BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
Đỉnh điểm của chuyến tông du của Đức Phanxicô đến đảo Corsica là thánh lễ được cử hành vào chiều Chúa Nhật 15/12/2024 tại quảng trường U Casone ở Ajaccio, đã quy tụ hàng ngàn tín hữu. Trong Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng này, Chúa Nhật “hãy vui mừng”, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu hãy đặt lại cho mình câu hỏi mà dân chúng đã hỏi Gioan Tẩy Giả, « Chúng tôi phải làm gì đây ? », một câu hỏi diễn tả ước muốn đổi mới thiêng liêng và sống tốt hơn. Từ đó, Đức Thánh Cha tập trung vào hai kiểu chờ đợi Đấng Mêsia : một kiểu nghi ngờ (tâm hồn khép lại), một kiểu vui tươi (tâm hồn mở ra, cho đi). Và chỉ kiểu chờ đợi trong niềm vui này mới đem lại hạnh phúc, bình an và hy vọng cho bản thân và tha nhân.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Đám đông hỏi Gioan Tẩy Giả: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3, 10). Chúng tôi nên làm gì đây? Chúng ta nên lắng nghe câu hỏi này một cách cẩn thận, vì nó diễn tả niềm khát khao một sự đổi mới thiêng liêng và một cuộc sống tốt hơn. Gioan loan báo sự xuất hiện của Đấng Mêsia được chờ đợi từ lâu, và những ai nghe lời rao giảng của ngài cần được chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này: cuộc gặp gỡ với Đấng Mêsia, cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su.
Tin Mừng của thánh Luca nói với chúng ta rằng những người tỏ bày khát khao hoán cải là ‘những người bên ngoài’. Đó không phải là những người thường được coi là thân cận nhất, những người Pharisêu và những nhà thông luật, nhưng là những người ở xa nhất, những người thu thuế, những người bị cho là tội nhân, và những binh lính đã hỏi, “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 12). Đây là một câu hỏi hay mà có lẽ mỗi người chúng ta có thể dùng để cầu nguyện trước khi đi ngủ tối nay: “Lạy Chúa, con phải làm gì để chuẩn bị tâm hồn cho lễ Giáng Sinh?” Những ai cho mình là công chính thì không được đổi mới. Trái lại, những người bị coi như là tội nhân công khai thì ước mong bỏ lại đằng sau đời sống bất chính và bạo lực trước đây để bắt đầu một cuộc sống mới. Những ai xa rời lại trở nên gần gũi bất cứ khi nào Đức Ki-tô đến gần. Gioan trả lời những người thu thuế và binh lính bằng cách thúc bách họ trở nên công bằng, ngay chính và trung thực (x. Lc 3, 13-14). Việc loan báo Chúa đến làm lay động lương tâm. Nó đặc biệt lôi cuốn người nghèo và người bị ruồng bỏ, bởi vì Chúa đến không phải để lên án nhưng là để cứu những ai lạc mất (x. Lc 15,4-32). Cách hữu hiệu nhất để mở lòng chúng ta với ơn cứu độ được Đức Giê-su đem đến, đó là trở nên ngay chính: “Lạy Chúa, con là một tội nhân”. Tất cả chúng ta ở đây hôm nay đều là những tội nhân. Hết thảy chúng ta. “Lạy Chúa, con là kẻ có tội”. Và vì thế, chúng ta đến gần Đức Giê-su trong sự thật, chứ không với vẻ hào nhoáng của sự công chính giả tạo. Thật vậy, Chúa đến chính là để cứu các tội nhân.
Đó là lý do vì sao ngày hôm nay chúng ta cũng có thể hỏi cùng một câu hỏi mà đám đông đã hỏi ông Gioan Tẩy Giả. Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy tìm được lòng can đảm để hỏi mà không sợ hãi, ‘Tôi phải làm gì đây?’, ‘Chúng ta phải làm gì đây?’ để chuẩn bị một tâm hồn khiêm nhường, đầy tin tưởng để đón Chúa đến.
Các bài đọc Thánh Kinh chúng ta đã nghe trình bày cho chúng ta hai cách khác nhau để đợi chờ Đấng Mêsia: chúng ta có thể chờ đợi với sự hoài nghi hoặc với chờ đợi trong niềm vui. Chúng ta có thể đợi chờ ơn cứu độ với hai thái độ này: hoặc là với sự hoài nghi hoặc với niềm mong đợi hân hoan. Chúng ta hãy suy tư về hai thái độ thiêng liêng này.
Thái độ đầu tiên, sự hoài nghi, chứa đầy ngờ vực và lo âu. Khi chúng ta luôn nghĩ về bản thân và những nhu cầu của mình, chúng ta sẽ đánh mất đi tinh thần vui tươi. Thay vì chờ đợi tương lai với niềm hy vọng, chúng ta lại nhìn tương lai với sự nhút nhát. Bị cuốn vào những mối bận tâm thế trần, chúng ta không còn cởi mở với những hoạt động quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta không biết cách để chờ đợi với niềm hy vọng mà Thần Khí mang lại cho chúng ta. Những lời của thánh Phaolô có thể được sử dụng như liều thuốc giải độc nhằm thức tỉnh chúng ta khỏi tình trạng mê đắm: “Anh em đừng lo lắng gì cả” (Pl 4, 6). Khi nỗi khổ sầu xâm chiếm chúng ta, nó huỷ hoại chúng ta. Nỗi đau, cả nỗi đau thể lý lẫn nỗi đau do những bi kịch gia đình gây nên, là một chuyện, nhưng nỗi khổ sầu lại hoàn toàn khác. Là người Ki-tô hữu, chúng ta không được để cho nỗi sầu khổ chiếm ngự. Hãy thôi đau buồn, thất vọng hoặc chán chường. Ngày nay, những căn bệnh thiêng liêng đó mới lan rộng làm sao, đặc biệt ở những nơi mà chủ nghĩa tiêu thụ ngự trị! Tôi đã chứng kiến rất nhiều người trên các đường phố của Rôma những ngày này đang ra ngoài mua sắm, bị xâm chiếm bởi nỗi lo của sự tiêu thụ vốn tiêu tan và làm cho anh chị em trống rỗng. Các xã hội sống trên chủ nghĩa tiêu thụ dần trở nên già cỗi; họ vẫn không thấy thoả mãn khi họ không còn biết cách để cho đi. Nếu chúng ta chỉ sống cho chính mình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được hạnh phúc. Nếu chúng ta sống như thế này (như nắm tay khép lại) và không như thế kia (bàn tay mở ra), chúng ta sẽ không hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta sống với đôi tay của mình như thế này (khép lại), thay vì dùng bàn tay đó để cho đi, giúp đỡ và chia sẻ, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Đây là một cám dỗ mà hết thảy chúng ta có thể rơi vào, mọi Ki-tô hữu, ngay cả các Linh mục, Giám mục và Hồng y, tất cả chúng ta, thậm chí cả Giáo hoàng.
Thánh Tông đồ đưa ra một phương dược hiệu quả khi ngài viết: “Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4, 6). Đức tin vào Thiên Chúa đem lại niềm hy vọng! Hội nghị vừa diễn ra ở đây tại Ajaccio đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun trồng đức tin và đánh giá cao tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân. Chúng ta hãy lấy ví dụ về việc lần hạt Mân Côi. Khi chúng ta cầm chuỗi Mân Côi lên và đọc sốt sắng, thì những lời kinh đó dạy chúng ta giữ lòng mình tập trung vào Chúa Giê-su Ki-tô qua việc sẻ chia trong ánh nhìn chiêm ngắm của Mẹ Maria. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến các Phụng Hội, vốn đã dạy chúng ta nhiều về việc phục vụ anh chị em mình cách quảng đại qua những công việc của lòng bác ái cả về thể chất lẫn tinh thần. Những hiệp hội này của người tín hữu, rất phong phú trong lịch sử, tham gia tích cực vào đời sống phụng vụ và cầu nguyện của Giáo hội, mà họ đã làm phong phú với những bài ca và lòng sùng kính bình dân. Tôi khuyến khích các thành viên của các Phụng Hội hãy trở nên hiện diện hơn bao giờ hết, đặc biệt với những ai cần đến nhất, và bằng cách này thực hành đức tin của mình qua những công việc bác ái. Các Phụng Hội đó, vốn có lòng sùng kính đặc biệt, đang hiện diện với hết mọi người, hiện diện với người thân cận của mình để giúp đỡ họ.
Điều này đưa chúng ta đến thái độ thứ hai: chờ đợi trong niềm vui. Thái độ đầu tiên là chờ đợi với sự hoài nghi. Với tôi, điều này có nghĩa là chờ đợi với đôi tay khép lại. Thái độ thứ hai là mong đợi hân hoan. Thật không dễ để vui mừng. Niềm vui Ki-tô giáo không hời hợt cũng chẳng chóng tàn, như niềm vui đến từ việc đi hội chợ. Không, chẳng phải như thế. Trái lại, đó là niềm vui bén rễ trong tâm hồn và được dựng xây trên một nền tảng vững chắc. Theo nghĩa này, ngôn sứ Xôphônia có thể nói với người nghe hãy vui mừng, vì ‘Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị Cứu Tinh, là Đấng anh hùng’ (Xp 3, 17). Tin tưởng vào Chúa, Đấng ở giữa chúng ta, ngự giữa chúng ta. Chúng ta rất thường quên điều này: Người ở giữa chúng ta khi chúng ta làm việc thiện, khi chúng ta giáo dục con cái, khi chúng ta chăm sóc người già. Tuy nhiên, Chúa không ở giữa chúng ta khi chúng ta ngồi lê đôi mách hay khi chúng ta nói xấu người khác. Người không hiện diện ở đó, chỉ chúng ta mà thôi. Việc Chúa đến mang lại ơn cứu độ: đó là lý do để chúng ta vui mừng. Thiên Chúa là ‘toàn năng’, Thánh Kinh cho chúng ta hay. Người có thể cứu chuộc cuộc đời của chúng ta bởi vì Người có thể kiện toàn những gì Người đã hứa! Niềm vui của chúng ta không phải là sự an ủi thoáng qua vốn giúp chúng ta quên đi những buồn phiền của cuộc sống. Không, đó không phải là sự an ủi thoáng qua. Niềm vui của chúng ta là hoa trái của Chúa Thánh Thần, sinh ra từ đức tin vào Đức Ki-tô Đấng Cứu Độ, Người gõ cửa tâm hồn chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi phiền muộn và tình trạng mê đắm. Sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta là nguyên do để vui mừng; nó làm cho tương lai của chúng ta tràn đầy hy vọng. Ở bên Chúa Giê-su, chúng ta khám phá được niềm vui sống đích thực và chúng ta trở nên những dấu chỉ của niềm hy vọng mà thế giới đang thiết tha kiếm tìm.
Và điều đầu tiên trong những dấu chỉ hy vọng đó chính là sự bình an. Đấng đang đến là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng ban bình an cho những người Chúa thương (x. Lc 2, 14). Và khi chúng ta chuẩn bị đón chào Chúa Giê-su trong Mùa Vọng này, ước gì các cộng đoàn của chúng ta lớn lên trong khả năng đồng hành với mọi người, đặc biệt những người trẻ đang chuẩn bị lãnh nhận Phép Rửa và các bí tích khác. Và cách đặc biệt, người già cũng như vậy. Họ là sự khôn ngoan của cả dân tộc. Chúng ta đừng quên điều đó! Và từng người chúng ta có thể tự hỏi: Tôi phản ứng với người già như thế nào? Tôi có cố gắng chăm sóc họ không? Tôi có dành thời gian với họ không? Tôi có lắng nghe họ không? “Ôi, không, câu chuyện của họ nhàm chán quá!”. Tôi có bỏ rơi người già không? Biết bao nhiêu đứa con bỏ rơi cha mẹ mình trong những nhà hưu! Tôi nhớ có lần, ở một giáo phận nọ, tôi đến thăm một viện dưỡng lão. Và ở đó có một phụ nữ có ba hay bốn người con. Tôi hỏi cô ấy: “Con cái của con ổn cả chứ?” – “Chúng rất tốt! Con có nhiều đứa cháu” – “Và chúng có đến thăm con không?” – “Vâng, chúng luôn đến”. Khi tôi rời căn phòng đó, cô y tá nói: “Họ chỉ đến mỗi năm một lần”. Nhưng người mẹ đã bao che cho những thiếu sót của con cái mình. Rất nhiều người bỏ rơi người già. Họ ước mong có được một lời chúc Giáng Sinh hay Phục Sinh qua điện thoại! Hãy chăm sóc người già; họ là sự khôn ngoan của dân tộc.
Chúng ta hãy xem những người trẻ đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và những bí tích khác. Ở Corsica, tạ ơn Chúa, họ rất nhiều! Xin chúc mừng! Tôi chưa bao giờ thấy rất nhiều trẻ em như ở đây! Đó là món quà từ Thiên Chúa! Và tôi chỉ nhìn thấy hai chú chó nhỏ. Anh chị em thân mến, hãy sinh con cái! Hãy sinh con cái! Chúng sẽ là niềm vui, sự an ủi của anh chị em trong tương lai. Tôi nói thật! Tôi chưa từng thấy rất nhiều trẻ em như thế này. Tôi chỉ thấy điều này ở Timor-Leste, chứ không nơi nào khác. Đây là niềm vui và là vinh dự của anh chị em.
Lời Chúa chẳng khi nào thất bại trong việc khích lệ chúng ta. Dẫu cho những đau khổ đang ảnh hưởng các quốc gia và dân tộc, Giáo hội vẫn loan báo một niềm hy vọng chẳng hề lay chuyển vốn không làm ta thất vọng, bởi vì Chúa đã đến và ngự giữa chúng ta. Và khi Ngài đến, những nỗ lực hoạt động vì hoà bình và công lý của chúng ta sẽ tìm được sức mạnh không bao giờ mỏi mệt.
Anh chị em quý mến, trong mọi lúc và giữa mọi buồn phiền, Đức Ki-tô vẫn hiện diện; Đức Ki-tô chính là nguồn vui của chúng ta. Ngài ở với chúng ta trong mọi nỗi khổ đau để đưa chúng ta vượt qua và ban cho chúng ta niềm vui. Chúng ta hãy luôn ủ ấp niềm vui này trong lòng mình, điều này bảo đảm rằng Đức Ki-tô ở cùng chúng ta, bước đi với chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này! Và vì thế, với niềm vui này, với sự an tâm rằng Chúa Giê-su ở cùng chúng ta, chúng ta sẽ hạnh phúc và làm cho người khác hạnh phúc. Đây phải là chứng tá của chúng ta.
———————————–
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Mùa Vọng, Phanxicô-I, Pháp
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM