ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
Nữ tu Anne Lécu, dòng Đa Minh, nhà văn tiểu luận và bác sĩ nhà tù, đã xuất bản, hôm thứ Năm ngày 13 tháng Hai, một tiểu luận mới về ngôn sứ Êlia, Le Seigneur n’était pas dans le feu (Cerf), trong đó Sơ khám phá một cách khéo léo sự tương phản giữa cơn cám dỗ về sự ngoạn mục ly kỳ và sự thinh lặng của Thiên Chúa. Đứng trước những thách thức của Giáo hội đương đại, ngày nay Sơ bảo vệ một nền linh đạo về đời thường, quan tâm đến những người mong manh nhất.
Tuần báo La Croix: Gần đây, Sơ xuất bản cuốn Le Seigneur n’était pas dans le feu (Chúa không ở trong lửa, nxb. Cerf), dựa trên hình ảnh ngôn sứ Êlia trong Thánh Kinh. Đâu là động lực để viết cuốn sách mới này?
Anne Lécu: Êlia là một người bạn cũ, một nhân vật đã đồng hành với tôi từ lâu. Tôi nhớ đã chọn một trong những bản văn về ông nhân dịp tôi mặc áo dòng nữ tu Đa Minh. Điều đặc biệt thúc đẩy tôi đọc lại ông là sự tương phản nổi bật giữa hai giai đoạn trong cuộc đời của ông: giai đoạn mà ông đã thành công, nhân danh Thiên Chúa của mình, trong việc phóng hỏa tại cuộc tế lễ, chế nhạo các ngôn sứ của Baal, một vị thần ngoại giáo – ông thực sự tự coi mình là một ngôi sao, chúng ta có thể nói như vậy! – và thời điểm tiếp theo khi ông phát hiện ra rằng Chúa không ở trong lửa, nhưng trong “tiếng gió hiu hiu”.
Sự tương phản này mời gọi chúng ta đặt những thành công bên ngoài vào vị trí của chúng. Không phải vì mọi việc đều thành công tốt đẹp mà nhất thiết có Chúa ở đó. Có lẽ hơn thế nữa, Ngài còn hiện diện nơi những điều khiêm tốn, kín đáo, vốn không thể nhìn thấy được.
Tuần báo La Croix: Ơn gọi ngôn sứ của Êlia đến trước cả khi Thiên Chúa nói với ông. Bản thân Sơ đã được kêu gọi vào ơn gọi tu sĩ như thế nào?
Anne Lécu: Tôi không thích từ “ơn gọi”, vì đối với tôi nó là một từ ghép mà chúng ta không thể hình dung rõ ràng nó bao hàm điều gì. Tôi thực sự không biết việc được Chúa kêu gọi là như thế nào và tôi nghĩ điều quan trọng là không nên kể những câu chuyện của chính mình. Đối với tôi, rất rõ ràng rằng đó là một con đường có thể dẫn đến hạnh phúc trong số những con đường khác, nhưng không tốt hơn bất kỳ con đường nào khác. Tôi đã gặp những tu sĩ – đặc biệt là một nữ tu của Dòng Khôn Ngoan và các nữ tu Đa Minh vào cuối tuổi thiếu niên của tôi.
Rồi, sau đó, các nam tu sĩ Đa Minh trong thời kỳ đại dịch Sida, vì họ đã thành lập một hiệp hội mang tên Kitô hữu và Sida. Tôi luôn tự nhủ rằng, dù tu sĩ hay không, nếu một ngày tôi đến đó, đó sẽ là trong đời sống dòng Đa Minh, bởi vì tôi cảm thấy như ở nhà trong bầu không khí đó. Tôi không có lý do nào để đi tìm nơi khác.
Tuần báo La Croix: Và Sơ đã thực hiện bước nhảy vọt đó như thế nào?
Anne Lécu: Tôi không cảm thấy “được kêu gọi” theo nghĩa thần bí của thuật ngữ này. Đơn giản, một ngày nọ, khi đang nói chuyện với một nam tu sĩ, tôi nói với thầy ấy rằng tôi sẽ trở lại nơi các nữ tu – quyết định này dường như đã chín muồi trong nội tâm mà tôi không hề nhận ra một cách rõ ràng. Đó không phải là một điều ngạc nhiên đối với bất cứ ai xung quanh tôi. Hai ngày sau, tôi gửi thư xin gia nhập cộng đoàn.
Cùng với người khác tìm kiếm Thiên Chúa cho phép tránh được một số lầm lạc và tránh xa cái rốn trung tâm của mình – đó phần nào là mục đích của đời sống Kitô hữu! Trở thành tu sĩ, ngày nay, điều đó chẳng ích gì – thậm chí còn ít hơn trước. Chúng tôi là một loài có nguy cơ biến mất. Với những vụ bê bối trong Giáo hội, chúng ta nhận ra rằng chúng ta thực sự không phải là những vị thánh… Tuy nhiên, tìm kiếm Thiên Chúa cùng với người khác, đó là một hình thức sống hấp dẫn.
Tuần báo La Croix: Có phải đôi khi Sơ vẫn còn tự nhủ “nhưng tôi đang làm gì ở đây”?
Anne Lécu: Tôi khấn dòng vào năm 1996, và trong suốt mười tám năm, tôi phải tự đặt cho mình câu hỏi này nhiều lần trong ngày, đôi khi đến mức phải cân nhắc việc ra đi. Nhưng theo thời gian, những câu hỏi của tôi giảm dần. Kinh nghiệm cũng đóng vai trò của nó. Tôi đã trải qua những điều nhẹ nhàng hơn những năm đầu đầy khó khăn. Đời sống chung khó khăn nhưng tuổi tác khiến ta bớt bực bội về những điều không quan trọng. Sự tương phản giữa những tranh cãi nhỏ nhặt trong đời thường và mức độ nghiêm trọng của những tình huống tôi gặp phải trong tù giúp tôi có được khoảng lùi. Theo nghĩa này, nhà tù thực sự đã cứu vớt đời sống tu trì của tôi.
Tuần báo La Croix: Êlia kiệt sức sau khi thể hiện sức mạnh, một hiện tượng đặc biệt vang vọng cho đến ngày nay. Sơ là người có nhiều trách vụ quan trọng, Sơ đã từng một lần kiệt sức chưa?
Anne Lécu: Cá nhân tôi chưa từng trải qua tình trạng kiệt sức vì tôi rất cẩn thận để giữ gìn thời gian rảnh, thời gian “trống”. Tôi cần những giây phút nghỉ ngơi này. Ngay sáng nay, tôi đã trơ tráo “dạo chơi”, may vá… Tôi thực sự cần nó vì tôi cảm nhận rất rõ khi nào tôi có nguy cơ phân tán sức lực vào quá nhiều hoạt động. Tôi làm việc bán thời gian trong tù, ba ngày một tuần, điều đó cho phép tôi giữ vững ở đó trong thời gian. Nhưng tôi cần sự im lặng.
Tuần báo La Croix: Trong câu chuyện về Êlia, Thiên Chúa không cho thấy sự hiện diện của Người bằng một cơn bão, một trận động đất hay trong lửa, mà bằng một tiếng thì thầm, một “tiếng gió hiu hiu”. Sự yên tĩnh, sự im lặng được ban tặng này cho phép điều gì?
Anne Lécu: Tôi nghĩ đó là một nơi có thể ở được, trong đó chúng ta có thể làm nhà của mình. Nhưng để có được sự tự do này không hẳn là dễ dàng. Chúng ta không bao giờ có thể đoán trước được chúng ta sẽ làm gì với nó. Chẳng hạn, Salômôn bắt đầu cuộc đời như một vị vua đầy khôn ngoan. Ông kết thúc nó như một kẻ tôn thờ ngẫu tượng, triệu tập phù thủy để đọc tương lai. “Tiếng gió hiu hiu” này mà Êlia nghe thấy trong suốt cuộc hành trình của mình, đó là nơi gặp gỡ của những gì thâm sâu nhất của con người với sự siêu việt, bất kể chúng ta đặt tên cho sự siêu việt này là gì. Tôi nghĩ rằng nếu nơi này không tồn tại, chúng ta sẽ chết. Nhưng không có gì có thể làm hỏng nơi này.
Dù lịch sử của chúng ta là gì đi nữa, bên trong chúng ta vẫn có yếu tố hồn nhiên vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Đó là điều độc đáo nhất trong chúng ta. Nhưng bất chấp tất cả, sự im lặng của Thiên Chúa cũng là một điều bí ẩn. Có những lúc chúng ta muốn Ngài nói!
Tuần báo La Croix: Hôm nay về phía Sơ vẫn thế chứ?
Anne Lécu: Rõ ràng rồi. Chúa ơi, tôi thực sự không biết Ngài. Tôi tiếp tục hy vọng khám phá ra Ngài. Dù sao, thật sự chóng mặt khi cố gắng trở thành một người tin. Chúng ta không biết mình đang làm gì khi cố gắng tin tưởng.
Tuần báo La Croix: Sơ đã viết cuốn sách L’Exorcisme au quotidien, với Cha Henri Gesmier, chính ngài là một nhà trừ quỷ. Có phải đối với Sơ các thế lực của sự dữ đang tồn tại?
Anne Lécu: Vâng, rõ ràng là chúng đang tồn tại –chỉ cần xem tin tức là sẽ thấy sự độc ác của con người. Nhưng tôi thích nói về “mầu nhiệm của sự dữ” hơn là “các thế lực của sự dữ”. Mầu nhiệm này vẫn phải là một mầu nhiệm – muốn giải thích nó, đó là muốn đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Tôi cũng là nữ tu để cố gắng sống điều gì đó của niềm hy vọng Kitô giáo ngay giữa lòng bí ẩn của sự dữ này. Chúa Kitô không đến để mang lại câu trả lời cho bí ẩn của sự dữ, nhưng Người đặt mình vào vị trí của kẻ bị nguyền rủa, chết như một tên cướp bên ngoài thành. Người ở bên cạnh chúng ta, dù thế nào đi nữa.
Tuần báo La Croix: Có phải chính ở trong thực tại này mà Sơ đang làm bác sĩ đa khoa trong tù?
Anne Lécu: Đúng vậy. Khi làm việc trong tù, tôi đã chọn đứng về phía “những kẻ có tội”. Pierre Claverie nói rằng Giáo hội của Chúa Kitô phải ở dưới chân của người bị đóng đinh. Trong tù, có những người nam và người nữ đôi khi trải qua điều gì đó giống như cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, những điều khó khăn không thể chịu đựng được. Một số có thể đã thực hiện những hành vi rất nghiêm trọng và cực kỳ thông cảm. Không có thước đo chung giữa hành động và con người. Dù sao, sự tầm thường của sự dữ này vẫn còn là một mầu nhiệm rất lớn lao.
Tôi làm việc bên cạnh những phụ nữ bị giam giữ. Hơn một nửa trong số họ là nạn nhân của bạo lực tình dục. Do đó, có những yếu tố rủi ro to lớn của việc cai ma túy. Nhưng điều hoàn toàn gây đảo lộn, đó là khả năng phục hồi của mọi người. Than ôi, không phải ai cũng gặp phải sức mạnh kháng cự này và một số người đã tự sát trong tù.
Tuần báo La Croix: Với tư cách là một bác sĩ, Sơ phản ứng với điều đó như thế nào?
Anne Lécu: Trước tiên, đó không phải là phản ứng. Công việc của tôi, đó là đồng hành với mọi người và một cách khiêm tốn làm sao để họ có thể được tiếp cận với sự chăm sóc giống như họ có thể được tiếp cận bên ngoài. Chúng tôi, những người chăm sóc, là ở đó … để chăm sóc mọi người. Tôi không nhầm lẫn hay trộn lẫn công việc và ơn gọi của mình. Một tu sĩ Đa Minh, Pedro Meca, người thường xuyên chăm sóc người dân trên đường phố, đã nói với tôi khi tôi bắt đầu công việc: “Sơ không cần phải tưởng tượng rằng Sơ sẽ loan báo Tin Mừng cho những người trong tù phải không? Trái lại, sự kiện làm việc trong tù sẽ khiến Sơ nói về Tin Mừng một cách khác biệt.” Đó là chìa khóa.
Tuần báo La Croix: Giáo hội đã cam kết một công việc tìm kiếm sự thật trong lĩnh vực lạm dụng tình dục và tâm linh. Trong sáu năm, Sơ là thành viên của nhóm Ảnh hưởng và các lệch lạc giáo phái trong Giáo hội Công giáo. Hôm nay, chúng ta ở đâu?
Anne Lécu: Tôi nghĩ chúng tôi đang giậm chân một chút, chiếc bánh phồng đang rơi xuống lại. Một số tín hữu, những người không trực tiếp đối mặt với những vấn đề này, một cách khá chính đáng, không còn thực sự muốn nghe nói về chúng nữa. Bi kịch, đó là đối với những người phải đối mặt với chúng, vấn đề không được giải quyết, do đó chúng ta buộc phải tiếp tục nói về chúng. Những vụ việc lớn như của Abbé Pierre mỗi lần xuất hiện với những đợt sóng mạnh hơn một chút. Chắc chắn điều này muốn nói rằng nó chưa kết thúc. Người ta tự hỏi tại sao một số cộng đoàn có vấn đề lại không được giải thể trước đó. Nhưng nó phức tạp. Sau đó chúng ta sẽ làm gì với mọi người? Những tu viện nào sẽ đón nhận họ? Vì vậy, tôi cũng hiểu rằng Giáo hội tự nhủ “chúng ta sẽ cố gắng cải cách vì chúng ta không thể giải thể”.
Tuần báo La Croix: Những tín hiệu nào có thể cảnh báo về sự lệch lạc tâm linh này mà Sơ thường xuyên tố cáo?
Anne Lécu: Toàn bộ trào lưu Thời đại Mới đã có một diễn ngôn mà chúng ta tìm thấy trong các bài viết của nhà lý thuyết Marie Ferguson (tác giả cuốn Enfants du verseau vào năm 1980, ghi chú của Biên tập viên): Cần để mọi thứ trong não đi xuống trái tim. Tôi nghĩ bộ não rất hữu ích. Truyền thống về tính hợp lý và tư duy phê phán của Châu Âu rất quý giá, cần phải trau dồi. Đây là những gì Đức Thánh Cha thực hiện với Thư về văn chương của mình.
Theo truyền thống Kitô giáo, Thiên Chúa chọn cư ngụ trong nhà của con người vì công trình tạo dựng và cuộc sống của con người thật tươi đẹp. Cần phải nói lại lần nữa rằng vì có nhiều trào lưu tâm linh tìm cách thoát khỏi thế gian. Tuy nhiên, trái lại, sứ điệp của Tin Mừng là neo chặt trong thế giới, ở đây và bây giờ với thân xác này vốn là nơi chứa đựng những cảm xúc của chúng ta, trí tuệ của chúng ta, những mối quan hệ của chúng ta và những khám phá của chúng ta về Thiên Chúa.
Tuần báo La Croix: Sự thu hút này đối với những người hóa ra là “ngôn sứ giả” trong Giáo hội thuộc triệu chứng gì?
Anne Lécu: Những gì xảy ra trong Giáo hội cũng xảy ra trong xã hội: chúng ta có những ngôi sao cả bên ngoài lẫn bên trong. Tôi nghĩ việc suy ngẫm văn bản Thánh Kinh dạy chúng ta rằng các ngôi sao sẽ xẹp xuống. Trước khi nói “đó là một hoa trái của Chúa Thánh Thần” về một trong những con người có đặc sủng này, hãy để thời gian và các thế hệ trôi qua. Trước khi tôn thờ một ai đó, có thể cần phải đợi… một trăm năm chẳng hạn (Cười). Chúng ta buộc phải thận trọng.
Tuần báo La Croix: Dù sao Sơ cũng cảm thấy rằng có một nhận thức?
Anne Lécu: Không. Chúng ta không được chữa khỏi điều đó và chúng ta không yên ổn khi nó bắt đầu lại vào ngày mai. Đó cũng là vấn đề chấp nhận cuộc phỏng vấn trên báo hay không, với nguy cơ trở thành ngôi sao. Tôi cố gắng chống lại điều này bằng hai điều rất đơn giản: làm việc trong tù và đời sống chung. Thứ khiến tôi phản kháng, đó là cơ thể. Ví dụ, khi đồng nghiệp của tôi nói với tôi “nghe này, bạn nên nói chuyện với chúng tôi một cách lịch sự vì hiện tại bạn đang nói xấu chúng tôi”. Điều đó đưa tôi trở lại vị trí của mình. Vị trí của một nữ bác sĩ đa khoa không tài giỏi hơn những người khác, lại khó chịu trong các cuộc họp đến mức bà phải đan len để giữ im lặng, nếu không bà sẽ trở nên khó quản lý. Thế đấy (Cười).
Tuần báo La Croix: Nhưng trong trường hợp này, liệu có còn chỗ cho các ngôn sứ?
Anne Lécu: Có cái mà Thánh Kinh gọi là parrhesia, lời chân lý, một lời nói lên những điều, ngay cả khi chúng không làm vừa lòng. Công việc của một ngôn sứ như Êlia là phải nói “nếu chúng ta tiếp tục như thế này, thì điều này sẽ xảy ra”. Đó không phải là tầm nhìn về tương lai, đó là tầm nhìn về hiện tại được ông phân tích sâu sắc để điều tồi tệ nhất không xảy ra.
Tuần báo La Croix: Trong Giáo hội ngày nay cũng có một số người đang tìm kiếm một đạo Công giáo được khẳng định hơn nhiều, với cám dỗ về những con số… Sơ cảm thấy thế nào về điều này?
Anne Lécu: Thật tốt khi có những thời điểm mạnh mẽ, nó mang lại nhiệt huyết: Ngày Quốc tế Giới trẻ, Taizé, tại sao không. Nhưng kinh nghiệm của những Kitô hữu bình thường, đó là Chúa đồng hành với họ trong cuộc sống bình thường, trong những sự kiện vi mô. Vì vậy, tôi nghĩ người ta có thể tự tin hướng tới một Giáo hội hiếu chiến, hộ giáo, v.v. Nhưng khi thức dậy, người ta có nguy cơ thất bại. Sau đó, vấn đề này cũng rất là Pháp. Không được đọc mọi thứ từ lăng kính của chính mình. Khi tôi gặp các chị em của tôi đến từ Châu Á hoặc Châu Mỹ Latinh, cám dỗ về căn tính thực sự không phải là vấn đề của họ.
Tuần báo La Croix: Nhưng Sơ có còn cảm thấy rằng ngày nay có một niềm khao khát mới về việc khám phá Thánh Kinh Thánh?
Anne Lécu: Ồ có. Và cơn khát càng lớn hơn vì người ta ít đọc Thánh Kinh. Điều rất quan trọng là làm cho mọi người thích đọc Thánh Kinh và kể những câu chuyện nhỏ để khuyến khích ai đó đọc. Thực ra, đó là lý do tại sao tôi xuất bản, để khiến mọi người muốn đọc Thánh Kinh và chia sẻ những khám phá của tôi. Tôi có thói quen đọc Thánh Kinh thánh rất bất định, giống như đang lặn. Và tôi viết sách mà không có kế hoạch, tôi luôn khởi đầu mà không có chủ định.
Tuần báo La Croix: Sơ vẫn hình dung thế nào về việc truyền tải đức tin trong bối cảnh Công giáo rạn nứt này?
Anne Lécu: Sự truyền tải, tôi tin rằng nó ngang qua những con người chân thật – không nhất thiết phải là các ngôi sao – , những người không biết rằng họ đang truyền tải. Tôi nghĩ điều quan trọng là không biết rằng chúng ta đang truyền tải những điều này. Chúng ta đang ở trong một dạng không biết. Điều tôi cố gắng làm bằng những phương tiện nhỏ bé của mình, đó là làm cho người ta muốn tiếp cận những bản văn này bằng một lối đọc không giáo hóa (moralisante), xuất phát từ truyền thống lớn của Công giáo về lectio divina. Một Giáo hội giáo hóa không thể nghe được. Ngày nay, ít hơn bao giờ hết.
Chuyên viên Thánh Kinh, Philippe Lefebvre, thích nói rằng “Thánh Kinh kể những câu chuyện xảy ra xung quanh chúng ta 8 mét”. Càng quan tâm đến Thánh Kinh, chúng ta càng quan tâm đến con người. Chẳng hạn, quan tâm đến những nhân vật vô danh trong Thánh Kinh, đó là quan tâm đến những nhân vật nhỏ bé trong cuộc sống của chúng ta, đến người hàng xóm bên cạnh chúng ta. Tôi say mê nuôi dưỡng sự chú ý đến những người nhỏ bé này, chính bởi vì đó không phải là thiên hướng tự nhiên của tôi. Nhỏ là lớn.
—————————————-
Những tác phẩm của Sơ Lécu:
2005. Où es-tu quand j’ai mal ? (Cerf).
2010. Bảo vệ luận án triết học về việc chăm sóc trong nhà tù. Được xuất bản vào năm 2012 dưới tựa đề La Prison, un lieu de soin ? (Les Belles Lettres).
2016.Tu as couvert ma honte (Cerf) và Le Secret médical. Vie et mort (Cerf).
2018.Ceci est mon corps (Cerf). Đồng ký tên Le Transhumanisme c’est quoi ? (Cerf). Tham gia vào Hội đồng Giám mục Pháp trong nhóm đấu tranh chống lại các lệch lạc giáo phái.
2021. L’Exorcisme… au quotidien, trao đổi với Henri Gesmier (Cerf).
2025. Le Seigneur n’était pas dans le feu (Cerf, 192 p., 20 €).
—————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : nhật báo La Croix)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỠ HƠN
- BỆNH VIÊM PHỔI HAI BÊN, CĂN BỆNH MÀ ĐỨC PHANXICÔ MẮC PHẢI LÀ GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ VẪN VUI VẺ BẤT CHẤP BỊ VIÊM PHỔI CẢ HAI BÊN
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
- KHỔ HÌNH KHỦNG KHIẾP CỦA THÁNH NỮ APOLLINA
- ĐHY PAROLIN PHẢN ĐỐI VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI PALESTINE KHỎI GAZA
- THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
- THÁNH KINH: LOẠT VIDEO CHỐNG LẠI NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH SAI LẠC
- 350 GIÁO SĨ DO THÁI LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI VIỆC “THANH LỌC SẮC TỘC” Ở GAZA
- ĐỨC PHANXICÔ NHẬP VIỆN Ở RÔMA VÌ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN
- TẠI SAO GIÁO HỘI CAN THIỆP VÀO VẤN ĐỀ XÃ HỘI?
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 5 : « MỘT ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ SINH RA CHO ANH EM, NGƯỜI LÀ ĐẤNG KITÔ, LÀ ĐỨC CHÚA » (Lc 2, 11). CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH VÀ CÁC MỤC ĐỒNG THĂM VIẾNG
- “LIỆU CHÍNH QUYỀN TRUMP SẼ CHỌN ĐỐI ĐẦU VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ?”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO TỔNG THỐNG PHÁP EMMANUEL MACRON NHÂN DỊP “HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH HÀNH ĐỘNG VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO”
- MẸ TÊRÊSA CALCUTTA ĐƯỢC GHI VÀO LỊCH CHUNG RÔMA
- ĐHY CUPICH HOAN NGHÊNH LÁ THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CÁC GIÁM MỤC MỸ VỀ VẤN ĐỀ DI CƯ