục chúng ta. Thực tế là chúng ta phải chịu hầu như mọi loại lệch lạc của con người. Tuy nhiên điều này không biện minh cho những cách ứng xử ấy và cũng không làm giảm nhẹ các hậu quả của chúng. Điều đó cũng không biện minh cho sự lấp liếm của các thẩm quyền Giáo hội là cái vốn gây thêm tai tiếng và làm người ta nản lòng. Nhưng tất cả những điều này cho thấy rõ nhu cầu cần canh tân và cần ơn hoán cải trong đời sống của các linh mục và các chủng sinh.
Vì thế chúng ta trở lại với Lễ Hiện Xuống. Chúng ta cần mở lòng mình ra lần nữa để đón nhận Thánh Thần và đón nhận ngọn lửa đổi mới. Lễ Hiện Xuống không phải là một biến cố chỉ xảy ra có một lần, cũng như sự hoán cải không thể giới hạn ở nơi một biến cố xảy ra một lần thay cho tất cả.[5] Tôi hy vọng rằng những chương sách này có thể đóng góp cho cuộc canh tân hàng linh mục trong thời chúng ta để hỗ trợ cho tiến trình không ngừng chứng minh sức mạnh của hàng linh mục thông qua cuộc “thử lửa”. Chúng ta cầu xin được món quà Thánh Thần một lần nữa được ban xuống trên tất cả các linh mục (và chủng sinh) để củng cố và hướng dẫn chúng ta một lần nữa trên những nẻo đường ngay thẳng và chân thật. Chịu thử thách bằng lửa không phải là điều dễ dàng. Chúng ta sẽ thực sự bị bỏng rát và có lẽ ngay cả chịu xấu hổ. Nhưng các kết quả có thể đem tới một cuộc tái sinh. Như điều đã xảy ra ở Lễ Hiện Xuống đầu tiên hay vào thời Cải Cách Tin Lành, những thử thách đã đem đến sự canh tân và chuyển hóa, vì thế tôi tin rằng chúng ta có thể thúc đẩy một cuộc canh tân hữu hiệu và tràn đầy sức sống như đã từng xảy ra trong lịch sử Giáo hội.
=================
MỤC LỤC
– Lời tựa ………………………………………… 3
– Tri ân …………………………………………. 7
– Lời giới thiệu ………………………………….. 10
– Chương 1: Linh mục trong tư cách là mục tử ….. 22
– Chương 2: Sứ vụ linh mục trong ánh sáng của
các thư Phaolô …………………….. 43
– Chương 3: Nguồn gốc Thánh Kinh và giáo phụ
của sứ vụ lãnh đạo ……………….. 77
– Chương 4: Chức linh mục:
Đóng góp của Thư Do thái ………. 110
– Chương 5: Một linh đạo độc thân
theo Thánh Kinh …………………… 140
– Chương 6: Hình ảnh “hoạn nhân vì Nước Trời”
có nghĩa gì? ………………………. 163
– Chương 7: Linh mục xét như nhà thơ:
Hình dung lại chức linh mục ………. 184
– Chương 8: Linh mục là người khôn ngoan: Khôi phục
lại một mẫu thức bị quên lãng ……… 208
– Chương 9: Linh mục là thầy dạy: Đánh giá lại một
vai trò quen thuộc ……………….. 226
– Chương 10: Vai trò của việc học hỏi Thánh Kinh
trong sứ vụ linh mục …………….. 254
– Chương 11: Thường huấn linh mục:
Tùy chọn hay thiết yếu? ………….. 278
– Chương 12: Tình trạng lão hóa của hàng giáo sĩ:
một nhãn giới Mục vụ – Thánh Kinh … 299
– Lời bạt ………………………………………… 324
– Thư mục chọn lọc về chức linh mục Công giáo … 332
– Về bản dịch Việt ngữ ………………………….. 338
[1] Những bản văn Thánh Kinh khác đề cập cùng đề tài gồm có Dcr 13,8-9; Cn 17,3; 27,21; Kn 3,5-7; Ml 3,2-3; Kh 3,18.
[2] Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI dịp mừng lễ Giáng Sinh với giáo triều Rôma (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 2010). Những trích dẫn tiếp theo sau được lấy từ nguồn này. Nội dung tham chiếu thị kiến của Thánh Hildegard được sử dụng trong bản văn của Đức Thánh Cha là Thư gửi Werner von Kirchheim và Cộng đoàn Linh mục của ngài: PL 197, 269tt.
[3] Một yếu tố làm hại cho những nỗ lực đáng khen của Giáo hội trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục, đó là việc công chúng thiếu tín nhiệm đối với các giám mục chỉ thuyên chuyển các linh mục lạm dụng trẻ em lòng vòng từ nơi này đến nơi khác. Đáng tiếc là trong cái nhìn của công luận, điều này che lấp những kết quả tích cực đạt được kể từ giữa thập niên 1980. Một dấu hiệu tiến bộ tích cực trên bình diện quốc tế, đó là việc công bố triệu tập một hội nghị bởi Đại học Gregorian ở Rôma, với sự hỗ trợ của Tòa Thánh, từ ngày 6 – 9, tháng 2, năm 2012, để thảo luận về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Với tên gọi “Hướng đến sự chữa trị và đổi mới”, hội nghị này sẽ qui tụ các chuyên viên từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới, cùng với các giám mục và các bề trên dòng tu, để kiếm tìm những cách thế thay đổi lối ứng xử của Giáo hội Công giáo đối với các vụ lạm dụng tình dục. Người ta hy vọng đây sẽ là một bước quan trọng với đầy triển vọng.
[4] Khẳng định này dựa trên nghiên cứu của trường John Jay được thực hiện theo yêu cầu của các giám mục Mỹ để khảo sát các trường hợp linh mục xâm hại trẻ em từ năm 1950 đến 2002. Đây là nghiên cứu duy nhất thuộc loại này đã từng được thực hiện trên thế giới. Đành rằng ngay cả dù chỉ một vụ linh mục lạm dụng trẻ em cũng là điều không thể chấp nhận, thì các chứng cứ của nghiên cứu này vẫn cho thấy rằng các linh mục không dễ rơi vào sai phạm này hơn bất cứ người đàn ông nào khác nói chung. Xem: The Nature and Scope of the Problem of Sexual Abuse of Minors by Catholic Priests and Deacons in the United States (John Jay College of Criminal Justice, 2004), có sẵn trên mạng tại địa chỉ http://www.usccb.org/nrb/johnjaystudy/. Một nghiên cứu sau đó về các nguyên nhân của khủng hoảng lạm dụng tình dục được xuất bản vào giữa năm 2011 cũng xác nhận sự nhận định này. Xem: The Causes and Context of Sexual Abuse of Minors by Catholic Priests in the United States, 1950-2010 (John Jay College of Criminal Justice, 2011), cũng có sẵn trên mạng tại địa chỉhttp://www.usccb.org/mr/causes-and-context.shtml. Các nhà phê bình của cả hai nghiên cứu đã nêu các chất vấn về một số khẳng định, về phương pháp, và về những kết luận của cả hai nghiên cứu này, tuy nhiên dường như không tồn tại nghiên cứu nào khác để so sánh, do đó những nghiên cứu này vẫn là nguồn thông tin có thẩm quyền nhất hiện nay.
[5] Một sự hiểu lầm khá phổ biến về sự hoán cải theo nghĩa Thánh Kinh, đó là cho rằng hoán cải là sự kiện xảy ra một lần cho tất cả. Điều này không đúng. Xem: Ronald. D. Witherup, Conversion in the New Testament (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1994).
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN
- ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG
- 62 LINH MỤC LỚN TUỔI BỊ LỪA GẠT: MỘT VỤ “LỪA ĐẢO TỪ THIỆN” PHI THƯỜNG TRƯỚC TÒA ÁN
- TẠI JAKARTA, ĐỨC PHANXICÔ CẢM ƠN CÁC GIÁO LÝ VIÊN: “CÁC CON LÀ SỨC MẠNH CỦA GIÁO HỘI”
- ĐỨC PHANXICÔ KHUYẾN KHÍCH GIÁO HỘI INDONESIA SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ LÒNG TRẮC ẨN
- ĐỨC PHANXICÔ: ĐỜI SỐNG TU TRÌ LÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN TRONG SỰ THÁNH THIỆN
- LÀM THẾ NÀO ĐÁNH THỨC ƠN GỌI TU TRÌ TRONG CÁC GIA ĐÌNH?
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG TRONG ĐÀO TẠO
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI CÁC CHỦNG SINH: “XIN CHÚA UỐN NẮN TRÁI TIM CÁC CON THEO TRÁI TIM CỦA NGƯỜI”