BÀI GIẢNG CỦA ĐHY PAROLIN TRONG THÁNH LỄ KỶ NIỆM 1300 NĂM THÁNH NỮ ODILE QUA ĐỜI (STRASBOURG, 4/7/2021): TƯƠNG ĐỐI HÓA MỌI KHÓ KHĂN VÀ THỬ THÁCH DƯỚI ÁNH SÁNG TUYỆT ĐỐI CỦA THIÊN CHÚA
Bài giảng trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 4/7/2021, kỷ niệm 1300 ngày mất của thánh nữ Odile, bổn mạng miền Alsace, Pháp, và cũng là ngày lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Gilles Reithinger, Bề trên Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris. Trong bài giảng, ĐHY Pietro Parolin kêu gọi Châu Âu trở về với cội nguồn Kitô giáo và niềm tin vào Thiên Chúa để có thể vượt qua những cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nhìn lại cuộc đời thánh nữ Odile, bị cha của mình ruồng bỏ, nhưng rồi trở thành dấu chỉ chúc lành và công cụ loan báo Tin Mừng, ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh rút ra bài học cho người Kitô hữu hôm nay: “Cử hành lễ thánh Odile, nhớ lại công trình của thánh nữ với tư cách là Tu viện trưởng và là Đấng sáng lập đan viện Niedermuster, đó là tuyên xưng sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng là dùng những hoàn cảnh bất hạnh nhất để huấn luyện nên những tâm hồn thánh thiện làm chứng cho lòng nhân từ vô biên của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Đó là lại lấy làm của mình những lý do sâu xa của niềm hy vọng nơi chúng ta và cần phải nói cho bất cứ ai chất vấn chúng ta về những lý do của niềm hy vọng này, như thánh Phêrô Tông đồ đã khẳng định (x. 1 Pr 3, 15), để tương đối hóa mọi khó khăn và thử thách, dưới ánh sáng tuyệt đối của Thiên Chúa.”
Nói với Đức tân Giám mục, ĐHY mời gọi ngài “cống hiến toàn thể năng lượng của mình, thời gian của mình, tư tưởng của mình và toàn bộ kế hoạch sống của mình cho sứ mạng của mình, sứ mạng thánh hóa dân Thiên Chúa và cai quản họ trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Đức Tổng Giám mục và Đức Thánh Cha.”
Dưới đây là toàn văn bài giảng:
Trọng kính Đức cha Luc Ravel, Tổng Giám mục giáo phận Strasbourg,
Anh em Giám mục và Linh mục thân mến,
Đức cha Gilles thân mến,
Thưa các cơ quan thẩm quyền,
Anh chị em trong Chúa Kitô thân mến,
Tôi vui mừng hiện diện trong thành phố Strasbourg tuyệt vời này, nằm ở trung tâm của Châu Âu, để đại diện Đức Thánh Cha với tư cách là Đặc sứ của Đức Giáo hoàng để cử hành 1300 năm ngày mất của thánh Odile, Bổn mạng của Alsace, và để phong chức Giám mục cho Đức cha Gilles Reithinger, được bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá của Tổng Giáo phận. Nhân dịp vui mừng này, tôi vinh dự gởi đến quý vị lời chào thân ái và phép lành của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Sự kiện này muốn khẳng định rằng đang khi lịch sử đang diễn ra với những cuộc chinh phục và những bi kịch của nó, với những hy vọng và những sụp đổ nặng nề của nó, thì đồng thời, sự tăng trưởng của Nước Thiên là không thể chống lại được, đặc biệt có thể nhận thấy nơi đời sống của các thánh. Vào mỗi thời đại, các thánh mang lại cho chúng ta những mẫu gương sáng ngời để bắt chước và trở nên những người cầu thay nguyện giúp hữu hiệu. Đời sống thánh thiện của các ngài thật quý giá bởi vì nó chứng tỏ sự kiện rằng các biến cố đáng được ghi nhớ với lòng biết ơn này không phải là những biến cố thường được cử hành trong các câu chuyện kể, nhưng là những biến cố, khi mở rộng ánh mắt và trái tim cho Đấng Tối Cao, cho phép sống mỗi kinh nghiệm thường ngày trong mối tương quan sâu xa số phận tối hậu, vốn không được tạo nên bởi sự chết hay sự bỏ rơi, nhưng bằng sự sống và niềm vui viên mãn.
Chúng ta đang đứng trước phương pháp đặc biệt mà Thiên Chúa đã lựa chọn để thực hiện ơn cứu độ của chúng ta, vốn có nguồn gốc nơi mầu nhiệm Nhập Thể. Đó là mầu nhiệm của hạt lúa mì chết đi để sinh nhiều bông hạt; đó là mầu nhiệm của hạt cải trở thành một cây to lớn!
ĐHY Parolin bên mộ thánh Odile
Vì thế, làm sao không nghĩ đến thánh Odile, trinh nữ, bị mù bẩm sinh và bị người cha ở trần gian của mình xua đuổi?
