NOËL 2012 TẠI BÊLEM
Với chúng ta, những kitô hữu, các địa danh của Đất Thánh như Cana, Capharnaum, Giêrusalem, Bêlem… đã phần nào trở nên quen thuộc. Dường như trong thâm tâm, ai cũng ước mong có một lần được đặt chân tới những nơi này để tận mắt thấy quê hương của Chúa Giêsu, nơi Ngài đã sinh ra, lớn lên, rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ, đã chết và đã phục sinh. Chúng tôi may mắn được sống ở Đất Thánh vào thời điểm Lễ Giáng Sinh và được chứng kiến không khí tưng bừng của ngày đại lễ tại Bêlem. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà hai tháng trước đây cuộc xung đột xảy ra giữa Palestine và Israel, quý vị có thể hỏi : làm sao có được an ninh tại Bêlem trong ngày Lễ Giáng Sinh năm nay ? Bài chia sẻ này không trả lời trực tiếp cho vấn đề nêu trên đây, nhưng chỉ muốn gửi tới quý vị một vài thông tin và hình ảnh về ngày lễ Giáng Sinh tại thành phố Bêlem lịch sử này. Để hiểu hơn về ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng Con Thiên Chúa ra đời tại hang Bêlem, chúng ta cùng nhau nhìn khái quát về lịch sử của thành này đã được ghi trong Kinh Thánh cùng với những biến cố vĩ đại của nó trong lịch sử cứu độ.
1. BÊLEM XƯA VÀ NAY
Ai trong chúng ta đều biết, nước Do thái thời Chúa Giêsu chia làm ba miền : Galilê (Bắc) – Samaria (Trung) và Giuđêa (Nam). Bêlem là một thành thuộc miền Giuđêa, mà theo Tin mừng Luca, thành này được gọi là thành của vua Đavit : « Thời hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong cả thiên hạ … Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadaret, miền Galilêa lên thành Vua Đavit tức là Bêlem, miền Giuđêa, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavit » (Lc 2, 1-4).
Bêlem hay Bethlehem ngày nay là một thành phố nhỏ, nằm phía tây ngạn sông Giođan, cách thành phố Giêrusalem khoảng 8 km về phía nam, ở độ cao khoảng 760 m trên mặt biển và cao hơn Giêrusalem khoảng 30 m. Thành phố Bêlem hiện nay, với khoảng 50.000 dân (Kitô hữu chiếm khoảng 10%), do chính quyền Palestine kiểm soát, nhưng thị trưởng của thành này luôn là một kitô hữu. Mặc dù nhỏ bé, nhưng Bêlem là một trong những trung tâm hành hương và du lịch của Palestine thu hút rất nhiều khách du lịch và khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nền kinh tế thế giới đang trong vòng suy thoái, nhưng theo số thống kê mới đây, số khách về Bêlem trong năm 2012 lên tới gần 2 triệu người.
Mặc dù bé nhỏ, nhưng Bêlem là một trong những địa danh quan trọng trong lịch sử cứu độ. Đối với Do thái giáo, Bêlem là nơi có ý nghĩa quan trọng, vì ở ngoại ô thành này có mộ bà Rachel là vợ của ông Giacop. Bà đã qua đời khi sinh Benjamin (St 35, 19). Bêlem là quê hương của vua Đavit. Tại Bêlem Đavit được Samuel xức dầu phong vương (1Sm 16,13- 15) và do đó, Bêlem còn gọi là thành của Đavit (Lc 2,4-11). Được xem là một thành nhỏ nhất trong các chi tộc Giuđa (Mk 5,1), nhưng từ Bêlem sẽ xuất hiện Đấng cứu độ nhân loại (Mt 2,1-7). Chính vì thế, Bêlem xưa cũng như nay luôn là linh địa của Kitô giáo.
Hai thị trấn nhỏ không xa trung tâm Bêlem, là Beit Jala và Beit Sahour cũng có ý nghĩa đặc biệt với Kitô giáo, cách riêng là với Giáo Hội Công giáo. Ở Beit Jala, cách Bêlem hơn 2 km, có Chủng Viện Công Giáo nghi lễ Latinh, được thành lập từ năm 1852. Được biết, năm học 2012-2013, Chủng Viện có 66 thày : 35 tiểu chủng sinh và 31 đại chủng sinh. Còn thị trấn Beit Sahour, cách Bêlem khoảng 2 km, có nhà thờ ‘Cánh Đồng Mục Tử’ (le champ des bergers) hay còn gọi là ‘Cánh Đồng Thiên Thần’ để ghi nhớ sự kiện Thiên Thần đã hiện ra báo tin cho các mục đồng biết Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Theo Tin Mừng Luca, sau khi nghe các Thiên Thần ca hát « Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm », các mục đồng đã hối hả đi Bêlem để xem sự việc đã xảy ra thế nào (x. Lc 2, 13-15). Họ đã lên đường và trở thành những người đầu tiên đến thờ lạy Chúa Cứu Thế giáng sinh tại Bêlem. Hơn hai ngàn năm qua, tại thành phố này, hang Bêlem vẫn còn đó và Nhà Thờ Giáng Sinh lịch sử đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào cuối tháng 6 năm 2012 vừa qua.
2. NHÀ THỜ GIÁNG SINH VÀ HANG BÊLEM
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Bêlem, Nhà Thờ Giáng Sinh được xây dựng vào thế kỷ thứ IV, thời hoàng đế Constantinô (272 – 337). Đây là một trong những nhà thờ cổ nhất trên thế giới, có sinh hoạt liên tục từ khi xây dựng cho đến ngày nay. Theo các nhà nghiên cứu, bằng chứng đầu tiên về hang Bêlem là nơi Chúa Cứu Thế sinh ra được ghi trong các tác phẩm của thánh Justinô (khoảng năm 160). Truyền thống này được giáo
phụ Origen xác nhận vào thế kỷ thứ III. Theo sử liệu, vào năm 326, Hoàng Đế Constantinô và mẹ là thánh nữ Helena đã cho xây một nhà thờ trên hang Bêlem ấy. Năm 530, Hoàng Đế Justinianô cho phá nhà thờ do Constantinô xây để dựng một nhà thờ rộng hơn, tức là nhà thờ còn tồn tại đến ngày nay. Nhà thờ được xây theo hình thánh giá, dài 54 m, rộng 26 m và phần cung thánh rộng 35 m. Nhà thờ có 4 hàng cột cao 6 m, được trang trí bằng những chiếc đèn theo kiểu Hy lạp. Từ năm 1852, nhà thờ được đặt dưới sự trông coi chung của cả ba Giáo Hội: Công Giáo, Chính thống Ácmêni và Chính Thống Hy Lạp. Tuy nhiên, người Hy Lạp được quyền kiểm soát hang Bêlem.
Hai ngày trước Lễ Giáng Sinh, chúng tôi, ba linh mục ở cùng trường, được tới hang Bêlem dâng lễ cùng với 6 giáo dân người Pháp. Nơi đây chỉ đủ cho một nhóm nhỏ khoảng 10 người và phải đăng ký từ trước. Mặc dù thánh lễ ở mọi nơi và mọi thời đều như nhau, nhưng dâng lễ tại chính nơi mà Con Thiên Chúa đã giáng sinh đã cho chúng tôi một cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc về ơn cứu độ Thiên Chúa tặng ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô. Vì không gian chật hẹp, nên tất cả đều phải đứng từ đầu đến cuối thánh lễ.
Một điều chúng tôi ghi nhận là gần tới Lễ Giáng Sinh, nhiều đoàn hành hương từ khắp nơi tuôn về nơi lịch sử đáng ghi nhớ này, nên không gian nhỏ bé của hang Bêlem lại càng chật hơn. Không chỉ hang Bêlem trở nên chật chội mà cả Nhà Thờ Giáng Sinh hôm nay cũng đầy kín khách hành hương.
Giữa gian cung thánh của thánh đường lịch sử này, ngay dưới bàn thờ chính, nằm dưới lòng đất là hang Bêlem. Trên nền bằng đá cẩm thạch của hang Bêlem, nơi Chúa sinh ra, được đánh dấu bằng ngôi sao bạc 14 cánh. Có tài liệu giải thích rằng 14 cánh là con số tượng trưng cho “14 đời”trong gia phả của Chúa Giêsu mà Tin Mừng Matthêu đề cập đến : « … từ tổ phụ Abraham đến Vua Đavit có mười bốn đời; từ Vua Đavit đến thời lưu đầy ở Babylon là mười bốn đời; và từ thời lưu đầy ở Babylon đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời » (Mt 1, 17). Các chữ bằng tiếng Latinh vòng quanh bên trong ngôi sao này là : Hic de Virgine Maria Jesus Christus Natus Est. Có nghĩa là: Nơi đây Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Đức Giêsu Kitô.
Bên cạnh hang Bêlem, nơi Chúa đã sinh ra, ngày nay vẫn còn một hang, mà theo sử liệu, vào năm 388, thánh Giêrônimô đến sống một cuộc đời khổ hạnh suốt 32 năm cho đến khi qua đời (năm 420) bên trong hang đá này. Nếu quý vị đã một lần tới thăm hang này thì hẳn còn nhớ ở đây có những gian phòng khác nhau, nơi thánh nhân đã sống, làm việc, tiếp khách và cử hành phụng vụ. Công trình vĩ đại ngài để lại cho Giáo Hội mà chúng ta có hôm nay là bản dịch toàn bộ Kinh Thánh từ tiếng Do thái và Hy lạp ra tiếng Latinh. Thánh nhân không những chỉ nghiên cứu về Lời Chúa, nhưng ngài còn cảm nghiệm và sống bằng Lời Chúa. Vì thế, ngài đã để lại một câu nói bất hủ được trích dẫn qua mọi thời, đó là : « Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô ». Trên vách đá trong hang này, khách hành hương còn thấy dòng chữ tiếng Latinh “Locus sancti Hieronymi presbyterii & Ecclesiae doctoris” (Nơi ở của Thánh Giêrônimô linh mục và tiến sĩ Hội Thánh).
3. NOËL 2012 TẠI BÊLEM
Theo truyền thống từ lâu, chiều hôm nay 24.12.2012, tại Quảng Trường Máng Cỏ trước Nhà Thờ Giáng Sinh, có cuộc đón tiếp Đức Thượng Phụ Giêrusalem Fouad Twal. Vì thế, ngay từ buổi trưa, các loại xe bốn bánh bị cấm đi vào thành phố để nhường chỗ cho người bộ hành. Khoảng 13 giờ, những đường phố chính dẫn về Quảng Trường đã chật kín khách hành hương và dân chúng đến đón Đức Thượng Phụ. Những đội kèn đủ loại và các đội trống với những bộ quần áo đồng phục diễu hành trên phố này làm cho không khí của ngày lễ sôi động, tuy nhiên tất cả đều trật tự và trang nghiêm.
Hòa mình với đoàn người thuộc nhiều màu da và tiếng nói khác nhau từ khắp năm châu, như: Ấn Độ, Đức, Pháp, Balan, Úc, Canada, Mỹ, Mêhicô, Phi Châu… chúng tôi cảm nhận thực sự được tính cách hoàn vũ của Giáo Hội. Đang theo dòng người tiến về Quảng Trường Máng Cỏ, chúng tôi vui mừng được gặp những người đồng hương Việt Nam trên mảnh đất lịch sử này. Một thầy thuộc dòng Xitô và một chị giáo dân đến từ Mỹ, cũng như các nữ tu thuộc dòng Tiểu Muội đã phục vụ nhiều năm tại Đất Thánh. Theo ước tính, có khoảng hơn 50.000 người đã về đây trong dịp lễ Giáng Sinh này.
Khoảng 14 giờ, phái đoàn Đức Thượng Phụ Giêrusalem, cùng với các Đức Giám Mục phụ tá, được xe cảnh sát dẫn đường và hộ tống tới Quảng Trường Máng Cỏ, nơi đã có hàng ngan người đang chờ đợi dưới ánh nắng của tiết trời Đông, nhiệt độ khoảng 14°C. Ngỏ lời với dân chúng và khách hành hương tại Quảng Trường nơi có cây thông giáng sinh cao 25 m được trang trí nhiều màu sắc rực rỡ, Đức Thượng Phụ Fouad Twal, vị lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo Rôma tại Trung Đông, chào thăm và chúc mừng giáng sinh tới hết mọi người hiện diện. Theo ngài, Lễ Giáng Sinh năm nay, đối với những người dân ở Bêlem có ý nghĩa đặc biệt, vì vào tháng 11 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã chính thức nhìn nhận Palestine như một nhà nước quan sát viên của tổ chức này.
Cao điểm của ngày trọng đại này là giờ Canh Thức và thánh lễ Nửa Đêm được cử hành tại Nhà thờ thánh Catarina, nằm sát với Nhà Thờ Giáng Sinh. Ngôn ngữ chính của buổi cử hành là tiếng Latinh. Riêng lời nguyện tín hữu được công bố bằng 8 thứ tiếng khác nhau : Latinh-Anh-Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha-Ả rập-Do thái. Cùng đồng tế với Đức Thượng Phụ có 3 Đức Cha và với khoảng 150 linh mục từ nhiều nơi quy tụ về, cùng với khoảng 700 tín hữu có vé vào tham dự. Những ai có vé vào trong nhà thờ, kể cả các linh mục, đều phải qua cổng kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Bên ngoài thánh đường hàng ngàn người tham dự thánh lễ bằng những màn hình lớn được truyền hình trực tiếp.
Giảng trong thánh lễ bằng tiếng Ả rập, trước sự hiện diện của Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas và ngoại trưởng Nasser Judeh của Jordani, đại diện cho nhà vua Abdallah II, Đức Thượng Phụ mời gọi tất cả những nhà chính trị, những người có lòng thiện tâm hãy nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình và hòa giải giữa nhà nước Palestine và Israel. Theo ngài, chỉ có công lý và hòa bình ở Thánh Địa mới có thể tái lập cân bằng tình hình trong khu vực. Tuy nhiên, theo Đức Thượng Phụ, con đường đi đến hòa bình và hòa giải giữa hai dân tộc Palestine và Israel còn dài và cần nhiều nỗ lực hiệp nhất. Sau bài giảng Đức Thượng Phụ rời khỏi giảng đài đến trao hôn bình an cho Tổng Thống Mahmoud Abbas.
Thánh lễ được kết thúc với việc kiệu tượng Chúa Hài Đồng từ thánh đường thánh Catarina, ngang qua Nhà Thờ Giáng Sinh, xuống tận hang Bêlem, nơi Chúa Cứu Thế hạ sinh. Trong lúc đó ca đoàn cất lên những bài thánh ca giáng sinh với những giai điệu quen thuộc để mọi người có thể dễ dàng hiệp thông.
Rời Bêlem trở về trường vào lúc 2 giờ sáng giữa đêm Đông nhưng không có ‘sương tuyết lạnh lùng’ như đêm Noël cách đây hơn hai ngàn năm. Thinh lặng bước đi dưới ánh sao đêm trên bầu trời Bêlem, lòng chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng lời bài thánh ca nổi tiếng của nhạc sĩ Hải Linh: «Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời … Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa... Trong hang Bêlem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng … ».
Vâng, vẻ tưng bừng của ngày lễ Noël tại Bêlem đã khép lại, nhưng sứ điệp hòa giải và hòa bình của Đêm Thánh tại Bêlem vẫn còn ghi đậm trong chúng tôi như một lời mời gọi sống đức tin trong Năm Đức Tin này. Nguyện xin Hài Nhi Đức Giêsu, hoàng tử bình an, chúc lành cho chúng ta và giúp mỗi người chúng ta trở nên khí cụ của tình bác ái và hòa giải, để chúng ta có thể đem lại bình an và niềm vui cho những người chúng ta gặp gỡ, nhất là những ai đang gặp đau khổ, bệnh tật, nghèo khó và bị bỏ rơi.
Noël 2012
Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hào
Tags: Giáng-sinh
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS