BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU NĂM 2022 : TRỞ THÀNH LINH MỤC LÀ MỘT ÂN SỦNG RẤT LỚN
« Anh em thân mến, là linh mục, đó là một ân sủng, một ân sủng rất lớn, mà trước tiên không phải là một ân sủng cho chúng ta, nhưng cho dân chúng ». Đó là những lời nhắc nhở của Đức Phanxicô dành cho các linh mục trong Thánh lễ làm phép Dầu hôm 15/4/2022, và đồng thời ngài cảnh giác rằng « một linh mục trần tục không gì khác hơn là một người ngoại giáo được giáo sĩ hóa. »
Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt mời gọi các linh mục luôn biết bám chặt cái nhìn vào Chúa Kitô để có thể đẩy lùi ba ngẫu tượng ẩn giấu có nguy cơ làm suy thoái ơn gọi linh mục là tính trần tục thiêng liêng, tính thực dụng của các số liệu và chủ nghĩa chức năng. Ngài nhắc nhở: «« Nhìn vào Chúa Giêsu » là một ân sủng mà, với tư cách là những linh mục, chúng ta phải vun trồng….Và chúng ta cũng cho Ngài thấy những cám dỗ của chúng ta, để nhận ra chúng và gạt bỏ chúng.»
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng lời khuyên cho các linh mục : « Anh em thân mến, Chúa Giêsu là con đường duy nhất để chúng ta không lầm lạc nhằm biết mình cảm thấy gì và trái tim chúng ta dẫn chúng ta đến đâu… ; Ngài là con đường duy nhất để chúng ta phân định rõ bằng cách đối diện với Ngài, mỗi ngày, như thể cả ngày hôm nay nữa Ngài đang ngồi trong ngôi nhà thờ giáo xứ của chúng ta và nói với chúng ta rằng hôm nay ứng nghiệm tất cả những gì chúng ta đã nghe. … Dành chỗ cho Chúa để Chúa có thể phá hủy các ngẫu tượng ẩn giấu của chúng ta.»
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Trong bài đọc của ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe, Chúa đưa ra một lời hứa đầy hy vọng có liên quan mật thiết đến chúng ta : « Các ngươi sẽ được gọi là ‘tư tế của Chúa’, là ‘thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta’ ; Ta sẽ trung thành thưởng công cho chúng, sẽ thiết lập với chúng một giao ước vĩnh cửu » (Is 61, 6.8). Anh em thân mến, là linh mục, đó là một ân sủng, một ân sủng rất lớn, mà trước tiên không phải là một ân sủng cho chúng ta, nhưng cho dân chúng. [1] Và, đối với đoàn dân của chúng ta, đó là một món quà to lớn mà Chúa đã chọn, giữa đoàn chiên của Ngài, một số người chuyên chăm sóc cho đoàn chiên của mình, như là người cha và là người mục tử. Chính Chúa đảm bảo phần thưởng của người linh mục : « Ta sẽ trung thành thưởng công cho chúng » (Is 61, 8). Và, chúng ta biết, Ngài là một người trả công rất tốt, cho dù Ngài có những nét đặc thù của mình, chẳng hạn như trả công trước hết cho những người đến sau cùng và tiếp đến những người đến đầu tiên : đó là phong cách của Ngài.
Bài đọc sách Khải Huyền cho chúng ta thấy đâu là phần thưởng của Chúa. Đó là Tình yêu của Ngài và sự tha thứ vô điều kiện tội lỗi của chúng ta với giá máu của Ngài đổ ra trên Thánh giá : « Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người » (Kh 1, 5-6). Không có phần thưởng nào lớn hơn tình bằng hữu với Chúa Giêsu, chúng ta đừng quên điều đó. Không có sự bình an nào lớn hơn sự tha thứ của Ngài, điều đó, tất cả chúng ta đều biết. Không có giá nào cao hơn Máu châu báu của Ngài mà chúng ta không được phép khinh thường bởi một hành vi bất xứng.
