BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ LỄ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ : CHỈ MỘT GIÁO HỘI TỰ DO MỚI LÀ MỘT GIÁO HỘI KHẢ TÍN

Written by xbvn on Tháng Sáu 30th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Phêrô và Phaolô để lại chúng ta hình ảnh về một Giáo hội được giao phó trong tay chúng ta, nhưng được Chúa dẫn dắt cách trung tín và dịu dàng ; một Giáo hội yếu đuối, nhưng mạnh mẽ nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa ; một Giáo hội được giải thoát, vốn có thể mang lại cho thế giới sự giải thoát mà nó không thể tự ban cho mình : sự giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi cái chết, khỏi sự cam chịu, khỏi cảm giác bất công, khỏi sự mất hy vọng đang làm suy yếu cuộc sống của những người nữ và người nam trong thời đại của chúng ta […] Chúng ta có thể là những cộng tác viên của sự giải thoát này, nhưng, trước hết, chỉ khi chúng ta để cho sự mới mẻ của  Chúa Giêsu giải thoát chúng ta», Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ cho các Kitô hữu như thế trong bài giảng lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, hôm 29/6/2021.

Đức Thánh Cha cũng xác tín : « Chúng ta luôn cần được giải thoát, vì chỉ một Giáo hội tự do mới là một Giáo hội khả tín. Như Phêrô, chúng ta được mời gọi thoát khỏi cảm giác thất bại khi đối diện với việc đánh cá đôi khi yếu kém của chúng ta ; thoát khỏi nỗi sợ hãi đang làm chúng ta bất động và sợ hãi, khép kín chúng ta trong sự an toàn của mình và lấy đi khỏi chúng ta lòng can đảm ngôn sứ. Như Phaolô, chúng ta được mời gọi thoát khỏi sự giả hình của vẻ bề ngoài ; thoát khỏi cám dỗ chạy theo sức mạnh của thế gian hơn là ý thức về sự yếu đuối của mình để mở ra cho Thiên Chúa ; thoát khỏi việc tuân giữ tôn giáo làm cho chúng ta nên cứng nhắc và thiếu linh hoạt ; thoát khỏi những mối liên hệ mơ hồ với quyền lực và thoát khỏi nỗi sợ hãi bị hiểu lầm và tấn công. »

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha :

Hôm nay chúng ta mừng lễ hai vị đại Tông đồ của Tin Mừng và là hai cột trụ quan trọng của Giáo hội : Phêrô và Phaolô. Chúng ta hãy nhìn sâu sát hơn hai chứng nhân đức tin này : ở trọng tâm lịch sử của các ngài, không phải là lòng dũng cảm của các ngài, nhưng đúng hơn là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đã thay đổi cuộc đời các ngài. Các ngài đã cảm nghiệm một tình yêu chữa lành và giải thoát bản thân và đó là lý do tại sao các ngài đã trở thành những Tông đồ và những thừa tác viên giải thoát cho người khác.

Phêrô và Phaolô là những con người tự do chỉ vì các ngài đã được giải thoát. Chúng ta hãy dừng lại ở điểm trọng tâm này.

 Phêrô, một ngư phủ ở Galilê, trước tiên đã được giải thoát khỏi cảm giác thiếu khả năng và cay đắng của sự thất bại, và điều  đó đã diễn ra nhờ tình yêu vô điều kiện của Chúa Giêsu. Cho dù là một ngư phủ đầy kinh nghiệm, nhưng nhiều lần, giữa đêm tối, ngài đã cảm nếm cách cay đắng sự thất bại của việc không đánh bắt được gì (x. Lc 5,5 ; Ga 21,5) và, trước những tấm lưới trống không, ngài đã bị cám dỗ rút lại mái chèo ; cho dù mạnh mẽ và hăng hái, nhưng ngài thường bị nỗi sợ hãi chiếm lấy (x. Mt 14,30) ; cho dù là một môn đệ nhiệt huyết của Chúa, nhưng ngài đã tiếp tục lý luận theo kiểu thế gian mà không hiểu và đón nhận ý nghĩa của Thập giá của Chúa Kitô (x. Mt 16,22) ; cho dù nói là sẵn sàng hiến mạng sống vì Thầy, nhưng chỉ cần cảm thấy bị nghi ngờ là môn đệ của Người thì cũng  đủ để ngài sợ đến độ chối bỏ Thầy (x. Mc 14, 66-72).

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã yêu thương ngài cách nhưng không và đặt cuộc vào ngài. Người đã khuyến khích ngài đừng bỏ cuộc, nhưng tiếp tục thả lưới, bước đi trên nước, can đảm nhìn vào sự yếu đuổi của mình, bước theo Người trên con đường thập giá, hiến mạng sống vì anh chị em, chăn dắt đoàn chiên của Người. Như thế, Người đã giải thoát ngài khỏi nỗi sợ hãi, khỏi những tính toán chỉ dựa vào sự an toàn nhân loại mà thôi, khỏi những ưu tư trần tục, bằng cách ban cho ngài lòng can đảm để mạo hiểm tất cả, và niềm vui cảm thấy mình là ngư phủ lưới người ta. Người đã kêu gọi ngài để củng cố đức tin cho anh em mình (x. Lc 22,32). Người đã ban cho ngài – chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng – chìa khóa mở những cánh cửa dẫn đến gặp gỡ Chúa và quyền năng ràng buộc và tháo cởi : ràng buộc anh em với Chúa Kitô và tháo cởi những nút thắt và xiềng xích của cuộc đời của họ (x. Mt 16, 19).

Tất cả điều đó chỉ khả thi bởi vì – như bài đọc thứ nhất kể cho chúng ta – Phêrô trước tiên đã được giải  thoát. Những xích xiềng giam tù ngài đã bị phá vỡ và, như đã xảy ra trong đêm giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, ngài đã được yêu cầu trỗi dậy nhanh chóng, thắt đai lưng và mang giày vào để đi ra. Và Chúa mở rộng những cánh cửa trước mặt ngài (x. Cvtđ 12, 7-10). Đó là một câu chuyện mới về sự khởi đầu, về sự giải thoát, về những xích xiềng bị phá vỡ, về việc ra khỏi ngục tù. Phêrô cảm nghiệm về lễ Vượt Qua : Chúa đã giải thoát ngài.

Thánh Phaolô Tông đồ cũng cảm nghiệm được sự giải thoát của Chúa Kitô. Ngài đã được giải thoát khỏi ách nô lệ áp bức nhất, ách nô lệ của cái tôi của ngài, và của Saolô, tên của vị vua đầu tiên của Israel, ngài đã trở thành Phaolô, nghĩa là « nhỏ bé ». Ngài cũng đã được giải thoát khỏi sự nhiệt thành tôn giáo đã khiến ngài bám riết duy trì các truyền thống đã lãnh nhận (x. Gl 1,14) và mạnh mẽ bách hại các Kitô hữu. Việc dứt khoát tuân giữ tôn giáo và việc bảo vệ nó bằng lưỡi kiếm của truyền thống, thay vì mở ra cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, đã khiến ngài nên cứng nhắc. Đó là một người duy chính thống quá khích. Thiên Chúa đã giải thoát ngài khỏi điều đó. Trái lại, ngài không được miễn chuẩn khỏi nhiều yếu đuối và khó khăn, vốn đã làm cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của ngài trở nên phong nhiêu hơn : những mệt mỏi của đời tông đồ, sự đau ốm thể lý (x. Gl 4, 13-14) ; những bạo lực và những cuộc bách hại, đắm tàu, đói khát, và như chính ngài đã kể lại, một cái gai hành hạ thân xác ngài (x. 2Cr 12, 7-10).

Như thế, Phaolô đã hiểu rằng « những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh » (1Cr 1, 27), rằng chúng ta có thể chịu được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta (x. Pl 4, 13), rằng không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người (x. Rm 8, 35-39). Đó là lý do tại sao, vào cuối đời mình –Bài đọc thứ hai kể lại cho chúng ta – Phaolô có thể nói : « Chúa đã nâng đỡ tôi » và « Người sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc » (2Tm 4, 17.18). Phaolô đã cảm nghiệm về lễ Vượt Qua : Chúa đã giải thoát ngài.

Anh chị em thân mến, Giáo hội nhìn vào hai người khổng lồ của đức tin này và nhận thấy hai vị Tông đồ đã giải phóng sức mạnh của Tin Mừng cho thế giới, chỉ vì, trước tiên, các ngài đã được giải thoát nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Người đã không xét đoán các ngài, Người không hạ nhục các ngài, nhưng Người đã yêu thương và gần gũi chia sẻ cuộc sống của các ngài, bằng cách nâng đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện của Người và, đôi khi, bằng cách khiển trách các ngài để thúc đẩy các ngài thay đổi. Chúa Giêsu nói với Phêrô cách âu yếm : « Thầy đã cầu nguyện cho con, để con không mất đức tin » (Lc 22, 32) ; Người đã hỏi Phaolô : « Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại ta ? » (Cvtđ 9,4). Chúa Giêsu cũng làm như thế với chúng ta : Người đảm bảo với chúng ta về sự gần gũi của Người bằng cách cầu nguyện cho chúng ta và cầu bàu cùng Chúa Cha ; và Người khiển trách chúng ta cách nhẹ nhàng khi chúng ta sai lỗi, để chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trỗi dậy và tiếp tục hành trình.

Được Chúa chạm đến, chúng ta cũng được giải thoát. Và chúng ta luôn cần được giải thoát, vì chỉ một Giáo hội tự do mới là một Giáo hội khả tín. Như Phêrô, chúng ta được mời gọi thoát khỏi cảm giác thất bại khi đối diện với việc đánh cá đôi khi yếu kém của chúng ta ; thoát khỏi nỗi sợ hãi đang làm chúng ta bất động và sợ hãi, khép kín chúng ta trong sự an toàn của mình và lấy đi khỏi chúng ta lòng can đảm ngôn sứ. Như Phaolô, chúng ta được mời gọi thoát khỏi sự giả hình của vẻ bề ngoài ; thoát khỏi cám dỗ chạy theo sức mạnh của thế gian hơn là ý thức về sự yếu đuối của mình để mở ra cho Thiên Chúa ; thoát khỏi việc tuân giữ tôn giáo làm cho chúng ta nên cứng nhắc và thiếu linh hoạt ; thoát khỏi những mối liên hệ mơ hồ với quyền lực và thoát khỏi nỗi sợ hãi bị hiểu lầm và tấn công.

Phêrô và Phaolô để lại chúng ta hình ảnh về một Giáo hội được giao phó trong tay chúng ta, nhưng được Chúa dẫn dắt cách trung tín và dịu dàng ; một Giáo hội yếu đuối, nhưng mạnh mẽ nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa ; một Giáo hội được giải thoát, vốn có thể mang lại cho thế giới sự giải thoát mà nó không thể tự ban cho mình : sự giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi cái chết, khỏi sự cam chịu, khỏi cảm giác bất công, khỏi sự mất hy vọng đang làm suy yếu cuộc sống của những người nữ và người nam trong thời đại của chúng ta.

Chúng ta hãy tự hỏi : các thành phố của chúng ta, các xã hội của chúng ta, thế giới của chúng ta, chúng cần sự giải thoát đến mức nào ? Bao nhiêu xích xiềng cần được phá vỡ và bao nhiêu cánh cửa khép kín cần được mở ra ! Chúng ta có thể là những cộng tác viên của sự giải thoát này, nhưng, trước hết, chỉ khi chúng ta để cho sự mới mẻ của  Chúa Giêsu giải thoát chúng ta, và khi chúng ta bước đi trong sự tự do của Chúa Thánh Thần.

Hôm nay, các anh em Tổng Giám mục của chúng ta lãnh nhận dây Pallium. Dấu chỉ hiệp nhất với Phêrô này nhắc nhớ sứ mạng của người mục tử hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Chính khi hiến mạng sống mình mà người mục tử, một khi được giải thoát khỏi chính mình, sẽ trở nên dụng cụ giải thoát cho anh chị em. Hôm nay, Phái đoàn của Tòa Thượng Phụ đại kết do Hiền huynh Bartholomaios yêu quý cử đến nhân dịp này, đang ở với chúng ta : sự hiện diện đầy trân quý của anh em là một dấu chỉ hiệp nhất quý báu trên con đường giải thoát khỏi những khoảng cách đang chia rẽ đầy tai tiếng những ai tin vào Chúa Kitô.

Chúng tôi cầu nguyện cho anh em, cho các vị mục tử, cho Giáo hội, cho tất cả chúng ta : để, một khi được Chúa Kitô giải thoát, chúng ta có thể  trở nên những tông đồ mang ơn giải thoát cho toàn thế giới

Tý Linh chuyển ngữ

(theo vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31