BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN DỊP LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ, BỔN MẠNG HỘI LINH MỤC XUÂN BÍCH

Written by xbvn on Tháng Mười Một 23rd, 2016. Posted in Hội Linh Mục Xuân Bích - St Sulpice, Đại Chủng Viện Huế

Thứ Hai, ngày 21 tháng 11 năm 2016 tại Đại Chủng viện Huế

Tin Mừng theo Mt 12, 46-50

******   

img_0430

   Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

   Hôm nay, chúng ta vui mừng hiện diện đông đảo tại Đại Chủng viện Huế, để mừng lễ Đức Mẹ Maria dâng mình trong đền thờ (21.11), cũng là ngày họp mặt truyền thống Xuân Bích. Trước hết, chúng ta suy niệm Lời Chúa hướng dẫn chúng ra rồi sau đó cùng nhìn lại lịch sử của Hội Linh mục Xuân Bích.

Cả bốn cuốn Phúc Âm đều không nhắc đến biến cố Đức Mẹ Dâng mình trong Đền thờ, nhưng theo truyền thuyết (Tiền Phúc Âm của thánh Giacôbê), từ khi ba tuổi, Đức Mẹ đã được gia đình đưa lên đền thánh để dâng mình cho Thiên Chúa và đã lưu lại đó cho tới lúc trọn mười hai tuổi. Đây là một thói quen đáng kính của các gia đình đạo hạnh và cũng là biến cố đáng ghi nhận trong đời Đức Trinh Nữ Maria. Trong lịch phụng vụ của Giáo Hội đông phương, đã thấy xuất hiện lễ Đức Mẹ Dâng Mình từ thế kỷ VII, và tiếp theo là phụng vụ của Giáo Hội tây phương từ thế kỷ IX. Chính các Đức Giáo Hoàng Sixtô IV năm 1472 và Sixtô V năm 1585 đã cổ võ mừng kính lễ này cách đặc biệt. Đức Chân phước GH Phaolô VI trong tông huấn Marialis Cultus mời mọi người tham dự lễ này, suy niệm ý nghĩa và gương mẫu đức tin của việc Mẹ Dâng Mình cho Thiên Chúa theo truyền thống đáng quí bắt nguồn từ Đông phương, và là một trong những lễ tuyệt diệu, và coi đó như hình mẫu của đời dâng hiến.

Giờ đây chúng ta cùng nhận diện ý nghĩa biến cố dâng mình trong cuộc đời Đức Trinh nữ Maria. Tin Mừng theo thánh Matthêô của thánh lễ hôm nay, không nói về việc Dâng mình của Đức Mẹ, hay của Chúa Giêsu trong Đền thờ; mà là Lời giảng dạy của Chúa Giêsu về mối liên hệ mới với Chúa, mối liên hệ đích thực của Chúa với mọi người đang hiện diện:“Ai là mẹ tôi?Ai là anh em tôi?”(Mt 12,48). Câu hỏi như trả lời của Chúa Giêsu đưa đến cho người nghe sự so sánh giữa liên hệ huyết thống của Ngài và liên hệ đức tin với Ngài. Như vậy, Chúa Giêsu không nói Đức Maria không phải là thân mẫu của mình, nhưng từ tình gia đình huyết thống đó, Chúa Giêsu muốn chỉ cho những người đang nghe Ngài đến một mối tương quan khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình gia đình của Chúa: Khi Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi (Mt 12,49), Ngài còn nhấn mạnh: “phàm ai thi hành  muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên Trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50). Chắc chắn các môn đệ và những người lắng nghe lúc đó chưa hiểu ý của Chúa Giêsu muốn nói: mối tương quan của mỗi môn đệ của Chúa đối với Thiên Chúa phải được coi là quan trọng hơn mối tương quan ruột thịt gia đình rất nhiều. Chính Chúa Giêsu đã đến để thiết lập mối tương quan mới này, là những tương quan thân tình với Chúa trong mối liên hệ mới này mới chính là những kẻ thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Khi chúng ta lắng nghe và suy ngẫm Lời của Chúa Giêsu, liệu mỗi người chúng ta có bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi đã là anh em, là mẹ của Chúa chưa ? Trong cuộc sống đức tin và cuộc đời của mình, chúng ta cũng tự hỏi: Tôi đã thi hành thánh ý Chúa chưa ? Có lẽ chúng ta bâng khuâng cho câu trả lời không chỉ trong giây phút này? Chắc chắn, khi nghe lại Lời Chúa qua Tin Mừng của thánh Mattheu hôm nay, chúng ta chợt nhận ra rằng: Thay vì vâng theo và thực hành thánh ý Chúa; mỗi người chúng ta hay làm theo ý riêng của mình; có những lúc thành công thì chúng ta tự cho là mình tài giỏi, khôn ngoan, hiểu biết; nếu có thất bại lại đổ là thánh ý Chúa; nói như Thánh Phaolo Tông đồ: dù biết là việc không hợp thánh ý Chúa mà ta vẫn cứ làm; có những lúc chúng ta cũng nhận ra phải chăng có những lúc Chúa muốn chúng ta làm việc này, chúng ta lại làm thế khác. Nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ hôm nay, ngày lễ Bổn mạng và ngày truyền thống của linh mục Xuân Bích, chúng ta phải điều chỉnh lại, củng cố lại mối tương quan của chúng ta đối với Chúa: là gặp gỡ, Tin Mến và thực thi thánh ý Chúa.

Từ « Sulpice » được phiên âm thành « Xuân Bích », khởi hứng từ một câu thơ nho « Xuân thảo bích sắc » (cỏ mùa xuân màu xanh). Vị sáng lập của Hội là cha Jean-Jacques Olier (1608-1657). Ngài xác tín rằng không thể canh tân Giáo Hội và đẩy mạnh việc rao giảng Tin Mừng, nếu không đào tạo được những linh mục thánh thiện và nhiệt thành. Vì thế, được sự cộng tác của một số linh mục cùng chí hướng, cuối năm 1641, ngài đã thành lập được một chủng viện tại Vaugirard, và đầu năm 1642, chuyển về Thủ đô, trên lãnh thổ của giáo xứ Saint-Sulpice mà ngài là cha sở. Từ đây, chủng viện sẽ mang tên là Séminaire de Saint-Sulpice (Chủng viện Xuân Bích), và Hội Linh mục Xuân Bích (thường viết tắt bằng tiếng Pháp là pss (prêtre de Saint-Sulpice)) được thành lập.

Các linh mục Xuân Bích Pháp đến Hà Nội năm 1929, và từ 01.9.1933 phụ trách Đại chủng viện Xuân Bích tại Liễu Giai (Hà Nội). Sự kiện năm 1954, chủng viện Hànội trải qua nhiều cuộc thăng trầm của lịch sử xã hội, các LM Xuân Bích đã di cư từ Hà Nội dời vào miền Nam, tạm trú tại Vĩnh Long, sau đó ở tại Thị Nghè (Sài Gòn). Tại Tổng Giáo phận Huế, từ năm 1962, các cha Xuân Bích được ủy thác việc đào tạo linh mục cho giáo tỉnh miền Trung tới năm 1975. Từ năm 1975 tới năm 1994, Đại chủng viện Huế bị đóng cửa, các linh mục Xuân Bích tản mát đi phục vụ tại các Giáo phận khác nhau. Ngày 21.9.1994, Đại chủng viện Huế được tái hoạt động và Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế đã trao lại cho các linh mục Xuân Bích đào tạo chủng sinh thuộc ba giáo phận Huế, giáo phận Đà nẵng, và giáo phận Kontum, một số tu sĩ thuộc Đan viện Biển Đức Thiên An và dòng Thánh Tâm Huế theo học tại đây.

Hội LM Xuân Bích chọn lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ ngày 21 tháng 11 hằng năm làm bổn mạng, là ngày truyền thống LM Xuân Bích. Tại Việt Nam, các linh mục cựu sinh viên và linh mục trong miền được mời tham dự thánh lễ, trong đó các vị lập lại lời hứa giáo sĩ nhận Chúa làm phần gia nghiệp của mình: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con ; vận mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16,5). Ngày họp mặt cũng là dịp để gặp lại trường cũ thày xưa, và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống với nhau và với đàn em theo tinh thần của Hội LM Xuân Bích.

   Với tất cả cộng đoàn hiện diện, chúng ta đều hiểu linh đạo Xuân Bích tập trung vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và sống hết mình cho Thiên Chúa. Châm ngôn của Hội là: “Vivere summe Deo in Christo JesuSống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”. Mong ước của Hội cũng như của cha sáng lập là “canh tân Hội Thánh bằng cách đào tạo được nhiều linh mục có tinh thần Giáo Hội, để sau đó ra đi phụng sự Chúa, đến bất cứ nơi nào Chúa gọi họ » (Tự Thuật của cha J.J. Olier 3, 83).

Hội Xuân Bích có đường hướng sư phạm riêng là biến chủng viện thành một cộng đoàn giáo dục có tính cách gia đình, ưu tiên cho việc đào tạo thiêng liêng, lấy việc linh hướng làm phương thế quan trọng để giúp chủng sinh nhận ra ơn gọi và tự do đáp lại. Mọi nỗ lực đều dồn vào cuộc sống bác ái và tín nhiệm giữa chủng sinh và ban Giám đốc. Các cha giáo đều là cha linh hướng (trừ cha Giám Đốc), và các chủng sinh được tự do chọn cha linh hướng. Hội Xuân Bích làm việc theo tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm, mọi việc quan trọng trong sinh hoạt của chủng viện thường được bàn bạc chung trong hội đồng (họp ít là 2 tuần một lần), lấy biểu quyết và thực hiện chung. Ngày nay, mục đích của Hội Lm XB không chỉ nhằm huấn luyện chủng sinh, mà dưới ánh sáng công đồng Vatican II, Hội còn cộng tác với các Đức Giám Mục trong việc thường huấn cho các linh mục, và sẵn sàng giúp công tác mục vụ và truyền giáo.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Có một người đã kể lại câu truyện sau: “Một ngày cuối tuần, tôi tới thăm Nhà Hưu của quý Cha tại một thành phố tại miền Nam nước Pháp. Nhìn quang cảnh hưu quạnh vắng lặng, ánh nắng chiều với những lá khô rải rác ở sân càng làm khung cảnh cô liêu của một nhà hưu dưỡng. Khi tôi bước vào Nhà nguyện, cảnh càng buồn hơn nữa, khi thấy có hơn chục Cha già- phần lớn đang ngồi trên xe lăn cùng dâng lễ, có một cha khỏe hơn chủ tế. Nhìn các ngài trước kia từng là tổng đại diện, là cha giáo đại chủng viện, là giáo sư đại học, là cha xứ, cha phó,…thế mà giờ đây già nua tuổi tác run rẩy ngồi xe lăn để di chuyển, không nhắc tay lên được để tự làm việc gì, đến phần truyền phép các ngài chỉ còn có thể run rẩy mấp máy môi hướng lòng cùng Cha chủ tế mà thôi. Đợi các ngài dâng lễ xong, tôi có tới hỏi một cha già ngồi xe lăn: Cha có mệt lắm không? Cha già trả lời: Mệt lắm, nhưng vẫn hạnh phúc đời dâng hiến và dâng lời Tạ ơn Chúa. Tôi tự nhủ, những linh mục già nua rớt rãi chảy khi dâng lễ này vẫn xác tín cuộc đời dâng hiến và lời tạ ơn sao? Hình ảnh hôm nay sao khác xa hình ảnh ngày tân linh mục mở tay; biết bao lời cầu chúc, bao bó hoa, quà tặng, với những ánh mắt ngưỡng mộ; còn hôm nay trong tuổi xế chiều của cuộc đời chỉ là cô độc, yếu đuối, bệnh tật, già nua, với cảnh vắng lặng không bóng người; thế mà các Cha già vẫn hạnh phúc đi nốt cuộc đời dâng hiến trong niềm tín thác và cảm tạ”.

Câu truyện trên cho chúng ta một cảm nhận và suy tư về ý nghĩa của biến cố Đức Mẹ dâng mình, là hành trình sống Ơn gọi Kitô hữu trong đời sống ơn gọi của mỗi người chúng ta luôn là hành trình tìm gặp Thiên Chúa, nhận ra thánh ý Người và cố gắng hun đúc cho ơn gọi mà mình đã chọn lựa. Sống tâm tình ấy, mỗi người chúng ta hãy nỗ lực sống cuộc đời hiện tại như lễ dâng tạ ơn trong tin mến và phó thác với tâm tình hiến dâng chính đời sống mình cho Thiên Chúa để thực hiện thánh ý Ngài. Để mỗi chúng ta luôn xác tín sự dâng mình mỗi ngày theo lời Thánh Vịnh:“Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; vận mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16,5)

Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho lễ dâng cuộc đời ta được thanh tẩy và thánh hóa, mong đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hơn. Nguyện xin tình yêu và phúc lành của Thiên Chúa là Cha của Lòng Thương Xót luôn ban muôn ơn lành cho tất cả cộng đoàn hiện diện. AMEN.

+Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Đà Nẵng

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31