BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU 2023 : SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA LINH MỤC NGANG QUA CHÚA THÁNH THẦN
Hôm 6/4/2023, Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Phanxicô đã cử hành Thánh lễ làm phép Dầu ở Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Trong bài giảng dài 25 phút của mình, Đức Thánh Cha nói về ý nghĩa của việc xức dầu, nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống linh mục, cách riêng trong những lúc khủng hoảng, vốn có nguy cơ dẫn đến các cám dỗ « thỏa hiệp », « bù trừ » và « nản lòng », cũng cũng có thể là thời cơ cho một hành trình mới. Ngài cũng mời gọi các linh mục tạo nên và gìn giữ sự hài hòa trong Giáo hội. Ngài lưu ý các linh mục về sự phản chứng trong lối sống và cũng không quên cảm ơn về chứng tá dấn thân phục vụ của họ.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
« Thánh Thần Chúa ngự trên tôi » (Lc 4,18) : chính từ câu này mà việc rao giảng của Chúa Giêsu đã bắt đầu, và cũng chính từ câu này mà Lời mà chúng ta nghe hôm nay đã bắt đầu (x. Is 61,1). Vì thế, lúc khởi đầu đã có Thánh Thần của Đức Chúa.
Và, thưa anh em, chính về Người mà tôi muốn suy tư cùng với anh em hôm nay, về Thánh Thần của Đức Chúa. Quả thế, không có Thánh Thần của Đức Chúa, thì không có đời sống Kitô hữu, và không có sự xức dầu của Người, thì không có sự thánh thiện. Người là nhân vật chính và thật tuyệt đẹp, vào ngày khai sinh chức linh mục này, để nhận ra rằng Người là nguồn gốc của thừa tác vụ của chúng ta, của đời sống và sức sống của mỗi mục tử. Quả thế, Mẹ Thánh Giáo hội của chúng ta dạy chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần « ban sự sống » (1) như Chúa Giêsu đã khẳng định như thế khi nói : « Chính Thần Khí mới làm cho sống » (Ga 6,63) ; một giáo huấn được thánh Phaolô Tông đồ lấy lại khi viết : « Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống » (2Cr 3,6) và nói về « luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu » (Rm 8,2). Không có Người, Giáo hội sẽ không phải là Hiền Thê sống động của Chúa Kitô, mà cùng lắm là một tổ chức tôn giáo – ít nhiều cũng tốt ; Giáo hội sẽ không phải là Thân Thể của Chúa Kitô, mà là một ngôi đền thờ do tay con người dựng nên. Làm thế nào Giáo hội có thể được xây dựng, nếu không phải từ việc chúng ta là « đền thờ của Chúa Thánh Thần », Đấng « cư ngụ trong chúng ta » (x. 1Cr 6, 19 ; 3, 16) ? Chúng ta không thể để Người ở bên ngoài hay « nhốt » Người vào khu vực sùng kính, không, nhưng là ở trung tâm ! Chúng ta cần nói mỗi ngày : « Xin Người ngự đến, vì không có thần lực của Người, thì chẳng có gì cả nơi phàm nhân cát bụi » (2).
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Mỗi người chúng ta có thể nói điều đó ; và đó không phải là giả định, mà là thực tại, vì mọi Kitô hữu, và đặc biệt là mọi linh mục, đều có thể coi những lời sau đây là của mình : « Đức Chúa đã xức dầu thánh hiến tôi » (Is 61,1). Thưa anh em, không có công trạng gì, chỉ nhờ ân sủng thuần túy, chúng ta đã lãnh nhận sự xức dầu khiến chúng ta trở thành những người cha và mục tử của Dân thánh của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy dừng lại ở khía cạnh này của Chúa Thánh Thần : xức dầu.
Sau lần « xức dầu » đầu tiên trong cung lòng Đức Maria, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu ở sông Giođan. Sau đó, như thánh Basiliô giải thích, « mỗi hoạt động [của Chúa Kitô] đều được thực hiện với sự đồng hiện diện của Chúa Thánh Thần » (3). Quả thế, chính nhờ sức mạnh của việc xức dầu này mà Người đã rao giảng và thực hiện những dấu lạ, qua đó « một sức mạnh phát ra từ Người và chữa lành tất cả mọi người » (Lc 6, 19). Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần luôn cùng nhau làm việc, đến nỗi các Ngài giống như hai bàn tay của Chúa Cha (4) – thánh Irênê nói như thế – dang ra cho chúng ta, ôm lấy và nâng đỡ chúng ta. Và chính nhờ hai bàn tay này mà đôi bàn tay của chúng ta, được Thánh Thần của Chúa Kitô xức dầu, đã được ghi dấu ấn. Vâng, thưa anh em, Chúa không chỉ chọn và gọi chúng ta từ khắp mọi nơi : Người đã tuôn đổ trong chúng ta sự xức dầu của Thánh Thần của Ngài, chính là Đấng đã ngự xuống trên các Tông đồ. Thưa anh em, chúng ta là « những người được xức dầu ».
Vì thế, chúng ta hãy nhìn hướng về các ngài, hướng về các Tông đồ. Chúa Giêsu đã chọn các ngài và, theo tiếng gọi của Người, các ngài đã bỏ tuyền, bỏ lưới, bỏ nhà cửa của mình….Sự xức dầu của Ngôi Lời đã thay đổi cuộc đời các ngài. Với lòng nhiệt thành, các ngài đi theo Thầy và bắt đầu rao giảng, xác tín rằng sau này các ngài sẽ thực hiện những điều còn lớn lao hơn nữa ; cho đến khi Lễ Vượt Qua xảy đến. Ở đó, mọi sự dường như dừng lại : các ngài đi đến chỗ chối từ và bỏ rơi Thầy. Chúng ta không được sợ hãi. Chúng ta hãy can đảm khi đọc lại cuộc đời và những sa ngã của mình. Các ngài đi đến chỗ chối từ và bỏ rơi Thầy, Phêrô là người đầu tiên. Các ngài nhận thấy sự bất lực của mình và nhận ra rằng các ngài đã không hiểu Người : câu « Tôi không biết người này » (Mc 14, 71), mà Phêrô tuyên bố trong sân của thượng tế sau Bữa Tiệc Ly, không chỉ là sự bảo vệ bốc đồng, mà là lời thú nhận về sự thiếu hiểu biết tâm linh : ngài và những người khác có lẽ mong đợi một cuộc sống thành công đằng sau một Đấng Mêsia thu hút đám đông và thực hiện những điều kỳ diệu. Nhưng các ngài không nhận ra sự ô nhục của thập giá đang làm tan vỡ những xác tín của họ. Chúa Giêsu biết rằng các ngài không thể làm điều đó một mình, và đó là lý do tại sao Người hứa ban cho họ Đấng Bảo Trợ. Và chính « sự xức dầu thứ hai » này, vào Lễ Hiện Xuống, đã biến đổi các môn đệ, bằng cách dẫn các ngài đến chỗ chăn dắt dân đoàn chiên của Thiên Chúa chứ không còn là chính mình nữa. Và đó là mâu thuẫn cần phải giải quyết : tôi là mục tử của dân Thiên Chúa hay của chính mình ? Và có Chúa Thánh Thần chỉ đường cho tôi. Chính sự xức dầu bằng lửa này làm biến mất lòng sùng đạo của các ngài vốn tập trung vào chính mình và khả năng riêng của mình : một khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, nỗi sợ hãi và do dự của Phêrô sẽ tan biến ; Giacôbê và Gioan, được nung đốt bởi ước muốn hiến mạng sống mình, sẽ thôi chạy theo những chỗ danh dự (x. Mc 10, 35-45) ; óc thăng tiến địa vị lợi lộc của chúng ta, thưa anh em ; những người khác sẽ không còn bị khép kín và sợ hãi trong Nhà Tiệc Ly, nhưng họ sẽ đi ra và trở thành những tông đồ trên thế giới. chính Chúa Thánh Thần thay đổi tâm hồn chúng ta, đặt nó ở một bình diện khác.
Thưa anh em, một con đường như thế bao trùm đời sống linh mục và tông đồ của chúng ta. Đối với chúng ta cũng thế, đã có sự xức dầu đầu tiên bắt đầu bằng một tiếng gọi yêu thương vốn làm tâm hồn chúng ta vui sướng. Vì Người, chúng ta đã phá vỡ những mối ràng buộc của mình và trên sự nhiệt huyết đích thực này, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hiến chúng ta, đã ngự xuống. Tiếp đến, theo thời gian do Thiên Chúa muốn, giai đoạn phục sinh sẽ đến đối với mỗi người, giai đoạn đánh dấu thời điểm của sự thật. Và đó là một thời điểm căng thẳng mang nhiều hình thức khác nhau. Mỗi người, sớm hay muộn, đều trải qua những thất vọng, mệt mỏi, lý tưởng dường như bị phai nhạt trước những đòi hỏi của thực tế, trong khi một thói quen nào đó chiếm ưu thế và một số thử thách, trước đây khó hình dung, làm cho lòng trung tín khó chịu hơn trước. Giai đoạn này – của sự cám dỗ này, của thử thách mà tất cả chúng ta đã, đang và sẽ trải qua – giai đoạn này biểu lộ một đường hướng quyết định đối với những ai đã lãnh nhận sự xức dầu. Chúng ta có thể thoát khỏi đó cách tồi tệ, trượt dài về phía một sự tầm thường nào đó, kéo lê bản thân một cách mệt mỏi trong một « sự bình thường » nơi ba cám dỗ nguy hiểm len lỏi vào : cám dỗ thỏa hiệp, trong đó chúng ta bằng lòng với những gì chúng ta có thể làm ; cám dỗ bù trừ, trong đó chúng ta tìm cách « nạp lại năng lượng » cho mình bằng một thứ gì đó khác với sự xức dầu của chúng ta ; cám dỗ nản lòng – phổ biến nhất –, trong đó, vì bất mãn, chúng ta tiếp tục bằng sự trơ ì. Và đó là nơi tiềm ẩn rủi ro lớn : trong khi vẻ bề ngoài vẫn còn nguyên vẹn – « tôi là linh mục » -, thì chúng ta khép kín nơi chính mình và kéo lê bản thân mà không có nghị lực ; hương thơm của sự xức dầu không còn làm thơm đời sống và trái tim ; và trái tim không còn nở ra nữa nhưng co lại, bị siết chặt trong sự vỡ mộng. Đó là một sản phẩm chưng cất, bạn biết không ? Khi thiên chức linh mục dần dần trượt vào chủ nghĩa giáo sĩ trị và linh mục quên mình là mục tử của dân, để trở thành giáo sĩ của Nhà nước.
Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng có thể trở thành bước ngoặt của thiên chức linh mục, « giai đoạn quyết định của đời sống thiêng liêng, trong đó sự chọn lựa tối hậu phải thực hiện giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa sự anh dũng của đức ái và sự tầm thường, giữa thập giá và một phúc lợi nào đó, giữa sự thánh thiện và lòng trung thành phải chăng với lời cam kết tu trì » (5). Kết thúc buổi cử hành này, anh em sẽ được tặng một cuốn sách cổ điển như một món quà, một cuốn sách bàn về vấn đề này : « Tiếng gọi thứ hai », đó là một cuốn sách cổ điển của Cha Voillaume bàn về vấn đề này, anh em hãy đọc nó. Tiếp đến, tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ về thời điểm này trong thiên chức linh mục của mình. Đó là thời điểm hồng phúc khi, giống như các môn đệ vào Lễ Phục Sinh, chúng ta được mời gọi trở nên « đủ khiêm nhường để thú nhận rằng chúng ta đã được chinh phục bởi Chúa Kitô khiêm nhường và chịu đóng đinh, và để chấp nhận bắt đầu một con đường mới, con đường của Chúa Thánh Thần, của đức tin và của một tình yêu mạnh mẽ và không ảo tưởng » (6). Đó là thời gian (kairos) lúc chúng ta khám phá ra rằng « tất cả những điều đó không bị giảm thiểu vào việc bỏ thuyền và lưới để đi theo Chúa Giêsu trong một thời gian nào đó, nhưng buộc chúng ta phải đi đến đồi Canvê, phải đón nhận bài học và hoa trái, và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần đi cho đến cùng của một cuộc đời phải hoàn tất trong sự hoàn hảo của Đức Ái thần linh » (7). Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần : đối với chúng ta cũng như đối với các Tông đồ, đó là thời gian của một cuộc « xức dầu lần thứ hai », thời gian của tiếng gọi thứ hai mà chúng ta phải lắng nghe, đối với việc xức dầu lần thứ hai, trong đó chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần, không phải từ nhiệt huyết của ước mơ của mình, nhưng từ sự mong manh của thực tại của chúng ta. Đây là sự xức dầu nói lên sự thật cách sâu xa, cho phép Chúa Thánh Thần xức dầu cho những yếu đuối của chúng ta, những công việc của chúng ta, những nghèo nàn nội tâm của chúng ta. Như thế, việc xức dầu lại tỏa hương thơm : với hương thơm của nó chứ không phải của chúng ta. Vào lúc này, trong tâm hồn tôi, tôi nhớ đến một số người trong anh em đang gặp khủng hoảng – có thể nói như thế – những anh em bị mất phương hướng và không biết làm thế nào để tiếp tục con đường, lầm thế nào lấy lại con đường trong lần xức dầu lần thứ hai này của Chúa Thánh Thần. Với những anh em này – tôi đang có họ hiện diện – tôi chỉ nói cách đơn giản : hãy can đảm lên, Chúa lớn hơn những yếu đuối của anh em, hơn tội lỗi của anh em. Hãy tin tưởng vào Chúa và hãy để mình được kêu gọi lần thứ hai, lần này với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Cuộc sống hai mặt sẽ không giúp gì cho anh em ; ném mọi thứ ra ngoài cửa sổ, cũng không giúp ích gì. Hãy nhìn về phía trước, hãy để cho mình được ôm ấp bởi sự xức dầu của Chúa Thánh Thần.
Và con đường cho bước trưởng thành này là thừa nhận sự thật về sự yếu đuối của mình. « Thần Khí sự thật » (Ga 16, 13) thúc đẩy chúng ta làm điều này, Người thúc giục chúng ta nhìn sâu vào bên trong bản thân và tự hỏi : sự triển nở của tôi tùy thuộc vào khả năng của tôi, vào vai trò mà tôi đạt được, vào những lời khen ngợi mà tôi nhận được, vào sự nghiệp mà tôi đang theo đuổi, vào các bề trên hay cộng tác viên, hay vào tiện nghi mà tôi có thể đảm bảo cho bản thân, hay vào việc xức dầu làm thơm đời tôi ? Thưa anh em, sự trưởng thành linh mục ngang qua Chúa Thánh Thần, nó được thể hiện khi Người trở thành nhân vật chính trong cuộc đời chúng ta. Lúc đó, mọi sự thay đổi viễn ảnh, ngay cả những thất vọng và cay đắng – ngay cả tội lỗi – bởi vì vấn đề không còn là cố gắng cải thiện bản thân bằng cách sửa chữa một điều gì đó nữa, nhưng là phó thác, mà không giữ lại bất cứ điều gì, cho Đấng đã ban thưởng cho chúng ta bằng sự xức dầu của Người và muốn ngự xuống trên chúng ta ở nơi sâu thẳm nhất. Thưa anh em, lúc đó chúng ta hãy khám phá ra rằng đời sống thiêng liêng trở nên tự do và vui tươi không phải khi chúng ta cứu vãn các hình thức và chắp vá, nhưng khi chúng ta để sáng kiến cho Chúa Thánh Thần và buông mình cho các kế hoạch của Người, chúng ta sẵn sàng phục vụ ở đâu và như người ta yêu cầu chúng ta: thiên chức linh mục của chúng ta không trưởng thành bằng cách chắp vá, nhưng bằng cách tràn đầy !
Nếu chúng ta để cho Thần Khí sự thật hành động trong chúng ta, thì chúng ta sẽ giữ được sự xức dầu – giữ được sự xức dầu -, vì những sự giả dối – những sự giả hình của hàng giáo sĩ – những sự giả dối mà chúng ta bị cám dỗ để sống cùng sẽ bị đưa ra ánh sáng ngay lập tức. Và Chúa Thánh Thần, Đấng « tẩy rửa những gì nhơ bẩn », sẽ không mệt mỏi khuyến khích chúng ta « đừng làm ô uế sự xức dầu », dù chỉ là một chút. Tôi chợt nhớ đến câu nói này trong sách Giảng viên : « Một con ruồi chết làm thối cả bình dầu thơm » (10,1). Quả thật, bất kỳ sự hai mặt nào – sự hai mặt của hàng giáo sĩ – bất kỳ sự hai mặt nào len lỏi vào đều nguy hiểm : không nên dung thứ cho nó mà phải đưa ra ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, nếu « không gì giả dối hơn lòng người, ai dò thấu được » (Gr 17,9), thì Chúa Thánh Thần, chỉ một mình Người, chữa lành chúng ta khỏi sự bất trung (x. Hs 14,5). Đối với chúng ta, đó là một cuộc chiến đấu thiết yếu : quả thế, như thánh Grêgôriô Cả viết, điều thiết yếu là « người loan báo Lời Chúa trước tiên chuyên tâm vào lối sống của mình, để rồi tiếp đến học hỏi từ cuộc sống của mình những gì mình phải nói và mình phải nói điều đó như thế nào. […] Đừng ai tự phụ nói bên ngoài những gì mình trước tiên đã không nghe từ bên trong » (8). Và chính Chúa Thánh Thần, người Thầy nội tâm, mà chúng ta cần phải lắng nghe, biết rằng không có gì bên trong chúng ta mà Người không muốn xức dầu. Thưa anh em, chúng ta hãy gìn giữ sự xức dầu : việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần không được là một thực hành lẻ tẻ, nhưng là hơi thở của mỗi ngày. Xin Người ngự đến, xin Người ngự đến, xin gìn giữ sự xức dầu cho chúng con. Tôi, được Người thánh hiến, tôi được kêu gọi dìm mình trong Người, để cho ánh sáng của Người thấm nhập vào những nơi tăm tối của tôi – chúng ta có rất nhiều – để tìm lại sự thật về con người của tôi. Chúng ta hãy để mình được Người hướng dẫn để chiến đấu với những mâu thuẫn đang khuấy động bên trong chúng ta ; và chúng ta hãy để cho Người tái sinh trong sự thờ phương, vì khi chúng ta thờ phượng Chúa, thì Người đổ Thánh Thần của Người vào tâm hồn chúng ta.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu thánh hiến tôi ; Người đã sai tôi đi – lời ngôn sứ nói tiếp – và đã sai tôi đi để mang lại tin mừng, sự giải thoát, việc chữa lành và ân sủng (x. Is 61,1-2 ; Lc 4, 18-19) ; tắt một lời, để mang lại sự hài hòa đến nơi nào không có. Vì như thánh Basiliô đã nói : « Chúa Thánh Thần là sự hài hòa », chính Người tạo nên sự hài hòa. Sau khi nói với anh em về sự xức dầu, tôi muốn nói với anh em một điều về sự hài hòa vốn là hệ quả của việc xức dầu. Quả thật, Chúa Thánh Thần là sự hài hòa. Trước tiên ở trên trời : thánh Basiliô giảia thích rằng « sự hài hòa trên trời và khôn tả này trong việc phụng sự Thiên Chúa và trong bản giao hưởng hỗ tương của các uy thần siêu vũ trụ, nó không thể được giữ gìn nếu không nhờ thẩm quyền của Chúa Thánh Thần » (9). Và cả trên trái đất : trong Giáo hội, chính Người là « Sự Hài Hòa thần linh và du dương » này (10) vốn nối kết mọi sự. Nhưng hãy nghĩ đến linh mục đoàn mà không có sự hài hòa, không có Chúa Thánh Thần : điều đó không vận hành được. Người khơi dậy sự đa dạng của các đặc sủng và tái lập nó trong sự hiệp nhất, Người tạo nên sự hòa hợp vốn không được dựa trên sự tương đồng, nhưng trên tính sáng tạo của đức ái. Cũng thế đối với sự hài hòa giữa người này người kia. Cũng thế đối với sự hài hòa giữa linh mục đoàn. Trong những năm diễn ra Công đồng Vatican II, vốn là một ân huệ của Chúa Thánh Thần, một thần học gia đã xuất bản một nghiên cứu trong đó ông nói đến Chúa Thánh Thần không phải trong tính cá nhân của Người, nhưng trong sự đa nguyên. Ông mời gọi chúng ta xem Người là một Ngôi Vị thần linh không phải ở số ít mà là « số nhiều », như « Đấng chúng ta của Thiên Chúa », « Đấng chúng ta » của Chúa Cha và Chúa Con, bởi vì Người là mối dây liên kết các Ngài, chính Người là sự hòa hợp, hiệp thông, hài hòa (11). Tôi nhớ rằng khi tôi đọc khảo luận thần học này – đó là khi đang nghiên cứu về thần học – tôi đã bực mình : đó dường như là lạc giáo, bởi vì trong việc đào tạo của mình, chúng ta không thực sự hiểu Chúa Thánh Thần là như thế nào.
Tạo nên sự hòa hòa, đó là điều Người ao ước, nhất là trong số những ai Người đã xức dầu. Thưa anh em, vì thế , xây dựng sự hài hòa giữa chúng ta không phải là một phương pháp tốt để cơ cấu của Giáo hội có thể vận hành tốt hơn, đó không phải là nhảy điệu Minuet, đó không phải là vấn đề chiến lược hay phép lịch sự, nhưng là một đòi hỏi nội tại của đời sống trong Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, chúng ta phạm tội chống lại Chúa Thánh Thần, Đấng là sự hiệp thông, khi chúng ta , dù là nhẹ dạ, trở nên công cụ chia rẽ – và chúng ta hãy trở lại cùng một chủ đề – với thói ngồi lê đôi mách. Khi chúng ta trở thành dụng cụ chia rẽ, chúng ta phạm tội chống lại Chúa Thánh Thần. Và chúng ta chơi trò chơi của kẻ thù vốn không ra mặt giữa ban ngày và thích những tin đồn và những lời nói bóng gió, vốn kích động các đảng phái và các nhóm bằng những áp lực, nuôi dưỡng sự hoài niệm về quá khứ, sự ngờ vực, bi quan , sợ hãi. Xin hãy canh chừng đừng để làm ô uế sự xức dầu của Chúa Thánh Thần và chiếc áo của Mẹ Thánh Giáo hội bằng sự chia rẽ, sự phân cực, bằng bất cứ sự thiếu bác ái và hiệp thông nào. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Thánh Thần, « Đấng chúng ta của Thiên Chúa », thích hình thức cộng đoàn hơn : tức là sẵn sàng ứng trực so với những đòi hỏi riêng của mình, sự vâng phục so với những sở thích riêng của mình, sự khiêm tốn so với những mong đợi riêng của mình.
Sự hài hòa không phải là một nhân đức trong số các nhân đức, nó còn hơn thế nữa. Thánh Grêgôriô Cả viết : « Giá trị của nhân đức hài hòa được chứng minh qua sự kiện rằng, nếu không có nó, tất cả các nhân đức khác hoàn toàn không có giá trị gì » (12). Thưa anh em của tôi, chúng ta hãy giúp nhau gìn giữ sự hài hòa, – gìn giữ sự hài hòa – đó là là bổn phận – bằng cách bắt đầu không phải từ những người khác, nhưng mỗi người từ chính mình ; bằng cách tự hỏi : trong lời nói của tôi, trong bình luận của tôi, trong những gì tôi nói và viết, có dấu ấn của Chúa Thánh Thần hay dấu ấn của thế gian ?
Tôi cũng nghĩ đến lòng tử tế của linh mục – nhưng rất thường các linh mục, chúng ta…bất lịch sự – : chúng ta hãy nghĩ đến sự tử tế của linh mục, nếu mọi người tìm thấy, ngay cả nơi chúng ta, những người bất mãn, những chàng trai già, những người bất mãn chỉ trích và chỉ tay, thì họ sẽ thấy sự hài hòa ở đâu ? Biết bao nhiêu người không đến gần, hay rời xa, bởi vì họ cảm thấy không được đón tiếp cũng như không được yêu thương trong Giáo hội, nhưng bị nhìn với sự nghi ngờ và phán xét ! Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta hãy luôn đón tiếp và tha thứ ! Và chúng ta hãy nhớ rằng sự kiện bực bội và phàn nàn, ngoài việc không tạo ra điều gì tốt đẹp, lại làm tổn hại đến việc loan báo, vì đó là một phản chứng về Thiên Chúa, Đấng là hiệp thông và hài hòa. Và điều đó làm phật lòng rất nhiều và nhất là đối với Chúa Thánh Thần, Đấng mà thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng làm phiền lòng (x. Êp 4,30).
Thưa anh em, tôi để lại cho anh em những suy nghĩ này phát xuất từ trái tim và tôi kết thúc bằng cách nói với anh em một lời đơn sơ và quan trọng : cảm ơn. Cảm ơn về chứng tá của anh em, cảm ơn về sự phục vụ của anh em ; cảm ơn về tất cả những điều tốt đẹp ầm thầm mà anh em làm, cảm ơn về sự tha thứ và an ủi mà anh em mang lại nhân danh Thiên Chúa : xin vui lòng luôn luôn tha thứ, đừng bao giờ khước từ sự tha thứ ; cảm ơn về thừa tác vụ của anh em thường được thực thi với cái giá là nhiều sự mệt mỏi, hiểu lầm và ít được công nhận. Thưa anh em, xin Thánh Thần của Thiên Chúa, Đâng không làm thất vọng những ai tín thác nơi Người, ban tràn đầy bình an cho anh em và hoàn tất nơi anh em những gì Người đã khởi sự, để anh em trở thành những ngôn sứ cho sự xức dầu của Người và trở nên những tông đồ của sự hài hòa.
—————————————————–
(1) Kinh Tin Kính của công đồng Nicée-Constantinople.
(2) Xem Ca tiếp liên lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
(3) Spir. XVI, 39.
(4) Xem Irené de Lyon, Adv. haer. IV, 20,1.
(5) R. Voillaume, «La seconda chiamata», in S. Stevan ed., La Seconda chiamata. Il coraggio della fragilità, Bologna 2018, 15. (« Le second appel », Lettres aux fraternités, t. 1, Paris, Cerf, 1960, pp. 11-35).
(6) Ibid., 24.
(7) Ibid., 16.
(8) Các bài giảng về ngôn sứ Êdêkien, I, X ,13-14.
(9) Spir. XVI, 38. Basile de Césarée, De Spiritu sancto, Sources Chrétiennes 17, [SPIR.S] 16, 38 (p.382).
(10) Trong Ps. 29,1.
(11) Xem H. Mühlen, Der Heilige Geist als Person. Ich – Du – Wir, Münster in W., 1963.
(12) Các bài giảng về ngôn sứ Êdêkien, I, VIII, 8.
—————————————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Mùa-Chay, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