SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI LẦN THỨ 52
26/4/2015 – Chúa Nhật IV Phục Sinh
Chủ đề: Xuất hành, kinh nghiệm nền tảng của ơn gọi
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật thứ tư Phục Sinh giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của vị Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình, gọi tên chúng, nuôi dưỡng và dẫn dắt chúng. Vào ngày Chúa nhật này, từ hơn 50 năm nay, chúng ta sống Ngày Thế Giới cầu nguyện cho các ơn gọi. Mỗi lần nó nhắc nhở cho chúng ta tầm quan trọng của việc cầu nguyện để, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài, “chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (x. Lc 10,2). Chúa Giêsu diễn tả lệnh truyền này trong khung cảnh của một cuộc sai đi truyền giáo: Ngài đã kêu gọi, bên cạnh mười hai tông đồ, bảy mươi hai môn đệ khác và Ngài sai họ đi truyền giáo từng hai người một (Lc 10, 1-16). Quả thế, nếu Giáo Hội “tự bản chất là thừa sai” (Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, số 2), thì ơn gọi Kitô hữu chỉ có thể nảy sinh từ bên trong một kinh nghiệm truyền giáo. Như thế, lắng nghe và bước theo tiếng của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, bằng cách để cho Ngài lôi cuốn và dẫn dắt và hiến dâng cuộc sống cho Ngài, có nghĩa là để cho Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta vào trong sự năng động truyền giáo này, bằng việc khơi lên trong chúng ta ước muốn và lòng can đảm hân hoan hiến dâng mạng sống của chúng ta và tiêu hao nó vì Nước Trời.
Hiến dâng mạng sống trong thái độ truyền giáo này là khả thi chỉ khi chúng ta có khả năng ra khỏi chính mình. Vì thế, trong Ngày Thế Giới cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 52 này, tôi muốn suy nghĩ về “cuộc xuất hành” đặc biệt này là chính ơn gọi, hay, đúng hơn, câu trả lời của chúng ta đối với ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Khi chúng ta nghe từ “xuất hành”, tư tưởng chúng ta lập tức nghĩ đến những khởi đầu của lịch sử tình yêu tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con dân của Ngài, một lịch sử vốn trải qua những ngày bi thảm của việc làm nô lệ bên Ai Cập, ơn gọi của Môi-sê, cuộc giải thoát và con đường dẫn về Đất Hứa. Sách Xuất Hành – cuốn sách thứ hai của Thánh Kinh -, sách kể lại lịch sử này, cho thấy một dụ ngôn của tất cả lịch sử cứu độ, và như thế của sự năng động nền tảng của đức tin Kitô giáo. Quả thế, trải qua sự nô lệ của con người xưa kia đến sự sống mới trong Chúa Kitô là công trình cứu độ vốn đạt tới trong chúng ta nhờ đức tin (Eph 4, 22-24). Cuộc trải qua này là một “cuộc xuất hành” đích thật và đặc biệt, đó là con đường của tâm hồn Kitô hữu và của toàn thể Giáo Hội, là định hướng quyết định của cuộc sống hướng về Chúa Cha.
Ở nguồn cội của mỗi ơn gọi Kitô hữu, có chuyển động nền tảng này của kinh nghiệm đức tin: tin muốn nói rằng từ bỏ chính mình, ra khỏi sự tiện nghi và tính xơ cứng của cái tôi để tập trung cuộc đời chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô: như Abraham từ bỏ đất đai ruộng vườn của mình và đồng thời tin tưởng lên đường, biết rằng Thiên Chúa sẽ chỉ ra con đường đi về quê hương mới. “Cuộc xuất hành” này không được hiểu như là một sự coi khinh cuộc sống của mình, cảm xúc của mình, nhân tính của mình; trái lại, người nào lên đường bước theo Chúa Kitô sẽ gặp được cuộc sống tròn đầy, khi hoàn toàn đặt để đời mình trong tay Thiên Chúa và cho Vương Quốc của Ngài. Chúa Giêsu nói: “Ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19,29). Tất cả điều đó bén rễ sâu xa trong tình yêu. Quả thật, ơn gọi Kitô hữu trước hết là một ơn gọi yêu thương vốn lôi cuốn chúng ta và lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình, không tập trung vào chính mình, nhưng khởi đầu “một cuộc xuất hành cho phép đi từ cái tôi khép kín hướng tới việc giải thoát nó trong việc trao hiến bản thân, và rõ ràng như thế hướng tới việc khám phá bản thân, còn hơn nữa hướng tới việc khám phá Thiên Chúa” (Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 6).
Kinh nghiệm về cuộc xuất hành là một khuôn mẫu cho đời sống Kitô hữu, cách riêng đối với những ai chọn lựa ơn gọi hiến thân cách đặc biệt cho việc phục vụ Tin Mừng. Nó hệ tại một thái độ hoán cải và biến đổi không ngừng, qua việc luôn lên đường, bước đi từ cõi chết sang cõi sống cũng như chúng ta cử hành điều đó trong tất cả phụng vụ: đó là sự năng động vượt qua. Thực ra, từ ơn gọi của Abraham đến ơn gọi của Môise, từ con đường lang thang của dân Israel trong sa mạc cho đến cuộc hoán cải mà các ngôn sứ rao giảng, cho đến tận cuộc lữ hành thừa sai của Chúa Giêsu lên tận cao điểm trong cái chết và sự phục sinh của Ngài, ơn gọi luôn là hành động của Thiên Chúa đưa chúng ta ra khỏi hoàn cảnh ban đầu của chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ, lôi kéo chúng ta khỏi những thói quen và sự dửng dưng và dự phóng cho chúng ta đến niềm vui hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em. Vì thế, đáp lại tiếng gọi của Chúa, đó là để cho Ngài dẫn đưa chúng ta ra khỏi sự yên ổn sai lệch của chúng ta để lên đường hướng đến Chúa Giêsu Kitô, là cùng đích đầu tiên và sau cùng của cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta.
