BÀI GIẢNG LỄ LÁ 2025: “VÁC THÁNH GIÁ CỦA CHÚA KITÔ LÀ CÁCH CỤ THỂ NHẤT ĐỂ CHIA SẺ TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA NGƯỜI”

Written by xbvn on Tháng Tư 14th, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Năm C, Tâm linh, Thế Giới

Vào Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 13/4/2025, mở đầu cho Tuần Thánh, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu mang thánh giá: không phải quanh cổ, nhưng trong tâm hồn. Suy niệm về hình ảnh Simon Kyrênê trong bài giảng do Đức Hồng y Leonardo Sandri đọc, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng việc vác thánh giá của Chúa Kitô không bao giờ là vô ích, “ngược lại, đó là cách cụ thể nhất để chia sẻ tình yêu cứu độ của Người”.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô :

Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Lc 19, 38). Đó là lời đám đông tung hô Đức Giêsu khi Ngài tiến vào thành Giêrusalem. Đấng Mêsia tiến qua cửa thành thánh, được mở rộng để đón chào Đấng mà chỉ sau đó một vài ngày sẽ rời khỏi thành qua chính cánh cổng ấy, lần này thì bị nguyền rủa và kết án, vác thập giá.

Hôm nay, chúng ta cũng đã bước theo Đức Giêsu, trước hết trong một cuộc rước đầy hân hoan và sau đó dọc theo con đường đau thương và bi ai, khi chúng ta bước vào Tuần Thánh này, thời gian chuẩn bị cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Khi chúng ta nhìn vào những gương mặt của của quân lính và nước mắt của những người phụ nữ trong đám đông, chúng ta chú ý đến một người vô danh mà tên của ông đột nhiên xuất hiện trong Tin Mừng: Simon miền Kyrênê. Ông là người đã bị quân lính tóm lấy, “đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su” (Lc 23, 26). Vào lúc đó, ông đang từ miền quê lên. Tình cờ đi ngang qua, ông bất ngờ bị vướng vào một bi kịch vượt quá sức mình, tựa như thanh gỗ nặng trĩu được đặt trên vai ông.

Khi tiến bước lên đồi Canvê, chúng ta hãy suy tư một chút về hành động của Simon, cố gắng nhìn vào cõi lòng của ông, và dõi bước theo dấu chân của ông bên cạnh Đức Giêsu.

Trước hết, hành động của Simon có chút mâu thuẫn. Một đàng, ông bị buộc vác lấy thập giá. Ông không giúp Đức Giêsu vì xác tín, nhưng vì ép buộc. Đàng khác, sau đó ông lại vừa trực tiếp dính dáng vào cuộc khổ nạn của Chúa. Thập giá của Đức Giêsu trở thành thập giá của Simon. Ông không phải là Simon, gọi là Phêrô, người đã hứa theo Thầy mọi lúc. Simon ấy đã biến mất vào đêm phản bội, ngay sau khi thốt lên: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22, 33). Kẻ bước theo Đức Giêsu lúc này không phải là người môn đệ ấy, nhưng là người từ miền Kyrênê. Tuy nhiên, Thầy đã dạy rõ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Simon miền Galilê đã nói mà không làm. Simon gốc Kyrênê làm nhưng không nói. Giữa ông và Đức Giêsu, không có cuộc đối thoại nào; cũng chẳng có lời nào được nói ra. Giữa ông và Đức Giêsu, chỉ có thanh gỗ của thập giá.

Nếu chúng ta muốn biết liệu Simon miền Kyrênê đã giúp đỡ hay căm ghét Đức Giêsu, mà giờ đây ông phải chia sẻ nỗi đau khổ của Ngài, liệu ông đã ‘vác’ thập giá Chúa hay chỉ mang lấy nó, thì chúng ta phải nhìn vào cõi lòng của ông. Trong khi trái tim của Thiên Chúa luôn mở ra, bị đâm thâu bởi nỗi đau vốn biểu lộ lòng thương xót của Ngài, thì trái tim con người vẫn đóng lại. Chúng ta không biết điều gì đang diễn ra trong lòng của Simon. Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của ông: liệu chúng ta cảm thấy tức giận hay thương xót, trắc ẩn hay bực bội? Khi chúng ta nghĩ về những gì mà Simon đã làm cho Đức Giêsu, chúng ta cũng nên nghĩ về những gì mà Đức Giêsu đã làm cho Simon – những gì Ngài đã làm cho tôi, cho anh chị em, cho mỗi một chúng ta: Ngài đã cứu chuộc thế gian. Thập giá gỗ mà Simon miền Kyrênê vác lấy chính là thập giá của Đức Kitô, Đấng đã mang lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại. Ngài gánh lấy tội lỗi vì yêu thương chúng ta, trong sự vâng phục Chúa Cha (x. Lc 22, 42); Ngài chịu đau khổ với chúng ta và vì chúng ta. Bằng cách lạ lùng và bất ngờ này, Simon miền Kyrênê trở nên một phần của lịch sử cứu độ, nơi không ai là kẻ xa lạ, không ai là người ngoài cuộc.

Chúng ta hãy bước theo những dấu chân của Simon, vì ông dạy chúng ta rằng Đức Giêsu đến để gặp gỡ mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Khi chúng ta thấy đám đông dân chúng, cả nam và lẫn nữ, mà sự thù ghét và bạo lực đang thúc ép họ bước đi trên con đường tiến lên đồi Canvê, chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã làm cho con đường này trở thành một nơi cứu chuộc, vì chính Ngài đã bước đi trên con đường này, trao ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Có biết bao nhiêu Simon miền Kyrênê ngày hôm nay, đang vác thập giá của Đức Kitô trên vai mình! Chúng ta có thể nhận ra họ không? Chúng ta có thể nhìn thấy Chúa nơi khuôn mặt của họ, bị hằn sâu bởi gánh nặng của chiến tranh và thiếu thốn không? Đối diện với bất công khủng khiếp của sự dữ, chúng ta chẳng bao giờ vác lấy thập giá của Đức Kitô một cách vô ích; trái lại, đó chính là cách cụ thể nhất để chúng ta sẻ chia tình yêu cứu chuộc của Ngài.

Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trở nên lòng thương xót bất cứ khi nào chúng ta chìa tay ra với những ai đang cảm thấy không thể tiếp tục, khi chúng ta nâng dậy những ai đã quỵ ngã, khi chúng ta ôm lấy những ai đang nản lòng. Thưa anh chị em, để cảm nghiệm phép lạ lớn lao này của lòng thương xót, chúng ta hãy quyết định cách mà chúng ta muốn mang lấy thập giá của mình trong Tuần Thánh này: nếu không ở trên vai chúng ta, thì ở trong lòng chúng ta. Và không chỉ là thập giá của mình, nhưng còn là thập giá của hết thảy những ai đang đau khổ chung quanh chúng ta nữa; có thể ngay cả thập giá của người nào đó không quen biết mà tình cờ – nhưng liệu nó có thực sự là tình cờ? – được đặt vào con đường của chúng ta. Chúng ta hãy chuẩn bị cho mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa bằng cách từng người trở thành một Simon Kyrênê cho nhau.

———————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30