BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TẠI SÂN VẬN ĐỘNG KING BAUDOUIN, BỈ
Trong bài giảng kết thúc chuyến tông du Bỉ trong thánh lễ hôm Chúa Nhật 29/9/2024, Đức Phanxicô đã quay trở lại vấn đề nhức nhối về lạm dụng tình dục và cho rằng “trong Giáo hội, có chỗ cho tất cả mọi người, nhưng tất cả mọi người đều sẽ bị phán xét”. Ngài cũng đề cao lối sống của nữ tu mới được phong chân phước, Anne de Jésus, như một mẫu mực về “sự thánh thiện nữ tính”.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42). Với những lời này, hướng đến các môn đệ, Đức Giê-su cảnh báo về mối nguy hiểm của sự bê bối, vốn cản lối và làm tổn thương cuộc sống của ‘những người bé mọn’. Đó là lời cảnh báo nghiêm khắc kêu gọi chúng ta dừng lại và suy ngẫm. Tôi muốn thực hiện điều này với anh chị em, dưới ánh sáng của các Bản văn Thánh Kinh khác, bằng cách nhìn vào ba từ khoá: sự cởi mở, hiệp thông và làm chứng.
Chúng ta hãy bắt đầu với sự cởi mở. Cả bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng đều nói về hoạt động tự do của Chúa Thánh Thần. Trong tường thuật đầu tiên, Thần Khí ban tặng ơn tiên tri không chỉ trên các kỳ mục quy tụ quanh ông Mô-sê tại lều hội ngộ, nhưng còn trên hai người đang còn ở trong trại.
Biến cố trên gợi hướng chúng ta suy tư. Thoạt tiên, sự vắng mặt của hai người khỏi nhóm được tuyển chọn là cớ gây nên sự gièm pha. Tuy nhiên, sau khi Thần Khí ngự xuống trên họ, việc ngăn cấm hai người này khỏi việc thi hành sứ mạng mà họ thực ra đã nhận được quả là điều đáng hổ thẹn. Mô-sê, một người khôn ngoan và khiêm tốn, hiểu được điều này, và đáp lại với một trí lòng rộng mở: “Anh ghen dùm tôi à ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ” (Ds 11, 29). Thật là một sự thấu hiểu tuyệt vời!
Những lời đầy khôn ngoan này tiên báo những gì Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng (x. Mc 9, 38-43, 45, 47-48). Chúng ta thấy các môn đệ ở Ca-phác-na-um đang ngăn cấm một người đàn ông đuổi trừ quỷ dữ nhân danh Thầy bởi vì – theo các ông – “người đó không theo chúng ta” (Mc 9, 38), nghĩa là ‘anh ta không phải là một phần trong nhóm chúng ta’. Các ông viện lý theo những lời này: “Ai không theo chúng ta, ai không phải là ‘một người trong chúng ta’ thì không thể thực hiện những phép lạ vì người ấy không có quyền làm như vậy”. Đức Giê-su luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên. Ngài gây ngạc nhiên và khiển trách các môn đệ, đồng thời mời gọi họ nhìn xa hơn cách hiểu của mình về mọi sự; Ngài mời gọi các ông đừng bị “vấp phạm” bởi sự tự do của Thiên Chúa. Ngài nói với họ: “Đừng ngăn cản người ta, …. ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 39-40).
Chúng ta phải cẩn thận lưu ý đến cả hai trình thuật, về ông Mô-sê cũng như về Đức Giê-su bởi vì chúng áp dụng cho chúng ta và đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Thật vậy, nhờ hiệu quả của Bí tích Rửa tội, hết thảy chúng ta đã nhận được một sứ mạng trong Giáo Hội. Sứ mạng này là một ân ban và không phải là lý do để tự kiêu. Cộng đoàn những người tin chẳng phải là nhóm một ít người được ưu ái được tuyển chọn; cộng đoàn ấy là gia đình những người được cứu độ. Chúng ta đã được sai đi vào thế gian để loan báo Tin Mừng không dựa trên công trạng riêng của mỗi người, nhưng bởi ân sủng của Thiên Chúa. Dẫu cho những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót và lòng trung tín của Người, như một người Cha đầy tình thương yêu nhìn thấy nơi con cái mình những gì tự chúng không thể hiểu thấu. Vì thế Người kêu gọi và sai chúng ta đi, kiên nhẫn đồng hành với chúng ta từng ngày.
Nếu chúng ta mong muốn cộng tác một cách đầy yêu thương và chú tâm với hành động tự do của Chúa Thánh Thần mà không trở thành nguồn cơn tai tiếng hoặc chướng ngại cho những người xung quanh, do bởi tính kiêu ngạo hoặc cứng nhắc của bản thân, thì chúng ta phải thực thi sứ mạng với lòng khiêm nhường, biết ơn và niềm vui. Chúng ta không oán giận người khác vì có thể làm được điều chúng ta làm, nhưng hãy vui mừng vì vương quốc của Thiên Chúa nhờ đó được thúc bách lớn lên cho đến ngày chúng ta được liên kết trong vòng tay của Chúa Cha.
Điều này đưa chúng ta đến từ kế tiếp: hiệp thông. Thánh Gia-cô-bê nói về điều này trong bài đọc thứ hai (x. Gc 5, 1-6) sử dụng hai hình ảnh đầy sinh động: của cải ra hư nát (x. c-3) và tiếng kêu trách của những thợ gặt đã thấu đến tai Chúa (x. c-4). Ngài nhắn nhủ chúng ta rằng con đường duy nhất dẫn đến sự sống chính là con đường của sự tự hiến, của tình yêu vốn liên kết qua việc trao ban chính mình. Con đường của tính ích kỷ tạo ra sự khép kín, những bức tường và cả những chướng ngại – chúng ta gọi chúng là ‘những bê bối’ – vốn trói buộc chúng ta vào những thứ vật chất và chia tách chúng ta khỏi Thiên Chúa cũng như khỏi anh chị em của mình.
Thói ích kỷ, giống như mọi thứ cản trở lòng bác ái, thật ‘tệ hại’ bởi nó đè bẹp những người bé mọn. Thói xấu hạ nhục phẩm giá con người và dập tắt tiếng kêu than của những kẻ ưu phiền (x. Tv 9, 12). Đây là một vấn nạn vào thời thánh Phao-lô và vẫn còn cho đến ngày nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt tư lợi và tâm lý thị trường như những nền tảng độc nhất cho cộng đồng và cá nhân (x. Evangelii Gaudium, 54-58)? Sẽ chẳng còn chỗ cho những người nghèo khổ, cũng chẳng còn lòng xót thương cho những ai lỗi phạm, không còn lòng trắc ẩn cho những ai đau khổ và không thể tiến bước về phía trước trong cuộc sống. Những điều đó sẽ chẳng thể nào được đối với họ. Chúng ta hãy nghĩ về những gì xảy ra với ‘những người bé mọn’ bị vấp phạm, chịu tổn thương, bị lạm dụng bởi những người lẽ ra nên chăm sóc họ. Chúng ta hãy nghĩ đến những vết thương đớn đau và sự bất lực mà cách riêng các nạn nhân cảm thấy, cũng như nơi gia đình và cộng đồng của họ. Với cả trí lòng, tôi nghĩ về câu chuyện của một vài trong số ‘những người bé mọn’ mà tôi đã gặp gỡ vào hôm trước. Tôi lắng nghe họ. Tôi cảm nhận nỗi khổ đau của họ bắt nguồn từ sự lạm dụng. Tôi muốn lặp lại ở đây: vẫn luôn có chỗ cho mọi người, tất cả mọi người trong Giáo Hội nhưng hết thảy chúng ta đều sẽ bị phán xét. Chẳng có chỗ cho sự lạm dụng. Chẳng có chỗ cho việc che đậy sự lạm dụng. Tôi khẩn nài mọi người: đừng che đậy tội lạm dụng! Tôi xin các Giám mục: đừng che đậy tội lạm dụng. Hãy buộc những kẻ lạm dụng phải chịu trách nhiệm nhưng cũng giúp họ vượt qua căn bệnh này. Chúng ta không nên bao che những điều tồi tệ đã xảy ra. Chúng phải được mang ra ánh sáng để chúng ta biết về chúng. Một số người bị lạm dụng đã làm điều này với lòng can đảm. Chúng ta phải biết về nó. Những kẻ lạm dụng phải buộc chịu trách nhiệm bất kể địa vị của họ: người bình thường, linh mục hay Giám mục. Họ phải buộc chịu trách nhiệm.
Lời Chúa thật rõ ràng. Tiếng kêu trách của những thợ gặt và tiếng than khóc của kẻ ưu phiền không thể bị phớt lờ. Chúng ta không thể đơn giản xoá bỏ chúng, như thể những điều đó là nốt nhạc chói tai trong một buổi hoà nhạc tuyệt hay được trình diễn trong một thế giới hoàn mỹ. Chúng ta chẳng thể kìm hãm được những tiếng kêu than qua những nỗ lực trợ giúp xã hội hời hợt. Chúng là tiếng nói sống động của Thần Khí bởi nhắc nhớ chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là những tội nhân yếu hèn – tôi là người đầu tiên trong số họ. Những ai đã bị lạm dụng đều là tiếng kêu thấu trời, tiếng kêu than chạm đến tâm hồn của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy hổ thẹn trong khi mời gọi chúng ta hoán cải. Chúng ta không được bóp nghẹt tiếng nói mang tính ngôn sứ này hay bắt nó phải im tiếng bởi sự lãnh đạm của chúng ta. Từng người hãy lắng nghe những gì Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng: hãy lui lại đằng sau Ta, hỡi những con mắt đầy tai tiếng nhìn thấy kẻ túng nghèo và quay đi! Hãy lui lại đằng sau Ta, hỡi những bàn tay đầy tai tiếng nắm chặt lại để giấu đi những kho tàng của các người và cất giấu chúng trong túi của mình! Bà của tôi luôn nói rằng: “Ma quỷ lẻn vào qua những cái túi”. Cũng như thế đối với những bàn tay dính vào việc lạm dụng tính dục, lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm chống lại những người yếu đuối hơn. Có biết bao nhiêu trường hợp lạm dụng xảy ra trong lịch sử, trong xã hội của chúng ta! Hãy lui lại đằng sau Ta, đôi bàn chân đầy tai tiếng bỏ chạy thật nhanh, không xích lại gần những ai đau khổ, nhưng né tránh và xa lánh họ! Chúng ta phải bỏ lại não trạng này phía sau! Chẳng có gì tốt đẹp hay vững chắc có thể được dựng xây trên điều đó! Vẫn còn một vấn đề mà tôi muốn hỏi mọi người: “Anh chị em có làm việc bố thí không?” – “Vâng, thưa Cha, có” – “Vậy hãy cho tôi biết, khi anh chị em bố thí, anh chị em có chạm đến bàn tay của người túng nghèo không hay chỉ quẳng cho họ và giữ khoảng cách? Anh chị em có nhìn vào đôi mắt của những người đang chịu khổ đau không?” Chúng ta hãy nghĩ về điều này.
Nếu chúng ta muốn gieo hạt mầm cho tương lại, cũng như để tâm đến những vấn đề xã hội lẫn kinh tế, thì sẽ thật ích lợi cho chúng ta để đặt Tin Mừng của lòng thương xót làm nền tảng nơi những chọn lựa của mình. Chúa Giê-su giàu lòng xót thương. Hết thảy chúng ta là những người được hưởng lòng thương xót của Ngài. Bằng không, những công trình sang trọng của chúng ta, tuy có vẻ hùng vĩ, sẽ chẳng khác gì những gã khổng lồ với bàn chân đất sét (x. Đn 2, 31-45). Chúng ta đừng lừa dối chính mình: không có tình yêu, chẳng có gì tồn tại. Mọi sự tiêu tan và sụp đổ, chúng ta bị bỏ lại như những tù nhân của một cuộc sống vô nghĩa, trống rỗng và chóng qua trong một thế giới giả nhân giả nghĩa. Chẳng còn sự tin cậy nào mặc cho vẻ bề ngoài của nó. Vì sao vậy? Bởi nó đã xúc phạm đến những người bé mọn.
Điều đó dẫn chúng ta đến từ thứ ba: làm chứng. Lịch sử của Giáo Hội Bỉ thật phong phú nơi những mẫu gương về sự thánh thiện. Chúng ta hãy xem thánh Gudula, vị thánh bảo trợ của đất nước này (650-712 ca), thánh Guy Anderlecht, người hành hương và là bạn của người nghèo (+1012), thánh Damien de Veuster, được biết đến như Damien Molokai, vị tông đồ của người phong (1840-1889), và nhiều nhà thừa sai người Bỉ đã loan báo Tin Mừng tại nhiều nơi khác trên thế giới qua hàng thế kỷ, đôi khi đến mức hy sinh mạng sống mình.
Chứng tá của nữ tu dòng Cát Minh cũng đã trổ bông hạt nơi vùng đất màu mỡ này: Anne Jesus, Anna de Lobera, người được phong Chân phước hôm nay. Trong Giáo Hội thời đó, người phụ nữ này là một trong những nhân vật chính của một phong trào cải cách lớn. Chị dấn bước theo dấu chân của một ‘người vĩ đại về tinh thần’, thánh Têrêsa Avila, và đã giúp lan toả tư tưởng của ngài trên khắp Tây Ban Nha, Pháp, tại đây, ở Brussels, và ở nơi mà vào thời đó gọi là Hà Lan thuộc Tây Ban Nha.
Vào thời điểm được đánh dấu bởi những vụ bê bối đau thương, cả trong lẫn ngoài cộng đồng Ki-tô giáo, sơ và những người bạn đồng hành của mình đã mang nhiều người trở lại với đức tin nhờ vào đời sống đơn sơ khó nghèo, cầu nguyện, làm việc và bác ái. Một số người đã gọi nền móng của họ ở thành phố này là ‘nam châm thiêng liêng’.
Sơ chủ ý không để lại bản viết tay nào cho hậu thế. Thay vào đó, người nữ tu này đã đoan hứa thực hành những gì mình đã học hỏi được (x. 1Cr 15, 3), và nhờ lối sống của mình, sơ đã giúp vực dậy Giáo Hội vào thời điểm khó khăn nhất.
Chúng ta hãy đón nhận với lòng biết ơn tấm gương mà sơ đã trao gửi cho chúng ta về ‘những kiểu thức thánh thiện đầy nữ tính’ (x. Gaudete et Exultate, 12), dịu dàng nhưng mạnh mẽ. Chứng tá của sơ, cùng với chứng tá của rất nhiều anh chị em đã đi trước chúng ta, những bạn hữu và khách hành hương, không hề xa cách chúng ta: nó thật sự gần gũi, được trao phó cho chúng ta để mỗi người cũng có thế biến chứng tá đó thành của riêng mình, làm mới lại lời cam kết bước đi cùng nhau theo bước chân của Chúa.
———————————-
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Âu Châu, các thánh-nhân vật, nữ giới, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO