BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 4. « EM THẬT CÓ PHÚC, VÌ ĐÃ TIN » (Lc 1, 45). THĂM VIẾNG BÀ ELISABETH VÀ BÀI CA MAGNIFICAT
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta, trong mầu nhiệm Thăm viếng. Khi Đức Trinh Nữ Maria thăm viếng thánh Elisabeth, chính Chúa Giêsu trong lòng mẹ Người đã viếng thăm dân Người. Sau sự kinh ngạc của biến cố Truyền Tin, Đức Maria lên đường, như tất cả những người được kêu gọi trong Thánh Kinh. Mẹ làm điều đó để giúp đỡ người chị họ cao niên của mình, nhưng cũng để chia sẻ niềm tin vào vị Thiên Chúa của điều không thể và của niềm hy vọng. Lời chào của Đức Maria khơi dậy lời tiên tri của Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Elisabeth và gợi lên trong bà lời chúc lành kép mà bà nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Đức Maria đáp lại điều này bằng một bài ca ngợi Thiên Chúa tràn đầy đức tin, hy vọng và niềm vui. Bài Magnificat tổng hợp và hoàn thành lời cầu nguyện của Israel. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để biết, như Đức Maria, chờ đợi những lời hứa của Chúa được hoàn thành.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 5/2/2025 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, trong mầu nhiệm Thăm viếng. Đức Trinh Nữ Maria thăm viếng thánh Elisabeth, nhưng nhất là chính Chúa Giêsu, trong lòng mẹ Người, viếng thăm dân Người (x. Lc 1,68), như ông Dacaria đã nói trong bài thánh ca ngợi khen của ông.
Sau khi ngạc nhiên và thán phục trước những gì Sứ thần đã thông báo cho mình, Đức Maria chỗi dậy và lên đường, như tất cả những người được kêu gọi trong Thánh Kinh, bởi vì “hành động duy nhất mà con người có thể tương ứng với vị Thiên Chúa đang mạc khải chính mình là hành động sẵn sàng vô hạn” (H.U. von Balthasar, Vocation, Rome 2002, 29). Thiếu nữ Israel này không chọn cách bảo vệ mình khỏi thế giới, không sợ những nguy hiểm và xét đoán của người khác, nhưng ra đi gặp gỡ những người khác.
Khi cảm thấy mình được yêu, chúng ta trải nghiệm một sức mạnh khiến tình yêu chuyển động; như thánh Phaolô Tông đồ nói, “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5, 14), tình yêu này thúc đẩy chúng ta, làm cho chúng ta chuyển động. Đức Maria cảm nhận được sự thôi thúc của tình yêu và đến giúp đỡ một người phụ nữ là họ hàng của mình, nhưng cũng là một phụ nữ già, sau một thời gian dài chờ đợi, đã đón nhận một cái thai bất ngờ, khó xoay sở ở tuổi của bà. Nhưng Đức Trinh Nữ cũng đến với bà Elisabeth để chia sẻ niềm tin của mình vào vị Thiên Chúa của điều không thể và niềm hy vọng của mình vào việc thực hiện những lời hứa của Ngài.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ tạo ra một hiệu quả đáng kinh ngạc: tiếng nói của người “đầy ân sủng” chào bà Elisabeth gợi lên lời tiên tri nơi hài nhi mà cụ bà này đang cưu mang trong bụng và khơi dậy nơi bà một lời chúc lành kép: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Và cả một mối phúc: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (c. 45).
Trước việc nhìn nhận căn tính thiên sai của Con mình và sứ mạng làm mẹ của mình, Đức Maria không nói về chính mình, nhưng nói về Thiên Chúa và cất lên một lời ca ngợi đầy đức tin, niềm hy vọng và niềm vui, một bài hát vang lên mỗi ngày trong Giáo hội trong giờ Kinh Chiều: bài ca Magnificat (Lc 1, 46-55).
Lời ca ngợi Thiên Chúa Đấng Cứu Độ này, xuất phát từ trái tim của người tôi tớ khiêm nhường của Ngài, là một tưởng niệm long trọng tổng hợp và hoàn thành lời cầu nguyện của dân Israel. Nó được đan dệt bằng những vang vọng của Thánh Kinh, một dấu hiệu cho thấy Đức Maria không muốn hát “bên ngoài đoàn hợp xướng”, nhưng hòa hợp với các tổ tiên, tán dương lòng trắc ẩn đối với những kẻ khiêm nhường, những kẻ bé mọn mà Chúa Giêsu, trong bài giảng của Người, sẽ tuyên bố là “có phúc” (x. Mt 5, 1-12).
Sự hiện diện nổi bật của chủ đề Vượt Qua cũng làm cho bài ca Magnificat trở thành bài ca cứu chuộc, lấy bối cảnh là ký ức về cuộc giải phóng dân Israel khỏi Ai Cập. Tất cả các động từ đều ở thì quá khứ, thấm nhuần ký ức về tình yêu vốn nung đốt hiện tại bằng niềm tin và soi sáng tương lai bằng niềm hy vọng: Đức Maria ca ngợi ân sủng của quá khứ, nhưng Mẹ là người phụ nữ của hiện tại vốn đang mang tương lai trong dạ mình.
Phần đầu của bài thánh ca này ca ngợi hành động của Thiên Chúa nơi Đức Maria, một mô hình thu nhỏ của dân Thiên Chúa, vốn hoàn toàn gắn bó với giao ước (c. 46-50); phần thứ hai bao trùm công trình của Chúa Cha trong đại vũ trụ trong lịch sử của con cái Ngài (c. 51-55), qua ba từ khóa: ký ức – lòng thương xót – lời hứa.
Đức Chúa, Đấng đã cúi xuống Đức Maria bé nhỏ để thực hiện “những điều vĩ đại” nơi Mẹ và biến Mẹ thành mẹ của Chúa, đã bắt đầu cứu dân Người từ cuộc xuất hành, khi nhớ lại lời chúc lành phổ quát đã được hứa cho Abraham (x. Stk 12, 1-3). Đức Chúa, Thiên Chúa trung tín mãi muôn đời, đã tuôn đổ dòng nước tình yêu thương xót vô tận “từ đời nọ tới đời kia” (c. 50) trên dân trung tín với giao ước, và giờ đây Ngài biểu lộ ơn cứu độ viên mãn nơi Con của Ngài, Đấng được sai đến để cứu dân Ngài khỏi tội lỗi. Do đó, từ Abraham đến Chúa Giêsu Kitô và cộng đồng các tín hữu, Lễ Vượt Qua xuất hiện như một phạm trù thông diễn để hiểu mọi sự giải thoát về sau, cho đến sự giải thoát mà Đấng Mêsia thực hiện vào thời viên mãn.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn biết chờ đợi sự hoàn thành mọi lời hứa của Ngài và giúp chúng ta đón nhận sự hiện diện của Đức Maria trong cuộc đời chúng ta. Khi đặt mình theo trường học của Mẹ, ước gì tất cả chúng ta khám phá ra rằng mọi tâm hồn tin tưởng và hy vọng đều “cưu mang và sinh ra Lời Chúa” (Saint Ambroise, Traité sur l’Évangile de S. Luc 2, 26).
——————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, năm thánh 2025, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV KÊU GỌI HÒA BÌNH VÀ GIẢI TRỪ VŨ TRANG TRÊN THẾ GIỚI
- HABEMUS PAPAM
- GIỮA SỰ TRANG NGHIÊM VÀ LONG TRỌNG, MẬT NGHỊ BẮT ĐẦU
- KHÓI ĐEN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TỪ ỐNG KHÓI NHÀ NGUYỆN SISTINE
- THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG : « CẦU NGUYỆN LÀ THÁI ĐỘ DUY NHẤT THÍCH HỢP »
- MẬT NGHỊ: ĐỨC GIÁO HOÀNG ĐƯỢC BẦU NHƯ THẾ NÀO?
- “EXTRA OMNES!”, “XIN MỌI NGƯỜI RA NGOÀI!”
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ 12 TẬP TRUNG VÀO NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN THIẾT CHO MỘT GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI
- CÁC HỒNG Y TIẾP TỤC SUY NGHĨ VÀ PHÁC HỌA HÌNH ẢNH VỀ MỘT « GIÁO HOÀNG MỤC TỬ »
- ĐỨC GIÁO HOÀNG QUYẾT ĐỊNH TÔNG HIỆU CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
- TẤT CẢ 133 HỒNG Y ĐÃ ĐẾN RÔMA KHI CÁC HỒNG Y TỔ CHỨC PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ MƯỜI
- ĐHY MAMBERTI: ĐỨC PHANXICÔ TRUNG THÀNH VỚI SỨ MẠNG CỦA MÌNH BẰNG TẤT CẢ SỨC MẠNH
- CHIẾC XE CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG: MÓN QUÀ CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ DÀNH CHO GAZA
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY
- ĐHY GUGEROTTI NHẮC NHỚ KHO TÀNG THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 8 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỨ MẠNG
- KỶ NIỆM 400 NĂM THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO, “MỘT ĐỘNG LỰC MỚI”