BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA : LÀM TỔN THƯƠNG PHỤ NỮ LÀ XÚC PHẠM THIÊN CHÚA
« Làm tổn thương phụ nữ, đó là xúc phạm Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhân tính từ một người nữ, không phải từ một thiên thần, Ngài cũng không mặc lấy nhân tính một cách trực tiếp, Ngài mặc lấy từ một người nữ ». Đức Phanxicô cảnh báo như thế trong bài giảng thánh lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, ngày 1/1/2022.
Quả thế, mừng lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, khởi đầu năm mới « dưới dấu chỉ Thánh Mẫu Thiên Chúa, dưới dấu chỉ người mẹ », là dịp để Đức Thánh Cha kêu gọi ngưng bạo lực đối với phụ nữ và đồng thời « hãy làm sao để thăng tiến các bà mẹ và bảo vệ người nữ. »
Đối với Đức Thánh Cha, Giáo hội cũng là người mẹ, là người nữ. Dó đó, Giáo hội phải « để cho trái tim của người nữ và người mẹ tỏa sáng » nơi chính mình. Và « giống như một người nữ, Giáo hội – người nữ mặc lấy nhân tính từ con cái của mình ».
Đặc biệt, Giáo hội – người nữ và là người mẹ – cũng phải nhìn vào và noi gương Đức Maria trong việc « giữ gìn và suy niệm trong lòng » để biết đón nhận và vượt qua « tai tiếng máng cỏ », đón nhận và vượt qua cú sốc của nghịch cảnh, « trong niềm xác tín hân hoan rằng Chúa là Đấng trung thành và Ngài biết cách biến thập giá thành phục sinh ».
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Những người chăn chiên tìm thấy « bà Maria và ông Giuse, cùng với hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ » (Lc 2, 16). Máng có là một dấu hiệu vui mừng đối với những người chăn chiên : nó xác nhận những gì mà họ biết được từ thiên thần (x. c. 12), nó là nơi mà họ tìm thấy Đấng Cứu Độ. Và đó cũng là bằng chứng Thiên Chúa ở bên cạnh họ : Ngài sinh ra trong một máng cỏ, một đồ vật mà họ biết rõ. Như thế, Ngài cho thấy rằng Ngài gần gũi và thân quen. Nhưng máng cỏ cũng là một dấu hiệu vui mừng cho chúng ta nữa : Chúa Giêsu chạm đến tâm hồn chúng ta khi sinh ra bé nhỏ và nghèo khó, Ngài truyền cho chúng ta tình yêu hơn là sợ hãi. Máng cỏ báo trước cho chúng ta rằng Ngài sẽ trở nên lương thực cho chúng ta. Và sự nghèo khó của Ngài là một tin mừng cho mọi người, đặc biệt cho những ai ở bên lề xã hội, cho những người bị bỏ rơi, những người không đáng kể trước mắt thế gian. Thiên Chúa đến đó : không có con đường đặc ân nào, ngay cả không có một chiếc nôi ! Đó là vẻ đẹp khi thấy Ngài nằm trong một máng cỏ.
Nhưng đối với Đức Maria, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, thì không phải như vậy. Mẹ đã phải chịu đựng « tai tiếng máng cỏ ». Mẹ cũng thế, rất lâu trước các mục đồng, đã nhận được lời loan báo của một thiên thần đã nói với Mẹ những lời trang trọng gợi lên ngai vua Đavít : « Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người » (Lc 1, 31-32). Và bây giờ Mẹ phải đặt Ngài nằm trong một máng cỏ dành cho súc vật. Làm thế nào giữ cùng nhau ngai vàng vua và máng có nghèo nàn ? Làm thế nào dung hòa vinh quang của Đấng Tối Cao và sự khốn khổ của một chuồng vật ? Chúng ta hãy nghĩ đến sự bối rối của Mẹ Thiên Chúa. Còn gì khó chịu hơn đối với một người mẹ khi thấy con mình phải chịu cảnh nghèo khó ? Có điều gì đó cảm thấy nản lòng. Chúng ta không thể trách Đức Maria than phiền về tất cả sự sầu não bất ngờ này. Nhưng Mẹ không nản lòng. Mẹ không thốt ra nhưng giữ thinh lặng. Mẹ chọn một thái độ khác hơn là phàn nàn. Tin Mừng nói với chúng ta : « Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng » (Lc 2, 19).
Đó là một cách làm khác với cách của các mục đồng và dân chúng. Họ kể lại cho mọi người những gì họ đã thấy : thiên thần đã hiện ra vào lúc nửa đêm, những lời của thiên thần liên quan đến Hai Nhi. Và dân chúng, khi nghe biết những điều này, đã rất ngạc nhiên (x.c.18) : lời nói và sự ngạc nhiên. Trái lại, Đức Maria dường như ngẫm nghĩ. Mẹ giữ và suy niệm trong lòng. Đó là hai thái độ khác biệt mà chúng ta cũng có thể gặp thấy trong chúng ta. Việc kể lại câu chuyện và sự ngạc nhiên của các mục đồng nhắc nhớ điều kiện của những bước khởi đầu trong đức tin. Ở đó, mọi sự đều dễ dàng và theo trình tự, người ta đã vui mừng trước sự mới mẻ của Thiên Chúa đang đi vào cuộc sống với một bầu khí ngạc nhiên trong tất cả các chiều kích của nó. Trái lại, thái độ suy niệm của Đức Maria là biểu hiện của một đức tin trưởng thành, chứ không phải khởi đầu. Một đức tin không phải vừa mới sinh ra, một đức tin đã trở nên sinh thành. Bởi vì sự phong nhiêu thiêng liêng ngang qua thử thách. Từ sự tĩnh lặng của Nadarét và những lời hứa vẻ vang nhận được từ thiên thần – lúc khởi đầu – giờ đây Đức Maria đang ở trong chuồng vật tối tăm ở Bêlem. Nhưng đó là nơi Mẹ trao ban Thiên Chúa cho thế giới. Và trong khi những người khác, đối mặt với tai tiếng máng cỏ, sẽ bị nản lòng, thì Mẹ lại không : Mẹ giữ gìn và suy niệm.
Chúng ta hãy học từ Mẹ Thiên Chúa thái độ này : giữ gìn và suy niệm. Bởi vì đôi khi chúng ta cũng phải trải qua một số « tai tiếng máng cỏ ». Chúng ta mong đợi mọi thứ diễn ra tốt đẹp và rồi, như một tia chớp trên bầu trời, một vấn đề bất ngờ xảy đến. Và có một cú sốc đau đớn giữa những kỳ vọng và thực tế. Điều đó cũng xảy ra trong đức tin, khi niềm vui của Tin Mừng bị thử thách bởi một hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang trải qua. Nhưng hôm nay, Mẹ Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết lợi dụng cú sốc này. Mẹ cho chúng ta thấy rằng nó là cần thiết, nó là con đường hẹp để đạt tới mục đích, thập giá mà không có nó chúng ta không thể phục sinh. Nó giống như một cuộc sinh nở đầy đau đớn mang lại sự sống cho một đức tin trưởng thành hơn.
Thưa anh chị em, tôi tự hỏi làm thế nào thực hiện sự chuyển tiếp này, làm thế nào vượt qua cú sốc giữa lý tưởng và hiện thực ? Rõ ràng là bằng cách làm như Đức Maria : bằng cách giữ gìn và suy niệm. Trước tiên, Đức Maria giữ gìn, tức là Mẹ không phân tâm. Mẹ không gạt bỏ những gì xảy đến. Mẹ giữ gìn mỗi thứ trong lòng, tất cả những gì Mẹ đã thấy và đã nghe. Những điều tốt đẹp, như những gì thiên thần đã nói với Mẹ và những gì các mục đồng đã kể cho Mẹ. Nhưng cả những điều khó để chấp nhận : mối nguy hiểm của việc mang thai trước hôn nhân, giờ đây là mối lo lắng sầu não của chuồng vật nơi Mẹ sinh con. Đó là những gì Đức Maria đã làm : Mẹ không chọn lọc, nhưng Mẹ giữ gìn. Mẹ đón nhận thực tại như nó xảy đến, Mẹ không tìm cách ngụy trạng, bóp méo cuộc sống, Mẹ giữ gìn trong lòng.
Và rồi có thái độ thứ hai. Đức Maria giữ gìn như thế nào ? Mẹ giữ gìn bằng cách suy niệm. Động từ được Tin Mừng sử dụng gợi lên sự đan xen giữa các sự vật : Đức Maria đối diện với những kinh nghiệm khác nhau, tìm ra những sợi dây ẩn giấu đang liên kết chúng. Trong tâm hồn Mẹ, trong lời cầu nguyện của Mẹ, Mẹ thực hiện hoạt động phi thường này : Mẹ liên kết những điều tốt lành và những điều xấu xa ; Mẹ không tách rời chúng, nhưng Mẹ nối kết chúng. Và đó là lý do tại sao Đức Maria là công giáo, vì Mẹ kết nối, Mẹ không tách rời. Và như thế, Mẹ hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của nó, viễn cảnh của Thiên Chúa. Trong trái tim từ mẫu của Mẹ, Mẹ hiểu rằng vinh quang của Đấng Tối Cao ngang qua sự khiêm tốn ; Mẹ đón nhận kế hoạch cứu độ, theo đó Thiên Chúa phải được đặt nằm trong máng cỏ. Mẹ thấy Hài Nhi Thiên Chúa mong manh và run rẩy, và đón nhận sự đan xen thần linh tuyệt vời giữa sự cao cả và sự bé nhỏ. Chính như thế mà Đức Maria giữ gìn, bằng cách suy niệm.
Cái nhìn bao hàm này, vốn vượt quá những căng thẳng bằng cách giữ gìn và suy niệm trong lòng, là cái nhìn của những người mẹ không tách rời trong sự căng thẳng, họ giữ gìn chúng và như thế làm cho cuộc sống lớn lên. Đó là cái nhìn mà biết bao bà mẹ ôm lấy hoàn cảnh của con cái mình. Đó là một cái nhìn cụ thể, vốn không để sự nản lòng xâm chiếm mình, không bị tê liệt trước các vấn đề, nhưng đặt chúng trong một chân trời rộng lớn hơn. Và Đức Maria tiến tới như thế, cho đến tận đồi can vê, bằng cách suy niệm và giữ gìn, Mẹ giữ gìn và suy niệm. Những khuôn mặt của những người mẹ đang chăm sóc một đứa con ốm đau hay đang gặp khó khăn hiện lên trong tâm trí. Giống như có tình yêu trong mắt họ mà, bằng cách khóc lóc, biết truyền cho nhũng lý do để hy vọng. Cái nhìn của họ là có ý thức, không ảo tưởng, nhưng vượt qua nỗi đau và các vấn đề, nó mang lại một viễn cảnh rộng lớn hơn, viễn cảnh quan tâm, yêu thương vốn tái sinh niềm hy vọng. Đó là những gì các bà mẹ đang thực hiện : họ biết vượt qua những trở ngại và xung đột, họ viết truyền sự bình an. Do đó, họ thành công trong việc biến đổi các nghịch cảnh thành những cơ hội tái sinh, những cơ hội tăng trưởng. Họ làm điều đó bởi vì họ biết giữ gìn. Các bà mẹ biết giữ gìn, họ biết duy trì cùng nhau mọi con đường của cuộc đời. Chúng ta cần những con người có khả năng dệt nên những sợi dây của hiệp thông, để chống lại quá nhiều dây thép gai của sự chia rẽ. Và điều đó, các bà mẹ biết làm như thế.
Năm mới bắt đầu dưới dấu chỉ Thánh Mẫu Thiên Chúa, dưới dấu chỉ người mẹ. Cái nhìn từ mẫu là con đường để tái sinh và lớn lên. Các bà mẹ, những người nữ nhìn thế giới không phải để khai thác nó, nhưng để nó có sự sống : khi nhìn bằng tâm hồn, họ thành công khi giữ cùng nhau những ước mơ và điều cụ thể, bằng cách tránh những lệch lạc của chủ nghĩa thực dụng cằn cỗi và sự trừu tượng. Và Giáo hội là mẹ, Giáo hội là mẹ theo cách này, Giáo hội là người nữ, Giáo hội là người nữ theo cách này. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể tìm thấy chỗ đứng cho phụ nữ trong Giáo hội nếu không cho phép trái tim của người nữ và người mẹ tỏa sáng. Đó là chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội, một chỗ đứng lớn lao mà từ đó phát xuất những chỗ đứng khác cụ thể hơn, thứ yếu hơn. Nhưng Giáo hội là mẹ, Giáo hội là người nữ. Và trong khi các bà mẹ mang lại sự sống và phụ nữ giữ gìn thế giới, thì tất cả chúng ta hãy làm sao để thăng tiến các bà mẹ và bảo vệ người nữ. Có bao là bạo lực đối với phụ nữ ! Đủ lắm rồi ! Làm tổn thương phụ nữ, đó là xúc phạm Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhân tính từ một người nữ, không phải từ một thiên thần, Ngài cũng không mặc lấy nhân tính một cách trực tiếp, Ngài mặc lấy từ một người nữ. Giống như một người nữ, Giáo hội – người nữ mặc lấy nhân tính từ con cái của mình.
Vào đầu năm mới, chúng ta hãy đặt mình dưới sự bảo trợ của người nữ này là Thánh Mẫu Thiên Chúa, là Mẹ của chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta giữ gìn và suy niệm mọi sự, mà không sợ những thử thách, trong niềm xác tín hân hoan rằng Chúa là Đấng trung thành và Ngài biết cách biến thập giá thành phục sinh. Cả hôm nay nữa, chúng ta hãy cầu xin Mẹ như Dân Thiên Chúa đã từng khấn xin ở Êphêsô. Tất cả chúng ta đứng thẳng, nhìn vào Đức Trinh Nữ, và, như Dân Thiên Chúa từng làm ở Êphêsô, chúng ta lặp lại ba lần tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Mẹ. Tất cả cùng nhau : « Thánh Mẫu Thiên Chúa, Thánh Mẫu Thiên Chúa, Thánh Mẫu Thiên Chúa ! ». Amen.
———————————————————————-
Tý Linh dịch từ bản Pháp ngữ, có tham chiếu bản Anh ngữ
(nguồn : Vatican.va)
Tags: nữ giới, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS