BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ TRO 2025: VỚI TRO TRÊN ĐẦU, CHÚNG TA HÃY TIẾN VỀ NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH

Written by xbvn on Tháng Ba 8th, 2025. Posted in Thế Giới

Trong bài giảng do ĐHY De Donatis đọc trong Lễ Tro, Đức Phanxicô đã đưa ra phương hướng để sống cuộc hành trình từ Mùa Chay đến Lễ Phục Sinh, giữa ký ức về sự mỏng manh của chúng ta và niềm hy vọng rằng ở cuối cuộc hành trình, Đấng Phục sinh sẽ chờ đợi chúng ta.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Đêm nay, chúng ta lãnh nhận việc xức tro thánh. Điều này gợi lại ký ức về điều chúng ta là, nhưng cũng gợi nhắc niềm hy vọng về điều chúng ta sẽ là. Tro nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta là bụi đất, nhưng tro cũng đưa chúng ta vào cuộc hành trình hướng về niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi. Vì Đức Giêsu đã xuống với bụi đất của địa cầu và, nhờ sự Phục Sinh của Người, đã kéo chúng ta cùng với Người vào trong cung lòng của Chúa Cha.

Vì thế, hành trình Mùa Chay hướng đến Phục Sinh diễn ra giữa việc nhớ lại sự yếu đuối của chúng ta và niềm hy vọng rằng, ở cuối con đường, Chúa Phục Sinh đang chờ đợi chúng ta.

Trước hết, chúng ta phải hồi tưởng lại. Chúng ta cúi đầu để nhận lãnh tro như thể nhìn vào bản thân, xem xét lại chính mình. Thật vậy, tro giúp chúng ta nhớ lại rằng cuộc sống của mỗi người là mỏng manh và chẳng có gì quan trọng: chúng ta là bụi đất, được tạo thành từ bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất. Hơn nữa, có rất nhiều lúc khi nhìn vào bản thân hay thực tại chung quanh mình, chúng ta nhận ra rằng “Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, … Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng” (Tv 39:5-6).

Chúng ta học được điều này trên hết qua kinh nghiệm về sự mỏng manh của mỗi người: sự nhọc mệt, sự yếu đuối chúng ta phải chịu nhận lấy, nỗi sợ hãi trú ngụ trong chúng ta, những lỗi lầm làm chúng ta mòn mỏi, cái chóng qua của những giấc mơ và việc nhận ra rằng những gì chúng ta có chỉ là phù du. Được dựng nên từ tro và bụi đất, chúng ta cảm nghiệm được sự mỏng manh qua yếu đau, nghèo nàn, và nỗi gian khổ có thể xảy đến bất chợt cho chúng ta lẫn gia đình của mình. Chúng ta cũng kinh nghiệm được điều này khi, trong những thực tế xã hội và chính trị của thời đại này, chúng ta thấy mình bị phơi bày trước ‘bụi mịn’ làm ô nhiễm thế giới: sự đối lập về ý thức hệ, lạm dụng quyền lực, sự tái xuất hiện những ý thức hệ cũ dựa trên bản sắc vốn tán thành việc loại trừ, khai thác các tài nguyên của trái đất, bạo lực dưới mọi hình thức và chiến tranh giữa các dân tộc. ‘Bụi độc hại’ này làm vẩn đục bầu không khí của hành tinh chúng ta, cản trở sự chung sống hoà bình, trong khi sự bấp bênh và nỗi sợ hãi về tương lai vẫn tiếp tục gia tăng.

Vả lại, tình trạng mỏng manh này nhắc nhớ chúng ta về bi kịch của sự chết. Bằng nhiều cách, chúng ta cố gắng đuổi xua sự chết khỏi xã hội của mình, quá lệ thuộc vào vẻ bề ngoài, và thậm chí loại bỏ sự chết ra khỏi ngôn ngữ của chúng ta. Tuy nhiên, sự chết tự cho mình như một thực tế mà chúng ta phải đối mặt, một dấu chỉ của sự bấp bênh và ngắn ngủi nơi cuộc đời của chúng ta.

Mặc dù những chiếc mặt nạ chúng ta mang và những mánh khoé tinh vi có ý làm chúng ta phân tâm, nhưng tro gợi nhắc chúng ta rằng mình là ai. Điều này thật tốt cho chúng ta. Tro uốn nắn lại chúng ta và làm giảm đi tính quá ích kỷ của chúng ta, đưa chúng ta trở về với thực tế và làm cho chúng ta nên khiêm tốn hơn cũng như mở ra với nhau: không ai trong chúng ta là Thiên Chúa; hết thảy chúng ta đang trên cuộc hành trình.

Tuy nhiên, Mùa Chay cũng là lời mời gọi thắp lại niềm hy vọng của chúng ta. Dẫu cho chúng ta cúi đầu nhận lãnh tro để nhớ lại mình là ai, nhưng Mùa Chay không chấm dứt ở đó. Trái lại, chúng ta được mời gọi hướng nhìn lên Đấng trỗi dậy từ sâu thẳm của cái chết và đưa chúng ta từ tro tàn của tội lỗi và cái chết đến vinh quang của sự sống đời đời.

Tro nhắc nhớ chúng ta về niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi trong Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy bụi đất và nâng nó lên đến trời cao thẳm. Người đã xuống tận vực sâu của bụi đất, chết vì chúng ta và hoà giải chúng ta với Chúa Cha, như chúng ta đã nghe từ Thánh Phaolô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội vì chúng ta” (2Cr 5, 21).

Thưa anh chị em, đây chính là niềm hy vọng phục hồi sự sống từ ‘tro tàn’ của cuộc đời chúng ta. Không có niềm hy vọng này, chúng ta tất phải cam chịu sự mong manh nơi tình trạng con người mình. Cách riêng khi đối diện với kinh nghiệm về sự chết, thiếu vắng hy vọng có thể dẫn chúng ta rơi vào phiền muộn và u sầu, và cuối cùng chúng ta lý lẽ như những kẻ khờ dại: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết […] thân xác sẽ trở thành tro bụi, sinh khí biến tan như làn gió thoảng” (Kn 2, 1-3). Tuy vậy, niềm hy vọng Phục Sinh mà chúng ta hướng đến bảo đảm cho chúng ta về sự tha thứ của Thiên Chúa. Ngay cả khi bị ngập chìm trong tro tàn của tội lỗi, niềm hy vọng khơi mở cho chúng ta sự nhận biết đầy niềm vui về sự sống: “Vì tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng Người sẽ đứng lên trên cõi đất” (G 19, 25). Chúng ta hãy nhớ điều này: ‘Con người chỉ là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro, nhưng dưới con mắt Thiên Chúa, bụi tro là quý giá bởi Thiên Chúa đã dựng nên con người, định cho con người sự bất tử’ (Bênêđíctô XVI, Tiếp kiến chung, 17/2/2010).

Anh chị em thân mến, sau khi nhận lãnh tro, chúng ta tiến bước hướng về niềm hy vọng Phục Sinh. Chúng ta hãy trở lại với Thiên Chúa. Chúng ta hãy quay về với Người với trọn tấm lòng mình (x. Ge 2, 12). Chúng ta hãy đặt Người ở trung tâm cuộc đời mình, để khi nhớ lại chúng ta là gì – mỏng manh và phải chết như tro bụi tan theo làn gió – cuối cùng có thể ngập tràn niềm hy vọng của Chúa Phục Sinh. Chúng ta hãy hướng đời mình về Người, trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới. Chúng ta hãy học từ bố thí để đi ra khỏi chính mình, sẻ chia những nhu cầu của người khác và ủ ấp niềm hy vọng về một thế giới công bằng hơn. Chúng ta hãy học từ cầu nguyện để nhận ra rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa, như Jacques Maritain đã nói, chúng ta là ‘những kẻ ăn xin nước trời’, đồng thời dưỡng nuôi niềm hy vọng vượt trên sự yếu đuối của chúng ta rằng có một Người Cha đang đợi chờ chúng ta với cánh tay rộng mở ở cuối cuộc hành hương trần thế. Sau cùng, chúng ta hãy học từ việc ăn chay rằng mỗi người không chỉ sống để thoả mãn những nhu cầu của mình, nhưng là đói khát tình yêu và sự thật, chỉ có tình yêu Thiên Chúa và lòng yêu thương nhau mới có thể thực sự làm chúng ta thoả mãn cũng như đem lại cho chúng ta niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Chúng ta hãy kiên tâm trong niềm xác tín rằng ngay cả khi Chúa mang lấy nơi mình tro bụi của nhân loại chúng ta, thì ‘lịch sử của trái đất cũng chính là lịch sử của nước trời. Thiên Chúa và con người được gắn kết với nhau trong một vận mệnh duy nhất’ (C. Carretto, Il deserto nella città, Roma 1986, 55), và Người sẽ mãi mãi quét sạch tro bụi của cái chết và làm cho chúng ta chiếu sáng với sự sống mới.

Với niềm hy vọng này trong lòng, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình của mình. Chúng ta hãy hoà giải với Thiên Chúa.

——————————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: Vatican.va)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30