Thánh Odile, bị ruồng bỏ do bị tàn tật và vì thế bị coi là vô dụng, đã trở thành, như Đức Piô XII đã khẳng định, “Đấng Bảo trợ vĩnh viễn trên trời của Alsace”, và thánh nữ được tôn kính nơi nhiều miền ở Châu Âu.
Trong đời sống của thánh nữ được biểu lộ sức mạnh và sự tinh tế của hành động của Thiên Chúa, vốn cũng được làm nổi bật qua các bài đọc mà chúng ta vừa lắng nghe. Đó là một sức mạnh sáng tạo và cứu độ, có khả năng đảo ngược các viễn cảnh nhân loại và làm cho nụ cười hy vọng tươi nở, ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng. Ngôn sứ Isaia nói rất rõ ràng: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi: Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu…Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (Is 35, 4-6.10). Ngôn sứ làm vang vọng sách Khải Huyền hứa hẹn trời mới đất mới, nơi nước hằng sống sẽ tuôn chảy dồi dào.
Vì thế, dưới ánh sáng những lời đầy an ủi này, tôi mời gọi anh chị em để tâm đến điều cốt lõi của đức tin của chúng ta để nuôi dưỡng một niềm hy vọng chắc chắn mà không ai có thể lấy đi được. Đức tin của chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa làm người, Đấng bao la trở nên nhỏ bé, Vua hoàn vũ vô tội đã để mình bị bắt và xét xử như kẻ có tội. Đức tin này tuyên xưng Đấng Toàn Năng bị đánh đập và sỉ nhục bởi những kẻ tội lỗi và bị đóng đinh vào Thập giá. Nhưng sự thất bại bên ngoài này đã biến thành chiến thắng, và sự phục sinh của Chúa Kitô là một lời tiên báo về sự phục sinh của chúng ta, đối với chúng ta, cái chết trở thành ơn cứu chuộc và nỗi đau khổ được biến thành niềm vui.
Thánh Odile (660-720)
Cử hành lễ thánh Odile, nhớ lại công trình của thánh nữ với tư cách là Tu viện trưởng và là Đấng sáng lập đan viện Niedermuster, đó là tuyên xưng sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng là dùng những hoàn cảnh bất hạnh nhất để huấn luyện nên những tâm hồn thánh thiện làm chứng cho lòng nhân từ vô biên của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Đó là lại lấy làm của mình những lý do sâu xa của niềm hy vọng nơi chúng ta và cần phải nói cho bất cứ ai chất vấn chúng ta về những lý do của niềm hy vọng này, như thánh Phêrô Tông đồ đã khẳng định (x. 1 Pr 3, 15), để tương đối hóa mọi khó khăn và thử thách, dưới ánh sáng tuyệt đối của Thiên Chúa.
Châu Âu cần niềm hy vọng, nếu nó muốn chấm dứt mùa đông dân số, vốn trước hết không phải là kết quả của một cuộc khủng hoảng kinh tế hay xã hội, nhưng là của sự suy yếu niềm hy vọng và ý nghĩa đích thực của cuộc sống và hiện hữu.
Châu Âu cần tìm lại ý nghĩa sâu xa cội nguồn của mình. Cội nguồn này được thấm nhuần niềm lạc quan của người ý thức rõ về sự hiện diện và sức nặng của Thập giá, nhưng biết rằng lời nói sau cùng thuộc về sự Phục sinh. Đó là lý do tại sao họ nhìn thấy tương lai cá nhân, gia đình, xã hội, lịch sử và giáo hội được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi đầy u tối và tê liệt về tương lai, và đó là lý do tại sao họ sẵn sàng đầu tư nhiều năng lượng vào đó.
Châu Âu cần niềm tin vào Thiên Chúa là Cha; nó cần tin tưởng vào các tiềm năng của mình, nhất là những tiềm năng tinh thần.
Châu Âu cần đức ái, để đặt vào trung tâm của những mối bận tâm của mình những người đang sống sót bên lề xã hội, trong sự nghèo đói hay bị loại trừ, và để quản lý hiện tượng di dân cách khôn ngoan và sáng suốt, để cụ thể hóa khả năng thực hiện một sự hội nhập đích thực vốn trở thành một nguồn cơ hội và tình huynh đệ, và loại bỏ nguy cơ của những chia cắt và thiếu hiểu biết đau đớn, là những bóng ma của một nền văn hóa chối bỏ việc mọi người đều là anh chị em, fratelli tutti.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để điều đó thành hiện thực?
Tin Mừng được công bố hôm nay mang lại một chìa khóa quan trọng và một sự trợ giúp quý báu.
Thông thường, như thánh Mátta, chúng ta bị khuấy động bởi nhiều thứ, chúng ta muốn làm tất cả và muốn biết tất cả, muốn kiểm soát tất cả và muốn dự kiến tất cả. Trái lại, nên bắt chước cô Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu để lắng nghe lời Ngài. Cần phải chọn phần tốt nhất để mọi điều khác sẽ được ban cho chúng ta, ngay cả phần mà Maria đã chọn này, để giải phóng những năng lượng sức mạnh, cần thiết để hành động và phục vụ không biết mệt mỏi.
Nếu chúng ta trở thành những người bạn tâm giao với Chúa Giêsu bằng cách cử hành và sống lời Ngài và các bí tích, thì chúng ta sẽ tìm thấy sự sáng suốt và sự kiên vững cần thiết để hành động đúng đắn. Nếu chúng ta suy niệm Lời Chúa, thì chúng ta sẽ dấn thân tận tâm và thanh thản thực hiện điều thiện hảo có thể, mà không dập tắt tính sáng tạo và không phó mặc cho tính bi quan hay hoài niệm.
Xin thánh Odile giúp chúng ta sống trọn vẹn thời gian của chúng ta như thánh nữ đã sống trọn vẹn thời gian của mình, và xin thánh nữ giúp chúng ta mở rộng ánh mắt hướng về Thiên Chúa, là nguồn mạch của con người chúng ta, là Đấng dẫn dắt đường đi nước bước của chúng ta, là ánh sáng và ơn cứu độ chúng ta.
Bây giờ, tôi nói với Đức Cha, Đức cha Gilles thân mến. Đời sống và hành trình linh mục của Đức Cha cũng cho thấy lòng nhân từ liên lỉ của Chúa, Đấng đã đồng hành và dẫn dắt Đức Cha – có thể nói thế – từ sinh học đến thần học, từ nghiên cứu sự sống của thân xác đến nghiên cứu những những thực tại về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã khơi dậy nơi Đức Cha tình yêu đối với sứ mạng và đã dẫn dắt Đức Cha, từ Mulhouse, quê hương của Đức Cha, đến Singapour với tư cách là nhà truyền giáo. Sau khi đã chu toàn những trách vụ khác nhau, từ năm 2013 Đức Cha đã đảm nhận chức vụ Bề trên Hội Thừa Sai Paris.
Bây giờ Chúa lại dẫn Đức Cha đến Alsace và giao phó cho Đức Cha trách nhiệm phục vụ Ngài với tư cách là Giám mục. Sợi chỉ đỏ nối kết mỗi giai đoạn của hành trình này là ân huệ của Thiên Chúa và sự sẵn sàng ứng trực đón nhận ân huệ đó của Đức Cha, đó là việc phục vụ Giáo hội bằng tình yêu Thiên Chúa và lời đáp trả đầy ngạc nhiên và độc đáo của Thiên Chúa.
Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Trở thành mục tử có nghĩa là mỗi ngày tin tưởng vào ân sủng và sức mạnh của Chúa trên chúng ta, bất chấp sự yếu đuối của chúng ta” (Lời tuyên xưng đức tin cùng với các Giám mục của Hội đồng Giám mục Ý, 23/5/2013).
Trong nghi thức truyền chức, Đức Cha sẽ lãnh nhận chức tư tế tròn đầy, tức là tất cả sức mạnh cứu độ được các Tông đồ truyền lại cho những người thừa kế để xây dựng Giáo hội. Đó là những sức mạnh được Chúa ban cách tự do, hoa trái của hy lễ của Ngài trên thập giá và được trao ban cho Đức Cha không phải để Đức Cha quy về bản thân mình, nhưng để yêu thương phục vụ đối với các linh hồn mà Đức Cha sẽ gặp gỡ và đối với Giáo hội. Để chu toàn cách vinh dự và để đền đáp, ít là phần nào, những ân huệ của Chúa, Đức Cha sẽ phải cống hiến toàn thể năng lượng của mình, thời gian của mình, tư tưởng của mình và toàn bộ kế hoạch sống của mình cho sứ mạng của mình, sứ mạng thánh hóa dân Thiên Chúa và cai quản họ trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Đức Tổng Giám mục và Đức Thánh Cha.
Khi đảm nhận sứ mạng này, Đức Cha hãy nhớ rằng, để thánh hóa dân được giao phó cho Đức Cha, Đức Cha sẽ phải không ngừng thánh hóa bản thân. Để giảng dạy, Đức Cha sẽ luôn phải là một môn đệ trung tín của Chúa và để cai quản, Đức Cha sẽ phải kiên trì trong sự khiêm tốn và hiền lành, vốn không đối lập với sự trong sáng và sự kiên định, nhưng trái lại là điều kiện cho sự hữu hiệu trọn vẹn của chúng.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà ngôi nhà thờ Chánh Tòa lộng lẫy này được dâng kính, giúp đỡ Đức Cha. Xin thánh trinh nữ Odile, người đã cảm nghiệm sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi trở ngại, cầu bàu cho Đức Cha. Xin lời cầu bàu của Đức Mẹ và thánh Odile đồng hành với hành trình giáo hội của Tổng Giáo phận Strasbourg và nâng đỡ tất cả các Kitô hữu tái khám vẻ đẹp của những ân huệ được nhận lãnh từ bí tích Rửa tội.
Xin được như nguyện !
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(theo KTOTV)
https://www.ktotv.com/article/jubile-1300-ans-sainte-odile
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