BÀI GIẢNG LỄ LÁ 2022 CỦA ĐỨC PHANXICÔ : CHÚNG TA BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU HAY BẢN NĂNG THÙ OÁN CỦA CHÚNG TA ?
« Chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta bước theo Thầy hay bản năng thù oán của chúng ta ? ». Đó là câu hỏi Đức Phanxicô đặt ra trong bài giảng Lễ Lá hôm 10/4/2022 tại quảng trường thánh Phêrô trước sự hiện diện của một cộng đoàn đông đảo, và đồng thời ngài kêu gọi chúng ta hãy « phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của sự dữ và của sự hối tiếc » bằng cách học biết tha thứ như Chúa Giêsu.
Không tha thứ, đó là tiếp tục đóng đinh Chúa Kitô « nơi những người mẹ đang than khóc cái chết bất công của những người chồng và con cái của mình. Ngài bị đóng đinh nơi những người tỵ nạn đang chạy trốn bom đạn cùng với con cái trong vòng tay. Ngài bị đóng đinh nơi những người cao tuổi bị bỏ mặc một mình để chết, nơi những người trẻ bị tước đoạt tương lai, nơi những người lính được sai đi đẻ giết anh em của mình. Ở đó, hôm nay Chúa Kitô bị đóng đinh ». Đó là « chúng ta đi đến chỗ phạm phải những hành động tàn ác phi lý. Chúng ta thấy điều đó trong sự điên rồ của chiến tranh, nơi Chúa Kitô một lần nữa bị đóng đinh. »
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô :
Trên đồi Can-vê, hai lối suy nghĩ xung đột nhau. Quả thế, trong Tin Mừng, những lời của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trái ngược với những lời của những người đóng đinh Ngài. Những người này lặp đi lặp lại cùng một điệp khúc : « Hãy tự cứu lấy mình đi ». Các thủ lãnh nói như thế : « Hắn hãy tự cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là Người được tuyển chọn ! » (Lc 23, 35). Các binh lính cũng lặp lại điều đó : « Nếu ông là vua dân Do Thái, thì hãy tự cứu lấy mình đi ! » (c. 37). Và cuối cùng, một trong những tên gian phi nghe được, đã lặp lại ý tưởng này : « Ông không phải là Đấng Kitô sao ? ông hãy tự cứu lấy mình đi ! » (c.39). Tự cứu lấy mình, chăm lo cho bản thân mình, nghĩ đến mình ; không nghĩ đến người khác, nhưng chỉ nghĩ đến sức khỏe của mình, thành công của mình, lợi ích của mình ; đến của cải, quyền lực, vẻ bề ngoài. Hãy tự cứu lấy mình đi : đó là điệp khúc của nhân loại đã đóng đinh Chúa. Chúng ta hãy nghĩ về điều đó.
Nhưng đối lại não trạng của cái tôi là lối suy nghĩ của Thiên Chúa ; não trạng « hãy tự cứu lấy mình đi » vấp phải Đấng Cứu Độ trao hiến chính mình. Trong Tin Mừng hôm nay trên đồi Can-vê, Chúa Giêsu cũng lên tiếng ba lần như những kẻ thù nghịch của Ngài (x. cc. 34.43.46). Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, Ngài không đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình ; Ngài thậm chí không tự bào chữa và không biện minh cho mình. Ngài cầu xin Chúa Cha và tỏ lòng thương xót đối với người trộm lành. Đặc biệt, một trong những cách diễn đạt của Ngài đánh dấu sự khác biệt với não trạng hãy tự cứu lấy mình đi : « Lạy Cha, xin tha cho họ » (c. 34).
Chúng ta hãy dừng lại ở những lời này. Chúa nói chúng khi nào ? Ở một thời điểm rất cụ thể : lúc bị đóng đinh, khi Ngài cảm thấy những chiếc đinh xuyên qua cổ tay và bàn chân của mình. Hãy thử tưởng tượng sự đau đớn tàn khốc mà điều đó đã gây ra. Ở đó, trong cơn đau đớn thể lý dữ dội nhất của cuộc thương khó, Chúa Kitô đã xin tha thứ cho những người đâm thủng Ngài. Vào lúc này, người ta sẽ chỉ muốn hét lên tất cả sự tức giận và đau khổ của mình ; thay vào đó, Chúa Giêsu nói : Lạy Cha, xin tha cho họ. Trái với những vị tử đạo khác mà Thánh Kinh nói đến (x. 2Mc 7, 18-19), Ngài không quở trách những kẻ hành hình hay đe dọa trừng phạt nhân danh Thiên Chúa, nhưng Ngài cầu nguyện cho những kẻ độc ác. Bị đóng vào giá treo của sự sỉ nhục, Ngài gia tăng cường độ của sự trao hiến (don), vốn trở thành sự tha thứ (par-don).
Anh chị em thân mến, hãy nghĩ rằng Thiên Chúa cũng làm như vậy với chúng ta: khi chúng ta làm tổn thương Ngài bằng hành động của mình, Ngài đau khổ và chỉ có một ước muốn duy nhất : có thể tha thứ cho chúng ta. Để nhận ra điều đó, chúng ta hãy nhìn vào Đấng chịu đóng đinh. Chính từ vết thương của Ngài, từ những tổn thương đau đớn do những cái đinh của chúng ta gây ra, mà sự tha thứ nảy sinh. Hãy nhìn vào Chúa Giêsu trên thập giá và hãy suy niệm về sự kiện rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được những lời tốt hơn : Lạy Cha, xin tha thứ. Hãy nhìn vào Chúa Giêsu trên thập giá và nhận ra rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một cái nhìn dịu dàng và trắc ẩn hơn. Hãy nhìn vào Chúa Giêsu trên thập giá và nhận thấy rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một vòng tay yêu thương hơn thế. Hãy nhìn vào Đấng chịu đóng đinh và nói : « Cảm ơn Chúa Giêsu : Chúa yêu thương con và luôn tha thứ cho con, ngay cả khi con cảm thấy khó khăn để yêu thương và tha thứ cho chính mình ».
Ở đó, khi người ta đóng đinh Ngài, vào thời điểm khó khăn nhất, Chúa Giêsu đã sống giới răn khó nhất : yêu thương kẻ thù. Chúng ta hãy nghĩ đến ai đó đã làm tổn thương, xúc phạm, làm cho chúng ta thất vọng ; ai đó đã khiến chúng ta tức giận, đã không hiểu chúng ta hay không nêu gương tốt. Biết bao nhiêu lần chúng ta vẫn nghĩ đến những người đã làm tổn hại chúng ta ! Cũng như chúng ta vẫn nhìn vào bên trong chính mình và liếm các vết thương mà những người khác, cuộc sống, lịch sử đã gây ra cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng dừng lại ở đó, nhưng là phản ứng. Phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của sự dữ và sự hối tiếc. Phản ứng lại những chiếc đinh của cuộc sống bằng tình yêu, những đòn thù bằng sự dịu dàng tha thứ. Nhưng chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta bước theo Thầy hay bản năng thù oán của chúng ta ? Đó là một câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra : chúng ta bước theo Thầy hay chúng ta nghe theo bản năng thù oán của chúng ta ? Nếu chúng ta muốn xác thực chúng ta thuộc về Chúa Kitô, thì chúng ta hãy nhìn cách chúng ta đối xử với những người đã làm tổn thương chúng ta. Chúa yêu cầu chúng ta đáp lại, không phải theo bản năng của chúng ta, hay như mọi người làm, nhưng như Ngài đã làm với chúng ta. Ngài yêu cầu chúng ta phá vỡ dây chuyền « tôi yêu bạn nếu bạn yêu tôi ; tôi là bạn của bạn nếu bạn là bạn của tôi ; tôi giúp bạn nếu bạn giúp tôi ». Không, lòng trắc ẩn và lòng thương xót cho tất cả mọi người, vì Thiên Chúa nhìn thấy một người con nơi mỗi người. Ngài không phân chia chúng ta thành tốt và xấu, bạn và thù. Chính chúng ta làm điều đó, đang làm cho Ngài đau khổ. Đối với Ngài, tất cả chúng ta đều là những người con yêu quý, mà Ngài muốn ôm lấy và tha thứ. Và cũng như thế trong lời mời dự tiệc cưới của người con của mình, ông chủ này sai các đầy tớ đến các ngã đường và nói : « Hãy đưa đến tất cả họ, trắng, đen, tốt và xấu, tất cả, khỏe mạnh, đau ốm, tất cả… » (x. Mt 22, 9-10). Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người, không có đặc ân đặc quyền trong lãnh vực này. Tất cả mọi người. Đặc ân của mỗi người chúng ta là được yêu thương, được tha thứ.
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Tin Mừng nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu « đã nói » (c.34) điều này : Ngài đã không nói điều đó một lần cho tất cả vào lúc chịu đóng đinh, nhưng Ngài đã trải qua hàng giờ trên thập giá với những lời này trên môi miệng và trong tâm hồn. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để tha thứ. Chúng ta phải hiểu điều đó, không chỉ bằng trí tuệ của chúng ta, nhưng còn hiểu điều đó bằng trái tim : Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để tha thứ, chính chúng ta mới mệt mỏi khi xin Ngài tha thứ, nhưng Ngài không bao giờ mệt mỏi để tha thứ. Ngài không chịu đựng đến một điểm nào đó để tiếp đến đổi ý, như chúng ta thường làm. Tin Mừng Luca dạy : Chúa Giêsu đã đến trong thế gian để mang lại cho chúng ta ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta (x. lc 1, 77), và cuối cùng Ngài đã ban cho chúng ta một chỉ dẫn rõ ràng : loan báo cho mọi người ơn tha thứ tội lỗi nhân danh Ngài (x. Lc 24, 47). Anh chị em thân mến, chúng ta đừng mệt mỏi về sự tha thứ của Thiên Chúa : chúng ta những linh mục, đừng mệt mỏi trao ban nó, mỗi Kitô hữu, đừng mệt mỏi đón nhận nó và làm chứng cho nó. Chúng ta đừng mệt mỏi về sự tha thứ của Thiên Chúa.
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Chúng ta hãy lưu ý một điều nữa. Chúa Giêsu không chỉ cầu xin sự tha thứ, nhưng Ngài cũng đưa ra lý do cho điều đó : xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Điều đó là thế nào ? Những người đóng đinh Ngài đã lên kế hoạch cho cái chết của Ngài, tổ chức việc bắt giữ Ngài, các cuộc xét xử, và giờ đây họ đang ở trên đồi Can-vê để chứng kiến sự kết thúc của Ngài. Tuy nhiên, Chúa Kitô biện hộ cho những người hung bạo này bởi vì họ không biết. Chính như thế mà Chúa cư xử với chúng ta : Ngài trở thành người biện hộ cho chúng ta. Ngài không chống lại chúng ta, nhưng ủng hộ chúng ta và chống lại tội lỗi. Và lập luận mà Ngài sử dụng là rất thú vị : vì họ không biết, chính sự thiếu hiểu biết của trái tim mà tất cả chúng ta, với tư cách là tội nhân, đều có. Khi chúng ta sử dụng bạo lực, chúng ta không còn biết gì về Thiên Chúa là Cha, hay về những nguời khác là anh em. Chúng ta quên đi tại sao chúng ta có mặt trên thế giới, và chúng ta đi đến chỗ phạm phải những hành động tàn ác phi lý. Chúng ta thấy điều đó trong sự điên rồ của chiến tranh, nơi Chúa Kitô một lần nữa bị đóng đinh. Vâng, Chúa Kitô một lần nữa bị đóng đinh vào thập giá nơi những người mẹ đang than khóc cái chết bất công của những người chồng và con cái của mình. Ngài bị đóng đinh nơi những người tỵ nạn đang chạy trốn bom đạn cùng với con cái trong vòng tay. Ngài bị đóng đinh nơi những người cao tuổi bị bỏ mặc một mình để chết, nơi những người trẻ bị tước đoạt tương lai, nơi những người lính được sai đi đẻ giết anh em của mình. Ở đó, hôm nay Chúa Kitô bị đóng đinh.
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Nhiều người nghe câu nói lạ lùng này, nhưng chỉ một người đón nhận nó. Đó là một kẻ gian phi, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng lòng thương xót của Chúa Kitô đã khơi dậy nơi anh ta niềm vọng cuối cùng và khiến anh thốt ra những lời này : « Ông Giêsu ơi, xin nhớ đến tôi » (Lc 23, 42). Như thể anh ta đã nói : « Tất cả mọi người đã quên tôi, nhưng Ngài, Ngài cũng nghĩ đến những ai đóng đinh Ngài. Vì thế, với Ngài, cũng có chỗ cho tôi ». Người trộm lành đã đón nhận Thiên Chúa vào lúc mà cuộc đời của anh hoàn tất và như thế cuộc sống của anh bắt đầu một lần nữa ; trong hỏa ngục của thế gian, anh thấy thiên đàng được mở ra : « Hôm nay, anh sẽ ở với Ta trên Thiên Đàng » (c. 43). Đây là phép lạ của sự tha thứ của Thiên Chúa, biến lời thỉnh cầu cuối cùng của một con người bị kết án tử hình thành sự phong thánh đầu tiên trong lịch sử.
Anh chị em thân mến, tuần này chúng ta đón nhận niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi. Thiên Chúa tha thứ cho tất cả mọi người, Ngài có thể tha thứ cho mọi khoảng cách, thay đổi mọi khúc ai ca thành vũ điệu (x. Tv 30, 12) ; niềm xác tín rằng với Chúa Kitô luôn có chỗ cho tất cả mọi người ; rằng với Chúa Giêsu không bao giờ kết thúc, không bao giờ quá muộn. Với Thiên Chúa, chúng ta luôn có thể hồi sinh. Can đảm lên, chúng ta hãy tiến bước đến lễ Phục Sinh với ơn tha thứ của Ngài. Bởi vì Chúa Kitô liên tục cầu bầu cùng Chúa Cha cho chúng ta (x. Dt 7, 25) và, khi nhìn vào thế giới bạo lực của chúng ta, thế giới bị tổn thương của chúng ta, Ngài không bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại – và giờ đây chúng ta làm như thế trong tâm hồn chúng ta, trong thinh lặng – lặp đi lặp lại : Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.
————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Hòa-bình, Mùa-Chay, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO