BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 5. NGƯỜI CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT. EM CON ĐÃ MẤT MÀ NAY LẠI TÌM THẤY (Lc 15, 32)

Written by xbvn on Tháng Tư 17th, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Tâm linh, Thế Giới

Trong bài giáo lý được công bố vào thứ Tư, ngày 16 tháng Tư, Đức Phanxicô đã chia sẻ suy tư về dụ ngôn người cha giàu lòng thương xót. Trước sự ích kỷ của hai người con, một người bỏ trốn khỏi nhà cha mình và người kia ở lại, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “tình yêu thương bao giờ cũng là một sự cam kết, luôn có điều gì đó chúng ta phải mất đi để hướng về người khác”. Và  “chỉ những ai thật sự yêu thương chúng ta thì mới có thể giải thoát chúng ta khỏi cái nhìn sai lầm về tình thương”.

 

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Sau khi suy ngẫm về những cuộc đối thoại của Đức Giêsu với một số nhân vật trong Tin Mừng, tôi muốn dừng lại, khởi đi với bài giáo lý này, ở một vài dụ ngôn. Như chúng ta đều biết, chúng là những câu chuyện rút ra những hình ảnh và hoàn cảnh từ thực tế hằng ngày. Đó là lý do vì sao chúng cũng chạm đến cuộc sống của chúng ta. Những câu chuyện ấy khơi gợi chúng ta. Và chúng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Tôi ở đâu trong câu chuyện này?

Chúng ta hãy bắt đầu với dụ ngôn được biết đến nhất, dụ ngôn mà có lẽ tất cả chúng ta đều nhớ từ khi mình còn là trẻ con: dụ ngôn về người cha và hai con trai (Lc 15, 1-3. 11-32). Trong dụ ngôn này, chúng ta tìm được cốt lõi nơi Tin Mừng của Đức Giêsu, cụ thể đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thánh sử Luca nói rằng Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho các kinh sư và người Pharisêu, những người than phiền vì Ngài ăn uống với những người tội lỗi. Vì thế, có thể nói rằng đây là dụ ngôn dành cho những ai lạc lối, nhưng không biết điều đó, và xét đoán người khác.

Tin Mừng nhắm gửi đến cho chúng ta một thông điệp về hy vọng, bởi vì Tin Mừng nói với chúng ta rằng bất cứ khi nào chúng ta lạc lối, và dù chúng ta có lạc mất chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn luôn đến tìm kiếm chúng ta! Có thể chúng ta đã đi chệch hướng như con chiên lạc khỏi đàn để gặm cỏ bên đường, hoặc bị bỏ lại đằng sau vì nhọc mệt (x. Lc 15, 4-7). Hoặc có thể chúng ta cũng như đồng xu bị lạc mất, có lẽ đã rơi xuống nền nhà và không thể tìm thấy được nữa, hoặc ai đó đã để nó ở một nơi nào và chẳng thể nhớ ở đâu. Hoặc có thể chúng ta lạc lối như hai con trai của người cha này: đứa con thứ do bởi mỏi mệt vì ở trong mối tương quan mà anh ta cảm thấy quá đòi hỏi; nhưng người con cả cũng bị lạc lối, bởi vì ở nhà thôi là chưa đủ nếu trong lòng anh ta vẫn còn kiêu căng và oán giận.

Tình yêu thương bao giờ cũng là một sự cam kết, luôn có điều gì đó chúng ta phải mất đi để hướng về người khác. Nhưng người con thứ trong dụ ngôn chỉ nghĩ đến bản thân mình, giống như điều thường xảy ra trong giai đoạn thơ ấu và thiếu niên. Trong thực tế, chúng ta cũng nhìn thấy chung quanh mình nhiều người lớn như thế này, những người không thể duy trì một mối tương quan bởi vì họ ích kỷ. Họ tự lừa dối bản thân rằng họ sẽ tìm thấy chính mình nhưng thực ra lại đánh mất bản thân, bởi chỉ khi chúng ta sống vì người khác thì chúng ta mới thực sự sống.

Người con thứ này, cũng như hết thảy chúng ta, đang khao khát tình cảm, anh ta muốn được yêu thương. Nhưng tình yêu là một quà tặng quý giá; nó phải được cư xử cẩn thận. Thế nhưng, anh ta lại phung phí, coi thường tình yêu thương, anh không tôn trọng bản thân mình. Người con thứ nhận ra điều này trong thời kỳ đói kém, khi chẳng có ai chăm sóc cho mình. Nguy cơ ở chỗ trong những thời khắc ấy, chúng ta van xin tình thương và bám víu vào ông chủ đầu tiên mà chúng ta tình cờ gặp được.

Chính những kinh nghiệm này vốn khơi dậy trong chúng ta niềm tin méo mó rằng chúng ta chỉ có thể ở trong mối tương quan như những đầy tớ, như thể chúng ta phải chuộc lỗi hoặc như thể tình thương đích thực có thể không tồn tại. Thật vậy, người con thứ, khi rơi vào tình trạng tồi tệ nhất, đã nghĩ rằng mình sẽ trở về với nhà của cha để nhặt vài mảnh vụn tình thương từ mặt đất.

Chỉ những ai thật sự yêu thương chúng ta thì mới có thể giải thoát chúng ta khỏi cái nhìn sai lầm về tình thương. Trong tương quan với Thiên Chúa, chính chúng ta đã có được kinh nghiệm này. Họa sĩ vĩ đại Rembrandt, trong một bức họa nổi tiếng, đã khắc họa cách tuyệt vời sự trở về của người con hoang đàng. Cách riêng, hai chi tiết gây cho tôi ấn tượng: đầu của người con thứ được cạo đi, như đầu của người hối lỗi, nhưng nó cũng tựa như đầu của đứa trẻ, bởi vì người con này được sinh ra một lần nữa. Và kế đến là đôi tay của người cha: một tay nam và tay kia nữ, để mô tả sức mạnh và sự dịu dàng trong vòng tay tha thứ.

Nhưng người con cả đại diện cho những ai mà dụ ngôn này được nói đến: anh là người con bao giờ cũng ở nhà với cha mình, nhưng vẫn xa cách cha, xa cách trong cõi lòng. Người con này có thể đã muốn rời đi, nhưng vì sợ hãi hoặc trách nhiệm nên anh ta đã ở đó, trong mối tương quan ấy. Tuy nhiên, khi anh chị em không sẵn lòng chấp nhận, anh chị em bắt đầu chất chứa nỗi oán giận trong mình, và sớm muộn gì thì cơn giận này cũng bùng nổ. Nghịch lý thay, chính người con cả cuối cùng lại có nguy cơ bị bỏ rơi, bởi vì anh không sẻ chia niềm vui của cha mình.

Người cha cũng tiến về phía anh. Ông không muốn quở trách hay kêu gọi anh phải có trách nhiệm. Ông chỉ muốn rằng anh cảm nhận được tình yêu thương của mình. Ông mời anh vào và để cánh cửa mở. Cánh cửa đó cũng vẫn mở ra cho chúng ta. Thật thế, đây là lý do để hy vọng: chúng ta có thể hy vọng bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta, Ngài nhìn thấy chúng ta từ xa, và Ngài luôn luôn để cánh cửa mở ra.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi mình ở đâu trong câu chuyện tuyệt vời này. Và chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta cũng có thể tìm thấy con đường trở về nhà.

——————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30