BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN TRONG THÁNH LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2020-2021

Written by xbvn on Tháng Mười 3rd, 2020. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Kính Ba Tổng lãnh Thiên Thần: Micaen-Gáprien và Raphaen

Tại Đại Chủng Viện Huế, sáng 29.09.2020

 

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay, chúng ta hiện diện nơi đây tham dự lễ Khai Giảng năm học mới 2020-2021 của Đại Chủng viện Huế thân thương, nơi đào tạo ứng sinh linh mục cho bốn Giáo phận là Tổng Giáo phận Huế, Giáo phận Kontum, Giáo phận Đà Nẵng và Giáo phận Hưng Hóa với niềm vui, suy tư và hy vọng sau kỳ nghỉ hè dài 6 tháng vì virus Corona.

Khi Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta sự hiện hữu và hoạt động của các thiên thần, chắc chắn Ngài cũng muốn cho chúng ta cảm nghiệm rõ hơn về mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Chính Thiên Chúa đã dựng nên rất đông các tạo vật thiêng liêng vô hình. Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chúc tụng ngợi khen Danh Chúa, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ. Theo như các lần các ngài xuất hiện hay hiện ra, ta thấy các ngài là những vị thiêng liêng, tốt lành, uy quyền, mạnh mẽ và mau lẹ. Các ngài cũng đã từng trải qua cuộc thử thách. Trong cuộc thử thách này có một số đông đã tỏ ra không chịu thần phục Thiên Chúa, đứng đầu là Luciphe nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ. Dù chúng ta có thấy các thiên thần hay không, dù các ngài có đến với chúng ta như thần linh hay dưới hình bóng người phàm, thì lời cầu xin của chúng ta luôn được đáp trả. Thiên Chúa hằng can thiệp vào cuộc sống của chúng ta cách diệu kỳ, niềm tin nơi sự hiện diện và hoạt động của các thiên thần nhắc nhở chúng ta điều đó. Thánh Kinh đã cho chúng ta thấy tên ba vị Tổng lãnh Thiên thần là: Micaen, Gáprien, và Raphaen. Khi nhắc đến tên các Ngài, chúng ta cũng ghi nhớ lời của thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả:”tên các Thiên thần là danh xưng chỉ các chức phận chứ không chỉ bản tính“. Micaen có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa“; Gáprien có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa“; Raphaen có nghĩa là “Thầy thuốc của Thiên Chúa“: phận vụ mỗi Đấng thực hiện đều là chương trình của Thiên Chúa liên quan đặc biệt đối với loài người chúng ta.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tông đồ Philipphê đã nói với người bạn của mình là Nathanaen rằng ông đã tìm và đã gặp Ðấng cứu thế mà Lề Luật và các ngôn sứ đã tiên đoán trước, đó là Chúa Giêsu thành Nazareth, con ông Giuse. Nathanaen là người công chính và có lòng tôn kính Thiên Chúa, và cũng như nhiều người Do Thái thời đó ông đang trông chờ Ðấng cứu thế đến. Chính lòng khao khát được trông thấy Ðấng cứu thế đã thúc đẩy ông tin theo lời của bạn mình mà tới gặp Chúa Giêsu. Khi nhìn thấy Nathanaen, Chúa Giêsu đã nói:“Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối”. Qua cuộc đối thoại với Chúa Giêsu mà Nathanaen đã bị chinh phục, và Ông đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa vì Ngài đã nhìn thấu được những khát vọng sâu xa trong tâm hồn của ông, đó là lòng ao ước được nhận biết Thiên Chúa và được hiệp thông với Ngài trong sự vinh hiển muôn đời. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn giúp cho Nathanaen vững tin hơn vào Ðấng cứu thế mà dân tộc Do Thái đã chờ đợi từ lâu, vì Ngài chính là chiếc thang nối kết giữa Nước Trời với trần gian, như Thiên Chúa đã mở rộng cánh cửa cho tổ phụ Giacóp để đưa ông và dân tộc Do Thái vào Nước Trời với Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu cũng mạc khải cho Nathanaen thấy rằng Ngài chính là Ðấng sẽ phải đến để hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Giacóp:“Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giêsu là Ngôi Hai, là Con Một Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên Con Người mang phận người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi để cứu rỗi nhân loại, thông qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh. Chính Ngài đã mở con đường mới cho tất cả nhân loại bước vào một mối tương quan mới là trở nên con cái của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương mỗi người và toàn thể tạo vật, Thiên Chúa không ngừng bao bọc che chở chúng ta bằng sự hiện diện của vô số các thiên thần.

Tôi trích đoạn suy tư của Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ về lễ hôm nay: Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại. Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người. Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi, nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực, vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa. Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần. Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại. Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời. Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa, vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời. Chúng ta xin được quyền năng của Sứ thần Micaen: Ai bằng Thiên Chúa. Xin được sức mạnh của Sứ thần Gáprien: Sức mạnh của Thiên Chúa. Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thuốc chữa của Thiên Chúa. Như vậy, Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.

Anh Em chủng sinh thân mến,

Câu truyện NGƯỜI LÍNH MÙ kể lại: Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Ðức Quốc Xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã khơi dậy những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ dứt. Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng “Mẹ”. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau… Người mẹ già xót xa: “Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ?” Người lính mù ấy đáp:”Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con”. Người ta không chỉ thấy bằng đôi mắt, nhưng còn bằng chính tâm hồn của mình. Người ta không chỉ hiểu biết bằng lý trí, nhưng còn bằng cả con tim của mình nữa. Chúng ta không những hiểu được thế giới và con người bằng trí khôn của mình, nhưng còn bằng chính Ðức Tin nữa. Với ánh sáng Ðức Tin, chúng ta đi vào mầu nhiệm của sự vật bằng chính sự hiểu biết của Thiên Chúa. Hãy để cho ánh sáng của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta. Hãy nhìn vào con người và thế giới bằng chính cái nhìn của Th.Chúa.

Chắc chắn với mỗi anh em chủng sinh, ngày Khai giảng năm học mới của Đại chủng viện Huế với bao niềm vui, gặp gỡ, hy vọng nhưng không tránh được những bâng khuâng vì đại dịch Covid.19 mà chúng ta đã thiếu những 3 tháng học thì sẽ bù lại cách nào, phải chăng năm nay sẽ rất nặng nề trong đời sống tri thức. Chúng ta nhớ Thượng hội đồng Giám mục thế giới họp năm 2018 tại Roma với chủ đề:“Người trẻ, Đức tin và sự phân định Ơn gọi”. Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng bắt đầu với hình ảnh: Chúa Giêsu sánh bước đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Trong phần đầu của trình thuật, Chúa Giêsu hỏi gần như cùng một câu hỏi đến hai lần:“chuyện gì xẩy ra với các anh vậy?” Hai môn đệ bày tỏ 4 điều về chính họ: họ hoàn toàn mất hướng (đúng là họ đang đi sai hướng thật), hàm hồ bối rối (họ biết nhiều chuyện nhưng không biết tìm ra ý nghĩa của chúng), huyên thuyên (nói thì nhiều nghe chẳng bao nhiêu) và buồn bã (họ không biết tìm đâu ra hy vọng). Để họ nói hết, bấy giờ Chúa Giêsu mới lên tiếng để đào tạo lại họ, đúng hơn, để tái tạo họ, thậm chí biến đổi họ trở nên những môn đệ như Ngài mong muốn. Khi tiếp nhận lời Thiên Chúa, và đặc biệt sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh thể, mà hai môn đệ nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Ngày hôm nay, cách thay thế mạnh mẽ nhất nơi chúng ta khi đối diện với những thách đố của hoàn cảnh, với tiếng gọi của Thiên Chúa là “bất cứ điều gì đang diễn ra trong đời” giúp mỗi người chúng ta khám phá ra “niềm vui yêu thương”, để có thể thực thi lời mời gọi của chính Chúa Giêsu Kitô, và qua tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô:“Dịch bệnh bởi virus Corona đang tiếp tục gây ra những tổn thương ghê gớm, làm bộc lộ sự mong manh của con người. Đã có nhiều người chết, rất nhiều người nhiễm bệnh, ở tất cả các châu lục. Nhiều cá nhân và gia đình đang sống thời khắc vô định gây ra bởi những vấn đề kinh tế-xã hội, đặc biệt là những người nghèo. Chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể góp phần chữa lành thế giới hôm nay không? Như các môn đệ của Thầy Giêsu, là thầy thuốc linh hồn và thể xác, chúng ta được mời gọi tiếp tục “hành động chữa lành và cứu độ của Ngài” theo nghĩa thể lý, cộng đoàn và tinh thần”…“thời gian thử thách này cho chúng ta cơ hội để hướng cuộc sống chúng ta trở về với Thiên Chúa; nó mời gọi chúng ta dùng cuộc sống phục vụ tha nhân, ý thức những bất công và thức tỉnh trước tiếng kêu của người nghèo và trái đất bị đau bệnh. Chúa Giêsu Kitô tỏ cho các tín hữu thấy rằng chúng ta không bị tê liệt bởi đại dịch. Chính Chúa Giêsu Kitô mang hy vọng, tin tưởng và khuyến khích, củng cố ý thức liên đới cho chúng ta. Mối nguy bị nhiễm virus sẽ dạy chúng ta cách “truyền nhiễm” tình yêu từ trái tim này sang trái tim khác”.

Cầu chúc quý Đấng bậc và cộng đoàn hiện diện, đặc biệt là anh em chủng sinh luôn sống tinh thần can đảm, tin tưởng, phó thác vì “Ai bằng Thiên Chúa”, để dựa cậy vào “Sức mạnh của Thiên Chúa” Lòng Xót Thương, mà chính mỗi người chúng ta dám đối diện với mọi hoàn cảnh, cố gắng trở nên “Thuốc chữa của Thiên Chúa” khi biết “truyền nhiễm” Tình yêu từ trái tim này sang trái tim khác.

Xin Phúc lành Tình Yêu của Thiên Chúa Lòng Xót Thương, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, luôn ban muôn ơn lành cho cộng đoàn phụng vụ, với sức khỏe, nghị lực, niềm vui và an bình. Amen.

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30