BÀI GIẢNG CỦA ĐHY PAROLIN TRONG THÁNH LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, CẦU HỒN CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ: ĐÓN NHẬN KHO TÀNG QUÝ GIÁ MÀ ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ ĐỂ LẠI
Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót và cầu hồn cho Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, gợi lên những nét nổi bật trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, đặc biệt là lòng thương xót, ĐHY Pietro Parolin đã kêu gọi “đón nhận như một kho tàng quý giá sự chỉ dẫn mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rất nhiều”. ĐHY nhấn mạnh: “Tình cảm của chúng ta dành cho ngài, được thể hiện trong những giờ phút này, không chỉ là cảm xúc nhất thời; chúng ta phải đón nhận di sản của ngài và biến nó thành cuộc sống, bằng cách mở lòng đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và cũng trở nên có lòng thương xót đối với nhau”. Trong ngày Năm Thánh dành cho giới trẻ, ĐHY cũng mời gọi các bạn trẻ “đừng bao giờ quên nuôi dưỡng cuộc sống của các con bằng niềm hy vọng đích thực vốn có hình ảnh Chúa Giêsu Kitô. Với Người, không có gì là quá lớn hay quá khó khăn!“
Dưới đây là bài giảng của Đức Hồng y Parolin :
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ khi họ đang ở trong phòng Tiệc Ly, nơi họ đóng kín cửa vì sợ hãi (x. Ga 20, 19). Tâm trí họ bối rối và lòng họ buồn rầu, vì Người Thầy và Người Mục Tử mà họ đã theo bằng cách từ bỏ mọi sự đã bị đóng đinh trên thập giá. Họ đã trải qua những điều khủng khiếp và cảm thấy mồ côi, cô đơn, lạc lõng, bị đe dọa và không có khả năng tự vệ.
Hình ảnh ban đầu mà Tin Mừng trình bày cho chúng ta vào Chúa Nhật này cũng có thể tượng trưng cho tâm trí của mỗi người chúng ta, của Giáo hội và của toàn thế giới. Vị Mục tử mà Chúa đã ban cho dân Người, Đức Giáo hoàng Phanxicô, đã kết thúc cuộc sống trần thế và rời xa chúng ta. Nỗi đau khi Người ra đi, cảm giác buồn bã xâm chiếm chúng ta, sự xáo trộn trong lòng, cảm giác mất phương hướng: chúng ta trải qua tất cả những điều này, giống như các tông đồ đau khổ vì cái chết của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, Tin Mừng nói với chúng ta rằng chính trong những khoảnh khắc đen tối này mà Chúa đến với chúng ta với ánh sáng phục sinh, để soi sáng tâm hồn chúng ta. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta về điều này kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng và đã nhiều lần nhắc lại với chúng ta, khi đặt niềm vui của Tin Mừng vào trung tâm triều đại giáo hoàng của ngài, niềm vui mà như ngài viết trong Evangelii Gaudium, “lấp đầy trái tim và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai để Người cứu rỗi sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi nỗi buồn phiền, khỏi sự trống rỗng bên trong, khỏi sự cô độc. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn luôn nảy sinh và tái sinh” (số 1).
Niềm vui Phục Sinh, vốn nâng đỡ chúng ta trong những lúc thử thách và buồn đau, là điều gần như có thể chạm đến được tại quảng trường này ngày hôm nay; nó đặc biệt được in sâu trên những khuôn mặt của các bạn trẻ và thanh thiếu niên thân mến đã đến từ khắp nơi trên thế giới để mừng Năm Thánh. Các con đến từ khắp mọi nơi: từ mọi giáo phận ở Ý, Châu Âu, Hoa Kỳ, Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á, Các Tiểu vương quốc Ả Rập… Với các con, toàn thể thế giới thực sự hiện diện!
Cha gửi lời chào đặc biệt tới các con, với hy vọng rằng các con có thể cảm nhận được sự bao bọc của Giáo hội và tình cảm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người rất mong muốn được gặp các con, nhìn vào mắt các con, đi qua giữa các con để chào đón các con.
Trước nhiều thách thức mà các con được kêu gọi phải đối mặt – ví dụ, cha nghĩ đến công nghệ và trí tuệ nhân tạo, đặc trưng của thời đại chúng ta – đừng bao giờ quên nuôi dưỡng cuộc sống của các con bằng niềm hy vọng đích thực vốn có hình ảnh Chúa Giêsu Kitô. Với Người, không có gì là quá lớn hay quá khó khăn! Với Ngài, các con sẽ không bao giờ cô đơn hay bị bỏ rơi, ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất! Người đến gặp các con ở nơi các con đang ở, để ban cho các con lòng can đảm để sống, để chia sẻ những kinh nghiệm, suy nghĩ, năng khiếu, ước mơ của các con, để nhìn thấy trên khuôn mặt của những người đang ở gần và ở xa một người anh chị em để yêu thương, những người mà các con có rất nhiều thứ để cho đi và rất nhiều thứ để nhận lại, để giúp các con trở nên quảng đại, trung thành và có trách nhiệm trong cuộc sống đang chờ đợi các con, để giúp các con hiểu được điều gì là quý giá nhất trong cuộc sống: đức mến thấu hiểu tất cả và hy vọng tất cả (x. 1 Cr 13, 7).
Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, Chúa Nhật Áo Trắng (Dominica in Albis), chúng ta cử hành Lễ Lòng Chúa Thương Xót.
Chính lòng thương xót của Chúa Cha, lớn hơn những giới hạn và tính toán của chúng ta, đã làm nên đặc điểm huấn quyền của Đức Giáo hoàng Phanxicô và hoạt động tông đồ mãnh liệt của ngài, cũng như mong muốn hăng say của ngài trong việc loan báo và chia sẻ lòng thương xót đó với tất cả mọi người – việc loan báo Tin Mừng, truyền giáo – vốn là chương trình của triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng “lòng thương xót” chính là danh hiệu của Thiên Chúa và vì thế, không ai có thể đặt ra giới hạn cho tình yêu thương xót qua đó Người muốn nâng chúng ta dậy và biến chúng ta thành những con người mới.
Điều quan trọng là phải đón nhận như một kho tàng quý giá sự chỉ dẫn mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rất nhiều. Và – cho phép tôi nói điều này – tình cảm của chúng ta dành cho ngài, được thể hiện trong những giờ phút này, không chỉ là cảm xúc nhất thời; chúng ta phải đón nhận di sản của ngài và biến nó thành cuộc sống, bằng cách mở lòng đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và cũng trở nên có lòng thương xót đối với nhau.
Lòng thương xót đưa chúng ta trở về với trung tâm của đức tin. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không được diễn giải mối quan hệ của mình với Thiên Chúa và sự thuộc về Giáo hội theo những phạm trù nhân loại hay thế gian, bởi vì tin mừng của Phúc Âm trước hết là khám phá ra mình được yêu thương bởi một vị Thiên Chúa có lòng trắc ẩn và dịu dàng với mỗi người chúng ta, bất kể công trạng của chúng ta; nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta được dệt bằng lòng thương xót: chúng ta chỉ có thể đứng dậy sau khi vấp ngã và hướng tới tương lai nếu chúng ta có ai đó yêu thương chúng ta vô hạn và tha thứ cho chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi dấn thân sống các mối quan hệ của mình không còn theo những tiêu chuẩn tính toán hay bị mù quáng bởi sự ích kỷ, nhưng bằng cách mở lòng đối thoại với người khác, chào đón những người chúng ta gặp trên đường đời và tha thứ cho những điểm yếu và lỗi lầm của họ. Chỉ có lòng thương xót mới có thể chữa lành và tạo ra một thế giới mới, dập tắt ngọn lửa ngờ vực, hận thù và bạo lực: đây chính là giáo huấn vĩ đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa trong lời rao giảng và những cử chỉ Người thực hiện; và, như chúng ta đã nghe, khi Người hiện ra trong phòng Tiệc Ly sau khi phục sinh, Người đã trao ban bình an và nói: “Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; các con cầm giữ tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 23). Vì thế, Chúa Phục Sinh xác định rằng các môn đệ của Người, Giáo hội của Người, là khí cụ của lòng thương xót đối với nhân loại, đối với những ai mong muốn đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxicô là một chứng nhân sáng chói của một Giáo hội luôn dịu dàng cúi xuống những người bị tổn thương và chữa lành họ bằng hương thơm của lòng thương xót; và ngài nhắc nhở chúng ta rằng không thể có hòa bình nếu không có sự nhìn nhận lẫn nhau, không quan tâm đến những người yếu thế nhất và, nhất là, sẽ không bao giờ có hòa bình nếu chúng ta không học biết tha thứ cho nhau, trao cho nhau chính lòng thương xót mà Chúa đã trao cho cuộc sống của chúng ta.
Anh chị em thân mến, vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót này, chúng ta tưởng nhớ với lòng trìu mến Đức Giáo hoàng Phanxicô kính yêu của chúng ta. Ký ức này đặc biệt sống động đối với các nhân viên và tín hữu của Thành quốc Vatican, nhiều người trong số họ đang hiện diện ở đây, và tôi muốn cảm ơn họ vì sự phục vụ mà họ thực hiện mỗi ngày. Đức Giáo hoàng Phanxicô từ Trời đang ôm lấy anh chị em, ôm lấy tất cả chúng ta, ôm lấy toàn thế giới.
Chúng ta phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà ngài hết sức gắn bó đến nỗi ngài đã chọn nghỉ ngơi tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Xin Mẹ che chở chúng ta, chuyển cầu cho chúng ta, canh giữ Giáo hội và nâng đỡ hành trình của nhân loại trong hòa bình và tình huynh đệ. Amen.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican.va)
Tags: Giới trẻ, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐHY PAROLIN TRONG THÁNH LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, CẦU HỒN CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ: ĐÓN NHẬN KHO TÀNG QUÝ GIÁ MÀ ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ ĐỂ LẠI
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CẦU HỒN CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
- TẠI SAO CÓ MỘT CUỐN SÁCH ĐƯỢC MỞ RA TRÊN QUAN TÀI CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ?
- UCRAINA, HÒA BÌNH NGANG QUA ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ AN TÁNG ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG PHANXICÔ : «LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG LÀ HAI TỪ KHÓA CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ»
- “NHỮNG NGƯỜI RỐT HẾT” CỦA TIN MỪNG SẼ LÀ NHỮNG NGƯỜI CUỐI CÙNG CHÀO ĐÓN NGÀI
- QUAN TÀI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐƯỢC ĐÓNG LẠI
- NHỮNG BIỂU TƯỢNG NÀY CHO THẤY VATICAN KHÔNG CÒN GIÁO HOÀNG NỮA
- CÁC ĐỨC HỒNG Y HỌP HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4, CHUẨN BỊ CHO ‘THÁNH lỄ AN TÁNG VỊ MỤC TỬ’
- “NGÀI KHÔNG PHẢN ỨNG VỚI CÁC KÍCH THÍCH”: BÁC SĨ CỦA ĐỨC PHANXICÔ KỂ LẠI NHỮNG KHOẢNH KHẮC CUỐI CÙNG CỦA NGÀI
- CÁC HỒNG Y HỌP HỘI NGHỊ LẦN THỨ BA, BẮT ĐẦU THẢO LUẬN VỀ GIÁO HỘI
- NHỮNG VỊ GIÁO HOÀNG NÀO ĐƯỢC CHÔN CẤT TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ?
- TẠI SAO MÀU ĐỎ LẠI LÀ MÀU TANG LỄ CỦA CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG?
- NOVEMDIALES: CÁC ĐỨC HỒNG Y LÊN LỊCH CHO CHÍN NGÀY ĐỂ TANG
- “ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ DỒN HẾT NĂNG LƯỢNG VÀO VIỆC HÒA GIẢI THẾ GIỚI”
- NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ VÀ LÒNG BIẾT ƠN KHI TRỞ LẠI QUẢNG TRƯỜNG
- THÁNH LỄ AN TÁNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ SẼ DIỄN RA VÀO THỨ BẢY, NGÀY 26/4
- ĐỨC PHANXICÔ, CON NGƯỜI CỦA HOÁN CẢI, HIỆP HÀNH VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
- LỜI TRI ÂN VÀ CHIA BUỒN TỪ CÁC GIÁO HỘI TRÊN KHẮP THẾ GIỚI ĐỔ VỀ
- CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI BÀY TỎ LÒNG KÍNH TRỌNG ĐỨC PHANXICÔ