“ANH TÍNH SỔ ĐI”
Suy niệm Tin Mừng Lc 16,1-13, CN 25 TN C
Người quản gia tính sổ
“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó. Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay, anh không được làm quản gia nữa”.
Người quản gia trong dụ ngôn, đã phung phí của cải nhà phú hộ, và phú hộ đã mời anh tính sổ trước khi truất quyền quản lý. Thông thường, khi bị mất uy tín, có nguy cơ mất việc hoặc nghe tin chủ có ý đuổi việc, người ta tìm cách nầy cách khác để xin giữ lại, nhưng trong dụ ngôn, không thấy chi tiết người quản gia hối tiếc vì đã lỡ làm thua lỗ và có ý xin khoan hồng để tiếp tục công việc. Có lẽ anh ta nghĩ, anh ta sẽ không còn cách nào đền bù nỗi những thua lỗ, những thất thoát mà anh đã gây ra cho chủ của anh. Không những thế, anh lại đánh liều “phóng lao thì phải theo lao” nên âm mưu “đã lỗ, cho lỗ luôn” bằng cách biển lận chút ít để phòng thân khi giã từ cái chức vụ quản lý to lớn và dễ kiếm chác ấy. Cách biển lận của anh ta được Chúa Giêsu cho là “khôn khéo của con cái trần gian”, một cách biển lận tài tình:
“Một trăm thùng dầu hả? Được, hãy ngồi xuống mau, biên lai đây, viết năm chục thôi”. “Còn anh, một ngàn giạ lúa hả? viết lại tám trăm thôi”.
Thế là, anh đã “lấy của làng làm ơn ông xã” năm mươi thùng dầu, hai trăm giạ lúa. Anh chứng tỏ mình có lòng tốt với các con nợ để chiếm được cái tình cảm tạm thời ấy, để có người còn “rước mình về nhà”, và chắc hẳn ít nhiều gì trong cái phần “nợ được tha” kiểu ấy, anh ta cũng kiếm được chút chút để tiêu xài trong những ngày sắp tới. Một kiểu cho đi để đòi lại. Hơn nữa, lại không phải cho cái của mình có, nhưng là lấy của ăn cắp mà làm ơn làm phước.
Như thế, sự khôn khéo của trần gian là ở chỗ tự nhận cho mình có quyền làm chủ trên những gì mình sở hữu, và có quyền sử dụng mọi thứ mình có để phục vụ trọn vẹn cho cuộc sống ở đời nầy. Sự khôn khéo được hướng dẫn bởi các thần dữ đối nghịch với Thiên Chúa ấy, đã lôi con người ta đến chỗ tôn vinh mọi thực tại hư ảo như thần thánh siêu phàm. Và khi mặc cho những thực tại hư ảo một giá trị ngụy tạo như thế, nó bắt con người ta phải cắm đầu cắm cổ mà phục vụ nó. Thiết tưởng, người quản gia mang tiếng “bất trung” là ở điểm nầy: Phục vụ cho Chủ không vì yêu mến Chủ, nhưng vì những mối lợi cho riêng mình.
Chúa Giêsu bảo “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10).
Nhưng làm sao có thể có được lòng trung tín với một người, nếu không đặt trọn niềm tin, trọn niềm cậy trông phó thác, trọn tình yêu mến vào con người ấy? Như thế cũng có nghĩa là sự bất tín bất trung đối với ông chủ, hay đối với một người, bắt đầu từ việc đổi hướng niềm tin cậy mến về một đối tượng khác, rồi từ nghiêng dần đến ngã. Khi chọn người quản gia cho mình, chắc hẳn ông chủ đã thẩm tra đầy đủ về tư cách đạo đức, để giao cho anh ta quản lý một tài sản kếch xù. Nhưng, cái chói lói của những viên kim cương, cái óng ánh của những đồng vàng, và nhất là cái giá trị sử dụng tưởng là “vô biên” của nó đã làm anh ta dần đặt muôn tấc lòng mình vào đó, tự ý sử dụng, sử dụng vào việc vô bổ, làm thất thoát thiệt hại cho chủ, và cuối cùng là đến chỗ đánh liều…vì anh không còn yêu ông chủ nữa, không tin ông chủ có thể tha thứ cho mình, hoặc anh đã hài lòng với việc mất việc vì đã có nơi có chỗ để nương thân.
Chúa Giêsu đã kết luận dụ ngôn: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc gắn bó với chủ nầy mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc,16,13). Những động từ “ghét, yêu, gắn bó, khinh dễ” trong câu kết luận này, đưa ra cho chúng ta tiêu chuẩn của lòng trung tín mà Lời Chúa muốn dạy bảo chúng ta hôm nay. Tiêu chuẩn ấy là Tin, Cậy, Mến.
Chúng ta tính sổ
“Anh tính sổ đi”. Bạn và tôi cũng đang được Chúa bảo tính sổ mỗi ngày. Nơi những cuốn sổ của chúng ta, tôi thấy có những cột ngang với mấy đề mục: Thu, Chi, Lợi tức; và cột dọc thì có: sự sống, tự do, tài năng, sức khỏe, sắc đẹp, thiên chức, tình yêu, hạnh phúc, công việc, tiền bạc…
Thiên Chúa là “Ông Chủ Giàu Có” đã giao cho chúng ta cả một kho tàng để quản lý và phát triển, sinh lợi. Ngài giao cho tôi sự sống đời nầy để sinh lợi cho tôi sự sống đời sau.
Nhân Lời Chúa hôm nay, tôi lấy sổ đời tôi ra, và tập tính sổ. Bắt đầu từ mục thứ nhất ở cột dọc: sự sống, tôi chẳng biết ghi gì bên mục lợi tức cả, vì bên mục chi, tôi đã phung phí sự sống vào các khoản không sinh lợi. Tôi chỉ còn biết vẽ hình một chiếc đầu lâu bên mục lợi tức! Rồi gục đầu xuống bàn: “Lạy Chúa, con là người quản lý bất trung”.
Đến mục thứ hai: tự do, ở cột chi chiếm gần mười trang giấy, nhưng chẳng thấy tôi đã sử dụng tự do của tôi vào việc chọn lựa nào có giá trị đáng kể để ghi vào cột lợi tức. Vì thế, bên cột lợi tức, tôi vẽ thêm một chiếc đầu lâu nữa, chiếc nầy xương xẩu hơn chiếc trước… “Lạy Chúa, con là người quản lý bất trung”.
Và cứ thế, cứ thế…tự do…rồi tài năng, sức khỏe, sắc đẹp còn khủng khiếp hơn. Tôi đã tiêu hao gần như mất vốn ban đầu những tài năng, sức khỏe, sắc đẹp của tôi, vì những vốn quí giá ấy đang phục vụ cho thần dữ trong tôi: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù, kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẻ, bè đảng, say sưa, chè chén, và các việc khác.” (Thư Galata . Ga 5,19-20). Tôi phải ghi thế nào bên cột lợi tức? Vẽ thêm mấy chiếc đầu lâu nữa chăng?
Lạy Chúa, con là người quản lý bất trung. Nhưng xin Ngài đừng đuổi việc. Con đã hiểu nguyên nhân: vì con yêu mến những thực tại trần gian hư ảo nầy hơn là yêu mến Thiên Chúa, Ông Chủ Giàu Có của con. Con đã ăn cắp những ân huệ vô cùng quí giá của Chúa, để mua cho con thứ hạnh phúc phù phiếm chóng qua.
Lạy Chúa, con đã biết con là người quản lý bất trung, nhưng xin Ngài đừng đuổi việc. Xin cho con được lòng Tin tuyệt đối vào Chúa, lòng Trông Cậy phó thác trung kiên, lòng Yêu Mến Chúa duy nhất và cao nhất. Và cuối cùng, xin Ngài đừng đuổi việc, hãy cho con tiếp tục công việc quản lý những ân huệ vô cùng của Chúa, để có cơ hội sinh lợi cho Nước Chúa và sự sống đời đời của con. A men.
PM. Cao Huy Hoàng, 20-9-2007
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A: NGÔI LỜI TỎ TÌNH THIÊN CHÚA
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH: NGƯỜI LẠ
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH : THEO ĐỊNH HƯỚNG CỦA CHỦ CHIÊN
- MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
- BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI LÒNG NGAY
- THIÊN CHÚA GIÁNG SINH TRONG MỘT GIA ĐÌNH
- THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
- CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, C: ĐẤNG PHẢI ĐẾN, ĐÃ ĐẾN
- CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG A: LỜI CẢNH TỈNH KHẨN THIẾT
- CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A: MÙA YÊU THƯƠNG
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C