Sự năng động xuất hành này không chỉ liên quan đến ơn gọi đặc biệt, nhưng đến hoạt động truyền giáo và loan báo Tin Mừng của toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội thực sự trung thành với Thầy của mình trong chừng mực đó là một Giáo Hội “đi ra”, không bận tâm đến chính mình, đến các cơ cấu và các cuộc chinh phục của mình, nhưng đúng hơn có khả năng đi đến, chuyển động, gặp gỡ các con cái của Thiên Chúa trong hoàn cảnh hiện thực của họ và đồng cảm với các vết thương của họ. Thiên Chúa ra khỏi chính mình trong một sự năng động yêu thương của Ba Ngôi, Ngài lắng nghe sự khốn khổ của dân Ngài và can thiệp để giải thoát họ (Xh 3,7). Giáo Hội cũng được kêu gọi đến cách thế hiện hữu và hành động này: Giáo Hội loan báo Tin Mừng là đi ra đến gặp gỡ con người, loan báo lời giải thoát của Tin Mừng, săn sóc các vết thương tâm hồn và thân xác với ân sủng của Thiên Chúa, nâng dậy những người nghèo khổ và những ai túng thiếu.
Anh chị em thân mến, cuộc xuất hành giải thoát hướng đến Chúa Kitô và đến anh chị em này cũng biểu lộ con đường hướng đến sự hiểu biết trọn vẹn con người và vì sự tăng trưởng nhân bản và xã hội trong lịch sử. Lắng nghe và đón nhận tiếng gọi của Chúa không phải là một vấn đề riêng tư và nội bộ vốn có thể bị lẫn lộn với cảm xúc nhất thời; đó là một sự dấn thân cụ thể, hiện thực và toàn diện, bao trọn cuộc sống của chúng ta và để cuộc đời chúng ta phục vụ cho công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian. Do đó, ơn gọi Kitô hữu, được bén rễ trong việc chiêm ngắm trái tim của Chúa Cha, đồng thời thúc đẩy đến cuộc dấn thân liên đới để giải thoát anh chị em, nhất là những người nghèo khổ nhất. Người môn đệ của Chúa Giêsu có tâm hồn mở ra cho chân trời bao la của Ngài, và sự thân mật với Chúa không bao giờ là một cuộc trốn chạy cuộc sống và thế gian nhưng, trái lại, “hiện diện chủ yếu như sự hiệp thông truyền giáo” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 23).
Tính năng động xuất hành hướng đến Thiên Chúa và con người này làm cho cuộc sống tràn đầy niềm vui và ý nghĩa. Tôi muốn nói điều này đặc biệt với những người trẻ hơn mà, vì lý do tuổi tác và tầm nhìn về tương lai vốn được mở ra trước mắt họ, biết sẵn sàng ứng trực và quảng đại. Đôi khi, những ẩn số và những bận tâm cho tương lai và sự bấp bênh phủ lấp đời thường có nguy cơ làm tê liệt những nhiệt huyết của họ, phanh hãm những giấc mơ của họ đến độ nghĩ rằng không đáng để dấn thân và Thiên Chúa của đức tin Kitô giáo hạn chế tự do của họ. Trái lại, các bạn trẻ thân mến, đừng sợ đi ra khỏi chính mình và lên đường! Tin Mừng là Lời giải thoát, biển đổi và làm cho cuộc sống chúng ta nên tốt đẹp hơn. Thật đẹp khi để cho tiếng gọi của Thiên Chúa chộp lấy, thật đẹp khi đón nhận Lời Ngài, đặt bước chân của cuộc đời của các con trong bước chân của Chúa Giêsu, trong việc thờ lạy mầu nhiệm Thiên Chúa và sự tận tụy quảng đại với tha nhân! Mỗi ngày cuộc sống của các con sẽ trở nên phong phú và vui tươi hơn!
Đức Trinh Nữ Maria, khuôn mẫu của mọi ơn gọi, đã không sợ thưa lên lời “xin vâng” của mình trước tiếng gọi của Chúa. Xin Mẹ đồng hành và hướng dẫn các con. Bằng sự can đảm quảng đại của đức tin, Đức Maria đã ca lên niềm vui đi ra khỏi chính mình và phó thác cho Chúa những kế hoạch sống của mình. Chúng ta hãy hướng nhìn lên Mẹ để hoàn toàn sẵn sàng ứng trước cho kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta; để được lớn lên trong chúng ta ước muốn đi ra và đi đến với tha nhân bằng sự ân cần (x. Lc 1,39). Xin Đức Trinh Nữ Maria che chở chúng ta và xin Mẹ cầu bàu cho tất cả chúng ta!
Vatican, ngày 29 tháng 3 năm 2015
Chúa Nhật Lễ Lá
Phanxicô
———–
Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