BÀI GIẢNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ: “THỜI CỦA ĐẤNG BẢO TRỢ”

Written by xbvn on Tháng Năm 24th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm 23/5/2021, Đức Phanxicô mời gọi các Kitô hữu lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần để trở nên những người bảo trợ lòng thương xót, những người thông truyền sự an ủi của Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, mà để đạt tới đó không phải « bằng cách thể hiện những bài diễn văn hùng hồn, nhưng bằng cách trở nên gần gũi; không phải bằng những lời nói theo tình cảnh, nhưng bằng cầu nguyện và sự gần gũi », vốn là « những phong cách của Thiên Chúa ».

Ngài nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong « thời của Đấng Bảo Trợ ». « Đó là  thời của sự an ủi. Đó là thời của niềm vui loan báo Tin Mừng hơn là đấu tranh chống ngoại giáo. Đó là thời mang lại niềm vui của Đấng Phục Sinh, chứ không phải than phiền về bi kịch tục hóa. Đó là thời thông truyền tình yêu cho thế giới, chứ không phải chạy theo tính trần tục. Đó là thời phải làm chứng cho lòng thương xót hơn là nhồi nhét những quy luật và chuẩn mực ».

Ngài mời gọi Giáo hội theo ba lời khuyên khi sống dưới thời Chúa Thánh Thần : về tính trỗi vượt của việc sống giây phút hiện tại, tính trỗi vượt của toàn bộ hơn là bộ phận, và tính trỗi vượt của ân sủng qua việc đặt Thiên Chúa lên trên cái tôi của bản thân.

Và ngài tuyên bố : « Ngày nay, nếu chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không tập trung vào phe bảo thủ và phe cấp tiến, phe truyền thống và phe cải cách, cánh hữu và cánh tả: nếu các tiêu chí là những tiêu chí đó, thì điều đó muốn nói rằng, trong Giáo hội, người ta quên đi Chúa Thánh Thần ».

Dưới đây là toàn văn bài giảng :

« Đấng Bảo Trợ sẽ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha » (Ga 15, 26). Bằng những lời này, Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần, Hồng Ân dứt khoát, hồng ân của các hồng ân. Ngài nói về Chúa Thánh Thần bằng cách dùng một lối diễn tả đặc biệt, huyền nhiệm : Đấng Bảo Trợ. Hôm nay, chúng ta hãy đón nhận lời này, không dễ chuyển ngữ vì nó chứa đựng nhiều ý nghĩa. Về căn bản, Đấng Bảo Trợ muốn nói hai điều : Đấng An Ủi và Đấng Bào Chữa.

1. Đấng Bảo Trợ là Đấng An Ủi. Tất cả chúng ta, đặc biệt trong những lúc khó khăn, như những khó khăn mà chúng ta đang trải qua do cơn dịch bệnh, chúng ta tìm kiếm sự an ủi. Nhưng chúng ta thường chỉ cầu đến những an ủi trần thế, chóng qua, đó là những an ủi nhất thời. Hôm nay, Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự an ủi từ Trời, là Chúa Thánh Thần, “Đấng An Ủi tuyệt vời” (Ca tiếp liên). Đâu là sự khác nhau? Những an ủi trần thế thì như những thứ thuốc mê: chúng đem lại một sự giảm đau nhất thời, nhưng không chữa lành tận gốc. Chúng hoạt động ở bề mặt, trên bình diện giác quan và khó khăn ở cấp độ tâm hồn. Bởi vì duy chỉ người làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương như chúng ta là thì mới mang lại sự bình an tâm hồn. Chúa Thánh Thần, Tình Yêu của Thiên Chúa, hành động như thế: Ngài ngự xuống từ bên trong, vì Thánh Thần hoạt động trong tâm trí chúng ta. Ngài viếng thăm “cho đến tận sâu thẳm tâm hồn”, như “vị khách rất dịu hiền của tâm hồn chúng ta” (Ca tiếp liên). Ngài là chính sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng không để mặc chúng ta một mình; bởi vì ở với người cô đơn, thì đó đã là an ủi rồi.

Thưa anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy bóng tối cô đơn, nếu anh chị em mang trong tâm hồn một viên đá bóp nghẹt niềm hy vọng, nếu anh chị em mang trong tâm hồn một vết thương thiêu đốt, nếu anh chị em không tìm thấy lối thoát, thì anh chị em hãy mở ra cho Chúa Thánh Thần. Thánh Bônaventura đã viết, “ở đâu có nỗi sầu khổ lớn hơn thì Ngài mang lại một sự an ủi lớn hơn, chứ không như kiểu thế gian, lúc thịnh vượng thì an ủi và tâng bốc, nhưng lúc nghịch cảnh thì chế giễu và lên án” (Bài giảng giữa tuần bát nhật lễ Chúa Lên Trời). Thế gian hành động như thế, nhất là tinh thần thù địch, ma quỷ hành động như thế: trước tiên nó tâng bốc chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy bất khả chiến bại – những lời tâng bốc của ma quỷ làm tăng thói hư danh -, tiếp đến nó ném chúng ta xuống đất và khiến chúng ta thấy rằng chúng ta xấu xa tồi tệ: nó đùa cợt với chúng ta. Nó làm tất cả để đánh bại chúng ta, trong khi Thánh Thần của Đấng Phục Sinh muốn nâng chúng ta lên. Chúng ta hãy nhìn các Tông đồ: họ ở một mình vào sáng hôm đó, họ ở một mình và tuyệt vọng, họ khép kín vì sợ hãi, sống trong sợ hãi và có trước mắt họ mọi sự mong manh và thất bại của mình, tội lỗi của mình: họ đã chối bỏ Chúa Giêsu-Kitô. Những năm tháng đã qua với Chúa Giêsu đã không thay đổi được họ, họ vẫn cứ như thế. Rồi họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và mọi sự thay đổi: những vấn đề và những lỗi lầm vẫn như thế, thế nhưng họ không còn sợ chúng nữa, thậm chí họ không sợ những người muốn làm hại họ. Họ cảm thấy được an ủi từ bên trong và muốn thông truyền sự an ủi của Thiên Chúa ra bên ngoài. Trước đó họ sợ hãi, bây giờ họ sợ không làm chứng cho tình yêu được nhận lãnh mà thôi. Chúa Giêsu đã tiên báo điều đó: Thánh Thần “sẽ làm chứng cho Thầy. Và anh em cũng thế, anh em sẽ làm chứng” (Ga 15, 26-27).

Và chúng ta hãy tiến thêm một bước. Chúng ta cũng thế, chúng ta được mời gọi làm chứng trong Chúa Thánh Thần, trở nên những người bảo trợ, tức là những người an ủi. Vâng, Chúa Thánh Thần đòi hỏi chúng ta là hiện thân cho sự an ủi của Ngài. Làm thế nào đạt tới điều đó? Không phải bằng cách thể hiện những bài diễn văn hùng hồn, nhưng bằng cách trở nên gần gũi; không phải bằng những lời nói theo tình cảnh, nhưng bằng cầu nguyện và sự gần gũi. Chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng luôn là những phong cách của Thiên Chúa. Đấng Bảo Trợ nói với Giáo hội rằng, ngày nay, đó là  thời của sự an ủi. Đó là thời của niềm vui loan báo Tin Mừng hơn là đấu tranh chống ngoại giáo. Đó là thời mang lại niềm vui của Đấng Phục Sinh, chứ không phải than phiền về bi kịch tục hóa. Đó là thời thông truyền tình yêu cho thế giới, chứ không phải chạy theo tính trần tục. Đó là thời phải làm chứng cho lòng thương xót hơn là nhồi nhét những quy luật và chuẩn mực. Đó là thời của Đấng Bảo Trợ! Đó là thời của sự tự do của tâm hồn, trong Đấng Bảo Trợ.

2. Tiếp đến, Đấng Bảo Trợ là Đấng Bào Chữa. Trong bối cảnh lịch sử của Chúa Giêsu, người bào chữa không thực hiện các chức năng của mình như ngày nay: thay vì nói thay cho bị cáo, nói chung người ấy ở bên cạnh bị cáo và gợi ý vào tai bị cáo những lý lẽ đề tự bào chữa. Đấng Bảo Trợ hành động như thế, “Thánh Thần chân lý” (câu 26), không chiếm chỗ của chúng ta, nhưng bảo vệ chúng ta chống lại những dối trá của ma quỷ bằng cách gợi hứng cho chúng ta những tư tưởng và tâm tình. Ngài hành động cách tế nhị, không ép buộc chúng ta: Ngài đề nghị nhưng không áp đặt. Tinh thần dối trá, ma quỷ, làm ngược lại: nó tìm cách cưỡng ép chúng ta, nó muốn làm cho chúng ta tin rằng chúng ta luôn bị bó buộc phải nhượng bộ cho những gợi ý xấu xa và cho những xung động của các tật xấu. Vì thế, chúng ta hãy đón nhận ba lời khuyên điển hình của Đấng Bảo Trợ, của Đấng Bào Chữa của chúng ta. Đó là ba phương thuốc nền tảng chống lại nhiều cám dỗ ngày nay đang lan rộng.

Lời khuyên thứ nhất của Chúa Thánh Thần là: “Hãy sống giây phút hiện tại”. Hiện tại, không phải là quá khứ hay tương lai. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính trỗi vượt của hôm nay, chống lại cám dỗ để cho chúng ta bị tê liệt bởi những nỗi cay đắng và sự nhớ nhung về quá khứ, hay tập trung vào sự bấp bênh của ngày mai và khiến chúng ta bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi về tương lai. Chúa Thánh Thần nhắc cho chúng ta hồng ân hiện tại. Không có thời gian nào tốt hơn cho chúng ta: bây giờ, ở nơi mà  chúng ta là, đó là thời gian độc nhất và bất khả thay thế để làm điều thiện, để biến cuộc sống thành quà tặng. Chúng ta hãy sống giây phút hiện tại!

Rồi Đấng Bảo Trợ khuyên: “Hãy tìm kiếm toàn bộ”. Toàn bộ, chứ không phải bộ phận. Chúa Thánh Thần không khuôn đúc những cá nhân khép kín, nhưng xây dựng chúng ta với tư cách là Giáo hội trong sự khác nhau muôn hình vạn trạng của các đặc sủng, trong sự hiệp nhất vốn không bao giờ là sự đồng nhất. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính trổi vượt của toàn bộ. Chúa Thánh Thần thích hành động và mang lại sự mới mẻ hơn trong toàn bộ, trong cộng đoàn. Chúng ta hãy nhìn các Tông đồ. Họ rất khác nhau: trong số họ, chẳng hạn, có Matthêu, một người thu thuế cộng tác với người Rôma, và Simon, gọi là Nhiệt Thành, chống lại người Rôma. Có những ý tưởng chính trị đối lập, những quan điểm khác nhau về thế giới. Nhưng khi họ lãnh nhận Thánh Thần, họ học biết để không dành ưu tiên cho quan điểm nhân loại của mình, nhưng cho sự toàn bộ của Thiên Chúa. Ngày nay, nếu chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không tập trung vào phe bảo thủ và phe cấp tiến, phe truyền thống và phe cải cách, cánh hữu và cánh tả: nếu các tiêu chí là những tiêu chí đó, thì điều đó muốn nói rằng, trong Giáo hội, người ta quên đi Chúa Thánh Thần. Đấng Bảo Trợ thúc đẩy đến hiệp nhất, đến sự hòa hợp, sự hài hòa của các nét đa dạng. Ngài giúp chúng ta nhìn thấy anh chị em của chung ta như những bộ phận của cùng một Thân Thể. Chúng ta hãy tìm kiếm toàn bộ! Và kẻ thù muốn rằng tính đa dạng biến thành đối lập, đó là lý do tại sao nó biến chúng thành những ý thức hệ. Nói “không” với các ý thức hệ, nói “vâng” với sự toàn bộ.

Và, lời khuyên lớn thứ ba: “Hãy đặt Thiên Chúa lên trên cái tôi của mình”. Đó là bước quyết định của đời sống thiêng liêng, vốn không phải là một bộ sưu tập các công trạng và việc làm của chúng ta, nhưng là khiêm tốn đón nhận Thiên Chúa. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính trỗi vượt của ân sủng. Chỉ khi chúng ta trở nên trống rỗng thì chúng ta mới dành chỗ cho Chúa; chỉ khi chúng ta phó thác bản thân cho Ngài thì chúng ta mới tìm lại được chính mình; chỉ khi nghèo khó trong tâm hồn thì chúng ta mới trở nên giàu có Chúa Thánh Thần. Điều đó cũng có giá trị đối với Giáo hội. Chúng ta không cứu được ai, và ngay cả chính bản thân chúng ta bằng sức mạnh của chúng ta. Nếu ưu tiên là những dự án, những cơ cấu và những kế hoạch cải cách của  chúng ta, thì chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa chức năng, chủ nghĩa hiệu quả, chủ nghĩa chiều ngang và chúng ta sẽ không sinh hoa trái. Những thứ “chủ nghĩa” là những ý thức thức hệ chia rẽ và phân ly. Giáo hội không phải là một tổ chức nhân loại – Giáo hội là những con người, nhưng không chỉ là một tổ chức nhân loại -, Giáo hội là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mang lửa của Thánh Thần xuống trên mặt đất và Giáo hội được tái sinh bằng dầu, bằng sự nhưng không của dầu ân sủng, bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, bằng niềm vui sứ vụ, bằng vẻ đẹp đầy cảm động của sự nghèo khó. Chúng ta hãy đặt Thiên Chúa lên hàng đầu!

Lạy Chúa Thánh Thần, Lạy Thánh Thần Bảo Trợ, xin an ủi tâm hồn chúng con. Xin biến chúng con thành những nhà thừa sai của sự an ủi của Chúa, thành những người bảo trợ lòng thương xót cho thế giới. Lạy Đấng Bào Chữa chúng con, Đấng Soi Sáng dịu hiền của tâm hồn, xin làm cho chúng con từ hôm nay trở thành những chứng nhân cho Thiên Chúa, thành những ngôn sứ của sự hiệp nhất cho Giáo hội và nhân loại, thành những tông đồ dựa vào ân sủng tạo thành và đổi mới mọi sự. Amen.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31