BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ DÂNG CHÚA VÀO ĐỀN THỜ 2024 : VUN TRỒNG SỰ MONG ĐỢI CHÚA BẰNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
Thứ Sáu ngày 2/2/2024, Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ Dâng Chúa vào Đền thờ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhân dịp Ngày Thế giới Đời sống Thánh hiến lần thứ XXVIII. Được vây quanh bởi các tu sĩ của các Dòng tu và các Hội Đời sống Tông đồ, Đức Thánh Cha đã kêu gọi những người thánh hiến hãy để cho mình được khuấy động bởi sự mới mẻ của Thiên Chúa, như ông Simêon và bà Anna. Đức Thánh Cha chỉ ra hai trở ngại cho khả năng mong đợi Chúa vốn là “sự thụ động lành mạnh”, đó là sự lơ là đời sống nội tâm và việc chạy theo tinh thần thế gian.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Trong khi dân chúng chờ đợi ơn cứu độ của Chúa, thì các ngôn sứ đã loan báo Người sẽ đến. Như ngôn sứ Malachi đã tuyên bố: “Đức Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ ngự vào đền thờ của Người. Sứ giả của Giao ước mà các ngươi mong muốn, này Người đang đến” (3, 1). Ông Simêon và bà Anna là hình ảnh và nhân vật của sự mong đợi này. Họ nhìn thấy Chúa đi vào đền thờ của Người và, được Chúa Thánh Thần soi sáng, họ nhận ra Người trong Hài Nhi mà Đức Maria ẵm trên tay. Họ đã chờ đợi Người suốt cuộc đời: ông Simêon, “một người công chính và đạo đức, người chờ đợi niềm an ủi của Israel” (Lc 2, 25); bà Anna, người “không rời khỏi Đền Thờ” (Lc 2, 37).
Thật tốt cho chúng ta khi nhìn vào hai vị cao niên này, kiên nhẫn chờ đợi, tình thần tỉnh thức trong tinh thần và kiên trì cầu nguyện. Tâm hồn họ vẫn tỉnh thức, như ngọn đuốc luôn thắp sáng. Họ tuy tuổi đã cao nhưng tâm hồn vẫn còn trẻ; họ không để mình bị thời gian làm tiêu hao vì mắt họ luôn hướng về Thiên Chúa trong niềm mong đợi (x. Tv 145, 15). Hướng về Chúa trong sự mong đợi, luôn luôn trong sự mong đợi. Họ đã trải qua những khó khăn và thất vọng trên đường đời, nhưng họ không nhượng bộ cho óc chủ bại: họ không “cho về hưu” niềm hy vọng. Vì thế, khi chiêm ngưỡng Hài Nhi, họ nhận ra rằng thời gian đã hoàn thành, lời tiên tri đã thành hiện thực: Đấng mà họ tìm kiếm và khao khát, Đấng Mêsia của muôn dân, đã đến. Bằng cách giữ cho niềm mong chờ Chúa được tỉnh thức, họ có khả năng chào đón Người trong sự mới lạ của việc Người đến.
Thưa anh chị em, việc mong đợi Thiên Chúa cũng rất quan trọng đối với chúng ta, đối với hành trình đức tin của chúng ta. Mỗi ngày Chúa đến thăm chúng ta, Ngài nói với chúng ta, Ngài mặc khải chính mình một cách bất ngờ và vào lúc cuối cuộc đời và thời gian, Ngài sẽ đến. Đây là lý do tại sao chính Ngài khuyến khích chúng ta hãy tỉnh thức, canh chừng và kiên trì chờ đợi. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta là rơi vào “giấc ngủ của tinh thần”: sự ngủ quên của trái tim, sự tê liệt của tâm hồn, chất chứa niềm hy vọng trong những góc tối của sự thất vọng và cam chịu.
Tôi nghĩ đến anh chị em là những người sống đời thánh hiến, và hồng ân là chính anh chị em. Tôi nghĩ đến mỗi người chúng ta, những Kitô hữu ngày nay: chúng ta có còn khả năng sống sự mong đợi này không? Chẳng phải đôi khi chúng ta quá chú tâm vào chính mình, vào những sự việc và nhịp điệu của cuộc sống hằng ngày, đến mức quên mất Thiên Chúa là Đấng không ngừng đang đến? Chẳng phải chúng ta quá bận rộn với những việc tốt lành của mình, có nguy cơ biến đời sống tu trì và Kitô hữu thành “nhiều việc phải làm”, và bỏ bê việc tìm kiếm Chúa hàng ngày sao? Chẳng phải đôi khi chúng ta mạo hiểm lên kế hoạch cho cuộc sống cá nhân và đời sống cộng đoàn bằng cách tính toán cơ hội thành công, thay vì vun trồng với niềm vui và khiêm nhường hạt giống nhỏ được giao phó, với sự kiên nhẫn của những người gieo mà không đòi hỏi gì và của những người biết mong đợi thời gian và những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa? Đôi khi – chúng ta phải thừa nhận – chúng ta đã mất khả năng mong đợi. Điều này là do một số trở ngại, tôi muốn nêu bật hai trở ngại.
Trở ngại đầu tiên khiến chúng ta mất khả năng mong đợi là sự lơ là đời sống nội tâm. Đây là điều xảy ra khi sự mệt mỏi lấn át sự ngạc nhiên, khi thói quen thay thế lòng nhiệt tình, khi chúng ta mất đi sự kiên trì trong hành trình tâm linh, khi những kinh nghiệm tiêu cực, những xung đột hoặc những kết quả dường như chậm đến biến chúng ta trở thành những con người cay đắng và bực cáu. Thật không tốt nếu cứ nghiền ngẫm về sự cay đắng bởi vì, trong một gia đình tôn giáo – cũng như trong bất kỳ cộng đồng và gia đình nào – những người cay đắng “với bộ mặt đen tối” đè nặng bầu không khí; những người này dường như có dấm trong lòng. Vì thế, cần phải tìm lại ân sủng đã mất: quay trở lại và, qua một đời sống nội tâm mãnh liệt, trở về với tinh thần khiêm nhường vui tươi, lòng biết ơn thầm lặng. Và điều này được nuôi dưỡng bằng việc tôn thờ, bằng việc làm của đầu gối và con tim, bằng lời cầu nguyện đấu tranh và chuyển cầu cụ thể, có khả năng đánh thức lại lòng khao khát Thiên Chúa, tình yêu thuở ban đầu, sự ngạc nhiên của ngày đầu tiên, hương vị của sự mong đợi.
Trở ngại thứ hai là việc thích ứng với phong cách của thế gian mà cuối cùng sẽ thay thế Tin Mừng. Và thế giới của chúng ta là một thế giới thường xuyên chạy với tốc độ cao, tán dương “mọi thứ và mọi thứ ngay lập tức”, suy mòn đi trong tình trạng duy hoạt động và tìm cách xua trừ nỗi sợ hãi và lo lắng của cuộc sống trong các đền thờ ngoại giáo của chủ nghĩa tiêu thụ, hoặc trong mọi hoạt động giải trí bằng mọi giá. Trong bối cảnh mà sự im lặng bị trừ khử và đánh mất như vậy, việc mong đợi không phải là điều dễ dàng vì nó đòi hỏi sự thụ động lành mạnh, lòng can đảm để sống chậm lại, không để mình bị choáng ngợp bởi các hoạt động, dành chỗ nơi bản thân cho hành động của Thiên Chúa như nền thần bí Kitô giáo đã dạy. Do đó, chúng ta hãy đảm bảo rằng tinh thần thế gian không xâm nhập vào các cộng đồng tu trì của chúng ta, vào đời sống Giáo hội và hành trình của mỗi người, nếu không chúng ta sẽ không sinh hoa trái. Đời sống Kitô hữu và sứ mạng tông đồ có nhu cầu rằng sự mong đợi, được trưởng thành qua việc cầu nguyện và lòng trung tín hằng ngày, giải thoát chúng ta khỏi huyền thoại về tính hiệu quả, khỏi nỗi ám ảnh về thành tích, và nhất là khỏi tham vọng khóa chặt Thiên Chúa vào những phạm trù của chúng ta, bởi vì Ngài luôn đến một cách không thể đoán trước được, Ngài đến vào những lúc không phải là những lúc của chúng ta và theo cách thức không phải là cách thức chúng ta mong đợi.
Như Simone Weil, nhà thần bí và triết học người Pháp, đã khẳng định, chúng ta là người vợ mong đợi chồng đến trong đêm. “Phần cô dâu tương lai là sự mong đợi […]. Khát khao Thiên Chúa và từ bỏ mọi thứ khác: ơn cứu độ chỉ hệ tại ở điều này” (S. Weil, Attente de Dieu, Milan 1991, 152). Thưa anh chị em, trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy vun trồng lòng mong đợi Chúa và học biết “sự thụ động tốt lành của Thánh Thần”: nhờ đó chúng ta có thể mở ra cho sự mới mẻ của Thiên Chúa.
Giống như ông Simêon, chúng ta cũng hãy ôm lấy Hài Nhi, Thiên Chúa của những điều mới mẻ và ngạc nhiên. Khi chào đón Chúa, quá khứ mở ra cho tương lai, những gì cũ trong chúng ta mở ra cho những gì mới mà Người khơi dậy. Điều đó không hề dễ dàng – chúng ta biết điều đó – bởi vì, trong đời sống tôn giáo cũng như trong đời sống của mọi Kitô hữu, thật khó để chống lại “sức mạnh của những gì cũ kỹ”: “Thật không dễ dàng để con người cũ trong chúng ta chào đón Hài Nhi, là con người mới – đón chào con người mới, trong tuổi già của chúng ta để chào đón con người mới – … Sự mới mẻ của Thiên Chúa được thể hiện như một Hài Nhi và chúng ta, với tất cả những thói quen, những nỗi sợ hãi, những nghi ngờ, những thèm muốn, – chúng ta hãy nghĩ đến những thèm muốn! – những lo lắng của chúng ta, đối diện với Hài Nhi này. Chúng ta sẽ ôm lấy Hài Nhi, chào đón Hài Nhi, nhường chỗ cho Hài Nhi chứ? Liệu sự mới mẻ này có thực sự đi vào cuộc sống của chúng ta hay chúng ta sẽ cố gắng kết hợp con người cũ và con người mới, cố gắng để mình ít bị quấy rầy nhất có thể bởi sự hiện diện của sự mới mẻ của Thiên Chúa?” (C.M. Martini, Qualcosa di così Personale. Meditazioni sulla preghiera, Milano 2009, 32-33).
Thưa anh chị em, những câu hỏi này dành cho chúng ta, cho mỗi người chúng ta, cho cộng đoàn của chúng ta, cho Giáo hội. Chúng ta hãy để mình bồn chồn, chúng ta hãy để cho Thánh Thần lay động, như ông Simêon và bà Anna. Nếu, giống như họ, chúng ta sống sự mong đợi trong sự giữ gìn đời sống nội tâm và phù hợp với phong cách của Tin Mừng, nếu giống như họ, chúng ta sống sự mong đợi, chúng ta sẽ ôm lấy Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng và niềm hy vọng của cuộc sống.
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Phanxicô-I, tính trần tục
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS