ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: ĐỨC CHA ALPHONG NGUYỄN HỮU LONG HUẤN ĐỨC CHO CÁC CHỦNG SINH
Trong hai ngày 03 – 04/04/2017, Đức Cha Alphong Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, Nguyên Giám đốc Đại Chủng Viện Huế, đã có chuyến viếng thăm Đại Chủng Viện. Cùng đi với ngài, có Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Đặc trách ơn gọi của Giáo phận Hưng Hóa. Trong dịp này, Đức Cha Alphong đã có hai buổi huấn đức dành cho các chủng sinh tại nhà hội của Đại Chủng Viện vào các ngày Thứ hai (03/04/2017) và Thứ ba (04/04/2017). Các buổi huấn đức diễn ra từ lúc 17h10 đến 18h.
Trước lúc bắt đầu buổi huấn đức đầu tiên vào Thứ hai (03/04/2017), Đức Cha Alphong đã bày tỏ niềm vui khi ngài được trở lại mái nhà Đại Chủng Viện, được sống trong tình anh em với các Linh mục Hội Xuân Bích và được gặp gỡ các Chủng sinh.
Trong buổi huấn đức này, được gợi hứng từ các bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các Linh mục, Chủng sinh và Tập sinh từ khi ngài khởi đầu sứ vụ Giáo Hoàng cho đến nay, Đức Cha Alphong đã nói lên tình yêu và những ưu tư của Đức Thánh Cha dành cho các Chủng sinh. Sau đó, trong bối cảnh Hội Thánh đang sống những ngày cao điểm của Mùa Chay, Đức Cha mời gọi các Chủng sinh nhìn lên Thánh Giá, nơi Thầy Chí Thánh Giêsu chịu khổ nạn và chiêm ngắm Đức Giêsu là Mục tử nhân lành hiến dâng mạng sống vì đoàn chiên, để mai ngày, các Chủng sinh có thể trở nên những Linh mục đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, tiếp nối sứ mạng là mục tử nhân lành. Từ đó, Đức Cha Alphong trình bày đề tài của buổi huấn đức là “Để trở nên mục tử nhân lành theo gương Chúa Giêsu Mục tử” dựa trên những tư tưởng chính yếu của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trước hết, Đức Cha nói đến tương quan của Linh mục với Ba Ngôi Thiên Chúa. Đối với Chúa Cha, Linh mục là người tìm kiếm Thánh Ý Ngài. “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” là câu hỏi thường trực được Linh mục đặt ra trong cuộc sống hằng ngày. Sống theo ý Chúa thì sẽ đạt tới hạnh phúc đích thực như Chúa Giêsu: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng Đã sai Thầy và hoàn tất công trình của người” (Ga 4,34) và “Lạy Chúa, này con xin đến để làm theo ý Ngài” (Tv 39,8-9); Đối với Chúa Giêsu, Linh mục là người có mối tương quan cá vị và gắn bó với Chúa Giêsu, mang lấy những tâm tình, cảm nghĩ của Ngài và nên một với Ngài. Mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, đó là tình yêu dành cho Chúa Cha và cho Giáo Hội, đó là có lòng thương xót và nhân hậu để đến với những anh chị em đang đau khổ về thể xác lẫn tinh thần đang cần được yêu thương, tha thứ và đồng hành; Đối với Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của công cuộc đào tạo, Linh mục phó mình cho Ngài và ngoan ngùy đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài tựa như đất sét trong bàn tay người thợ gốm. Có như vậy, Linh mục mới có thể chăn dắt dân Chúa và hướng dẫn họ theo con đường của Đức Giêsu. Ở đây, Đức Cha Alphong đã nhắc đến phương châm sống của Cha Jean Jacque Olier, Vị sáng lập Hội các Linh mục Xuân Bích: “Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, buông mình cho Chúa Thánh Thần”. Mối tương quan mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa giúp các Chủng Sinh kết dệt nên một đời sống thiêng liêng sâu sắc.
Tiếp theo, Đức Cha nói về đời sống thiêng liêng. Để trở nên giống Chúa Giêsu trong tư tưởng, lời nói và hành động và trong tình yêu mến thì suy niệm Tin Mừng hằng ngày phải là điều thiết yếu nơi đời sống của các Chủng sinh. Bên cạnh đó, Bí tích Hòa giải cho các Chủng sinh cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính nơi Bí tích này, Chủng sinh học biết lòng thương xót và tha thứ không cùng của Thiên Chúa. Đỉnh cao của đời sống thiêng liêng là tham dự Thánh Lễ và hiệp lễ với lòng Tin và lòng mến. Ngoài ra, Chủng sinh còn là con người của cầu nguyện như Đức Giêsu cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha.
Sau đó, Đức Cha đã nói về đời sống và sứ vụ của Linh mục. Đức Ái mục tử là linh đạo của Linh mục Giáo phận. Đức Ái mục tử đòi hỏi Linh mục phải đi ra ngoài, gặp gỡ tha nhân, đón nhận họ, cảm thông, thành tâm tha thứ cho họ theo gương Đức Giêsu. Đức Giêsu đã gặp gỡ, tiếp xúc và thương xót mọi hạng người. Ngài không kết án, không đặt dấu chấm hết cho một cuộc đời nhưng luôn cảm thông và nâng dậy. Đức Cha Alphong đã lưu ý đến một cám dỗ cho đời sống Linh mục, đó là ngại tiếp xúc, ngại ở gần, ngại những con người được cho là tội lỗi.
Cuối cùng, Đức Cha đã nhắn nhủ các Chủng sinh cần tránh lối sống cá nhân chủ nghĩa. Đây là một thách đố lớn của thời đại hôm nay khi con người chỉ biết sống cho mình, sống cô lập, sống thoải mái với tiện nghi, sống mà không nghĩ đến những người nghèo khổ và túng thiếu. Đức Giêsu không sống như vậy. Ngài luôn là con người đón tiếp, gặp gỡ. Ngài sống giản dị, nghèo khó và buông bỏ. Đức Cha ước mong các Chủng sinh luôn có tinh thần sẵn sàng đi ra khỏi chính mình, có tinh thần hy sinh, từ bỏ để đến với những anh chị em đang cần giúp đỡ và yếu đuối, đến với những người nghèo về vật chất, luân lý hay tinh thần. Đức Cha khuyên các Chủng sinh tránh lối sống cô độc khép kín trong chính mình, biết kết thành cộng đoàn để mối bác ái liên kết họ lại với nhau trong tình huynh đệ tương thân tương ái.
Kết thúc buổi huấn đức đầu tiên, Đức Cha Alphong trích dẫn lời ngôn sứ Êdêkien để mời gọi các Chủng sinh suy nghĩ kỹ lưỡng về sứ vụ của người mục tử tương lai: “Khốn thay những mục tử chỉ biết lo cho mình mà bỏ mặc đàn chiên” (Ed 34,2). Đồng thời, Đức Cha cầu chúc các Chủng Sinh có thể trở nên những mục tử tốt lành theo gương Chúa Giêsu, Mục Tử Tối Cao, Mục Tử nhân lành.
Trong buổi huấn đức lần thứ hai vào chiều thứ ba (04/04/2017), Đức Cha Alphong đã nói về đề tài “Nhiệt huyết Tông đồ”.
Mở đầu buổi huấn đức, Đức Cha đã giới thiệu đôi nét về Giáo phận Hưng Hóa, nơi ngài đang thi hành sứ vụ Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận. Đồng thời, Đức Cha bày tỏ những trăn trở về công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam cũng như tại Giáo phận ngài đang phục vụ. Sau đó, dựa trên những định hướng và chỉ dẫn của Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Cha đã gửi gắm đến các chủng sinh hai điểm chính yếu là: sứ mạng loan báo Tin Mừng và lòng nhiệt huyết Tông đồ.
Với sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Cha đã trình bày về một “Giáo Hội vươn ra truyền giáo”. Truyền giáo là bản chất và là sứ mạng của toàn thể Giáo Hội. Các Linh mục giữ vai trò quan trọng trong sứ mạng này. Đức Cha đã nhấn mạnh đến việc không chỉ bằng lòng với “mục vụ bảo tồn” nhưng hướng đến “mục vụ truyền giáo”. Linh mục phải là người có nhiệt tâm loan báo Tin Mừng và là “người môn đệ truyền giáo”, không thể là môn đệ mà không đồng thời là nhà truyền giáo.
Để thực thi sứ mạng truyền giáo thì điều quan trọng nhất phải cơ nơi người môn đệ Chúa Kitô là lòng nhiệt tâm. Đức Cha đã khuyên nhủ các chủng sinh cố gắng nuôi dưỡng lòng nhiệt tâm bằng cách trích dẫn Lời Chúa: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10; Ga 2,17) và “Lòng nhiệt thành với Chúa các đạo binh nung nấu con” (1V 19,10). Lòng nhiệt tâm được thể hiện bằng một đời sống tràn đầy niềm vui để ta có thể nói về Chúa cho anh chị em như Đức Maria vội vã mang niềm vui chia sẻ cho người chị họ Êlizabeth, như người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, khi đã nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, chị vội vã bỏ lại vò nước để đi loan báo Tin Mừng cho người khác, như Mađalêna gặp Chúa Phục Sinh, vội vã đi loan báo cho các môn đệ, như hai môn đề trên đường Emau vội vã trở về Giêrusalem để loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Nơi người “môn đệ thừa sai”, lòng nhiệt tâm và niềm vui gắn kết với nhau.
Đức Cha đã nói đến những thách đố luôn xuất hiện trong công cuộc truyền giáo. Những thách đố đó không làm cho người môn đệ đánh mất niềm vui và ngã lòng, không cướp mất nhuệ khí truyền giáo. Đức Cha tha thiết mời gọi các chủng sinh đừng bao giờ để mình bị cướp mất niềm vui Tin Mừng. Đức Cha đã điểm qua những thách đố trong công cuộc truyền giáo ngày hôm nay như: Sự quyến rũ của vật chất và lối sống hưởng thụ, não trạng dửng dung và thờ ơ tôn giáo, sự thua thiệt trong xã hội, chủ nghĩa tương đối hóa, chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt là sự thiếu xác tín về niềm tin của mình nơi người môn đệ.
Kết thúc buổi huấn đức, Đức Cha kêu gọi các chủng sinh cầu nguyên cho công cuộc truyền giáo và ước mong các chủng sinh luôn nung nấu lòng nhiệt tâm đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng và đừng bao giờ để “mất tình yêu thưở ban đầu” (Kh 2,4).
Vào cuối mỗi giờ huấn đức, Đức Cha Alphong đã dành ra một khoảng thời gian để đối thoại với các chủng sinh. Các chủng sinh đã đặt những câu hỏi, nêu lên những vấn đề và ngài giải đáp những thắc mắc.
Lồng vào các ý tưởng chính yếu khi huấn đức, Đức Cha đã chia sẻ những mẩu chuyện về mục vụ, về truyền giáo thực tế và sinh động.
Trong thời gian thăm viếng Đại Chủng Viện, Đức Cha Alphong đã tham gia những sinh hoạt chung và chủ tế Thánh Lễ ban sáng tại nơi này.
BTT ĐCV Huế
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- VIDEO TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN DỊP LỄ BỔN MẠNG ĐCV HUẾ
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- NHỮNG TÂM TÌNH NGÀY LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ GIỖ ĐẦU TIÊN ĐỨC CHA PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
- VIDEO THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- ĐCV HUẾ KHAI MẠC TRỌNG THỂ THÁNG MÂN CÔI
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: LỄ GIỖ 3 NĂM NGÀY CHA J.B. ETCHARREN QUA ĐỜI
- THÁNH LỄ TẠ ƠN HỒNG ÂN NGÂN KHÁNH LINH MỤC CỦA CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH
- KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024-2025, ĐCV HUẾ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN