BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG BUỔI CẦU NGUYỆN KẾT THÚC TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT KITÔ HỮU: HÃY ĐI THEO NGÔI SAO CỦA CHÚA GIÊSU
Chiều 25/1/2022, Đức Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều II lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại, ở vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, để kết thúc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu chống lại nỗi sợ hãi về sự mới mẻ vốn làm tê liệt con đường lâu dài hướng đến sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Đối với ngài, các Đạo sĩ như là hình mẫu cho các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất xung quanh Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha dựa vào đoạn Tin Mừng về các Đạo sĩ để mời gọi « chúng ta hãy đón nhận từ các Đạo sĩ những chỉ dẫn cho cuộc hành trình của chúng ta », một cuộc hành trình mà Đức Thánh Cha nhấn mạnh « hãy đi theo ngôi sao của Chúa Giêsu », « đừng theo đuổi cám dỗ tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình, tức là tự khép mình trong nhóm của mình và tự bảo vệ mình », vì « sự hiệp nhất hoàn toàn, trong cùng một ngôi nhà, chỉ có thể đến từ việc thờ lạy Chúa ». Và « các Đạo sĩ nhắc nhở chúng ta rằng, để thờ lạy, cần phải vượt qua một giai đoạn : trước tiên cần phải phủ phục. Đó là con đường, cúi mình, đặt sang một bên những tham vọng riêng của mình để chỉ để Chúa ở trung tâm. Biết bao nhiêu lần thói kiêu ngạo đã là trở ngại thực sự cho sự hiệp thông ! »
Đức Phanxicô cũng nhắc nhở rằng : “Các Đạo sĩ không chỉ tìm thấy Chúa Giêsu nhờ vào ngôi sao, mà giữa lúc đó đã biến mất ; họ cần đến Lời Chúa.” Vì thế, “chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu nhờ Lời của Ngài, nhưng chúng ta cũng xích lại gần anh chị em của chúng ta nhờ Lời của Chúa Giêsu.”
Vị Cha chung lưu ý rằng “trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất của chúng ta, cũng có thể xảy ra rằng chúng ta dừng lại vì cùng một lý do đã làm tê liệt những người này : lo lắng, sợ hãi“, nhưng « Chúa muốn chúng ta tin tưởng nhau và bước đi cùng nhau, bất chấp những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, bất chấp những lỗi lầm của quá khứ và những vết thương lẫn nhau. » Vì thế, « chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa sự can đảm này, sự can đảm của lòng khiêm tốn, phương thế duy nhất đến thờ lạy Thiên Chúa trong cùng một ngôi nhà, xung quanh cùng một bàn thờ. »
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Trước khi chia sẻ với anh chị em một vài tư tưởng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Trưởng Giáo chủ Polykarpos, đại diện Tòa Thượng phụ Đại kết, Đức Tổng Giám mục Ian Ernest, đại diện pháp nhân của Đức Tổng Giám mục Canterbury ở Rôma, và các vị đại diện của các cộng đồng Kitô hữu đang hiện diện. Và cảm ơn tất cả anh chị em đã đến cầu nguyện. Tôi đặc biệt chào mừng các sinh viên : những sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, đang đào sâu kiến thức về Giáo hội Công giáo ; các sinh viên Anh giáo của Đại học Nashotah ở Hoa Kỳ ; các sinh viên Chính Thống giáo và Chính Thống giáo Đông phương đang học tập với học bổng do Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính thống giáo trợ cấp. Chúng ta hãy đón nhận ước muốn sâu xa của Chúa Giêsu, Ngài muốn « Xin cho tất cả nên một » (Ga 17, 21) và, nhờ ân sủng của Ngài, chúng ta hãy tiến bước tới sự hiệp nhất trọn vẹn !
Xin các Đạo sĩ giúp chung ta trên con đường này. Chiều nay, chúng ta hãy nhìn vào hành trình của họ, gồm ba giai đoạn : nó bắt đầu ở Đông phương, ngang qua Giêrusalem và cuối cùng đến Bêlem.
1. Trước hết, các Đạo sĩ khởi đi « từ Đông phương » (Mt 2,1), vì từ đó họ nhìn thấy ngôi sao xuất hiện. Họ lên đường từ Đông phương, nơi xuất hiện ánh sáng của mặt trời, nhưng họ đi tìm một thứ ánh sáng lớn hơn. Các nhà hiền triết này không bằng lòng với kiến thức và truyền thống của mình, nhưng họ ước muốn hơn nữa. Đó là lý do tại sao họ đương đầu với một hành trình đầy rủi ro, được thúc đẩy bởi mối lo âu tìm kiếm Thiên Chúa. Anh chị em thân mến, chúng ta cũng thế, hãy đi theo ngôi sao của Chúa Giêsu ! Chúng ta đừng để bị lạc hướng bởi những thứ ánh sáng lóa mắt của thế gian, ánh sáng của những ngôi sao sáng chói nhưng là những ngôi sao băng. Chúng ta đừng chạy theo những thị hiếu đương thời, những sao băng đang tắt đi ; đừng theo đuổi cám dỗ tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình, tức là tự khép mình trong nhóm của mình và tự bảo vệ mình. Chúng ta hãy nhìn chăm chú vào Chúa Kitô ở trên Trời, vào ngôi sao của Chúa Giêsu. Hãy đi theo Ngài, Tin Mừng của Ngài, lời mời gọi hiệp nhất của Ngài, mà không bận tâm về thời gian và khó khăn của cuộc hành trình để đạt tới sự hiệp nhất này cách trọn vẹn. Chúng ta đừng quên rằng, khi nhìn vào ánh sáng, Giáo hội, Giáo hội của chúng ta, trên con đường hiệp nhất, tiếp tục là « mysterium lunae» (« huyền nhiệm của ánh trăng »). Chúng ta hãy ao ước và bước đi cùng nhau, bằng cách nâng đỡ nhau, như các Đạo sĩ đã làm. Truyền thống thường mô tả họ với những bộ áo quần khác nhau, đại diện cho các dân khác nhau. Nơi họ, chúng ta có thể thấy nét phản chiếu về sự đa dạng của chúng ta, các truyền thống và kinh nghiệm Kitô hữu khác nhau của chúng ta, nhưng còn là sự hiệp nhất của chúng ta nảy sinh từ cùng một ước muốn : nhìn lên Trời và bước đi cùng nhau trên mặt đất. Bước đi.
Đông phương cũng làm cho chúng ta nghĩ đến các Kitô hữu đang sống ở nhiều vùng khác nhau bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực. Hội đồng các Giáo hội Trung Đông đã chuẩn bị những người trợ giúp cho Tuần cầu nguyện này. Những anh chị em này của chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, nhưng, với chứng tá của họ, họ mang lại hy vọng cho chúng ta : họ nhắc nhở chúng ta rằng ngôi sao của Chúa Kitô chiếu sáng trong bóng tối và không tắt đi ; rằng, từ trên cao đó, Chúa đồng hành và khích lệ những bước đi của chúng ta. Xung quanh Ngài, ở trên Trời, cùng nhau tỏa sáng nhiều vị tuẫn đạo, mà không phân biệt niềm tin : họ chỉ ra cho chúng ta, cho chúng ta trên trái đất, một con đường rõ ràng, con đường hiệp nhất !
2. Từ Đông phương, các Đạo sĩ đến Giêrusalem với ước muốn Thiên Chúa trong tâm hồn, họ nói : « Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện và chúng tôi đến thờ lạy Ngài » (c.2). Nhưng từ ước muốn Thiên Đàng, họ được đưa trở lại thực tại khắc nghiệt của trái đất : Tin Mừng nói, « Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao » (c.3). Trong thành thánh, các Đạo sĩ, thay vì nhìn thấy ánh sáng của ngôi sao phản chiếu, đã vấp phải sự kháng cự của sức mạnh bóng tối của thế gian. Không chỉ có Hêrôđê cảm thấy bị đe dọa bởi sự mới mẻ của một vương quyền khác với vương quyền đã bị suy đồi bởi quyền lực thế gian, mà cả thành Giêrusalem tỏ ra xôn xao trước lời loan báo của các Đạo sĩ.
Trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất của chúng ta, cũng có thể xảy ra rằng chúng ta dừng lại vì cùng một lý do đã làm tê liệt những người này : lo lắng, sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi về sự mới mẻ đang làm lung lay các thói quen và những xác tín đã được thủ đắc ; có nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn con người mà Chúa phục sinh muốn giải thoát chúng ta khỏi đó. Hãy để lời khích lệ vượt qua của Ngài vang lên trên hành trình hiệp thông của chúng ta : « Đừng sợ » (Mt 28, 5.10). Chúng ta đừng sợ đặt người Anh của chúng ta trước những nỗi sợ hãi của chúng ta ! Chúa muốn chúng ta tin tưởng nhau và bước đi cùng nhau, bất chấp những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, bất chấp những lỗi lầm của quá khứ và những vết thương lẫn nhau.
Câu chuyện của các Đạo sĩ cũng khích lệ chúng ta theo hướng này. Tại Giêrusalem, nơi thất vọng và chống đối, chính nơi con đường được chỉ ra bởi Trời dường như bị phá vỡ trước những bức tường do con người dựng lên, họ khám phá ra con đường đến Bêlem. Chính các tư tế và kinh sư cũng cấp chỉ dẫn, bằng cách tìm hiểu Thánh Kinh (x. Mt 2, 4). Các Đạo sĩ không chỉ tìm thấy Chúa Giêsu nhờ vào ngôi sao, mà giữa lúc đó đã biến mất ; họ cần đến Lời Chúa. Chúng ta cũng thế, những Kitô hữu, không thể đến được với Chúa nếu không có Lời sống động và hữu hiệu của Ngài (x. Dt 4, 12). Lời Chúa đã được ban cho toàn Dân Thiên Chúa để được đón nhận, được cầu nguyện để Lời Chúa được suy niệm với toàn Dân Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu nhờ Lời của Ngài, nhưng chúng ta cũng xích lại gần anh chị em của chúng ta nhờ Lời của Chúa Giêsu. Ngôi sao của Ngài sẽ xuất hiện lại trên hành trình của chúng ta và sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui.
3. Đó là những gì đã xảy đến với các Đạo sĩ khi họ đạt tới giai đoạn cuối cùng : Bêlem. Họ vào nhà, phủ phục và thờ lạy Hài Nhi (x. Mt 2, 11). Hành trình của họ kết thúc như thế : cùng nhau, trong cùng một ngôi nhà, thờ lạy. Như vậy, các Đạo sĩ tiên trưng cho các môn đệ của Chúa Giêsu, khác nhau nhưng hiệp nhất, phủ phục, ở cuối Tin Mừng, trước Đấng Phục Sinh trên núi Galilê (x. Mt 28, 17). Như thế, họ trở nên một dấu hiệu ngôn sứ cho chúng ta, những người khao khát Chúa, những người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường của thế giới, những người tìm kiếm, thông qua Thánh Kinh, những dấu hiệu của Thiên Chúa trong lịch sử. Thưa anh chị em, đối với chúng ta cũng thế, sự hiệp nhất hoàn toàn, trong cùng một ngôi nhà, chỉ có thể đến từ việc thờ lạy Chúa. Anh chị em thân mến, giai đoạn quyết định của hành trình hướng đến sự hiệp thông hoàn toàn đòi hỏi sự cầu nguyện mãnh liệt hơn, nó đòi hỏi thờ lạy, nó đòi hỏi tôn thờ Thiên Chúa.
Nhưng các Đạo sĩ nhắc nhở chúng ta rằng, để thờ lạy, cần phải vượt qua một giai đoạn : trước tiên cần phải phủ phục. Đó là con đường, cúi mình, đặt sang một bên những tham vọng riêng của mình để chỉ để Chúa ở trung tâm. Biết bao nhiêu lần thói kiêu ngạo đã là trở ngại thực sự cho sự hiệp thông ! Các Đạo sĩ đã có can đảm để lại uy tín và danh tiếng của họ ở quê nhà, để hạ mình trong ngôi nhà nhỏ bé nghèo nàn ở Bêlem ; vì thế, họ đã khám phá ra « một niềm vui rất lớn lao » (Mt 2, 10). Hạ mình, rời bỏ, đơn giản hóa : chiều nay, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa sự can đảm này, sự can đảm của lòng khiêm tốn, phương thế duy nhất đến thờ lạy Thiên Chúa trong cùng một ngôi nhà, xung quanh cùng một bàn thờ.
Tại Bêlem, sau khi phủ phục thờ lạy, các Đạo sĩ mở bảo tráp và vàng, nhũ hương và một dược xuất hiện (x.c.11). Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng chỉ sau khi cầu nguyện cùng nhau, chỉ trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của Ngài, mà chúng ta thực sự nhận ra những kho tàng mà mỗi người sở hữu. Nhưng đó là những kho tàng thuộc về mọi người, phải được dâng tặng và chia sẻ. Quả thế, đó là những ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban vì ích chung, để xây dựng và vì sự hiệp nhất của dân Ngài. Và chúng ta ý thức về điều đó bằng cách cầu nguyện, nhưng cũng bằng cách phục vụ : khi chúng ta trao ban cho người nghèo túng, là chúng ta dâng cho Chúa Giêsu, Đấng đồng hóa mình với người nghèo và người bịt gạt ra bên lề xã hội (x. Mt 25, 34-40) ; và Ngài hiệp nhất chúng ta với nhau.
Những món quà của các Đạo sĩ tượng trưng cho những gì Chúa mong muốn nhận được từ chúng ta. Vàng, nguyên tố quý giá nhất, bởi vì Thiên Chúa ở chỗ nhất. Chúng ta phải nhìn vào Ngài, chứ không vào chúng ta ; thực thi ý Ngài, chứ không phải ý chúng ta ; đi theo con đường của Ngài, chứ không phải con đường của chúng ta. Nếu Chúa thực sự ở chỗ nhất, thì những chọn lựa của chúng ta, ngay cả của Giáo hội, không còn có thể dựa trên những chính sách của thế gian, nhưng trên ước muốn của Thiên Chúa. Và rồi có nhũ hương, để nhắc lại tầm quan trọng của lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa như một hương thơm dễ chịu (x. Tv 141, 2). Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu nguyện cho nhau và với nhau. Sau cùng, một dược, vốn được dùng để tôn kính thân xác của Chúa Giêsu được hạ xuống từ thập giá (x. Ga 19, 39), nhắc nhở chúng ta về việc chăm sóc cho thân xác đau khổ của Chúa, bị xâu xé nơi các chi thể của người nghèo. Chúng ta hãy phục vụ những người nghèo túng, cùng nhau phục vụ Chúa Giêsu đang đau khổ !
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận từ các Đạo sĩ những chỉ dẫn cho cuộc hành trình của chúng ta ; và chúng ta hãy làm như họ đã trở về quê nhà « bằng một con đường khác » (Mt 2, 12). Vâng, như Saun trước cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, chúng ta cần thay đổi con đường, đảo ngược hướng đi của những thói quen và lề thói của chúng ta để tìm lại con đường mà Chúa chỉ cho chúng ta, con đường của sự khiêm tốn, con đường của tình huynh đệ, của sự thờ lạy. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn can đảm thay đổi hướng đi, hoán cải bản thân, bước theo thánh ý Chúa chứ không phải những viễn cảnh của chúng con ; để tiến bước cùng nhau, hướng về Chúa, Đấng cùng với Thánh Thần của Chúa muốn hiệp nhất chúng con. Amen.
—————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Hiệp-nhất, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG