BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 4. CHÀNG THANH NIÊN GIÀU CÓ. CHÚA GIÊSU NHÌN ANH (Mc 10, 21)

Written by xbvn on Tháng Tư 10th, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Tâm linh, Thế Giới

Trong bài thứ tư của loạt bài giáo lý nói về những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu, Đức Phanxicô đề cập đến câu chuyện về người thanh niên giàu có. Trong bản văn dự kiến ​​dành cho buổi tiếp kiến ​​chung vào ngày 9 tháng Tư, ngài cho thấy Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, cách nhưng không, như chúng ta là, bất chấp những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta. Ngài cũng giải thích rằng chúng ta phải giảm bớt gánh nặng để có một trái tim tự do hơn, tránh xa sự tự mãn và chủ nghĩa cá nhân để dấn thân ra khơi, mà không còn sống cô độc nữa.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta sẽ nhìn ngắm một trong những cuộc đối thoại khác của Đức Giêsu, được các Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, lần này, người được gặp gỡ không có tên. Thánh sử Máccô chỉ đơn giản giới thiệu anh như ‘một người’ (10, 17). Anh là người đã giữ các điều răn từ nhỏ nhưng, dẫu như thế, vẫn chưa tìm được ý nghĩa cuộc đời. Anh đang kiếm tìm nó. Có lẽ anh là người vẫn chưa thực sự đưa ra quyết định dứt khoát, mặc dù vẻ bên ngoài của anh trông như một người rất kiên định. Thật vậy, vượt trên những việc chúng ta làm, sự hy sinh lẫn thành công của chúng ta, điều thật sự quan trọng để có được hạnh phục chính là những gì chúng ta mang trong lòng mình. Nếu một con tàu phải nhổ neo và rời bến để ra khơi, nó có thể trở thành một con tàu tuyệt vời, với thủy thủ đoàn xuất sắc, nhưng nếu nó không kéo lên được những vật nặng và mỏ neo đang giữ nó lại, thì nó sẽ chẳng bao giờ có thể khởi hành được. Người giàu có này đã làm cho mình thành một con tàu sang trọng, nhưng anh vẫn ở yên trong bến cảng!

Khi Đức Giêsu ngang qua con đường, người này chạy đến, quỳ trước mặt Ngài và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (c. 17). Hãy để ý động từ: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”.  Bởi vì tuân giữ Lề Luật không đem lại cho anh hạnh phúc và sự bảo đảm được cứu độ, nên anh tìm đến Thầy Giêsu. Điều đáng chú ý là con người này không biết đến từ vựng về sự nhưng không! Mọi thứ xem ra phải được hàm ơn. Mọi thứ đều là bổn phận. Sự sống đời đời đối với anh là sự thừa kế, một điều gì đó đạt được bởi điều thiện, nhờ việc tuân giữ tỉ mỉ các giới răn. Nhưng trong một cuộc đời được sống bằng cách này, dù chắc chắn vì mục đích tốt, thì đâu là chỗ đứng mà tình yêu có được?

Như mọi khi, Đức Giêsu vượt trên những vẻ bề ngoài. Trong khi một mặt người đàn ông này trình bày bản lý lịch tốt trước Ngài, thì Đức Giêsu lại đi xa hơn và nhìn sâu bên trong. Động từ mà thánh Máccô sử dụng thực rất ý nghĩa: “nhìn vào anh ta” (c 21). Chính xác bởi vì Đức Giêsu nhìn bên trong từng người chúng ta, Ngài yêu chúng ta như chúng ta thực sự là. Thật vậy, đâu là điều mà Ngài đã nhìn thấy trong con người này? Đức Giêsu thấy gì khi Ngài nhìn vào bên trong mỗi một chúng ta và yêu thương chúng ta, dẫu cho những xao lãng và tội lỗi của chúng ta? Ngài thấy sự yếu đuối của chúng ta, nhưng cũng thấy khát khao được yêu thương của chúng ta như chính chúng ta là.

Nhìn anh ta, như Tin Mừng nói, Ngài ‘đem lòng yêu mến’ (c. 21). Đức Giêsu yêu mến người này trước khi Ngài đưa ra lời mời gọi theo Ngài. Ngài yêu mến anh như chính con người anh. Tình yêu của Đức Giêsu là nhưng không: hoàn toàn trái ngược với logic của công trạng mà người này đã bị phủ vây. Chúng ta thật sự hạnh phúc khi nhận ra mình được yêu thương bằng cách này, cách nhưng không, nhờ ân sủng. Và điều này cũng áp dụng với những mối tương quan giữa chúng ta: bao lâu chúng ta còn cố gắng mua lấy tình yêu hoặc nài xin tình cảm, thì những tương quan đó sẽ chẳng bao giờ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Lời đề nghị mà Đức Giêsu đưa ra cho người đàn ông này chính là thay đổi lối sống và mối tương quan với Thiên Chúa. Thật vậy, Đức Giêsu nhận ra rằng trong anh, cũng như trong tất cả chúng ta, điều gì đó vẫn còn thiếu. Đó là niềm khao khát được yêu thương mà chúng ta mang trong lòng. Vẫn còn một vết thương thuộc về chúng ta là những con người, vết thương mà tình yêu trải qua. Để vượt qua được sự thiếu thốn này, chúng ta không cần phải ‘mua lấy’ sự công nhận, tình cảm, sự quan tâm: thay vào đó, chúng ta cần ‘bán hết’ mọi thứ đang ghì chúng ta xuống, để làm cho lòng chúng ta được tự do hơn. Chẳng cần phải tiếp tục thu tích cho mình, nhưng hơn hết trao đi cho người nghèo, cung cấp, sẻ chia.

Sau cùng, Đức Giêsu mời gọi người này đừng ở lại một mình. Ngài gọi mời anh ta theo Ngài, vào trong mối dây liên kết, sống mối tương quan. Quả thật, chỉ bằng cách này, anh ta mới có thể thoát ra khỏi tình trạng ẩn danh của mình. Chúng ta chỉ có thể nghe tên mình trong một mối tương quan, nơi mà ai đó gọi tên chúng ta. Nếu chúng ta vẫn đơn độc, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghe thấy tên mình được gọi, và sẽ tiếp tục là ‘người’ đó, vô danh. Có thể ngày hôm nay, chính vì chúng ta sống trong một nền văn hóa tự cung tự cấp và chủ nghĩa cá nhân, nên chúng ta thấy mình bất hạnh hơn bởi vì chúng ta không còn nghe thấy tên mình được gọi nữa bởi người nào đó yêu thương chúng ta cách nhưng không.

Người đàn ông này không đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu và ở một mình, bởi vì gánh nặng của cuộc đời giữ anh lại tại bến cảng. Sự buồn rầu của anh là dấu chỉ cho thấy anh chưa thể rời đi. Đôi khi, điều chúng ta nghĩ là giàu có lại chỉ là những gánh nặng níu chúng ta lại. Niềm hy vọng chính là con người này, cũng như mỗi một chúng ta, sớm muộn cũng sẽ thay đổi và quyết định ra khơi.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy phó dâng cho Trái Tim Chúa Giêsu tất cả những người đang sầu muộn và do dự, để họ có thể cảm nhận được ánh nhìn đầy yêu thương của Chúa, Đấng động lòng thương qua việc dịu dàng nhìn vào chúng ta.

———————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30