BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TẠI SÂN VẬN ĐỘNG GSP, NICOSIE (SÍP) : CHÚA GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG CHIẾU SOI ĐÊM TỐI TÂM HỒN VÀ THẾ GIỚI
Trong bài giảng thánh lễ hôm 3/12/2021, tại sân vận đồng GSP, ở Nicosie, trước khoảng 10.000 người, Đức Thánh Cha đã mời gọi các Kitô hữu « dừng lại ở ba giai đoạn của cuộc gặp gỡ » với Chúa Giêsu để sống tâm tình Mùa Vọng. Giai đoạn « đến với Chúa Giêsu để được chữa lành », vì « Ngài là ánh sáng soi chiếu đêm tối tâm hồn và thế giới ».
Tuy nhiên, việc chữa lành này cũng ngang qua hai giai đoạn khác là « cùng nhau gánh vác những vết thương », vì « nếu chúng ta cứ chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ cho chính mình hay nhóm của mình, nếu chúng ta không tập hợp lại, chúng ta không đối thoại, chúng ta không bước đi cùng nhau, thì như thế chúng ta sẽ không thể chữa lành cách trọn vẹn sự mù lòa của chúng ta. », và giai đoạn ra đi « loan báo Tin Mừng với niềm vui » : « Hãy đi ra để mang lại ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận, hãy đi ra để soi sáng đêm đen đang thường xuyên vây quanh chúng ta ! … có nhu cầu về những Kitô hữu được soi sáng nhưng nhất là chiếu sáng, dịu dàng chạm đến sự mù lòa của anh chị em mình và, bằng những cử chỉ và lời nói an ủi, thắp lên những anh sáng hy vọng trong bóng tối ».
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù kêu lên với Ngài về nỗi khốn khổ và hy vọng của họ : « Lạy Con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi ! » (Mt 9, 27). « Con vua Đavít » là một tước hiệu được gán cho Đấng Mêsia, mà các lời ngôn sứ đã loan báo thuộc về dòng dõi vua Đavít. Hai nhân vật chính của Tin Mừng hôm nay là những người mù. Tuy nhiên, họ thấy những gì là quan trọng nhất : họ nhận ra nơi Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đến trong thế gian. Chúng ta dừng lại ở ba giai đoạn của cuộc gặp gỡ này. Họ có thể giúp chúng ta, trên hành trình Mùa Vọng của chúng ta, đến lượt chúng ta đón nhận Chúa đang đến, Chúa đang đi ngang qua.
Giai đoạn thứ nhất : đến với Chúa Giêsu để được chữa lành. Bản văn nói rằng hai người mù đã kêu lên Chúa khi họ đi theo Ngài (x. c.27). Họ không thấy nhưng họ nghe tiếng Ngài và bước theo Ngài. Họ tìm kiếm nơi Chúa Kitô những gì các ngôn sứ đã từng loan báo, tức là những dấu chỉ chữa lành và trắc ẩn của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Isaia đã viết về vấn đề này : « Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra » (35, 5). Và một lời ngôn sứ khác, trong bài học thứ nhất hôm nay : « Mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy » (29, 18). Hai nhân vật trong Tin Mừng tin tưởng vào Chúa Giêsu và bước theo Ngài, tìm kiếm ánh sáng cho đôi mắt của họ.
Thưa anh chị em, và tại sao hai người này tin tưởng vào Chúa Giêsu ? Bởi vì họ nhận ra rằng, trong bóng tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng soi chiếu đêm tối tâm hồn và thế giới, chiến thắng bóng tối và vượt trên mọi sự mù lòa. Chúng ta cũng biết rõ : chúng ta có những sự mù lòa trong tâm hồn chúng ta. Như hai người mù, chúng ta cũng là những người lữ hành, thường chìm đắm trong bóng tối của cuộc đời. Điều đầu tiên cần phải làm là đến với Chúa Giêsu, như chính Ngài đã yêu cầu : « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng » (Mt 11, 28). Trong chúng ta, có ai không bị mệt mỏi và đè nặng cách này hay cách khác ? Tất cả mọi người. Thế nhưng, chúng ta kháng cự lại việc đến với Chúa Giêsu. Rất thường chúng ta thích khép kín nơi chính mình hơn, ở lại một mình trong bóng tối của chúng ta, khóc cho bản thân chúng ta, bằng cách chấp nhận sự bầu bạn xấu xa của sự buồn chán. Chúa Giêsu là bác sĩ : chỉ một mình Ngài, là sánh sáng đích thực soi sáng mọi người (x. Ga 1, 9), Ngài ban cho chúng ta ánh sáng, sự ấm áp và tình yêu dồi dào. Chỉ mình Ngài mới giải thoát tâm hồn khỏi sự dữ. Chúng ta hãy tự hỏi : tôi có khép kín trong bóng tối u sầu làm cạn kiệt nguồn vui, hay tôi đến với Chúa Giêsu và mang cuộc sống của tôi đến với Ngài ? Tôi có bước theo Chúa Giêsu, tôi có « theo đuổi » Ngài, tôi có kêu lên Ngài về những nhu cầu của tôi, tôi có thổ lộ cho Ngài nỗi cay đắng của tôi không ? Hãy làm điều đó, hãy trao cho Chúa Giêsu khả năng chữa lành tâm hồn chúng ta. Đó là giai đoạn đầu tiên, nhưng việc chữa lành tâm hồn đòi hỏi hai giai đoạn khác.
Giai đoạn thứ hai là cùng nhau gánh vác những vết thương. Trong trình thuật Tin Mừng này, đó không phải là việc chữa lạnh một người mù duy nhất, chẳng hạn như trường hợp anh Bartimê (x. Mc 10, 46-52) hay người mù khi mới sinh (x. Ga 9, 1-41). Ở đây, có hai người mù. Họ cùng nhau trên con đường. Họ cùng nhau chia sẻ nỗi đau khổ của thân phận mình, họ cùng nhau khao khát một ánh sáng có thể tỏa sáng tâm hồn khỏi đêm tối của mình. Bản văn mà chúng ta đã nghe luôn ở số nhiều, bởi vì cả hai làm mọi sự cùng nhau : cả hai đi theo Chúa Giêsu, cả hai kêu lên Ngài và xin chữa lành. Không phải mỗi người cho riêng mình, nhưng cùng nhau. Thật ý nghĩa khi họ nói với Chúa Kitô : « Xin thương xót chúng tôi ». Họ dùng từ « chúng tôi », họ không nói « tôi ». Không ai nghĩ đến sự mù lòa của riêng mình, nhưng họ cùng nhau xin giúp đỡ. Đó là dấu hiệu hùng hồn của đời sống Kitô hữu, đó là nét riêng biệt của tinh thần Giáo hội : suy nghĩ, nói và hành động như một « chúng ta », rời bỏ chủ nghĩa cá nhân và tham vọng tự mãn vốn làm cho tâm hồn bệnh hoạn.
Khi chia sẻ nỗi đau khổ và tình bạn huynh đệ của họ, hai người mù này đã dạy cho chúng ta nhiều điều. Mỗi người cách nào đó đều mù lòa do tội lỗi ngăn cản chúng ta « nhìn thấy » Thiên Chúa như là Cha của chúng ta và tha nhân như là anh chị em của chúng ta. Đó là những gì tội lỗi đang làm, nó làm méo mó thực tại : nó làm cho chúng ta thấy Thiên Chúa như là ông chủ và tha nhân như là vấn đề. Công việc của kẻ cám dỗ là bóp méo mọi sự và có khynh hướng cho chúng ta thấy chúng theo cách tiêu cực để ném chúng ta vào sự nản lòng và cay đắng. Và nỗi buồn chán tồi tệ, vốn nguy hiểm và không đến từ Thiên Chúa, được ẩn giấu trong sự cô đơn. Vì thế, không thể một mình đương đầu với bóng tối. Nếu chúng ta mang sự mù lòa tâm hồn của chúng ta một mình, thì chúng ta có nguy cơ bị đánh bại. Chúng ta phải đứng vững bên cạnh nhau, chia sẻ những vết thương của chúng ta, cùng nhau bước đi trên con đường.
Anh chị em thân mến, đối diện với những bóng tối và thách đố mà chúng ta đang đương đầu trong Giáo hội và xã hội, chúng ta được mời gọi làm mới lại tình huynh đệ. Nếu chúng ta cứ chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ cho chính mình hay nhóm của mình, nếu chúng ta không tập hợp lại, chúng ta không đối thoại, chúng ta không bước đi cùng nhau, thì như thế chúng ta sẽ không thể chữa lành cách trọn vẹn sự mù lòa của chúng ta. Việc chữa lành được diễn ra khi chúng ta cùng nhau gánh vác các vết thương của mình, khi chúng ta cùng nhau đối diện với các vấn đề của mình, khi chúng ta lắng nghe nhau và nói với nhau. Đó là ơn sống trong cộng đoàn, hiểu giá trị của việc sống cùng nhau, trở nên một cộng đoàn. Tôi cầu xin ơn đó cho anh chị em : ước gì anh chị em có thể luôn sống cùng nhau, luôn hiệp nhất ; và như thế tiến về phía trước cách vui tươi : những anh chị em Kitô hữu, những người con của một Cha duy nhất. Và tôi cũng cầu xin điều đó cho tôi.
Và đây là giai đoạn thứ ba : loan báo Tin Mừng với niềm vui. Sau khi cùng nhau được Chúa Giêsu chữa lành, hai nhân vật chính vô danh của Tin Mừng, mà chúng ta có thể thấy mình nơi họ, bắt đầu loan tin đó trong khắp vùng, họ nói về tin đó khắp nơi. Ở đây có một sự trớ trêu nào đó : Chúa Giêsu đã truyền cho họ đừng nói với ai, nhưng họ hoàn toàn làm ngược lại (x. Mt 9, 30-31). Thế nhưng, từ trình thuật này rõ ràng ý định của họ không phải là bất tuân lệnh Chúa. Đơn giản họ không thể kìm chế sự phấn khích đã được chữa lành của mình, niềm vui về những gì họ đã trải qua trong cuộc gặp gỡ với Ngài. Và đây là một dấu hiệu đặc trưng khác của người Kitô hữu : niềm vui của Tin Mừng, một niềm vui không thể cưỡng lại được vốn « đổ đầy tâm hồn và toàn thể cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu » (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1), niềm vui của Tin Mừng giải thoát khỏi nguy cơ về một đức tin sợ hãi, nghiêm khắc và than vãn, và nó dẫn đến sự năng động của chứng tá.
Các bạn thân mến, thật phấn khởi khi gặp các bạn và ghi nhận rằng các bạn đang sống vui tươi lời loan báo giải thoát của Tin Mừng. Tôi cảm ơn các bạn về điều đó. Đây không phải là việc chiêu dụ tín đồ – xin đừng chiêu dụ tín đồ -, nhưng là chứng tá ; không phải là chủ nghĩa đạo đức xét đoán – đừng như thế -, nhưng là lòng thương xót ôm lấy ; không phải là việc phụng tự bên ngoài, nhưng là tình yêu được sống. Tôi khuyến khích anh chị em theo đuổi con đường này : như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta cũng làm mới lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và hãy ra khỏi chính chúng ta mà không sợ hãi để làm chứng cho Ngài trước mặt mọi người chúng ta gặp gỡ ! Hãy đi ra để mang lại ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận, hãy đi ra để soi sáng đêm đen đang thường xuyên vây quanh chúng ta ! Thưa anh chị em, có nhu cầu về những Kitô hữu được soi sáng nhưng nhất là chiếu sáng, dịu dàng chạm đến sự mù lòa của anh chị em mình và, bằng những cử chỉ và lời nói an ủi, thắp lên những anh sáng hy vọng trong bóng tối. Những Kitô hữu gieo hạt giống Tin Mừng trên những cánh đồng khô cằn của cuộc sống hàng ngày, mang lại sự âu yếm trong những nỗi cô đơn của đau khổ và nghèo đói.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đang đi qua, Ngài cũng đang đi qua những nẻo đường của Síp, Ngài lắng nghe tiếng kêu về nỗi mù lòa của chúng ta, Ngài muốn chạm đến mắt chúng ta, Ngài muốn chạm đến tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta đến với ánh sáng, làm cho chúng ta tái sinh, nâng dậy chúng ta từ bên trong : Đó là những gì Chúa Giêsu làm. Và Ngài đặt cho chúng ta chính câu hỏi mà Ngài đã đặt ra cho những người mù này : « Các anh có tin rằng tôi có thể làm được điều đó không ? » (Mt 9, 28). Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu có thể làm được điều đó không ? Hãy làm mới lại sự tín thác của chúng ta vào Ngài ! Chúng ta hãy nói với Ngài : Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng ánh sáng của Chúa lớn hơn mọi bóng tối của chúng con ; chúng con tin rằng Chúa có thể chữa lành chúng con, Chúa có thể làm mới lại tình huynh đệ của chúng con, Chúa có thể gia tăng niềm vui của chúng con ; và với toàn thể Giáo hội tất cả chúng con cùng nhau cầu xin Chúa : Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến ! [tất cả lặp lại : Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến !] Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến ! [tất cả : Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến !] Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến ! [tất cả : Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến !]
————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE