ĐỜI SỐNG THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO QUA CẢM NGHIỆM CỦA THÁNH TÊRÊSA AVILA VÀ THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ (Phần 3)

Written by lcd on Tháng Tư 22nd, 2015. Posted in Tâm linh, Thiên Phong

Giá trị người ki-tô hữu hệ tại điều được ban cho. Làm con Thiên Chúa, được tham dự vào sự sống thần linh là bản chất người ki-tô hữu. Như vậy, tự căn tính đời sống người ki-tô hữu là ơn gọi thần bí. Nhận biết và sống thần bí chính là sống niềm vui và hạnh phúc của ơn làm con. Để sống ân huệ đó, cảm nghiệm của những người được ơn đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa là sự chỉ dẫn hữu hiệu giúp người ta có thể vượt qua ranh giới của sự hiểu biết, lòng đạo đức, vươn tới kết hợp với Ngài.

 

I. ƠN GỌI KI-TÔ HỮU VÀ ĐỜI SỐNG THẦN BÍ

1. Tự bản chất ơn gọi ki-tô hữu mang tính thần bí

Mọi người tín hữu đều được kết hợp nên một với Đức Ki-tô nhờ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Đó là hồng ân làm con Thiên Chúa, được nên giống Thiên Chúa, trở nên“đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô”(Rm 8,29).

Bí tích Thánh Tẩy vừa thanh luyện con người khỏi mọi tì ố của tội, vừa in vào linh hồn dấu ấn không thể tẩy xóa là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đây đời sống mới đã khởi đầu trong sự kết hợp với Thiên Chúa. Quan hệ làm con đã được gieo vào tâm hồn người ki-tô hữu  dưới dạng ân sủng. Tuy nhiên, đó mới là “mầm giống” của đời sống thần bí.[1] Mầm giống thần linh đã được ban cho nhưng chưa kiện toàn. Các tân tòng sau khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trong đêm vọng Phục sinh bắt đầu bước vào một giai đoạn gọi là truyền bí pháp, để dẫn vào sống các mầu nhiệm Ki-tô giáo. Vì thế trong suốt cuộc đời mình, người ki-tô hữu cần phải sống cách có ý thức hơn bản tính thần bí trong mình, bằng cách phát triển mầm giống thần linh nhờ đời sống đức hạnh.

Cuộc đời người ki-tô hữu là tiến trình “đi lên” như ông Môsê lên núi để gặp Thiên Chúa.[2] Hành trình ấy chắc chắn sẽ gặp nhiều gian lao vất vả, nhưng niềm hy vọng không bao giờ lay chuyển là có Thiên Chúa ở khởi đầu và đích cùng của hành trình. Như đã trình bày, hành trình “đi lên” ấy cũng được thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá ghi lại rất tỉ mỉ và sống động qua bẩy tầng của Lâu đài nội tâm và cầu thang tình yêu mười bậc. Người ki-tô hữu có thể men theo hành trình đó mà tiến bước, để nhờ Thiên Chúa giúp có thể hoàn thành điều Ngài muốn trong phẩm giá cao cả mà ơn làm con mang lại.

 

2. Ơn gọi thần bí

Ơn gọi thần bí được hiểu theo hai nghĩa : tự bản chất Ki-tô giáo là mầu nhiệm Đức Ki-tô, là kế hoạch Thiên Chúa thực hiện nơi Người, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người mà nhân loại được thần hóa. Thiên Chúa thực hiện kế hoạch ấy nơi Đức Ki-tô ngang qua các bí tích, cho nên đời sống người ki-tô hữu gắn liền với các bí tích, nhất là bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể. Các bí tích ban ân sủng gắn kết người tín hữu với Chúa Ki-tô và nhờ Người họ liên kết với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy ơn gọi thần bí đồng nghĩa với ơn gọi làm con Thiên Chúa. Do đó, tất cả các ki-tô hữu được mời gọi và có bổn phận tiến đến sự thánh thiện do kết hợp với Thiên Chúa. Thánh Êlisabét Chúa Ba Ngôi sau khi đọc tác phẩm của thánh Gioan Thánh Giá đã tóm tắt mục đích ơn gọi ki-tô hữu của mình :“Uớc mơ của tôi là trở thành Chúa Giêsu, để Ngài lặp lại ở nơi tôi tất cả mầu nhiệm của Ngài”.[3] Vì mỗi tín hữu đều tiềm tàng là một nhà thần nhiệm, khi được tiếp xúc với những tâm hồn tao nhã đều cảm thấy nỗi đói khát Thiên Chúa nơi mình dâng cao.[4] Đó là ơn gọi thần bí của mọi ki-tô hữu.

Tuy nhiên, khi hiểu thần bí như một ơn sủng đặc biệt biểu hiện qua các hiện tượng thần bí như thị kiến, xuất thần, hay ơn chiêm niệm thiên phú thì đó lại là đặc ân Thiên Chúa ban cho một số người. Tất nhiên những hiện tượng này không phải là bản chất của kết hợp thần bí. Thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá là chứng nhân đặc biệt của những ân huệ đó. Cảm nghiệm thần hiệp của các ngài minh chứng kết hiệp thần bí là ơn sủng đặc biệt. Có điều những cảm nghiệm đó không làm lu mờ ơn gọi thần bí của mọi ki-tô hữu mà trái lại, như giáo huấn của Hội Thánh khẳng định : “Những dấu chỉ ngoại thường của đời sống thần bí chỉ được ban cho một số người, để biểu lộ hồng ân nhưng không được ban cho mọi người”.[5] Quả vậy, những kinh nghiệm thần bí của các ngài sẽ giúp ích cho hành trình thăng tiến tâm linh của các ki-tô hữu. Đó phải chăng cũng là cách Thiên Chúa lôi kéo con người vươn lên đỉnh cao hoàn thiện.

Trong thực tế, khi phong thánh cho một tín hữu Hội Thánh không đòi hỏi người ấy phải có những hiện tượng xuất thần, ngất trí hay đã đạt đến sự chiêm niệm thiên phú mà chỉ dựa vào tính cách anh hùng của việc thực hành các nhân đức theo gương Chúa Giêsu.[6] Như thế, thánh nhân là người đã thực thi các nhân đức cách phi thường. Họ là những người để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên đường hoàn thiện, và như vậy họ là những nhà thần bí đích thực. Họ làm sáng lên chân lý quan trọng của đời sống tâm linh Ki-tô giáo : Chúa Thánh Thần có muôn vàn cách dẫn người ta đến đỉnh cao sự trọn lành. Thời nào thánh đó, vì“gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3, 8).

Các tu sĩ là những người ki-tô hữu đặc biệt. Họ khát khao sự trọn lành và quyết tâm đạt được bằng cách bước theo sát Đức Ki-tô qua việc thực hiện các lời khuyên Phúc Âm. Theo  nghĩa đó, các tu sĩ cũng là những “nhà thần bí”, bởi sự tự do chọn lựa yêu và tự hiến cho Đức Ki-tô, Đấng là tất cả của đời mình. Cuộc sống của người tu sĩ hôm nay loan báo hạnh phúc nước trời mai sau. Họ là các Ái phi và các Trung thần của Đức Ki-tô, họ yêu và làm chứng cho Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.

3. Chức linh mục và thần bí

            Linh mục nhờ sự thánh hiến đã lãnh nhận qua bí tích Truyền Chức Thánh, được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, và một cách đặc biệt được nên đồng hình đồng dạng với Ngài, Đấng là Đầu và Mục Tử, để sống và hoạt động, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Hội Thánh và cứu độ thế giới.[7]

            Đặc sủng của linh mục thúc đẩy người linh mục sống kinh nghiệm kết hiệp với Thiên Chúa cách thật sâu xa. Linh mục thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu trong vai trò là Đầu và Mục Tử, linh mục là trung gian và cầu nối dân với Thiên Chúa. Qua linh mục, Chúa Giêsu tiếp tục đi giữa thế gian để giảng dạy, tha thứ, yên ủi, hầu nối lại mối dây tình yêu kết hợp lòng Thiên Chúa với trái tim con người. Qua đức ái mục tử, linh mục phản chiếu dung nhan thánh thiện của Chúa Giêsu, Đấng đến để phục vụ và hiến thân làm của lễ, đó cũng là con đường nên thánh của linh mục.

Người ta khó có thể dung hòa sứ mạng của linh mục với một đời sống linh mục thiếu sự kết hợp với Thiên Chúa. Linh mục làm sao có thể thi hành sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu nếu chính mình chưa đắm chìm trong Đấng Cứu Độ ; linh mục làm sao có thể dâng lễ tế thánh thiện là Mình và Máu Chúa Ki-tô lên Thiên Chúa Cha nếu linh mục chưa dâng hiến sự trong trắng của con tim mình ; linh mục làm thế nào để dẫn đoàn chiên đến Nguồn Suối nếu mình chưa đón nhận dòng nước mát từ Nguồn Suối ấy. Và linh mục làm sao có thể ban lời tha tội khi mình chưa nghiệm được hồng ân thứ tha.

Thánh Gioan Thánh Giá trước khi nhận được đặc sủng kết hợp thần bí với Thiên Chúa đã sống đặc sủng đời linh mục. Những cảm nghiệm thần bí được ban cho ngài trong khi thi hành sứ vụ mục tử. Sự thánh thiêng của đời sống linh mục chiếu tỏa sự thánh thiêng của sứ vụ lãnh nhận. Sự thánh thiện của người linh mục phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa, đó là đời sống thần bí đúng nghĩa mà kết quả nó mang lại là sự nên thánh của người giáo dân, những người mang trong mình giòng máu thần linh được linh mục chăm sóc.

Ngày nay, hơn lúc nào hết sự thánh thiêng của đời sống và sứ vụ linh mục đang gặp thách đố mạnh mẽ bởi trào lưu thế tục, nếp sống buông thả vô luân. Người linh mục có thể bị cuốn theo đà danh vọng, quyền lợi và lạc thú, quên đi sự thánh thiện cần phải có của đời linh mục. Tuy nhiên, nó cũng có thể là cơ hội để ơn Chúa và sự cộng tác của người linh mục cho thấy rằng chỉ có Tình Yêu, sự Thánh Thiện và Vẻ Đẹp của Thiên Chúa mới làm no thỏa cơn khát vĩnh cửu của lòng người.

 

II. NHẬN BIẾT VÀ SỐNG THẦN BÍ

            “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người”.[8] Làm con Thiên Chúa, thuộc về dòng giống thần linh là ơn cao trọng được ban cho người ki-tô hữu, và họ cần phải nhận ra ơn cao trọng ấy. Việc nhận biết và sống sự sống thần linh trong mình được kể là mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người ki-tô hữu. Đó là không ngừng sống giao ước Phép Rửa bằng một đời sống cầu nguyện và khát khao kết hợp với Thiên Chúa.

1. Giao ước qua Phép Rửa

            Giao ước Thập giá, Thiên Chúa đã thực hiện một lần thay cho tất cả khi dùng chính Máu và Nước từ cạnh sườn của Đấng bị đâm thấu mà tuôn đổ ân sủng Ngài cho con người qua bí tích Thánh Tẩy. Giao ước đó đã khai mở sự thánh thiêng thần bí cho con người.

Người ki-tô hữu có trách nhiệm không ngừng sống giao ước thánh thiêng đó, làm cho nó triển nở trong đời sống thánh thiện tròn đầy. Trong Thiên Chúa người ta được gọi là ki-tô hữu, với sự tự do chọn lựa, ngày qua ngày họ tiến bước trên con đường tình yêu, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô.[9] Niềm vui thánh thiện của ơn làm con phải được công bố cho mọi người, đó là sứ mạng của một ki-tô hữu. Chức vụ làm con Thiên Chúa cao quí hơn tất cả địa vị xã hội người ta có được. Chính khi sống giao ước Thánh Tẩy, người ki-tô hữu nghe được lời Thiên Chúa Cha công bố về Chúa Giêsu“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11).

Với thánh Gioan Thánh Giá, sống ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa là nhận ra vẻ đẹp của Ngài ở trong mình, nhờ đó thực sự thưa được với Thiên Chúa Cha những lời Chúa Giêsu đã thưa  trong lời nguyện hiến tế:“Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con” (Ga 17, 10), bởi chính Người Cha đã công bố:“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31). Đó là gia sản lớn hơn tất cả những gì lòng người ước mong.

2. Đời sống cầu nguyện

Chúa Giêsu đã mặc khải sự vĩ đại của cầu nguyện:“Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban” (Ga 4, 10). Cầu nguyện là một ân huệ Thiên Chúa ban, cho nên thái độ tốt nhất của tâm hồn cầu nguyện là sự khó nghèo trần trụi nội tâm, điều được thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh. Quả thật, tâm tình khiêm nhường và việc dâng lễ vật lên Thiên Chúa là hai bàn tay trắng mới diễn tả đúng thân phận con người. Bởi nếu người ta đã đầy tràn thì Thiên Chúa chẳng thể đổ thêm được gì nữa.[10]

Cầu nguyện theo thánh Têrêsa Avila không hệ tại ở các ý tưởng nhưng hệ tại ở yêu mến,[11] vì bằng trái tim người ta chiếm ngay được Chúa. Có điều, người ta cần nhớ: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”.[12] Cho nên, điều quan trọng và hữu ích cho người cầu nguyện là ý thức rằng mình được Thiên Chúa yêu thương cách sâu xa nhất, và tình yêu của mình chỉ là phản chiếu ánh sáng từ tình yêu và quyền năng vô bờ của Thiên Chúa.[13] Như thế, cầu nguyện là đào tạo đích thực thái độ làm con, và việc luôn ý thức mình đang ở với Đấng là Cha để thưa chuyện với Ngài là điều cốt yếu khi cầu nguyện.[14]

Lời cầu nguyện của người ki-tô hữu gắn liền với cuộc sống. Vũ trụ được tạo dựng để phản chiếu vinh quang và tình yêu Thiên Chúa, ai ở trong vũ trụ người đó ở trong Thiên Chúa. Như cá sống trong đại dương, con người không thể sống ngoài Thiên Chúa. Nên dù ở đâu, làm việc gì con người cũng sống trong Thiên Chúa và làm việc với Ngài. Như thế, đối với người ki-tô hữu cầu nguyện và cuộc sống chỉ là một. Sống là cầu nguyện và cầu nguyện là sống. Tất nhiên, trong mỗi ngày sống vẫn có những “thì mạnh” của cầu nguyện, ấy là khi tham dự thánh lễ, cử hành bí tích, suy niệm Lời Chúa…, những “thì mạnh” đó thống nhất đời sống, nối kết mọi công việc, làm nên ý nghĩa mỗi ngày dâng hiến. Phần khác, chính những lo toan vất vả giãi nắng dầm mưa, những lao tác để làm ra manh áo hạt cơm lại làm nên chất liệu cho lời cầu nguyện, và trở nên hy lễ dâng tiến trong sương chiều.

Như vậy, cầu nguyện là thể hiện phẩm giá cao cả của người ki-tô hữu, là chìa khóa để kết hợp với Thiên Chúa, là cửa dẫn vào Lâu đài nội tâm,[15] là điều thiết yếu để thăng tiến trên đường trọn lành, dù vẫn biết rằng ơn kết hợp tiên vàn là ân huệ Thiên Chúa ban.

3. Khát khao hợp nhất

Con người được tạo dựng trong tình yêu và sống cho yêu thương, bởi thế người ta sẽ chẳng bao giờ dập tắt được nỗi khát khao được hội ngộ và kết hiệp với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đặt trong con người khát vọng chân lý và điều thiện mà chỉ có Ngài mới có thể thỏa mãn.[16]

Khát khao hợp nhất với Thiên Chúa là hoài niệm về với Cội Nguồn của con người, là khát khao sự thánh thiện phát xuất từ Thiên Chúa. Khát vọng của con người trở thành viên mãn khi Thiên Chúa trao ban chính Ngài cho con người như một quà tặng tự do. Vì thế, tự bản chất con người có khả năng khai mở ra với vô biên như là cùng đích tối hậu. Thiên Chúa đã khơi dậy nơi con người khát vọng tự nhiên đối với Người, một khát vọng bất khả kháng, muốn hiểu biết và yêu mến. Cho nên tất cả hiện hữu của con người tự bản chất được chia sẻ vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Thực chất là sự khắc khoải của tình yêu trong Trái Tim Thiên Chúa luôn tìm kiếm trái tim con người, để dẫn đưa con người vào trong Trái Tim Thiên Chúa. Trong nỗi tha thiết khôn cùng đó, Thiên Chúa đã tuôn tràn ân sủng để thăng hoa cuộc sống tự nhiên của con người, để như một năng lực vô biên, cuốn hút và khai mở con người hướng về Chân Thiện Mỹ.[17]

Thánh Têrêsa Avila đã tâm sự rằng ngài khao khát hạnh phúc vĩnh cửu và quyết chiếm lấy hạnh phúc ấy bằng bất cứ phương tiện nào.[18] Đó là khát khao tìm kiếm và chỉ thỏa mãn khi đã gặp được Đấng Tình Quân. Điều mà linh hồn khát khao tìm kiếm ngay từ rạng đông, và mòn mỏi đợi trông đến ốm mệt vì yêu, và chỉ mong được gắn bó với Ngài trót cả cuộc đời.[19]

Để nhận biết và sống đời thần bí, người ki-tô hữu phải không ngừng khơi lên nỗi khát vọng thánh thiện này, và luôn đặt mục tiêu nên thánh làm trung tâm đời sống mình. Vì chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn được khát vọng của đời người. Và mỗi khi khát khao dâng trào họ có thể nghe lời Đức Giêsu :“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7, 37), có thế người ta mới xoa dịu “cơn khát” của Ngài trên thập giá, vì “Ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35).

 

III. KHOẢNG LẶNG’ CỦA SỰ HIỂU BIẾT, LÒNG ĐẠO ĐỨC VÀ CẢM NGHIỆM THẦN BÍ

            Có một ranh giới giữa sự hiểu biết, lòng đạo đức và cảm nghiệm thần bí tạm gọi là “khoảng lặng”.[20] “Khoảng lặng” bao trùm lên toàn bộ đời sống con người, nó chi phối sự hiểu biết tôn giáo, đời sống luân lý và kinh nghiệm thần bí. Khi vượt qua ranh giới đó người ta sẽ mở ra với vô biên và đi vào kết hợp thân tình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi ở trong sự kết hợp thân tình với Thiên Chúa người ta càng khát khao im lặng và thờ lạy. Vì lý trí khi đi tìm sự hiểu biết đã khám phá ra sự thật là không thể biết về Thiên Chúa, đơn giản vì muốn biết Thiên Chúa thì phải là Thiên Chúa.[21] Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá giúp người ta “biết” Thiên Chúa trong Thiên Chúa. Chính việc ở trong Thiên Chúa đem lại cho sự hiểu biết và đạo đức con người một tầm mức mới, tầm mức của hữu thể tự do, và khả năng yêu mến Đấng Vô Biên, Đấng không thể đạt thấu. “Khoảng lặng” ấy mang tên là ân sủng, đức tin và tình yêu.

1. Khoảng lặng của ân sủng

Ân sủng là sự sống của Thiên Chúa, sự sống được ban cho con người, đó là cách  Thiên Chúa đưa con người vào siêu nhiên. Đây không phải là sự tan biến vào một đại dương vô danh của “thần tính” nhưng là sự hợp nhất “ngôi vị” tạo nên bởi tình yêu, là thần hóa.

Đời sống người ki-tô hữu, được sinh ra từ dòng suối ân sủng, là đời sống trong Thần Khí. Chính ân sủng tạo nên mối hiệp thông sâu xa giữa Thiên Chúa và con người. Khi mở lòng ra đón nhận và chìm sâu trong ân sủng, trong nguồn tình yêu vĩnh hằng, con người được biến đổi, nhờ đó có thể sống những khoảnh khắc siêu việt, và yêu mến những gì là cao quí thiện hảo.[22]

Ân sủng không đến từ sự hiểu biết, nó cũng không phải là đối tượng của sự hiểu biết. Ân sủng là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Khoảng lặng mà ân sủng tạo ra không thể đo lường được bằng sự hiểu biết, cũng không thể dùng sự hiểu biết để vượt qua ranh giới mà nó tạo nên. Người ta không thể hiểu được ân sủng khi chưa đón nhận và sống trong ân sủng.

Chỉ có ân sủng Thiên Chúa mới làm cho linh hồn trong giây lát hiểu được những điều mà trí khôn phải mất cả ngàn năm cũng không sao hiểu được. Thánh Têrêsa Avila ghi lại cảm nghiệm đó ở cư sở thứ năm của Lâu đài nội tâm, khi diễn ra cuộc gặp gỡ ngắn giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tuy ngắn nhưng Thiên Chúa làm cho linh hồn am tường những điều mà cả ngàn năm các giác quan và tài năng không thể hiểu.[23] Ân sủng lôi cuốn người ta khao khát đến với Thiên Chúa và hợp nhất với Ngài, như sự tuần hoàn của dòng máu mà Thiên Chúa như là Trái Tim.[24] Trong kinh nghiệm thần bí, ân sủng giúp người ta nhận biết Đức Ki-tô và coi tất cả những sự biết khác là bất lợi, là thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô.[25]

Hơn cả sự hiểu biết là đời sống đạo đức được xây dựng trên nền tảng của luật luân lý. Đạo đức vẫn thường được hiểu cách phiến diện là việc chăm chỉ đi nhà thờ, giữ các điều răn, siêng năng Lần hạt, chịu khó hy sinh hãm mình. Những việc thực hành tôn giáo đó diễn tả đạo đức như là một ý muốn của Thiên Chúa trái ngược với ý muốn người ta, như là tính siêu việt của Thiên Chúa tố giác cái hư vô của hiện hữu và công trình của con người.[26] Và để được gọi là “đạo đức” người ta phải gồng mình lên thực thi những điều “trái ngược” đó. Cảm nghiệm thần bí Ki-tô giáo đem lại quan niệm mới về tính siêu việt của Thiên Chúa, để đi tới một sự hiểu biết sáng sủa về đạo đức.

Không hề đè bẹp con người, thông điệp Tân ước đưa con người lên tầm cao mới của sự tự do nội tâm và lòng quảng đại vô bờ. Sự thánh thiện của Thiên Chúa lôi cuốn người ta sống thánh thiện. Nhờ ân sủng trào tuôn nơi thập giá Đức Ki-tô, con người đón nhận giá trị của hiện hữu là yêu thương, từ đây đạo đức có tên gọi mới là yêu thương, và ai yêu thương người ấy đạo đức.

2. Khoảng lặng của Đức tin và tình yêu

2.1. Đức tin là quà tặng

            Đức tin là một ân ban chứ không phải là một thành tựu, cũng không phải là khả năng thuần túy của sự hiểu biết do tri thức mang lại, mà là cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong linh hồn.

            Ki-tô hữu là những người có phúc vì đã tin.[27] Đức tin mang lại niềm vui và ơn cứu độ. Đức tin giúp ta đón nhận chân lý, chân lý được mặc khải cho những người bé mọn.[28] Nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và yêu mến Ngài là thành quả của đức tin.

            Đức tin giúp người ki-tô hữu bước đi trong đếm tối của thanh tẩy để xứng đáng kết hợp với Chúa, nhưng chính đức tin cũng cần được thanh luyện để trở nên tình tuyền có sức mạnh đưa con người vững vàng trong thử thách, vì đức tin có được thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.

2.2. Tình yêu là tất cả

Đời sống người ki-tô hữu đích thực là nhận ra Thiên Chúa là suối mạch và nguồn gốc của tình yêu.[29] Trong cuộc tiến vào sâu trong Thiên Chúa, khi Ba Ngôi Thiên Chúa thông ban chính Ngài cho con người, con ngươi được biến đổi trở nên Thiên Chúa vì tham dự vào thần tính của Ngài, khi đó mọi hành động của con người đều là hành động của Thiên Chúa trong Thiên Chúa. Tình yêu đã làm thay đổi tất cả.

Như lời dạy của Chúa Giêsu về ngày phán xét,[30] khi ấy Vị Thẩm Phán chỉ hỏi người ta có yêu tha nhân và phục vụ họ không, vì Chúa đồng hóa Ngài trong con người, nhất là những người nghèo khổ, do đó phục vụ con người là phục vụ Chúa, yêu mến con người là yêu mến Chúa. Cũng trong cảm thức đó thánh Gioan Thánh Giá cho rằng khi chiều về người ta được xét xử về tình yêu, bởi tình yêu bao trùm tất cả cuộc sống, tình yêu là tất cả.

Tóm lại, ân sủng nâng con người ra khỏi đại dương của sự hiểu biết để vươn lên đón nhận Đấng không thể hiểu thấu. Tình yêu làm cho người ta vượt qua giới hạn của lề luật và sợ hãi của tội để sống trong bình an và yêu thương. Đức tin dẫn con người vào hưởng hạnh phúc Thiên đàng, nơi họ được diện đối diện với Thiên Chúa, được thỏa lòng chiêm ngắm dung nhan Tình Yêu và Thánh Thiện Ngài.

2.3. Vượt qua ranh giới

            Có một ranh giới cần phải vượt qua để đưa con người từ sự hiểu biết đến đời sống đạo đức; từ đạo đức đến kinh nghiệm thần bí là sự “bừng tỉnh thiêng liêng”, cũng được gọi là “cú nhảy của đức tin”.

Bởi lẽ đời sống thiêng liêng không chỉ là đời sống tôn giáo, biểu hiện qua sự hiểu biết và luật thờ phượng, hay đời sống đạo đức, biểu hiện qua việc giữ luật luân lý, đời sống thiêng liêng chính yếu là sự mở ra với Thiên Chúa và sống dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Như thế, chính việc căng mình ra đón nhận Thiên Chúa người ta mới thực hiện được sự bừng tỉnh thiêng liêng.

Ranh giới cần được xé thủng phía bên này đến từ sự tự do nội tâm của con người, nhưng quan trọng hơn từ phía bên kia là ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu, con người đã căng mình giữa trời và đất trong sự tự do trọn vẹn của con tim trao hiến theo ý Chúa Cha. Ngài đã xé toang ranh giới giữa vô biên và hữu hạn, giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa Thiên Chúa và con người. Cũng nhờ cuộc hiến tế đó Đức Giêsu đã phá hủy mọi sự ràng buộc của “lề luật” và tội lỗi, xé nát đường biên tách biệt của sự thánh thiện, phá đổ nghi lễ thờ phượng hình thức nại vào lễ vật và nơi chốn. Ngài công bố cách thức thờ phượng đích thực trong tinh thần và sự thật. Ngài trao ban tình yêu và ân sủng, tự do và sự sống mới cho con người trong niềm vui cứu độ. Đó là điều mà nghi lễ và Lề Luật không thể làm được vì“Lề Luật chỉ phác hoạ lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh chính xác những thực tại đó. Cho nên, Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện”.[31] Và bao lâu người ta còn sống nại vào những nghi lễ hình thức, chăm chú giữ Luật vì sợ tội, người ta còn sợ hãi và bị kìm giữ bởi sức mạnh của tội, và không thể tiến lại gần Thiên Chúa để yêu mến Ngài. Cách tốt nhất để phá bỏ lối sống này là mở lòng ra đón nhận ân sủng, tình yêu và sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Để vượt qua ranh giới, người ta cần đón nhận Chúa Giêsu và bước theo Ngài, sống niềm vui của người được cứu độ. Đó là thái độ của người buông mình để cho ân sủng Thiên Chúa tự do chiếm hữu và siêu thăng tâm trí. Ấy cũng là trạng thái xuất thần của thánh Têrêsa Avila khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu thương tích, hay là lúc ngất trí của thánh Gioan Thánh Giá ngày lễ Chúa Ba Ngôi, hoặc là “tiếng sét ái tình” của thánh Phaolô trên đường Đamát, cũng là phút giây tựa đầu vào lòng Chúa của thánh Gioan trong Bữa Tiệc Ly, và cũng sẽ là phút giây đắm mình trong Chúa, khi đón nhận Thánh Thể, khi nguyện cầu của mỗi ki-tô hữu. Cũng có khi Chúa đến và làm cho người ta bừng tỉnh sau cơn bệnh, hay qua các sự kiện, các biến cố trong đời, nêu điều cần là có tâm hồn nhạy cảm với ơn Chúa.

Những khoảnh khắc đó đem lại sự bửng tỉnh thiêng liêng, nó làm cho người ta vượt qua ranh giới của sự hiểu biết để đụng chạm đến Đấng không thể đạt thấu bởi trí tuệ con người. Kết quả của sự bừng tỉnh là người ta thực sự thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật.

3. Yêu mến Đấng không thể đạt thấu

            Khi con người đến gần Thiên Chúa, và tưởng rằng mình đang ôm ghì được Người trong mối thân tình thiết yếu nhất, lúc ấy họ mới hiểu rằng mối thân tình đang mời gọi họ còn cao xa và sâu kín hơn vô cùng. Vì càng gần Thiên Chúa người ta càng khám phá ra sự siêu việt tuyệt đối không thể vươn tới được.[32]

Vì không thể đạt thấu Thiên Chúa, nhưng khi người ta buông mình để cho Ngài chạm thấu thì bằng con tim người ta lại cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Ngài, sự hiện diện mạnh mẽ và gần gũi hơn cả mình ở trong mình. Đấng không thể đạt thấu chỉ có thể yêu mến mà thôi. Khi đến với Thiên Chúa bằng một tình yêu chân thành đã được tôi luyện trong thử thách, người ki-tô hữu sẽ biết Chúa bằng cách không biết. Chính Chúa biến đổi người ta nên giống Ngài, khi đó những gì người ta biết về Chúa là do được tham dự vào sự sống của Chúa. Cho nên nhờ yêu mến Đấng không thể đạt thấu, người ta có thể biết Thiên Chúa trong Thiên Chúa, đó là cách biết Thiên Chúa khi “là Thiên Chúa”.

3.1. Yêu mến Đấng Vô Hình

            Yêu một người không gặp mặt đã là khó, yêu Đấng Vô Hình thì còn khó hơn gấp bội, thậm chí là không thể với những người chưa có đức tin. Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá cho thấy rằng con người có thể không chỉ chiêm ngắm mà còn yêu mến Đấng Vô Hình với tình yêu của con người.          

 Với mầu nhiệm Nhập Thể, Đấng vô biên đã trở nên hữu hạn để cái hữu hạn đi vào vô biên. Đấng Vô Hình đã trở nên hữu hình để loài hữu hình được tham dự vào sự sống Vô Hình, nhờ đó mà yêu mến Đấng Vô Hình. Tuy nhiên, dù có thể cảm nhận sự chân thật của tình yêu ấy, nhưng nó vẫn luôn tối tăm với con người, nên lòng mến được kiện toàn nhờ lòng tin.

Như vậy, việc gắn bó trong lòng cách tối tăm với Đấng Vô Hình mới là nền tảng của tôn giáo thật, và là ngọn lửa tác động trên toàn bộ đời sống người ta.[33] Và nếu không ngừng đi vào thế giới vô hình nơi Thiên Chúa ngự, tất cả những khía cạnh khác của việc làm môn đệ Chúa Ki-tô sẽ thành vô vị.[34] Bởi Chúa Ki-tô là đường dẫn người ta đến Chúa Cha, Đấng Vô Hình.

3.2. Tình yêu không biên giới

            Cảm nghiệm thần bí về tình yêu chân thật có đặc tính ngang hàng, và tình yêu như tình bạn của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá làm cho quan niệm về tình yêu vượt qua biên giới tưởng chừng như chỉ phù hợp trong tình yêu giữa con người với nhau, thì lại sáng đẹp hơn trong tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.

Quả thật,“Thiên Chúa là tình yêu”,[35] và Ngài chẳng làm gì khác ngoài hành động yêu thương. Đối với Thiên Chúa yêu một người là đặt người đó ngang hàng với Ngài để yêu. Cảm nghiệm này cho phép người ta nói về một tình yêu không biên giới, đúng hơn là trong tình yêu mọi biên giới đều bị xóa bỏ.

Làm sao có thể kể hết những khoảng cách mà biên giới giữa Thiên Chúa và con người tạo ra : nó là vô biên và hiện hữu, là trời và đất, là Đấng sáng tạo và loài thụ tạo, là tuyệt đối và tương đối, là vĩnh cửu và thời gian, là toàn thiện và tội nhân, là Tất cả và hư không… Chẳng có trí tuệ nào dám dung hòa những khác biệt đó. Trong Đức Giêsu, điều con người còn không dám mơ đã trở thành hiện thực. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã tự hủy mình đi, Đấng vĩnh cửu đi vào thời gian, Đấng vô hạn trở nên hữu hạn, Đấng là Tất Cả trở thành thiếu thốn, Thiên Chúa đã thay đổi tất cả. Tình yêu Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi khoảng cách, nối liền các biên cương, san bằng những vực thẳm nhờ một vực thẳm vô biên là tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Không còn biên giới chỉ còn bên nhau, không còn khoảng cách vì được nối liền, không còn là hai vì đã nên một, không còn xa lạ mà là gần gũi, không còn sợ hãi, chỉ còn yêu thương. Thật là mầu nhiệm và cao cả!

3.3. Từ hữu hình đến vô hình

Con người tự bản chất là hữu thể có khả năng mở ra với vô biên. Cảm nghiệm thần bí cho phép người ta đón nhận những thực tại siêu nhiên vượt trên bình diện tự nhiên. Điều này phản ánh tính năng động của sự sống Thiên Chúa trong linh hồn và nơi vạn vật. Những hình ảnh hữu hình qua cảm nghiệm thần bí trở nên như cách thức thực sự mà ân sủng Thiên Chúa thông truyền xuống trên con người.[36]

Thánh Têrêsa Avila mô tả đời sống cầu nguyện như chăm sóc một thửa vườn. Với người làm vườn, điều quyết định cho cây sinh hoa kết trái là nước. Biết cách lấy nước và tưới nước sẽ quyết định hiệu quả cây trồng. Cũng vậy, trong đời sống cầu nguyện việc đón nhận ân sủng sẽ quyết định sự thăng tiến của đời sống tâm linh. Bốn cách lấy nước từ chủ động đi gần đến thụ động, tương ứng với tiến trình cầu nguyện.[37]

            Trong tác phẩm Đường hoàn thiện, thánh nhân còn dùng thuật chơi cờ để diễn ta đức khiêm nhường, nền tảng thăng tiến đời sống tâm linh. Ngài ví sự khiêm nhường chiếm hữu được Thiên Chúa như sức mạnh của quân hậu trong bàn cờ vua.[38] Vì không có “bà hoàng” nào có sức thắng cho bằng đức khiêm nhường. Bởi đức khiêm nhường đã kéo Chúa từ trời xuống lòng Đức Trinh Nữ thế nào, thì nhờ nhân đức ấy người ta cũng kéo Người xuống lòng mình dễ như nhổ một sợi tóc.[39] Như thế, có thể nói nhờ khiêm nhường người ta chiếm ngay được Chúa, và ai sống khiêm nhường sẽ được Ngài nâng lên.[40]

            Thánh Gioan Thánh Giá trong tác phẩm Đêm dày đã dùng hình ảnh mẹ con diễn tả cuộc thanh luyện trong đêm tối của Thiên Chúa.[41] Thông thường khi người ta đã cương quyết quay trở về phụng sự và yêu mến Thiên Chúa, Ngài sẽ chăm sóc họ, cho bú mớm về mặt tâm linh chẳng khác nào một bà mẹ đầy yêu thương xử sự với đứa con bé bỏng của mình : bà ấp ủ nó trong lòng, nuôi dưỡng nó bằng sữa ngọt ngào và thức ăn ngon mềm, đồng thời nâng niu bồng ẵm nó trên tay. Tuy nhiên, vừa khi đứa bé lớn lên hơn người mẹ liền thôi không nựng chiều vuốt ve, bà không còn tỏ ra dịu dàng âu yếm, bà bôi lô hội đắng trên núm vú của mình cho nó thôi bú, bà không còn bồng ẵm mà đặt nó xuống đất cho nó tập đi, để giúp nó lớn lên.

Cũng thế, ân sủng của Thiên Chúa tác động trong linh hồn như bà mẹ yêu thương. Sau khi cho linh hồn hồi sinh với lòng nhiệt thành hăng say phục vụ Ngài, Thiên Chúa ban những an ủi thiêng liêng như dòng sữa tâm linh thơm tho ngọt ngào, khiến linh hồn say sưa thích thú thực hành tâm linh. Nhưng để thanh luyện linh hồn và giúp nó “lớn lên”, Thiên Chúa rút những sự dịu ngọt tâm linh, như bà mẹ thôi không cho con bú và thay vào đó bà cho ăn thức ăn khô và rắn, Thiên Chúa cũng làm cho linh hồn có thời gian khô khan kéo dài trong cầu nguyện để thanh tẩy và làm cho nó mạnh sức. Điều đó chứng tỏ ân sủng Thiên Chúa chẳng khác nào người mẹ hiền âu yếm yêu thương con.

Hình ảnh mẹ con nói trên cho thấy sự chăm sóc ân cần của Thiên Chúa với con người, điều đó chứng tỏ thánh Gioan Thánh Giá đã cảm nghiệm được cả một dòng máu thần linh lưu chuyển trong tâm hồn.[42]

Còn một hình ảnh cũng sống động khác được thánh Gioan Thánh Giá dùng để mô tả các mầu nhiệm Đức Ki-tô, những phán quyết khôn ngoan của Thiên Chúa, những uy lực và những thuộc tính của Thiên Chúa, đó là quả lựu.[43] Trong quả lựu có nhiều hạt nhỏ, được tạo thành và nuôi dưỡng bên trong một lớp vỏ hình tròn, cũng thế, mỗi một phán quyết và uy lực của Thiên Chúa cũng chứa nơi chúng vô số những lớp lang kỳ diệu và những hiệu quả tuyệt vời.[44] Khi người ta ăn quả lựu, từ nhiều hạt trong quả lựu chỉ tuôn ra một thứ nước mà thôi, tương tự như vậy : tất cả những điều kỳ diệu và cao cả của Thiên Chúa cũng chỉ phát sinh một thứ hoa trái và hoan lạc tình yêu, là thức uống của Thánh Thần.[45]

            Từ những hình ảnh hữu hình, bằng cảm nghiệm thần bí người ta như thấy Đấng vô hình đang hiện diện cách sống động trong con người và vạn vật. Tất nhiên, để thấy Đấng vô hình, người ta phải có tâm hồn trong sạch, vì:“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”
(Mt 5, 8).

 

 

Tóm lại, điều được cảm nghiệm thì vượt qua sự hiểu biết của trí tuệ, và điều đón nhận trong ân sủng thì thuộc về tâm thức, nó là tiếng nói của con tim, vượt qua nghi lễ và đạo đức. Điều vĩ đại thuộc về bản chất người ki-tô hữu là chức vụ làm con Thiên Chúa. Nhờ hồng ân cao cả này, người ki-tô hữu được ân sủng Chúa khai mở ra với vĩnh cửu và luôn khao khát hợp nhất với Đấng là Vĩnh Cửu, từ đó họ sống trong niềm vui và hạnh phúc của người được chọn, được yêu thương. Trong cầu nguyện, chiêm ngắm những thực tại hữu hình, họ yêu mến Đấng Vô Hình, dù không thể đạt thấu bằng sự hiểu biết, nhưng bằng tình yêu người ta có thể biết Ngài bằng cách không biết, khi để cho ân sủng, tình yêu Ngài chiếm lấy.

Chiều kích huyền bí tạo nên cốt lõi tinh túy của một tôn giáo. Với Ki-tô giáo cảm nghiệm thần bí đưa tâm hồn con người lên với chính Thiên Chúa là cội nguồn và đích điểm của mình, và nơi ấy không còn gì nữa, chỉ có Ngài mà thôi.

 

KẾT LUẬN CHUNG:

NHỮNG RUNG CẢM NỘI TÂM

Dòng chảy thần linh sẽ chẳng bao giờ cạn trong lòng của người yêu Vĩnh Cửu, và làm sao có thể nói hết cảm nghiệm thần bí vốn khôn tả, nhưng người ta vẫn muốn ngừng lại để tạm lui vào trong thinh lặng mà thỏa lòng tận hưởng hồng ân đã được ban tặng.

1. Những điều kỳ diệu được tỏ bày qua cảm nghiệm thần bí

            Cuộc kết hôn thiêng liêng diễn tả cách tối thượng sự kết hợp với Thiên Chúa. Đó là sự triển nở tế nhị của tình yêu phu thê, được thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá tỏ bày như bài ca hôn ước của linh hồn nép mình vào lòng Chúa. Niềm hạnh phúc lớn lao không gì tả xiết trong cuộc trao hiến tình yêu là Người Yêu Dấu, Đấng Tình Quân, Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành Phu Quân của Tình Nương linh hồn. Kết quả là cả hai cùng nên một lòng một ý, một vẻ đẹp, vẻ đẹp của Người, một Tình Nương được biến đổi nên Tình Quân.

Đó là mối tình từ muôn thủa :“Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người”.[46] Thánh Gioan Thánh Giá khi đắm mình trong Chúa cũng cảm nghiệm cuộc trao đổi kỳ diệu về mối tình này :

Con hỡi! Cha muốn tặng Con

Một vị Hôn thê yêu con say đắm,

Để nhờ Con, Nàng xứng được sống bởi chúng ta.

Ngồi cùng bàn, ăn cùng bánh của Cha,

Hiểu biết rằng hoan lạc đời Cha chính là Con đó.

Và cùng Cha, Nàng tận hưởng phúc lộc và dũng khí của Con.

Vâng thưa Cha, Con xin đa tạ,

Vị Hôn thê Cha sẽ tặng ban

Tất cả rạng rỡ của Con thuộc về Nàng.

Để Nàng được thấy Cha của Con là vô giá,

Rằng thân Con đây do Cha mà có.

Trên cánh tay Con, Nàng ôm trọn tình Cha nhân ái.

Trong diệu vợi ngàn đời, Nàng tán tụng lòng tốt của Cha.

Cứ như thế là xong, mối tình Con thôi đã đủ rồi.

Trong khi nói những lời này Ngài đã tạo thành vũ trụ.[47]

 

Tiến sâu vào trong Thiên Chúa, sau khi đã trải qua muôn vàn đau khổ của đêm tối thanh luyện, linh hồn trở nên tinh tuyền thánh thiện, Ba Ngôi Thiên Chúa tự trao ban chính Ngài cho linh hồn. Thiên Chúa biến đổi linh hồn thành chính Ngài, khi đó linh hồn chỉ còn khát khao điều Chúa khao khát.

Thiên Chúa, Đấng không thể đạt thấu, Vị Thiên Chúa ẩn khuất được chiêm ngắm và yêu mến qua Đấng chịu đóng đinh. Tuyệt mỹ thần linh được chiêm ngắm trong dung nhan trần trụi của Đấng không còn gì. Tất cả để diễn tả một Thiên Chúa yêu con người vì con người.

Một hành trình đời sống tâm linh cũng được khắc họa qua bảy cư sở của Lâu đài nội tâm hay cầu thang mười bậc tình yêu. Điều chắc chắn trong hành trình là có Thiên Chúa ở  cùng đích và ở đó người lữ hành không chỉ được chiêm ngắm mà còn được kết hợp với Ngài. Những cung bậc vi tế kỳ diệu nhất của bản giao hưởng tình yêu Thiên Chúa và con người được hòa tấu trong cuộc hành trình này. Tuy nhiên, lời khuyên có thể cần cho tâm hồn khát khao thánh thiện là đừng cố ép đời sống tâm linh của mình vào một cuốn sách, dù là sách do một tiến sỹ Hội Thánh viết ra, nhất là đừng cố gắng bắt chước một cách giả tạo, những điều mà người ta chỉ có thể đón nhận một cách khiêm nhường.[48]

Có một sự kết hợp khó phủ nhận giữa hai con người : thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá. Sự kết hợp đó minh chứng tình yêu là mối dây liên kết điều thiện hảo và Thiên Chúa là điểm hội tụ của mọi khác biệt. Và cảm nghiệm thần bí các ngài để lại cho Hội Thánh đến nay vẫn còn giữ địa vị vô song.

2. Phẩm giá cao cả của người ki-tô hữu

Phẩm giá cao cả của người ki-tô hữu được biểu lộ ngay trong lời kinh đọc hằng ngày : “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Ý thức và sống lời cầu nguyện này cũng là điều mà kinh nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá tỏ bày. Vì là con Cha, cũng có nghĩa là em của Chúa Giêsu, người ki-tô hữu sẽ hằng khát khao ở trong nhà Cha, sẽ vui sướng phục vụ Cha, không ghen tỵ đòi Cha con dê nhỏ để ăn mừng với bạn bè vì nhận biết rằng tất cả của Cha là của con.[49] Có mọi sự vì là con Cha, đó là điều tuyệt hảo do địa vị làm con mang lại. Điều tuyệt hảo đó không phải chỉ ở dưới đất mà còn là điều vĩnh cửu trên trời, bởi đó mới là Nhà Cha.

Ki-tô giáo không bao giờ quên giá trị vĩnh cửu của mình trong Thiên Chúa. Nhiệm vụ của Ki-tô giáo là đem cái tự nhiên hợp nhất với siêu nhiên vì Thiên Chúa làm chủ lịch sử và vũ trụ, Ngài là khởi đầu và tận cùng của mọi sự. Và mỗi ki-tô hữu phải đạt tới sự hoàn thiện như Cha trên trời, để chiếu tỏa vinh quang Ngài cho con người hôm nay. Đó là hàm nghĩa của ơn gọi làm con. Đó chính là niềm vui của Tin Mừng.

3. Điều lòng người khao khát

            Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá một lần nữa thôi thúc con tim người ta khao khát Vĩnh Cửu, ước mong hợp nhất với Cõi Thiêng, trở về với Cội Nguồn. Khao khát ấy chỉ được lấp đầy bởi Thiên Chúa, Đấng là Vĩnh Cửu, là Cõi Thiêng và Cội Nguồn. Khát khao Thiên Chúa làm cho cuộc sống hiện tại trở nên ý nghĩa nhất, bởi trong chính những thăng trầm của cuộc sống Thiên Chúa đưa ta vào chiều sâu của hiện hữu, chiều cao của niềm tin, chiều dài của hy vọng và chiều rộng của tình yêu để đạt sự khôn ngoan của tâm hồn.[50] Và chỉ có Thiên Chúa mới làm no thỏa khát vọng trong tim con người

4. Sự thánh thiện tỏa hương

            Do đức khiêm nhường thúc đẩy, những người được ơn cảm nghiệm thần bí thường giữ riêng giữa mình với Chúa. Tuy nhiên, sự thánh thiêng tự nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ, và hồng ân được lãnh nhận nhưng không thì cũng phải trao ban nhưng không, vì thế, thật là ý nghĩa khi những giá trị thánh thiêng này được chia sẻ.

            Khát khao thánh thiện là nhu cầu tự bản chất con người. Xã hội càng văn minh hiện đại con người càng khát mong sự thiện. Hơn lúc nào hết thời đại hôm nay cần những nhà thần bí, cần sự thánh thiện và kinh nghiệm thần hiệp thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá chiếu sáng. Có những tâm hồn đã lún sâu vào thói hư tội lỗi, chỉ có thể chỗi dậy chiến đấu khi được khích lệ bởi những nguồn sinh khí mãnh liệt thổi đến từ đỉnh cao thánh thiện mà các ngài mang lại. Đối với tâm hồn đã rớt xuống vực thẳm khá sâu, chỉ có vẻ huy hoàng của đời sống kết hợp với Thiên Chúa mới đủ sức làm đối trọng khử được hấp lực mãnh liệt của hố thẳm tội lỗi.[51]

Tuy nhiên, thực tế là có quá ít người được ơn thần bí hay có khả năng sống đời thần bí, phải chăng vì người ta đã quá ít đề cập về thần bí, về học thuyết của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá. Hơn bất cứ người nào, các linh mục phải có trách nhiệm làm cho những khát khao thánh thiện của con người được thực hiện. Vì tự bản chất linh mục là nhà thần bí thực hành. Linh mục phản chiếu dung nhan sống động và trong suốt của Chúa Ki-tô qua chính những mầu nhiệm linh thiêng ngài cử hành.

Thường khi con người no đủ vật chất thì họ lại đói khát tâm linh, vì đó là mối bận tâm tối hậu. Chỉ có sự thánh thiện, đời sống thần bí, mới nâng con người lên. Chỉ có tình yêu tinh tuyền, sức mạnh nội tâm mới xoa dịu những đau thương mất mát. Và chính Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, mới cứu độ thế giới này.

PHERO  TA VAN TUAN (THAN IV, DCV HANOI)

THƯ MỤC SÁCH THAM KHẢO

1. AUGUSTINO, Confessiones, Nxb Tôn giáo 2007.

2. JORDAN AUMANN, OP. Lịch sử Linh đạo Công giáo, Nxb. Phương Đông 2012.

3. JORDAN AUMANN, OP. Thần học về đời sống tâm linh, tập I, II, Luân đôn 1993. Bản dịch Việt ngữ năm 1994 và 1995.

4. PHAN TẤN THÀNH, Đời sống tâm linh, tập II, III, IV, Rô-ma 2002, 2003, 2004.

5. MINH VẬN, CMC. Tu đức học : giáo khoa đào tạo thánh nhân, bản dịch.

6. MICHAEL CASEY, Con người trọn vẹn Thiên Chúa trọn vẹn, Nxb. Tôn giáo 2009.

7. THOMA AQUINO, Tổng luận Thần học.

8. JUAN ARINTERO, The Mystical Evolution quyển 2.

9. HENRI BOULAD, SJ. Tất cả đều là ân sủng, Nxb. Tôn Giáo 2010.

10. RENÉ FÜLÖP-MILLER,   Têrêsa: Vị thánh hay xuất thần, Nxb. Tôn giáo 2009.

11. MARY TERESA OF CRUCIFIED HEART, OCD. Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh.

12. INHAXIO LOYOLA, Nhật ký những rung cảm nội tâm, Antôn & Đuốc sáng 2007.

13. MẸ TERESA, Hãy đến làm ánh sáng của Ta, Nxb. Văn học, 2008.

14.  JOSEPH RATZINGER – Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, Đức Ki-tô hôm qua hôm nay, Nxb. Tôn giáo 2009.

15. EDMUND COLLEDGE AND BERNARD  MCGINN, dịch và giới thiệu, Meister Eckhart, New York,1981.

16. ANNE–ELISABETH STEINMANN, Đêm tối và ngọn lửa.

17. CORNAD DE MEESTER, Êlisabét Chúa Ba Ngôi: Chúa có mặt là con vui, Nxb. Tôn giáo 2012.

18. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis.

19. JAMES W.KINN, The Practice of contemplation according to John Of The Cross, Institute of Carmelite Studies Washington, DC, 2009.

20. IRENE, Chống ngộ đạo IV, dịch theo Sources Chrétiennes.

21. VŨ CHÍ HỶ, Cánh chung và ân sủng học, Đại chủng viện Hà Nội 2012.

22. STAN ROUGIER, Những cuộc hẹn của Thiên Chúa, Nxb. Phương Đông 2013.

23. MAURICE ZUNDEL, Đạo đức và Thần bí, Nxb. Tôn giáo 2004.

 


[1]Cf. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rô-ma 2004, tr. 227.

[2]Cf. Xh 19, 3.

[3]Cornad De Meester, Êlisabét Chúa Ba Ngôi : Chúa có mặt là con vui, Nxb. Tôn giáo 2012, tr. 58.

[4]Cf. Mary Teresa of Crucified Heart, OCD, Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, Nxb. Cát Minh, tr. 60.

[5]Sách GLHTCG, số 2014.

[6]Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập 4, Rôma 2004, tr. 362.

[7]Thánh Giáo HoàngGioan Phaolô II, Pastores dabo vobis, số 12.

[8]1Pr 2, 9.

[9]Cf.James W. Kinn, The Practice of contemplation according to John Of The Cross, Institute of Carmelite Studies Washington, Dc, 2009, tr. 28.

[10]Cf. Henri Boulad, SJ. Tất cả đều là ân sủng, Nxb. Tôn Giáo 2010, tr. 193.

[11]Têrêsa Avila, Đường hoàn thiện, chương5, số 2.

[12]Cf. 1Ga 4,10.

[13]Cf. Henri Boulad, SJ. Tất cả đều là ân sủng, Nxb. Tôn Giáo 2010, tr. 194.

[14]Cf.Têrêsa Avila, Đường hoàn thiện, chương22, số 1.

[15]ThánhTêrêsa Avila , Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed And Ward – London, Cư sở thứ 2, tr. 33.

[16]Sách GLHTCG, số 2002.

[17]Cf.Vũ Chí Hỷ, Cánh chung và ân sủng học, Đại chủng viện Hà Nội 2012, tr. 236.

[18]Têrêsa Avila , Tiểu sử Tự Thuật, Nxb. Sheed And Ward – London, chương 5, số 2, tr. 31.

[19]Cf. Tv. 62.

[20]Người viết dùng từ “khoảng lặng” để chỉ ranh giới giữa sự hiểu biết, lòng đạo đức và kinh nghiệm thần bí.

[21]Stan Rougier, Những cuộc hẹn của Thiên Chúa, Nxb. Phương Đông 2013, tr. 13.

[22]Cf.Vũ Chí Hỷ, Cánh chung và ân sủng học, Đại chủng viện Hà Nội 2012, tr. 214.

[23]Têrêsa Avila, Lâu đài nội tâm, Nxb. Sheed and Ward – London, Cư sở thư 5 chương 4, tr. 105.

[24]Cf.Vũ Chí Hỷ, Cánh chung và ân sủng học, Đại chủng viện Hà Nội 2012, tr. 214.

[25]Pl 3, 8.

[26]Maurice Zundel, Đạo đức và Thần bí, Nxb. Tôn giáo 2004, tr. 4-5.

[27]Cf. Lc 1, 45.

[28]Cf. Mt 11, 25.

[29]Cf. Henri Boulad, SJ. Tất cả đều là ân sủng, Nxb. Tôn Giáo 2010, tr. 195.

[30]Cf. Mt 25.

[31]Dt 10,1.

[32]Stan Rougier, Những cuộc hẹn của Thiên Chúa, Nxb. Phương Đông 2013, tr. 20.

[33]Cf.Michael Casey, Con người trọn vẹn Thiên Chúa trọn vẹn, Nxb. Tôn giáo 2009, tr. 263.

[34]Cf.Ibid., tr. 261.

[35]1Ga 4, 8.16.

[36]Cf. Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 450.

[37]Têrêsa Avila, Tiểu sử Tự thuật, Nxb. Sheed and Ward – London, chương 11, số 7, tr. 87-88. 

[38]Têrêsa Avila, Đường hoàn thiện, chương16, số 2, tr. 81.

[39]Têrêsa Avila, Đường hoàn thiện, chương16, số 2, tr. 81.

[40]Cf. Lc 1, 52.

[41]Gioan Thánh Giá, Đêm dày, Nxb. Cát Hạnh 2009, tr. 52-53.

[42]Cf. Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá. Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 450 – 451.

[43]Gioan Thánh Giá. Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 375.

[44]Gioan Thánh Giá. Khúc linh ca, Nxb. Tôn giáo 2003, tr. 376.

[45]Ibid., tr. 377.

[46]Ep 1, 4.

[47]Gioan Thánh Giá, Tập tình ca số 4, trong :Stan Rougier, Những cuộc hẹn của Thiên Chúa, Nxb. Phương Đông 2013, tr. 13.

[48]Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, tr. 452.

[49]X. Lc 15, 32.

[50]Vũ Chí Hỷ, Cánh chung và ân sủng học, Đại chủng viện Hà Nội 2012, tr. 228.

[51]Dẫn vào đọc các tác phẩm của Gioan Thánh Giá, Khúc linh ca, tr. 419.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30