Anh em linh mục thân mến, nếu chúng ta đọc bằng trái tim, thì đó là những lời Chúa mời gọi trung tín với Ngài, trung tín với Giao ước của Ngài, để cho mình được yêu thương, để cho mình được tha thứ ; đó là những lời mời gọi không chỉ cho chúng ta, nhưng còn để chúng ta có thể phục vụ dân thánh trung tín của Thiên Chúa với một lương tâm trong sạch. Dân chúng đáng được điều đó, và họ cũng cần điều đó. Tin Mừng Luca nói với chúng ta rằng sau khi Chúa Giêsu đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia trước mặt những người thân thuộc của mình và ngồi xuống, « mọi người đều chăm chú nhìn Ngài » (4, 20). Hôm nay, sách Khải Huyền còn nói với chúng ta về những ánh mắt nhìn vào Chúa Giêsu, về sức hút không thể cưỡng lại của Chúa chịu đóng đinh và phục sinh, Đấng thúc đẩy chúng ta tôn thờ và nhận ra Ngài : « Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen » (1, 7). Ân sủng cuối cùng, khi Chúa phục sinh trở lại, sẽ là ơn nhận ra ngay lập tức : chúng ta sẽ nhận thấy Ngài bị đâm thâu, chúng ta sẽ nhận ra rằng Ngài là ai và chúng ta là ai, là những tội nhân ; không gì hơn nữa.
« Nhìn vào Chúa Giêsu » là một ân sủng mà, với tư cách là những linh mục, chúng ta phải vun trồng. Vào cuối ngày sống, thật tốt khi nhìn vào Chúa, và hãy để Ngài nhìn tâm hồn chúng ta, cùng với tâm hồn của những người chúng ta đã gặp gỡ. Đó không phải là đếm tội, nhưng là một sự chiêm ngắm đầy yêu thương trong đó chúng ta nhìn ngày sống của chúng ta với cái nhìn của Chúa Giêsu, và như thế chúng ta nhìn thấy những ân sủng trong ngày sống, những ân huệ và tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta, để tạ ơn Ngài. Và chúng ta cũng cho Ngài thấy những cám dỗ của chúng ta, để nhận ra chúng và gạt bỏ chúng. Như chúng ta thấy, đó là hiểu những gì đẹp lòng Chúa và những gì Ngài muốn nơi chúng ta ở đây và bây giờ, trong lịch sử hiện tại của chúng ta.
Và, nếu chúng ta nhìn vào ánh mắt đầy nhân từ của Ngài, thì có lẽ cũng sẽ có một dấu hiệu từ phía Ngài để chúng ta cho Ngài thấy những ngẫu tượng của chúng ta. Những ngẫu tượng này mà, như Rakhel, chúng ta đã che giấu dưới các nếp gấp của áo khoác (x. Stk 31, 34-35). Hãy để Chúa nhìn vào những ngẫu tượng ẩn giấu của chúng ta – tất cả chúng ta đều có chúng. Tất cả mọi người ! Và việc để Chúa nhìn các ngẫu tượng ẩn giấu này làm cho chúng ta mạnh mẽ khi đối diện với chúng, và lấy đi sức mạnh của chúng.
Cái nhìn của Chúa khiến chúng ta thấy rằng trên thực tế, chúng ta tự tôn vinh chính mình nơi chúng, [2] bởi vì ở đó, trong không gian nơi chúng ta sống như thể nó là độc quyền này, ma quỷ can thiệp bằng cách thêm vào một yếu tố rất xấu xa : nó làm thế nào để, không chỉ chúng ta « chiều chuộng » bản thân bằng cách tha hồ biểu lộ một đam mê hay nuôi dưỡng một đam mê khác, nhưng nó còn dẫn chúng ta đến chỗ thay thế sự hiện diện của các Ngôi Vị thần linh, sự hiện diện của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đang cư ngụ trong chúng ta, bằng những ngẫu tượng ẩn giấu này. Trên thực tế, đó là một điều đang xảy ra. Cho dù chúng ta nói với chính mình rằng chúng ta hoàn toàn phân biệt đâu là ngẫu tượng và đâu là Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, chúng ta lấy đi không gian khỏi Ba Ngôi Thiên Chúa để trao nó cho ma quỷ, bằng một kiểu thờ phượng gián tiếp : kiểu của người che giấu nó, nhưng liên tục lắng nghe những lời phát biểu của nó và tiêu thụ các sản phẩm của nó, đến nỗi cuối cùng không còn một không gian nhỏ nào cho Thiên Chúa. Bởi vì nó là như thế, nên nó tiến tới chậm rãi. Một lần kia, tôi đã nói về những con quỷ « được giáo dục », những con quỷ mà Chúa Giêsu nói rằng chúng còn tồi tệ hơn cả con quỷ đã bị trục xuất. Chúng « được giáo dục », chúng bấm chuông cửa, chúng đi vào và chiếm hữu ngôi nhà dần dần. Chúng ta phải để ý, đó là những ngẫu tượng của chúng ta.
Các ngẫu tượng có điều gì đó – một yếu tố – của riêng chúng. Khi chúng ta không vạch mặt chúng, khi chúng ta không để Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang tìm kiếm chính mình nơi chúng một cách không cần thiết, thì chúng ta đang để một không gian để ma quỷ can thiệp. Chúng ta phải nhớ rằng ma quỷ đòi hỏi chúng ta làm theo ý muốn của nó và chúng ta phục vụ nó, nhưng nó không luôn luôn đòi hỏi chúng ta phục vụ và thờ lạy nó cách liên lỉ, không, nó biết cách chuyển động, nó là một nhà ngoại giao tuyệt vời. Thỉnh thoảng nhận được sự thờ lạy là đủ cho nó để cho thấy rằng nó là chúa đích thực của chúng ta, và thậm chí nó cảm thấy mình là vị thần của cuộc sống và tâm hồn chúng ta.
Nói như thế, tôi muốn chia sẻ với anh em, trong Thánh Lễ Dầu này, ba không gian tôn thờ ngẫu tượng ẩn giấu trong đó ma quỷ sử dụng các ngẫu tượng của mình để lấy đi ơn gọi mục tử của chúng ta và, dần dần, tách chúng ta ra khỏi sự hiện diện nhân từ và yêu thương của Chúa Giêsu, của Chúa Thánh Thần và của Chúa Cha.
Không gian tôn thờ ngẫu tượng ẩn giấu đầu tiên được mở ra ở đâu có tính trần tục thiêng liêng vốn là « một đề nghị cuộc sống, một nền văn hóa, một nền văn hóa của phù du, một nền văn hóa của vẻ bề ngoài, một nền văn hóa của hóa trang ». [3] Tiêu chí của nó là óc hiếu thắng, một óc hiếu thắng không có Thập giá. Và Chúa Giêsu cầu nguyện để Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi nền văn hóa của tính trần tục này. Cám dỗ về một vinh quang không Thập giá này đi ngược lại với con người của Chúa, nó đi ngược lại với Chúa Giêsu, Đấng tự hạ trong cuộc Nhập Thể và là Đấng, như dấu chỉ của sự mâu thuẫn, là phương thuốc duy nhất chống lại mọi ngẫu tượng. Trở nên nghèo với Chúa Kitô nghèo, và « bởi vì Chúa Kitô đã chọn sự nghèo khó », là lôgíc của Tình Yêu, và không gì khác. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy cách Chúa đặt mình trong ngôi nhà nguyện khiêm tốn của mình và trong ngôi làng bé nhỏ của mình, ngôi làng của cả cuộc đời của mình, để đưa ra cùng một lời loan báo mà ngài sẽ đưa ra vào tận cùng lịch sử, khi Ngài đến trong Vinh quang của Ngài, cùng với các thiên thần. Và đôi mắt chúng ta phải nhìn vào Chúa Kitô, nơi thực tại ở đây và bây giờ của câu chuyện của Chúa Giêsu với tôi, như chúng sẽ là lúc đó. Tính trần tục của việc tìm kiếm vinh quang của riêng mình đã cướp đi sự hiện diện của Chúa Giêsu khiêm tốn và bị sỉ nhục, của Chúa gần gũi với tất cả mọi người, của Chúa Kitô đau buồn với tất cả những ai đang đau khổ, được tôn thờ bởi đoàn dân của chúng ta, những người biết ai là bạn bè thực sự của Ngài. Một linh mục trần tục không gì khác hơn là một người ngoại giáo được giáo sĩ hóa. Một linh mục trần tục không gì khác hơn là một người ngoại giáo được giáo sĩ hóa.
Một không gian tôn thờ ngẫu tượng ẩn giấu khác bắt nguồn ở đâu người ta trao ưu tiên cho tính thực dụng của các số liệu. Những người có ngẫu tượng ẩn giấu này được nhận ra ở tình yêu của họ đối với các số liệu thống kê vốn có thể xóa bỏ mọi chiều kích cá nhân trong cuộc thảo luận và trao ưu thế cho số đông, mà cuối cùng trở thành tiêu chí phân định ; điều này rất xấu. Điều đó không thể là cách duy nhất để tiến hành cũng không phải là tiêu chí duy nhất trong Giáo hội của Chúa Kitô. Con người không thể « được đánh số », và Thiên Chúa không ban Chúa Thánh Thần « cách có giới hạn » (x. Ga 3, 34). Trong niềm say mê với những con số này, thực ra chúng ta đang tìm kiếm chính bản thân mình và thích thú với việc kiểm soát mà lôgíc này cung cấp cho chúng ta, một lôgíc vốn không quan tâm đến những khuôn mặt và không phải là lôgíc của tình yêu, nhưng thích các số liệu. Một đặc điểm của các vị thánh lớn là các ngài biết cách lùi lại để nhường hết chỗ cho Thiên Chúa. Sự lùi lại này, sự quên mình này và ước muốn bị mọi người quên lãng này là đặc điểm của Chúa Thánh Thần, Đấng không có hình ảnh ; Chúa Thánh Thần không có hình ảnh riêng đơn giản bởi vì Ngài là toàn thể Tình Yêu làm tỏa sáng hình ảnh của Chúa Con và, trong đó là hình ảnh của Chúa Cha. Việc thay thế Ngôi Vị của Ngài vốn, tự nơi Ngài, thích « không xuất hiện » – bởi vì Ngài không có hình ảnh – , là những gì mà việc thần tượng các con số nhắm tới, nó làm thế nào để mọi sự « xuất hiện », cho dù là cách trừu tượng và số hóa, mà không thực sự nhập thể.
Không gian tôn thờ ngẫu tượng ẩn giấu thứ ba, gắn liền với không gian trước đó, là không gian được mở ra với chủ nghĩa chức năng, một môi trường quyến rũ trong đó nhiều người nhiều người « nhiệt tình với giấy đi đường hơn là hành trình ». Não trạng duy chức năng không dung thứ cho mầu nhiệm, nó nhắm đến tính hiệu quả. Dần dần, ngẫu tượng này thay thế sự hiện diện của Chúa Cha trong chúng ta. Ngẫu tượng đầu tiên được thay thế cho sự hiện diện của Chúa Con, ngẫu tượng thứ hai thay thế cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và ngẫu tượng này thay thế cho sự hiện diện của Chúa Cha. Cha của chúng ta là Đấng Tạo Hóa, không phải là Đấng chỉ làm cho mọi thứ « vận hành », nhưng là Đấng « tạo dựng » với tư cách là một người Cha, bằng sự dịu dàng, bằng việc chăm sóc các tạo vật của Ngài và làm việc để con người được tự do hơn. Người theo chủ nghĩa chức năng không biết vui mừng trước những ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho dân của Ngài, mà từ đó họ cũng có thể « được nuôi dưỡng » như một người thợ được lương bổng của mình. Người linh mục với não trạng duy chức năng có lương thực của riêng mình, đó là cái tôi của mình. Trong chủ nghĩa chức năng, chúng ta để sang một bên việc tôn thờ Chúa Cha nơi những điều lớn nhỏ trong cuộc đời chúng ta và chúng ta thích thú với hiệu quả của các chương trình của mình. Như những gì vua Đavít đã làm khi bị Satan cám dỗ, ông cứ khăng khăng thực hiện cuộc điều tra dân số (x. 1 Sbn 21, 1). Đây là những con người yêu thích kế hoạch, lộ trình, chứ không phải hành trình.
Trong hai không gian sau cùng của việc tôn thờ ngẫu tượng ẩn giấu này (chủ nghĩa thực dụng về các số liệu và chủ nghĩa chức năng), chúng ta thay thế niềm hy vọng, vốn là không gian gặp gỡ Thiên Chúa, bằng kết quả thực nghiệm. Đó là một thái độ của thói hư danh về phía người mục tử, một thái độ làm tan rã sự kết hiệp của đoàn dân của mình với Thiên Chúa và tạo ra một ngẫu tượng mới dựa trên các con số và chương trình : ngẫu tượng « quyền lực của tôi, quyền lực của chúng tôi » [4], chương trình của chúng tôi, các số liệu của chúng tôi, các kế hoạch mục vụ của chúng tôi. Che giấu các ngẫu tượng này (với thái độ của bà Rakhel) và không biết vạch trần chúng trong đời thường của mình sẽ làm tổn hại cho lòng trung tín với giao ước linh mục của chúng ta và làm lu mờ mối tương quan cá nhân của chúng ta với Chúa. Nhưng vị giám mục này đang tìm kiếm điều gì, mà thay vì nói về Chúa Giêsu, lại nói với chúng ta về những ngẫu tượng ngày nay ? Một số người có thể nghĩ như thế…
Anh em thân mến, Chúa Giêsu là con đường duy nhất để chúng ta không lầm lạc nhằm biết mình cảm thấy gì và trái tim chúng ta dẫn chúng ta đến đâu… ; Ngài là con đường duy nhất để chúng ta phân định rõ bằng cách đối diện với Ngài, mỗi ngày, như thể cả ngày hôm nay nữa Ngài đang ngồi trong ngôi nhà thờ giáo xứ của chúng ta và nói với chúng ta rằng hôm nay ứng nghiệm tất cả những gì chúng ta đã nghe. Xin Chúa Giêsu, như là một dấu mâu thuẫn – điều này không phải luôn luôn là điều gì đó tàn nhẫn hay cứng rắn, vì lòng thương xót, và thậm chí hơn nữa, tình yêu thương dịu dàng, là một dấu mâu thuẫn – vì thế, xin Chúa Giêsu-Kitô làm thế nào để những ngẫu tượng này được lộ ra, để sự hiện diện của chúng, gốc rễ và công việc của chúng có thể được nhìn thấy, và như thế xin Chúa phá hủy chúng, đây là lời đề nghị : dành chỗ cho Chúa để Chúa có thể phá hủy các ngẫu tượng ẩn giấu của chúng ta. Và chúng ta phải ghi nhớ điều này, phải chú ý, để cỏ lùng của những ngẫu tượng mà chúng ta đã biết che giấu trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta không được mọc lại.
Và tôi muốn kết luận bằng cách cầu xin thánh Giuse, người cha rất trong sạch và không có ngẫu tượng ẩn giấu nào, giải thoát chúng ta mọi khát vọng chiếm hữu, vì khát vọng chiếm hữu này là mảnh đất phì nhiều cho các ngẫu tượng này mọc lên. Và xin ngài cũng ban cho chúng ta ơn không bỏ cuộc trong nhiệm vụ gay go phân định các ngẫu tượng này mà chúng ta che giấu hay rất thường được che giấu. Và chúng ta cũng hãy cầu xin thánh Giuse rằng, khi nào chúng ta nghi ngờ về cách thức để làm tốt hơn, thì ngài cầu bầu cho chúng ta để Chúa Thánh Thần soi sáng phán đoán của chúng ta, như Người đã soi sáng phán đoán của ngài khi ngài bị cám dỗ lìa bỏ Đức Maria « cách âm thầm » (lathra), để, với một tấm lòng cao thượng, chúng ta biết quy về đức ái những gì chúng ta đã học biết nhờ lề luật [5].
—————————————-
[1] Bởi vì chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế chung. Chúa đã chọn một số người để « thực thi cách chính thức chức năng linh mục cho con người nhân danh Chúa Kitô (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 2 ; xem Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 10). « Vì các thừa tác viên được ban cho quyền bính thánh thiêng phục vụ anh em của mình » ( Lumen Gentium, số 18).
[2] Xem Bài giáo lý trong buổi Tiếp kiến chung, ngày 1/8/2018.
[3] Bài giảng thánh lễ ở Sainte Marthe , 16/5/2020.
[4] J. M. Bergoglio, Meditaciones para religiosos, Bilbao, Mensajero, 2014, 145.
[5] Xem Tông thư Patris corde, 4, chú thích 18.
————————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Mùa-Chay, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG