BÀI CHIA SẺ CỦA ĐỨC CHA GIUSE CHÂU NGỌC TRI TRONG THÁNH LỄ GẶP MẶT PHỤ HUYNH CHỦNG SINH ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

Written by xbvn on Tháng Ba 2nd, 2015. Posted in Huế, Kontum, Linh mục, Việt Nam, Đà Nẵng, Đại Chủng Viện Huế

01/3/2015, Chúa Nhật II Mùa Chay B

 Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Phúc Âm: Mc 9, 1-9

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”.

Kính thưa Cộng đoàn,

Không biết đây có phải là lần đầu tiên không, nếu không phải, thì có lẽ cũng đã từ lâu lắm, Chủng viện Huế mới có một biến cố đặc biệt như hôm nay: gặp mặt các phụ huynh chủng sinh ngay tại Đại Chủng viện. Nhiều người trong số các phụ huynh có mặt hôm nay, nhất là xa xôi từ Hưng Hóa, Kontum, Đà Nẵng, có thể đây là lần đầu tiên được đạp đất Đại Chủng viện này, thậm chí là lần đầu ngỡ ngàng đến Cố đô Huế. Quí phụ huynh được Ban Giám đốc Chúng viện mời đến đây hôm nay, không phải chỉ để tham quan nơi ăn chốn ở sinh hoạt của con cái mình, nhưng quan trọng hơn là để tham gia, tham dự vào việc đào tạo các linh mục tương lai. Đây là một trọng trách cần đến sự cộng tác của toàn Giáo Hội, đặc biệt các bậc phụ huynh, chứ không ủy thác hoàn toàn cho Ban Giám đốc Chủng viện.

Ý nghĩa cuộc gặp mặt là như thế. Chúng ta đã được nghe Đức Tổng Giám mục Huế trình bày trong bài huấn từ. Giờ đây, qua những bài đọc Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật II Mùa Chay, Chúa muốn soi sáng cho chúng ta những gì? Tôi xin chia sẻ đôi điều.

Trước tiên, một trùng hợp kỳ diệu và đầy bất ngờ, bài đọc I hôm nay trích từ Sách Sáng thế, kể lại câu chuyện một gia đình thánh thiện, luôn gây cảm xúc mỗi lần được nghe. Tổ phụ Abraham đã tuyệt đối vâng lời Chúa, đem con một yêu quý là Isaac lên núi để sát tế làm lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Người cha thì vô vàn đau khổ; đứa con nhỏ thì quá đơn sơ chẳng hiểu chuyện gì. Cuộc hiến tế đã bất thành do sự can thiệp của Thiên Chúa vào những giây phút cuối cùng, nhưng Đức Tin của Abraham thì đạt đến mức độ tròn đầy, và ông được gọi là “cha của kẻ tin”.

“Abraham, Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”.

Tôi hỏi thật nhé, quý vị phụ huynh đang có mặt hôm nay, có ai liên tưởng rằng, một cách nào đó, mình cũng là Abraham đang lên núi hiến tế con yêu trong câu chuyện Kinh Thánh không? Hay các Thầy ở đây, có ai nghĩ mình là cậu bé Isaac đang theo cha lên núi để được hiến tế không?

Nếu không, mỗi chúng ta hãy thử hóa thân vào nhân vật Abraham và Isaac trong câu chuyện, chúng ta thấy thế nào? Sợ hãi hay hạnh phúc thưa anh chị em? – Hạnh phúc, có đúng không? Rất hạnh phúc khi biết Chúa luôn can thiệp vào ơn gọi cuộc đời của mỗi người, không phải chỉ các Tổ phụ, mà cả chúng ta hôm nay.

Hoàn cảnh của chúng ta, nhìn dưới khía cạnh thần học, thì cũng giống như câu chuyện của cha con Abraham và Isaac, cho dù người cha hôm nay có thể trẻ hơn và còn có những đứa con khác, và đứa con hôm nay thì đã khôn lớn trưởng thành.

Cũng như việc hôn nhân ngày nay, không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nữa, thì chuyện tu hành ngày nay cũng thế, phần lớn cũng do người con quyết định. Tuy nhiên, trong đời sống đức tin, chúng ta đều nhận thấy vai trò quan trọng của gia đình. Một người con đi tu luôn là biến cố lớn lao trong gia đình, ảnh hưởng đến cả gia đình, hay nói đúng hơn, dường như cả nhà cùng tu, nhất là người cha người mẹ. Anh chị em có cảm thấy điều đó không?

Những bậc cha mẹ đạo đức thường ước ao cho con cái sống đời tu trì, luôn sẵn sàng cùng với con cái mình dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và Giáo Hội. Sự hiến dâng tự nguyện nào mà không có hy sinh và đau đớn. Thử thách Đức Tin thường liên quan đến những quyết định một mất một còn. Đức Tin mời gọi diễn tả tình yêu bằng hành động, không chỉ dâng hiến chung chung, mà dâng chính mình, máu huyết của mình, tình yêu của mình, sự sống của mình.

Vì thế, hình ảnh của Abraham và Isaac trong cuộc hiến tế luôn được khơi lại và mời gọi thôi thúc mỗi người chúng ta tỉnh thức lắng nghe và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bằng những hành động quả cảm. Cũng vì hai chữ đi tu quá nôm na và như chỉ gói ghém vào việc tu thân tích đức, có thể đã làm chúng ta sao nhãng cái cốt lỏi của ơn gọi linh mục là ngày qua ngày cho đến trọn đời phải hoàn thiện đời mình nên một hiến tế toàn thiêu cho Thiên Chúa và các linh hồn.

“Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Thiên Chúa không chỉ kêu gọi đứa con, mà còn kêu gọi cả những bậc làm cha mẹ. Nếu những người làm cha làm mẹ trong gia đình, không lắng nghe và thực thi Lời Chúa, không sống Đức Tin, không cùng con lên núi, thì liệu người con đó có bình an và vững tâm trung kiên theo Chúa được không?

Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình.

Mặc dù Isaac được cứu sống, nhưng lễ dâng toàn thiêu của Abraham vẫn được viên thành. Abraham không vội xuống núi, và chắc chắn ông còn phải trở lại đây nhiều lần. Ông “ngước mắt lên”, và thấy Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ông lễ vật thay cho con mình. Thiên Chúa cũng chuẩn bị những điều kiện tốt lành nhất cho các bậc phụ huynh, để họ cho thể chu toàn phận sự Đức Tin của mình, chỉ cần họ biết “ngước mắt lên”.

Điều thứ hai xin chia sẻ cùng cộng đoàn. Thêm một hình ảnh sống động đầy ngạc nhiên thú vị có thể rút ra từ Tin Mừng hôm nay qua biến cố Chúa hiển dung.

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.

Thấy được vinh quang của Chúa, các môn đệ quá hạnh phúc muốn ở lại luôn trên núi, muốn dựng ba lều cho ba Đấng cư ngụ. Các môn đệ không còn nghĩ chi đến mình.

Đây là một thách thức triền miên trong suốt đời một linh mục, và cả gia đình linh mục, trong một xã hội buông mình theo tiện nghi và hưởng thụ hôm nay. Không ít người nghĩ rằng con đường tu trì cũng là con đường công danh sự nghiệp. “Đỗ cụ” còn hơn đỗ quan. Cha mẹ linh mục được lên chức “Ông Bà Cố”. Những yến tiệc linh đình thết đãi hằng ngàn người trong ngày tiến chức. Kế đó là xe là nhà, là đủ thứ vinh hoa phú quý…

Ngoài đời: “hy sinh đời bố củng cố đời con”; trong đạo: “hy sinh đời con vàng son đời bố – Xin lỗi cộng đoàn vì những lời khó nghe này, nhưng đó đây hôm nay vẫn còn là cớ vấp phạm. Thay vì ngây ngất ở lại trong vinh quang của Thiên Chúa, tìm vinh quang cho Thiên Chúa, con người linh mục dễ có khuynh hướng tìm vinh quang cho chính mình, ngại chịu khó, ngại hy sinh, ngại thánh giá… Làm linh mục đã khó, nhưng là linh mục thì còn khó khăn hơn nhiều. Cha mẹ của linh mục, gia đình của linh mục cũng thế.

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”

Nghe theo Chúa Giêsu, các môn đệ hôm qua và hôm nay phải cùng Chúa Giêsu xuống núi, cùng Chúa Giêsu trút bỏ áo vinh quang, mặc lấy áo choàng đẩm máu, lên một ngọn núi khác: núi sọ, để tự mình dâng hiến lễ cuộc đời, chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa.

Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa đã tha mạng cho Isaac, con của Abraham. Nhưng sang thời Tân ước, Thiên Chúa hành động quyết liệt hơn, như trong bài đọc II trích thư Rôma hôm nay.

Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta”.

Vâng, Chúa Giêsu, khởi điểm và tâm điểm của Tân Ước, đã trở nên hiến tế trên Bàn thờ Thánh giá vì chúng ta. Isaac vác củi, Chúa Giêsu vác thánh giá, cả hai cùng lên núi. Isaac không biết lễ vật ở đâu, chỉ nghe và làm theo ý cha mình; còn Chúa Giêsu thì biết, thì lo lắng run sợ, nhưng vẫn hoàn toàn vâng phục Thánh ý Cha.

Đến lượt các linh mục, tiếp nối và hoàn tất Tân Ước, luôn với Chúa Giêsu là hình mẫu, không phải chỉ để ngắm nhìn, nhưng để đạt tới, để nên một với Ngài trong sứ vụ và trong cuộc đời. Hiến tế Thánh giá trở thành hiến tế cuộc đời, cho đời.

Linh mục dâng lễ mỗi ngày và mỗi ngày của linh mục là một hy lễ, là cùng Chúa Giêsu vác thánh giá lên Núi Thánh để dâng mình cho Thiên Chúa Cha. Đỉnh cao của biến hình vinh quang là đây. Linh mục hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Trở thành linh mục, không phải chỉ là trở thành chủ tế, mà còn trở thành bàn thờ, trở thành của lễ.

Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?

Mẹ con bà Giêbêđê đã đến xin Chúa Giêsu cho hai con mình là Giacôbê và Gioan được ngồi bên hữu và bên tả. Chúa chỉ mời họ cùng uống chén đắng, còn việc ngồi hai bên tả hữu thuộc quyền quyết định của Thiên Chúa Cha.

Làm cha làm mẹ linh mục, chúng ta đừng quá bận tâm nhiều về điều đó. Hãy nhớ lại lời Thiên Chúa đã nói với Abraham sau biến cố tại núi Marian:

“ Vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Miêu duệ của Abraham là chính Chúa Giêsu, Linh mục đầu tiên,

Đức Maria, người Mẹ tuyệt vời của Linh mục đầu tiên,

Thánh Giuse, dưỡng phụ tận tụy của Linh mục đầu tiên,
Thánh Gia là chủng viện đầu tiên đào tạo Linh mục đầu tiên,

Xin cầu cho chúng con, Amen.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31