SUY NIỆM LỜI NGÀI CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B

Written by xbvn on Tháng Một 24th, 2015. Posted in Mai Tá, Năm B

“Gió thổi hôm nay lá rụng nhiều,”

“Cây em đan hộ tấm tình yêu
Để về mang ủ lòng anh lạnh,
Cho khoảng đêm trường đỡ quạnh hiu.”

(Dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

Mc 1: 14-20

Nhà thơ ưu tư nhiều, về người em đan áo lạnh. Đan áo cho đêm trường khỏi quạnh hiu. Nhà Đạo ít bận tâm, về đáp ứng lời gọi mời, vẫn từ lâu.

Trình thuật hôm nay, thánh Máccô kể về lời Chúa gọi mời, có thử thách. Về, cả những đáp ứng của muôn dân thiên hạ, đã dửng dưng. Tin Mừng nay được viết, ngay sau khi Đức Chúa chịu thanh tẩy bên bờ sông Gióc-đan. Thanh Tẩy Chúa, có Ngôi Cha hỗ trợ. Có cả, Thần Linh Chúa ở cùng với Đức Giê-su.

Thánh Gio-an Tẩy Giả đã bị bọn xấu bắt giữ, nên thánh nhân đã “trao ban – phó nộp” vào lúc Đức Giê-su đi đến gặp ông. Đúng theo ngôn từ ta sử dụng trong thánh lễ, lúc vị chủ tế dâng Mình Thánh: “Này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con.” Trao ban – phó nộp, mang ý nghĩa Chúa khởi đầu cuộc đời công khai rao giảng, cho người đời.

Cuộc đời Ngài, tóm gọn vào hai giòng chữ, rất rõ ràng: “Thời buổi đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1: 15). Quả thật, toàn bộ tín thư Tin Mừng tóm gọn ở hai mệnh đề này. Đó, chính là mục tiêu Chúa đến với nhân trần. Và, ta đáp ứng việc ấy ra sao.

Thời buổi đã mãn, là Đấng Mêsia, Vua Cứu Độ, nay đã đến. Cũng thế, Vương Quốc Nước Trời, như Triều đại/ngai vàng của Chúa nay gần kề. “Vương quốc” Ngài, không là nơi chốn địa dư không gian, mà là mạng lưới tương quan. Và, ai tuỳ thuộc “mạng”, là người chấp nhận thị kiến sống do Đức Giê-su ban bố, cho mọi người. Tức, cuộc sống của những ai đặt căn bản trên thị kiến ấy. Chẳng cần biết người ấy là ai; họ ở đâu. Mạng tương quan, đang hiện hữu ở đây. Lúc này. Vương quốc của Ngài rộng hơn Hội thánh. Vẫn được gọi, là bảng hiệu chỉ rõ Vương Quốc Đức Chúa, hiện diện ở gian trần.

Làm cách nào vào được Vương quốc ấy? “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”. Ở bài đọc 1, tiên tri Giôna rao giảng về việc sám hối, chuyển đến dân chúng chốn thị thành ở Ninivê. Trái hẳn điều ông kỳ vọng, dân ngoại ở đây “đã biết tin vào Đức Chúa” và “họ đã bỏ đường gian ác mà trở về”. 

Ở đây, cụm từ “sám hối” mang ý nghĩa còn mạnh hơn cả việc hối hận những lỗi phạm thời đã qua. Nó đòi hỏi một chuyển đổi tận thâm căn (người Hy Lạp gọi là Metanoia). Thay đổi định hướng. Đổi thay mọi ưu tiên trong đời mình. Thay, là thay cái cũ, để đi tới cái mới.

Điều thay đổi, là TIN VÀO Tin Mừng. Là, không chỉ chấp nhận rằng: những điều Chúa dạy bảo hoặc Giáo hội nhủ khuyên, đều đúng thật, thôi. TIN VÀO, còn đòi phải có quyết tâm, rất trọn vẹn. Quyết, rũ bỏ nhiều điều của chính mình như hai người thề hứa lúc kết hôn: quyết ở với nhau cả khi hạnh phúc cùng lúc gian nan. Cả, điều xấu lẫn cái tốt.

Phần hai của trình thuật, trưng dẫn đáp ứng đầu tiên với lời mời và gọi. Có 4 vị chài lưới, đã được bảo: “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành kẻ lưới người như lưới cá.” Ngay lúc ấy, Phêrô, Anrê bỏ chài bỏ lưới (tức bỏ cuộc sống cũ xưa) lập tức đi theo Ngài. Cũng thế, bỏ cha đẻ của mình ở lại, hai anh em nhà Zêbêđê là: Gioan và Gia-cô-bê đã ra đi, theo chân Chúa.

Theo chân Chúa, là trọn vẹn đặt tin tưởng và trao ban chính con người mình, cho Chúa. Thật ra, các vị thuộc lớp dân chài này, chỉ nghe thoe tiếng mời gọi, chứ đâu biết mình sẽ đi đâu. Cũng chẳng biết tương lai của mình, sẽ ra sao. Đấy, chính là sự tin tưởng lớn lao vào Con Người, đến từ mây xanh. Lại, đã đi vào cuộc đời mình. Đã đổi thay chính mình, để mình bỏ lại đằng sau tất cả sự an toàn, bỏ tất cả. Thật sự, thì quý vị ấy cũng đã ngang qua nhiều kinh nghiệm, vui cũng có. Khổ, cũng có.

Các anh sẽ thành những kẻ lưới người, là tiếp tục hành động cao cả, mà Thầy đem đến cho mọi người. Cao cả, là đường lối mới để sống. Sống chân thật. Sống trong tin yêu, tự do và công chính. Và, các ngài đã tạo cho mình nhiều kinh nghiệm thăng hoa mọi ước ao, mình vẫn có.

Lời gọi mời Chúa đưa ra, vẫn tiếp tục được gửi đến với mỗi người, trong chúng ta. Ta có sẵn sàng đáp trả? Có bước theo chân Ngài hay không, đó chính là vấn đề. Và, vấn đề còn đó, là hỏi rằng mạng lưới nào đang bủa rộng/giam giữ chúng ta? Lưới nào, hạn chế tự do có quyết tâm, của chính ta? Tương quan nào đang làm cản trở đường ta đang đi? Lo âu nào khiến ta khắc khoải? Tham vọng? Vị kỷ?

Bài đọc 2, thánh Phao-lô hôm nay nhắn nhủ giáo đoàn Corinthô hãy sống hoàn toàn tự do, và rũ bỏ. Rũ bỏ, là bởi những gì ta sở hữu, dù là vật chất hay của riêng ta dính bén, đều không mang tính trường cửu. Vẫn có thể, biến mất trong nháy mắt, chẳng báo trước. Cuộc sống dù đẹp, dù chỉ lan man tàn tàn, cũng chẳng tổn tại, lâu dài. Trừ phi, đó là giá trị căn bản của sự thật. Của tình yêu đích thực, của tự do và công lý. Giá trị chăng, chẳng phải do cái mình có. Mà là, bản chất của chính mình.

Bởi thế nên, hôm nay bà con ta hãy cầu và mong sao mình nghe được lời gọi mời, rất rõ. Mong và cầu, để mình có sự do, mà theo Ngài. Tự do, để nghe theo tiếng gọi mời, âu yếm ấy. Nghe, để lúc nào cũng sẵn sàng ra đi. Đi đến bất cứ nơi nào Chúa mời mình, đặt chân đến.

Trong tư thế sẵn sàng lắng nghe, ta cứ hân hoan lên, mà vui hát. Hát rằng:

 “Này người yêu anh ơi!

Cho anh nồng ấm cuộc đời

Hoa thơm có ánh mặt trời

Ôi núi mừng – vì mây đến rồi!

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Yêu nhau mình đưa nhau tới

Bước nhẹ – và nói bên môi

Nói cho vừa … mình anh nghe thôi!” 

(Nguyễn Đức Quang – Bên kia sông)

 Nồng ấm cuộc đời, Ngài vẫn gọi. Gọi và nghe, là tư thế của cuộc đời. Một đời, có gió thổi. Có, mây trôi nhiều lá rụng. Một đời, có “em đan hộ tấm tình yêu, để về mang ủ lòng anh lạnh”. Một đời, quyết nghe theo Lời Chúa, để “đêm trường đỡ quạnh hiu.”

Lm Frank Doyle sj

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30