BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI LẦN III
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô
Chúa Nhật tuần XVI Thường niên, 23 tháng 7 năm 2023
Đức Giêsu dùng những dụ ngôn để dạy chúng ta về triều đại Thiên Chúa. Người thuật lại những câu chuyện giản đơn chạm đến lòng người nghe. Thứ ngôn ngữ đó, giàu hình tượng, giống với ngôn ngữ mà ông bà thường dùng với con cháu của mình, có lẽ khi bồng ẵm chúng vào lòng. Bằng cách này, họ truyền lại sự khôn ngoan hệ trọng cho cuộc sống. Khi nghĩ về ông bà và người cao tuổi, mà cội rễ của họ là điều mà người trẻ cần để trưởng thành, tôi muốn đọc lại 3 câu chuyện được chứa đựng trong Tin Mừng hôm nay, khởi đi từ một khía cạnh mà chúng có chung với nhau: sự lớn lên cùng nhau.
Trong dụ ngôn đầu tiên, lúa và cỏ lùng mọc lẫn với nhau, trong cùng một đồng cỏ (x. Mt 13, 24-30). Hình ảnh này giúp chúng ta nhìn mọi vật cách đầy thực tế: trong lịch sử nhân loại, như trong cuộc sống của mỗi người, có một sự trộn lẫn của ánh sáng và bóng tối, tình yêu và sự ích kỷ. Tốt lành và xấu xa cũng bện vào nhau đến mức xem ra không thể tách rời. Sự tiếp cận mang tính thực tế này giúp chúng ta nhìn lịch sử khỏi ý thức hệ, khỏi chủ nghĩa lạc quan khô cằn hay chủ nghĩa bi quan độc hại. Những người Kitô hữu, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng của Thiên Chúa, không phải là những kẻ bi quan; họ cũng chẳng phải sống thơ ngây trong câu chuyện cổ tích, ra vẻ không nhìn thấy điều xấu và nói rằng “mọi sự đều tốt đẹp cả”. Không, Kitô hữu là những người thực tế: họ biết rằng vẫn còn đó lúa và cỏ lùng trong thế gian. Nhìn vào đời sống của mình, họ nhận ra rằng cái xấu không chỉ đến từ ‘bên ngoài’, nó không phải lúc nào cũng là lỗi của người khác, cũng không cần phải ‘bịa ra’ kẻ thù để chiến đấu nhằm tránh nhìn vào chính mình. Kitô hữu nhận biết rằng điều xấu đến từ bên trong, trong cuộc chiến đấu nội tâm mà tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được.
Tuy nhiên, dụ ngôn này đặt ra câu hỏi: Khi chúng ta nhìn thấy ‘lúa’ và ‘cỏ lùng’ sống cạnh nhau trong thế gian, chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên phản ứng thế nào? Trong trình thuật này, các đầy tớ muốn gom cỏ lùng lại ngay lập tức (x. c.28). Thái độ này phát xuất từ ý hướng tốt lành, nhưng cũng khá bốc đồng và thậm chí hung hăng. Họ tự lừa dối mình khi nghĩ rằng mình có thể nhổ tận gốc điều xấu xa bằng sức lực của bản thân hầu làm cho mọi thứ trở nên trong sạch. Thật ra, chúng ta thường xuyên gặp cám dỗ kiếm tìm nhằm mang lại một ‘xã hội trong sạch’ hay một ‘Giáo Hội tinh tuyền’, nhưng trái lại, khi làm việc để đạt được sự trong sạch đó, chúng ta có nguy cơ trở nên nóng vội, không khoan nhượng, thậm chí bạo lực hướng đến những ai đã từng rơi vào sai lầm. Như vậy, chúng ta thu lượm lúa tốt cùng với cỏ lùng và cản ngăn người khác tiến về phía trước, không để họ lớn lên và thay đổi. Thay vào đó, chúng ta hãy lắng nghe những gì Đức Giêsu nói: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 30). Cái nhìn của Thiên Chúa cũng như cách Người dạy chúng ta về lòng thương xót thật tốt đẹp biết bao. Điều này mời gọi chúng ta trở nên kiên nhẫn với người khác, và – trong gia đình của chúng ta, trong Giáo Hội và trong xã hội – đón nhận sự yếu kém, sự chậm trễ và cả những giới hạn, không phải để chúng ta quen với chúng hay bào chữa cho chúng, nhưng là học cách hành động với sự tôn trọng, chăm sóc hạt lúa tốt cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Chúng ta phải nhớ rằng việc thanh tẩy tâm lòng và cuộc vinh thắng cuối cùng trên sự dữ về cơ bản là công việc của Thiên Chúa. Và chúng ta, một khi vượt qua cám dỗ chia tách lúa tốt khỏi cỏ lùng, được mời gọi hiểu ra đường lối và thời điểm tốt nhất để hành động.
Ở đây tôi nghĩ đến ông bà và người cao tuổi, những người đã trải qua một hành trình dài của cuộc đời. Nếu nhìn lại, họ thấy được những điều tốt đẹp mà mình ra công làm được. Tuy vậy, họ cũng nhận ra những khiếm khuyết, sai lầm, những điều mà – như họ tỏ bày – “nếu quay trở lại tôi sẽ không làm điều đó một lần nào nữa”. Nhưng mà hôm nay, Chúa ban cho chúng ta lời dịu dàng, mời gọi chúng ta đón nhận mầu nhiệm của cuộc sống với sự thanh thản và lòng kiên nhẫn, để mặc sự xét đoán cho Người, và không sống một cuộc đời đầy hối tiếc và ân hận. Như thể Đức Giêsu muốn nói với chúng ta: “Hãy nhìn vào hạt lúa tốt mọc lên trên đường đời của con và cứ để nó lớn lên, phó thác mọi sự cho Ta, vì Ta luôn luôn tha thứ: cuối cùng, điều tốt lành sẽ mạnh hơn cái xấu xa”. Tuổi già thực sự là một thời gian hồng phúc, vì nó là thời điểm để giao hòa, thời gian để nhìn kỹ hơn vào ánh sáng vốn luôn chiếu soi mặc cho bóng tối, vững tin vào niềm hy vọng rằng hạt lúa tốt được Thiên Chúa vãi gieo sẽ chiếm ưu thế trên cỏ lùng mà ma quỷ hằng mong muốn gây hại trong lòng chúng ta.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại dụ ngôn thứ hai. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Nước Trời là công trình của Thiên Chúa hoạt động cách âm thầm trong dòng lịch sử, đến mức dường như nhỏ bé và vô hình, như hạt cải bé nhỏ. Tuy thế, khi hạt giống này lớn lên, ‘nó lại là thứ rau lớn nhất và trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13, 32). Anh chị em quý mến, đời sống chúng ta cũng giống như thế, vì chúng ta rất bé bỏng khi bước vào thế giới; chúng ta trưởng thành, và rồi già đi. Ban đầu chúng ta tựa như hạt giống bé nhỏ; được dưỡng nuôi bởi niềm hy vọng, để rồi kế hoạch cùng ước mơ của chúng ta trở thành hiện thực, điều tốt đẹp nhất trong đó nên giống như cây không còn sống cho chính nó nhưng tỏa bóng cho hết những ai khát mong và mang đến không gian cho những ai ước muốn xây tổ ở đó. Vì thế, những gì lớn lên cùng nhau trong dụ ngôn này rồi ra cũng trở nên cây lớn và những chú chim nhỏ.
Đến đây tôi lại tưởng đến ông bà của chúng ta: những cây cao bóng cả này tốt đẹp làm sao, nơi ‘những nhánh cây’ của nó, con cháu dựng xây ‘tổ ấm’ của mình, học biết sự ấm áp của gia đình và cảm nghiệm sự dịu dàng nơi cái ôm hôn. Đây chính là sự lớn lên cùng nhau: cây xanh tươi và những người bé nhỏ cần một tổ ấm, ông bà với con cháu, người cao niên với người trẻ tuổi. Thưa anh chị em, chúng ta cần lắm một mối dây liên kết mới giữa già và trẻ, để nhựa sống của những người có được kinh nghiệm sống lâu năm sẽ nuôi dưỡng những chồi non hy vọng của những ai đang lớn lên. Trong cuộc trao đổi sinh hoa trái này, chúng ta có thể học biết được vẻ đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội đậm tình huynh đệ, và trong Giáo Hội có thể gặp gỡ nhau và đối thoại giữa truyền thống và sự mới mẻ của Thần Khí.
Sau cùng, ở dụ ngôn thứ ba, nơi nắm men và bột lớn lên cùng nhau (x. Mt 13, 33). Sự hòa trộn này làm cho tất cả bột dậy men. Chúa Giêsu sử dụng động từ “vùi”. Điều này gợi nhắc chúng ta về ‘nghệ thuật’ hay ‘huyền nhiệm’ của ‘việc sống cùng nhau, hòa nhập và đối thoại, nắm lấy và tương trợ lẫn nhau. Để bước ra khỏi chính mình và gặp gỡ người khác” (Evangelii Gaudium, 87). Đây là cách để vượt thắng chủ nghĩa cá nhân và thói ích kỷ, và xây dựng một thế giới thấm đượm tình huynh đệ và đầy tình nhân loại hơn. Quả thật, lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta trở nên thận trọng để chúng ta không gạt qua bên lề người già trong gia đình hay trong đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy cẩn thận, để những phố thị đông đúc không trở thành “những trung tâm của sự cô độc”; các nền chính trị, được kêu gọi đáp ứng nhu cầu của những người bé mọn, không bao giờ quên người già cũng như không cho phép thị trường xua đuổi họ như ‘một sự lãng phí vô ích”. Ước gì chúng ta không chạy theo những điều không tưởng về năng lực và hiệu suất ở tốc độ tối đa, kẻo chúng ta không thể chậm lại để bước đi cùng những người đang cố gắng đuổi theo chúng ta. Xin hãy hòa nhập và cùng nhau lớn lên.
Anh chị em thân mến, lời Chúa gọi mời chúng ta đừng chia rẽ chính mình, khép kín nơi bản thân hay nghĩ rằng chúng ta có thể làm một mình, nhưng hãy cùng nhau lớn lên. Hãy lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và trợ giúp lẫn nhau. Chúng ta đừng lãng quên ông bà hay người cao tuổi, vì chúng ta thường được đỡ nâng, được đưa về đúng hướng, cảm thấy được yêu thương và được chữa lành, tất cả chỉ nhờ sự âu yếm của họ. Các vị đó đã hy sinh vì chúng ta, và chúng ta không thể nào để họ rơi khỏi danh sách ưu tiên của chúng ta. Hãy cùng nhau lớn lên, cùng nhau tiến về phía trước. Xin Chúa chúc lành cho cuộc hành trình của chúng ta.
———————————————
Cồ Ngọc Hải chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Giới trẻ, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO