BÁC ÁI
Luc Dubrulle, Linh mục, Học viện Công giáo Paris
« Thiên Chúa là tình yêu ». Nền tảng tín lý này là nguyên tắc để hiểu bác ái như là « tiêu chí tối thượng và phổ quát của toàn thể nền đạo đức xã hội ». Từ Thông điệp Rerum novarum cho đến Thông điệp Caritas in veritate, bác ái trở thành hoạt động, khoa học, linh hồn, chân lý ; nó có thể là xã hội và chính trị. Nó là « con đường chủ đạo của Học thuyết xã hội của Giáo hội ».
Từ « charité » (bác ái, tình yêu, đức ái) trong tiếng Pháp bị giảm thiểu nhiều. Thông thường, nó được hiểu như là một hành động bố thí ban ơn của người giàu cho người nghèo. Đối tượng của một sự tranh chấp lịch sử nặng nề, nó lên án hoặc là sự chống đối chính trị đối với việc cư xử với người nghèo bằng công lý, hoặc là sự coi nhẹ người nghèo khi công lý thất bại. Trở ngại tiêu cực này không tồn tại theo cùng cách thức đối với các từ ngữ khác nhau mà, trong các ngôn ngữ khác, cố gắng dịch từ ngữ « caritas » trong tiếng Latinh. Để tránh cái bẫy ngữ nghĩa, do đó cần phải thoát khỏi ý nghĩa thường dùng, sử dụng các từ ngữ « agapè » và « amour », và đề nghị xác định nó về mặt thần học.
« Thiên Chúa là Tình Yêu » (1Ga 4, 16). Nền tảng thần học này là nguyên lý của giới răn mới về tình yêu như là « luật nền tảng của sự hoàn thiện con người và do đó của sự biến đối thế giới » (Hiến chế Gaudium et spes, GS 38). Bác ái là quy luật của toàn thể nền đạo đức Kitô giáo, của thần học luân lý xã hội. Nó là « con đường chủ đạo của Học thuyết xã hội của Giáo hội » (Thông điệp Caritas in veritate, CV 2).
Vào thế kỷ XIX, nhất là liên quan đến vấn đề xã hội, đã nổi lên câu hỏi sau : làm thế nào tình yêu của Thiên Chúa có thể cai quản xã hội khi Giáo hội bị loại khỏi quyền lực chính trị ? Giáo hội bị tước quyền đó lại có đầy những sáng kiến về một bác ái tạm thời mà cũng mang tính liên kết, giáo dục, xã hội, chính trị, pháp lý. Trong việc tìm kiếm chỗ đứng trước những diễn biến chính trị, bác ái có thể đối lập với công lý, nhưng cũng bao hàm nó.
Với Thông điệp Rerum novarum, vào năm 1891, Đức Lêô XIII xác định một khuôn khổ trong đó bác ái bao gồm tất cả, nhưng mở ra một phạm vi cần thiết và giới hạn cho công lý của Nhà nước, bằng cách xác định bản chất của việc xử lý vấn đề xã hội trong những công việc bác ái. Những việc bác ái này được hiểu như là trung gian của hành động của Thiên Chúa : « Chính sự tuôn tràn bác ái dồi dào mà cần phải đặc biệt mong đợi ơn cứu độ » (RN 45).
Mười năm sau, vào năm 1901, trong Thông điệp Graves de Communi Re bàn về nền dân chủ Kitô giáo (1) (đây là lần đầu tiên từ ngữ « nền dân chủ Kitô giáo » xuất hiện trong một bản văn của Giáo hoàng, nhưng không theo nghĩa chính trị, mà theo nghĩa xã hội, ctcnd), Đức Lêô XIII, khi suy ngẫm về những hoa trái của Rerum novarum, đã ghi nhận rằng « một cộng đồng hành động đã được thiết lập giữa những người Công giáo » để « xoa dịu nổi khốn khổ của dân chúng, không chỉ bằng những cứu trợ thoáng qua, nhưng còn bằng tất cả các cơ quan thường trực qua đó người nghèo túng tìm được một sự bảo đảm hữu hiệu hơn ». Tất cả các cơ quan thường trực này, đó là : các văn phòng của dân chúng, các quỹ tín dụng nông thôn, các cơ quan trợ giúp và cứu trợ, các cơ quan bảo trợ, các hiệp hội công nhân, các hội hay công trình Công giáo khác nhau. Đức Lêô XIII định nghĩa chúng như là « một trong những vinh quang của bác ái » và tất cả điều đó mang tính chất của điều mà ngài gọi là một « khoa học về bác ái ».
Suốt dòng tiến triển lịch sử, khoa học thực hành về bác ái này ngày càng đồng thuận với chính trị, đến độ vào năm 1927, Đức Piô XI đã nói về lãnh vực chính trị như là « phạm vi rộng lớn nhất của bác ái, của bác ái chính trị, mà ta có thể nói rằng không có phạm vi nào khác trỗi vượt hơn nó, ngoại trừ phạm vi tôn giáo » (2).
Đối diện với nguy cơ liên lỉ giảm thiểu bác ái thành giải pháp tạm thời này, Đức Piô XI, trong Thông điệp Quadragesimo anno (QA), đã xác định khái niệm « bác ái xã hội », trong sự liên kết với khái niệm « công bằng xã hội ». Nếu công bằng xã hội được định nghĩa như là chuẩn mực khách quan của trật tự pháp lý, kinh tế và xã hội, thì bác ái xã hội được định nghĩa như là « linh hồn của trật tự này » (QA 95). Khi củng cố khái niệm bác ái xã hội, Đức Piô XI rồi Piô XII đã sáp nhập công bằng xã hội vào một nguồn mạch và một chân trời đối thần thực sự. Đó là một tầm nhìn về nhân loại khởi từ và hướng đến Thiên Chúa. Niềm tin vào sự kết hiệp với Cha trên trời trong đó con người là con cái của Ngài, mang lại xác tín là một phần của cùng một gia đình trong Chúa Kitô : như thế cho thấy nổi bật mối liên hệ thiêng liêng vốn là nền tảng của mối liên hệ xã hội. Bác ái xã hội và công bằng xã hội ấn định các lãnh vực hành động tách biệt. Chúng chi phối cùng các hành vi, nhưng từ một nguồn mạch và trong một chân trời khác nhau, « từ trên cao » (3) đối với bác ái xã hội. Nơi con người, bác ái đến làm cho ý chí và tâm hồn tuân theo những luật lệ của công lý và công bằng. Vì là « xã hội », nên, nơi con người, bác ái đến làm cho đòi hỏi công lý thực sự phổ quát. Vì là « thần linh », nên, nơi con người, bác ái đến mở ra sự nhưng không, sự cho đi và sự tha thứ, cần thiết cho một nền công lý thực sự xã hội. Nó giúp « nhìn thấy quyền lợi của tha nhân », nó giúp cho « những đôi tai điếc lắng nghe tiếng nói của công bằng » (4). Đức Piô XII nắm bắt nhiều cơ hội để khai triển, theo hoàn cảnh, mối liên kết giữa công bằng và bác ái xã hội (5), khẳng định tính trỗi vượt của bác ái vốn nâng cao và làm sinh động công bằng xã hội. Jean-Yves Calvez và Jacques Perrin đã gọi mối liên kết này là « bác ái toàn diện » (6) : « Công bằng là nội tại của bác ái mà không bao giờ bác ái có thể đối lập với công bằng » (7).
Để công nhận quyền tự trị của các thực tại trần thế, Đức Phaolô VI và Vatican II đã dịch chuyển vị trí của bác ái sang phía đối thần (8), không nói về « bác ái xã hội », cũng như về « học thuyết xã hội ». Hai thành ngữ này trở lại dưới ngòi bút của Đức Gioan-Phaolô II. Nhưng, khi Kitô giáo hóa tình liên đới (9), Đức Gioan Phaolô II, trong giáo huấn xã hội của mình, lại ít nại đến khái niệm bác ái.
Chính cuốn Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội, trong nỗ lực đề xuất một nguyên tắc của thần học luân lý xã hội, đã đi đến chỗ đặt bác ái như là « tiêu chí tối thượng và phổ quát của toàn bộ nền đạo đức xã hội » (10). Các số 204 đến 208 đưa ra một tổng hợp ngắn gọn và cô đọng về « con đường bác ái » như chân trời của lý thuyết và thực hành xã hội của Giáo hội. Ở đây đã hình thành nên khái niệm mang hình thức mới mẻ trong các văn kiện của Huấn quyền về « bác ái xã hội và chính trị ».
Đức Bênêđíctô XVI dành Thông điệp đầu tiên của mình bàn về bác ái : Deus caritas est (DC, Giáng Sinh 2005). Sau khi đã tài tình làm nổi bật bác ái như là « agapè » trong phần một, phần hai muốn trình bày lại một sự phân đôi nào đó giữa bác ái và công bằng. Ở đó được đặt cạnh nhau : « sự dấn thân cần thiết cho công lý » và « việc phục vụ của bác ái », « phạm vi của Nhà nước » và « phạm vi của Giáo hội », « trật tự công bằng của Nhà nước » và « sự phục vụ của tình yêu », « những cơ cấu công bằng » và « những công việc bác ái », « một mặt,sự dấn thân cho một trật tự công bằng của Nhà nước và của xã hội, và mặt khác, hoạt động bác ái có tổ chức » (DC 25-29).
Thông điệp Caritas in veritate vượt quá việc đặt song song này. « Không chỉ công bằng không còn xa lạ với bác ái, không chỉ nó không còn là một con đường thay thế hay song song với bác ái : công bằng là ‘bất khả tách rời với bác ái’, nó là nội tại của bác ái. Công bằng là con đường đầu tiên của bác ái hay, như Đức Phaolô VI đã nói, ‘cái tối thiểu’ của bác ái, một bộ phận của tình yêu trong « hành động và chân lý » này (1Ga 3, 18) mà thánh Gioan Tông đồ đã khích lệ » (CV 6). Tất cả trật tự xã hội, kinh tế, chính trị, có thể và phải được hiểu, được giải thích, được thay đổi, được phát triển, từ bác ái. Quy luật mà Đức Giáo hoàng đề nghị để bác ái có thể trở thành con đường chủ đạo của Học thuyết xã hội của Giáo hội, đó là liên kết bác ái với chân lý. Sự hiểu biết về tình yêu này thực sự tạo nên cách thức mà bác ái có thể được chấp nhận và hữu hiệu trong bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị hiện đại.
————————–
(1) Léon XIII, Graves de communi, 18 janvier 1901, ASS 33 (1900-1901) ; Lettres apostoliques de S.S. Léon XIII, encycliques, brefs, etc., tome VI, Paris, La bonne presse, s. d., p. 204‑227.
(2) Pie XI, « L’action catholique et la politique. Discours à la Fédération universitaire italienne », 18 décembre 1927, la Documentation catholique, tome 23, n° 506, 8 février 1930, col. 357-358.
(3) Jean-Yves Calvez et Jacques Perrin, Église et société économique. L’enseignement social des papes de Léon XIII à Pie XII (1878-1958), Aubier, 1959, p. 225.
(4) Pie XII, Bài giản ở Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma, 9/4/1939. AAS 31 (1939) p. 150 ; la Documentation catholique, quyển 40, số 896, 5/5/1939, col. 551.
(5) Chẳng hạn : Piô XII, « Bác ái trong các công ty bảo hiểm xã hội », Bài phát biểu của Đức Giáo hoàng ở Viện Tương Tế quốc gia Tây Ban Nha, 11/9/1958, la Documentation catholique, quyển 45, số 1292, 7/12/ 1958, col. 1579-1580.
(6) Jean-Yves Calvez et Jacques Perrin, op. cit., p. 221.
(7) Jean-Yves Calvez et Jacques Perrin, op. cit., p. 228-229.
(8) Philippe Delhaye, « Le kérygme de la charité à Vatican II », Revue théologique de Louvain,1, 1970, p. 144‑174.
(9) Domingos Lourenço-Vieira, La solidarité au cœur de l’éthique sociale. La notion de solidarité dans l’enseignement social de l’Église catholique, Paris, Mare & Martin, 408 p.
(10) Conseil pontifical “Justice et Paix”, Compendium de la doctrine sociale de l’Église, Bayard – Cerf – Fleurus-Mame, (2004) 2005, n° 204, p. 116.
——————————–
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ
(nguồn: CERAS)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- KHI CÁC GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ KHỚP VỚI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
- MARGUERITE STERN, CỰU FEMEN, XIN LỖI NGƯỜI CÔNG GIÁO
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN ĐẦU TIÊN CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- DILEXIT NOS: “LINH ĐẠO LIÊN QUAN SÂU XA ĐẾN TÂM HỒN CON NGƯỜI”
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO