BÀI GIẢNG LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI CỦA ĐỨC PHANXICÔ Ở ĐỀN THÁNH QUỐC GIA ŠAŠTIN, SLÔVAKIA: “TRỞ NÊN NHỮNG DẤU HIỆU BỊ NGƯỜI ĐỜI CHỐNG BÁNG”
« Và chúng ta cũng thế, bằng cách nhìn vào Đức Trinh Nữ, Mẹ Sầu Bi, chúng ta mở lòng ra cho một đức tin trở nên trắc ẩn, trở nên chia sẻ cuộc sống với những ai bị tổn thương, với những ai đau khổ và buộc phải mang những thập giá nặng nề trên vai mình. Một đức tin không trừu tượng, nhưng giúp chúng ta nhập thể và liên đới với những ai khó khăn. Đức tin này, theo phong cách của Thiên Chúa, khiêm tốn và không ồn ào, xoa dịu nỗi đau của thế giới và tưới nước ơn cứu độ cho các cánh đồng của lịch sử. »
Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế trong Thánh lễ Đức Mẹ Sầu Bi, hôm 15/9/2021, tại quảng trường Šaštin, Slôvakia, khi mời gọi các Kitô hữu « nhìn vào Đức Maria như là một mẫu gương đức tin » được thể hiện qua « ba đặc điểm » của nó là « con đường, lời ngôn sứ, và lòng trắc ẩn ».
Cũng chính trong bài giảng này, Đức Thánh Cha liên tục cảnh tỉnh đời sống đức tin của người Kitô hữu về nhiều điều như sau : « Mẹ thích sự bấp bênh của hành trình hơn là sự tiện nghi của thói quen, thích sự mệt mỏi trên đường đi hơn là sự yên tĩnh của ngôi nhà, thích rủi ro của một đức tin mạo hiểm khi trở thành quà tặng tình yêu cho tha nhân hơn là sự an toàn của một lòng đạo bình yên. » « « Anh chị em đừng dừng lại », nhưng khi Giáo hội dừng lại, Giáo hội sẽ bị bệnh, khi các Giám mục dừng lại, các ngài sẽ làm cho Giáo hội bị bệnh ; khi các Linh mục dừng lại, họ sẽ làm cho dân Thiên Chúa bị bệnh ».
« Chúng ta không thể giảm thiểu đức tin thành đường mật để làm dịu ngọt cuộc sống. Chúng ta không thể như thế. Chúa Giêsu là dấu hiệu bị người đời chống báng. » « Đứng trước Chúa Giêsu, chúng ta không thể lạnh nhạt và « chơi trò hai mặt ». Không, điều đó là không thể được. Đón nhận ngài có nghĩa là chấp nhận Ngài phơi bày những mâu thuẫn của tôi, ngẫu tượng của tôi, những nghiêng chiều về sự dữ ».
« Vấn đề không phải là thù nghịch với thế giới, nhưng là trở nên « những dấu hiệu bị người đời chống báng » trên thế giới. Những Kitô hữu vốn biết cho thấy, qua cuộc sống của mình, vẻ đẹp của Tin Mừng ; vốn là những người dệt nên đối thoại nơi đâu các lập trường trở nên cứng rắn ; vốn làm chiếu tỏa đời sống huynh đệ nơi đâu, thường là trong xã hội, người ta chia rẽ và thù nghịch lẫn nhau ». « Mẹ ở dưới chân thập giá. Mẹ không chạy trốn, không cố gắng tự cứu lấy mình, Mẹ không dùng những mưu mẹo nhân loại cũng không dùng thuốc mê tinh thần để thoát khỏi đau khổ. Đó là thử thách của lòng trắc ẩn : vẫn ở dưới chân thập giá ».
Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha :
Trong Đền thờ Giêrusalem, cánh tay của Đức Maria hướng đến cánh tay của cụ già Simêôn, ông có thể đón nhận Chúa Giêsu và nhìn nhận Ngài là Đấng Mêsia được sai đến vì phần rỗi dân Israel. Trong khung cảnh này, chúng ta chiêm ngắm Đức Maria : đó là người Mẹ ban cho chúng ta Chúa Giêsu Con của Mẹ. Đó là lý do tại sao chúng ta yêu mến và tôn kính Mẹ. Và tại Đền Thánh quốc gia Šaštin này, dân tộc Slôvakia mau mắn chạy đến với lòng tin và lòng sùng kính bởi vì họ biết rằng chính Mẹ ban cho chúng ta Chúa Giêsu. Nơi « lôgô » của chuyến Tông du này, chúng ta nhận thấy một con đường được vẽ bên trong một trái tim, ở trên đó là Thánh giá : Đức Maria là con đường dẫn chúng ta đến với Trái Tim của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì yêu thương chúng ta.
Dưới ánh sáng của Tin Mừng mà chúng ta đã nghe, chúng ta có thể nhìn vào Đức Maria như là một mẫu gương đức tin. Và chúng ta nhận thấy ba đặc điểm của đức tin : con đường, lời ngôn sứ, và lòng trắc ẩn.
Trước tiên, đức tin của Đức Maria là một đức tin lên đường. Thiếu nữ Nazareth, vừa đón nhận lời loan báo của Thiên Thần, « đã bắt đầu lên đường đến miền đồi núi » (Lc 1, 39), để đi thăm va giúp đỡ người chị họ Elisabeth. Mẹ đã không coi như là một đặc ân việc đã được kêu gọi trở nên Mẹ Đấng Cứu Độ. Mẹ đã không đánh mất niềm vui đơn sơ của lòng khiêm tốn của Mẹ bởi đã nhận được sự viếng thăm của Thiên Thần. Mẹ đã không đứng yên để chiêm ngưỡng mình giữa bốn bức tường của ngôi nhà của mình. Trái lại, Mẹ đã sống ân huệ lãnh nhận này như một sứ mạng phải thực hiện ; Mẹ đã cảm thấy đòi hỏi mở cửa và đi ra khỏi nhà ; Mẹ đã nôn nóng trao ban sự sống và thể xác qua đo Thiên Chúa muốn đạt tới mọi người để cứu độ họ bằng tình yêu của Ngài. Đó là lý do tại sao Đức Maria lên đường : Mẹ thích sự bấp bênh của hành trình hơn là sự tiện nghi của thói quen, thích sự mệt mỏi trên đường đi hơn là sự yên tĩnh của ngôi nhà, thích rủi ro của một đức tin mạo hiểm khi trở thành quà tặng tình yêu cho tha nhân hơn là sự an toàn của một lòng đạo bình yên.
Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy Đức Maria lên đường : hướng đến Giêrusalem nơi mà, cùng với thánh Giuse, bạn trăm năm của Mẹ, Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ. Và cả cuộc đời Mẹ sẽ là một cuộc tiến bước theo Con của Mẹ, như người môn đệ đầu tiên, cho đến đồi Canvê, dưới chân Thánh giá. Đức Maria luôn tiến bước.
Như thế, Đức Trinh Nữ là một mẫu gương đức tin cho dân tộc Slôvakia này : một đức tin tiến bước, luôn được thúc đẩy bởi một lòng sùng kính đơn sơ và chân thành, luôn hành hương tìm kiếm Chúa. Và, khi tiến bước, anh chị em vượt lên cám dỗ về một thứ đức tin tĩnh, vốn bằng lòng với một vài nghi lễ hay truyền thống xa xưa. Trái lại, anh chị em ra khỏi chính mình, anh chị em mang theo niềm vui và nỗi buồn trong bao bị của anh chị em, và anh chị em biến cuộc sống thành một cuộc hành hương yêu thương hướng về Thiên Chúa và anh chị em. Cảm ơn về chứng tá này ! Và xin anh chị em hãy luôn tiến bước ! Đừng dừng lại ! Và tôi muốn thêm vào một điều nữa. Tôi đã nói : « Anh chị em đừng dừng lại », nhưng khi Giáo hội dừng lại, Giáo hội sẽ bị bệnh, khi các Giám mục dừng lại, các ngài sẽ làm cho Giáo hội bị bệnh ; khi các Linh mục dừng lại, họ sẽ làm cho dân Thiên Chúa bị bệnh.
Đức tin của Đức Maria là một đức tin ngôn sứ. Qua cuộc sống của mình, thiếu nữ Nazareth là một lời ngôn sứ về công trình của Thiên Chúa trong lịch sử, về hoạt động thương xót của Ngài vốn lật đổ các lôgíc của thế gian khi nâng cao mọi kẻ khiêm nhường và hạ bệ những kẻ kiêu căng (x. Lc 1, 52). Mẹ đại diện cho tất cả « người nghèo của Giavê » kêu lên Thiên Chúa và chờ đợi Đấng Mêsia đến, Đức Maria là Nữ Tử Sion được các ngôn sứ Israel loan báo (x. Sp 3, 14-18). Đức Trinh Nữ sẽ cưu mang Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Is 7, 14). Là Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, Đức Maria là linh ảnh của ơn gọi của chúng ta : như Mẹ, chúng ta được mời gọi trở nên thánh thiện và vô nhiễm trong tình yêu (x. Êp 1, 4), bằng cách trở nên hình ảnh của Chúa Kitô.
Lời ngôn sứ của Israel đạt đến tột đỉnh nơi Đức Maria bởi vì Mẹ cưu mang trong dạ Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể, là Chúa Giêsu, Đấng thực hiện cách trọn vẹn và dứt khoát kế hoạch của Thiên Chúa. Ông Simêôn đã nói với Đức Maria về Ngài : « Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chổi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng » (Lc 2, 34).
Chúng ta đừng quên điều này : chúng ta không thể giảm thiểu đức tin thành đường mật để làm dịu ngọt cuộc sống. Chúng ta không thể như thế. Chúa Giêsu là dấu hiệu bị người đời chống báng. Ngài đã đến mang lại ánh sáng nơi nào có bóng tối, bằng cách tống khứ bóng tối và buộc nó đầu hàng. Đó là lý do tại sao bóng tối luôn chiến tranh chống lại Ngài. Ai đón nhận Chúa Kitô và mở ra cho Ngài sẽ được phục sinh ; ai khước từ Ngài thì giam hãm mình trong bóng tối và tự hủy diệt mình. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Ngài không đến để mang lại hòa bình, nhưng là gươm giáo (x. Mt 10, 34) : quả thế, Lời của Ngài, như gươm sắc hai lưỡi, đi vào cuộc sống chúng ta và tách ánh sáng khỏi bóng tối bằng cách đòi hỏi chúng ta chọn lựa. Ngài nói với chúng ta : « Hãy chọn lựa ». Đứng trước Chúa Giêsu, chúng ta không thể lạnh nhạt và « chơi trò hai mặt ». Không, điều đó là không thể được. Đón nhận ngài có nghĩa là chấp nhận Ngài phơi bày những mâu thuẫn của tôi, ngẫu tượng của tôi, những nghiêng chiều về sự dữ ; và Ngài trở nên sự phục sinh cho tôi, Đấng luôn nâng tôi lên, nắm lấy tay tôi và giúp tôi bắt đầu lại. Người luôn nâng tôi lên.
Thực sự chính từ các ngôn sứ này mà Slôvakia vẫn còn cần đến hôm nay. Các anh em Giám mục : các ngôn sứ tiến bước trên con đường này. Vấn đề không phải là thù nghịch với thế giới, nhưng là trở nên « những dấu hiệu bị người đời chống báng » trên thế giới. Những Kitô hữu vốn biết cho thấy, qua cuộc sống của mình, vẻ đẹp của Tin Mừng ; vốn là những người dệt nên đối thoại nơi đâu các lập trường trở nên cứng rắn ; vốn làm chiếu tỏa đời sống huynh đệ nơi đâu, thường là trong xã hội, người ta chia rẽ và thù nghịch lẫn nhau ; những Kitô hữu lan tỏa hương thơm tốt lành của việc đón tiếp và tình liên đới, nơi đâu thói ích kỷ cá nhân, thói ích kỷ tập thể thường thắng thế ; những Kitô hữu bảo vệ và gìn giữ sự sống nơi đâu những lôgíc của sự chết ngự trị.
Đức Maria, người Mẹ của con đường, khởi hành lên đường ; Đức Maria, Mẹ của lời ngôn sứ ; cuối cùng, Đức Maria là Mẹ của lòng trắc ẩn. Đức tin của Mẹ đầy lòng trắc ẩn. Mẹ, Đấng đã tự nhận mình là « nữ tỳ của Chúa » (x. Lc 1, 38) và, với sự ân cần quan tâm mẫu tử, lo lắng đừng để thiếu rượu ở tiệc cưới Cana (x. Ga 2, 1-12), đã chia sẻ với Con mình sứ mạng cứu độ cho đến dưới chân Thánh giá. Vào lúc đó, trong sự đau đớn xé lòng ở Canvê, Mẹ đã hiểu lời tiên tri của ông Simêôn : « Phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bàn » (Lc 2, 35). Nỗi đau khổ của người Con đang hấp hối, mang trên mình tội lỗi và đau khổ của nhân loại, cũng đâm thâu tâm hồn Mẹ. Chúa Giêsu bị xâu xé nơi thân xác mình, Con Người đau khổ bị sự dữ làm biến dạng (x. Is 53, 3) ; Đức Maria, bị xâu xé trong tâm hồn, người Mẹ đầy lòng trắc ẩn đón nhận những giọt nước mắt của chúng ta và đồng thời an ủi chúng ta, bằng cách cho chúng ta thấy trong Chúa Kitô sự chiến thắng chung cuộc.
Và Đức Trinh Nữ Sầu Bi vẫn đơn sơ ở dưới chân thập giá. Mẹ ở dưới chân thập giá. Mẹ không chạy trốn, không cố gắng tự cứu lấy mình, Mẹ không dùng những mưu mẹo nhân loại cũng không dùng thuốc mê tinh thần để thoát khỏi đau khổ. Đó là thử thách của lòng trắc ẩn : vẫn ở dưới chân thập giá. Vẫn là khuôn mặt đẫm nước mắt, nhưng với đức tin của người biết rằng nơi Con của mình, Thiên Chúa biến đổi đau khổ và chiến thắng sự chết.
Và chúng ta cũng thế, bằng cách nhìn vào Đức Trinh Nữ, Mẹ Sầu Bi, chúng ta mở lòng ra cho một đức tin trở nên trắc ẩn, trở nên chia sẻ cuộc sống với những ai bị tổn thương, với những ai đau khổ và buộc phải mang những thập giá nặng nề trên vai mình. Một đức tin không trừu tượng, nhưng giúp chúng ta nhập thể và liên đới với những ai khó khăn. Đức tin này, theo phong cách của Thiên Chúa, khiêm tốn và không ồn ào, xoa dịu nỗi đau của thế giới và tưới nước ơn cứu độ cho các cánh đồng của lịch sử.
Anh chị em thân mến, xin Chúa luôn gìn giữ anh chị em trong sự ngạc nhiên, gìn giữ cho anh chị em lòng biết ơn về hồng ân đức tin ! Và xin Đức Trinh Nữ Maria rất thánh ban cho anh chị em ân sủng để đức tin của anh chị em vẫn luôn tiến bước, để nó có hơi thở của lời ngôn sứ và là một đức tin giàu lòng trắc ẩn.
—————————————–
Lời chào cuối Thánh lễ
Anh chị em thân mến !
Bây giờ đã đến lúc rời đất nước của anh chị em. Trong Thánh lễ này, tôi đã tạ ơn Thiên Chúa đã cho phép tôi đến giữa anh chị em, và hoàn thành chuyến hành hương của tôi trong vòng tay nhiệt huyết của dân tộc của anh chị em, bằng cách cùng nhau cử hành ngày lễ tôn giáo và quốc gia trọng đại của Đấng Bổn Mạng của anh chị em là Đức Mẹ Sầu Bi.
Các anh em Giám mục thân mến, tôi hết lòng cảm ơn về tất cả sự chuẩn bị và đón tiếp. Một lần nữa tôi bày tỏ lòng biết ơn Bà Tổng thống nước Cộng hòa và các Chính quyền dân sự. Và tôi cũng cảm hơn tất cả những ai đã cộng tác qua những cách khác nhau, nhất là qua lời cầu nguyện của họ.
Tôi mang anh chị em trong trái tim tôi. Ďakujem všetkým! [Cảm ơn tất cả anh chị em !]
————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS