AN TỬ, TRỢ TỬ, CHẤM DỨT SỰ SỐNG : LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Hôm 13/9/2022, Ủy ban đạo đức tham vấn quốc gia (CCNE) của Pháp đã đưa ra ý kiến về việc chấm dứt sự sống, bật đèn xanh cho việc hợp pháp hóa hành vi trợ tử, dù vẫn định khung cho nó. Giáo lý Giáo hội Công giáo phê phán một sự tiến triển như thế.
« Chúng ta phải đồng hành với mọi người cho đến khi chết, nhưng không được gây ra nó cũng không ủng hộ việc trợ tử ». Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như thế vào tháng Hai năm 2022 khi suy tư về cái chết và đồng thời nhắc nhở lập trường của Giáo hội Công giáo về an tử và trợ tử.
Ngài nói tiếp : « Bất cứ ai sắp sống giai đoạn cuối của cuộc đời mình (phải có thể) làm như thế cách nhân bản nhất có thể », nhưng « cần phải đề phòng không nhầm lẫn sự trợ giúp này với những sai lệch không thể chấp nhận được đối với việc an tử ».
Quyền sống cơ bản
Với những lời của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền đạt lại giáo lý Công giáo về việc an tử, một thực hành được cho phép ở 5 nước của Liên hiệp châu Âu (Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Luxembourg và Hà Lan). Giáo lý Giáo hội Công giáo dành bốn khoản nói về điều này.
Trước tiên, số 2276 nêu rõ : « Những người có sự sống bị giảm sút hay suy yếu cần được tôn trọng đặc biệt. Các bệnh nhân hay những người khuyết tật phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống bình thường nhất có thể ». Giáo hội bảo vệ quyền cơ bản được sống và bất khả xâm phạm của sự sống. Từ đó, « bất kể lý do và phương tiện nào, việc an tử trực tiếp hệ tại chấm dứt sự sống của những người tàn tật, bệnh nhân hoặc sắp chết ». Do đó, nó là « không thể chấp nhận được về mặt đạo đức » đối với người Công giáo. Giết chết để xóa bỏ đau đớn « là một tội giết người trái ngược nghiêm trọng với phẩm giá của nhân vị và lòng tôn kính Thiên Chúa » (số 2277).
« Luật luân lý tự nhiên »
Đồng thời Giáo hội cổ võ « sự chăm sóc tương xứng » và từ chối việc « bám riết điều trị ». « Như thế, chúng ta không muốn gây ra cái chết ; chúng ta chấp nhận không thể ngăn chặn nó » (số 2278). Đề cập đến vấn đề đau khổ, sách Giáo lý khẳng định rằng « việc sử dụng thuốc giảm đau để giảm bớt sự đau khổ của người sắp chết, thậm chí có nguy cơ rút ngắn ngày sống của họ, về mặt đạo đức có thể phù hợp với nhân phẩm nếu cái chết không được muốn, như mục đích cũng như phương tiện, nhưng chỉ được dự kiến và phải chịu như là điều không thể tránh khỏi » (số 2279).
Giáo lý Công giáo cũng đảm bảo rằng « việc chăm sóc giai đoạn cuối đời (soins palliatifs) là một hình thức ưu tiên của đức ái vô vị lợi ». Vì thế, chúng « được khuyến khích ». Cuối cùng, về việc trợ tử, « việc cộng tác tự nguyện vào việc tự sát là trái với luật luân lý ».
Vả lại, trong một bản văn cô đọng có tựa đề « Samaritanus bonus », được công bố vào tháng 9/2020, Bộ Giáo lý Đức tin lần đầu tiên đã khai triển cách chi tiết giáo lý về việc chấm dứt sự sống : « Giá trị bất khả xâm phạm của sự sống là một chân lý căn bản của luật luân lý tự nhiên và là nền tảng thiết yếu của trật tự pháp lý. Cũng như chúng ta không thể chấp nhận một người khác làm nô lệ của chúng ta, ngay cả khi anh ta xin chúng ta, thì chúng ta không thể trực tiếp chọn làm hại đến sự sống của một con người, ngay cả khi người ấy đòi hỏi. Do đó, việc giết bỏ một bệnh nhân yêu cầu an tử không có nghĩa là thừa nhận quyền tự trị của người đó và đề cao giá trị của quyền đó, nhưng trái lại, đó là đánh giá sai giá trị của sự tự do của người đó, vốn bị điều kiện hóa cách mạnh mẽ bởi căn bệnh này ».
Không bám riết điều trị, cũng không an tử
Tại Pháp, các Giám mục khẳng định lập trường dứt khoát của mình đối với việc an tử tư khi cuộc tranh luận trở lại. Trong văn kiện « Niềm hy vọng không gây thất vọng », được công bố vào tháng 1/2022, trước khi bầu cử tổng thống, các ngài đã giải thích rằng « sự cao cả của một xã hội là giúp đỡ tất cả các thành viên của mình tôn trọng sự sống và phẩm giá của mọi người và cách riêng những người mong manh nhất ». « Con đường nhân bản đích thực, còn đường đóng góp sâu xa vào hòa bình, không thể hệ tại trong việc bám riết điều trị cũng không trong việc nại đến an tử : nó đòi hỏi sự tôn trọng và đồng hành quan tâm và ân cần của mỗi người đối với mỗi giai đoạn của cuộc sống của mình ».
Vào tháng 3/2018, các Giám mục Pháp đã phổ biến một bản tuyên bố về việc chấm dứt sự sống bằng cách kêu gọi « tính cấp bách của tình huynh đệ » và khẳng định « sự đối lập đạo đức » của mình chống lại việc an tử. « Nó sẽ khắc sâu vào tâm hồn của xã hội chúng ta sự vi phạm mệnh lệnh văn minh : « Ngươi chớ giết người ». Tín hiệu được gởi đi sẽ là bi thảm đối với mọi người, và cách riêng đối với những người đang trong tình trạng mong manh lớn lao ».
Sự chọn lựa cá nhân, chiều kích tập thể
Nếu những người ủng hộ trợ tử và an tử gợi lên « sự chọn lựa tối hậu của bệnh nhân, ước muốn của họ làm chủ số phận của mình », thì các Giám mục cũng nhắc lại rằng « những chọn lựa cá nhân của chúng ta, dù chúng ta muốn hay không, đều có một chiều kích tập thể », vì « sự tự do luôn là tự do trong tương quan ».
Tuy nhiên, ngoài những tranh luận giữa các tín hữu vốn có một lối tiếp cận khác với giáo lý, Giáo hội đã bắt đầu một sự tiến triển chiến lược để tiếp tục làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe, đang khi Giáo hội không còn có thể, nơi một số nước, áp đặt bởi sự tương quan sức mạnh hay được lắng nghe bởi những lập luận cổ điển của mình. Dù phải nói lên ưu tiên của mình đối với « cái xấu ít hơn » – trợ tử hơn là an tử -, như gần đây ở Ý.
Hỗ trợ tích cực cho việc sống
Theo nhật báo La Croix, trong một chuyên mục được đăng trên nhật báo Le Monde ngày 16/9/2022, các Giám mục Pháp đã lên tiếng chống lại việc an tử và kêu gọi « sự trợ giúp tích cực cho việc sống », hơn là « trợ giúp tích cực cho việc chết », trong một diễn đàn mà các ngài kêu gọi phát triển các đơn vị chăm sóc giai đoạn cuối và đừng giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt sự sống « dưới áp lực ».
Diễn đàn này được ký bởi Hội đồng thường trực của HĐGM Pháp, trong đó có Đức cha Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch, Đức Hồng y Jean-Marc Aveline, Tổng Giám mục Marseille hay Đức cha Laurent Ulrich, Tổng Giám mục Paris. Diễn đàn này được đưa ra sau khi có ý kiến của Ủy ban đạo đức tham vấn quốc gia, lần đầu tiên chấp nhận khả năng hỗ trợ tích cực cho việc chết.
Các ngài chất vấn : « Lắng nghe các bệnh nhân, người chăm sóc, các gia đình, những người hoạt động trong việc chăm sóc giai đoạn cuối, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu thiết yếu của số đông là được quan tâm, tôn trọng, giúp đỡ, đồng hành, chứ không bị bỏ rơi. Nỗi đau khổ của họ phải được xoa dịu, những lời kêu gọi của họ cũng diễn tả nhu cầu tương quan và gần gũi của họ. Sự mong đợi sâu xa nhất của tất cả mọi người không phải là trợ giúp tích cực cho việc sống, hơn là trợ giúp tích cực cho việc chết ? »
Theo các ngài, « từ nhiều thập niên qua, một sự cân bằng đã dần dần được tìm thấy nơi đất nước của chúng ta để tránh việc bám riết điều trị và cổ võ việc chăm sóc giai đoạn cuối đời. « Con đường Pháp » này đã có thể trở nên trường học và nói lên điều gì đó về gia sản đạo đức của đất nước chúng ta ».
Tuy nhiên, các ngài lập luận : « Trong cuộc khủng hoảng liên quan đến covid 19, xã hội của chúng ta đã có những hy sinh nặng nề để « cứu lấy mạng sống », cách riêng những người mong manh nhất (…). Làm sao hiểu được rằng, chỉ một vài tháng sau cuộc huy động quốc gia to lớn này, người ta có cảm tưởng rằng xã hội sẽ không nhìn thấy lối thoát nào khác đối với thử thách của sự mong manh hay của sự chấm dứt sự sống hơn là trợ giúp tích cực cho việc chết, cho sự trợ tử ? »
HĐGM Pháp nhấn mạnh : « Vấn đề về việc kết thúc sự sống nhạy cảm và tế nhị đến nỗi nó không thể được giải quyết dưới áp lực ». Đối với các ngài, « cần phải lắng nghe cách nghiêm túc và thanh thản những người chăm sóc, các hiệp hội bệnh nhân, các triết gia, các truyền thống tôn giáo khác nhau để đảm bảo các điều kiện cho một sự phân định dân chủ thực sự ».
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix)
Tags: Âu Châu, Phanxicô-I, Pháp
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA