ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: ĐỨC CHA ALOISIO NGUYỄN HÙNG VỊ, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KONTUM, HUẤN ĐỨC CHO CÁC CHỦNG SINH

Written by xbvn on Tháng Ba 20th, 2017. Posted in Kontum, Đại Chủng Viện Huế

Nhân chuyến viếng thăm Đại Chủng Viện Huế trong hai ngày 13-14/03/2017, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Giáo phận KonTum đã có buổi huấn đức cho các chủng sinh vào lúc 17g10 ngày thứ Hai (13/03/2017) tại nhà hội của Đại Chủng Viện.

Trước lúc buổi huấn đức bắt đầu, Cha Giám đốc Giuse Hồ Thứ, thay mặt Ban Giám đốc và toàn thể thành viên của gia đình Đại Chủng Viện, bày tỏ niềm vui khi được chào đón Đức Cha Aloisiô đến viếng thăm.

Bài huấn đức của Đức Cha Aloisiô bao gồm ba điểm chính yếu:

Trước hết, Đức Cha đề cập đến những việc làm đạo đức truyền thống mà Hội Thánh khuyên các tín hữu thực hành trong Mùa Chay như: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Với ý tưởng này, Đức Cha đã lưu ý đến việc làm sao để những thực hành đạo đức đó có thể mang lại ý nghĩa sâu xa và đích thực cho đời Kitô hữu. Đức Cha đã nói về nguy cơ của những hình thức ăn chay, cầu nguyện và bố thí mang tính chất hời hợt, bên ngoài, chiếu lệ, hình thức và vì bản thân mình. Sau đó, Đức Cha đã quảng diễn những cách thực hành phù hợp với tinh thần và ý nghĩa của Mùa Chay, đó là ăn chay không chỉ bề ngoài mà chay tịnh trong tinh thần với những hy sinh, hãm mình, yêu mến điều thiện hảo, thực thi công bình và bác ái…; cầu nguyện không chỉ là để chu toàn bổn phận nhưng là một sự tiếp xúc thân mật và là cuộc gặp gỡ có tính cá vị với Thiên Chúa, mang lại những ích lợi cho đời sống thiêng liêng; việc bố thí không chỉ là chia sẻ vật chất và tinh thần cho tha nhân nhưng còn được thực hiện cách âm thầm, kín đáo, không khoe khoang, không tính toán, không mong chờ đáp trả và thực hành bác ái cho người khác như làm với chính Chúa. Đức Cha Aloisiô đã nhấn mạnh đến việc Mùa Chay mời gọi các tín hữu sống tinh thần hy sinh và hãm mình, không phải để tích lũy cho chính mình nhưng là để chia sẻ. Từ đó, Đức Cha đã nói đến mối gắn kết mật thiết giữa việc ăn chay và bác ái. Sống bác ái là điều chính yếu và căn bản của đời Kitô hữu.

Tiếp theo, Đức Cha Aloisiô đã trình bày về hai loại tình yêu: tình yêu hàng ngang và tình yêu hàng dọc.

Thứ nhất là tình yêu hàng ngang được thể hiện qua tình huynh đệ, tình bằng hữu, tình yêu vợ chồng, tình yêu dành cho tha nhân. Đặc tính của tình yêu hàng ngang là đòi hỏi người được yêu có những phẩm tính tốt. Đây là tình yêu nhìn lên người khác để xem họ có gì đó đáng kính, đáng yêu. Tình yêu này thường mang tính trao đổi. Khi người được yêu mất đi những phẩm tính tốt đẹp thì họ không còn được yêu nữa. Tình yêu hàng ngang không chảy đến chỗ thấp, khi có vật cản thì dòng nước yêu thương sẽ bị chặn lại. Ánh mắt của tình yêu hàng ngang không phải để trân trọng những phẩm giá con người nhưng là tìm kiếm những gì bề ngoài để mà yêu thương. Tình yêu loại này có khuynh hướng yêu những người tốt lành, tài giỏi, giàu sang, thành công…

Thứ hai là tình yêu hàng dọc thể hiện qua tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, ông bà đối với con cháu, tình thầy – trò… Tình yêu hàng dọc diễn tiến theo quy luật đi xuống, cha mẹ thương con luôn là vô vị lợi, không so đo tính toán. Đây là tình yêu mang đặc tính của sự tặng ban cách nhưng không. Tình yêu hàng dọc có thể chảy đến những nơi thấp và có khuynh hướng đọng lại nơi trũng nhất. Tình yêu loại này được bày tỏ cho những ai khát khao yêu thương chứ không phải chỉ cho những ai có những phẩm tính tốt. Tình yêu hàng dọc có khả năng bao bọc, chở che những mảnh đời rách nát và bất hạnh trong khi tình yêu hàng ngang đi tìm những minh tinh và ngôi sao. Trong đời sống gia đình, người ta thường gặp tình yêu hàng dọc: cha mẹ thương con chỉ vì là con của mình, dù con cái có tật nguyền hay khiếm khuyết, cha mẹ vẫn yêu con không mong chờ đền đáp. Tình yêu hàng dọc chấp nhận bản thân người được yêu như chính họ là. Tình yêu hàng dọc dám liên lụy, dám đồng hành với người mình thương yêu trong những nỗi thống khổ hay vui sướng, thành công hay thất bại. Tình yêu hàng dọc là tình yêu thực sự chấp nhận tha nhân như chính họ, là tình yêu chân thật, là bác ái. Nếu bao lâu tình yêu còn dựa vào những lý do để mà yêu thì nó chưa thật sự là bác ái theo Kitô giáo. Chính Đức Giêsu Kitô là kiểu mẫu cho tình yêu nhưng không. Ngài dạy con người yêu thương ngay cả kẻ thù. Chính Ngài đã nêu gương trước về giới răn yêu thương, trong những giây phút cuối đời trên thánh giá, ngài đã cầu xin Thiên Chúa Cha thứ tha cho những kẻ giết Ngài. Các thánh cũng đã đi theo con đường đó, tiêu biểu là thánh Têphanô, tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Để minh chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, Đức Cha đã trích thư thánh Phaolô: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Thiên Chúa đã mặc lấy một tên gọi khác là Lòng Thương Xót hay Lòng Nhân Từ. Và, con người cần đến Thiên Chúa để được cứu độ. Trước tình yêu Thiên Chúa, con người không có gì xứng đáng để được Thiên Chúa yêu thương và chết cho mình, con người chỉ có thể đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại luôn luôn chảy tràn, nhất là đối với những ai nghèo hèn, đau khổ, bé mọn và người tội lỗi. Lòng thương xót là phẩm tính cao cả nhất của Thiên Chúa, biểu lộ chính hữu thể của một Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng Nhân Từ cúi xuống với con người và toàn thể thế giới. Điều này được biểu lộ trong suốt dòng lịch sử cứu độ, cụ thể nhất là khi Ngôi Hai Nhập Thể làm người, và từ cạnh sườn bị đâm thâu, Đức Giêsu ôm lấy toàn thể nhân loại, chữa lành mọi thương tích. Đức Giêsu đã làm chứng cho sứ mạng Thiên Sai của Ngài bằng cách tỏ lộ lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người.

Cuối cùng, Đức Cha Aloisiô đã trình bày những cung cách sống của một Kitô hữu với tư cách là một chi thể của Giáo Hội. Trong “Kinh Lạy Cha”, người tín hữu tuyên xưng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời,…”, như vậy, mọi người có cùng một Thiên Chúa là Cha và tất cả là anh em với nhau, chung sống trong gia đình của Thiên Chúa. Do đó, người Kitô hữu được mời gọi sống tình yêu hàng dọc. Tình yêu hàng dọc sẽ biến đổi cuộc đời người tín hữu khi biết quảng đại hy sinh và dấn thân cho tha nhân. Bao lâu mỗi người khám phá ra tình yêu hàng dọc, bấy giờ ta sẽ sống vui tươi và quảng đại dâng hiến, xả thân để phục vụ anh chị em.

Trước khi kết thúc buổi huấn đức, Đức Cha Aloisiô đã cầu chúc các chủng sinh luôn tràn đầy niềm vui và luôn biết nhìn ra tình yêu hàng dọc – tình yêu tuyệt đối trong cuộc sống để đời sống tại Đại Chủng Viện chan chứa tình huynh đệ và ấm áp tình gia đình.

Buổi huấn đức kết thúc lúc 18g00 cùng ngày. Sau đó, Đức Cha Aloisiô đã nguyện Kinh Truyền Tin chung với các chủng sinh.

Sáng hôm sau, thứ ba (14/03/2017), Đức Cha Aloisiô đã chủ tế Thánh Lễ ban sáng tại nhà nguyện của Đại Chủng Viện.

BTT ĐCV Huế

 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31