BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ PHONG THÁNH CHO CÁC CHÂN PHƯỚC SCALABRINI VÀ ZATTI : « ĐỪNG QUÊN TỪ KHÓA NÀY : CẢM ƠN ! »
Hôm Chúa Nhật 9/10/2022, Đức Phanxicô đã chủ tế thánh lễ phong thánh cho hai chân phước Giovanni Battista Scalabrini và Artemide Zatti trước sự diện diện của khoảng 50 000 tín hữu. Trong bài giảng của mình, ngài mời gọi các Kitô hữu đến lòng biết ơn, bước đi cùng nhau. Đặc biệt ngài tuyên bố : « Loại trừ người di cư là tội phạm ».
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Đang khi Chúa Giêsu đi đường, mười người phong hủi đến gặp Ngài và kêu lên : « Xin thương xót chúng tôi » (Lc 17, 13). Mười người được chữa lành, nhưng chỉ một người trong họ trở lại để cảm ơn Chúa Giêsu : đó là một người Samari, một loại lạc giáo đối với người Do Thái. Lúc đầu, họ bước đi cùng nhau, nhưng rồi người Samari này cho thấy sự khác biệt khi quay trở lại « lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa » (c. 15). Chúng ta hãy dựng lại hai khía cạnh mà chúng ta có thể nhận được từ bài Tin Mừng hôm nay : bước đi cùng nhau và tạ ơn.
Trước tiên, bước đi cùng nhau. Lúc bắt đầu trình thuật, không có sự khác biệt nào giữa người Samari và chín người khác. Người ta chỉ nói đến mười người phong hủi, tạo thành một nhóm và, không phân chia, đi gặp Chúa Giêsu. Bệnh phong, như chúng ta biết, không chỉ là một tai họa thể lý – mà ngày nay chúng ta vẫn còn phải cố gắng xóa bỏ – nhưng còn là một « căn bệnh xã hội », vì vào thời đó, do sợ lây nhiễm, người phong hủi phải ở bên ngoài cộng đoàn (x. Lc 13, 46). Do đó, họ không thể vào các trung tâm sinh sống, họ bị xa lánh, bị dồn vào bên lề của đời sống xã hội và ngay cả tôn giáo, bị cô lập. Bước đi cùng nhau, những người phong hủi này diễn tả sự thất vọng của họ trước một xã hội loại trừ họ. Và chúng ta hãy lưu ý kỹ : người Samari, ngay cả khi bị coi là một kẻ lạc giáo, một « kẻ ngoại bang », làm thành một nhóm với những người khác. Thưa anh chị em, bệnh tật và sự mong manh chung phá bỏ những rào cản và vượt qua mọi sự loại trừ.
Đó cũng là một hình ảnh đẹp đối với chúng ta : nếu chúng ta trung thực với chính mình, thì chúng ta nhớ rằng tất cả chúng ta đều bệnh tật trong tâm hồn, chúng ta hết thảy đều là tội nhân, tất cả cần đến lòng thương xót của Chúa Cha. Và như thế, chúng ta ngừng phân chia dựa trên công trạng, vai trò mà chúng ta thực hiện hay bất kỳ khía cạnh bên ngoài nào khác của cuộc sống, rồi những bức tường bên trong sụp đổ, những định kiến sụp đổ. Như thế, cuối cùng, chúng ta khám phá lại chính mình là anh em. Naaman người Syri cũng vậy – bài đọc thứ nhất nhắc nhở chúng ta – dù giàu có và quyền lực, nhưng để được chữa lành, ông đã phải làm một điều đơn giản : dìm mình xuống dòng sông mà tất cả những người khác đang tắm. Trước tiên, ông phải cởi bỏ áo giáp, quần áo của mình (x. 2 V 5) : thật tốt cho chúng ta khi cởi bỏ lớp áo giáp bên ngoài của mình, lớp rào cản phòng thủ của mình, và tắm trong sự khiêm tốn, bằng cách nhớ rằng tất cả chúng ta bên trong đều mong manh, chúng ta hết thảy đều cần được chữa lành, tất cả anh em. Chúng ta hãy nhớ điều này : đức tin Kitô giáo luôn đòi hỏi chúng ta bước đi cùng nhau với người khác, không bao giờ trở thành người bước đi cô độc ; nó luôn mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình để hướng về Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta, không bao giờ khép kín nơi chính mình ; nó luôn yêu cầu chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta cần được chữa lành và tha thứ, và chia sẻ sự mong manh yếu hèn của những người xung quanh chúng ta, mà không cảm thấy mình trỗi vượt hơn.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy xác minh xem trong cuộc sống của mình, trong gia đình mình, trong những nơi chúng ta làm việc và lui tới hằng ngày, chúng ta có khả năng bước đi cùng nhau với người khác không, chúng ta có khả năng lắng nghe, vượt qua sự cám dỗ ngăn chặn bản thân trong sự tự quy chiếu bản thân và chỉ nghĩ đến nhu cầu của chúng ta không. Nhưng bước đi cùng nhau – nghĩa là « hiệp hành » – đó cũng là ơn gọi của Giáo hội. Chúng ta hãy tự hỏi trong chừng mực nào chúng ta thực sự là những cộng đoàn cởi mở và hòa nhập đối với mọi người ; liệu chúng ta có khả năng làm việc cùng nhau, linh mục và giáo dân, để phục vụ Tin Mừng không ; liệu chúng ta có thái độ đón tiếp – không chỉ bằng từ ngữ nhưng còn những cử chỉ cụ thể – đối với những người ở xa và tất cả những người đến gần chúng ta, không cảm thấy thích thú vì cuộc sống bận rộn của họ không. Chúng có có làm cho họ cảm thấy họ là một phần của cộng đoàn hay chúng ta loại trừ họ ? Tôi sợ hãi khi thấy các cộng đoàn Kitô hữu phân chia thế giới giữa người tốt và người xấu, giữa thánh nhân và tội nhân : chính như thế mà chúng ta cuối cùng cảm thấy mình tốt hơn những người khác và loại trừ nhiều người trong số những người mà Thiên Chúa muốn ôm ấp. Xin hãy luôn hội nhập, trong Giáo hội cũng như trong xã hội, đang còn bị ghi dấu bởi rất nhiều bất bình đẳng và những cuộc gạt sang bên lề xã hội. Hội nhập tất cả mọi người. Và hôm nay, ngày mà Scalabrini trở thành một vị thánh, tôi muốn nghĩ đến người di cư. Loại trừ người di cư là một tai tiếng ! Trên thực tế, loại trừ người di cư là tội phạm, nó khiến họ chết trước mắt chúng ta. Và như thế, ngày nay chúng ta có Địa Trung Hải là nghĩa trang lớn nhất trên thế giới. Loại trừ người di cư là đáng kinh tởm, nó là phi luân, nó là tội phạm. Không mở cửa cho những người túng quẫn. « Không, chúng ta không loại trừ họ, chúng ta gởi trả lại họ » : trong các trại, nơi họ bị bóc lột và bán đi như nô lệ. Thưa anh chị em, hôm nay, chúng ta hãy nghĩ về những người di cư của mình, về những người đang chết. Và những người có thể vào, chúgn ta có đón nhận họ như anh chị em hay chúng ta bóc lột họ ? Tôi chỉ để lại câu hỏi.
Khía cạnh thứ hai là tạ ơn. Trong nhóm mười người phong hủi, chỉ có một người duy nhất, khi thấy mình được chữa lành, đã quay trở lại ca ngợi Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu. Chín người kia được chữa lành, nhưng sau đó mỗi người đi theo đường của mình, quên đi Đấng đã chữa lành họ. Quên đi ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Trái lại, người Samari biến quà tặng mà mình nhận được thành khởi đầu của một hành trình mới : ông quay trở lại hướng đến Đấng đã chữa lành mình, ông đi để biết Chúa Giêsu cách sâu xa hơn, ông bắt đầu một mối tương quan với Ngài. Thái độ biết ơn của ông do đó không phải chỉ là một cử chỉ lịch thiệp, nhưng là khởi đầu của một hành trình nhìn nhận : ông sấp mình dưới chân Chúa Kitô (x. lc 17, 16), nghĩa là ông làm một cử chỉ thờ lạy ; ông nhìn nhận rằng Chúa Giêsu là Chúa, và Ngài quan trọng hơn việc chữa lành nhận được.
Và thưa anh chị em, đó cũng là một bài học to lớn cho chúng ta, những người hằng ngay hưởng được những ân huệ của Thiên Chúa, nhưng lại thường đi theo con đường riêng của mình, quên vun trồng một mối tương quan sống động thực sự với Ngài. Đó là một căn bệnh tâm linh tồi tệ : coi mọi thứ là thành quả, ngay cả đức tin, ngay cả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, đến độ trở thành những Kitô hữu không biết ngạc nhiên, không còn biết nói lời « cảm ơn » nữa, không tỏ lòng biết ơn, không biết nhìn thấy những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. « Những Kitô hữu nhạt nhẽo », như một phụ nữ mà tôi biết hay nói. Chính như thế mà chúng ta cuối cùng nghĩ rằng tất cả những gì chúng ta đón nhận mỗi ngày là hiển nhiên và nợ phải trả. Trái lại, lòng biết ơn, việc biết nói lời « cảm ơn », dẫn chúng ta đến chỗ khẳng định sự hiện diện của Thiên Chúa – Tình Yêu. Và cũng để nhận ra tầm quan trọng của người khác, bằng cách vượt qua sự bất mãn và sự dửng dưng khiến tâm hồn trở nên xấu xí. Thật căn bản khi biết tạ ơn. Mỗi ngày, nói cảm ơn Chúa, mỗi ngày, biết cảm ơn nhau : trong gia đình, về những điều nhỏ nhặt mà đôi khi chúng ta nhận được mà không hề tự hỏi bản thân chúng đến từ đâu ; trong những nơi mà chúng ta thường ngày lui tới, về nhiều dịch vụ mà chúng ta hưởng được và về những người nâng đỡ chúng ta ; trong các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta, về tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm qua sự gần gũi của anh chị em, những người thường trong thinh lặng, cầu nguyện, dâng hiến, đau khổ, bước đi với chúng ta. Xin đừng quên từ khóa này : cảm ơn ! Đừng quên lắng nghe và nói lời « cảm ơn » !
Hai vị thánh được phong thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bước đi cùng nhau và biết tạ ơn. Đức Giám mục Scalabrini, người đã thành lập hai Hội dòng chăm sóc người di cư, một nam và một nữ, đã khẳng định rằng trong hành trình chung của những người di cư, không được chỉ nhìn thấy các vấn đề, nhưng còn là một kế hoạch của Chúa Quan Phòng : ngài nói : « Chính vì những cuộc di cư bị ép buộc bởi các cuộc bách hại mà Giáo hội đã vượt ra khỏi biến giới của Giêrusalem và Israel và đã trở thành « Công giáo » : nhờ những cuộc di cư ngày nay, Giáo hội sẽ là một công cụ của hòa bình và hiệp thông giữa các dân tộc » (L’emigrazione degli operai italiani, Ferrara 1899). Hiện nay, có một cuộc di cư ở châu Âu, khiến chúng ta đau khổ rất nhiều và thúc đẩy chúng ta mở rộng tâm hồn của mình : cuộc di cư của người Ucraina đang chạy trốn chiến tranh. Hôm nay, đừng quên Ucraina bị giết chết ! Đức cha Scalabrini đã nhìn xa hơn, ngài nhìn về phía trước, hướng đến một thế giới và một Giáo hội không rào cản, không có người xa lạ. Về phần mình, Artemide Zatti, tu huynh dòng Salêdiêng, với chiếc xe đạp của mình, đã là một tấm gương sống động của lòng biết ơn : được chữa lành khỏi bệnh lao, ngài đã dành cả cuộc đời mình để làm thỏa lòng người khác, chăm sóc các bệnh nhân bằng tình yêu thương và sự dịu dàng. Người ta nói rằng ngài đã được nhìn thấy khi mang xác chết của một trong các bệnh nhân của mình trên vai. Đầy lòng biết ơn đối với những gì mình đã nhận được, ngài đã muốn nói lời « cảm ơn » bằng cách tự gánh lấy vết thương của người khác. Hai mẫu gương.
Chúng ta hãy cầu nguyện để các người anh em thánh thiện của chúgn ta giúp chúng ta bước đi cùng nhau, không có bức tường ngăn cách, và vun trồng tầm hồn cao thượng này vốn rất đẹp lòng Thiên Chúa, đó là lòng biết ơn.
—————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Angelus, các thánh-nhân vật, Di dân, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG