CHUYỆN PHIẾM ĐỌC TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Written by xbvn on Tháng Tư 1st, 2015. Posted in Mai Tá

“Vương sầu nơi nao, ý thắm tàn mau”,
Chưa nguôi yêu dấu, mắt đã hoen mầu thương đau.
Khóc lúc đêm thâu.
Ôi tiếng lòng lơ láo, đón làn nước mắt ngày nào.”

(Nhạc Chopin: Tristesse – Lời Việt: Phạm Duy: Sầu)

            (2 Cor  2:7, 14)

 Nhạc Chopin hay là thế, mà sao người viết lời Việt lại đặt tên là “Sầu”, nghe cũng rầu. Nhạc rất tuyệt, lời lẽ tình tứ chứ nào có nghĩa sầu đau hay sầu mộng đâu. Không tin ư? Vậy thì, mời bạn/mời tôi, ta nghe thêm ý nhạc có tình-tiết rất như sau:

 “Khúc tình đầu, hẹn về sau.
Lắng về môi xưa, bỗng thấy buồn đưa.
Xa xôi là nhớ, lúc duyên ra đời trong mơ.
Tiếng hát đương tơ,
Ta muốn níu em về với dòng châu.
Ta hướng hết u sầu đến đời sau,
Ta muốn tìm mau tới cõi nào nương náu.
Cho ta vừng sao, giá băng như niềm đau.
Xót xa như tình mới,
(Khóc cười cho)
Tâm hồn lên khơi,
Sẽ thấy sầu nguôi.
Cho ta tìm tới kiếp vô biên chẳng tàn phai
Cất tiếng qua đời.”

(Sầu/Tristesse – bđd)

 Vẫn biết rằng: hễ cứ “sầu” thì phải như thế! Như thế, tức: sự thể nghe ra cũng sầu mà không buồn. Và, chẳng rầu đến nỗi nào đâu. Xem như thế, tức: sự thể bạn và tôi đây tuy vẫn nghe, nhưng đừng nên mường tượng rằng đó chính là mối sầu buồn, ở đời, đến với người.

Ừ thôi. Không tin hoặc không chịu tin, thì bạn và tôi, ta cứ lặng nhìn đời ở câu kết, sẽ thấy:

 “Ta sẽ thoát linh hồn giữa nẻo xa.
Ta hoá kiếp nên lời hát bài thơ.
Ta biến thành tâm tư mối tình tan vỡ.
Cho ta thành mơ,
Sống yên trong nghìn thu.
(Sầu/Tristesse – bđd)

 Thế mới biết, nên phát khiếp. Khiếp, là bởi: “Thoát linh-hồn giữa nẻo xa”, tựa hồ tình-tiết của những vị từng “kinh”-qua giai-đoạn sầu/buồn, ở đời.

Thế mới khiếp, nên đã biết: đời người không chỉ mỗi chuỗi ngày đớn đau/sầu buồn, rất lã chã. Thế mới tường, còn là chuỗi ngày có vui và có buồn như ngày-dài-cuộc-đời mà người người người từng trải qua cơn binh-biến, nhưng vẫn bình an, tươi vui.

Tươi và vui, như lập-trường của người viết ở dưới đây:

 “Sống phù hợp Đạo Chúa, người Công giáo vẫn hay hát. Hát cả khi vui, lẫn lúc buồn. “Hát là cầu nguyện, những hai lần”. Người nhà Đạo hát rất chăm. Suy tư rất nhiều. Có những bài ca làm tỉnh giấc nồng, như bài hát ở các xứ đạo nói tiếng Anh lại vẫn ca những lời như: “How Great Thou Art”, nghe chưa chuẩn cho lắm. Chí ít, là tiểu khúc, ở câu 3 qua đó tác giả lại vẫn dẫn ý rằng: “Hân hoan tình Chúa rất bao la, chẳng ngại hồn đau vẫn cứ là. Là, Con Một Hiền lành theo cõi chết, Ôm trọn tội người, trọn ý Cha.”

 Vâng, tiểu khúc trên, dù có mang cả một truyền-thống ý-nghĩa thế nào đó, lại vẫn coi cái chết của Đức Kitô, như một hành-động chuộc lại những tội và lỗi, do Cha muốn.

 Nhận định như thế, tức bảo rằng: khổ đau và sự chết của Đức Giêsu là giá “chuộc mạng” mà Ngài quyết thanh-trả cho bọn xấu, để ta chia-sẻ sự sống với Cha. Như một chọn lựa rất đúng, cái chết của Đức Giêsu phải được coi như hành-động duy-nhất làm Cha nguôi giận về tội thờ ơ của con người. Chính vì thế, nên Cha vẫn thương-yêu loài người như trước.

 Nhạc ướt át như thế, đôi lúc cũng làm ta hãi sợ. Có sợ hãi, nên mới kiểm-tra xem lời ca/ý nhạc, có hợp và chuẩn với thần-học ta nghe dạy, hay không. Một đằng, thần-học nhà Đạo vẫn khẳng định rằng: tình thương-yêu đặc-biệt Chúa tặng ban, lại vẫn cao sang vời vợi. Tình yêu Ngài, còn diễn tiến qua mọi thăng trầm cuộc sống, khi vui cũng như lúc buồn, mới đúng.

 Đằng khác, khi ca hát, ta thường kể nhiều về nỗi khó, buồn phiền được Chúa gánh chịu. Xem như thế, há chẳng phải ta vẫn chủ trương rằng: Đấng Tạo Hoá đầy lòng bao-dung, cứ đẩy Người Con Thân Yêu của Ngài vào nỗi chết tủi nhục sao? Há ta lại coi đây như phương-cách có-một-không-hai khiến Ngài hài lòng, hay sao? (xem Lm Richard Leonard sj, Suy Tư ngày Lễ Lá năm B  www.suyniemloingai.blogspot.com 29/3/15)

 Nhạc “Sầu” cho người yêu dấu, đôi lúc làm người nghe liên-tưởng đến tình-huống sống Đạo của những người quyết theo Chúa phải suy-tư, nghĩ-ngợi. Nhiều lúc/nhiều khi, còn lung lay/bối rối, nên mới thực-hiện cuộc sống thật rất khác. Khác, như nhận-định của vị linh-mục dẫn ở trên, nay tiếp tục nhận-định:

 “Đời sống đức tin của người đi Đạo, đôi lúc làm ta xa vời niềm tin đích thực, lâu nay được nhắc nhớ, rằng: Đức Chúa ở trên cao vẫn thương-yêu hết mọi người, dù con người lầm lỡ, lỗi phạm nhiều mấy đi nữa.

 Ngày nay, ta nghe nhiều về các nạn nhân, không còn chọn lựa nào khác, đã rơi vào bẫy cạm của lỗi phạm. Thật ra, nhiều trường hợp, việc ấy không phải do họ mà ra. Nhưng, do người khác đối xử với họ không theo “phép” Đạo. Người khác, là những người có tự do trong đối xử rất “khác người” một cách lạ kỳ, buồn bã hay rất “Sầu”? Người khác đây, lại có thể là người biết nhiều, hiểu nhiều.

 Nhưng, đứng từ góc cạnh nào đó, ta sẽ cùng với “người khác” ấy, biểu đồng tình và cho rằng: Đức Kitô là nạn-nhân của thánh ý Cha khi Ngài chấp-nhận đau khổ và cái chết. Hiểu như thế, tức bảo rằng: Cha vẫn muốn Con Một Ngài phải hy-sinh. Vẫn muốn Con chuộc mạng, để đổi chác tội-phạm của con người, hòng tha thứ cho họ, sao?

 Hiểu như thế, sẽ kéo theo ngộ-nhận mà bảo rằng: mình là nạn-nhân của Đức Chúa, cũng không chừng. Giả Cha muốn Đức Kitô phải chịu khổ-đau và chết-chóc, thì về phía ta sao cứ buồn khi lĩnh-nhận đau-khổ tưởng-chừng-như-quá-nặng?

 Suy-tư như thế này, sẽ tạo thêm nghi ngờ rằng: bài Thương khó thánh Mác-cô ghi, có thể đã nhấn mạnh lên tính miễn-cưỡng/bó buộc của Đức Chúa khi Ngài chấp-nhận khổ-đau/sầu buồn ư? Quả là, thánh sử có nhắc đến việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo/túi cơm. Làm bạn với bọn “phản phé”. Làm thầy những người chối-từ sự thật, bỏ của chạy lấy người, nhưng không thể hiểu như thế đưọc. Không thể theo khuynh hướng này được.

 Bằng không, sẽ có người ngờ rằng: thánh Mác-cô ám-chỉ là: Đức Chúa hoảng sợ trước cái chết ô-nhục, đang trờ tới. Và, trong chiều hướng ấy, sẽ nghĩ là: khi Ngài cất tiếng kêu “Lạy Cha!”, tức là Ngài cất lên lời tả oán cốt cứu Ngài khỏi cơn “Sầu” và muộn phiền, hay sao? Cuối cùng, hiểu theo hướng này, hẳn sẽ có người lại cứ nghĩ: Đức Giêsu đã nhận “làm theo ý Cha”, nhưng vào phút cuối, Ngài lại thấy mình như bị bỏ rơi trên thập giá, chứ? Không. Đó không là thần học của Đạo Chúa. Đó không là triết-lý của dân-gian tình người…” (x. Lm Richard Leonard sj, bđd)

 Theo như điều được đấng bậc dẫn-ở-trên lên tiếng bảo: thần-học nhà Đạo, bao giờ cũng nên suy-nghĩ cho chín-chắn, để hướng-dẫn người đi Đạo sống thực đời đi Đạo bằng những tươi vui đích-thị như ý-định Ngài tỏ-lộ cho biết.

Hệt như thế, nếu là người viết nhạc thì cũng nên cẩn trọng kẻo lại mất cả ý-nghĩa của thập-giá là: không “sầu/buồn” dù đang ở vào mùa chay kiêng/tịnh khẩu, rất Phục Sinh. Bởi, tinh-thần Phục Sinh trong suốt đời, không có nghĩa: cứ phải hát những bài “sầu/buồn” chảy nước mắt trong mùa “Tím”.

Tinh-thần Phục-sinh phải có ở những điều được bậc thày ở Úc, lại nhận-định tiếp:

 “Đọc kỹ đoạn Kinh Sách trong đó nói: Đức Chúa chấp-nhận thánh-ý của Cha tại Vườn Dầu âu-sầu, day-dứt thay vì hiểu theo hướng xấu, rồi đổ riệt mọi lỗi/tội cho Cha, có lẽ ta nên coi đây như một khẳng định, rằng: Đức Kitô vẫn một lòng chung-thủy với đường-lối Ngài tuân-thủ trong hành xử với Cha và với con người. Ngài vẫn một mực tuân-phục thánh ý của Cha. Tuân phục cho đến chết. Tuân và phục, đến độ thương-yêu con người đến hơi thở cuối.

 Có như thế, Đức Giêsu mới trấn-át được giới chức trong đạo/ngoài đời, thời bấy giờ. Ngài qui-chiếu khẳng-định nòng-cốt này, đến nỗi họ thấy không làm gì được Ngài, ngoài việc ra tay ám hại Ngài. Xem như thế, thì: qua việc chấp-nhận cái chết trong tuân-phục, Ngài hy-sinh đến phút cuối ngõ hầu chứng-tỏ cho mọi người thấy: Ngài thương yêu loài người đến mức nào.

 Điều này cho thấy: Đức Giêsu đã sống thực tư-cách “người” của Ngài. Vì trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền-lực đen tối dẫn đến nỗi chết thể xác rất nhục hơn bao giờ.

 Ngày hôm nay, có kinh qua nỗi thống-khổ của thập-giá, và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá mình phải trả, khi giáp mặt thực-trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu-cầu của “Vương Quốc Nước Trời” bình an, công chính.” (Lm Richard Leonard sj, )

 Nhận-định về nỗi “Sầu” nhè nhẹ của nhà Đạo, như đấng bậc nhà mình từng tô vẽ. Nhận-định về nỗi “Sầu” đời người, trong đó con người lại cứ hát những lời ca vẫn cứ bảo:

 Vắng tanh như đời gió.
Ðắm trong tình cũ.
Bóng ta còn nhớ.
Thiên thu sầu u.”

 (Sầu/Tristesse – bđd)

 Nhận-định như đấng bậc lành thánh ở mọi thời, còn là nhận-định rất rõ như sau:

 “Vì vậy, tốt hơn,

anh em phải tha thứ và an ủi,

kẻo người đó bị chìm đắm trong nỗi ưu phiền quá mức chăng.

Cho nên, đối với người đó,

tôi khuyên anh em

hãy đặt tình bác ái lên trên hết.”

(2Cor 2: 7)

 Thành ra, dù hát nhiều về nỗi “Sầu” của ai đó, có lẽ cũng đừng để họ và mình chìm đắm trong nỗi “Sầu” buồn “quá mức chăng”. Nhưng trái lại, người đi Đạo và sống Đạo thực, lại cứ phải thực-hiện những điều được đấng thánh hiền-lành, chủ-trương như sau:

 “Tạ ơn Thiên Chúa,

Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô,

tạ ơn Người

là Đấng đã dùng chúng tôi

mà làm cho sự nhận biết Đức Kitô,

như hương thơm,

lan toả khắp nơi.

(2 Cor 2: 14)

 Vâng. Đúng thế. Ta và người chỉ có thể tham-dự vào sự-khải-hoàn trong Đức Giêsu Kitô, mà thôi. Và tham-dự như thế, chỉ có thể cảm tạ liên-hồi về những sự và những việc Ngài làm vì tình thương-yêu người và mình, suốt mọi thời.

Vâng. Chỉ có thể hiểu nỗi “Sầu” của người đời, không là chuyện thiên-thu tự chuốc lấy những phiền muộn do tự mình hoặc người khác. Mà, phải đặt tình bác-ái lên trên hết. Bởi, chỉ có tình bác-ái mới giải-quyết được hết mọi sự và mọi việc.

Chỉ có lòng từ-bi nhân-hậu với chính mình và mọi người mới khiến người và khiến mình nghĩ đến “hương thơm lan toả khắp nơi” vào mọi thời. Hương thơm chỉ lan toả khắp mọi nơi vào mọi thời, khí hương đó là hương tình thương, hoặc còn gọi là tình người người, rất yêu đời, mà thôi.

Vâng. Người viết lên ý-nhạc và chính lời ca, vẫn diễn-tả một sự và một việc rất như thế, dù có “sầu” nhưng không buồn. Sầu-nhưng-không-buồn, lại chính là nỗi sầu chóng qua, nhè nhẹ, không trì-chiết. Sầu ấy, chỉ là “sầu” ở lời nói chóng qua, rồi sẽ khác. Nỗi “Sầu” ấy, sẽ và vẫn chỉ là những tình-tự được người nghệ-sĩ diễn tả không chỉ bằng lời, mà bằng giọng hát rất mượt mà, tình-tứ như sau:

 Ta sẽ thoát linh hồn giữa nẻo xa.
Ta hoá kiếp nên lời hát bài thơ.
Ta biến thành tâm tư mối tình tan vỡ.
Cho ta thành mơ,
Sống yên trong nghìn thu.
(Sầu/Tristesse – bđd)

 Vâng. “Sầu” ở đây, tình-tự ấy, còn được diễn tả bằng thơ văn, truyện kể vẫn kéo dài câu chuyện đời, với mọi người. Chuyện đời, là những chuyện cười ra nước mắt tuy rất nản nhưng không “Sầu”. Bởi lẽ, có sầu thì làm sao cười được, như nhận-định của bậc thày dạy khác từng đặt vấn-đề “sầu buồn” tội phạm, những đền bù, vào một tóm gọn tình hình Hội thánh như sau:

 “Nay, cũng nên đặt vấn-đề thế này: mọi người công-nhận rằng biến-cải là hành-động thuận theo ý Chúa. Xem thế thì, biến-cải đây phải chăng là cải-hoán chốn gian-trần? Hoặc, việc đó chỉ là cải-biến căn-bản ở trên trời, chứ không phải trần-thế? Phải chăng, Thiên-Chúa sai phái Đức Giêsu xuống thế làm người, là để cứu ta ra khỏi vòng cương-toả của ác-thần/sự dữ, lúc này? Hoặc, cốt để đưa ta vào chốn miền nào đó (tựa như thiên-đàng) ở đó không có ác-thần/sự dữ cần loại bỏ?

 Và, để phá-bỏ mọi thúc-bách từ xã-hội, hoặc để ban cho ta trạng-huống thiên-đàng sau thời sống với xã-hội trần-gian, qua đó ta không còn nghĩ về những thúc-bách như mình hiện ở trần-gian, không? Phải chăng việc gặp gỡ Đức Kitô trước tiên là gặp Ngài trong hoàn-cảnh hiện-tại ta đang sống; hoặc: ta chỉ gặp được Ngài vào lúc đang và chỉ sau khi chết, mà thôi không? Ta có sống đích-thực điều Chúa dạy trước khi chết, không? Ta có chết, trước khi mình vẫn sống chứ? Phải chăng, Chúa gỡ bỏ trạng-huống khốn-khổ ta thường gặp ngay bây giờ? Hoặc, Chúa chịu-đựng trạng-huống ấy lúc này, là để gỡ bỏ nó cho ta được phục sinh/trỗi dậy thực sự?

 Có điều là, tư-duy thời hậu-Công-đồng Vatican 2, lại tiếp-nhận cung-cách sống “ở dưới đất”, nên mới thất-bại khi quan-hệ với truyền-thống và những người có nhu-cầu khẩn-thiết, sâu-sắc. Sự việc này, tựa như “xối nước” lên đường-lối sống Đạo theo kiểu thông-thoáng. Thế nên, từ đó, mới cần tái rao-truyền Phúc Âm cho tín-hữu nào còn sống như thế. Cần đào sâu, sự việc gần cận tính hiện-đại hơn. Nói theo cung-cách sử-học, thì: sống kiểu này, là để định-vị chính mình vào mẫu-mã của địa-cầu trần-gian như nghị-trình Thời Khai-sáng từng tạo ra, lúc đó.

 Từ Công Đồng Vatican 2 đến nay, lại thấy nhiều cuộc-chiến cứ diễn ra bên trong vùng đất Giáo-hội. Cuộc-chiến này, là thứ thánh-chiến vẫn tiếp-tục như cuộc chiến kéo dài 30 năm, thời Phục-Hưng. Chủ-thuyết sống Đạo cách thông-thoáng, lại đưa thêm uy-lực cả vào trong đó. Nay, nó hiện-diện trong cuộc thiết-dựng đạo-giáo và lý-lịch nền-tảng đa-văn-hoá theo tầm-cỡ rất toàn-cầu. Ngõ hầu tránh né một cuộc chiến đích-thực lại sẽ xảy ra; hoặc ít ra, lại cũng như các chính-phủ dân-sự vẫn coi đạo-giáo có hiệu-quả tương-đương và xứng đáng được lợi-lộc dân-sự so với thể-chế dân-chủ.

 Điều này, do chủ-thuyết “duy-lý” vốn không cởi mở và chấp-nhận ảnh-hưởng từ “truyền-thống siêu-nhiên”.

 Cũng thế, các đại-học theo kiểu của người Anh và người Đức có truyền-thống hậu-Phục-hưng và các thể-chế “chuyên-nghiệp”. Tức, có nghĩa: nói về thời-đại mới khai phá, thì các thần-học-gia khi xưa thường là giám-mục hoặc các thày Dòng khắc-kỷ, chứ không phải bậc thày giảng dạy, như ngày nay. Thế nên, do bởi muộn-phiền gây ra do nền giáo-dục thông-thoáng, hiện-đại và lề-lối suy-tư then chốt, các đấng bậc thày dạy về Đạo lâu nay được huấn-luyện theo truyền-thống như thế, vẫn dắt dìu kẻ-tin vào tầm-hướng nhiều sai lạc…” (x. Lm Kevin O’Shea, CSsR, “Ơn Cứu Chuộc Nơi Ngài Chan Chứa”, dịch-phẩm đang in)

             Thì ra là như thế. “Sầu” nhưng không buồn ở nhà Đạo đôi khi cũng mang ý-nghĩa rất khác lạ. Khác và lạ, hơn thời trước cũng rất nhiều. Khác và lạ, khiến mọi người trong cuộc hoặc “ngoài luồng” vẫn hay đặt thành vấn-đề, khá lung-khởi. Khác và lạ, như một chuyện phiếm những Đạo vào đời, cần khai-triển.

Khai-triển bằng nhiều cách tương-tự như trường-hợp dung truyện kể để minh-hoạ cho vấn-đề đang đặt ra. Truyện để kể, không chỉ cười xoà rồi thôi, nhưng khiến người đọc và nghe suy-nghĩ nhiều như câu truyện ở dưới được đặt cho cái tên vô-thưởng-vô-phạt như chuyện “Tôi kể bà nghe”:

 “Tôi kể bà nghe…

Lũ trẻ bây giờ yêu nhau buồn cười lắm!

Chúng mình bên nhau cả đời chưa chán,

Chúng nó bên nhau tính tháng, tính ngày.

 Tôi kể bà nghe…

Lũ trẻ bây giờ yêu nhau lạ lắm thay

Thời chúng mình, cái nắm tay cũng làm cả làng dị nghị,

Chúng nó thì nhận lời hôm trước, hôm sau đã đưa nhau vào nhà nghỉ,

Làm cái chuyện động trời!

 Tôi kể bà nghe…

Chẳng biết tôi với bà đã quá lỗi thời,

Hay là vì lũ trẻ bây giờ học đòi tân tiến.

Chúng nó nghĩ yêu là phải hết mình dâng hiến,

Thế là mặc sức cho đi mà chẳng nghĩ đến cha mẹ, họ hàng…

 Tôi kể bà nghe…

Ngày xưa chúng mình tìm hiểu nhau đứng đắn, đàng hoàng,

Bây giờ lũ trẻ nứt mắt ra, học cấp ba đã học đòi yêu đương dấm dúi,

Điện thoại tân thời, áo quần cũn cỡn, xe số xe ga…chúng nó đưa nhau vào bờ, vào bụi…

Chẳng ra cái thể thống gì!

 Tôi kể bà nghe…

Lũ trẻ bây giờ yêu nhau rất lạ kỳ.

Chúng nó bảo yêu say đắm, yêu hết mình,

mà chẳng có bao nhiêu đôi đi được với nhau đến cùng trời cuối đất.

Chúng nó lướt qua cuộc đời nhau như chẳng có gì để mất,

Biến “Tình yêu” thành cái định nghĩa hết sức tầm thường…

 Tôi kể bà nghe…

Tôi với bà tình thương mến thương

Hơn sáu chục năm trời mà thấy vẫn còn chưa đủ…

Lũ trẻ bây giờ chán rồi bỏ nhau, thất tình khóc xong rồi ngủ,

Sáng mai tỉnh dậy lại tươi tắn rêu rao :”Tìm một nửa thất lạc của đời mình”.

 Tôi kể bà nghe…

Ngày xưa chúng mình cứ phải cân nhắc bên hiếu, bên nghĩa, bên tình.

Bây giờ chúng nó nhắm mắt đưa chân mà chẳng một lần nhìn lại,

Chúng nó cứ mù quáng buông mình trôi đi mãi

Chẳng biết đâu mới là giới hạn, để dừng lại cho những tháng ngày sau…

 Tôi kể bà nghe…

Tuy chúng mình già nhưng chẳng yếu lắm đâu!

Trái tim tôi với bà vẫn còn đập những nhịp nguyên lành cho những yêu thương ngọt ngào phía trước,

Lũ trẻ bây giờ trao cho nhau trái tim đã bao lần bị ném, vùi, vỡ xước…

Rồi chúng nó tự hỏi mình, đau khổ tại vì đâu?

 Tôi kể bà nghe…

Tại vì chúng nó không biết trân trọng nhau!

Ở thời của chúng mình, cái gì vỡ thì cùng nhau hàn gắn,

Chúng nó thích tân thời, chúng nó ham vứt đi để mua cái mới…

Nên chúng nó chẳng giữ được cái gì bền vững vượt thời gian…

 Tôi kể bà nghe…

Có một câu nói dân gian:

“Dẫu cho chẳng có bạc vàng,

Bên anh chỉ có mình nàng, anh vui!

Người ta sống ở trên đời,

Quý nhân, trọng nghĩa, là người an yên”.

 Và người kể lại vẫn cứ thêm những lời-bàn-rất-Mao-Tôn-Cương, rằng:

 Hạnh phúc đơn giản chỉ là sự tồn tại của mình…

Được ai đó nhận ra – Bắt gặp – Và giữ lấy…

Hạnh phúc đơn giản chỉ là 1 câu nói quan tâm…

Không cần ngọt ngào nhưng đừng giả tạo…(xem truyện kể ở điện-thư mới nhận được)

 Vâng. Có lẽ cũng như thế, nếu bạn và tôi, ta định nghĩa nỗi “Sầu”, khó đoán. Tuy, “Sầu” đó, buồn đây chẳng giống nhau chút nào, như nỗi “sầu” thiếu hạnh-phúc ở tuổi trẻ-người-non-dạ” rất hôm.

Vâng. Hạnh-phúc cuộc đời người vẫn cứ giản-đơn như bao giờ. Ở với người.

 Trần Ngọc Mười Hai

Nay không còn trẻ nữa

Nên cũng chẳng cần nghe chuyện

Tôi kể bà nghe

ở đâu đó rất gần đây.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30