ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI

Written by xbvn on Tháng Một 3rd, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đức cha Antonio Staglianò, chủ tịch Hàn lâm viện Thần học Giáo hoàng, nói về nguồn gốc của ân xá, trọng tâm của tiến trình Năm Thánh.

«Non solum plenam, et largiorem immo plenissimam» (“không chỉ là ân xá trọn vẹn và sâu rộng hơn, mà còn là đại xá… mọi tội lỗi của họ“) : đây là cách mà ân xá bách chu niên được định nghĩa, bằng tiếng Latinh, trong sắc chỉ Antiquorum habet fide relatio, của Năm Thánh năm 1300, Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo, được Đức Giáo hoàng Boniface VIII công bố.

Ba tính từ tăng dần – trọn vẹn, sâu rộng hơn và rất trọn vẹn – cố ý nhấn mạnh tính chất đặc biệt của nó so với các ân xá trước đó, liên quan đến các cuộc Thập tự chinh, hoặc với Năm Thánh của Aquila, được thiết lập trong sắc chỉ năm 1294 bởi vị Giáo hoàng tiền nhiệm, là Đức Célestin V.

Đức Boniface VIII đã nhờ cậy đến các Tông đồ Phêrô và Phaolô và dưới sự bảo vệ của hai vị thánh, ngài tuyên bố quyền ban ơn toàn xá, dựa trên những lời của Tin Mừng, và đặc biệt là đoạn từ Tin Mừng Matthêu 16, 19: “Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Để nhận được ân xá, người Rôma phải viếng các vương cung thánh đường 30 lần trong 30 ngày liên tiếp, người nước ngoài 15 lần trong 15 ngày trong khi “thực sự sám hối và xưng tội”. Đức Boniface đã thiết lập nhịp biểu tượng là 100 năm, nhưng Năm Thánh thứ hai đã được công bố 50 năm sau dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Clément VI, và lý do chính xác là để mang đến cho tất cả các thế hệ khả năng sống Năm Thánh – và do đó là một ân xá – trong cuộc đời của họ.

Trở lại trạng thái nguyên thủy và thuần khiết của Bí tích Rửa tội

Trước micro của Andrea Tornielli, giám đốc biên tập truyền thông Vatican, Đức cha Antonio Staglianò, chủ tịch Hàn lâm viện Thần học Giáo hoàng, đề cập đến định nghĩa của từ “ân xá”. Ý nghĩa thiêng liêng của ân xá “được liên kết với lòng thương xót của Thiên Chúa, tuôn đổ dồi dào trên đời sống con người. Và vì lòng thương xót của Thiên Chúa chính là chính Thiên Chúa, nên lòng thương xót này đi vào đời sống con người và thay đổi nó.”

Đức cha Staglianò nhấn mạnh thêm:  “Ân xá là một sự thương xót, như một cơn mưa dồi dào, rơi xuống cuộc sống của con người và biến đổi họ, hướng họ tới sự tốt lành, tình yêu, tình huynh đệ, nghĩa là hướng tới việc phục hồi chính mình và nhân tính vốn đã bị hư mất, một cách nào đó, trong tội lỗi.

Đức Cha nói tiếp: “Với tội lỗi, chúng ta phá hủy hình ảnh, sự giống như Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Vì thế chúng ta hủy hoại vẻ đẹp của nhân tính mà Ngài hằng mơ ước khi nhìn vào chúng ta. Đó là lý do tại sao ân xá trước hết là một hồng ân của Giáo hội, bởi vì, như chúng ta đọc trong các Tin Mừng, Giáo hội có quyền cầm buộc và tháo cởi, và do đó, có quyền ban lòng thương xót này của Thiên Chúa vốn đã đạt được cho chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô và các thánh trên trời”.

Những ân xá “có lợi”

Ngày nay kiểu nói này ít được sử dụng hơn, nhưng thời xưa người ta đã nói rằng các ân xá là “có lợi“. Theo giáo lý của Giáo hội, khả năng cho phép hủy bỏ hình phạt do tội lỗi của chúng ta gây ra này xảy ra chính bởi vì có những thiện ích thiêng liêng lưu chuyển trong sự hiệp thông của các thánh vốn kết hợp chúng ta với các ngài.

Ý tưởng về thị trường vẫn còn đó, nhưng liệu có thể hiểu nó theo nghĩa tích cực? Theo Đức cha Staglianò: “Chúng ta đang sống trong một xã hội tập trung vào thị trường, vào kinh doanh, một số người thậm chí còn nói rằng tiền đã trở thành biểu tượng tạo ra mọi giá trị, đến nỗi không có gì được làm nếu không vì tiền, và như người ta cũng nói trong ngôn ngữ phổ thông : “Không có tiền, người ta thậm chí không hát lễ””.

Mối quan hệ giữa kinh nghiệm thiêng liêng, thậm chí cả bí tích, và tiền bạc là mối quan hệ luôn tồn tại trong Giáo hội, Đức Cha chủ tịch Hàn lầm viện Thần học Giáo hoàng nhắc nhớ. Quả thực vào thời xa xưa, khi người ta xưng tội, sẽ có những bảng biểu và thậm chí có thể có những bảng giá dành cho những hình phạt; một điều kỳ lạ đã được tạo ra và rõ ràng là không có tác dụng tốt, nhưng ngày nay chúng ta có thể hiểu điều này dưới một ánh sáng mới: ý tưởng cho rằng người giàu đã xưng tội và sau đó, để được xá tội, phải thực hiện một số hành vi thanh tẩy và hy sinh, đôi khi rất tốn kém, trả tiền cho người nghèo để người nghèo thực hiện chúng cho họ, và tục lệ này ở một mức độ nhất định đã được cho phép.

Đức cha Staglianò nói tiếp: “Có một phần của chủ nghĩa trọng thương trong khía cạnh này, nhưng nó đi theo hướng liên đới, nghĩa là nó cũng cho phép người nghèo được sống”. “Khi đề cập đến tục lệ này trong Kitô giáo nguyên thủy, Luther chắc chắn đã đúng khi cho rằng trong một số trường hợp, chủ nghĩa trọng thương đã bị phóng đại một cách khách quan. Tuy nhiên, có thể có một ý tưởng về một thị trường chia sẻ, liên đới, cùng tham gia vào những thiện ích thiêng liêng của những người có nhiều hơn và có thể cho đi nhiều hơn”.

Niềm tin không phải là ma thuật

Đức cha Antonio Staglianò cảnh báo về nguy cơ hiểu sai về ân xá: “Để hiểu sâu xa vấn đề tâm linh và đức tin, chúng ta phải nghĩ rằng để làm những cử chỉ gần như phép mầu thôi thì chưa đủ, chẳng hạn như việc đi qua Cửa Thánh hay một cử chỉ bác ái, như thể đó là những yếu tố máy móc của nhân quả. Đức tin không phải là ma thuật, nó mang tính bí tích, nghĩa là nó chạm vào thân xác tôi bởi vì nó chạm vào thân thể Chúa Kitô hiện diện trong bí tích, và bắt nguồn từ một sự hoán cải sâu sắc và nội tâm”.

Vì thế, cần phải quyết định sâu xa trong tâm hồn mình để thực hiện cuộc hành trình thánh thiện hướng tới tình yêu của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và cứu chuộc. Việc nhận được các ân xá là một châm ngôn có thể được duy trì miễn là nó bắt nguồn từ niềm xác tín sâu xa về mong muốn thay đổi cuộc sống của một người. “Và làm sao có thể thay đổi cuộc sống của mình nếu tôi không muốn tha thứ cho người khác, nếu tôi vẫn khép kín nơi chính mình, thậm chí đòi quyền trả thù?”

Lòng thương xót của Thiên Chúa đã và đang luôn hiện hữu dành cho mọi người

Đức Cha chủ tịch Hàn lâm viện Thần học Giáo hoàng cũng nhắc lại rằng “hình ảnh mưa rơi xuống dồi dào trong xô, một hình ảnh của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa cho mưa xuống trên người công chính và người bất lương, có thể khiến chúng ta thay đổi viễn cảnh về vấn đề nhận được các ân xá nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Ngài nói tiếp : “Chúng ta quen nghĩ về lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được bằng cách hiểu nó từ khía cạnh con người: ‘Tôi là một tín hữu, tôi đã được rửa tội, tôi phạm tội và do đó tôi cần được tha thứ”. Nhưng “điều đó không có tác dụng như vậy đối với tất cả mọi người, điều đó chỉ có tác dụng nếu chúng ta đặt mình vào viễn cảnh rằng dòng nước dồi dào của lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đổ xuống trên mọi người, không chỉ trên các tín hữu và các Kitô hữu, mà còn trên tất cả mọi người”.

Nguồn nước dồi dào của lòng thương xót của Thiên Chúa này thực sự đã có trước Abraham, trước Ađam, trước khi thế giới tồn tại. Tại Công đồng Nixêa, tất cả những ai nói rằng Chúa Giêsu “không có mặt ở đó khi Người không có mặt ở đó” đều bị rút phép thông công. “Chúa Giêsu thành Nadarét, Đấng là lòng thương xót của Thiên Chúa tuôn đổ trên nhân loại, đã có mặt ở đó “ngay cả” khi Người không có mặt ở đó, bởi vì Chúa Giêsu hiện hữu trước khi thế giới tồn tại.

Cuộc cách mạng tha thứ

Cuối cùng, Đức Cha giải thích: “Sự tha thứ có một trách nhiệm thực sự mang tính cách mạng”. “Do đó, tôi tin rằng Năm Thánh sắp tới, liên quan đến các mặt trận chiến tranh trên thế giới, đặc biệt là Ucraina, cũng như đất nước của Chúa Giêsu, Palestine, có thể có một ý nghĩa chính trị mang tính cách mạng to lớn, và nói chính trị mang tính cách mạng không có nghĩa là ít thần bí hơn, nói xã hội không có nghĩa là kém thiêng liêng hơn, vì Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, trời đã được đảo ngược, do đó toàn bộ tâm linh của thế giới cũng trở thành sự biến đổi của lịch sử, của xã hội, của nền văn minh.”

Đối với Đức cha Antonio Staglianò, “nếu Thiên Chúa tha thứ, đó là với một trách nhiệm mang tính cách mạng. Chỉ có một con đường thôi.” Vì thế, hòa bình, ở Ucraina và những nơi khác, chỉ có thể trở lại bằng cách vượt quá nền ngoại giao đơn giản: “Hòa bình thực sự, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, sẽ chỉ xảy ra nếu những dân tộc này tha thứ cho nhau”.

Tý Linh

(theo Maria Milvia Morciano – Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31